Saturday, March 7, 2009

Những Điều Lạ Lùng

..
..
Mời các bạn đọc bài viết của Nguyễn sĩ Tuyết Hồng, em gái Nguyễn sĩ Tuyết Hương  Nguyễn sĩ Tuyết Hoa, hai bạn ĐK67 của lớp B5 ngày xưa...
..
"Đây là lần hội ngộ đầu tiên của nhóm ĐK67 tại Houston, Texas nhân ngày Phượng Vỹ 2008."..
..... 
NHỮNG ĐIỀU LẠ LÙNG
....
BÀI VIẾT CỦA NGUYỄN SĨ TUYẾT HỒNG
...
Lễ khai giảng niên học 1960-1961, khi các chị bắt đầu vào trường trung học Đồng Khánh thành phố Huế, cô Hiệu trưởng đặt tên là Đoàn Bạch-Đằng, khẩu hiệu là “Tiến”, nhạc hiệu là bài hát Bạch-Đằng-Giang, bao gồm 7 lớp đệ Thất, mỗi lớp trên 60 người. Các chị mang tên đoàn trong suốt thời gian theo học tại trường. Đối với tôi, đây là điều lạ lùng đầu tiên, vì 12 năm sau, khi tôi bước chân vào trường Đồng Khánh thì chúng tôi chỉ đơn giản là học sinh lớp đệ thất.
....
Vài tháng trước khi có cuôc họp mặt thường niên của nhóm Phượng-Vỹ tại Houston, do cô Quế Hương tổ chức với gần 900 cưu giáo sư, nữ sinh Đồng Khánh và thân hữu từ khắp nơi trên thế giới về họp mặt, chị tôi báo tin sẽ tham dự buổi họp mặt đầu tiên của đoàn Bạch Đằng sau hơn 40 năm, và sẽ đi một mình vì anh rể tôi bận việc. Chị tôi đã gần 20 năm không tham gia tiệc tùng họp mặt, ngoài thì giờ cần thiết phải đi làm programmer, thì cứ ở nhà làm những công việc khác. Chị có bệnh chóng mặt, dễ bị xỉu, mà bây giờ đòi đi máy bay một mình, ở khách-sạn, rồi lại vui chơi trong vòng 3 ngày thì thật là một điều lạ thứ hai. Tôi bỗng nhiên đề-nghị với chị tôi, “Nếu chị về Houston mà không tới thăm gia đình em được, thì để em xách vali vô khách sạn ở với chị, để thăm chị luôn”. Chị tôi mừng quá, vì có người ở cùng, khỏi sợ ma. Còn tôi cũng mừng vì đã gần 20 năm, kể từ khi lập gia đình, đây là lần đầu tiên tôi được đi vacation một mình, mà lại chỉ cách nhà có 1 tiếng đồng hồ lái xe..
.....

Lái xe vòng vèo lên đón chị tôi ỏ phi trường quốc tế đưa về khách sạn cũng vừa bủn rủn tay chân, tài lái xe của tôi thì cũng không hơn gì chị tôi, chỉ biết có một con đường từ nhà tới sở. Chúng tôi check-in, cất hành lý rồi sửa soạn đi dự tiệc hội ngộ ở nhà anh chị Từ. Chị tôi tới đứng trước một chiếc xe đang đậu trong parking lot, một bóng người nhỏ thó phóng ra, cười ngặt nghẽo, hai chị ôm chầm lấy nhau và bắt đầu nói huyên thiên. Đó là chị Thúc Anh, bạn thân của chị tôi thuở còn đi học, từ đấy chúng tôi đi cùng xe với nhau cho đến khi chấm dứt. Tôi được ngồi ghế trước, tay cầm một xấp bản đồ, làm navigator cho anh Sa, chồng chị Thúc-Anh. Hai chị thì ngồi ghế sau với chị Tuyết-New Hamshire, những tràng cười kéo dài hầu như bất tận trong chiếc xe thân tình đó. Tôi cười đến chảy nước mắt, anh Sa thì cười đến nỗi tay lái loạng choạng.
......
