Thanh
Tâm Tuyền (1936- 2006)
(hình
1966)
..
Dòng thơ siêu thực, phát triển
tại Pháp, lan tràn khắp thế giới, từ Âu Mỹ sang Á Châu, trong thời gian khởi
đầu từ cuối cuộc thế chiến I, và giải tán vào năm 1969. Vào cuối thời gian đó,
giới văn học Việt Nam, Thanh Tâm Tuyền (1936-2006) đã đưa vào thi đàn Việt Nam
dòng thơ tự do và tiểu thuyết siêu thực. Mục đích của bài viết này là đối chiếu
thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền với thơ của một vài thi nhân Pháp trong cao trào
văn học siêu thực, và thử nghiệm một phương pháp đọc tiểu thuyết siêu thực.
.......
Kết quả sơ khởi cho thấy là
Thanh Tâm Tuyền, thành công trong công trình mở rộng chân trời thi đàn Việt
Nam. Đặc biệt là Thanh Tâm Tuyền không những đổi mới được hình thức thơ, mà còn
đưa vào thi đàn Việt Nam những chủ đề mới mẻ nhưng vẫn giữ được phong thái của
căn tính thi ca cổ truyền Việt Nam. Hơn nữa Thanh Tâm Tuyền còn ứng dụng được
cách sáng tác tiểu thuyết siêu thực, gây được sự cộng tác giữa người viết và
người đọc để đưa vào tiểu thuyết những khám phá mới cho thể văn tiểu thuyết, và
đưa tiểu thuyết Việt
Nam vào quỹ đạo quốc tế.
...
Cao trào Văn học Siêu thực
....
Trước hết, bài viết xin trình
bày vắn tắt về Cao trào Văn học Siêu thực. Bắt đầu là câu chuyện nguồn gốc của
trào lưu quốc tế này. Tên Siêu Thực của trào lưu văn học này do nhà thơ
Guillaume Apollinaire đặt ra vào khoảng mùa xuân năm 1917. Giới nghiên cứu đồng
ý rằng trào lưu siêu thực bắt nguồn từ những tư tưởng tiền tiến, moderne, nhưng
dòng tư tưởng này không chỉ thuần nhất là một dòng tư tưởng văn học nghệ thuật,
mà ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của những tư tưởng chính trị cùng thời. Nếu nhìn
theo tên tuổi của những thành viên siêu thực, thủa mới thành lập, thì có nhiều
người từng là thành viên của nhóm Dada. Nhóm này ra đời từ giữa thế chiến I,
tại Thụy Sĩ, một quốc gia trung lập. Tại thời điểm đó, vấn đề của con người là
ý nghĩa của cuộc chiến tranh với câu hỏi để làm gì? Rồi câu hỏi này lan tràn
sang mọi hoạt động của con người, và câu trả lời là: cả văn hóa cả thế giới đều
vô nghĩa. Nói một cách khác, nhóm Dada đã tách con người ra khỏi cảnh sống
thực. Muốn sống thực, thì người nghệ sĩ phải ra khỏi nhóm Dada. Từ đó phát sinh
ra phong trào Siêu Thực. André Breton, người sau này được coi là Giáo Hoàng của
trào lưu Siêu Thực.
..
(…) Lâchez tout
Lâchez Dada
Lâchez votre femme, lâchez
votre maitresse.
Lachez vos espérances et vos
craintes
Semez vos enfants au coin d’un
bois
Lâchez la proie pour l’ombre
(…)
..
Khó có thể xác định chắc chắn
được ngày phong trào siêu thực ra đời. Giới nghiên cứu thừa nhận hai ngày đáng
ghi nhớ. Một là ngày ra mắt cuốn Champs Magnétiques của Breton và Soupault; hai
là ngày nhóm siêu thực trình bày phương pháp sáng tác tự động, l’écriture
automatique. Thực ra ở những ngày đó, nhóm siêu thực hãy còn ở trong vòng
trứng nước. Nhóm siêu thực tôn trọng ý kiến chung và phương pháp sáng tác tập
thể.
....
Nhìn suốt văn học sử, sự kiện
các nhà văn nhà thơ kết hợp thành một nhóm, không phải chưa từng có, nhưng sáng
tác tập thể quả là một phong trào mới mẻ. Phương pháp sáng tác tập thể kéo dài
suốt từ ngày đầu tới ngày chót của nhóm siêu thực. Hợp quần không chỉ làm nên
sức mạnh mà còn tạo nên những tác phẩm văn học mới lạ. Điểm mới lạ khác là điểm
tác giả viết theo những cảm hứng vô thức không phải là một độc quyền của phái
siêu thực, trước đó Victor Hugo cũng có nhiều tác phẩm sáng tác bằng phương
pháp này. Nhưng cái đẹp và nhất là chiều sâu của những tác phẩm siêu thực cho
thấy là tác giả siêu thực đã đưa toàn diện con người công chính vào tác phẩm.
