Wednesday, April 28, 2010

Bài Diễn Văn của Steve Jobs

Bài diễn văn của Steve Jobs trong buổi lễ phát bằng tốt nghiệp tại Đại học Stanford.
Ông Steve Jobs là CEO và cũng là người đồng sáng lập (co-founder) ra hãng Apple ở Silicon Valley. 
.
..............
.....
.......

"Tôi rất vinh dự được có mặt tại lễ phát bằng tốt nghiệp của các bạn ngày hôm nay tại một trường đại học danh giá bậc nhất thế giới. Tôi chưa bao giờ có bằng tốt nghiệp đại học.
Nói một cách trung thực nhất thì thực ra, tôi chưa bao giờ học đại học. Ngày hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn nghe ba câu truyện đã từng xẩy ra trong cuộc đời tôi. Chỉ như vậy thôi, không có gì to lớn, chỉ đơn giản là ba câu truyện.
....
Câu chuyện thứ nhất là về việc liên quan đến những dấu chấm (connecting the dots).
 ...
Tôi đã bỏ học chỉ sau sáu tháng theo học trường cao đẳng Reed, tôi lưu lại đó tạm thời trong vòng 18 tháng nữa trước khi tôi chính thức rời trường Reed.
.....
Tại sao tôi lại bỏ học?
.....
Tôi đã bắt đầu điều đó khi tôi mới được sinh ra. Mẹ ruột của tôi là một nữ sinh viên trẻ, độc thân và bà đã quyết định cho tôi đi làm con nuôi. Bà thực sự muốn tôi được làm con nuôi của những người đã tốt nghiệp đại học. Vì thế, tất cả mọi chuyện đã được sắp đặt để tôi trở thành con nuôi của một cặp vợ chồng luật sư. Tuy nhiên, tất cả chuyện đó đã bị thay đổi ở phút cuối cùng khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời, họ đã đổi ý và muốn nhận một đứa bé gái làm con nuôi chứ không phải tôi.
......
Chính vì thế, bố mẹ nuôi của tôi hiện giờ đã nhận được một cú điện thoại vào lúc nửa đêm hỏi có muốn nhận tôi, một đứa bé trai được sinh ra không mong đợi, làm con nuôi hay không. Bố mẹ tôi đã trả lời rằng tất nhiên rồi. Tuy nhiên, sau đó, mẹ ruột của tôi biết được mẹ nuôi tương lai của tôi chưa tốt nghiệp đại học và bố nuôi của tôi chưa tốt nghiệp trung học, bà đã từ chối ký vào giấy tờ giao nhận con nuôi. Một vài tháng sau bà mới đồng ý khi bố mẹ nuôi của tôi hứa sẽ cho tôi đi học đại học.
......
17 năm sau, tôi cũng vào đại học, nhưng tôi đã rất ngây thơ khi chọn một trường đại học danh giá ngang hàng với Stanford. Tất cả tiền tiết kiệm của bố mẹ tôi đã phải dành để đóng học phí cho tôi. Sau sáu tháng, tôi chẳng thấy được ích lợi gì của việc học đại học. Tôi chẳng có một câu trả lời nào về việc tôi sẽ làm gì với cuộc đời của mình và cũng chẳng tin rằng trường đại học có thể giúp tôi trả lời câu hỏi đó. Tôi đã tiêu tất cả tiền tiết kiệm của bố mẹ tôi dành dụm phòng khi về hưu vào trường đại học. Vì vậy tôi đã quyết định bỏ học và tin tưởng rằng rồi mọi chuyện cũng sẽ tốt đẹp thôi. Tại thời điểm đó, mọi việc dường như có vẻ rất khó khăn nhưng khi nhìn lại, tôi lại thấy rằng đó là một quyết định đúng đắn nhất của tôi. Giây phút mà tôi bỏ học, tôi đã từ bỏ những môn học mà tôi không hề thích, thay vào đó, tôi bắt đầu tìm hiểu những môn học khác có vẻ như thú vị hơn rất nhiều.
......
Mọi chuyện không diễn ra nhẹ nhàng một chút nào. Tôi không có phòng trọ vì thế, tôi phải ngủ nhờ dưới sàn nhà trong phòng trọ của các bạn tôi. Tôi kiếm tiền mua đồ ăn bằng 5$, tiền công trả lại các chai Coca-cola và mối tuần tôi đi bộ 7 dặm qua phía bên kia thành phố để có được một bữa ăn ngon ở trại Hare Krishna. Tôi rất thích những món ăn ở đó. Sau này, tôi mới biết được rằng những gì mà tôi đã phải trải qua khi cố gắng theo đuổi niềm đam mê của mình là vô giá. Tôi sẽ lấy một ví dụ cho các bạn:
.....
Có lẽ ở thời điểm đó, trường Reed là trường duy nhất của cả nước giới thiệu nghệ thuật viết chữ đẹp. Ở tất các các khu học xá, tất cả các poster, tiêu đề của tất cả các tranh vẽ đều được viết tay rất đẹp. Vì tôi đã thôi học và không phải tham gia vào những khóa học bắt buộc thông thường nên tôi đã quyết định tham gia khóa học nghệ thuật viết chữ đẹp. Tôi học cách viết các chữ có nét ở chân, những biến đổi về khoảng cách giữa các nét chữ, học cách trình bầy một bản in lớn sao cho đẹp. Tôi nhận thấy rằng đây là một môn học mang tính nghệ thuật, lịch sử và đẹp một cách tinh vi mà khoa học không thể làm được.
...
Những thứ đó dường như chẳng có ý nghĩa thực tế gì cho cuộc sống của tôi. Tuy nhiên, 10 năm sau này, khi chúng tôi đang thiết kế thế hệ đầu tiền của máy tính Machintosh, tất cả những điều đó dường như lại trở lại với tôi và chúng tôi đã thiết kế để cài đặt tất cả những mẫu chữ đó vào máy tính, Machintosh là máy tính đầu tiên có những mẫu chữ nghệ thuật rất đẹp. Nếu như tôi không tham gia vào khóa học đó ở trường thì Mac sẽ chẳng bao giờ có nhiều phông chữ như vậy. Kể từ khi Windows copy những mẫu chữ đó của Mac thì không có một máy tính cá nhân nào không có những phông chữ đó. Nếu tôi không bỏ học và không tham gia vào khóa học viết chữ đẹp thì tất cả các máy tính cá nhân bây giờ có thể chẳng có được chúng. Tất nhiên là khi tôi đang ở trường đại học thì tôi không thể kết nối những điểm mốc đó khi nó còn đang ở tương lai phía trước. Nhưng 10 năm sau thì những điều đó rất, rất rõ ràng.
.....
