Saturday, February 16, 2013

Quỳnh Diêu: Tưởng Nhớ Thầy P.K.A.

...
..
Xin giới thiệu một bài viết của Tôn Nữ Quỳnh Diêu (ĐK 71)
.
THƯA THẦY, CON....MẤT RUỘT
...
Kính dâng hương linh Thầy P.K.A.
Mến tặng em P.A.T 
và các bạn lớp 12C1- ĐK, nk 1970-1971.
T.N.Q.D...
.......
Chiều nay, nhìn lại tấm hình của lớp 12 C1, Pháp văn sinh ngữ 1, niên khóa 1970-1971 chụp theo bản đồ lớp với thầy Phạm Kiêm Âu, làm tôi nhớ lại những ngày thần tiên của thuở học trò xa xưa.  Mặc dù nó đã bị ố vàng theo thời gian nhưng từng khuôn mặt bạn bè vẫn hiện ra rõ trong ký ức tôi.  Mới đó mà cũng hơn bốn mươi năm tôi rời trường xa lớp, sau những năm tháng bận rộn với công việc, cơm áo gạo tiền. Bây giờ ngồi nhớ lại, thấy cả một trời tiếc nuối, bâng khuâng.
.......
Kỷ niệm bao giờ cũng có buồn lẫn vui, nhưng đậm nét nhất, vui và cười ra nước mắt vẫn là những giờ học Pháp văn với thầy Âu, vị Thầy chúng tôi không những kính trọng mà còn thương như một người cha hiền từ.  Mặc dù Thầy không là giáo sư hướng dẫn lớp tôi, nhưng Thầy vẫn hiểu rõ hoàn cảnh, giúp đỡ, khích lệ chúng tôi chăm lo học hành. 
..
Đặc biệt giờ Thầy, luôn luôn tụi tôi phải có mặt đầy đủ trước khi Thầy bước chân vào lớp.  Khi Thầy đã "ngự'' trong lớp rồi là "ngoại bất nhập", vì vậy mà Thầy cho phép tụi tôi có thể chen lấn, lắm lúc còn "xô" Thầy ra để vào lớp trước Thầy.
..
Và một điều nữa là khi Thầy phát bài làm, học trò phải giữ cho kỹ đề bài, làm xong trả lại Thầy, không được để mất một tờ nào.  Thường thường cứ mỗi tuần Thầy cho một bài thème ngắn khoảng từ mười đến hai mươi câu, đem về nhà làm.  Bài thème đó được Thầy đánh máy và quây ronéo, xong cắt ra thành từng tờ nhỏ khoảng một phần ba tờ giấy học trò.  Khi làm bài xong phải đặt tấm giấy nhỏ ở giữa tờ bài làm và nộp lại cho Thầy.  Vì vậy tụi tôi gọi là "ruột".  Thầy luôn luôn nhắc không được phép để mất ruột khi nộp bài cho Thầy, phải giữ ruột sạch, không được lấm mực, và Thầy kiểm soát rất kỹ nên đứa nào cũng phải nâng niu như...con ruột của mình vậy.  Cũng vì mấy tờ ruột đó mà tôi đã bị một lần "lên ruột" và còn nhớ mãi cho tới bây giờ.
..
Một sáng chủ nhật, sau khi chia tay với "cọp nâu" sau mấy ngày phép ngắn ngủi, tự nhiên tôi thấy lo lo, buồn buồn, chiến trường ngày càng sôi động, súng đạn vô tình, làm sao biết được.
..
