Saturday, November 30, 2013

Quà tặng cuộc sống

.
.
.
1. ĐỪNG TỰ LÀM TỔN THƯƠNG CHÍNH MÌNH
...
Một đêm một con rắn trong khi đang tìm kiếm thức ăn, bò vào một xưởng mộc.

Người thợ mộc vốn khá bừa bộn, đã để lại một số công cụ nằm trên sàn nhà trong số đó có một cái cưa.

.                   
Khi con rắn bò lòng vòng trong xưởng, nó trườn qua cái cưa, và bị một vết cắt nhỏ.

Ngay lập tức, nghĩ rằng cái cưa đã tấn công mình, nó quay lại và cắn thật mạnh vào cái cưa khiến cho miệng nó chảy máu.

Điều này khiến con rắn rất tức giận. Nó tấn công một lần nữa, và một lần nữa cho đến khi cái cưa đầy máu và dường như đã “chết rồi”.

Sắp chết vì những vết thương của mình, con rắn quyết định cắn một cái cuối cùng thật mạnh trước khi bò đi. Sáng hôm sau, người thợ mộc rất ngạc nhiên khi thấy một con rắn chết trước cửa nhà mình.

Bài học: Đôi khi trong lúc cố gắng làm tổn thương người khác, chúng ta chỉ làm tổn thương chính mình mà thôi.
..
...
2. ĐIỀU TÔI HỌC TỪ CUỘC SỐNG
.

1. Tôi đã học được từ cuộc sống: tôi không thể bắt người khác yêu mến mình, tất cả những điều tôi có thể làm là cố gắng trở thành một người đáng được yêu mến..

Cuộc sống muôn màu, hãy biết sống và yêu thương nó.

2. Tôi đã học được từ cuộc sống: tôi có thể đúng khi giận giữ ai đó nhưng không thể chấp nhận bất cứ lý do nào cho việc tôi biến thành một kẻ tàn nhẫn với người khác...

3. Tôi đã học được từ cuộc sống: cho dù bạn bè tôi tốt như thế nào cũng sẽ có lúc họ làm tôi bị tổn thương và tôi phải biết tha thứ cho điều đó...

4. Tôi đã học được từ cuộc sống: trước khi muốn tha thứ cho người khác, tôi phải tập tha thứ cho chính bản thân mình...

5. Tôi đã học được từ cuộc sống: khi một người không yêu mến tôi như tôi mong muốn, không có nghĩa là họ không yêu mến tôi hết lòng...

6. Tôi đã học được từ cuộc sống: mình phải mất nhiều năm để tạo lòng tin nơi người khác nhưng lại có thể đánh mất nó chỉ trong một giây...

7. Tôi đã học được từ cuộc sống: tôi phải luôn cẩn trọng vì những lỗi lầm tôi gây ra trong một khoảnh khắc, có thể làm tôi hối hận cả một đời.
.
...
3. HAI VIÊN GẠCH XẤU XÍ
...

Đến miền đất mới, các vị sư phải tự xây dựng mọi thứ. Họ mua đất, gạch, mua dụng cụ và bắt tay vào việc. Một chú tiểu được giao xây một bức tường gạch.

Chú rất tập trung vào công việc, luôn kiểm tra xem viên gạch đã thẳng thớm chưa, hàng gạch có ngay ngắn không. Công việc tiến triển khá chậm vì chú làm rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chú không lấy đó làm phiền lòng bởi vì chú biết mình sắp sửa xây một bức tường tuyệt đẹp đầu tiên trong đời. Cuối cùng, chú cũng hoàn thành công việc vào lúc hoàng hôn buông xuống.

Khi đứng lui ra xa để ngắm nhìn công trình lao động của mình, chú bỗng cảm thấy có gì đó đập vào mắt: mặc dù chú đã rất cẩn thận khi xây bức tường song vẫn có hai viên gạch bị đặt nghiêng. Và điều tồi tệ nhất là hai viên gạch đó nằm ngay chính giữa bức tường. Chúng như đôi mắt đang trừng trừng nhìn chú. Kể từ đó, mỗi khi du khách đến thăm ngôi đền, chú tiểu đều dẫn họ đi khắp nơi, trừ đến chỗ bức tường mà chú xây dựng.

Một hôm, có hai nhà sư già đến tham quan ngôi đền. Chú tiểu đã cố lái họ sang hướng khác nhưng hai người vẫn nằng nặc đòi đến khu vực có bức tường mà chú xây dựng. Một trong hai vị sư khi đứng trước công trình ấy đã thốt lên: "Ôi, bức tường gạch mới đẹp làm sao!".

"Hai vị nói thật chứ? Hai vị không thấy 2 viên gạch xấu xí ngay giữa bức tường kia ư?" - chú tiểu kêu lên trong ngạc nhiên.

"Có chứ, nhưng tôi cũng thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép thành một bức tường tuyệt vời ra sao" - vị sư già từ tốn.
. ..
....
4. 10 BÍ QUYẾT CHO TÂM HỒN BÌNH AN
...
1. Giảm thời lượng đọc sách báo, xem ti vi.

2. Tránh xa những cuộc đối thoại tiêu cực và người tiêu cực.

3. Đừng ôm ấp hận thù và sự giận dữ. Học cách quên lãng và biết tha thứ.

4. Đừng ganh tị với người khác. Ganh tị có nghĩa là chúng ta có tự trọng thấp, và tự xem mình thấp hơn người khác. Điều nầy một lần nữa làm cho thiếu vắng sự an bình nội tại.

5. Hãy chấp nhận những gì không thể thay đổi. Điều này tiết kiệm rất nhiều thời gian, năng lượng và lo lắng.

6. Mỗi ngày chúng ta đối diện với vô số sự phiền phức, sự cáu kỉnh, và những tình trạng ngoài sự kiểm soát. Nếu chúng ta có thể thay đổi chúng, điều ấy thật tốt, nhưng điều này không phải luôn luôn có thể thực hiện được. Phải học gói ghém những thứ như vậy và chấp nhận chúng một cách thân ái.

7. Hãy học kiên nhẫn hơn và tha thứ bao dung hơn với con người và sự việc.

8. Đừng ôm lấy mọi thứ một cách quá cá nhân, một số cảm xúc và vô tư tinh thần là đáng mong ước. Hãy cố gắng nhìn cuộc đời chúng ta và những người khác với vô tư hơn và ít liên lụy hơn. Vô tư không phải là dững dưng, thiếu sự thích thú hay lạnh lùng. Nó là khả năng để suy nghĩ và phán đoán công bằng, hợp lý. Đừng lo lắng nếu chúng ta thất bại lần này rồi lần nữa trong biểu hiện vô tư. Hãy giữ sự cố gắng.

9. Hãy để dĩ vãng trôi vào quên lãng. Hãy quên đi quá khứ và tập trung vào giây phút hiện tại. Không cần phải khơi dậy ký ức không vui và tự đắm mình trong chúng.

10. Thực hành một số bài thực hành tập trung. Điều này giúp chúng ta loại bỏ những suy tư không vui và lo lắng phiền muộn đã đánh cắp tâm tư hòa bình của chúng ta. Hãy thực hành Thiền quán. Ngay cả một vài phút trong một ngày sẽ làm nên sự thay đổi trong đời sống của chúng ta.
..
Kim Thư (ĐK 70) sưu tầm                                                                                        

Thursday, November 28, 2013

Tạ Ơn

.......
.