Nhóm siêu thực tự tạo ra một phương pháp sáng tác, đặt trên nền tảng những công
trình nghiên cứu tường tận.
......
Năm 1924, nhóm siêu thực thành
lập một Ban nghiên Cứu Siêu Thực, Bureau de Recherches Surréalistes, đặt trụ sở
tại số 15 đường Grenelle, Paris. Nhóm siêu thực công bố thành quả của các thành
viên bằng những tạp chí văn học, cũng như những cuộc triển lãm và những cuộc
thăm dò ý kiến bạn đọc dùng làm phương tiện đánh giá những thành quả của cả
nhóm. Nhóm siêu thực còn đưa ra những bản tuyên ngôn nhân danh toàn thể thành
viên, và còn phát những truyền đơn quảng bá một vài nét đặc thù của nhóm, tỷ
như việc phát những truyền đơn có tính cách bài ảnh tượng, iconoclastes; những
hoạt động này thường làm mất lòng giới tiểu tư sản. Đằng khác, phần đông thành
viên siêu thực xuất thân từ gìới tiểu tư sản, nên phái siêu thực tiếp tục nhiều
công trình nghiên cứu.mà giới tiểu tư sản hằng đeo đuổi. Phái siêu thực thành
công trong ba ngả nghiên cứu rất khoa học, cả ba ngả cùng bắt nguồn từ giới
tiểu tư sản.
....
Một là những gặp gỡ tình cờ,
hasard objectif , biểu thị sự quy hợp giữa sự thật và đam mê, tỷ như con người
gặp thời, hoặc một biến cố xẩy ra đúng lúc. Phái siêu thực không đặt niềm tin
vào một ngôi cao cả, thế nên những gặp gỡ đúng người đúng lúc thường được coi
là những lẽ huyền diệu, do đó, trong thời gian giữa hai cuộc thế chiến, nhiều
người coi phái siêu thực như một phái có bùa phép huyền bí.
....
Hai là nét khôi hài, hay duyên
hài, humour. Với sự tôn trọng nét khôi hài, phái siêu thực đặt mình ra khỏi
vùng bóng dáng nhưng trào lưu mang mặt nạ trang nghiêm. Dưới nét khôi hài thành
viên siêu thực nhìn rõ được tâm tính con người. Đi xa hơn nữa, phái siêu thực
chủ trưong dùng bút thuật cuồng phóng, hay nôm na là thơ điên. Chính nhờ bút
thuật cuồng phóng nhà văn nhà thơ siêu thực được hoàn toàn tự do trong việc
sáng tác. Nhiều thành viên chủ trương rằng không có hoàn toàn tự do tức là
không có siêu thực, bởi không có tự do là không có cái nhìn toàn diện trên mọi
sự vật.
....
Ba là sự quan trọng của hình
ảnh trong việc sáng tác. Một áng văn siêu thực tuyệt tác là một áng văn trong
đó hình ảnh giữ vai trò chủ chốt có sức thu hút người đọc chẳng kém gì ma túy.
Cái đẹp của một bài thơ đánh giá bằng chuỗi hình ảnh trong bài thơ. Gốc cội của
tính quan trọng của hình ảnh trong văn học bắt nguốn từ nhà thơ Pierre Reverdy
(1889-1960). Những hình ảnh này đặt hai thực thể, thông thường rất xa nhau, nay
sát bên nhau. Hai thực thể đó nếu không có con mắt siêu thực khó lòng nhìn ra
mối tương quan. Giá trị của một hình ảnh tùy thuộc vào cái đẹp của tia sáng do
hình ảnh đó tỏa ra. Tương tự, cái đẹp của hai hình ảnh siêu thực, là cảnh hai
người xa lạ, không quen mà đã trao nhau nụ cười. Đứng trước một hình ảnh siêu
thực, con người như đã đưa ngón tay sờ vào tính siêu thực, tính siêu thực này
không đối nghịch với thực tế, nhưng ở một tầm quan trọng sâu rộng hơn.
....
Ba chủ đề chính
...
Từ những công trình nghiên cứu
kể trên, thành viên phái siêu thực sáng tác theo:.....
1. Mơ trong mơ;
2. Yêu tình yêu;
3. Giải phóng tự do.
.......