Đợi cho đến xế chiều tôi mới đem bài Pháp văn ra làm.  Hỡi ôi, tờ ruột đã không cánh mà bay, tôi cố công tìm vẫn không thấy.  Tôi nhớ là tôi rất kỹ, đã kẹp nó trong cuốn rédaction, vậy mà bây giờ nó biến đi đâu.  Tôi mở từng trang vở, xáo tung tất cả sách, lôi hết cặp ra cũng "bặt vô âm tín".  Lúc đó mặc dù trời ở Huế đang mùa Đông mà tôi vẫn đổ mồ hôi hột.  Làm sao bây giờ, thôi thì đi tìm "nó" chứ sao.  Tôi rủ con N. và thêm mấy đứa bạn nữa, thế là một đoàn nữ hùng binh cỡi chiến mã... sắt lên đường đi tìm ruột, mà chẳng thấy ruột đâu.  Đến nhà đứa nào cũng cùng một giọng điệu " chết mi rồi, mất ruột thầy Âu chỉ có nước... chết ".  Một quân sư khác góp ý " mi mu khóc, cứ lên gặp thầy, đem "cọp nâu" ra dọa, khóc hụ hụ lên, rồi đổ thừa cho "cọp nâu" lỡ dại xếp tàu bay chơi rồi, là Thầy... sợ liền".  Mỗi đứa một ý càng làm cho tôi quýnh lên.  Con N. nghe vậy nói " mi nói chi lạ rứa, ai lại đổ thừa cho người ta tội chết, để tau cho mi mượn ruột tau, rồi về nhờ ông Ngoại mi đánh máy lại là xong".  Tôi nghe như vậy quá mừng, phóng nhanh về nhà, và tối hôm đó mặc dù đang bị cảm, ông Ngoại tôi cũng phải thức để giúp tôi hoàn thành tấm ruột giả, trả Thầy.  Khổ một nỗi kiếm đâu ra giấy ronéo cho giống ruột của Thầy bây giờ, thôi đành phải dùng giấy pelure trắng vậy.  Sau khi đưa tôi tờ ruột giả, ông Ngoại còn căn dặn " lần sau nhớ cẩn thận nghe con " làm cho tôi thật hết sức ân hận.
..
Vậy là sáng mai tôi nộp bài với tấm ruột giả.  Tôi đành nhắm mắt thưa thật với Thầy "Thưa Thầy ", Thầy hỏi "Có chuyện gì?" "Thưa Thầy con..."  "Con sao? "  "Dạ con mất ruột "  Thầy sửa lại gọng kính, nhìn tôi  "Mất ruột?"  " Dạ, vì vậy hồi hôm con đã nhờ ông Ngoại con đánh máy ruột khác để trả lại Thầy, nhưng ruột con trắng chứ không vàng giống Thầy".  Thầy cầm tờ ruột giả rồi nhìn tôi, tôi nghĩ thế nào Thầy cũng la tôi một trận, nhưng chờ hoài chẳng thấy.  Và với giọng Nam hiền hòa, Thầy nói  "Tội hôn, sao không cho Thầy hay mà lại để cho ông Ngoại già yếu thức đêm giúp con như vậy tội quá.  Lần sau nhớ cẩn thận nghe con".  Nghe đến đó tự nhiên tôi thấy tủi thân và tôi khóc òa lên làm Thầy cũng ngạc nhiên và thế là Thầy cho tôi về chỗ ngồi.  Sau lần đó tôi thề không bao giờ để mất ruột lần nữa.
..
Rồi cũng nhờ mấy tấm ruột đó mà con "bạn ruột" của tôi, đã tìm được "bức tối hậu thư " nó gửi cho Thầy năm xưa, không ngờ Thầy vẫn còn giữ cho tới bốn mươi năm sau, lúc trở về Huế nó có dịp ghé thăm và con trai Thầy đã soạn ra đưa cho nó.  Đó là cả một kỷ vật vô giá mà những ai là học trò thầy Âu mới có được.  
..
*****
Và đây là " bức tối hậu thư " trả nợ ruột của bạn tôi:
...
Việt Nam Cọng Hòa
Huế, ngày 7. Mai. 1971
Kính thưa Thầy,
...
Con tên là Cái thị Thu Hương, sinh ngày ..... , tại Phường Thái Trạch, Thành nội, Huế.  Hiện trú tại 19 Phan Thanh Giản, thuộc quận 3, tỉnh Thừa Thiên.  Kính xin thầy một việc quan trọng sau đây.
..
Nhân gần ngày lễ Phật Đản, con muốn thanh toán nợ nần cho Thầy, nợ gồm có : 3 ruột, đáng lẽ phải nộp sáng thứ hai, nhưng con bị "estomac" nên không đi học được để trả ruột cho Thầy.  Bây giờ con trả ruột cho Thầy rồi.  Thầy thông cảm cho con một lần cuối cùng rồi thôi.
Nam mô A Di Đà Phật.
Xin Phật phù hộ cho Thầy an khang trường thọ.  Lạy Thầy ạ.
Con
Thu Hương
(Sao y bản chánh)
..
Biết là "quá khứ không nên truy tìm" , nhưng đôi lúc tìm về quá khứ lại là những viên thuốc an thần cho những bất an và phiền não ở hiện tại.
Sau bốn mươi mốt năm xa trường, chiều nay tôi ngồi bên ni nhớ về bên tê đại dương mà thấy lòng thương nhớ khôn nguôi.
..
****
 Vài dòng con kính gởi Thầy,
..
Thưa Thầy,
..