VÔ LƯỢNG ÂN TÌNH
..
Tạ ơn Mẹ cho con dòng sữa ngọt
Tình bao la như lượng của đất trời..
Dạy con sống cho đi hơn là nhận
Biết thương người còn bất hạnh, đơn côi.
..
Tạ ơn Cha đã cho con cuộc sống
Lúc vỗ về, khi giáo huấn nghiêm minh
Tình Cha đó, tựa sơn hà cao rộng
Con trưởng thành trong đức độ, hy sinh.
.
Tạ ơn Anh, ''đời trai vì sông núi''
Quên gian lao cho Tổ quốc thanh bình
Quê hương đẹp lúa hai mùa phơi phới
Và làng thôn yên giấc, sống an ninh.
..
Tạ ơn Em đã sớm chiều bên Mẹ
Lo cho Cha chân yếu buổi hao gầy
Vừa may vá, chăm một bầy thơ trẻ
Chuyện trong ngoài quán xuyến một bàn tay.
...
Tạ ơn Trời đã cho bầu dưỡng khí
Cho muôn sinh hơi thở sống trong lành.
Cho mưa nắng mùa màng thêm đẹp ý,
Bừng trăng sao đêm vũ trụ long lanh.
..
Tạ ơn Đất cho muôn loài cư ngụ
Cho rừng xanh, sông suối, lá hoa ngàn..
Như Tình Mẹ ấp ôm từng trái, nụ
Có bao giờ mong đáp trả, hỏi han.
..
Tạ ơn Nước cho làn da sán lạn
Giọt Cam lồ mầu nhiệm đức Quan Âm
Giả dụ nước bỗng một ngày khô cạn
Sự sống lìa, ai tính chuyện trăm năm ?

Tạ ơn Hoa đã vì đời tươi nở,
Ơn con đường rạng rỡ ánh dương soi,
Tạ ơn chim hót bên hè phố chợ
Giữa bôn ba cơm áo.. chợt môi cười.
..
Ôi vô lượng, ôi ơn đời vô lượng!
Mà một lần sao nói hết ''Tạ ơn!''
Bao hạnh phúc.. chỉ cần ta nhận diện
Hạt bụi này ơn vũ trụ, giang sơn..
..
- Xin lặng lẽ dập đầu chân đức Phật
Nén nghẹn ngào dâng một chút tâm hương
Tạ ơn Phật đã mang về Chân lý
Đưa nhân sinh qua bóng tối đêm trường.
..
Tạ ơn Đạo, Tạ ơn Đời, tất cả..
Ơn vạn loài chan chứa một Tình thương.

.
TÁC GIẢ: THẦY THÍCH TÁNH TUỆ 
.
Mùa lễ Tạ Ơn  - Thanksgiving 2013
.
(Đạm-Tuyết B2 sưu tầm.)

Tuesday, November 26, 2013

Bà Ngoại Em vẫn chưa già

(sưu tầm tặng K K) 
.
(hình: Internet)
.
Sau đây là nguyên văn bài thơ của một học sinh (trên Internet)

CÔ BẮT LÀM VĂN TẢ BÀ
...
“Bà ngoại em vẫn chưa già
Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường
Mắt bà vẫn rất tinh tường
Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày
Nhưng Bà em vẫn rất hay
Bà chăm con cháu luôn tay luôn mồm
Công việc bà vẫn ôm đồm
Chăm lo con cháu sớm hôm không nề
Hôm nay cô giáo ra đề
Bắt em phải tả viết về Bà em
Em tả giống hệt bên trên
Cô bắt viết lại - mắng thêm em rằng:
Đã Bà là phải rụng răng
Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời
Bà cũng không được ăn chơi
Vì mắt phải kém và môi nhai trầu
Đã Bà là phải ngồi khâu
Không được ngồi hát Ka - Râu - Ô - Kề
Nhất là không được ghi đề
Tuyệt đối không được phóng xe ào ào
Em nghe chẳng hiểu thế nào
Em phải hỏi mẹ xem sao vụ này
Tả sai thì lại không hay
Tả đúng thì lại có ngày ăn roi
Kiểu này phải nói mẹ thôi
Hay đổi Bà khác đúng lời của cô???”
..
(nguồn: "lựm" trên net) 
..
(hình: Internet)

Monday, November 25, 2013

Tôi làm Bà Ngoại

,..
(nguồn hình: Internet)