Một lần nữa tôi muốn nói với các bạn rằng, chúng ta không thể biết những điểm mốc có nối kết với nhau trong tương lai không, các bạn chỉ có thể biết những điều đó khi nhìn lại mà thôi. Vì thế, các bạn hãy tin tưởng rằng, theo một cách nào nó, những điểm mốc sẽ nối kết với nhau trong tương lai của bạn. Các bạn cũng cần phải tin vào một số thứ khác như: sự quyết tâm, vận mệnh, cuộc sống, nhân quả hoặc bất cứ cái gì. Phương pháp đó chưa bao giờ làm tôi thất vọng và nó đã tạo ra những thay đổi trong cuộc sống của tôi.
.....
Câu chuyện thứ hai của tôi là về tình yêu và sự mất mát.
....
Tôi đã rất may mắn khi tôi đã muốn bắt đầu làm việc từ rất sớm. Woz và tôi đã bắt đầu những trang đầu tiên cho lịch sử của Apple trong gara của bố mẹ tôi khi tôi mới 20 tuổi.
.....
Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ để sau 10 năm, từ chỗ chỉ có 2 người, trong cái gara bé nhỏ, Apple đã phát triển thành một công ty trị giá 2 tỷ đô la Mỹ với hơn 4000 nhân viên. Một năm trước đây, chúng tôi vừa mới bỏ đi sáng tạo đầu tiên của mình, máy tính Macintosh và tôi vừa mới bước sang tuổi 30. Sau đó, tôi bị sa thải. Làm sao mà bạn lại có thể bị sa thải bởi một công ty mà bạn đã sáng lập ra nó ? Oh, khi mà Apple đã phát triển lớn hơn, tôi đã thuê một người mà tôi đánh giá là có khả năng cùng tôi lãnh đạo công ty.
.....
Khoảng một năm gì đó, tình hình có vẻ rất khả quan. Nhưng sau đó, quan điểm của chúng tôi về tương lai bắt đầu khác nhau, thậm chí chúng tôi còn trở nên bất hòa. Khi có mối bất hòa đó xẩy ra giữa chúng tôi, hội đồng quản trị đã đứng về phía anh ta, và tôi, ở tuổi 30, đã bị sa thải một cách rất rõ ràng. Những điều mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời đã biến mất, chúng đã bị phá hủy.
.....
Trong một vài tháng, tôi đã thực sự chẳng biết phải làm cái gì. Tôi cảm giác rằng mình đã làm cho những thế hệ đi trước tôi thất vọng và rằng tôi đã đánh rơi lá cờ khi nó đã được chuyền đến tay tôi. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce, cố gắng xin lỗi cho việc cư xử không hay của mình. Tôi đã thua một cách rõ ràng và thậm chí, tôi đã có ý định bỏ cuộc. Nhưng có một cái gì đó bắt đầu chậm chậm sáng lên trong tôi. Tôi vẫn rất yêu quý những gì tôi đã tạo ra. Sự việc xẩy ra ở Apple có thay đổi tình yêu đó một chút nhưng trong tôi, tình yêu ấy vẫn còn. Chính vì thế, tôi đã quyết định bắt đầu lại.
.....
Ngay lúc đó tôi không nhận thấy, nhưng sau này, tôi mới biết rằng việc tôi bị Apple sa thải hóa ra lại là một việc tốt đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Gánh nặng của sự thành công đã được thay thế bằng ánh sáng của sự bắt đầu mới tuy không có điều gì chắc chắn. Tôi đã để cho mình tự do bước vào một quãng đời đầy những sáng tạo của cuộc đời mình.
.....
Trong khoảng 5 năm sau đó, tôi đã bắt đầu xây dựng công ty NeXT và một công ty khác tên là Pixar. Tôi gặp và đã yêu một người phụ nữ tuyệt vời, chính là vợ tôi sau này. Pixar đã sáng tạo ra phim truyện hoạt hình máy tính đầu tiên trên thế giới, câu chuyện đồ chơi. Hiện tại, nó đã trở thành xưởng phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới. Một sự kiện thay đổi đáng ghi nhớ đã xẩy ra khi Apple mua NeXT, tôi trở lại Apple, những kỹ thuật mà NeXT đã phát triển trở thành nguồn sinh khí cho thời kỳ phục hồi của Apple.
....
Tôi và Laurene cũng có một gia đình hạnh phúc.
....
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tất cả những điều đó sẽ chẳng bao giờ xẩy ra nếu tôi không bị Apple sa thải. Đó là một viên thuốc đắng nhưng tôi chắc bệnh nhân sẽ rất cần đến nó.
.....
Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình đánh ngã bạn. Nhưng hãy đừng mất lòng tin. Tôi biết chắc chắn rằng, điều duy nhất đã giúp tôi tiếp tục bước đi chính là tình yêu của tôi dành cho những gì tôi đã làm. Các bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu quý. Điều đó luôn đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc sẽ chiếm phấn lớn cuộc đời bạn và cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy làm những việc mà bạn tin rằng đó là những việc tuyệt vời. Và cách để tạo ra những công việc tuyệt vời là bạn hãy yêu việc mình làm.
....
Nếu như các bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng bỏ cuộc bởi vì bằng trái tim bạn, bạn sẽ biết khi bạn tìm thấy nó. Và cũng sẽ giống như bất kỳ một mối quan hệ nào, nó sẽ trở nên tốt dần lên khi năm tháng qua đi. Vì vậy hãy cố gắng tìm kiếm cho đến khi nào bạn tìm ra được tình yêu của mình, đừng từ bỏ.
....
Câu chuyện thứ ba của tôi là về cái chết.
.....
Khi tôi 17 tuổi, tôi đã đọc được một câu châm ngôn như sau: Nếu bạn sống mỗi ngày đều như ngày cuối cùng của cuộc đời mình, một ngày nào đó bạn sẽ hoàn toàn tin tưởng rằng bạn đã đúng. Câu châm ngôn đó đã để lại ấn tượng rất sâu trong tôi và kể từ đó, trong suốt 33 năm qua, tôi luôn nhìn vào gương mỗi buổi sáng và tự hỏi mình : nếu ngày hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời tôi, tôi sẽ muốn làm gì và tôi chuẩn bị làm gì hôm nay? Và nếu trong nhiều ngày, câu trả lời vẫn là “không” thì tôi biết, tôi cần phải thay đổi điều gì đó.