Chị Từ làm tiệc để chào đón bạn bè cũ của trường sư-phạm Qui-Nhơn, trong đó có một số bạn thuộc đoàn Bach Đằng, thế là anh chị Từ mời hết đoàn Bạch-Đằng, gồm khỏang 30 người tới dự tiệc luôn. Chủ nhà tiếp đãi ân cần một cách đặc biệt, khách đông đúc ra vô cũng gần cả trăm người. Tôi được ăn một bữa bánh bèo, bánh canh, các thức ăn Huế no-nê. Các chị Bạch Đằng đi khắp nhà kêu gọi nhau ơi ới, chơi trò “Mi có biết tau là ai không? Có nhận ra mặt tau không? Tên tau là chi?”. Nhớ làm sao được! Ngay cả như chị tôi, ngày xưa, ốm tong teo, miệng móm, tóc ngắn; bây giờ thì có da có thịt, hết móm, để tóc dài. Ai mà nhận cho ra! Tôi có một job mới, các chị nhờ tôi bấm máy hình dùm. Ngay từ ngày đầu, tôi đã được nhận vào đoàn Bạch Đằng và cũng có sinh hoạt bận rộn như ai.
....                                       
Vừa mới ăn xong đang còn thở, thì chị Bạch-Lan đã kêu tất cả mọi người lên lầu tập múa. Tôi thấy tức cười, nên lẻn vào trong góc, tò mò ngồi xem các bà gần 60 múa như thế nào. Chị tôi cũng ngồi xem kế bên tôi, chị không tham dự múa vì “Lỡ mình lên sân khấu mà chóng mặt té xuống, là mất mặt mình lắm”. Chị Bạch Lan nhận xét thấy lý do cũng chính đáng “giữ gìn thể diện”, cho nên có lệnh khoan hồng cho chị tôi khỏi múa. Tôi thấy các chị sắp hàng đông đủ, đâu ra đó, tập múa hết sức nghiêm chỉnh, mặc dầu nét mặt ai cũng lộ vẻ mệt nhọc (Họ phải đi máy bay từ xa đến, tôi nghe kể những ai tới sớm thì từ 3 giờ trưa, phải theo chị Bạch Lan ra ngoài parking lot tập múa vì khách sạn không cho phòng để tập múa). Họ vừa tập múa vừa nói chuyện nho nhỏ, nhưng cười thì lại rất to (tuy chị Thúc Anh có lấy tay che miệng). Không phải là cười nhỏ nhẹ, cười mím chi, mà là cười ngặt nghẽo, cười hả miệng, nhắm mắt, cười nghiêng người ôm bụng kêu đau. Cái gì cũng cười, chuyện xưa đâu mà nhớ nhiều đến thế. Tại nhà anh chị Từ, họ phải tiếp tục tập múa thêm gần 2 tiếng nữa, rồi mới được về khách sạn ngủ. Hôm nay là ngày đầu tiên của các chị, thứ Sáu August 29, 2008. Tôi nghe nói các chị ở chung phòng, có người còn nằm chung giường để tâm sự cho đã...
............ ....                              
Bài hát “It’s a Small World (After All)” của Disneyland được chị Thúy Vi và anh Thoại dịch sang tiếng Việt là “Đời nở hoa”. Tôi không biết đây có phải là bài múa của các em mẫu-giáo, mà các bà nội bà ngoại khi ngắm nhìn các cháu múa, nên lòng rung động nhớ lại thời văn nghệ huy hoàng ngày xưa, mà biến nó thành một bài hát tiếng Việt, ca ngợi tình bạn lâu dài, với những câu hát dễ thương như “Nào cùng nhau đùa vui say sưa, rồi tình yêu càng thêm thâm xa…Trong cuộc đời biết thương nhau hoài”. Chị Bạch Lan làm CD gởi cho tất cả múa-viên, để họ theo đó mà tập múa. Những nguời ở gần, như nhóm San José (Cách khoảng 7 tiếng lái xe), được chị Mộng Hoa lên nhà tập múa. Sau đó, hai chị Bạch Lan và Mộng Hoa còn lặn lội lên Los Angeles, tìm mua vải áo dài, rồi tặng cho các múa-viên may áo. Bao nhiêu là công trình, nhưng tới khi họp mặt để dượt lại bài múa trước khi trình diễn, thì mới thấy là các bà nội ngoại, mỗi người múa một kiểu, lại có thêm một số người mới, nên chị Bach Lan bắt tất cả phải tập múa lại, cho tới khi nhuần nhuyển.
....