Hôm nay buồn buồn con ngồi kể chuyện đời xưa với Thầy.  Con vẫn nhớ như in dáng Thầy dong dỏng cao, với chiếc áo laine màu nâu nhạt, cổ bà lai, có hai túi nhỏ.  Thầy luôn xách chiếc cặp táp căng phồng mà tụi con đặt cho Thầy là " Monsieur Grander ".
..
Con nghĩ nghề dạy học đối với Thầy không phải là một "nghề", mà đó là cả một  nghệ thuật Thầy đã "đam mê".  Thầy như một người nhạc trưởng tài hoa điều khiển lớp học từ đầu giờ đến cuối giờ một cách trọn vẹn, đã cho tụi con những giờ phút vui tươi, thoải mái, vì 12 C Pháp văn sinh ngữ chính không phải là một môn học "dễ nuốt".
..
Con vẫn còn nhớ, mỗi lúc Thầy dừng bước trước cửa lớp, dậm dậm chân, cười chúm chím, cốt để cho tụi con -  những đứa ham ăn đang mê mãi với những chiếc bánh quai vạt đậu xanh nóng hỗi hay ly chè bột lọc bọc dừa ngọt lịm của chị Châu, có thì giờ "rượt" cho kịp Thầy.  Thầy không muốn tụi con bị trễ mất một giờ học.  Lúc nào trông Thầy cũng nghiêm nghị, " làm mặt lạnh" cốt để cho tụi con lo học vì năm thi gần kề, chứ không bao giờ Thầy "nặng tay" với tụi con. Rồi cũng có những ngày mùa Đông ở Huế lạnh cắt da, Thầy giảng bài với tiếng ho húng hắn, Thầy lại lấy ra những viên kẹo ho bọc đường màu lục để ngậm, và lớp học vẫn tiếp tục với giọng Nam trầm ấm của Thầy, lâu lâu lại pha một chút dí dỏm làm cho tụi con quên cả giờ về.  Cũng nhờ có Thầy mà ngày hôm nay cho dù ở phương trời nào, trong hoàn cảnh nào tụi con vẫn ngẫn mặt lên, sống như thân tùng bách giữa chợ đời bon chen, phiền muộn.
..
Với tấm lòng của Thầy như vậy, mà sao hồi đó sau khi thi đậu, tụi con lại không nhớ ghé thăm Thầy, cho Thầy hay những tháng ngày Thầy đã khổ công với tụi con nay đã có kết quả tốt.  Rồi mãi đến mấy mươi năm sau, lúc Thầy không còn nữa con mới nhớ lại và viết vài dòng cho Thầy.
Con nghĩ với tâm lượng từ bi, Thầy đang ở nơi chốn bình yên nào đó, và Thầy đang mĩm cười mà tha thứ cho tụi con -  một lũ con gái tinh nghịch lúc nào cũng mơ mơ màng màng như người ở cõi trên, hỏi một đằng trả lời một nẻo, thích làm những chuyện ngược đời chẳng giống ai.  Đến nỗi có hôm Thầy bắt gặp, Thầy nhìn tụi con lắc đầu ngán ngẩm:  "thiên tài thì giới hạn mà lũ khùng điên thì không bến bờ", tụi con nhìn Thầy cười ha ha, và rồi thì thầy trò cùng... cười.
..
Vài giòng như một nén tâm hương con xin gởi đến Thầy, và ước gì nếu có được cuốn sách ước, con sẽ :  "ước chi con được trở lại lớp 12 C1 năm xưa, với mười lăm phút "bonus" sau mỗi buổi học, để được nghe lại giọng trầm trầm với cuốn " Monsieur Grander " của Thầy."
..
Con,
T.N.Q.D.
Tháng Tám năm 2012
..

Thursday, February 14, 2013

Đôi Cánh Tự Do

..
...
ĐÔI CÁNH TÌNH YÊU
......
Ngày xưa có một cô gái sống cô đơn trong một ngôi nhà cạnh một cánh rừng.  Một hôm trong lúc dạo chơi cô thấy có hai chú chim non mất mẹ đang thoi thóp trong tổ trên một cành cây.  Cô liền đem chúng về nuôi trong một chiếc lồng son rất đẹp.  Với sự chăm sóc đầy tình thương của cô, hai chú chim càng ngày càng khỏe mạnh và xinh đẹp, mỗi sáng chúng cất tiếng líu lo để chào đón cô.
....