.........
Suy nghĩ rằng mình sắp chết chính là điều quan trọng đã động viên tôi tạo ra cơ hội lớn cho cuộc đời mình. Bởi vì tất cả mọi điều từ sự kỳ vọng của mọi người vào bạn, tất cả mọi niềm tự hào cho đến nỗi sợ phải đổi mặt với sự xấu hổ hay thất bại, tất cả sẽ biến mất khi bạn phải đổi mặt với cái chết. Khi đó, chỉ còn lại điều gì thực sự quan trọng.Ý nghĩ rằng chúng ta đang đối mặt với cái chết, khi chúng ta sắp chẳng còn gì nữa, là cách tốt nhất mà tôi biết để tránh khỏi việc chúng ta cảm thấy sợ hãi khi sắp đánh mất đi thứ gì đó.
.......
Chẳng có lý do gì để bạn không lắng nghe sự mách bảo của trái tim mình.
.....
Khoảng một năm trước đây tôi đã bị chẩn đoán là bị ung thư. Tôi đã chụp cắt lớp lúc 7:30 sáng và trên phim hiện rõ ràng một khối u trong tuyến tụy. Thậm chí tôi chẳng biết tuyến tụy là cái gì. Các bác sỹ nói với tôi rằng đây là một dạng của ung thư và bệnh này không chữa được, rằng tôi nên chuẩn bị tinh thần mình sẽ chỉ sống được từ 3 đến 6 tháng nữa thôi. Bác sỹ của tôi khuyên tôi về nhà và sắp xếp lại các công việc của mình, đó là cách họ nói khi khuyên bệnh nhân chuẩn bị cho cái chết. Điều đó có nghĩa là hãy về và sử dụng mấy tháng còn lại để nói với các con bạn những gì mà bạn dự định sẽ nói với chúng trong khoảng mười năm tới. Điều đó cũng có nghĩa là hãy cố gắng kín đáo để gia đình bạn có thể chấp nhận điều này một cách dễ dàng hơn. Điều đó có nghĩa là bạn hãy nói lời vĩnh biệt.
......
Tất cả mọi ngày tôi đều sống với sự chẩn đoán đó. Sau đó, vào một buổi tối, tôi tiến hành kiểm tra sinh thiết, họ đút một cái ống qua cổ họng tôi, luồn sâu xuống dạ dày, sâu xuống ruột, ấn một cái kim vào tuyến tụy của tôi để lấy mẫu một số tế bào của khối u. Khi đó, tôi rất bình thản, nhưng vợ tôi, người có mặt lúc đó đã kể với tôi rằng khi các bác sỹ phân tích những tế bào đó dưới kính hiển vi, họ đã reo lên khi phát hiện ra rằng đây là một trường hợp ung thư tuyến tụy hiếm hoi có thể chữa được bằng cách phẫu thuật. Tôi đã được phẫu thuật và bây giờ tôi đã khỏe lại.
.....
Đó là cảm giác mà tôi đã có khi phải đối mặt với cái chết và tôi cũng hy vọng tôi sẽ còn cái cảm giác đó một vài thập kỹ nữa. Khi đã từng trải qua điều đó, tôi có thể nói với các bạn một cách chắn chắn hơn là chỉ đơn thuần nhắc đến cái chết như là một điều hữu ích nhưng chỉ hoàn toàn là một nội dung mang tính trí tuệ mà thôi.
......
Không ai muốn chết. Thâm chí những người muốn được lên thiên đàng cũng không muốn chết chỉ vì muốn được lên đó. Và cái chết là cái đích mà tất cả chúng ta đều phải đến, không ai trong chúng ta thoát khỏi nó. Và đó là cách mà nó phải diễn ra bởi lẽ cái chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống. Đó chính là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại đi những người già để mở đường cho những người trẻ. Ngay lúc này, các bạn đang là những người trẻ tuổi, nhưng sẽ không lâu nữa, khi các bạn tốt nghiệp, rồi trở nên già đi, và sẽ bị loại bỏ.
.....
Tôi xin lỗi vì có vẻ như tôi hơi xúc động nhưng điều đó là sự thật.
.....
Thời gian của các bạn là có hạn, vì thế đứng lãng phí để sống cho một cuộc đời ai đó. Đừng nhốt mình trong những tín điều nào đó, sống như vậy là sống bằng suy nghĩ của những người khác. Đừng để quan điểm của những người khác làm mờ nhạt đi quan điểm của chính bản thân bạn.
.........
Điều quan trọng nhất là bạn hãy dũng cảm đi theo sự mách bảo của trái tim và trực giác của mình. Bằng cách nào đó, chúng biết rõ bạn thực sự muốn trở thành cái gì. Những điều khác chỉ là thứ yếu.
....
Khi tôi còn trẻ, có một cuốn sách kỳ lạ được xuất bản với cái tên Cẩm nang toàn thế giới, cuốn sách này giống như kinh thánh của thế hệ chúng tôi. Người sáng tạo ra cuốn sách này là Steward Brand, một nghiên cứu sinh ở Menlo Park , cách đây không xa. Anh ta đã tạo ra nó bằng cảm giác đầy tính thi sỹ của mình. Thời điểm đó là vào cuối thập kỷ 60, trước khi có máy tính cá nhân và máy tính sách tay. Tất cả cuốn sách được đánh bằng máy chữ, cắt bằng kéo và bằng máy ảnh. Nó giống như trang Google trên giấy vậy, 35 năm trước khi có trang Google. Nó thực sự mang tính duy tâm, được tạo ra từ những công cụ tinh xảo và những ý tưởng vĩ đại.
.....
Steward và các đồng sự của ông đã xuất bản một số tập của Cẩm nang toàn thế giới và sau đó, họ xuất bản tập cuối cùng. Thời gian đó vào khoảng giữa những năm 70 và tôi chỉ bằng tuổi các bạn bây giờ. Ở trang bìa sau của cuốn sách có in ảnh một con đường vùng nông thôn trong ánh bình minh, điều mà bạn có thể tìm thấy sự an bình nếu bạn là người ưa mạo hiểm. Bên dưới tấm ảnh có dòng chữ: “Hãy luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ“ Đó là lời tạm biệt của họ khi kết thúc cuốn sách. “Hãy luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ”. Và tôi luôn cầu chúc điều đó cho chính mình. Ngày hôm nay, các bạn đã tốt nghiệp và chuẩn bị bước vào con đường mới, tôi cầu chúc điều đó cho các bạn.
....
Hãy luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ.
.....
Cảm ơn các bạn rất nhiều.
.....
Steve Jobs"