TÔI LÀM BÀ NGOẠI
...
BÀI VIẾT CỦA LƯƠNG KIM-KÊ (ĐK 67)..
..
Thương con gái, cánh phụ nữ chúng ta không nề hà gian khổ chăm con gái từ khi chúng nó có bầu cho đến khi sinh.  Vạ vật ở bệnh viện phụ sản bới xách ngủ gà ngủ gật dưới giường cho mẹ con sản phụ đươc yên giấc, về nhà chăm mẹ xông hơ cho sau này cứng cáp, đi chợ lựa thức ăn cho mẹ được nhiều sữa, rồi quạt lữa hơ háp cho bé, hơ mỏ ác, hơ "vuốt mũi túi nậy," hơ nách sau lớn khỏi "hách nôi," hơ bụng cho ấm bụng sau ít bi đau bụng, hơ "chim chóc" để lớn lên "cậu nhỏ," "em bé" thật đẹp đẽ....
..
Gặp đứa bé Bà Mụ thương, ăn ngủ dễ dàng, gặp đứa "khó nuôi" bà ngoại chăm sóc trầy trật khổ sở trăm bề, thức khuya dậy sớm, ơ hờ theo từng miếng ăn giấc ngủ.
..
Tôi làm bà ngoại của 4 đứa cháu ngoại, đứa lớn nhất bây giờ đã mười mấy tuổi, đứa nào cũng thuộc dạng "cháu ghẻ" của Bà Mụ, nên thật khó nuôi, con gái tôi có tôi làm bà ngoại , nhân tiện "tòi"  thêm đứa thứ hai, cũng con trai, để tôi "thăng hoa" thiên chức bà ngoại , thế là tôi "ôm sô."
..
Mỗi lần đi chợ, tôi tay dắt đứa lớn, đứa nhỏ tôi địu như người dân tộc địu con rứa, may mà cái địu của tôi hòe hoa sói, nếu không tôi cũng giống sơn nữ Fà Ca.  Mỗi khi dẫn chúng đi, có người không biết, hỏi "sao chị sinh dày thế" năm một hả? (đứa lớn hơi bị đẹt).  Tôi tức cuời trả lời, "bà ngoại chịu chơi đây chị ơi."  Người ấy ngạc nhiên, mà ngạc nhiên cũng phải, cách đây muời mấy năm mặc dù làm bà ngoại, nhưng tôi cũng "chịu chơi lắm, ăn mặc cũng trẻ trung, cũng "hoa hòe hoa sói (cho... hợp với cái địu !). Còn bây giờ thì người ta chỉ hỏi: "bà nội hay bà ngoại ?"  Nghe rứa tôi tủi thân dễ sợ, mà cũng đúng thôi, mười mấy năm rồi còn chi !
..
Khi bạn bè nghe tin tôi sắp có cháu ngoại đầu tiên, có người đùa:
..
"Ngày mai trong chốn vui chơi ấy 
Có kẻ theo "chàu" (cháu), bỏ cuộc vui"
..
Tôi kich liệt phản đối, "sức mấy! Con nó, nó lo đi chớ."
..
Thế nhưng, khi nhìn đứa cháu ngoại bé bỏng, ngọ ngọe trong đống khăn, áo, vớ, mũ, trong lòng tôi dâng lên một niềm vui vô bờ, và thế là lao vào "cuộc chơi" thiên chức bà ngoại.
..
Tháng ngày dần qua, chúng đã lớn dần.  Nhìn đứa con gái thứ ba đã hơn ba muơi mà cứ nhởn nhơ tung tảy, không chịu lấy chồng.  Bạn bè nhiều người đánh tiếng làm sui, tôi dục nó, nó nhặng xị: "mẹ kệ con mà..."  Tôi còn dọa: "không lo lấy chồng, sau này mẹ già, lấy chồng muộn, có con mẹ không chăm con cho đâu nghe."
..
Rồi nó cũng chịu lấy chồng, đám cưới xong tôi dục nó có con để tôi kịp chăm cháu trước khi tôi "sụm bà chè."  Nó câu giờ "từ từ mẹ, để con thong thả vài tháng đã .... "..
Và rồi chịu nghe lời tôi, nó có bầu.  Vì nhỏ con (có thước năm mấy hà), lại lớn tuổi  (32) nên hành trình mang bầu cũng trục trăc lung tung, tôi thắt thẽo teo gan teo ruột theo với hành trình thai nghén của nó. Khi sinh, phải sinh mổ, cháu bé được 3,5 ký.
..
Một lần nữa, tôi lại đâm đầu vào thiên chức bà ngoại. Cái thằng cháu ngoại bị dục dã này, muốn trả thù bà ngoại hay sao á, mà cũng xin làm "con ghẻ" của Bà Mụ. Khó ăn, khó ngủ, không chịu bú bình, thế là tôi hàng ngày, ngày 4 cữ cà kê dê ngỗng đút từng muỗng sữa, cái thằng láu cá, ngậm một họng, lát sau phun ra cái toẹt. Có hôm tôi chưa kịp đưa tay đấm cái lưng mỏi nhừ vì ngồi lâu, thì hắn ọc sữa ra có vòi phun bằng mũi nữa mới "ác chiến" chứ.
..
Đó là chuyện ăn, còn chuyện ngủ, cũng "ác chiến" không kém, hình như nhóc này không có nhu cầu ngủ hay sao ấy, chơi suốt, tôi phải nằm cạnh dỗ ngủ bằng cách ầu ơ dí dầu cầu "dán" đóng đinh.... , hắn không ngủ, chuyển qua hát nhac thiếu nhi ''Bắt kim thang cà lang bí rợ.. kèo qua cột...,"  không ngủ, qua nhạc tiền chiến, nhạc TCS, TCP  v.. v , (Thời gian này có đợt thi Tiếng hát mãi xanh, mà mắc trông cháu chơ không tôi cũng đăng kí đi thi rồi, ngày mô cũng luyện mà, tí xíu nữa là đối thủ hạng nặng của Duơng V. Vá, giải nhì THMX )... cũng không ngủ, bó tay!
..
Có lần, cô bạn tôi kể chuyện vui, vợ chồng cổ dỗ con ngủ, con chưa ngủ, nhưng bố đã ngủ, và tay thì cứ vỗ đều đều vào... mông  mẹ.  Tôi cười ngặt nghẽo nói "mi xạo".  Nhưng chừ dỗ thằng cháu này ngủ, tôi mới biết là cổ không xạo.
..
Có bữa tôi cũng vỗ nhẹ đều đều lên đùi thằng nhóc, vỗ hòai không ngủ, trong khi bà ngoại buồn ngủ thấy mụ nội mà không ngủ được, thằng nhóc cứ ọ ẹ, tôi nhìn lại thấy tay tôi đang vỗ lên chính đùi của tôi, hí.. hí... hèn chi, buồn ngủ dễ sợ. Có khi tôi phải "ngủ đứng" hoặc "ngủ ngồi" nữa đó. Là vì khi dỗ nhóc ngủ, nhóc hay nhìn vào mặt tôi, tôi nhắm mắt, giả vờ ngủ, lâu sau nó cũng ngủ.  Tôi thè thẹ ngồi dậy định đi, nó thức dậy, thế là tôi ''giữ nguyên hiện trường," đứng (hoặc ngồi), mắt nhắm tiếp tục vờ ngủ đứng, ngủ ngồi, mỏi quá trời.
..
Mỗi tuần tôi bị cấm cung 5 ngày "giữ em" như thế, nên mỗi tuần vào ngày thứ Bẩy, Chủ nhật là tôi "được trả tự do," chân tôi là chân đi (Có mụt ruồi dưới lòng bàn chân), nên  5 ngày từ thứ hai đến thứ sáu là "Năm ngày đợi mong."  Mỗi cuối tuần tôi đều đi chơi, đi hát nghêu ngao ở phòng trà ca nhac (tôi có "máu ác," thích tra tấn thiên hạ bằng giọng ca bết bát của tôi), đi siêu thị, hoặc đi ăn sáng cùng bạn bè. Ở đâu có lời mời là tôi cũng tham gia, ở bên bạn bè người thân, mỗi nụ cười, câu chuyện vui của họ là nụ cười là niềm vui của tôi, tôi rât trân quí những buổi họp mặt thân tình này.
..
Những tháng ngày làm bà ngoại của tôi trôi qua như thế. Giờ đây đứa cháu ngoại thứ tư ra đời khi tuổi tôi không còn trẻ, sức khỏe không như mười mấy năm trước, để những  lo toan vun vén cho con cho cháu  là một sự chịu đựng chằng đặng đừng, những tiếng khóc rền rĩ, nhõng nhẽo của trẻ con làm tăng "sì trét".  Nhưng thương con, khi đứa con gái rượu của người chồng quá cố của tôi, không còn bố, tôi đã "bỏ nhiều cuộc chơi" để chăm lo cho con gái đang rât cần mẹ bên cạnh, không ngại ngần chịu đựng những lúc mệt mõi hao gầy.  Khi chồng tôi còn sống cháu gái út này và ba cháu rất hạp nhau, hai cha con thường hay thủ thỉ mỗi khi gặp măt, trong nhà một tay nó chăm lo cho ba, kể cả ủi từng cái quần cái áo.
..
Có người nói, sao ta phải lo cho nó, ta lo là nó ỷ lại, ta đã lo và cho nó cả cuộc đời rồi, bây giờ tuổi ta là tuổi nghỉ ngơi, đi chơi đây đó, tháng ngày còn lại không còn nhiều.
..
Ừ nhỉ! tôi cũng thấy như thế, nhớ lại ngày xưa, bốn đứa con tôi không được có hơi ấm của bà ngoại. Lấy chồng xa, vợ chồng tôi tự lo lấy mình, từ thời bao cấp, tem phiếu sổ gạo, Đa Lạt  khi trời còn mù sương, vợ chồng thay nhau xếp hàng nộp sổ, phiếu mua gao, cá thịt, vải (mùng) v..v. đi trễ là cá uơn thịt dỡ, có khi hết hàng, là công toi.  Nấu cơm bằng lò mạt cưa, sang hơn là bếp dầu, không có lò vi sóng, bếp ga, máy giặt. v.. v.   Ăn cơm độn bo bo, bột mì .. . Có con nhỏ mới được mua thêm 5 kí gao, và vài lon sũa bò... đi hoc chính tri mỗi hè, phải đem con đi gửi người này người kia, có khi phải đem theo học chính trị luôn (mà răng chừ tụi con tui không giỏi chính trị mấy hè!)
..
Bây giờ lớp trẻ sướng như tiên, văn minh hiện đại phục vụ đời sống tối đa thế, bếp ga tủ lanh, lò viba, lò nướng, máy lạnh, máy nóng, máy tập thể dục.... lọan xà ngầu, (" khăn " cho "chuyện hàng tháng " cũng có cánh, "cánh tiên " nhỉ !).  Đi làm bằng xế máy, có đứa sang hơn, xế hộp (thời bao cấp bố mẹ đi ca lô chân), nhà trẻ hà rầm, siêu thị đầy rẫy...
....
Thế mà chúng vẫn cần thân già này nhỉ ! Có người chua chát: bà ngoại (hoặc nội) là ô sin 2 trong 1, tôi cho rằng 3 trong 1, vì vừa là osin, vừa là bão mẫu, vừa là bà ngoại (nội).
..
Ăn cơm bụi, sợ "không an tòan thực phẩm", gửi con nhà trẻ, sợ gửi nhằm "bàn tay đưa nôi" (báo chí lâu nay đăng "bàn tay đưa nôi" đánh đấm con trẻ không thương tiếc).
..
Tuy nhiên, suy cho cùng "làm bà ngoại" bây giờ, nuôi cháu ..cũng... sướng như tiên, vì thời bây giờ nuôi trẻ bớt vất vả, bởi phương tiện bếp núc nấu ăn hịện đại, nhà có máy lanh mát mẻ v. v và v.v... so với hồi ta nuôi con, sướng hơn nhiều.
..
Và riêng với tôi, đây là cách thể hiện lòng thương con triệt để và thiết thực nhất:
..
Xôi nếp luộc, đường mía lau.
Mẹ già canh cánh trước sau nghẹn lòng!
..
Bài viết thân tặng những ai đã làm Bà (nhất là bà ngoại), đang làm Bà và sẽ làm Bà..
..
KIM-KÊ (ĐK 67, B5, C2)