Một ngày kia cô quên cài cửa lồng chim, thế là một chú chim liền bay ra khỏi lồng, nhưng nó không bay đi ngay mà lại lượn vài vòng để như chào cô lần cuối, cô gái buồn bã nhìn theo, cô không muốn rời xa nó, cô không muốn tình yêu của cô bay mất, nên khi con chim bay thật gần, cô liền với tóm lấy thật mạnh.  Cô sung sướng và nắm thật chặt nó trong tay, một lúc sau cô cảm thấy con vật yêu quý bỗng trở nên mềm nhũn trong tay cô, cô hoảng hốt xòe tay ra và bàng hoàng nhận thấy con chim đã nhắm mắt qua đời.  Nó đã chết do chính tình yêu của cô dành cho nó.  Cô thẫn thờ nhìn con chim lẽ bạn còn lại trong lồng và bắt đầu mường tượng rằng nó cần phải có tự do và bay vút lên bầu trời xanh thẳm….....
..
Cô gái liền tiến tới chiếc lồng và nhẹ nhàng tung chú chim còn lại lên không trung, nó lượn quanh cô một vòng, hai vòng, rồi ba vòng.  Cô đón nhận niềm vui của nó bằng ánh mắt nhìn một cách rạng rỡ và trìu mến.  Những phiền muộn trước đó không còn nữa.  Bỗng nhiên chú chim dịu dàng đáp xuống đậu trên vai cô và hót những giai điệu mượt mà - mà chưa bao giờ trong cuộc đời của cô được thưởng thức.
..
Qua tiếng hót kỳ diệu kia, cô chợt hiểu rằng cách nhanh nhất để đánh mất tình yêu là khi ta nắm giữ nó thật chặt.  Trái lại để giữ mãi sự yêu thương thì ta cần phải ân cần trao cho tình yêu một đôi cánh tự do.
..
(N T sưu tầm)
......
TÌM MỘT ÁNH SAO
.
Nhạc: Hoàng Trọng
Tiếng hát: Mai Hương
..

VALENTINE'S DAY: Mối tình đầu Xuân

..
Xin mời quý anh chị và các bạn xem truyện dịch sau đây về một kỷ niệm yêu đương thời trẻ dại nhân dịp Valentine's Day:..
..                                     
MỐI TÌNH ĐẦU XUÂN
..
Tác giả:  Max Steel 
Người dịch: Trương Mỹ-Vân
..
Lời người dịch:  Max Steel là văn sĩ Mỹ sinh năm 1922 tại South Carolina.  Ông sáng tác nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi, và đoạt nhiều giải thưởng văn học. Trước đây ông là giáo sư đại học chuyên về ngành văn chương và kỹ thuật sáng tác. Truyện "Mối Tình Đầu Xuân" được dịch từ nguyên tác "Ah Love! Ah Me!", là một truyện ngắn tiêu biểu cho loại văn châm biếm trong đó biệt tài của tác giả được thể hiện qua cái nhìn nhẹ nhàng và nụ cười bao dung của người từng trải qua kinh nghiệm ê chề của thời mới lớn.
..
Tuy đã sáu năm qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in mùa xuân năm ấy khi tôi vừa quen Sara Nell Workman Dạo đó tôi học lớp Mười Một và thật tình mà nói, tôi thích Sara ngay từ lúc đầu.  Tôi mê cô nàng đến nỗi chịu khó vào thư viện trường đọc hết các tấm thẻ trong sách để tìm những cuốn sách nào Sara đã mượn.  Tôi mang hết mớ sách đó về nhà đọc kỹ từng chữ, ngay cả quyển ThêuThùa May Vá "Tôi mượn cho chị tôi", tôi ấp úng trả lời khi bà quản thủ thư viện nhìn tôi với ánh mắt tò mò đầy nghi hoặc.  Trong cuốn này có nhiều hàng chữ bằng bút chì bên lề, và tuy không biết có phải của Sara không, nhưng với tâm trạng tôi lúc đó, tôi vẫn tưởng tượng do chính Sara viết.  Vì thế tôi đọc đi đọc lại nhiều lần: "Hai khoanh chỉ màu đen, hai khoanh màu cam, một khoanh màu vàng của hoa uất kim hương.  Chỉ còn mười bảy hôm nữa thôi là đến ngày Lễ Mẹ rồi." 
..
Thế nhưng ở vào lứa tuổi mười sáu, không ai đủ kiên nhẫn đọc mãi những dòng chữ vô tình này, cho nên cuối cùng tôi quyết định mời Sara đi xem xi-nê.  Hôm đó tôi tìm mãi không thấy Sara đi một mình, và vào lứa tuổi tôi không ai dám ngang nhiên mời một cô bạn gái đi chơi ngay trước mặt bạn bè cùng lớp.