Thursday, April 22, 2010

Thầy Hà Thúc Hoan: Tưởng nhớ nhà thơ Hữu Loan


.
.
TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ HỮU LOAN
..
BÀI VIẾT CỦA THẦY HÀ THÚC HOAN
..
1. Hữu Loan, tác giả bài thơ bất hủ Màu tím hoa sim, sinh ngày 2 tháng 4 năm 1916, tại làng Vân Hoàn, xã Nga Linh ( Nga Sơn, Thanh Hoá ). Là con nhà nghèo, không được cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa, Hữu Loan được cha là một tá điền nhưng có tư chất thông minh hơn người kèm cặp từ nhỏ, lớn lên tự học để đến năm 1938 ra Hà Nội dự thi và đỗ tú tài khi mới 22 tuổi. Thuở ấy, bằng tú tài Tây rất quý hiếm, người đỗ đạt đếm không quá năm đầu ngón tay, năm sáu chục năm sau người ta còn nhớ những cái tên Nguyễn Đình Thi, Trịnh Văn Xuân, Hồ Trọng Gin, Đỗ Thiện và Nguyễn Hữu Loan.(1)
...
Không có ý định xuất chính để sống giàu sang phú quý, Hữu Loan về Thanh Hoá dạy học và làm gia sư tại nhà ông tham tá Lê Đỗ Kỳ là Tổng thanh tra canh nông Đông Dương. Ngày Hữu Loan đến nhận việc, mẹ gọi mãi cô học trò 8 tuổi Lê Đỗ Thị Ninh mới chịu ra chào thầy giáo, chào xong cô bé mở to đôi mắt nhìn thầy và đôi mắt đen láy tròn xoe như có ánh chớp ấy đã in sâu vào tâm trí Hữu Loan. Dù nhỏ tuổi nhưng ăn nói khôn ngoan và ứng xử như một người lớn, em Ninh đã bỏ học để nằm lì trong phòng suốt một tuần lễ khi biết Hữu Loan gọi đùa mình là “bà cụ non”. Đến khi bà tham tá dẫn Hữu Loan vào phòng, được nghe thầy giáo nói chuyện và ngâm thơ, trò Ninh mới ngồi dậy, chịu ăn uống trở lại, đến hôm sau, đòi thầy giáo đưa lên chơi ở khu rừng thông để cùng nhìn xuống sườn đồi tím ngát một màu sim…
..
Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp lời can ngăn và hứa hẹn của bà tham Kỳ, như Quang Dũng và nhiều chàng trai cùng thế hệ, Hữu Loan đã “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” , để lại ở đàng sau bóng hình người học trò nhỏ đứng vẫy tay tiễn biệt ở đầu làng.
Từ năm 1943 đến năm 1945, Hữu Loan xây dựng phong trào Việt Minh và tích cực tham gia cách mạng tháng Tám ở quê nhà. (2)
Trong kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam, phục vụ trong sư đoàn 304.
Khoảng thời gian này, khi đã được 15 tuổi, có nhiều trai làng đến dạm hỏi nhưng cô Ninh chối từ bằng cách ngồi mãi ở trong phòng.
...
Chín năm sau ngày giã từ gia đình ông tham Kỳ để đi kháng chiến, năm 1947, Hữu Loan trở về Nông Cống và người học trò nhỏ ngày xưa nay đã trở thành cô thiếu nữ 17 tuổi xinh đẹp. Hữu Loan và cô Ninh có tuổi tác chênh lệch, hai gia đình lại không “môn đăng hộ đối”, nhưng ông bà tham Kỳ đã chủ động sắp xếp để lễ thành hôn được tổ chức một cách đơn giản trong thời chiến. Hữu Loan bàn việc may áo cưới, nhưng “bà cụ non” Thị Ninh đã gạt đi : “Yêu nhau, thương nhau cốt cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả.” Chú rể khi đó có tuổi gần gấp đôi tuổi cô dâu, lại có dáng người cao lớn, đẹp trai, học giỏi, thơ hay nên được cô dâu gọi là ông chồng độc đáo.
Hai tuần phép - hai tuần yêu thương tràn đầy hạnh phúc - trôi nhanh, Hữu Loan phải trở về đơn vị. Hôm tiễn chân, cô Ninh lại ra đứng ở đầu làng, chỗ hai người đã chia tay năm xưa…
....
Ba tháng sau Hữu Loan hay tin người vợ trẻ đã qua đời một cách bi đát : Mang áo quần ra giặt ở sông Chuồng ( ấp Thị Long, Nông Cống), vì đưa tay chụp lấy cái áo bị nước cuốn trôi nên cô Ninh đã trượt chân té xuống sông và bị chết đuối! Hữu Loan phải giấu nỗi khổ đau mãnh liệt tận đáy lòng trong một thời gian dài, vì nói ra sợ ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của đồng đội. Hơn một năm sau, khi đang đóng quân ở Nghệ An, trong một đợt chỉnh huấn, được cấp chỉ huy cho phép giãi bày tâm sự, Hữu Loan mới có thể giải toả nỗi đau bị dồn nén của mình. Nước mắt lưng tròng, ngồi lặng ở đầu làng với giấy bút trên tay, nhà thơ để cho nỗi lòng theo câu chữ mộc mạc mà tuôn trào một cách tự nhiên:
“Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh”
(…)
...
2. Vào những năm đầu của thập niên 50, khi đất nước còn chia cắt, nhiều nam nữ học sinh thế hệ chúng tôi đã say mê đọc Màu tím hoa sim của Hữu Loan và cảm thông sâu sắc nỗi khổ đau vô cùng của tác giả . Từ đó về sau, bài thơ lay động tâm hồn nhiều thế hệ độc giả, vì đó là “tiếng khóc của người chồng cho người vợ xấu số, là một tiếng kêu cho tình yêu trong thời đạn lửa, là lời phẫn uất trước số mệnh phũ phàng của con người”. (3) Bấy nhiêu tâm trạng, bấy nhiêu nỗi niềm đã được chuyển tải qua một bài thơ dài hơn 400 từ với một màu tím yêu thương - màu tím của tình duyên và số kiếp - bàng bạc từ đầu đến cuối văn bản :
“Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim
(…)
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt
(…)
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết”
Những năm đầu của thập niên 70, giảng dạy bút pháp và hành văn tại Đại học Sư phạm Huế, chúng tôi có dịp tìm hiểu kỹ hơn giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Trong Lý thuyết về nghệ thuật và văn loại, tác giả người Pháp là Jean Suberville đã định nghĩa “nghệ thuật là chọn lựa”. (4) Viết Màu tím hoa sim, Hữu Loan đã chọn lọc để đưa vào thơ những chi tiết đặc sắc, độc đáo của tình yêu thời chiến, làm cho bạn đọc thời bình phải tê tái lòng vì thấy có sự khác biệt, mâu thuẫn đến xót xa :