Friday, November 15, 2013

Thơ Haiku Nhật Bản


..
(Hình: Internet)
..........
THƠ HAIKU NHẬT BẢN
..
THƠ HAIKU LÀ GÌ?
..
Haiku âm theo lối chữ Kanji (gốc chữ Nho) là bài cú, có nghĩa là câu nói để trình bày.  Chữ "hai" nghĩa là "bài", trong tiếng Hán Việt có nghĩa "phường tuồng", chữ "ku" là "cú" hay "câu".  Haiku là loại thơ độc đáo, rất thịnh hành của Nhật Bản và là loại thơ ngắn nhất trên thế giới.
..
HÌNH THỨC THƠ HAIKU
..
Một bài thơ theo thể thơ Haiku có ba giòng, giòng đầu và giòng cuối mỗi giòng có năm âm, ôm lấy giòng giữa có bảy âm, có dạng 5-7-5, tổng cộng 17 âm.  Tiếng Nhật Bản đa âm, nên mỗi giòng có thể có một, hai, ba chữ hay nhiều hơn.  Haiku có biến thể là 5-7-6 hay 5-8-5, lên 18 âm trọn bài.  Tiếng Việt đơn âm, nên mỗi chữ là một âm.  Không cần vần điệu, nhưng thơ Haiku là sự kết hợp giữa màu sắc, âm thanh, tượng hình có chọn lọc.  Thoạt nhìn chỉ là một bài thơ ngắn gọn, nhưng người thơ đã dẫn dắt chúng ta đi qua một khu vườn chữ nghĩa nhỏ hẹp để thênh thang bước vào một cõi tư duy vô cùng bát ngát, một chân trời sáng tạo rộng mở mà người đọc cần có một sự tưởng tượng dồi dào phong phú.
Ngày nay thơ Haiku thoáng hơn nhiều, không gò bó số chữ trong mỗi câu (tổng cộng trên dưới 17 âm hay chữ), không nhất thiết phải chấm, phết hoặc chấm phết tuỳ tiện (không cần phải ở cuối câu), không cần đặt tựa, không bắt buộc phải có từ của mùa.  Chỉ giữ lại hình thức 3 câu, và được đưa vào những từ ngữ chải chuốt, những ẩn dụ của cái hữu hạn và vô hạn.
....
NỘI DUNG THƠ HAIKU

..
Về nội dung có luật cơ bản sau: không mô tả cảm xúc, chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt.  Vì số chữ bị giới hạn trong 17 âm nên thơ Haiku thường chỉ diển tả một sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại.  Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng một lúc.
..
Ôi những hạt sương (sự kiện hiện tại)
Trân châu từng hạt (ý nghĩ thứ 1)
Hiện hình cố hương (ý nghĩ thứ 2)

..
Một bài Haiku Nhật luôn tuân thủ hai nguyên lý tối thiểu, đó là Mùa và Tính Tương Quan Hai Hình Ảnh.  Trong thơ bắt buộc phải có “Kigo” (quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả mùa (không dùng từ xuân, hạ, thu, đông nhưng dùng các từ như hoa anh đào, cành khô, lá vàng ,tuyết trắng ... để chỉ các mùa), và diễn tả một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương xứng với một hình ảnh nhỏ (đời thường).

Tiếng ve kêu râm ran (tiếng ve kêu chỉ mùa hạ)
Như tan vào trong than
 trong đá   Ôi, sao tĩnh lặng quá!
lặng yên qua mấy từng không (hình ảnh vũ trụ)
lời ve (hình ảnh nhỏ)
gõ thấu vào lòng đá xanh.

..
Ðọc thơ Haiku, ta cảm được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả.  Tác giả dường như chỉ chia sẻ với người đọc một sự kiện đã quan sát được.

Cỏ hoang trong đồng ruộng
Dẫy xong bỏ tại chỗ
Phân bón!

...
Nhưng người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, một tình cảm nhè nhẹ, bàng bạc trong cả bài thơ, nói lên niềm vui sống hay sự cô đơn, đôi khi cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc đời của con người: ngắn ngủi, phù du, trước sự vĩnh hằng của thiên nhiên.
...
Thế giới này như giọt sương kia
Có lẽ là một giọt sương
Tuy nhiên, tuy nhiên...
 
...
Thơ có xu hướng gợi ý hay ám chỉ bóng gió nhẹ nhàng.  Thông thường trong thơ đưa ra hai hình ảnh: một hình ảnh trừu tượng sống động và linh hoạt, một hình ảnh cụ thể ghi dấu thời gian và nơi chốn.
...
Trăng soi (hình ảnh trừu tượng)
Một bầy ốc nhỏ (hình ảnh cụ thể)
Khóc than đáy nồi (nơi chốn cụ thể)
 
....
Nhà thơ không giải thích hay luận về sự liên kết giữa hai hình ảnh nầy, chỉ diễn tả sự vật theo bản chất tự nhiên của nó.  Người làm thơ phải tự đặt mình như một đứa trẻ lúc nào cũng có cảm giác bỡ ngỡ, lạ lùng khi tiếp xúc lần đầu tiên với ngoại giới.  Một bài thơ Haiku hay là làm sống lại những gì đã chôn sâu trong ký ức và đưa ra những cảm giác sâu sắc, tế nhị, để tự nó khơi lại trí tưởng tượng và mơ ước của người đọc để người đọc tự suy diễn, cảm nhận .
....
Chim vân tước bay
Thở ra sương gió
Dẫm lướt từng mây
 
...
Thơ như một bài kệ, sàn lọc từng chữ, không dư mà cũng không thiếu, cốt sao nói đến chính cái đang là - "đương hạ tức thị."  Nắm bắt thực tại ngay trong giây phút nẩy mầm, cái đang xảy ra lắm khi chuyên chở cả một vũ trụ thu gọn vào trong thời điểm đó, tiểu thế giới và đại thế giới hòa nhập vào nhau.  Một diễn tiến trước mắt khiến ta liên tưởng đến một hiện tượng hay biến cố nào đó trong một kinh nghiệm sống của riêng mình.  Kỷ xảo của thơ Haiku là giản lược tối đa chữ nghĩa trong thơ để vận dụng trí tưởng tượng nơi người đọc.  Không có người làm thơ và kẻ đọc thơ, cả hai nhập làm một, đồng âm cộng hưởng trong niềm rung cảm với sự liên hệ rất tinh tế và hài hòa của đất trời.
....
THIỀN TRONG THƠ HAIKU
..
Thơ Thiền Nhật ban đầu cũng chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa, nhưng đến thế kỷ thứ 17 thì thể thơ Haiku ra đời và phát triển mạnh vào thế kỷ thứ 19.  Người sáng lập loại thơ này là Thiền sư Matsuo Basho.  Năm 1680, Matsuo Basho viết bài thơ Con ếch theo lối Haikai - một thể thơ mới (theo thời điểm bấy giờ) mở đường cho thể thơ Haiku. Các bài Haikai của Basho ngắn, gọn, súc tích từ chữ đến ý, cho thấy cái nhìn và thi tứ của nhà thơ.  Những người ngưỡng mộ ông tập làm lối thơ này, và thể Haikai trở nên nghiêm trang, chín chắn hơn để dần trở thành thể Haiku, nói lên cái quan niệm và ghi lại sự rung động của nhà thơ.
....
Sau Basho, có ba nhà thơ lớn của Haiku lần lượt xuất hiện, hợp cùng Basho thành tứ trụ của Haiku Nhật Bản: Basho, Buson, Issa, Shiki .
Trong bài thơ sau đây của Basho :
....
Fu ru i ke ya               Trong ao xưa
Ka e ru to bi ko mu     Con ếch nhảy vào
Mi zu no o to             Tiếng nước khua