..
Vậy là tối hôm đó tôi quyết định gọi nàng sau khi cẩn thận ghi số điện thoại trên mẫu giấy con bên cạnh hàng chữ "Tối thứ sáu này có phim Jezebel, Sara có thích đi xem với tôi không?"  Sự việc đơn giản chỉ có thế nhưng khi nghe chuông điện thoại reo đầu dây, bỗng dưng tôi đâm ra hồi hộp và vò nát mảnh giấy con trong tay.  Vừa định gác máy bỗng tôi nghe giọng nói trong trẻo:
 A-lô
Tôi bối rối trả lời:
 À... à... cho tôi nói chuyện với Sara Workman.
 Tôi là Sara đây.
 Ồ Sara!  Tôi là Dave...
 Vâng.
Bỗng dưng tôi hỏi nàng:
 Sara có biết bài tập Sử ký ngày mai không?
 Chờ tí nhé!
Rồi Sara trở lại cho tôi số trang bài tập ngày mai.  Tôi cám ơn nàng, cúp máy và trở về phòng ngồi rầu rĩ một mình.
Mãi một giờ sau tôi đột ngột quyết định gọi Sara lần nữa.  Thế là tôi đứng phắt dậy, nhưng vừa ra đến cửa, tôi vụt quay trở vào trước gương ngắm nghía, chải lại mái tóc trước khi chạy ra khỏi phòng.  Lần này khi Sara trả lời, tôi hỏi ngay:
 Sara có thích đi xi-nê với tôi tối thứ sáu này không?  Dave đây!
Giọng Sara điềm tĩnh tuy hơi có vẻ hững hờ:
 Tôi không biết.  Phim gì vậy?
 Tôi cũng không biết nữa.  Hay là đi chơi lang bang tà tà dưới phố?
 Hả?  Nói cái gì?
Nàng hỏi hơi lớn giọng khiến tôi đâm ra bối rối:
 Tôi không biết ở rạp chiếu phim gì.  Hình như Lucy Bell thì phải.
Thật tình lúc đó tôi không còn nhớ gì nữa nhưng giọng Sara đầy hớn hở:
 A! Đúng rồi.  Phim Jezebel với Bette Davis đóng.  Ồ, tôi thích xem phim này lắm.
 Được rồi.  Thôi chào nhé.
Suốt ngày hôm sau ở trường tôi tránh không dám gặp Sara một mình, thế nhưng lúc tôi đang sắp hàng ở phòng ăn trưa, Sara nhoài người qua trước hai cô bạn và hỏi tôi:
 Có phải tối hôm qua anh gọi không?
 Ừ.
Tôi đáp gọn.  Sara mỉm cười và bỗng dưng lúc đó tôi cứ sợ nàng sẽ cười lớn trước mặt mọi người, nhưng may quá Sara lại quay sang tiếp tục nói chuyên với hai cô bạn.
Tối thứ sáu, tôi đến nhà Sara đón nàng lúc tám giờ tối.  Lúc chúng tôi vừa ra khỏi nhà, cha nàng, một người đàn ông lực lưỡng, mày râu rậm rạp y hệt các lãnh tụ nghiệp đoàn lao động với nét mặt khó đăm đăm, vội hỏi:
 Ai lái xe?
 Dạ cháu lái.
 Có bằng lái không?
 Thưa bác có ạ.
Ông ta còn hét theo khi Sara và tôi vừa bước xuống cuối bực thềm:
 Nhớ đưa Sara về trước mười một giờ nghe không?
 Vâng.
 Mười một giờ, nhớ không Sara?
Ông hét lớn khiến Sara thẹn ra mặt, nàng ngoái cổ lại hét theo:
 Vâng.
Lúc đến rạp, chúng tôi phải sắp hàng chờ và cuối cùng khi vào bên trong thì đã gần hết chỗ nên tôi và Sara phải ngồi hàng thứ ba.  Vì quá gần màn ảnh và phải ngẩng đầu lên nên cổ tôi bắt đầu đau khi vừa xong phim thời sự.  Sara trái lại vẫn thản nhiên nghểnh cổ chăm chú xem.  Khi phim gần chấm dứt, bỗng Sara thấy tôi nhìn trộm nàng, vội hỏi:
 Có chuyện gì thế?
 Tôi nhức đầu quá vì ngồi sát màn ảnh.
 Suỵt ...
