Sunday, June 30, 2013

L'Adieu - Apollinaire

..
(Hình: Internet) ...
.......
L'Adieu - Apollinaire
...
J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends
...
Bùi Giáng dịch
...
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...

.
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ chẳng nhìn nhau trên đất nữa
Hương thời gian nhành thạch thảo tí hon
Và nhớ nhé ta đợi chờ em nhé.
..
(st).
..

Thursday, June 27, 2013

Bồ-Tát Ồn Ào

......
...
BỒ-TÁT ỒN ÀO
..
TÁC GIẢ: VĨNH HẢO
...
Có một vị bồ-tát rất tầm thường ở trong nhà của tôi, nhà của các bạn, nhà của mọi gia đình ở xứ này. Vị bồ-tát ấy cũng có mặt ở các văn phòng, hãng xưởng, bệnh viện, trường học, v.v… từ tư nhân đến công quyền. Ở nơi sang trọng thì ăn mặc gọn ghẽ, hình dáng thon thả, nhẹ nhàng; ở nơi xập xệ thì hơi cồng kềnh, luộm thuộm một chút. Nhưng vẫn cái dáng đó, ai nhìn vào cũng nhận ra.
..
Bồ-tát thường ẩn mặt chứ không đi nghênh ngang trước đám đông. Thường thì nép mình nơi chỗ kín đáo, nơi phòng tối, hoặc góc xó nào đó. Khi xuất hiện để “hành đạo” thì ồn ào, náo động, làm cho mọi người khó chịu, cho nên bồ-tát vẫn thích chọn những lúc vắng người mới xuất đầu lộ diện. Dù được những người giàu có trang bị cho bồ-tát bằng hình thức đẹp đẽ, gọn nhẹ nhất, và dù đã cố gắng nén tiếng dữ lắm, bồ-tát vẫn luôn là kẻ bị mang tiếng là hiếu động, ồn ào. Mang tiếng như thế, bồ-tát vẫn nhẫn nhục chẳng nói chi. Chưa hề kêu ca than oán, cũng chẳng hề giận dữ hay hờn dỗi ai. Bồ-tát không nói, nhưng khi cất tiếng nói lại chính là lúc làm việc giúp người. Giúp người, nhưng tại sao người lại ít có cảm tình với vị bồ-tát này đến thế? Tại sao người ta đều biết, đều gặp bồ-tát mỗi ngày một lần, hoặc vài ngày một lần, hay mỗi tuần một lần, vậy mà vẫn ít thèm để ý, ít trân trọng sự có mặt cũng như mục đích có mặt của bồ-tát này? Chung qui vì sự đóng góp của bồ-tát tuy khá quan trọng cho đời sống chúng ta, nhưng vẫn là cái gì thứ yếu, không trực tiếp tạo ra lợi tức hay là thứ gì có thể tính đếm, ghi vào sổ sách. Thêm vào đó, thời gian bồ-tát làm việc giúp người lại chính là thời gian ồn ào, đinh tai nhức óc nhất. Gì chứ chuyện ồn ào thì ngay trong những xã hội xô bồ nhộn nhịp cũng không ai ưa thích. Người ta có thể thích nghe những bản nhạc kích động qua hệ thống âm thanh khuếch đại, mở hết volume, phóng ra từ mấy cái loa to tổ tướng, nhưng cũng chỉ trong một cái phòng, một vũ trường, hoặc quán cà-phê nào đó của người Việt ở phố Bolsa, chứ chẳng ai chịu nổi âm thanh rè rè một giọng, ồm ồm một điệu của bồ-tát.
...
