HAI
NGƯỜI CHÁU
..
TÁC
GIẢ: TÔN NỮ TRI TÚC
..
Chiều Vỹ Dạ thật êm đềm, người buôn bán gánh hàng về sau
buổi chợ, mấy chú mục đồng lững thững dắt trâu về chuồng, từng toán học trò
trường Thế Dạ đi bên nhau cười cười nói nói trên quãng đường về.
..
Tôn
Nữ Ngộ Khê ra đón chúng tôi ở đầu làng, tay khum khum che miệng nói nhỏ với cả
bọn một tin mới toanh nóng hổi: "Có một anh Bắc kỳ lạ hoắc tới ở làng
mình, các chị ơi." Tôi nhanh nhẩu điều tra lý lịch thì biết anh đó tên
Trọng Hiếu, quê nội ở Hà nội, quê ngoại ở Huế, học lớp đệ Nhất Khải Định, hơn
mỗi đứa chúng tôi ba tuổi. Điều
thích thú bất ngờ là Hiếu phải gọi tôi bằng dì vì mẹ Hiếu là con gái của bác
tôi. Thoạt nhìn, thấy Hiếu
nhu mì làm sao! Từ Bắc mới
vào Trung còn lạ lùng bỡ ngỡ vì chưa quen biết ai nên Hiếu phải đạp xe mỗi ngày
lên chơi với mụ dì nho nhỏ ...
..
Bác
tôi có một vườn ổi, thứ ổi vỏ xanh ruột hồng, khi chín ngọt lịm, ăn mà mê luôn! Tôi thường đến thăm bác, lân la hỏi
chuyện gần xa, rồi cuối cùng xin leo lên cây ổi, nhưng cả trăm lần như một, lần
nào bác cũng tự tay lấy khèo hái cho tôi vài ba trái, còn thì bác để dành bán
lấy tiền mua cau trầu. Từ
ngày có cháu Hiếu về, tôi được ăn ổi đến no say. Bác tôi không ngờ đã nuôi ong tay áo. Bác thường than phiền với Hiếu:
"Có đứa nào vào vườn bẻ trộm hết ổi của bà ngoại rồi, cháu ơi!"
..
Một
hôm Hiếu đến tìm tôi, mặt hầm hầm tức giận:
- Dì nói với mấy người bạn của dì từ nay
đừng phá tôi nữa. Con gái
Huế đi một mình thì ẻo lả như lướt gió lướt mây, vậy mà khi đi ba hoặc bốn
người thì như bầy giặc, phá phách vàng trời!
Tôi
hỏi:
- Có chuyện chi rứa? Đứa mô dám chọc Hiếu?
- Tức mình quá, có cái xe đạp bị đứt dây
thắng mấy ngày nay chưa có tiền sửa, phải chờ đầu tháng lãnh mandat, thành thử
đi xe đạp phải thắng bằng chân. Đi
đường sợ tông nhầm người ta muốn chết. Mỗi
lần thấy mấy cô xa xa là đằng này lo bấm chuông leng keng để các cô tránh vô lề
đường. Mọi ngày vẫn thế có
sao đâu. Hôm qua chẳng hiểu
sao các cô trở chứng, chờ cho xe mình sắp qua mặt thì dăng ra đi hàng ngang làm
Hiếu thắng không kịp nên té nhào chụp ếch. Sách vở rơi tung tóe, áo quần bê bết
bùn đất. Vậy mà các cô có
vẻ thích chí, ôm nhau cười khúc khích nữa chứ!
Tôi
xúi dại:
- Lần sau Hiếu cứ tông xe vô chúng nó
cho té lăn chiên đổ đèn cho bỏ ghét.
Hiếu
thật thà:
- Xe mình không có thắng, đi tới đâu
cũng là lỗi ở mình.
Tôi
lên giọng kẻ cả:
- Thôi Hiếu yên tâm đi, ngày mai dì bắt
tụi nó xin lỗi Hiếu. Mà đứa
nào phá? Hiếu có nhớ mặt
biết tên không?
- Thì bầy con gái Vỹ Dạ chứ còn ai vào
đây: Diệu Tiên, Diệu Uyển, Lê Ẩn, Hỷ Khương.
Tôi
không nhịn được cười vì tụi nó là bồ ruột của tôi. Bỗng dưng tôi nổi hứng muốn về hùa với
các bạn để trêu Hiếu. Tôi
so vai rụt cổ làm bộ sợ hãi:
- Trời ơi, tưởng ai chứ mấy đứa nớ
chưởng lực cao siêu lắm. Dì
không dám mô.
Rồi
hai dì cháu cùng phá ra cười. Tiếng
cười trong vắt như thủy tinh ngày ấy vẫn còn vang mãi trong tiềm thức tôi, âm
vang rộn ràng tưởng chừng như bất tận.