Với trào lưu siêu thực, giấc mơ
là tiếng nói của uyên huyền. Đối nghịch với lý luận, nhưng giấc mơ không phải
là không quan trọng, trái lại giấc mơ cho thấy nửa sâu kín của con người: thiếu
giấc mơ, những điều hiểu biết về con người thành không hoàn chỉnh. Quan điểm
này không phải là một điều mới lạ, từ Âu sang Á. Đã có rất nhiều áng văn viết
về giấc mơ, trong lịch sử đã có nhiều chuyện đoán mộng, kể cả trong Kinh Thánh.
...
Giấc mơ biểu thị cho căn tính
con người. Thế nên, trào lưu siêu thực, với mục đích giải phóng cho con ngưởi,
đã chọn giấc mơ làm điểm chủ chốt để thực hiểu rõ con người. Nhưng rõ ràng là
giấc mơ là một cảnh giới uyên huyền, còn nhiều điều cần khám phá. Đến đâu là
chân trời của giấc mơ, nơi mà tại đó đời sống vô thức của con người không còn
bị lý lẽ và xã hội kiểm duyệt.
.....
Giấc mơ của thành viên siêu
thực có nhiều điểm tương đồng với thuyết phân tâm học của Freud. Nhà khoa học
này cũng muốn đo lường vô thức con người. Dầu có điểm tương đồng trong phương
pháp, nhưng giữa hai chủ thuyết có sự khác biệt về mục đích. Freud tìm ra sự
khác biệt giữa mơ và thực để đưa con người trở lại đời sống bình thường. Phái
siêu thực đi tìm cái đồng nhất giữa mơ và thực tế để dẫn con người tự giải
thoát, tiến tới tự do.
Trong việc nghiên cứu vô thức
con người, André Breton đã đối mặt với hai chữ cuồng phóng, hay nôm na là chứng
bệnh điên. Cảnh giới của người điên không phải là cảnh giới của người bình
thường. Người điên nhìn sự vật theo cái nhìn của người điên. Người điên như vậy
được giải phóng khỏi những chuẩn mực thông thường của xã hội. Việc tìm hiểu con
người sẽ chưa hoàn tất khi giấc mơ và chứng điên chưa hiểu được tường tận. Bản
Tuyên Ngôn Nhân Quyền còn thiếu một chương dành cho người mơ và người điên.
....
Ghi lại những hình ảnh trong
mơ, dĩ nhiên không phải là một bút thuật dùng lý trí, cảnh giới trong mơ không
phải là cảnh giới ngoài đời thực tế. Giới nhà văn siêu thực dùng bút thuật ghi
lại những chữ những câu phát xuất trực tiếp từ vô thức. Thường thường do một
nhóm nghệ sĩ đồng sáng tác. Bút thuật này mang tên là bút thuật tự động,
écriture automatique, và được coi là căn bản của dòng thơ siêu thực.
.....
Chuyển sang chủ đề thứ hai,
giới nghiên cứu đồng ý là thành viên trào lưu siêu thực đã đề cao tình yêu: lấy
tình yêu làm trọng tâm của mọi hoạt động văn học nghệ thuật, tựa như Descartes
đã lấy lý luận đề sáng tác Discours de la Méthode.
....
Với những người sáng lập ra
trào lưu siêu thực, như André Breton, như Louis Aragon, tình yêu không chỉ là
một chủ đề, tình yêu chính là thể hiện của cả thuyết siêu thực. Trong tác phẩm
Le Paysan de Paris, Louis Aragon viết, “L’amour était sa source, et je ne veux
plus sortir de cette forêt enchantée.”
.....
Nhiều thành viên trào lưu siêu
thực thay đổi lập trường chính trị như thay áo, nhưng không có một ai phủ nhận
giá trị cao cả của tình yêu. Phải chăng đó là nét không tưởng của trào lưu siêu
thực? Với những người trong trào lưu siêu thực, tình yêu không phải là một trò
đùa rỡn qua ngày, cũng chẳng phải là một công việc quan trọng mà con người đeo
đuổi, mà tình yêu chính là ý nghĩa của cuộc sống con người trên hành tinh này.
......
Tình yêu siêu thực không phải
là một tình yêu trừu tượng hướng thượng tới một ngôi cao, ở ngoài hành tinh
này. Tình yêu siêu thực đặt trên con người, và trên hết cả, người nghệ sĩ siêu
thực đặt tình yêu trên người nữ. Tình yêu này bắt nguốn từ cái đẹp của người
nữ, từ ánh sáng tỏa ra từ cái đẹp của người nữ. Aragon viết “Tout ce qui vient
d’elle nous éclaire” trong cuốn Anicet ou le Panorama.