Nói tóm lại là người ta muốn bồ-tát hãy xéo đi chỗ khác, đừng có làm phiền người ta, nhất là khi người ta đang tâm sự (tình yêu, tình nhà, tình nước, tình lận đận, tình cho không…), thảo luận (thời sự, chính trị, kinh tế, tôn giáo…), bàn bạc (áp-phe, vay tiền, chuyện thiên thời hay địa ốc...), lắng nghe (tin tức, thuyết trình, tán gẫu, nói dóc, quảng cáo, ca nhạc…). Người ta cần chú tâm, cần yên tĩnh, cần được ngồi yên một chỗ nào đó, hoặc cần được kẻ khác chú ý trong im lặng, cho nên Bồ-tát xuất hiện chẳng khác nào xua đuổi người ta ra khỏi những khung cảnh thơ mộng và ổn định mà người ta đã chọn lựa. Vậy thì chỗ đứng thích hợp của bồ-tát là một xó, thời gian của bồ-tát là thời gian không người lai vãng.
...
Chiều lòng những người khó chịu, bồ-tát cam phận, lầm lũi nép vào góc tối, lặng lẽ chờ đợi. Không một lời ta thán. Không tự ái vặt. Cũng không khoác lác kể lể thành tích hoặc tranh công với ai. Chỉ âm thầm chờ đợi thời điểm cần thiết. Khi người ta cần đến, bồ-tát từ nơi tăm tối hăng hái bước ra.
..
Và đây, những gì bồ-tát đóng góp cho người, cho đời: đi từ đầu nhà đến cuối nhà, chạy từ góc đông qua mé tây, chui xuống gầm giường, rúc vào chân ghế, chân bàn, hùng hục đi tới đi lui, xăng xái lên bắc xuống nam, xoay bên phải quẹo bên trái, không hốc kẹt nào mà không luồn tới, chẳng chỗ khó nào mà bồ-tát bỏ quên. Mồm há thật rộng, chân cuốn như xa luân, lúc tiến lúc thoái, dũng mãnh, kiên cường… chỉ với một ý nguyện to lớn là đón nhận tất cả những ô uế, bụi bặm, rác rưởi của trần gian.
...
Nguyện rằng dưới bước chân tôi, những gì dơ – xấu sẽ trở thành sạch – đẹp, những gì tanh hôi sẽ biến mất và trở nên thơm tho. Tôi đến với thế gian này, tuy rằng cũng khá làm phiền quý vị nhưng khi tôi rời quý vị để trở về với góc tối của tôi, không gian chung quanh quý vị biến thành cảnh trí thanh khiết, đẹp đẽ, sạch sẽ. Tất cả những gì quý vị trưng bày trang trí trong bất cứ khung cảnh nào, căn phòng nào, dù là trang trí cho nhu cầu thẩm mỹ nghệ thuật hay trưng bày để khoe của, phô trương, đều trở thành vô nghĩa, vô duyên, nếu không có tôi đến để thực hiện ý nguyện và trách nhiệm của tôi. Tôi đến xong rồi đi, chẳng để lại dấu vết gì, nên cũng chẳng ai biết hay nhớ rằng ngay ở những nơi chốn đẹp đẽ sạch sẽ ấy đã có sự xuất hiện tiên phong của tôi. Người ta đến trong cuộc đời này để bày biện và cố tình để lại những dấu vết trong khi tôi đến để xóa dấu vết. Những gì quý, đẹp, sạch, dùng được, đều được ở lại, chỉ riêng tôi là rút vào hậu trường bóng tối. Sẽ không ai còn nhớ đến tôi cho đến khi họ cảm