....
Chỉ vài chữ: một ao nước, một con ếch nhảy , một tiếng nước khua động cũng diễn tả đầy đủ cảnh vật, không dông dài, nhưng luôn luôn đủ ý.  Như vậy Haiku là một loại thơ thiền , một cách tập nhìn sự vật đơn giản, thuần khiết.  Ðây là một quan hệ biện chứng giữa tĩnh và động như một công án, một tiếng chuông chiêu mộ thức tỉnh ngộ tính con người.
....
Thi nhân ghi lại những bức xúc của mình đối với sự biến chuyển trong khoảnh khắc của thiên nhiên đang xảy ra trước mặt.  Vạn vật thì thường trôi nổi lững lờ đối với kẻ vô tình mà thật ra đang nói muôn triệu điều trong từng mỗi khắc giây.  Người không thấy, người không nghe vì người không chịu nhìn, chịu nghe hay người không biết đấy thôi. 
....
Haiku là một nghệ thuật tổng hợp tinh tế tuyệt vời giữa Phật giáo và Lão Giáo trong thế giới Thiền thi, giữa cụ thể và trừu tượng, giữa ẩn dụ và phân tích, giữa thiên nhiên vũ trụ và nội tâm con người.  Vạn vật và vũ trụ đều có nguồn gốc từ Đạo, theo sự sinh hóa vô thường và kiếp người cũng chỉ là phù sinh hư ảo.  Điều nói ra được thì hữu hạn, mà ý lại vô hạn.  Ðiều mà thơ muốn mọi người lãnh hội chẳng phải là điều có thể nói được mà là những điều mà thơ chưa nói ra.  Cái tiểu vương quốc của những con chữ gò bó chải chuốt bỗng vươn mình ảo hóa trở thành một vũ trụ siêu hình.  Trong thơ Haiku có sự dung hợp giữa Thiền và Thơ, vì thơ biểu lộ tình cảm và thơ có thể tải đạo.  Thơ Haiku đi từ một sự vật cụ thể thật nhỏ nhoi tầm thường để dẫn dắt người đọc đi vào cõi mênh mông bát ngát không hình tượng, như một thiền sư đã nói:  "Gom góp tất cả lời nói để hoàn thành một câu, vò cả đại thiên thế giới thành một hạt bụi".  Nhà thơ William Blake cũng có nói:  “Cả vũ trụ trong một hạt cát (a world in a grain of sand).”
...
"Từ trong hạt bụi ngu ngơ ấy
Mưa nắng vô thường sây sát nhau ."
 

..
Ðể cuối cùng người thơ đốn ngộ được:
..
"Từ trong hạt cát hằng sa đó
Vũ trụ Chân Như sáng nhiệm mầu ."
 

...
MÙA THU TRONG THƠ HAIKU
..
Phần lớn thơ Haiku của các thi sĩ Nhật Bản nói về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông , tuy không nêu ra hẳn tên mùa trong năm.  Họ thường dùng những chữ liên quan đến mùa xuân, như “tan tuyết,” lúc “hoa mận nở, hoa đào nở,” hoặc đến lúc “ngỗng trời quay về.”   Về mùa thu, họ hay tả “đêm thanh, trời vằng vặc đầy sao,” lúc “bóng nai thoáng qua rừng,” hay là “chuồn chuồn bay chập chờn,” khi người ta “gặt lúa.”  Mùa hè có “muỗi,” có tiếng “ve ra rả,” hoặc tiếng “quạt,” hay tiếng “suối róc rách.” Mùa đông không tránh được cảnh “tuyết rơi” trong hay ven “rừng thông,” “gấu,” hay là tiếng củi hoặc than nổ tí tách trong “lò sưởi.”  Và hình như các tác giả Haiku người Nhật không bao giờ nói đến lũ lụt, động đất, bệnh tật ... những cái không tốt của thiên nhiên.
..
Miura Chora diễn tả mùa hạ đang reo trên muôn ngàn nhánh cây, với lá xanh thắm sáng rực trong nắng vàng:
..
Vàng phai
cùng với ngàn xanh
nghe ngày tháng cũ theo quanh nẻo về.
 
..
Một bài Haiku khác của Yosa Buson ghi lại sự liên tưởng của ông giữa lá non và thác đổ.  Hãy tưởng tượng đến vào một buổi trưa nào đó lúc mới đầu hè, xuân đã qua nhưng lá vẫn còn đang trong thời kỳ nẩy nở, trời chưa nóng lắm.  Nhìn nụ xanh Buson mường tượng đến nguồn nước đã nuôi nấng cỏ cây, tắm mát con người trong tháng hạ.  Ngay lúc đó, sự liên tưởng đến nước khiến ông nghe văng vẳng tiếng thác đổ gần đâu đó.  Nước thác vẫn rơi đều nơi chốn ấy tự ngàn xưa nhưng hình như đối với Buson cho đến giây phút này ông mới vừa nghe hoặc nghe tiếng thác rõ hơn.  Đây chỉ là một trong nhiều cách diễn dịch: 
..
ụ non lá nhú lên mầm
thác reo
nghe thoảng xa gần đâu đây.

..
Mùa hạ thì có tiếng ve kêu như được đá hấp thụ và người đọc cảm thấy không gian xung quanh thật tĩnh lặng:
..
Tiếng ve kêu râm ran
Như tan vào trong than trong đá
Ôi, sao tĩnh lặng quá
Mùa thu khi ăn được một quả hồng thì cảm thấy như nghe được tiếng đại hồng chung của chùa Horiu:
..
Ta ăn một quả hồng
Vọng đâu tiếng chuông đồng Hô-riu
Lòng phấn chấn phiêu diêu!!!
 
...
HÌNH ẢNH MẸ TRONG THƠ HAIKU
...
Ngoài những đề tài về thiên nhiên, Haiku còn có đề tài về mẹ.  Hình ảnh nầy thường thấy ở trong thơ Issa và Basho.  Mẹ là thơ.  Mẹ và thơ mãi khắn khít nhau như hình với bóng.  Hình ảnh mẹ càng cần cù, mộc mạc bao nhiêu lại càng nên thơ bấy nhiêu.  Trong ngôn ngữ thi ca của thế giới, dân tộc nào cũng có những vần thơ chứa chan tình mẹ.  Mẹ hiển hiện trên đường về, trên từng ngõ hồn sâu kín.  Mẹ là chất liệu kết tinh của tất cả những thiên anh hùng ca, những đại sử thi, những trường thiên tình sử và cả trong những vần thơ Haiku đơn sơ, thâm thúy, hình ảnh mẹ trong thơ Haiku lại càng bát ngát, phiêu diêu hơn bao giờ hết:

Đến đây nào, với tôi
cùng chơi đùa chim sẻ
không còn mẹ trên đời.
Issa

..
Mẹ yêu ơi !
mỗi khi nhìn thấy biển
khi thấy biển khơi.
Issa
 

...
Tóc mẹ còn đây
tan trong lệ nóng
sương mùa thu bay.
Issa

..
HOA TRONG THƠ HAIKU
Qua bài "Cánh hoa anh đào muôn thuở" Busho đề cập đến vấn đề vô thường:
..
Nhiều chuyện
làm nhớ lại
Hoa anh đào

..
Hoa anh đào đối với người Nhật có ý nghĩa đặc biệt, nhìn hoa anh đào khiến người ta chợt nhớ bao mùa hoa anh đào trong quá khứ.  Còn nói theo ngôn ngữ nhà Phật, hoa anh đào là biểu tượng của sự vô thường trong cuộc đời.
..
Một bài thơ Haiku khác nói lên hình ảnh của một loài hoa mong manh, mang kiếp sống phù du, giữa màn đêm sương khói huyền ảo, âm thầm lặng lẽ hé nở những cánh mỏng lụa là, như đem sức sống cuộn trào vào từng hơi thở của người thưởng ngoạn, phải chăng đó là một niềm hy vọng bí ẩn, khó hiểu của một loài hoa kiều diễm mang tên Nữ Hoàng Đêm.  Người thơ hình như đã nhập thân vào loài hoa khêu gợi đó, để từ đó chiêm nghiệm được quá trình nở hoa "sinh sinh hoá hóa" từ bên trong: khởi đầu một cành cây trơ … đến một cái gì nhu nhú dưới phiến lá …. rồi xuất hiện một nụ trắng ngà … từ đó nụ tung cánh bung xòe ra… và cuối cùng là hoa mãn khai toàn vẹn với những cánh xinh xắn nõn nà tỏa hương thơm ngan ngát …
...
Nữ Hoàng Đêm mảnh khảnh
Trong âm thầm hé nụ phô hoa
Niềm tin yêu huyền bí