Hình ảnh người nữ siêu thực như
vậy khác với hình ảnh người nữ của Baudelaire, vì người nữ theo Baudelaire
không phải là một hình ảnh lý tưởng, mà vẫn còn có điều khiếm khuyết. Thế nên,
hình ảnh người nữ lý tưởng siêu thực gần gận với hình ảnh người nữ trong văn
học cổ, từ thời Phục Hưng. Trong truyền thống đó, người nữ trở nên nàng thơ
muse của thi văn nghệ sĩ siêu thực, tựa như Elisa của André Breton, Gala đối
với Paul Éluard và sau đó đối với họa sĩ Salvador Dali.
....
Đối với văn nghệ sĩ siêu thực,
người nữ không phải chỉ là một đối tượng mỹ thuật, mà chính là biểu tượng ý
nghĩa của cuộc sống. Không ai hiểu người nam hơn người nữ. Thế nên có nhiều
người nữ lèo lái mọi hoạt động của người nghệ sĩ siêu thực. Với André Breton và
Paul Éluard, có một mối tương quan mật thiết giữa vũ trụ và người nữ. Với nhà
văn Géral de Nerval (1808-1855) viết trong cuốn L’Amour Fou, người nữ là một
sinh thể thiêng liêng; với Julien Gracq, không có người nữ cuộc sống không còn
ý nghĩa.
..
Để giải thích tình cảm ngưởi
nghệ sĩ siêu thực dành cho người nữ, giới nghiên cứu, đặc biệt là Xavier
Gauthier, trở lại thoại cổ về con người toàn phần. Theo lời Platon, trong
truyện Le Banquet, thì thời sơ khai, con người toàn phần nửa là người nam nửa
là người nữ dính liền với nhau làm một, sống thoải mái sung sướng giũa các vị
thần linh. Nhưng rồi có một vị hung thần, trong cơn tức giận mang tách dời con
người toàn phần thành hai nửa riêng biệt. vứt xuống trần gian, khiến cả hai nửa
cùng khổ sở, lang thang đi tìm nhau bằng mọi cách cho tới khi gặp lại được
nhau. Đó là thân phận của con người, không có ai thoát khỏi.
..
Thần thoại con người toàn phần
ám ảnh André Breton. Theo ông, có một ngày nào đó nửa người nam sẽ gặp lại được
nửa người nữ, nửa này độc nhất trên trần gian, nửa này là đối tượng của tình
yêu của người nam dành cho người nữ: gặp nhau là họ nhận ra được nhau vì cả hai
nửa, nủa nọ thương yêu nửa kia, từ khi tái sinh làm người, họ yêu nhau từ khi
sinh ra đời, không phải chỉ tới trọn đời mãn kiếp mà mãi mãi. Người nữ đó chính
là số phần của người nam và ngược lại người nam đó là số phần của người nữ.
Cuộc gặp gỡ giữa hai nửa con người toàn phần là tiếng sét ái tình của người Âu
Mỹ, và là duyên trời của người Á Đông. Với thành viên trào lưu siêu thực, cuộc
gặp gở giữa hai nửa con người hoàn toàn là thành quả tất nhiên của mong ước,
désir, của cả hai nửa con người toàn phần. Cuộc gặp gỡ này mang lại ý nghĩa
cuộc sống cho cả người nam và người nữ.
....
Cuộc tình giữa hai nửa con
người hoàn toàn, theo André Breton là một cuộc tình không tàn, nhưng trong thực
tế cuộc tình đó dầu thắm thiết tới đâu cũng là có ngày tan. Người siêu thực đổ
lỗi cho những tập tục của xã hội làm tan những cuộc tình không tàn đó. Đây là
một điểm mà các thành viên siêu thực không nhất trí. Chính điểm không nhất trí
này đã chia rẽ đoàn thể thành viên siêu thực, chứ không phải chỉ riêng sự bất
đồng chính kiến chính trị.
.....
Thành viên trào lưu siêu thực
đa số tự coi mình là người vô thần, nhưng riêng trong việc vinh danh người nữ, thành
viên siêu thực, không khác gì tín đồ đạo Ky Tô vinh danh bà Maria với cả trăm
tước hiệu, nên người nữ trong thi văn nghệ thuật siêu thực cũng có rất nhiều
mặt.
......
Theo Xavier Gauthier, những
khuôn mặt chính của người nữ trong phái siêu thực gồm hai loại kể sau, mỗi loại
lại có nhiều hình thái khác nhau. Loại thứ nhất là:
.....