“Ngày hợp hôn / nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân / đôi giày đinh / bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh / bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
(…)
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng”
Dù không mấy dụng công khi hoàn thành tác phẩm, nhưng khi cần Hữu Loan cũng cân nhắc chọn lựa từ ngữ. Có khi chỉ cần khéo dùng một từ mà tác giả diễn tả một cách có nghệ thuật điều muốn nói. Bi kịch của chuyện tình Màu tím hoa sim là “người trai khói lửa” nơi tiền tuyến không chết vì bom đạn mà “người gái nhỏ hậu phương” lại chết vì dòng nước hiểm nguy, bất trắc và chảy xiết ở quê nhà. Cái sự thật quá đau lòng ấy, nhà thơ không miêu tả với đầy đủ chi tiết mà chỉ gợi tả bằng một từ láy điệp phụ âm đầu :
“Gió sớm thu về rờn rợn nước sông”
...
Với mùa thu thì cái gì cũng dịu nhẹ mơ màng. Nhưng đặc biệt ở đây, gió thu không “gờn gợn” nước sông mà “rờn rợn” nước sông mới thể hiện đúng cái tâm trạng của người chồng / người anh khi nhìn dòng nước của sông quê đã lạnh lùng và tàn nhẫn cướp đi sinh mạng của người vợ / người em gái rất đỗi yêu thương của mình.
Những sách lý thuyết về sáng tác đều xác nhận sự giản dị và tự nhiên là đỉnh cao của nghệ thuật. Điều kiện cần và đủ để nhà văn, nhà thơ đạt đỉnh cao nghệ thuật ấy là tình cảm chân thành. Trong lịch sử văn học nước nhà, nhờ cảm xúc chân thành, mãnh liệt mà có không ít nhà thi sĩ đã trở thành bất tử với một bài thơ. Đó là trường hợp của tác giả Màu tím hoa sim. Có thể nói rằng Màu tím hoa sim là đau thương hoá thành ngôn từ và vần điệu. Như đã nói trên, khi được giãi bày nỗi khổ sau nhiều ngày câm nín, bằng ngôn ngữ dung dị, Hữu Loan đã viết Màu tím hoa sim một cách dễ dàng và tự nhiên:
“Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
Thì thương / người vợ chờ/ bé bỏng chiều quê”
....
3. Chúng tôi được biết trên bàn thờ gia tiên, tác giả Màu tím hoa sim chỉ để một chữ Tâm. Đó là “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” của thi hào Việt Nam có tầm cỡ thế giới là Nguyễn Du. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể nói thờ chữ Tâm tức là Hữu Loan đã thờ Phật, bởi vì “Phật tức Tâm, Tâm tức Phật, Tâm trai thành Phật”. (5)
Bằng chữ Tâm ấy, ngoài tác phẩm nổi tiếng Màu tím hoa sim , Hữu Loan sáng tác những bài thơ hay như Đèo Cả, Hữu Loan khóc Nguyễn Sơn, Hoa lúa, Cây gỗ vuông,v.v. Chính nhà thi sĩ đã đề cao cái tâm khi “lý luận” về sáng tác : Làm thơ phải có cái tâm mà phải là cái tâm linh thật thiêng liêng thì mới có thơ hay. (6)
Bởi vì tôn thờ chữ Tâm của đạo lý phương Đông mà khoảng năm 1956, giống như Bạch Vân cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm trước đó bốn thế kỷ, Hữu Loan đã giã từ chốn thành thị “lao xao” để trở về sống ở nơi “vắng vẻ” là quê nhà. Khác một điều là nếu tác giả Bạch Vân quốc ngữ thi đã được sống thư nhàn nơi quy ẩn thì trái lại, tác giả Màu tìm hoa sim đã chịu vô vàn gian khổ, phải lao tác nhọc nhằn hơn cả một nông dân thứ thiệt, phải đốn củi, đập đá, thồ gỗ và gánh đá để nuôi sống bản thân và gia đình...
Sống với chữ Tâm ấy, Hữu Loan đã mở rộng vòng tay nhân ái để che chở, đùm bọc, cưu mang người con gái mồ côi lạc loài đói khổ vì bị xã hội ruồng bỏ …Đó là cô thiếu nữ đáng thương 17 tuổi Phạm Thị Nhu, người sau này trở thành vợ thứ của nhà thơ. Như ánh nắng chiều nghiêng xuống túp lều tranh, người phụ nữ xấu số kém Hữu Loan 19 tuổi này đã chịu thương chịu khó chia sẻ gian nguy với chồng, thuỷ chung gắn bó với chồng, bữa no bữa đói đùm bọc nhau vượt qua thử thách, để cuối cùng có với nhau 10 người con và 30 cháu nội ngoại.
....
Không riêng một mình Hữu Loan mà cả gia đình nhà thơ đều sống với chữ Tâm “Tam điểm như tinh tượng, hoành câu tự nguyệt tà” (7). Cho nên, ai có dịp tiếp xúc với “gia đình văn hoá” ấy đều nhận thấy : ”Tính cách của ông bà và những người con đều giống nhau ở chỗ cái chất trí thức thanh tao vẫn còn đó, không hề bị lôi cuốn theo những cám dỗ vật chất. Cuộc sống thanh bần nhưng không cần thiết thở than chi nhiều…” (8)
....
Cuối cùng, nhờ biết trở về với thiện tâm là Phật tính có sẵn ở lòng người mà khi còn sống, “Hữu Loan lúc nào cũng có một nụ cười thảnh thơi như hiền triết” (9), đến lúc gần đất xa trời thì thân không bệnh khổ, tâm được an vui để có một phút lâm chung mà người con Phật nào cũng mơ ước : Trước ngày mất một tuần, Hữu Loan còn ngồi nói chuyện bằng tiếng Pháp và đọc thơ với các giáo viên từ Đà Nẵng đến thăm. Cách hôm qua đời ba ngày, bữa cơm nào nhà thơ cũng nhắc con cháu cúng tổ tiên trước. Sáng 18 tháng 3, lão thi sĩ giục con cháu may cho mình một bộ quần áo dài trắng, vào chiều tối ngủ một giấc dài và nhẹ nhàng xả bỏ thân tứ đại vào lúc19 giờ ngày hôm ấy. (10)
Để kết thúc bài tưởng niệm thi sĩ Hữu Loan - một nhân cách lớn - vừa vĩnh biệt chúng ta, xin chép lại ở đây bài Thơ tặng cụ Tú Loan của thi sĩ Nguyễn Duy :
...
“Ngang tàng … ngang trái … nghênh ngang
Hồn sim tím một chiều hoang bên đời
Người thơ bận việc làm người
Một mai thánh hoá lên trời làm sao”
..
...
Hà Thúc Hoan

