Sunday, December 6, 2009

Tình Bạn trong đời

.....
(hình: Internet)
..
TÌNH BẠN TRONG ĐỜI
..
Dù đã sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị, nhưng rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này..
Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chan chào đón, sẽ chẳng còn một ngày mới bắt đầu bằng giọt nắng trong vắt của buổi bình minh...
Sẽ không còn nữa những ngày xuân hiền hòa, ấm áp....
Tiền bạc, danh vọng, quyền lực, … tất cả với ta cuối cùng cũng sẽ trở thành vô nghĩa, còn ý nghĩa chăng là những gì ta tạo ra đối với thế giới này...
Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại dấu ấn của ta trong cuộc sống ?..
Quan trọng không phải là những thứ bạn mang theo bên mình, mà là những gì bạn đã chân thành đóng góp cho tha nhân...
Quan trọng không phải là những thứ bạn nhận được mà là những gì bạn đã cho đi....
Quan trọng không phải là những thành công bạn đã có được trong cuộc đời, mà là ý nghĩa thanh cao của chúng...
Quan trọng không phải là những thứ bạn học được, mà là những gì bạn đã truyền lại cho người khác...
Quan trọng không còn là năng lực của bạn, mà chính là tính cách - là những gì mà bạn đã cư xử với mọi người xung quanh...
Quan trọng là những khoảnh khắc cử chỉ, thái độ mà bạn đã vô tình hay cố ý khắc ghi trong lòng người khác, khi cùng chia sẻ với họ những lo âu, phiền muộn, khi bạn an ủi và làm yên lòng họ bằng cách riêng nào đó của mình, hay chỉ đơn giản là một nụ cười hoan hĩ hay một cái nắm tay, đỡ cho một người khỏi ngã...
Quan trọng không chỉ là những ký ức, mà phải là ký ức về những người đã yêu thương bạn....
Quan trọng đâu chỉ là bạn sẽ được mọi người nhớ đến trong bao lâu, mà là họ nhớ gì về bạn (cả tốt lẫn xấu)....
Quan trọng không phải là bạn quen biết thật nhiều người, mà là bao nhiêu người sẽ đau xót khi mất bạn trong đời....
Vậy thì, bạn ơi, hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt yêu thương và hiểu biết. Bởi vì, chỉ có tình yêu thương, sự hiểu biết mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống, bạn ạ..
......
(D H sưu tầm)......

....
(nguồn: Internet)

Ngày Xưa Hoàng Thị

.............
..
...............
Phạm Thiên Thư và Ngày Xưa Hoàng Thị
(nguồn: rfa.com)
..
Anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở đó là hình ảnh đầy sức sống của một thời niên thiếu mà ai trong chúng ta cũng đã từng trãi qua. Thế nhưng đối với những ai tò mò thì tác giả bài thơ nổi tiếng này có thật là đã trao chùm hoa cho cô Ngọ để bài thơ trở thành nổi tiếng đến như thế hay không?
Vì Phạm thiên Thư, như chúng ta đều biết là một nhà sư, vậy bài Ngày Xưa Hoàng Thị được ông sáng tác từ bao giờ?