Nàng ra dấu cho tôi im vì phim đang đến hồi hấp dẫn.  Trên màn ảnh, Bette Davis đang hy sinh tính mạng mình để tận tình chăm sóc cho người yêu của mình đang trải qua cơn bệnh ngặt nghèo vì sốt xuất huyết.
Lúc ra khỏi rạp, Sara đâm ra im lặng khi chúng tôi đi trên đường phố.  Tôi hỏi nàng:
 Sara có nghĩ rằng Bette Davis nên chăm sóc người yêu của cô ta không?  Cô dám lây bệnh sốt xuất huyết lắm!
Sara thản nhiên đáp:
 Vấn đề ở đây không phải là cô ta nên hay không nên chăm sóc người yêu vì khi đã yêu rồi, không ai có thể chia rẽ họ được.
Tôi chỉ biết đáp lại:
 Trời đất ơi!
Trước mắt tôi, ánh đèn nê-ông nhiều màu của các bảng quảng cáo nhấp nháy như chỉ chực nổ tung lên.
...
Khi chúng tôi bước vào tiệm thuốc "Shaeffer's" thì đồng hồ chỉ đúng mười giờ mười lăm nên Sara tỏ ý lo ngại muốn về.  Nàng bảo tôi:
 Chỉ uống tí gì thôi chứ không có thì giờ ăn đâu.
Rồi nàng kêu một ly sữa sô-cô-la.  Thật ra tôi cũng muốn gọi cho mình một ly nhưng đổi ý định.  Tôi muốn làm ra vẻ sành sõi, đầy kinh nghiệm nên gọi anh hầu bàn và hỏi có thuốc gì trị cơn bệnh nhức đầu của tôi lúc đó không.  Thật tình tôi không nhớ đã nói "Ammonia và Coke", và anh ta đáp:-  Có nhiều thứ như Aspirin, muối Epsom, Litho-bromide.  Tùy ý anh.
Tôi trả lời, vừa cố làm ra vẻ mệt mỏi:
 Mang cho tôi Litho-bromide và một ly Coke.
Sara hỏi khẽ:
 Còn đau không?
Tôi nhìn nàng, mỉm cười không đáp.
Vừa lúc đó, John Bowerman và hai người bạn cùng học lớp Mười Hai bước vào tiệm và ngồi xuống bên cạnh bàn chúng tôi.  Chẳng mấy chốc quán nước trong tiệm thuốc đầy khách hàng vừa từ rạp hát ra. 
Anh hầu bàn trở lại với khay thức uống.  Ly Coke của tôi nằm cạnh chiếc ly trống với hai viên Litho-bromide ở trong và kế đó là một ly nước lạnh lớn.  Thật tình tôi chưa bao giờ uống thứ thuốc này và không hề biết rằng phải bỏ hai viên thuốc vào ly nước lạnh, chờ cho chúng sủi bọt trước khi uống.  Vì thế tôi thản nhiên bỏ hai viên thuốc vào miệng nuốt chửng tựa hồ người ta uống Aspirin.  Xong tôi uống thêm nửa ly Coke trong lúc Sara  nhấp thử ly sữa sô-cô-la của nàng.  Ngay lúc đó, bụng tôi bỗng dưng nổi lên tiếng kêu ọc ạch càng lúc càng lớn dần.  Tôi uống hết nửa ly Coke còn lại và làm vẻ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.  Sara đặt ly sữa xuống bàn và trừng mắt nhìn tôi đầy sợ hãi.  Càng lúc thứ tiếng động quái gỡ trong bao tử tôi càng kêu lớn khiến tôi có cảm tưởng như cả một thùng nước lèo to tướng đang sôi sùng sục trong bụng tôi.  Tôi mạnh dạn nói liều:
 Bao giờ tôi uống thuốc này cũng như vậy cả.
Thế nhưng bụng tôi sôi to quá cỡ khiến mọi người ngồi ở các bàn chung quanh đều phải quay sang nhìn trừng trừng vào tôi.  Sara khẽ bảo:
 Mọi người đang nhìn anh kìa.
Và mặt nàng lúc này đỏ bừng như sắp khóc.  John Bowerman bỗng dưng đứng dậy tiến về phía chúng tôi:
 Tiếng gì kỳ quá, nghe như có ai đun nước sôi!
Anh chàng hầu bàn nãy giờ bận bịu với đám khách hàng đông đảo cũng dừng lại nói chen vào:
 Trông kìa!  Bụng anh này kêu vang như sấm.  Anh đang sủi bọt đấy!