23.3.10...
....
...
Mời các bạn bấm vào đây để đọc lại bài viết do chính nhà thơ Hữu Loan viết

Monday, April 19, 2010

HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG

Cái tình là cái chi chi
Vào nơi cửa Phật còn ghi trong lòng ?
Huống ta ở chốn bụi hồng
Dấu xưa cát đá mênh mông đất trời...
(Ấn)....
..
Một chuyện tình cảm động của người xưa do Hoàng Ngọc Ấn (ĐK67) sưu tầm:
....
....
..
....
CHUYỆN TÌNH CẢM ĐỘNG CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG
..
TÁC GIẢ: BS ĐỖ HỒNG NGỌC..
...
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC (1720 - 1791) quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là huyện Mỹ Văn, Hưng Yên) nhưng ông về quê mẹ là làng Tình Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh sinh sống bằng nghề bốc thuốc ngay từ khi còn trẻ. Ông lấy hiệu là Lãn Ông tức ông già lười.
...
Tuy nhiên, ông chỉ lười công danh, lười đua chen ở chốn quan trường còn sự nghiệp y học thì ông rất chăm chỉ nghiên cứu và trở thành danh y bậc nhất thời bấy giờ. Ông có bộ sách y học đồ sộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 65 quyển đúc kết kinh nghiệm 40 năm bốc thuốc chữa bệnh cứu người, một bộ sách y học lớn nhất từ trước tới nay.
....
Cũng vì tiếng tăm của ông vang dội đến tận Kinh đô mà năm 1781 chúa Trịnh Sâm triệu ông ra Thăng Long để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán. Ông đã ghi chép lại toàn bộ chuyến đi này trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự (Ký sự lên Kinh). Đây là một tác phẩm văn chương đặc sắc, đề cập đến đời sống sinh hoạt của tầng lớp vua chúa, quan lại và thị dân ở chốn Kinh thành vào cuối thế kỷ XVIII.
...
Trong chuyến lên Kinh lần này, Lê Hữu Trác tình cờ gặp lại người tình xưa, trong một trường hợp rất đặc biệt. Nguyên do là, khi còn nhỏ ở nhà, Lê Hữu Trác đã được bố mẹ hỏi cho một cô gái con nhà quan làm vợ. Các thủ tục dạm hỏi đã hoàn tất, chỉ chờ ngày cưới.
Nhưng sau đó do gặp trắc trở, ông từ hôn rồi vào quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) sinh sống.
...
Cô gái đó sau này không lấy ai nữa, vì cho rằng mình đã có nơi gá nghĩa rồi. Cô ở nhà chăm sóc cha mẹ. Khi cha mẹ mất, cô gửi thân vào chốn cửa thiền. Hơn 40 năm sau, bây giờ cô gái năm xưa đã trở thành một nhà sư già. Bà đi khuyến giáo thập phương để về đúc chuông chùa làng và tình cờ gặp ông trong một nhà trọ ở Kinh thành.
...
Chuyện như sau:
....
“Một ngày kia, có hai lão ni đến chỗ tôi ngụ, nói rằng: chùa Huê Cầu đúc chuông lớn, công quả chưa thành, chúng tôi đến đây khuyến hoá”. Thế rồi một lão ni tự giới thiệu mình là trụ trì chùa núi An Tử, còn lão ni kia thì giới thiệu mình là con gái quan tả thừa ty Sơn Nam , quê ở Huê Cầu. “Tôi nghe nói giật mình như tỉnh giấc mơ”, Lãn Ông viết. Sau đó ông tìm cách “hỏi nhỏ một tiểu cô trong bọn tòng hành mới biết đây là người cũ của mình”. Rõ ràng một lão ni tìm đến một quan nhân (lúc này Lãn Ông đang làm quan thầy thuốc ở trong triều) để khuyến hoá mà lại xưng cái “lý lịch cá nhân” của mình ra như thế, phải có lý do gì chứ. Và đúng vậy, chỉ mới nghe qua địa danh Sơn Nam, Huê Cầu thôi, đã đủ làm cho Lãn Ông choáng váng, “giật mình như tỉnh giấc mơ”. Chuyện đúc chuông, khuyến hoá chẳng qua là cái cớ để cho bà có dịp gặp lại ông.
...
Tưởng tượng coi, lão ni – người tình cũ của Lãn Ông – đã phải trần tình năn nỉ, thuyết phục sư bà ra sao để sư bà động lòng chịu cùng xuống núi một phen. Tuy biết khá rõ rồi, nhưng vốn thận trọng, Lãn Ông mới “trắc nghiệm” lại lần nữa, vì biết đâu chỉ là một sự tình cờ, ông bèn kể rõ họ tên quê quán… “Lúc đó chỉ thấy ni cô chùa Huê Cầu mặt đỏ bừng, vẻ thẹn thùng, bảo sư bà trụ trì rằng: Thôi, chúng ta đi đi thôi”. Một lão ni nghiêm trang cẩn mật, tuổi tác già nua mà “mặt đỏ bừng, vẻ thẹn thùng” rồi phải hối thúc sư bà “đi đi thôi” trong một tâm trạng như là dỗi hờn thì thật là đáng kinh ngạc. Lãn Ông rất lúng túng, tìm cách “lưu họ lại không được, mới mang ra một ít hương tiền để cúng” rồi hỏi: “Hai lão ni trọ tại nơi nào?”. Họ đáp: “Chưa có nơi nào”, rồi vội vàng từ biệt ra đi. Lãn Ông đâu dễ chịu ngồi yên, ông “vội gọi một tên người nhà linh lợi bảo đi theo sau họ, mà không cho họ biết…”.