.....
Với màu sắc trắng nhợt nhạt biểu tượng cho sự ngây thơ khờ dại, loài hoa đêm lộng lẫy khát khao nầy đang chờ đợi khai hoa nở nhụy…. đâu biết rằng kiếp sống tạm bợ ngắn ngủi đó sẽ đến hồi chấm dứt khi bình minh chợt sáng, chẳng khác gì bóng câu qua cửa sổ, giọt sương hư ảo trên cành … Những thi ảnh trữ tình, những biểu tượng thâm thúy, những tín hiệu bàng hoàng đã thu hút và dẫn dắt tâm tư người đọc vào một thế giới cao siêu để tự suy niệm về kiếp nhân sinh của con người quanh quẩn trong cuộc sống phù trầm đầy oan khiên nghiệp chướng nầy.
.....
Cánh hoa mềm êm ái
Thơm ngát, cầm mình giữa bụi gai
Trước bình minh chịu chết

...
Nắng đã lên, những giọt sương mai lãng đãng, đang vắt vẻo trên nhành cây đọt lá.  Những cánh hoa tàn úa đang rơi rụng.  Một loài hoa đã chết và một ngày mới bắt đầu . Những hình ảnh của loài hoa mờ ảo đó, không sôi động mà vẫn lặng lẽ ẩn mật trong tâm cảm và tư duy của người thưởng ngoạn, để rồi đem lại những cảm giác lạ lẫm đột nhiên bỡ ngỡ, bàng hoàng, sững sốt giữa níu kéo và hoài nghi …
...
"Ta ngỡ mất mà chưa đành đánh mất
Bởi mùi hương ngự trị cánh hoa tàn ….."

...
Một bài thơ Haiku, một bông hoa quỳnh nở rồi tàn, một kiếp phù sinh, một giấc mộng hoàng lương…
..
"Phù bào khoảnh khắc vòng sinh diệt
Sớm nở đêm tàn tựa kiếp hoa…"

..
Cái sân khấu tuồng đời đầy hỷ nộ ái ố, tham sân si đã hạ màn theo những cánh hoa tàn, để lại ngơ ngẩn, bần thần và luyến tiếc.

.......
(sưu tầm)
.

Thursday, November 14, 2013

Mùa Thu trong thơ Haiku Nhật Bản

.(sưu tầm)..
.(hình: Internet)..
.......

MÙA THU TRONG THƠ HAIKU NHẬT BẢN
..
TÁC GIẢ: HOÀNG XUÂN VINH...