thấy không thể chịu đựng nổi những dấu vết của bụi thời gian và bụi từ đất trời. Nhưng tôi cũng không lấy đây làm điều, vì người ta còn nhớ đến thì ước nguyện của tôi vẫn còn có cơ hội để thực thi: làm sạch cuộc đời. Tôi đã hóa thân và có mặt khắp các nơi chốn bằng nhiều hình thức, kiểu dáng, công dụng, để đáp ứng với thị hiếu và khả năng của mọi thành phần xã hội. Tôi và tất cả các hóa thân khác của tôi tự nguyện thâu nhận tất cả những bụi bặm dơ nhớp của trần gian về phần mình để cuộc sống mọi người được vệ sinh, ít bệnh, ít khổ. Tóm lại, phần dơ - xấu: tôi đón nhận; phần sạch - đẹp: nhường dâng cho mọi người.
...
Hiểu được ý nguyện cao đẹp một cách âm thầm, lặng lẽ của vị bồ-tát này, hẳn là không ai có thể tưởng tượng được là bồ-tát lại mang tiếng là kẻ ồn ào. Có cái gì trái ngược giữa ý nguyện và danh xưng của vị bồ-tát này. Ý nguyện đó có thể nói theo ngôn ngữ Phật giáo là: “Nguyện thay chúng sinh gánh chịu tất cả phiền não, ô trược, cáu bẩn của trần gian khiến cho mọi loài đều được an vui, hạnh phúc.”
...
Đó là một đại nguyện thường được tán dương và âm thầm thực hiện trong các hạnh của bồ-tát. Đó cũng là câu chuyện của cái máy hút bụi mà nhà nào cũng có.
...
Bạn đã đối xử với vị bồ-tát “ồn ào” này như thế nào? Có trân trọng không? Có thường đáp lễ bằng cách lau chùi, chăm sóc, làm sạch lại cho bồ-tát không?
...
Một kẻ muốn làm sạch cho kẻ khác, cho cuộc đời, trước tiên phải sạch nơi chính mình. Bồ-tát ồn ào đã nói với chúng ta như thế. Có nghĩa là chúng ta nên nhớ thay bao (hay hộc) chứa bụi sau khi hút bụi. Nếu chỗ chứa bụi đầy ngập bụi rác, sẽ không có khả năng hút và chứa thêm. Chúng ta cũng đừng quên tháo gỡ những sợi chỉ hay tóc bị cuốn nơi trục lăn, cũng đừng quên vô dầu mỡ, thay giây belt khi bị đứt, vì trục không quay, máy sẽ chẳng hút được gì cả. Phải làm sạch máy hút bụi trước khi hút bụi.
...
Tôi chẳng phải nhân viên quảng cáo của các công ty sản xuất máy hút bụi (như Hoover, Kenmore, Eureka, Bissell, Oreck…). Tôi chỉ muốn giới thiệu bồ-tát hút bụi đến với bạn để cuộc sống thêm chút thăng hoa, nhất là có thêm bằng hữu để học với nhau những ý nguyện tốt đẹp. Bạn không cần phải gọi máy hút bụi là bồ-tát như tôi. Gọi như thế nào cũng được, nhưng nên nhớ rằng bạn có một người bạn tốt trong nhà. Tuy có lúc ồn ào, nhưng thường khi thì lặng lẽ khiêm cung, chỉ đứng im trong góc xó, mà công hạnh thì không phải là nhỏ đối với đời sống của bạn. Một người bạn tốt như thế mà không biết trân quý thì thật đáng tiếc.
..
TÁC GIẢ: VĨNH HẢO
...
(sưu tầm)
..........
...
.....