Phải chứng kiến mấy chị tập múa, mới thấy múa không phải là dễ. Chị Bạch Lan điều khiển sự tập dượt với bàn tay sắt, tập múa đúng giờ, không được nói chuyện ồn ào, múa sai là múa lại từ đầu. Chị đi cứ lom khom nhìn chăm chăm vào mấy cái chân đang múa, tay chỉ bên này bên kia, miệng thì kêu hết tên này đến tên khác. Người dạy múa thì rất sung sức, tựa như không bao giờ mỏi mệt; còn các múa viên thì mặt mày xơ xác, sửa lui sửa tới một hồi thì không còn nhớ cái nào trước cái nào sau nữa. Chị Bạch Lan nói “Tau có chuyện khôi hài ni, để tau kể cho tụi bây cười”. Mệt thế nhưng lúc nào các chị cũng sẵn sàng để cười. Sáng sớm thứ Bảy các chị đã phải xuống một phòng họp trống của khách sạn để tập múa rồi, phòng bị hư máy lạnh nên rất nóng và ngột ngạt. Họ điểm tâm bằng những gói xôi lấy về từ bữa tiệc tối hôm qua. Các chị cứ tập múa cho đến gần trưa, sát giờ đi dự ngày đầu tiên của đại hội. Buổi tiệc được tổ chức tại Kim Sơn Buffet, vì phòng ăn quá rộng bao gồm khách dự đại hội Đồng Khánh và khách ăn bên ngoài, nên khó tìm gặp nhau. Tuy vậy đoàn Bạch Đằng cũng tìm được một dãy bàn riêng để ngồi với nhau. Các chị được dịp nói chuyện thả giàn, kêu gọi nhau inh ỏi, mi tau cùng nhau chụp hình kỷ niệm và cùng nhau ăn.
.....

Tôi còn nhớ chị tôi nói, “Tau mới mua một cái quần jean trắng để mặc đồng phục, sẽ được phát áo màu tím hoa sim, có in hình 2 cái nón trước ngực. Mi thấy răng?” Cứ nghĩ tới cái hình ảnh một người đàn bà lớn tuổi như chị tôi mặc áo quần như vậy là tôi không nhịn được cười. ...
.......
.........
Nhưng lạ thay, sáng nay, khi nhìn các chị cùng mặc đồng phục đứng bên nhau, mới thấy phục sáng kiến của chị Thu Lê. Màu trắng và màu tím đậm, nằm bên nhau trông rất tươi sáng, trẻ trung. Không thấy ai cao ai lùn, không thấy ai mập ai ốm, không thấy người nào là trưng diện, người nào là giản dị. Chỉ thấy một đoàn Đồng Khánh (như hồi xa xưa) áo quần giống hệt nhau, thân hình gọn gàng, mặt mày vui tươi, đứng sắp hàng chụp hình nơi cầu thang, hay là hô to khẩu hiệu Bạch Đằng/Tiến 3 lần và hát bài Bạch Đằng Giang, thì ai dám nghĩ rằng, đây là những người đàn bà đã gần 60 tuổi, đã trải qua các khổ đau của thời chinh chiến và biến cố 75, đã là bà nội bà ngọai, và tất cả vẫn còn đang làm việc full time, chưa có ai nghỉ hưu. Tôi thấy họ mặc chiếc áo có hàng chữ ĐK 60-67 với ánh mắt long lanh. Chiếc áo ấy, hẳn là mang một niềm hãnh diện nào đó trong lòng mỗi người, tình bạn, tình thầy trò, một thời thơ ngây, những kỷ niệm không bao giờ phai....
.... ....
Xong buổi tiệc trưa thì thấy các chị có vẻ thấm mệt, đâu có ai ngờ là sự tập dượt múa lại mất nhiều thì giờ đến thế. Chị Bạch Lan có lời nhắn cho tất cả về khách sạn ngủ trưa 1 tiếng, rối xuống phòng tiếp tục tập múa cho nhuần nhuyển. Theo lịch trình, ngay sau tiệc trưa là chương trình đi viếng thắng cảnh, do chị Quý là cư dân của Houston sắp đặt, moi việc đã được tổ chức sẵn sàng không ngờ đến phút cuối thì phải hủy bỏ. Chị Quý cũng là một nhân vật rất dễ thương, chị lái xe đi đón các bạn ở phi trường, mỗi ngày túc trực múa hát và sinh họat với các bạn từ sáng cho đến tối. Phần đông các chị đi hội họp thì bỏ chồng con ở nhà, nhưng người chồng nào có mặt, thì tôi thấy tinh thần họ cũng hết sức tươi sáng.