Mùa thu đi vào thế giới thi ca của xứ Phù Tang thơ mộng tự bao giờ? có lẽ từ những bài tanka 31 âm tiết cổ xưa nhất trong “Manyoshu” (Vạn diệp tập), hợp tuyển thi ca vĩ đại cổ sơ thời đại Nara (thế kỷ VIII). Giữa 4.496 chiếc lá thơ xinh xắn ta âm thầm nhặt lên, nâng niu trên tay bao chiếc lá khô giản dị, đơn sơ mà thanh khiết, tao nhả đến lạ lùng.
....
Thơ Haiku mùa thu mang nhiều sắc thái thẩm mỹ khác nhau, giao thoa hòa quyện lẫn nhau để làm nên hương sắc và phong vị khó miêu tả, khó phân tích, chỉ có thể cảm nhận bằng sự vi diệu của tâm linh, sự tinh tế của tâm hồn, sự mẫn cảm của trực giác mà thôi. Trong đó bi cảm (tiếng Nhật là aware) là cảm thức bao trùm, là cái chất thu đẹp, buồn và quyến rũ, ngàn năm lay động hồn người dù chỉ bằng một chút men thu.
..
1- Lá phong đỏ, hoa cúc vàng và triệu nhan tím
....
Nhật Bản là đất nước của ngàn thơ, vì trước hết đó là đất nước của ngàn hoa. Hoa là một trong những hiện thân trọn vẹn và rực rỡ nhất của cái đẹp trên đời. Hình như tạo hóa có phần thiên vị Phù Tang quần đảo, và hình như người Nhật cũng đã cảm nhận được cái ân tình của tạo hóa nên thầm lặng nói lời tạ ơn bằng cách sống đẹp như hoa, trồng hoa trên khắp mọi miền đất nước, thưởng hoa suốt bốn mùa xuân hạ thu đông, đem hoa và tất cả hình nghệ thuật tinh túy nhất như vườn cảnh, cây cảnh, cắm hoa hội họa, trà đạo, trang phục, ẩm thực… Tất cả những người Nhật tài hoa chạm tay vào đều biến thành hoa của cuộc sống. Thơ Haiku mùa nào cũng có quý ngữ là những loài hoa đẹp… Lá phong đỏ, hoa cúc vàng, và triệu nhan tím là ba hình ảnh hoa thơ đẹp nhất và đặc trưng cho sắc thu, hương thu, vị thu trong thơ Haiku.
Hơn một ngàn năm trôi qua rồi mà ta vẫn còn rúng động khi nghe lời thầm thì cùng lá đỏ trong “Manyoshu” xưa:
Đàn nhạn bay về / cây phong của ta ơi / đến lượt em rồi đó / đã sang mùa / em hãy đổi màu đi !
Khi người yêu tôi / mặc áo trắng đi ngang đồi / vương vào lá / vì đang là mùa thu
Mùa thu là mùa của lễ hội ngắm lá. Vàng rơi phủ dần đường xưa lối cũ là sắc đỏ sang mùa của ngàn vạn lá phong. Đẹp đến mức Shiki phải thốt lên :
Đẹp lạ lùng / ai mà không ghen tị / lá đỏ rời cành phong .
Cũng như hoa anh đào, đẹp từ lấm tấm nụ dến bạt ngàn hoa, đẹp cả lúc lả tả trong mưa bụi gió xuân, rơi xuống làm hồ Biwa gợn sóng, lá phong đẹp rợn ngợp trên cành cây cao và kiêu hảnh gieo mình về với cội rễ già, chôn mình bằng xác lá khô héo úa vàng.
Một lần đi qua xứ lạnh mủa thu, nhà thơ Tế Hanh hạ bút:
Lá phong đỏ như mối tình rực lửa
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa
Thiên nhiên hình như cũng biết tình tứ hẹn hò. Nhớ lời ước hẹn sang thu, hoa cúc rủ nhau về nở rộ:
Cúc vàng cúc trắng / đóa cúc hồng / tôi khát khao /(Shiki)
Mong manh mong manh / một nhành hoa cúc / vừa đơm nụ vàng ( Basho)
Hoa cúc bé nhỏ và mong manh là vậy, nhưng lại ẩn giấu dưới sắc vàng rực rỡ một sức sống tiềm tàng tràn trề sinh lực.
Dẫu thân hao gầy / cành hoa cúc ấy / nụ hoa căng đầy ( Basho)
Không chỉ đẹp trong cái sắc trắng ngần, hoa cứ đến trong cuộc đời trần trụi bụi bặm này một cách hồn nhiên, trong veo, thanh khiết, vô tư.
Kìa hoa cúc trắng ngần / không mảy may hạt bụi / nở ngay trước mắt trần ( Basho)
Bông hoa cúc Nhật ấy cũng như đóa sen trong ca dao Việt vậy. Cái đẹp trong quan niệm thẩm mỹ của người Nhật thường hài hòa với cái nghèo nàn, đơn sơ mộc mạc, xù xì bé nhỏ gần gủi quanh ta:
Quanh chiếc cối xay / trên mình cúc trắng / chút bụi bám bay ( Basho )
Cái lam lũ của cối xay, cái tội nghiệp nghèo nàn của bụi bám vương vào cánh hoa cúc trắng tinh khôi tạo nên một tương giao của vạn vật hiền hòa. Và đến khi thu vàng sắp từ biệt , những đóa cúc muộn màng cuối mùa cũng ra đi, vạn vật hầu như chỉ còn là hư không trống vắng, như có một cái gì đó vừa trôi qua tầm tay ta.
Hoa cúc hết mùa / ngoài cây củ cải / còn lại gì đâu ( Basho)
Mùa thu còn quyến rũ lòng người bằng sắc triệu nhan (asagao) xanh tím. Triệu nhan – gương mặt buổi sáng – còn được mang một cái tên dân dã dễ thương là bìm bìm, loài hoa leo dân dã đồng nội thân quen quấn quýt khắp nơi, giăng mắc mọi lối. Triêu nhan không phải là hoa của mùa thu, nhưng vì cái màu tím đẹp và gợi cảm của hoa nên thường được người Nhật nhắc đến trong những bài thơ về mùa thu như một quý ngữ, một hình ảnh trung tâm của thế giới thơ. Thiền Ni Chiyo không để lại nhiều thơ, nhưng vẫn đủ sức tạo hương gây mùi nhớ cho đời, mà đẹp nhất là bài thơ về bông hoa triệu nhan biêng biếc bên thành giếng một sớm tinh mơ:
A ! Asagao! / dây gầu vương hoa bên giếng / đành xin nước nhà bên.
Bài thơ đẹp cách tạo hình ảnh vừa tương phản lại vừa tương hợp giữa dãy hoa dây gầu, còn đẹp hơn bởi cách tạo yếu tố bất ngờ trùng điệp tăng cấp qua cả ba câu thơ bé nhỏ. Bài thơ còn sâu sắc ở chỗ đã gửi gắm kín đáo dưới chữ nghĩa ít ỏi kia một nét đẹp lấp lánh của tâm hồn Nhật Bản. Đó là sự tinh tế và nhạy cảm trước cái Đẹp của cuộc sống và hơn thế nữa là thái độ và nghĩa cử biết nâng niu, trân trọng gìn giữ cái đẹp trong đời.
Đóa triệu nhan trong bài thơ nhỏ của Basho lại đáng yêu một cách khác:
Triệu nhan một đóa / suốt ngày chốt cửa / cài vào cổng tôi (Basho)
Trong thế giới của tĩnh lặng và tách biệt bụi trần, triều nhan bé nhỏ thầm lặng làm người gác cổng đáng yêu bên lối nhỏ vào đường thiền vạn nẻo, vào tâm thiền thênh thang.
.
2- Săc màu và hương vị cùng gió và sương thu
.
Trong thế giới nghệ thuật không chỉ có những sự vật hiện tượng cụ thể mới có hình hài sắc màu, hương vị …điều thú vị khi thưởng thức thơ Haiku mùa thu là ta không chỉ vừa có thể thấy được bao sắc màu, lại còn có thể ngửi thấy được cả mùi vị của mùa thu mới thật là kỳ lạ !
Bắt gặp sắc đỏ của mùa thu qua thảm lá, tán lá, sắc vàng trắng của mùa thu qua bạt ngàn cúc hoa, ta lại ngẩn ngơ trước sắc tím xanh biêng biếc của triệu nhan bên hàng dậu đổ. Nhưng cái màu sắc vô hình của mùa thu lại chính là sắc trắng – một sắc trắng kỳ lạ của hư vô, hình như không thể nhìn thấy bằng mắt, mà chính là màu tâm trạng, màu tâm hồn, màu tâm tư, màu tâm tưởng, cả màu tâm linh nữa.
Bể tối sầm / tiếng nhạn / phơn phớt trắng.
Trắng hơn / đá trên núi / gió thu
Không bao giờ quên / mùi cô đơn / của giọt sương trắng ( Basho)
Khi cảm nhận sắc màu của vạn vật trong không gian thu, nhân vật trữ tình ẩn tàng trong những bài thơ Haiku trên đã có một năng lực trực cảm kỳ lạ, đó là sự chuyển đổi cảm giác. Ở bài thơ thứ nhất, sắc đen tối sầm của biển tương phản và làm nổi bật màu phơn phớt trắng, không phải của cánh nhạn, mà là của tiếng nhạn. Tiếng nhạn trên biển tố không phải được nghe bằng tai mà được thấy bằng mắt ! Ở bài thứ hai, nghệ thuật so sánh đã làm nổi bật màu trắng của gió thu trên nền màu trắng của núi đá. Gió ở đây cũng không phải được nghe bằng tai mà được thấy bằng mắt và gió có …màu trắng ! Ở bài thứ ba, lắng sâu vào lòng người, lặng sâu vào vũ trụ là một giọt sương. Giọt sương thắm ấy không chỉ có màu mà còn có cả mùi vị. Một cái mùi vị độc đáo không thể ngửi thấy được, không thể nếm, không thể miêu tả được mà vẫn cảm nhận được, đó là mùi… đơn !
Hình hài của mùa thu không chỉ hiển hiện ra trong màu sắc, mà thu chỉ thật sự hiện hữu, thật sự được cảm nhận từ những làn hương.
 Yamankta / không cần ngắt hoa cúc bỏ vào / mà nước suối vẫn thơm ( Basho)
Mưa mù sương / phù dung một đóa / làm mùa dâng hương ( Basho)
Đi giữa trời thu, con người hòa vào vũ trụ một cách như nhiên nhất, vì ta chính là một phần của bản thể vũ trụ mà. Vì vậy, ta có thể cảm nhận một cách tinh tế nhất cái cuộc sống huyền diệu này. Cái đẹp của vạn vật vào thu không chỉ tồn tại như một hằng thường khách quan mà vô thường trong cảm nhận chủ quan của chính con người. Trực giác bao giờ cũng sắc bén khiến những câu thơ thu bé nhỏ kia đẹp và thực đến khó tin.
Gió thu và sương thu là những quý ngữ quen thuộc trong những khúc ca thu bé nhỏ này. Gió cũng là ngôn ngữ riêng của thu; lời của thu cũng là lời của gió. Đi qua những ngày hạ nóng nực, những làn thu phong đã đem lại cho vạn vật một cảm giác mát mẻ dễ chịu những ngày đầu thu:
..
Đỏ bừng / mặt trời. nhưng rồi thu phong
Không khí mát mẻ mùa thu / bàn tay gọt vỏ / dưa gang và cà tím ( Basho)

..
Và trong làn gió thu nhẹ thoảng, những chiếc lá chao mình rơi rụng, đùa giỡn cùng gió mùa thu tinh nghịch:
..
Một chiếc lá rơi / chiếc khác / gió đoạt (Issa)
..
Thiên nhiên có sự giao cảm lạ kỳ; đầy bí ẩn. Dấu ấn cảm quan sùng thượng thiên nhiên của Thần đạo (Shinto) in đậm trong bài thơ thu. Gió thu không chỉ là cái đẹp của thiên nhiên mà còn là sức mạnh thần bí của vũ trụ. Thơ mùa thu vì vậy không chỉ mang đi cảm xúc về cái tình, cái đẹp mà còn ẩn chứa trong sâu thẳm những trầm tư triết lý, đức tin và tín ngưỡng của con người .
Gió thổi, sương pha nhắc ta biết vạn vật đã sang mùa. Vào thu, đất trời không còn cái ấm áp tinh khôi của mùa xuân, cái nồng nàn khỏe khoắn của mùa hạ, cũng chưa có cái lạnh lẽo, âm thầm của mùa đông. Mùa thu trong thơ Haiku có cái đẹp mơ màng của mù sương xứ lạnh.
..
Chìm trong mưa sương / đỉnh Fuji ấy / lòng ta không buồn (Basho)
Mưa mù sương / phù dung một đóa / làm mùa dâng hương (Basho )
Hoa đinh hương ơi / những giọt sương sang / em đừng để rơi (Basho)
Ôi những hạt sương / trân châu từng hạt / hiện hình cố hương (Issa)