“Bài Ngày Xưa Hoàng Thị tôi viết trước khi đi tu. Khi tôi vào chùa rồi thì hình ảnh trên đường đi làm tôi nhớ lại kỷ niệm xưa. Nhớ lại hình ảnh của cô Ngọ, thời học trò ấy mà. Chẳng có tình yêu đâu chỉ là học trò vui vui thôi. Đó là lý do tại sao tôi viết bài đó.”...
.....
Phạm Thiên Thư vừa cho chúng ta biết một chút lý lịch của bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị, bài thơ này đã một thời gây sóng gió trong khuôn viên các trường Trung cũng như đại học tại Việt Nam vào đầu những năm bảy mươi. Nhạc sĩ Phạm Duy đã tinh tế khi chọn bài thơ này để phổ nhạc và sau đó hàng loạt bài khác của Phạm Thiên Thư liên tục chiếm lĩnh đài phát thanh Sài Gòn trong nhiều năm trời.
.
Mang Thiền vào Thơ
....
Phạm Thiên Thư có những bài thơ tình tuyệt vời mặc dù bản thân ông là một nhà tu. Điều gì đã dẫn ông tới bên bờ luyến ái khi từ tâm thức ông là đồ đệ chân chính của thiền môn?
.
Thật ra không phải lúc nào nhà thơ cũng theo đuổi tình yêu. Bên cạnh những lời thơ mang bóng sắc của cái ngã, Phạm Thiên Thư đã mang Thiền vào thơ của ông kể từ bài Động Hoa Vàng. Tác phẩm đã mở một hướng nhìn mới vào thế giới của tu trì và từ bên trong người theo gót thiền có cơ hội dàn trải những tình cảm trước thiên nhiên, cuộc sống trong đó không loại trừ tình yêu đôi lứa. Tình yêu trai gái trong thơ ông cũng nhuộm phần nào hơi hướm của tăng sòng và từ đó thơ ông trở nên tĩnh tại và sâu lắng hẳn.
.....
“Sau khi vào chùa, thời gian đó cái tư tưởng của nhóm thầy Nhất Hạnh đưa ra gọi là tu sĩ mới ảnh hưởng. Tôi có ý làm sao mà tu theo hướng tinh thần mới, con người mới trong đó có cả thơ phú dưới hình thức Thiền. Đó là lý do tại sao tôi sáng tác thơ tình cảm có nhuốm chất Thiền. Thứ nhất tôi cũng là một người trong học hội Hồ Quý Ly từ năm 19 tuổi cho tới năm 23 tuổi thì tôi vào chùa. Tôi muốn làm sao sử dụng sức mạnh dân tộc vì theo gương Hồ Quý Ly, ông là một vị nghiên cứu chữ Nôm cho nên tôi đưa tinh thần dân tộc là làm sao tạo nét độc sáng cho thanh niên để vươn lên sức mạnh dân tộc qua bài thơ này, mỗi đoạn 4 câu chứa những nét của dân tộc.”
....
Động Hoa Vàng.
...
Bốn trăm câu lục bát của bài Động Hoa Vàng mà Phạm Thiên Thư vừa nhắc tới như một bức tranh xuân trong đó ẩn chứa nhiều triết lý thú vị của cảm quan cuộc sống. Sự bừng nở thi tứ yêu đương trong suốt bài thơ làm hơi thơ trở thành sương sớm quyện trong chút nắng hừng ấm đầu xuân. Động Hoa Vàng có thể là nơi non cao, núi vắng nhưng cũng có thể là một xóm nhỏ nào đó giữa buổi chiều xuân im ắng hanh hao. Kẻ theo Thiền đạo có thể tin rằng mình vừa tìm được một lối nhỏ mong manh giữa cuộc trần dẫn đến sự thoát thai ý thức. Trong khi đó, người trần tục cũng không thể phớt lờ được từng ẩn dụ ý nhị lấp lánh phía sau mỗi câu thơ trong như suối ngàn và xanh như rừng thẳm.

Con chim mùa nọ chưa chồng
Cũng bay rời rã trong dòng xuân thu
Từ em giặt áo đông tơ
Nay nghe lòng suối hững hờ còn ngâm

Thuyền ai buông lái đêm rằm
Sông thu ngân thoảng chuông trăng rì rào
Cửa sương nhẹ mở âm vào
Lay nghiêng bầu nậm rượu đào trầm ca

Lên non cuốc sỏi trồng hoa
Xuôi thuyền lá trúc la đà câu sương
Vớt con cá nhỏ lòng đòng
Mải vui lại thả xuống dòng suối tơ

Em nghiêng nón hạ cầu mưa
Sông ngâm mây trắng nước chưa buồn về
Hoa sầu cỏ cũng sầu chia
Lơ thơ xanh tụ đầm đìa vàng pha

Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì em chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi...

Con khuyên nó hót trên bờ
Em thay áo tím thờ ơ giang đầu
Tưởng xưa có kẻ trên lầu
Ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa

Tóc dài cuối nội mây xa
Vàng con bướm nhụy lẫn tà huy bay
Dùng dằng tay lại cầm tay
Trao nhau khăn lụa nhớ ngày sầu đưa
..
Ừ thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông

Ðôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông
Nửa đêm đắp mảnh chăn hồng
Lại nghe hoa lạnh ngoài đồng thiết tha

Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu
...........................
..
..
Tiếng chim trong cõi vô cùng
Nở ra bát ngát trên rừng quế hương
Tiếng em hát giữa giáo đường
Chúa về trong những thánh chương bàng hoàng

.
Em Lễ Chùa Này
....
Phạm Thiên Thư cũng được biết tới qua một bài thơ khác mang tên “Em Lễ Chùa Này”. Bài thơ có dáng dấp của truyện kể dân gian. Thật ra theo nhà thơ thì câu chuyện này hoàn toàn có thật, ông kể:

“Bài thơ này sáng tác theo lời một ông thầy khi ấy đã quá 50 tuổi rồi, ông ấy nhớ lại tình cảm hồi xưa khi ông còn là chú tiểu thì ông ấy gặp một cô bé đi chùa, ông tiểu cứ đánh chuông cho cô ấy nghe và cuối năm thì cô ấy chết đi. Cảm động từ câu chuyện này tôi làm bài thơ “Em lễ chùa này.”
...
Đầu Mùa Xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này - vườn nắng tung bay
Và ngàn lau - vàng màu khép nép
Bãi sông bay - một con bướm đẹp

Tàn Mùa Đông vào chùa bỡ ngỡ
Tiễn đưa em trong áo quan này
Từng cội hoa - Trầm lặng thương nhớ
Tóc em xưa - tơ óng như mây