1. Người nữ thiên nhiên, hay
người nữ hiền hậu gồm có:
. người nữ hoa niên: như các
người nhi-nữ, femme enfant, những trinh nữ
. người nữ trái chín: như hình
ảnh trái mít của Hồ Xuân Hương;
. người nữ bao dung: như những
mẹ hiền, như nàng thơ
. người nữ thiên thần: như
những thần nữ, tiên nữ
...
2. Người nữ đa đoan, gồm những:
. người nữ ngoài tầm với,
insaisissable ;
. người nữ giang hồ
. ngưòi nữ tài hoa xấu số,
femme fatale
. người nữ phù thủy, femme
sorcière.
..
Ngoài tình yêu, ngoài đam mê,
con người còn có tình dục, sexualité. Trào lưu siêu thực cũng chú ý tới tình
dục. Tập tục xã hội rất khe khắt với tình dục. Thế nên, với người trong trào
lưu siêu thực giải thoát bản năng giới tính là giải thoát con người khỏi đè nén
của xã hội. Giải thoát tình dục cũng là một mặt của công trình giải thoát đam
mê, đưa tình yêu lên mức độ tình yêu tuyệt đỉnh, đưa con người đến tự do. Cuộc
cách mạng giới tính và cuộc tranh đấu cho nữ quyền là hai biến cố làm thay đổi
bộ mặt xã hội Âu Mỹ và lan rộng khắp thế giới trong thế kỷ XX.
....
Tự Do mà trào lưu siêu thực đeo
đuổi Tự Do tuyệt đối. Ước vọng tự do của con người là một ước vọng căn bản phi
tương nhượng. Tự Do là chủ trương của mọi cuộc nổi dậy cũng như của mọi cuộc
cách mạng. Con người bị giam cầm trong các chuẩn mực xã hội, trói buộc trong
những đối đãi của tập tục (tựa như mơ/thực, thể xác/tâm thần). Trào Lưu siêu
Thực cho rằng không có tự do ngoài tự do toàn diện. Trào lưu siêu thực tiếp tục
công trình đấu tranh dành tự do của cuộc cách mạng năm 1789. Dành tự do trong
xã hội, tự do trong suy tư, tự do cho tất cả mọi người. Tự do là mầu sắc của
con người. Thế nên trong hai thập niên 20 và 30 thế kỷ vừa qua, tự do là khẩu
hiệu của mọi công cuộc tranh đấu chính trị.
.....
Lập trường của trào lưu tự do
siêu thực là chống lại độc tài toàn trị, chống lại chủ nghĩa thực dân áp bức
dân thuộc địa. Thế nên cả cộng sản cả thực dân trở thành kẻ thù của phong trào
siêu thực. Riêng câu hỏi chủ chốt thời đó là “cộng sản có thật lòng mang lại tự
do cho con người hay không?” cũng đã chia rẽ hàng ngũ phái siêu thực. Pierre
Grouix viết, “Là où la littérature soude le groupe, la politique et l’histoire
le désagrègent.
.....
Nhiều bạn bè đã từng nhau cùng
sáng tác theo phương pháp tự động, nay trở thành cừu địch. Ngoài vấn đề chính
kiến trên đây, thành viên siêu thực còn chia rẽ trên nhiếu quan điểm khác. Sự
chia rẽ đó đưa phong trào siêu thực tới chỗ suy tàn sau khi André Breton tạ
thế.
Để thực hiện ba chủ đề kể trên,
trào lưu Siêu thực ứng dụng bốn kỹ thuật kể sau:
....
1. Duyên hài, humour;
2. Nét huyền diệu, merveilleux;
3. Giấc mơ
4. Nét cuồng phóng, aliénation
mentale.
..
Với nét duyên hài, người văn
nghệ sĩ, tách mình ra khỏi cuộc sống, để nhìn cuộc sống như một tấn tuồng. Trên
sân khấu cuộc sống, con người chỉ là những hình nộm bị người kéo dây điều
khiển. Nhìn thấy những sợi dây điều động người nộm, thời cuộc sống chỉ còn là
một trò cười, không còn điều gì đáng gọi là quan trọng. Nói ra mặt trái của
cuộc sống là làm đảo lộn trật tự xã hội. Nét duyên hài chỉ là mặt nạ của cảnh
sống trong thất vọng. Nhưng đồng thời nét duyên hài cũng biểu thị ý chí muốn tự
giải thoát khỏi những ràng buộc của xả hội. Dưới tiêu đề La révolution
Surréaliste, Marco Ristitch viết :
.......