Chi Thúc Anh ngủ quên, đến khi thức dậy thì sợ bị chị Bạch Lan la cái tội đi trễ, nên cứ mặc nguyên quần áo ngủ mà chạy xuống phòng họp để tập múa. Các chị tập múa cho đến 6:30 tối mới sửa sọan để đi dự tiệc ở nhà chị Phương Mỹ. Chúng tôi tới nơi nhìn những thức ăn được sửa soạn cẩn thận và bày biện trên bàn mới thấy là chị Phương Mỹ và chồng đã quý mến bạn bè rất nhiều. Lần này thì chúng tôi đều cùng ngồi chung trong một dãy bàn, và cũng thưởng thức các món Huế. Ăn xong thì lại kéo nhau lên phòng ngủ rất rộng của chị Phương Mỹ để tập múa. Chúng tôi leo lên giường của 2 vợ chồng ngồi coi tập múa, nếu tôi không lầm, hình như cái giường bị sập xuống.
..
...
Hết tập bài “Đời nở Hoa” thì tập bài múa mọi “Sơn nữ ca”. Bài Sơn nữ ca múa rất khó, phải do các tay gạo cội đảm đương. Người nào đang tập thì cũng hết sức chăm chú, ra ngoài ngồi nghỉ thì mới được nói chuyện hay là ăn vặt. Tập múa cho đến khi gần gục thì mấy chị mới được đi xuống lầu. Chúng tôi có đem theo mấy chai champagn và một cái bánh lớn kỷ niệm 40 năm gặp nhau và cám ơn tình nghĩa của 2 vợ chồng chị Phương Mỹ. Rồi thì cắt bánh, uống rượu, ca hát, chụp hình. Có lẽ tình bằng hữu của các chị Bạch Đằng cũng làm cho anh cảm động, chồng chị Phương Mỹ cũng nói vài lời rất chân tình khi nhắc đến sự thích thú của vợ mình trong ngày họp mặt cùng bạn bè. Chúng tôi về lại khách sạn thì trời đã tối lắm. Hôm nay là ngày thứ Bảy, ngày mai là ngày trọng đại. Đại Hội Đồng khánh 2008 và cũng là ngày đoàn Bạch Đằng trổ tài múa cho các thế hệ đàn em lé mắt. Đừng chê các chị già rồi, chân tay cứng cỏi nhé....
.........
Xe vừa đậu ở Parking lot thì chị tôi thấy có xe cảnh sát đang đậu trước cửa khách sạn và một cảnh sát viên đang đi lui đi tới. Rất cẩn thận chị tôi không cho ai bước lên cỏ để đi vô khách sạn, lý do là sợ bị cảnh sát phạt. Anh Sa đi vô gặp ông cảnh sát nói là mấy bà đang đi loanh quanh tìm đường ngoài kia, không dám đi lên cỏ sợ cảnh sát bắt. Ông cảnh sát lẩm bẩm ” Bộ mấy bả khùng hả?”. Tối hôm đó tôi kêu điện thoại kể cho chồng tôi nghe. Ôi biết bao nhiêu là chuyện để cười.
.....
Sáng Chủ nhật 31, ngày trọng đại, các chị trang điểm cẩn thận, cũng đồng phục áo dài, ai cũng xinh đẹp hết. Các chị xuống lobby thì gặp các thầy cô nên chụp hình tới tấp, chỗ này một nhóm, chỗ kia một nhóm. Anh Sa diện áo dài VN màu xanh, trong có áo lót cao cổ màu trắng, đầu đội khăn đóng, chân đi giày hạ. Anh Sa có trách nhiệm chụp cho Bạch Đằng những tấm hình lưu niệm xinh đẹp, nên anh luôn luôn có mặt bên cạnh chúng tôi. Anh vui cười vì chưa bao giờ anh thấy vợ mình vui cười đến thế. Anh ca hát và thân tình với chúng tôi như anh cũng là đoàn viên của Bạch Đằng. Hôm nay thấy ai cũng diện xinh đẹp, nhưng có lẽ anh Sa là người diện nhất. “Gươm lạc giữa rừng hoa”. “Tam Tạng giữa bầy yêu nữ”.’ “Vị đại gia đặc biệt ! Các đại gia khác mỗi khi ra đường, chỉ có vài ba người đẹp bên cạnh, còn vị đại gia này có trên 20 người đẹp vây quanh. Chỉ có điều đặc biệt là các cô đều từ 60 tuổi trở lên”. Chị tôi nói, “Bởi vậy, đừng thấy đại gia cười mà nghĩ là đại gia vui, đại gia đang trong-héo-ngoài-tươi đấy”.