..
Thật kỳ diệu những giọt sương! Chỉ trong một hạt sương long lanh mà có thể chứa đựng tất cả vũ trụ: cái đẹp, niềm vui, nỗi buồn, ảo ảnh… Đơn sơ là một giọt sương, hư vô là một giọt sương, nghèo nàn là một giọt sương, mà giàu có cũng chỉ là một giọt sương trên đầu ngọn cỏ mà thôi !
..
3- Chiều thu, đêm thu, trăng thu cùng nỗi buồn, sự cô đơn và cái chết
..
Thơ Haiku mùa thu thường ngập ngừng dừng bước vào những thời điểm đẹp và buồn nhất trong một ngày thu là chiều tà và đêm tối. Có lẽ những phút giây tĩnh lặng nhất trong ngày. Cùng với bi cảm (aware), thì sabi (tịch) cũng là một cảm thức thẩm mỹ thường trực trong Haiku mùa thu.
..
Trên cành khô / cánh quạ đậu / chiều thu (Basho)
..
Đó là bài Haiku danh tiếng của tôn sư Basho. Haiku vốn không có nhan đề, nhưng bạn yêu thơ đời sau đã thân ái đặt cho bài thơ này một cái tên lâu dần thành thân quen như bài thơ Con quạ. Bài thơ chỉ có một gam màu sẫm tối buồn bã với ba hình tượng nghệ thuật được sắp xếp một cách đơn lẻ: Một cành cây khô trơ trụi, một cánh quạ nhỏ bé, lẻ loi, xấu xí đứng yên không động vọng, một hoàng hôn bóng tối loang dần.  Thế nhưng tất cả đã hòa vào nhau thành một nhất thể như tự khởi nguyên, vô thủy và vô chung, vô âm và vô sắc, vô định và vô hạn, vô ngại và vô chấp.
..
Trên con đường này / giữa chiều thu ấy / đi về không ai ( Basho)
Một mình / thăm một người /  chiều thu (Buson)

..
Trong cả hai bài thơ nhỏ bé này đều có một chủ thể trữ tình vừa ẩn tàng vừa lộ diện. Cả hai đều cô độc trong chiều thu cô liêu. Cảm giác đơn côi của người lữ khách trên con đường thiên lý giữa buổi chiều thu lộ ra qua những số từ “không” và “một”.  Sự cô đơn, sự già nua, cái chết, biệt ly… là những chủ đề đi xuyên qua nhiều bài Haiku mùa thu ảm đạm.
Mùa thu năm nay / sao tôi chóng già thế. chim sa ở mây trời (Basho)
Bài thơ nói về cái tôi mà không có cái tôi. Khi ngộ ra những vô thường, cũng là lúc con người thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử, an nhiên như chim tung cánh, như mây trời lang thang.
..
Mùa thu ở Kiso / người tiễn đưa ta, ta tiễn đưa người (Basho )
Xin hãy lay động nấm mồ / những lời than khóc của tôi / chiều thu ( Basho)
Không còn mẹ / một mình em bé tập cười / đêm mùa thu rơi ( Issa)
Gió mùa thu rơi / hoa tím còn muốn hái / cô bé chết hôm nào ( Issa)

..
Thơ Issa là tấm gương phản chiếu nỗi đau trong tâm hồn, trong cuộc đời nhà thơ. Cuộc đời Issa buồn vả khổ, hạnh phúc thì hiếm hoi, mà bất hạnh thì dồn dập, chất chồng. Mỗi bài thơ buồn của Issa là một vành khăn sô trắng màu tang tóc của mùa thu.
Những tưởng đã giũ bỏ mọi lớp bụi hồng trần để an nhiên thung dung phiêu lãng trên con đường sâu thẩm của hài cú đạo, thế mà ngay cả Thiền sư Basho cũng không ngăn được dòng lệ trước sự vô thường của cuộc đời, trước sự nghiệt ngã của cuộc tử biệt sinh ly. Ngày đi có bóng mẹ tiễn đưa, ngày về chỉ còn:
..
Lệ trào nóng hổi / tan trên tay tóc mẹ / làn sương thu ( Basho)
..
Nước mắt của đứa con đi xa trở về không kịp nhìn thấy mẹ lần cuối, chỉ còn trên tay chút tóc bạc mẹ già để lại theo phong tục cổ xưa. Đó là một trong những bài thơ hay nhất về mẹ trong thế giới thơ ca Nhật Bản, lấp lánh một góc khuất tình cảm trong cuộc đời người thi sĩ lãng tử thiền sư.
..
Cây chuối trong gió thu / tiếng mưa rơi tí tách vào chậu / ta nghe như tiếng đêm (Basho)
..
Đêm thu có âm thanh riêng của nó mà chỉ người thức trắng cùng đêm, cùng thu, cùng gió, cùng mưa mới hốt nhiên nghe được tổng hòa cái âm thanh kỳ lạ ấy, được định danh là “tiếng đêm”. Và đêm không còn là đêm của một thời gian cụ thế, mà đã trở thành đêm phi hiện thực, phi thời gian, đêm của sâu thẩm tâm linh, đêm của lòng ta hay đêm huyền diệu bao la của vũ trụ vô tận này?
Trong cái tận cùng của cô đơn, trong cái vộ cùng của vũ trụ, con người may ra còn có duy nhất một người bạn trên đời:
..
Chỉ vầng trăng và tôi / trên cầu gặp gỡ / cô đơn gió buốt (Kikushani)
Trăng thu / cùng tôi phiêu lãng / suốt đêm quanh hồ (Basho)
..
Trăng và tôi, hai chủ thể cùng cô đơn, đã hợp nhất thành một. Con người giữa đất trời hiện hữu, tự nó đã là một minh chứng cho quy luật tồn sinh của vạn vật. Triết lý Thiền, triết lý Đạo, triết lý Thần ngẫu nhiên gặp nhau trong quan niệm vạn vật bình đẳng và tương giao trên góc nhìn nhân sinh quan và cả vũ trụ quan nữa. Những bài Haiku bé nhỏ đôi khi lại có một năng lực, một sức chứa kỳ lạ có thể dung nạp hết mọi đạo lý huyền diệu vào một vài con chữ ít ỏi của thơ ca.
..
Trong ánh mắt / gió mùa thu thổi / đều là Haiku ( Shiki)
..
Trên bước đường phiêu lãng, trong cái phút tạm dừng bước giang hồ, người lãng tử thiền sư đã hốt nhiên bắt gặp một bức tranh tuyệt đẹp đến toàn bích, vì đó là nơi hội tụ của ba đỉnh điểm cái đẹp của vũ trụ: Thiếu nữ, Trăng và Hoa.
..
Quán bên đường / các du nữ ngủ / trăng và đinh hương (Basho)
..
Mùa thu bao giờ cũng đem lại cho con người cảm giác buồn hơn vui. Bởi vì mùa thu đẹp quá! Cái đẹp trong tâm thức, trong cảm thức người Nhật bao giờ cũng gắn liền với cái buồn xao xuyến, cái hoài niệm, cái tiếc nuối và sự dùng dằng, ngập ngừng như níu kéo để còn được khát khao, được mong đợi dù biết rằng thu đã sang mùa.
..
Con trai sò / chia xác vỏ ra hai / mùa thu sắp đi (Baso)
Thu đã cuối rồi / nhưng quả xoài xanh / vẫn tin vào ngày sắp tới (Basho)

..
Kết cấu vòng tròn của bài thơ không chỉ khẳng định tình yêu dành cho mùa thu, còn ấn giấu một niềm lạc quan và phát lộ một bản lĩnh trường tồn của tạo vật. Có rồi không, không để rồi lại có. Đó là sự hằng thường của lẽ vô thường, là quy luật vận hành của vạn vật. Dẫu vậy vẫn xin được cảm ơn Thiền sư Basho đã nói hộ lòng ta nhắn gởi với mùa thu rằng:
...
Ngón tay nho nhỏ / hạt dẻ trong vỏ / xin mùa thu đừng rời !.

TÁC GIẢ: HOÀNG XUÂN VINH
..
(sưu tầm)
.....
(hình: Internet)