Sentir la vanité lamentable,
l’absurde irréalité de tout, c’esr sentir sa propre inutilité, c’est être
inutile. Alors, il faut ou bien s’anéantir, ou bien se transformer, se dépasser
par une négation substantielle … Le surréalisme va droit à la zône interdite.
...
Nét duyên hài phá bỏ những cái
tầm thường trong cuộc sống, đổi hướng trí tuệ về những nẻo đường mới, chẳng ai
ngờ tới, xóa bỏ nhưng chân trời quen thuộc, để sửa soạn cho người nghệ sĩ nhìn
thấy một thực thể mới lạ. Thực thể đó là chủ nghĩa Siêu Thực, trong đó lý trí, luận
lý nhường chỗ cho trí tưởng tượng và mở ra một không gian đầy hình ảnh cuồng
phóng. Nghệ sĩ siêu thực giúp cho con người vượt qua những giới hạn của xã hội
duy lợi, bước vào một thế giới đầy huyền diệu như một tiên cảnh.
.....
Theo André Breton, duyên hài
không chỉ dẫn dắt con người trong cảnh giới của tưởng tượng, mà còn làm cho con
người nhìn ra một thế giời bao gồm cả những thực cảnh cùng những cảnh trong mơ.
Ngày nay, giới khoa học, trong nhiều bộ môn, công nhận lập trường của André
Breton. Nhiều kết quả khoa học không còn duy nhất khách quan mà trái lại dựa
trên những kinh nghiệm chủ quan. Tóm lại người nghệ sĩ siêu thực ứng dụng bốn
kỹ thuật kể trên nhằm mục đích đưa con người tới tự do hoàn toàn, vượt ra ngoài
mọi giới hạn của xã hội duy lợi, không chờ tới mai sau, không phải tìm tới nơi
nào khác mà ngay tai nơi đây và ngay tại lúc này.
.....
Ngoài những điều căn bản tóm
tắt trong những trang trên về trào lưu siêu thực, người đọc nhận thấy còn cần
phải trình bày thêm một điểm, đó là:
....
Cách đọc Thơ Siêu thực
.....
Có trước mắt một bài thơ siêu
thực, người đọc bất kỳ trong ngôn ngữ nào cũng thấy bài thơ khó hiểu, hoặc theo
ngôn ngữ thông thường là tối như hũ nút, hoặc cho là bài thơ thuộc loại kén
người đọc. Nhưng nay, thơ siêu thực bắt đầu được đưa vào chương trình văn học
cấp trung học, thế nên thơ siêu thực đã dần dần được đại chúng ưa chuộng.
.....
Thực ra, không riêng một mình
thơ siêu thực, mà với tất cả mọi loại thơ: thơ là một ngôn ngữ. Ngôn ngữ của
thơ thường vượt xa ý tưởng bao hàm trong lời thơ. Ngôn ngữ thơ siêu thực là
những hình ảnh. Hình ảnh không phải là một điển tích. Dùng ngôn từ giải nghĩa
từng hình ảnh trong thơ siêu thực là giết chết thơ siêu thực. Mỗi hình ảnh thơ
siêu thực có một vẻ huyền diệu riêng. Tập hợp cả chuỗi hình ảnh huyền diệu đó
mới tạo ra ý thơ. Y thơ thường không phải là nét mới mẻ của thơ siêu thực. Nét
mới mẻ là cách đặt hình ảnh bất ngờ cạnh nhau để diễn tả ý thơ. Không dùng ngôn
từ mà dùng hình ảnh để làm thơ, theo giới thành viên siêu thực chính là nới
rộng tự do cho thi nhân và cả độc giả để độc giả và tác giả cùng nhau sáng tác
một hứng thơ mới. Đó là nét đa dạng của thơ siêu thực.
..
Quan Niệm Thơ của Thanh Tâm
Tuyền
....
Cũng như Hàn Mặc Tử và qua bài
Quan Niệm Thơ(8), Thanh Tâm Tuyền viết về quan niệm thơ của mình. trong tác
phẩn ngắn, tám câu, dưới đầu đề(9), Một Bài Thơ:..
.....
Người tài xế mặc áo đen
chiếc xe hàng vắng
mưa xứ nắng buồn dậy muộn
tình nhân thở dĩ vãng vuốt ve
không đa đa siêu thực
thẳng thắn
khởi từ ca dao sang tự do.
...
Trong tám câu bài thơ trên đây,
người đọc chú ý và viết nghiêng câu câu thứ sáu và câu thứ tám và hiểu rằng đó
là hai câu Thanh Tâm Tuyền mô tả đường lối làm thơ của ông. Đó là một giả thiết.