...
Chúng tôi được sắp xếp mấy cái bàn trong góc, sát bên sân khấu. Sân khấu rất lớn, có thể chứa cả trăm người. Thức ăn 7 món theo kiểu Trung hoa. Những khi đại hội như thế này thì mọi người rất nhộn nhịp. Họ đi quanh tìm bạn cũ. Có những lớp, như Bạch Đằng, đã gom góp lại được một số người, thì tìm cách ở chung với nhau, đi chơi với nhau trong các ngày đại hội. Những người đi riêng lẻ, thì lúc nào cũng có các bạn DK là cư dân Houston hay là các nhóm bạn khác, sẵn sàng mời đi họp mặt, thiệp mời đăng trước cả tháng trên website của Phượng Vỹ. Tuy rằng tôi có học DK, nhưng đây là lần đầu tiên tôi biết đến sinh họat của một nhóm DK. Rất tiếc là mấy tuần trước cô Quế Hương bị té gãy xương hông, ai cũng lo lắng, nhưng hôm cô xuất hiện trong ngày Đại hội để gặp gỡ mọi người, trông cô như đã lấy lại được một ít sức khỏe.
.....
Nói riêng về đoàn Bạch Đằng, ở rải rác khắp nơi, nhưng chị Thu Lê đã kiên nhẫn bao nhiêu ngày tháng để liên lạc, khuyến khích, tổ chức cho mọi người gặp nhau. Lo từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ nơi cư trú đến từng buổi ăn. Gọi phone, gởi Email, cả năm trời mới họp được nhau lại. Phần các chị, thì dầu đường xá xa-xôi, việc nhà, việc sở, việc gia đình, việc cá nhân, bệnh nặng, bệnh nhẹ, đã hẹn nhau rồi thì thế nào cũng phải đến. Gặp nhau rồi thì bỏ hết mọi chuyện ra đằng sau, chỉ thấy toàn là những ngày tháng cũ. Có bạn bè nào mà chân tình và ngây thơ cho bằng bạn bè thời còn đi học. Mặc dầu sau khi ra đời, có thêm trăm, ngàn người quen mới, nhưng bạn thuở xưa luôn luôn vẫn là những tình bạn đáng cho chúng ta ấp ủ.
....
Các chị có bổn phận múa thì phải lo sửa soạn, không ăn được, những người ngồi ngoài như chúng tôi thì cũng lo, không có lòng dạ để ăn. Hồi hộp như hồi còn đi học, múa viên thì trang phục tề chỉnh, ngồi đợi lệnh của chị Bạch Lan. Chị Bạch Lan thì cứ đi lui đi tới suy nghĩ dữ dội, không biết có nên tập thêm cho họ, hay là cho họ ngồi nghỉ để sửa soạn ra sân khấu trình diễn. Thế rồi màn trình diễn của “Đời nở Hoa” đã đến. Các phó nhòm đổ lên sát sân khấu để chụp hình, có lẽ trong gần 20 năm trình diễn của Đại hội Phượng Vỹ, có các kịch thơ, các màn trình diễn, nhạc cảnh, thi hoa hậu … nhưng chưa hề có các màn múa (vì các cô DK e lệ chăng?), nói chi là màn múa của các bà nội, bà ngọai. Múa xong là các chị tràn xuống như một đàn ong vỡ tổ, “Răng? Răng? Coi được không? Có bị bể dĩa không?”. “Tốt lắm, tốt lắm, múa rất đàng hoàng, đều đặn.” Cũng chưa được ăn! Chị nào phải múa “Sơn nữ ca” thì lo thay đổi y phục, chị nào không múa thì cũng phải bận đồng phục đứng làm background cho màn múa mọi. Xong rồi thì tất cả chạy xuống thở không ra hơi, “Thấy ra răng? Được không?” “Tốt. Tốt. Dẻo dai lắm. Xinh đẹp lắm”....
...........