Hắn ta hét lớn khiến mọi người trong tiệm càng chú ý đến tôi hơn.  Lúc đó tôi chỉ muốn bảo khẽ với Sara nhờ nàng đưa tôi ra khỏi tiệm ngay, nhưng tôi vừa mở miệng gọi "Sara" thì bụng tôi càng kêu lên ầm ỹ khiến tôi không thể  nào nói thêm gì nữa.  Sara quay sang kể sự tình cho John Bowerman nghe nên John hét lớn:
 Bác sĩ Shaeffer ơi!
Bác sĩ Shaeffer nhảy thoắt qua quầy thuốc và ra lệnh cho mọi người đang tụ tập quanh tôi giãn ra xa.  Ai nấy vừa lùi bước vừa e ngại nhìn tôi như nhìn một quả bom sắp nổ.  Bác sĩ Shaeffer trấn an họ:
 Không có gì đáng sợ cả.  Nào, giúp tôi một tay khiêng anh này.  Nhớ chúc đầu anh ta xuống thấp hơn bụng nhé.
 Anh ấy bảo bao giờ uống thuốc này cũng bị như vậy cả.
Sara vội nói tiếp nhưng bác sĩ Shaeffer đã ngắt lời nàng:
 Thật tình tôi thấy khó tin lắm.
Lúc này thì John Bowerman và hai người bạn cùng lớp với anh ta đã khiêng tôi đến đặt nằm dài trên quầy thuốc.  Họ để đầu tôi chúc ngược xuống nên miệng tôi há rộng.  Giá lúc đó có đám đánh lộn cũng không thu hút được nhiều kẻ hiếu kỳ như cảnh tôi nằm sóng soài, mồm há hốc trên quầy thuốc.  Bác sĩ Shaeffer mang chiếc khăn ướt ra và bảo Sara đứng bên cạnh, đắp khăn lên trán tôi.  Tôi hỏi nàng:
 Sara không bỏ tôi chứ?
Có lẽ với mọi người chung quanh, giọng tôi lúc đó đầy vẻ lâm ly, nhưng Sara như sực tỉnh:
 Trời đất ơi!  Mấy giờ rồi?
John Bowerman đáp:
 Mười một giờ kém mười.
Sara ném chiếc khăn ướt lên mặt tôi và bảo:
 Tôi phải về nhà trước mười một giờ!
John chụp ngay lấy cơ hội:
 Để tôi đưa cô về.
Tôi nhấc chiếc khăn lên chỉ vừa vặn thấy John đưa Sara ra cửa và nàng không hề ngoảnh mặt lại nhìn tôi một lần.  Bốn năm người đứng quanh tôi cũng tản mát trở về bàn của họ, chỉ còn mình tôi nằm yên lặng trên quầy thuốc, nhìn thẳng lên ánh đèn nê-ông chói sáng trên trần và lắng nghe tiếng ồn ào càng lúc càng thưa dần trong tiệm nước.  Khách hàng từng cặp theo nhau ra về và tiếng người hầu bàn thu dọn bát dĩa cũng càng lúc càng im vắng.  Tôi nhìn anh ta cầm từng chiếc ghế đặt ngược trên bàn trước khi lau chùi sàn nhà và cảm thấy tủi thân cho tôi, tội nghiệp cho anh ta và cho cả thế giới đáng thương này. 
..
Trương Mỹ-Vân - ĐK 67 (B3-C1) dịch.
...
..
HAPPY VALENTINE'S DAY!...

Sunday, February 10, 2013

Thanh Tịnh và Sáng Suốt

.......
 ..
..
Xin mời quý anh chị và các bạn xem bài viết sau đây như một lời chúc an lành đầu năm đến quý Thầy Cô và bạn hữu của "Đồng Khánh 67" nhân dịp Xuân Quý Tỵ:
..
.THANH TỊNH  SÁNG SUỐT
..
Thiền sư Hsing Yun (1927- ) ở Đài Loan kể lại câu chuyện sau đây để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự suy nghĩ:
..
Một hôm thiền sư Ikkyu ở Nhật đi hoằng pháp cùng đệ tử của ngài.  Khi đến giòng sông nọ, họ thấy trên bờ một cô gái đang ngần ngại lo sợ vì không biết làm sao bơi sang con sông đang cuồn cuộn trôi với dòng nước xoáy mạnh.  Động lòng trắc ẩn, thiền sư Ikkyu tình nguyện cõng cô gái qua sông.  Đến bên kia bờ, ngài đặt cô gái xuống và tiếp tục cuộc hành trình cùng đệ tử.
..