..
*
* *
Người
cháu thứ hai - tên Vĩnh Quý - gọi
tôi bằng cô cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ranh giới nhà Quý và nhà tôi là hàng
rào bông cẩn. Hai cô cháu
rủ nhau khoét một lỗ hổng dưới hàng cây bằng lỗ chó chui để qua lại cho tiện,
khỏi phải đi vòng ngõ trước mất công.
..
Vườn
nhà Quý có cây dâu đất trái chua lè, ai nếm cũng rùng mình, vậy mà tôi cũng
không tha, ăn non từ thuở trái dâu chưa tượng hột. Cây dâu này thật đặc biệt vì dưới gốc
lúc nào cũng có khoảng vài chục con sâu róm lông xù, hai con mắt thao láo đen
ngòm như con ma kẹ. Tôi
phải bẻ que gắp từng con ném xuống vũng sình rồi mới dám leo lên.
Những
lần cô cháu cãi lộn, Vĩnh Quý thường nói xấc: "Tại cô ăn dâu nhà tui nhiều
quá cho nên chừ giọng cô the thé chua lè giống như trái dâu non."
Tôi
với hắn xung khắc nhiều vấn đề, tuy vậy vẫn thường xuyên chơi với nhau. Có lần tôi đi phố mua hàng may áo Tết
bị hắn chê: "Màu áo chi mà xấu hoắc!", hoặc khi tôi đọc những bài thơ
mới, hắn kêu: "Lời thơ chi mà vô duyên òm!" Hắn mê đồ cổ, càng cổ hắn càng quý hóa
nâng niu. Hắn mê hát bộ và
thường ngâm nga bài Nam Ai tựa đề "HuyềnTrân Công Chúa", vừa ca vừa
lim dim hai mắt:
..
Nước non ngàn dặm ra đi
Mối tình chi
Mượn màu son phấn đền nợ Ô Ly
Đắng cay vì đang độ xuân thì
Số lao đao hay vì duyên nợ gì?
Má hồng da tuyết, cũng liều như
hoa tàn trăng khuyết ...
..
Rồi
Quý tự khen: "Hay thật là hay!" Bài hát cũng dễ hiểu, nhưng vốn sẵn có
ý tưởng chống đối trong đầu nên tôi nói khích cho bỏ ghét: "Bài hát nói
chi tau không hiểu mô tê chi cả!"
..
Sách
truyện của tôi là Nắng Trong Vườn,
Hoàng Hôn Thắm, Phấn Thông Vàng, Bướm Trắng, Hồn Bướm Mơ Tiên. Sách của Quý là Tây Du Ký, Phi Lạc
Sang Tàu, Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Tam Quốc Chí, Thủy Hử. Đầu óc Quý chứa đầy chữ Nho
và văn thơ cổ. Có lần hai
cô cháu đến nhà cụ Ưng Bình Thúc Giạ, chui vào vườn định bẻ trộm hoa ngọc lan,
nhưng chưa hái được hoa thì đã thấy cụ đứng đó rồi. Thấy tay cụ cầm một cuốn thơ Đường,
Quý bèn tán gẫu rồi xin dịch thử vài câu:
..
Quân tri thiếp hữu phu
Tặng thiếp song minh châu
Cảm quân triền miên ý
Hệ tạ hồng la nhu
..
Quý
dịch là:
Chàng hay em có chồng rồi
Thương em chàng tặng một đôi ngọc lành.
Thương chàng không biết bao tình
Em đeo trong áo lót mình màu sen.
..
Ưng Bình Thúc Giạ tiên sinh khen ngợi thằng bé nhỏ tuổi
tài cao. Cụ đặt cho nó bút
hiệu Trúc Hiên, tức là cây trúc mọc ở mé hiên nhà. Chờ cho Vĩnh Quý trèo lên cây ngọc
lan, cụ cúi xuống nói nhỏ với tôi rằng: "Bài thơ khi nãy của Ngô Tất Tố
dịch chứ không phải của nó." Sợ
tôi cười chọc quê Vĩnh Quý, cụ lắc đầu ra dấu bảo tôi im.
...
Thành thật mà nói, môn Việt văn Vĩnh Quý giỏi hơn tôi nhiều. Nhờ nó "gà" cho tôi làm bài
ở nhà nên những bài giảng văn, bài thuyết trình của tôi xuất sắc hẳn. Có điều tôi ghét nó dễ sợ vì nó hay
canh chừng tôi, cấm tôi cười toe toét ngoài đường hay ngồi chòm hỏm ăn hàng
giữa chợ. Tôi ra đường
không đội nón là nó xách nón chạy theo: "Cô ơi, làm ơn đội nón che bớt cái
mặt cho có vẻ e lệ thẹn thùng một chút, chứ đi đầu trần để cái mặt chơ hớ ngó
thiệt vô duyên." Có
mấy anh học trò lớp lớn muốn ve vãn làm quen với tôi là hắn sứng sộ khiến họ
phát ngán phải bỏ đi.