Rồi lại còn màn hoạt cảnh “Tết Mậu Thân” của nhóm Phượng Vỹ, có mời các chị Bạch Lan, Mộng Hoa, Thanh, Tuyết Nhàn, Thanh Vân đóng vai gái đẹp du xuân với những tà áo dài màu sắc rực rỡ, với các anh sĩ quan lò tò theo sau. Rồi tiếng súng nổ và xác người rơi. Hoạt cảnh là một màn gợi nhớ buồn bã, nhưng chúng tôi thì lại cười, bởi vì súng mới nổ phát đầu tiên thì chị Bạch Lan đã té xuống rồi, 4 chị nằm chình ình trên sân khấu rất lâu mới được đở cho đứng dậy. ..

Xong xuôi hết rồi, thì các múa viên mới được ăn uống, ai cũng tái xanh vì mệt và đói. Tội nghiệp, cơm lạnh cá nguội, nước ngọt không có đá, nhưng tất cả đều ăn uống ngon lành. Tôi không biết mấy bàn của chúng tôi có làm phiền mấy bàn hàng xóm hay không, nhưng thật sự thì lúc đó chúng tôi không còn nhìn thấy ai hết, nên nói chuyện và chụp hình rất ồn ào...
......
Có người hỏi, tại sao lâu ngày họp nhau mà không ngồi nói chuyện, đi chơi, ăn uống cho khỏe, bày đặt chi cái chuyện múa cho khổ như vậy. Đó chính là điều lạ lùng nhất mà tôi học được từ các chị. Cái bond của các chị ngày xưa, là sinh họat trong cùng một đoàn, cùng một lớp, Cái bond của các chị ngày nay là sinh hoạt tập thể trong các màn múa. Những giờ phút tập múa mệt nhọc đã đem các chị đến gần nhau hơn, tái lập lại sự ràng buộc chỉ còn trong trí nhớ. Thời gian có thể lưu lại những hình ảnh đẹp trong quá khứ, nhưng không gian lại làm phai mờ sự ràng buộc giữa con người. Cùng nhau đổ mồ hôi, công sức ra tập múa, là cái bond trẻ thơ, đã nối kết một cách kỳ lạ những người bạn cũ lại với nhau. Ai bảo Múa không có ích lợi? Múa có ích lợi nhiều lắm chứ.
.....
Đại hội kết thúc bằng những màn chụp hình liên miên và âu sầu giải tán. Buổi trưa nắng gắt, Houston vào tháng Chín, có tin bão lớn sắp kéo vào, cả chủ lẫn khách đều có nét lo âu. Nhưng tinh thần của các chị vẫn còn lên cao, một số đông được chị Quý và phu quân chở đi du ngoạn vài nơi, bù lại chút ít chương trình đã bị hủy bỏ ngày hôm qua. Tôi cảm thấy mệt mỏi vì mấy bữa nay cười nhiều quá, ban đêm nhớ lại vẫn còn cười trong mền, đến gần sáng mới ngủ được; chị tôi thì mấy bữa nay ăn uống không kiêng cữ, nên tay chân mặt mũi bị sưng lên, cũng về khách sạn ngủ luôn. Chợp mắt được vài tiếng thì thấy các chị kéo nhau về, mặt mày ai cũng hớn hở, chúng tôi thay đổi quần áo đi dự buổi tối văn nghệ cuối cùng do chị Phương Nga tổ chức. Chị Nga ngày xưa là Trưởng lớp B4, cho tới ngày nay vẫn còn nguyên tác phong của người trưởng lớp, chị sắp đặt tổ chức một đêm họp mặt cho Bạch Đằng vui chơi rất thành công (mặc dầu mai là chị phải đi về ViệtNam thăm nhà). Chúng tôi được thưởng thức món ăn Pháp, chúng tôi lại được ngồi bên nhau để trò chuyện. Các chị nhắc tới những sinh họat văn nghệ ngày xưa, tôi lại được dịp cười đau cả bụng. Chị Nga cũng mời một số thân hữu văn nghệ tới tham dự, mọi người thay phiên lên sân khấu ca hát rất náo nhiệt. Chị Quý đứng dậy rủ chị tôi ra nhảy, chị tôi chưng hửng, “Hai người đàn bà nhảy với nhau há?” “Chuyện bình thường. Có gì đâu.”. Nhảy xong chị tôi nói nhỏ vào tai tôi, “Tau kiệt sức rồi”. Đã lâu lắm mới được thấy lại chị tôi nhảy đầm, cũng vui vui. Có một chuyện cũng hơi oái ăm. Chị tôi đi về Houston dấu kín tất cả bạn bè bà con, vì sợ không có thì giờ đi thăm, thế mà chúng tôi cũng gặp một người anh họ thân thiết nhất tại bữa tiệc (một trong những khách mời của chị Nga). Cũng may anh vui vẻ thông cảm, không trách móc gì. Buồn nhất là lúc tan tiệc, bởi vì sau đó thì ai về nhà nấy. Mấy chị bùi ngùi kéo nhau lên hết phía trên, hát bài Bạch Đằng Giang và rồi bài Tạm Biệt.