Thursday, June 13, 2013

thơ Tình Ca

...
tranh họa sĩ Thái Tuấn
TÌNH CA
......
Muốn về thăm vườn xưa
Tặng em bông cúc nhỏ
Mưa nắng đã bao mùa
Chẳng biết hoa còn nở

..
Muốn về dòng sông cũ
Tặng em vầng trăng trong
Trăng theo người viễn xứ
Lạnh buốt mấy trời đông

..
Tặng em hàng cây cao
Nhớ con đường tuổi nhỏ

Một sớm đời lỡ nhau
Đã mười năm dâu bể

..
Tặng em vì sao sáng
Thăm thẳm giữa trời khuya
Như cánh chim phiêu bạt
Vẫn hẹn một phương về

..
Tặng em hạt mưa sa
Trước hiên nhà bóng tối
Trên quê hương đọa đày
Người mong người đã mỏi

..
Hãy khơi dòng nước lũ
Chảy xuôi về biển Đông
Tìm nhau trên đất hứa
Xin tặng đời trăm năm

..
Tác giả: Đào Trường Phúc
...
Trương Mỹ-Vân (ĐK 67) sưu tầm
.........
...

Wednesday, June 12, 2013

Có hề chi

........
....(nguồn: Internet).
Có Hề Chi
......
Có hề chi một chiếc lá rơi
thiếu một chiếc mùa Thu vẫn đẹp
người ta vẫn gặp gỡ - chia phôi
không lưu luyến chẳng hề nuối tiếc
..
Có hề chi một cánh hoa rơi
thiếu một cánh mùa Xuân vẫn thắm
người ta vẫn cứ sống, cứ vui
như chẳng có gì quan trọng
..
Có hề chi một ánh sao băng
thiếu một ánh trời đêm vẫn sáng
người ta vẫn đứng dưới mặt trời
hạ vẫn chan hoà muôn tia nắng
..
Có hề chi một người ra đi
thiếu một người cuộc đời vẫn thế
sao kỷ niệm êm đềm năm tháng cũ
vẫn nhói tim ta những sáng đông về.
..
Tác giả: Ngô Tịnh Yên
...
Trần Phương Mỹ (ĐK67, B5) sưu tầm
..... ....\

Monday, June 3, 2013

tranh thơ Như Quê 5

Tranh thơ Như Quê 5....
TRANH NHƯ QUÊ
...
.....
..................
BÀI CA CỦA CON CHIM NHỎ
..
Con chim nhỏ trên cầu Châu Ê *
Nó ca bài ca năm tháng
Rặng liễu buồn nơi xa chân núi
Bàng bạc mây trời sương khói chiều tà
Trời xuống dần khuất núi xa xa
Suối róc rách Châu Ê thổn thức
Con chim nhỏ buông lời tỉ tức
"Ơi Châu Ê, hỡi Châu Ê !"
Bài ca xưa, hồn thiêng sông núi
Nỗi buồn vời vợi, hoang phế, lụi tàn.
Con chim nhỏ trên cầu Châu Ê
Vẫn ca bài ca năm tháng
Ngày lên dần, nắng vàng rực sáng
Thương Châu Ê hoang phế, lụi tàn
..
 ĐOÀN NHƯ QUÊ..

 * Cầu Châu Ê trên đường đi lên Tuần, qua cầu Lim đi thẳng rồi rẽ phải. Nơi đây không có khách du lịch, không có người lui tới, nhưng mãnh đất như có hồn thiêng, địa danh Châu Ê gợi lên một thời vương quốc Chăm Pa lụi tàn.

....