Trong giả thiết đó, người đọc hiểu, qua câu thứ sáu, rằng tác giả muốn đoan
chắc rằng ông không phải là một thành viên những trường phái văn học dada và
siêu thực, của Pháp mặc dầu thơ ông có hình thức mới lạ tương tự như hình thức
thơ siêu thực. Sang câu thứ tám Thanh Tâm Tuyền khẳng định đường lối làm thơ
của ông, khởi từ ca dao và trực tiếp sang thẳng thơ tự do.
....
Để kiềm nghiệm giả thiết này,
người đọc phải trở lại thi phẩm của ông và đi tìm xem dưới hình thức mới lạ của
thể thơ mà ông gọi là thơ tự do, có thực có mầm mống bắt nguồn từ cao dao hay
không.
.....
Trong bài Chim, ông viết tặng
Nguyễn Sỹ Tế, một thành viên trong nhóm chủ trương tạp chí Sáng Tạo có đoạn bốn
câu:
...
ai hỏi anh ngoài hàng dậu
lãng mạn lập thể siêu thực giã
thú đa đa
tôi mở những trái cây vườn nhà
cử chỉ trữ tình tinh khiết
những bước đi văn nghệ chim sẻ
mầu ngói nâu dựng vực mắt nâu.
.......
Người đọc hiểu qua chuỗi hình
ảnh trên đây là có người ở ngoài hàng dậu, nói với Nguyễn Sỹ Tế về chuyện những
thi phái, lãng mạn, lập thể, siêu thực và đa đa; trong khi anh ở bên này hàng
dậu Thanh Tâm Tuyền mở những trái cây vườn nhà. Đó là một cử chỉ trữ tình tinh
khiết, cử chỉ này làm người đọc liên tưởng tới câu ca dao quen thuộc, ta về ta
tắm ao ta, trên con đường làm văn nghệ, với những bước đầu như bước chân chim,
trong khung cảnh mái ngói nâu của căn nhà Việt Nam, và mầu mắt nâu của người
Việt Nam. Qua sáu câu này, người đọc thấy rõ là những trao lưu lãng mạn, tập
thể, siêu thực, dada đều ở ngoài khu vưòn trong đó có Thanh Tâm Tuyền và Nguyễn
Sỹ Tế. Rồi trong đoạn cuối có câu, người bộ hành cô đơn chờ đêm để lên đường về
quá khứ.
....
Ba chữ về
quá khứ, từ năm 1955, năm Thanh Tâm Tuyền xuất bản thi tâp "Tôi không còn cô độc",
làm người đọc ngày nay liên tưởng tới phong trào đi tìm căn tính, identité
trong lĩnh vực văn hóa nửa đầu thế kỷ XX, trước sự xâm nhập của văn hóa Pháp;
cũng như ngày nay trước đà tiến của trào lưu hoàn cầu hóa.
....
Cũng trong thi phẩm Tôi
không còn cô độc, tiếp theo bài Chim, là bài Mưa
Ngủ ông viết tặng
Trần Thanh Hiệp, có câu, “Hồn
nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao nhẹ nhàng những nhát cuốc đầu xới lần áo mỏng
ruộng đồng.”
Chuỗi hình ảnh trên cho người
đọc hình dung ra cái cảnh cô độc của người trai trẻ hồn nhiên đang thành tâm
muốn trờ thành thi sĩ ca dao, với những cố gắng thử thách đầu tiên.
.....
Ca dao là gốc rễ thơ Thanh Tâm
Tuyền, khiến thơ Thanh Tâm Tuyền ăn sau vào lòng đất Việt Nam, thế nên ca dao
là phần tiềm ẩn sau kín trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Tuy nhiên, trong một vài thi
phẩm, ca dao hiện ra trong thơ Thanh Tâm Tuyền như một đóa hoa lý ngát hương
giữa màn đêm, tỷ như trong bài Mưa Ngủ:
.....
Mưa bên kia sông mưa nửa dòng
nước
Ta thương cô mình như nước nhớ
chân
Hoa dù tàn muôn vạn ngàn lần
Lòng ta vẫn chỉ một lần yêu
thương
....
Ca dao trong thơ Thanh Tâm
Tuyền cũng là ca dao tự do, ca dao biến thể, cũng vẫn là những câu nối tiếp có
vần lưng, nhưng có những vần lưng là vần trắc, ngoài luật ca dao thông thường.
Trên một hướng khác, chủ trương
khởi từ ca dao sang tự do và hành trình của thi nhân Pháp từ thơ sang thơ siêu
thực tự do dường như song song.