.....
Tôi chưa bao giờ được cười nhiều như vậy. Chuyện Xưa cười chưa hết thì lại thêm nhiều chuyện Nay nữa, toàn là những chuyện độc đáo, hiếm có. Ba ngày trôi qua mau như một giấc mộng. Tôi không hề tham dự và không hề biết những hội ái hữu học trò cũ, trường cũ xảy ra như thế nào, nhưng tôi thấy buổi họp mặt đầu tiên của các chị DK-67 Bạch Đằng rất thắm thiết và thành công. Những người có trách nhiệm tổ chức như Thu Lê, Bạch Lan, Phương Nga thì có tinh thần hy sinh rất cao, sẵn sàng nhường những tiện lợi cá nhân mình cho bạn, lo lắng chu đáo từng việc nhỏ nhặt. Các chị đoàn viên thì sinh hoạt có kỷ luật, cố gắng hết sức, rất nhường nhịn, tha thứ, có óc khôi hài, lúc nào cũng cười vui vẻ, và đặc biệt là họ thành thật thương mến nhau. Lúc tôi nói với chị Hòa về nhận xét của tôi, tôi thấy chị long lanh nước mắt. Tôi thường hay nói chuyện với các chị Hòa, Ngọc Trâm, Đạm Tuyết, Kim Đôn, gương mặt các chị thật hiền lành và đầy tình cảm. Họ nói với tôi những lời tâm sự chân thật, tánh tình họ nhã nhặn, dễ chịu và hòa đồng với mọi người, mỗi chị bày tỏ một kiểu tấm lòng của mình, kể làm sao cho hết. Tôi có hai người chị thuộc đoàn Bạch Đằng, chị Tuyết Hương hiền lành, nghiêm nghị (còn ở lại Việt Nam), chị Tuyết Hoa thân mật, khôi hài. Tôi quý mến các chị của tôi, nên khi thấy các chị Bạch Đằng ân cần thăm hỏi họ, nhất là chị Hòa, tôi tự nhiên cảm thấy thương mến các chị. Chị Thu Lê nói “Chị Hương”, có người hỏi, “Học cùng lớp tại sao lại kêu là chị Hương?”. Chị trả lời, “Vì chơi với Tuyết Hoa, nên kêu Tuyết Hương là chị”. Tôi quý tánh khiêm nhường và giản dị của chị Thu Lê. Tôi thương nhóm San José hiền lành, đằm thắm và nhiệt tình. Tôi chưa từng thấy ai mặc những chiếc áo dài xinh đẹp như nhóm Nam Cali, nồng nhiệt, trẻ trung. Tôi thích chị Tuyết ở New Hamshire, nơi nào có họp mặt bạn cũ là chị cũng tới. Tôi cảm phục sự đón tiếp nồng hậu của nhóm Houston, … và còn nhiều chị khác nữa mà tôi không có dịp được nói chuyện. Tất cả các chị đều để lại trong lòng tôi những cảm tình sâu đậm.
.....
Xin gởi lời chào đến các chị Đồng Khánh 67! Cầu mong các chị sẽ còn cơ hội gặp nhau nhiều nữa trong tương lai, để còn cười với nhau nhiều hơn nữa. Cuộc đời khó khăn, loay hoay từng ngày trong bổn phận, nếu không gặp lại bạn cũ, làm sao còn nhớ đến nụ cười.... 

Nguyễn Sĩ Tuyết Hồng (Cựu Nữ Sinh ĐK.)...
...
VĂN NGHỆ  PHƯỢNG VỸ 2008
....
...
VỚI MÀN VŨ ĐỜI NỞ HOA CỦA NHÓM ĐK67
.....