..
Thế rồi Lãn Ông nhớ lại mối tình xưa. Lỗi tại ông. Ông đã nộp đủ lễ vấn danh, lễ nạp thái, vậy mà rồi vì một lý do riêng, ông hồi cư về Hương Sơn quê mẹ và xa luôn người vợ sắp cưới của mình để bà phải mỏi mòn trông đợi đến hôm nay mới bất ngờ gặp lại.
...
Rồi người thiếu phụ đó ra sao? Lãn Ông có dọ hỏi thì biết bà “thề chung thân ở vậy”.
Nhiều người đi hỏi cưới, bà cương quyết từ chối. Sau cùng, bà vào chùa tu. Lãn Ông viết tiếp “Tôi nghe biết vậy thì tâm thần kinh loạn, than rằng: Vì ta bất cẩn trong việc này. Có thuỷ mà không có chung, khiến cho người mang hận, mà ta mang tiếng là người bạc bẽo. Ta bối rối không biết cách nào để gỡ cái mối ra, mới vội vàng đến Huê Cầu mà tìm hiểu sự việc”. Quả thật, bà đã từ hôn nhiều người chỉ vì lòng bà chỉ có Lãn Ông thôi. Bà thà đi tu chớ không lấy ai khác nữa!
Bà nói: “Đã có người hỏi mình làm vợ thì mình (coi như) đã có chồng rồi, chẳng qua vô phận mà chồng bỏ…”. Trách chi Lãn Ông không tan nát cõi lòng, “tâm thần kinh loạn”. Để chuộc lỗi mình, ông xin bà cho ông được coi bà như “cô em gái nhỏ”, bảo dưỡng bà suốt đời từ đây. Vì bà đã đi tu nên ông đề nghị cất cho bà cái chùa nhỏ, trong một cảnh vườn vằng vẻ yên tĩnh: “Mùa đông cũng như mùa hè, lạnh ấm đều sẽ do ta lo liệu, một là để báo ân, hai là để chuộc lỗi…”. Bà cố cầm giọt lệ: “Quan nhân có hậu tình, còn tôi chẳng gặp chồng, cái thân cô khổ cũng là do số mệnh vậy, đâu có dám trách ai… Nay tôi được biết tấm lòng tốt này cũng an ủi cảnh linh lạc vậy”. Và bà đã từ chối. Và Lãn Ông làm thơ. Phải, bởi vì đâu có thứ thuốc nào sắc ba chén còn bảy phân mà chữa được cái bệnh của ông bây giờ! Ông viết: “Tôi lấy làm thương tình, mới giải lòng trong một bài thơ như sau:
...
Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa,
Kim nhật tương khan khổ tự ta.
Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ,
Song mâu xuân tận kiến hình hoa.
Thử sinh nguyện tác can huynh muội,
Tái thế ứng đồ tốn thất gia.
Ngã bất phụ nhân nhân phụ ngã,
úng nhiên như thứ nại chi hà?”
(nguyên văn chữ Hán)
...
Mà Ngô Tất Tố đã chuyển dịch:
....
Vô tâm nên nỗi luỵ người ta
Trông mặt nhau đây luống xót xa
Gượng cười khôn giấu đôi hàng lệ
Tóc bạc che mờ nửa mặt hoa
Kiếp này hãy kết làm huynh muội
Kiếp khác xin hoàn nghĩa thất gia
Ai nỡ phụ ai, ai nỡ phụ
Dở dang, dang dở biết ru mà?
..
bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn:
...
"Vô tâm nên nỗi lỡ người ta
Nay lại nhìn nhau luống thẫn thờ
Một nụ cười tình, châu lệ lạnh
Đôi tròng xuân cạn nét tài hoa
Đời nay xin kết anh em ngãi
Kiếp tới nên tròn phận thất gia
Ta chẳng phụ người, người nỡ phụ
Đành thôi như thế, biết sao mà!".
Cảm động vì bài thơ “giải lòng” đó mà bà đã tha thứ cho ông. Lãn Ông viết: “Từ đó thời thường qua lại hỏi thăm nhau”.
...
Chuyện rồi kết thúc ra sao?
...
Tuổi hạc ngày càng cao, bà chỉ xin ông mua gỗ ở Nghệ An đóng cho bà một cổ quan tài. Vâng, phải đúng gỗ ở Nghệ An bà mới chịu, vì đây là vùng Hương Sơn quê mẹ Lãn Ông (Lãn Ông quê gốc Hải Dương, nhưng sống và thành danh ở Hương Sơn). Có lẽ bà nghĩ lúc sống đã không được nên duyên vợ chồng thì lúc chết ít ra cũng được âu yếm nằm trong một cổ quan tài do ông đóng cho bà từ thứ gỗ của quê hương ông."
....
Đó, chuyện tình của Lãn Ông, “Ông Làm Biếng” làng Hải Thượng, một chuyện tình thủy chung, nhân hậu của một thầy thuốc, ông Tổ của ngành Y, làm ta thấy càng gần gũi với ông hơn, càng quý trọng ông hơn.
..
Tác giả: Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc...