..
Một lần, Thu, bạn tôi, có tập nhạc mới, tôi muốn mượn về
nhà chép nhưng Thu nói: "Tập nhạc ni của anh mình, mình phải về hỏi lại đã. Nếu được, chiều nay mình mang lại." Chiều hôm ấy Thu không đến mà ông anh
của Thu mang tập nhạc đến tận nhà cho tôi mượn. Tôi giật mình vì ông anh của Thu chính
là anh chàng vẫn đứng ở Đập Đá nhìn tôi đi học mỗi ngày. Tôi hồi hộp cảm động trong lúc anh
chàng ngập ngừng lúng túng:
- Thu
nhờ tôi mang tập nhạc đến.
- Dạ
- Tôi
không ngờ ở Vỹ Dạ nhà nào cũng có hoa phong lan. Hoa đẹp quá.
- Dạ
- Thu
nhờ tôi hỏi ... chủ nhật này cô có đi biển Thuận An với nó không? Bọn chúng tôi định đi chơi biển một
ngày. Nếu có cô cùng đi thì
vui biết mấy. Mong cô nhận
lời.
..
Câu chuyện đến đó thì Trúc Hiên Vĩnh Quý lù lù chạy ra:
"Cô ơi, bà gọi cô tề." Tôi
đành lí nhí mấy câu cảm ơn rồi xin cáo lui. Tôi vừa quay lưng đi vào trong thì
Vĩnh Quý chạy theo cười hích hích: "Cô ơi, không có ai kêu cô cả. Cháu giả bộ đó." Tôi nổi sùng chụp ngay cuốn tự điển
ném vào hắn:
- Mi
ác lắm, răng không để tau nói chuyện lâu lâu một chút?
- Trời
ơi! Thiên thần hiện trên
mây có một phút mà cô hiện đến hai phút là quá nhiều rồi. Còn kêu ca chi nữa!
Tôi tiếc rẻ:
- Anh
chàng có duyên quá!
- Duyên
chi mà duyên. Hắn trán
ngắn, lưỡng quyền nhỏ, tướng sát thê rõ ràng. Cháu ngắm cho cô không được rồi đa!
Tôi cay cú gào to:
- Chắc
tau phải dọn nhà đi ở chỗ khác chứ ở gần mi e tau thành gái già ở quá mất thôi!
- Cô
ni lãng xẹt, ăn nói chi tào lao rứa! Cô
còn trẻ lo chi cho thêm phiên hè! Thôi
học đi cô ơi, mùa thi sắp tới rồi đó. Nếu
cô còn giận thì tay cháu đây, muốn ngắt véo mấy cái thì cứ ngắt đi! À quên, có hai câu thơ cháu mới làm
tặng cô đây:
Cô ơi, cô dễ thương nhất đời
Mà cô đa sự, đến thợ trời cũng phải thua.
...
Thấy đứa cháu khuyên nhủ chân thành, tôi cũng cảm động,
nguôi cơn giận.
..
Thi đậu phổ thông xong, tôi ghi danh học trường Khải
Định, hiệu trưởng là thầy Nguyễn
văn Hai. Lớp đệ Tứ B1
trường Đồng Khánh có tất cả 40 nữ sinh, trong số đó có 37 người đầu óc tỉnh
táo, thông minh sáng suốt, ghi danh vào các ban Toán, Lý Hóa, Vạn Vật. Còn lại ba đứa lãng tử, cười khóc thất
thường, chọn ban Văn Chương-Sinh Ngữ, đó là Bùi thị Bích Hà, Nguyễn thị Túy
Hồng và tôi. Bầy con gái
còn ríu ra ríu rít bên nhau trong sân trường Khải Định một thời gian ngắn ngủi
vài ba năm nữa để rồi sau đó mỗi đứa bay đi một phương trời xa lạ...
..
Dù đến nay với bao nhiêu năm tháng chồng chất lên tuổi
đời, dù xa cách Huế hàng ngàn vạn dặm, đối với tôi những kỷ niệm dễ thương của
thời thơ ấu ở Huế đã trở thành một ngôi nhà thân yêu mà tâm hồn tôi luôn luôn
muốn tìm về...
..
Tác giả: Tôn Nữ Tri Túc
..
Trương Mỹ-Vân (ĐK 67) sưu tầm
....
ĐÊM TÀN
BẾN NGỰ
Nhạc:
Dương Thiệu Tước
Tiếng
hát: Ngọc Hạ