Saturday, June 1, 2013

Tờ lịch

(Hình: Internet)
.
Tờ Lịch Gỡ Mỗi Ngày
......
Nhà tôi treo một “lốc” lịch to nơi phòng khách, mỗi sáng thức dậy, tôi gỡ một tờ quăng đi… Khi ló tờ mới, tôi xem kỹ câu danh ngôn nếu có, coi đấy như lời dạy dỗ đầu ngày của các bậc tiền bối ! Không biết ai sao, riêng tôi thấy tâm đắc việc này lắm !
.
Ví như, sáng thứ 2 tuần trước, ngủ dậy liền đến bóc tờ lịch, tờ mới có ghi câu danh ngôn của Turenne: Tôi có ý kiến này muốn tặng bạn: Đó là, mỗi khi bạn muốn nói, bạn hãy làm thinh.”  Xem câu ấy xong, tôi ngẫm nghĩ… và thấy có lý, hay lắm.  Quá hay đi chứ! Lời khuyên răn này rất xác đáng, đã đúc kết một kinh nghiệm quí báu trong cuộc sống đầy những chuyện khôn lường của lòng dạ con người!  Và, ngày hôm đó tôi cẩn ngôn hơn!  Tôi chỉ thực hành nửa câu nói ấy mà cũng thấy mình khá rồi!   Còn thực hành nguyên câu dĩ nhiên là không nỗi!  Xin cảm ơn ông hay bà Turenne người nước nào tôi không rõ, đã cho tôi một chút của báu giắt lưng phòng thân trên đường đời gian truân!  Tôi không muốn coi tiếp câu danh ngôn của ngày kế tiếp… Ừ, cứ giữ bí mật để đó, vội gì!
.
Đến sáng ngày thứ 3, ngủ dậy, tôi lại gỡ lịch, gặp câu nói của Swift:  “Nổi giận là tự gánh giùm lỗi của người khác!”  Chí lý ! Dại gì mà nổi giận cơ chứ!  Quả nhiên, câu ấy tác động nơi từng sâu thẳm tâm hồn, ngày hôm đó gặp nhiều việc bực mình, mà tôi đâu có thèm giận!  Ngu gì gánh lỗi kẻ khác!  Lại phải cảm ơn cái ông Swift hay bà Swift gì đó nữa!…
.
Rạng đông ngày thứ 4, lại ló tờ lịch ghi câu của Montesquieu: “Phải khóc con người lúc sinh ra, chứ đâu phải lúc chết.”  Chết rồi có phải làm gì nữa đâu mà cực với nhọc!  Thế thì cũng chả nên khóc lóc mà làm chi!   nhỉ!  Lạ thật!  Cái chết đột nhiên giảm bộ mặt khủng khiếp trong tâm tưởng tôi, nói chí tình cũng phải có chút ít tác dụng của Montesquieu mới ra thế!  Và, ngày hôm đó tôi nghị lực hơn, yêu đời hơn!  Lại cảm thấy mình cứng cáp lên!
.
Sang ngày thứ 5, tờ lịch hiện lên câu ngạn ngữ Ba Tư:  “Lưỡi dài thu ngắn đời sống.”  Ôi, quá chất lượng!  Dân Ba Tư kinh nghiệm quá dày dặn!  Nói lắm chỉ được cái “nguy to”, chỉ được cái “rước họa vào thân!” 
.
Đến ngày thứ 6, tờ lịch lấp lánh câu danh ngôn khác, thật cao siêu của Villier de l’Isle Adam:  “Người nhục mạ bạn, họ chỉ nhục mạ ý nghĩ của họ có về bạn, tức là họ nhục mạ chính họ!”.  Câu này trong tầng sâu là đúng, nhưng thực hiện quả là thiên nan vạn nan! Lên hàng thánh mới xài được! Tâm đắc lắm nhưng cứ cất yên đấy!  Công lực chưa đủ, chờ thời gian nữa hẵn hay!

.
Sáng ngày thứ 7, lại ló câu của Cervantes: Ăn to thì di chúc nhỏ.”  Ui chao! Cũng có lý quá! Tôi coi tiếp luôn ngày Chủ nhật xem sao… Đó là câu của G. Herbert:  Ai cũng có một thằng điên trong ống tay áo.”  Trời đất!  Lại cũng quá đúng!  Những lúc bưng ly bia, cốc rượu chỗ đông người, trong ống tay áo tôi thường rớt ra thằng điên, thậm chí đôi lúc rớt ra hai thằng!  Say quá, có khi rớt tới ba thằng!
.
Ôi chao!  Riêng về phần danh ngôn, tờ lịch vậy mà hay!  Một lần nữa xin cảm ơn, cảm ơn… tờ lịch gỡ mỗi ngày!  Việc gì phải đi thư viện đọc sách hao thời gian, cứ lịch đấy mà học mãn đời không hết !
.
Không rõ tác giả
.
Nguyễn thị Hòa (ĐK67, B6, C2) sưu tầm