Mãi đến vài tháng sau, một hôm người đệ tử hỏi thiền sư Ikkyu:
 Bạch Thầy, bấy lâu nay con có điều thắc mắc nhưng không dám nói ra.  Hôm nay xin Thầy vui lòng chỉ giáo cho con.
Thiền sư đáp:
 Con muốn hỏi điều gì?
 Bạch Thầy, hẳn Thầy còn nhớ cách đây không lâu khi thầy và con đi đến dòng sông nọ, Thầy cõng một cô gái qua sông.  Con không hiểu tại sao Thầy lại làm như vậy.  Há thầy đã chẳng từng dạy con phải tránh những chung đụng với người khác phái hay sao?
Thiền sư Ikkyu thở dài nhìn đệ tử và đáp:
 Con hãy nhìn lại chính con kìa.  Con không thấy trí óc con đang hoạt động như thế nào chăng?  Thầy chỉ cõng cô gái kia qua sông trong vòng mấy mươi phút trong khi con cõng cô ta trong trí óc con suốt mấy tháng trời.
..
Trí óc con người có khả năng tạo nên những suy luận hoàn toàn vô căn cứ và tự tạo nên nỗi khổ tâm hay niềm an lạc cho chính mình.  "Thiên đàng địa ngục do mình; bày nên cảnh khổ tâm linh bất hòa", cho nên thiền sư Hsing Yun bảo "Trí óc là người họa sĩ vẽ nên cảnh đời của họ."  Trong trạng thái nguyên thủy, trí óc sáng suốt và minh mẫn vô cùng, ví như một bóng đèn bật sáng, và những trạng thái khác của tâm hồn, tình cảm ví như những chụp đèn với muôn màu sắc khác nhau phủ trùm lên bóng đèn sáng ngời đó để biến màu trắng của sự thanh tịnh trở thàh màu đỏ của sự giận dữ, màu xanh lá cây của lòng ghen tỵ - trong tiếng Anh cón thành ngữ "green with envy" - màu vàng của sự sợ hãi, màu tím của nỗi u hoài, v.v...  Trong ngôn ngữ hàng ngày thường nghe nói "Giận mất khôn".  Điều đáng chú ý là những trạng thái vui buồn nóng giận này chỉ là những đám mây thoáng qua tạm thời che khuất ánh trăng, nhưng một khi mây bay qua rồi, vừng trăng sẽ trở lại ánh sáng vằng vặc nguyên thủy của nó; vì thế thiền sư Hsing Yun bảo "Người khôn tìm cách chế ngự trí óc của họ trong khi những người khác chỉ biết chú trọng đến thể xác của họ thôi."
..
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có bốn câu kệ sau đây khi nói đến sự liên hệ giữa tâm hồn thanh tịnh và trí óc sáng suốt:..
...
Tâm là máy truyền hình,
Có muôn ngàn nút bấm,
Chọn thế giới an lành,.
Cho tươi vui cuộc sống.
..
(Trương Mỹ-Vân ĐK 67 (B3-C1) phỏng dịch)

Saturday, February 9, 2013

XUAN_thơ Hoài Mai Phượng

..(nguồn: Internet).
..
Thơ Hoài Mai Phượng (Diên Hồng, B5, C2)

XUÂN HOÀI NIỆM
...
Xuân đến rộn ràng Hoa Mai nở
Hồn sao lặng lẽ ngắm phố đông?
Bạn cũ, người xưa đâu xa vắng?
Mai vàng lạnh lẽo rụng ngoài sân.
..
Ai có hoài trông xin ướp lại
Giữ màu tươi thắm tuổi xuân hồng
Một mai thương tiếc ngày thơ dại
Mở ký ức tìm nỗi ước mong
..
Hương Giang vẫn âm thầm trôi mãi
Áo trắng học trò thôi qua sông
Trường xưa không còn in dáng cũ
Đường về đã tắt ánh hoàng hôn...
..
Diên Hồng (Hoài Mai Phượng)
.
...
.......
TÂM TÌNH NĂM MỚI
..
Đón Xuân không có mai vàng
Ồn ào, niềm nở gửi sang e- mail
Niềm thương về đến quê nghèo
Góp tình sưởi phận bọt bèo cút côi..
..
Kèm thêm chỉ một đôi lời
Hỏi han khích lệ với người tha hương
Ánh tâm linh rạng soi đường
Nỗi riêng vương vấn nhớ thương Xuân nào
..
Hồn thiêng sông núi dạt dào
Vài hàng gửi bạn lời chào MỪNG XUÂN.
..
Hoài Mai Phượng
...