......
Thật vậy, ứng dụng công thức
của Lautrémont, La poésie doit être faite par tous. Non par un, thì câu thơ do
nhiều người làm chính là một câu ca dao. Thơ siêu thực xuất phát từ cách sáng
tác tự động, cũng do nhiều người làm; thế nên ý kiến lấy ca dao làm gốc cho thơ
siêu thực của Thanh Tâm Tuyền cũng tương đồng với việc thơ siêu thực tây phương
bắt nguồn từ sáng tác tự động vậy.
.....
Hai mươi năm sau bài Chim trích
dẫn trên đây, do thời thế, Thanh Tâm Tuyền trở thành người tù không có án,
Thanh Tâm Tuyền làm thơ theo thể sáu-tám của ca dao. Đó là bài thơ thứ nhất
trong thi phẩm Thơ ở đâu xa: Ngày Đến Long Giao
...
Tỉnh mơ xe đến Long Giao
Đám người đám cỏ tranh cao ven
đường
Ngửng trông núi khuất mờ sương
Mây bay tất tưởi, mưa rong tần
ngần
Tiêu điều ngơ ngác trại quân
Ngổn ngang chiến cụ trận tàn
bầy phơi
Đất bùn đỏ bết chân người
Xanh um bờ bụi tả tơi lũy đồn
Nhà trống trải vách gió ruồng
Vắng tanh thố lộ tình xuông lạ
lùng
Rắn trơ nền nhớp ngả lưng
Hé trời manh múm rách bươm gió
đùa.
..
Bài thơ làm theo thể sáu-tám,
khác hẳn những bài thơ tự do ông làm từ 20 năm về trước, nhưng phong thái siêu
thực, khi nay và nơi này, của Thanh Tâm Tuyền vẫn nguyên vẹn trong hai câu
chót. Mặt nền rắn và nhơ nhớp, đó là nơi đây của ông, và tia mặt trời ló giữa
khe mây rách bươm gió đùa là khi này của ông, ông chấp nhận cả hai thoải mái
ngả lưng nằm nghỉ.
Từ gốc rễ ca dao, thơ Thanh Tâm
Tuyền lớn mạnh, và tác giả mô tả dòng thơ đó bằng điệp khúc, Tôi sống thường
trực bằng hình ảnh.
...
Thanh Tâm Tuyền đã nhắc lại
điệp khúc này bốn lần trong bài Hình ảnh. Chuỗi hình ảnh trong đó Thanh Tâm
Tuyền sống thường trực có nhưng biến hình của ca dao. Trong bài Người Yêu(14),
Thanh Tâm Tuyền viết, “Em vào vườn trèo lên cây bưởi / mời
mọi người dự đám cưới đôi ta.” gợi
cho người đọc hình ảnh cây bưởi đầy gai nhọn trong câu ca dao quen thuộc, Trèo
lên cây bưởi hái hoa / Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
..
Ca dao đã biến thể vào thơ
Thanh Tâm Tuyền thành hai câu vần lưng mang thanh trắc. Thanh trắc này là một
may mắn, như ông viết trong bài Định Nghĩa Một Bài Thơ Hay, “may mắn như bài
thơ gồm những âm trắc đồng tình.”
Xin tạm ngưng chuyện gốc rễ ca
dao trong thơ Thanh Tâm Tuyền ở đây. Đi xa hơn nữa xin để mở dành cho giới
nghiên cứu sau này.
........
TÁC GIẢ: LÊ PHỤNG......
..................
Lệ Đá Xanh
..
tôi biết những người khóc lẻ
loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi
ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
..
đôi khi anh muốn tin
ngoài trời chỉ còn trời sao là
đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh
đôi mắt em
đến ngày cuối
..
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái
cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào
đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu
...
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay
em
vòng ân ái
...
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một
mình
đau đớn lệ là những viên đá
xanh
tim rũ rượi
..
Thanh Tâm Tuyền
..
Dạ Khúc.
..
Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hi vọng
Nên anh dìu em đi xa
..
Ði đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
Ði đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Ðể anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hanoi
Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em
ngày sắp tới
Chiếc kèn hát mãi than van
Ðiệu nhạc gầy níu nhau tuyệt
vọng
Sao tuổi trẻ quá buồn
như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
như bàn ghế không bầy
..
Thôi em hãy đứng dậy
người bán hàng đã ngủ sau quầy
anh đưa em đi trốn
những giày vò ngày mai
..
Thanh Tâm Tuyền
..
(N T, C2 sưu tầm)