(Ngọc Ấn_ ĐK67 sưu tầm)

Friday, April 16, 2010

Cơm Hến

GIA CHÁNH
...............
CÁCH LÀM CƠM HẾN VÀ TÔM CHUA
.........
1-.\CƠM HẾN.
..
 
.....
Chuẩn Bị Vật Liệu
....
- Cơm nấu để thật nguội
- Nước hến, loại đựng trong túi giấy bạc
- Hến làm sẵn đựng trong vỹ, loại con nhỏ.
- Rau sống đủ loại.
- Mắm ruốc, mè rang vàng để nguyên hột, tương ớt, mấy tép tỏi.
- Tóp mỡ (có thể thay bằng bì khô, rán phồng lên rồi bóp nhỏ).
.........
Cách làm
......
Nước hến đun sôi, cho một chút muối chỉ vừa đủ mặn. Ướp hến với tiêu, muối, nước mắm, xào cho thấm. Rau sống gồm có: rau má xắt nhỏ, bạc hà xắt mỏng, rau thơm. Bắp chuối xắt thật mỏng, khế chua hay có thể thay thế bằng cần tây xắt mỏng, ngâm vào nước trái chanh độ chừng 1 giờ đồng hồ. Mắm ruốc pha hơi loãng, phi tỏi và trộn vào cho thơm. Lúc ăn, bỏ rau sống vào tô, cho cơm vào tiếp, rồi cho ruốc, tóp mỡ, mè, tương ớt lên trên mặt, sau cùng là hến xào. Nước hến đun thật sôi chan vào.
Tô cơm hến vừa nóng, vừa cay, màu tương ớt sóng sánh và mùi thơm hến xào bốc thơm quyến rũ sẽ đưa bạn về những ngày chớm lạnh ở Huế ngồi chờ gánh cơm 
...
2- MẮM TÔM CHUA
.

Vật Liệu:
...........
1 lb tôm tươi nhỏ
3 muổng canh muối để ướp tôm
3 muổng canh rượu Rum
2 muổng canh muối dùng để pha nước ngâm tôm
1 củ riềng thái mỏng, nhỏ sợi
5 trái ớt đỏ thái nhỏ sợi
5 tép tỏi bằm nhỏ
1 muổng cà phê ớt bột (cayenne)
1/2 cup xôi nấu lỏng như cháo để nguội
....
Cách làm:
....
Tôm rửa sạch, cắt đầu, ngâm trong nước muối độ nửa giờ, xong xả sạch bằng nước lạnh, để thật ráo.
Xóc tôm với rượu, muối thật kỹ. Trộn tất cả các thứ (riềng, ớt, tỏi...) vào tôm thật đều. Bỏ vào hủ đã nấu sạch, nén kỹ và đậy nắp kín lại. Ba ngày sau lấy đủa sạch trộn từ dưới lên thật đều và đậy kín lại. Khoảng 10 ngày sau thì dùng được. Bỏ vào tủ lạnh. Khi nào ăn thì giả tỏi, ớt và đường trộn vào.

Tôm chua ăn với thịt luộc, lại nếu có thêm trái vả và rau thơm thì không thể không nhớ Huế được phải không các bạn?
.
(sưu tầm)...

Tuesday, April 13, 2010

Con cầu Phật

Con cầu Phật
.....
"... phù hộ những người thân cùng bạn hữu của con mãi mãi được khỏe mạnh và hạnh phúc."
..- Phật nói: "Chỉ cho 4 ngày thôi".
..- Chú Tiểu: "Thế thì xin Phật cho họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trong những ngày mùa xuân, những ngày mùa hè, những ngày mùa thu và những ngày mùa đông".
..- Phật nói: "Chỉ cho 3 ngày thôi"
..- Chú Tiểu: " Nếu chỉ được 3 ngày thì con xin họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trong ngày hôm qua, ngày hôm nay  ngày mai."
...- Phật nói: "Chỉ cho 2 ngày thôi"
..- Chú Tiểu: "Như vậy con xin cho họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trọn ngày hôm nay  ngày mai"
..- Phật nói: "Chỉ cho 1 ngày thôi"
..- Chú Tiểu: "Vâng, cũng được"
..- Phật thắc mắc hỏi: "như vậy là ngày nào?"
..- Chú Tiểu đáp : "con xin cho họ được mạnh khỏe và hạnh phúc từng ngày"
..- Phật mỉm cười nói: "Tốt lắm. Những người thân và bạn hữu của con bao gồm những người nào đang đọc những dòng này sẽ được khỏe mạnh và hạnh phúc mỗi ngày."
..
Đạm Tuyết ĐK 67 (B2, C1) chuyển đến.....