Mộ của em - mộ vừa mới lấp
Có con chim - nào hót trên cây
Lời của chim - chìm vào tiếng suối
Suối xanh lơ - buồn khóc ai hoài

Rồi từ đây - vườn chùa thanh vắng
Đến thăm em - ngày tháng qua mau
Một nụ mai - vừa nở trong nắng
Hỡi em ơi - mây đã qua cầu
.
..
Đoạn Trường Vô Thanh
.....
Phạm Thiên Thư cũng được biết đến nhiều qua tác phẩm “Đoạn Trường Vô Thanh” Tác phẩm này bị nhiều người cho là chạy đua với Nguyễn Du khi dùng cùng một thể thơ lục bát và tên gọi của tác phẩm. Sự thật ra sao chúng ta hãy nghe nhà thơ trần tình.

“Trong thời gian đó bên Trung Quốc có cuốn sách tựa là “Nguyễn Du Là Gì”. Cuốn sách nói rằng Nguyễn Du chỉ dịch của Trung Quốc, về văn chương không có gì độc sáng cả chỉ lấy từ Trung Quốc mà thôi. Tôi viết “Đoạn Trường Vô Thanh” nhằm nói về những nét độc đáo của dân tộc.."
..
Ngày Xưa Hoàng Thị.
...
Trở lại với “Ngày Xưa Hoàng Thị”, tác phẩm đem người đọc tới với thơ Phạm Thiên Thư như chính tác giả thừa nhận. Âm hưởng vừa ngây thơ như thư sinh lại vừa thâm trầm như người tu thiền khiến bài thơ có nét độc đáo khác biệt vừa lãng mạn vừa uyên nhu, rất riêng tư nhưng không thiếu phần lôi cuốn. Hình ảnh người con trai âm thầm theo sau cô Ngọ mang nét đẹp của vụng dại, hồn nhiên khá tương phản với cái trầm tư của những từ kinh điển như “Áo Tà Nguyệt Bạch” hay “Ðời Như Biển Động” hoặc “Xóa Dấu Ngày Qua”. Bài thơ có những chi tiết rất đắt khi gợi lên hình ảnh chú chim non đang dấu mỏ dưới cội hoa vàng. Chú chim lén nhìn một cách thích thú gót chân chàng trai lẽo đẽo theo cô Ngọ trong một chiều tan trường với áo trắng đầy sân.
.
Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Chim non dấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
.
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
Anh đi theo hoài
Gót giày thầm lặng
Ðường chiều uá nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng
Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng nhòa mau
.
Tưởng đã phai màu
Đường chiều hoa cỏ
.
Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng dáng đỏ
.
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu
.
Chân theo tìm nhau
Còn là vang vọng
Ðời như biển động
Xóa dấu ngày qua
.
Tay ngắt chùm hoa
Mà thương mà nhớ
.
..
Bài thơ tuy nhắc lại một cách dịu dàng kỷ niệm thời xưa nhưng đã động lòng biết bao thế hệ sau đó. Những chàng trai thời a vòng hôm nay đâu thua gì thế hệ Phạm Thiên Thư bởi họ cũng đã và đang bâng khuâng chờ tiếng chuông tan trường để được xao xuyến theo sau gót chân những cô Ngọ thời nay. Mặc dù cô Ngọ của thế kỷ 21 không còn e ấp như xưa nhưng nét duyên muôn thuở của thời áo trắng dễ gì phai nhạt?
..
Phạm Thiên Thư tuy xuất hiện không lâu trên vòm trời văn học Việt Nam nhưng thơ của ông có những nét rất riêng và sự khác biệt chọn lọc đó đã được trả công từ người đọc lẫn người nghe thơ ông. “Ngày Xưa Hoàng Thị” tuy chỉ là một bài thơ phổ nhạc nhưng có sức thu hút lòng người một cách mạnh mẽ. Bốn mươi năm sau khi nghe lại bài thơ này người ta vẫn không khỏi ngạc nhiên tự hỏi sao lại có một bài thơ hay như thế?
...
29-11-2009
(nguồn: rfa.com).............
Ngày Xưa Hoàng Thị
Thơ Phạm Thiên Thư
Nhạc Phạm Duy
..
...
......

Monday, November 30, 2009

Cơm Âm Phủ ở Huế Xưa và Nay

 Bài viết của BS LÊ VĂN LÂN

.(Nguồn: Internet)
.
CƠM ÂM PH HU XƯA VÀ NAY
.
Gần 50 năm xa cách, khi về lại Huế, một trong những chỗ mà tôi muốn thăm nhất là Quán Cơm Âm Phủ, một quán cơm nghèo mở ở vùng Đất Mới, nơi nổi danh một thời có Sân Vận Động Tự Do và có "xóm đĩ." Tôi thăm lại nó không phải là nó được nhắc tên trong sách Hướng dẫn Du lịch Cố Đô hay là câu nói của anh phu xích-lô thuê bao: "Ăn Cơm Âm Phủ, ngủ Khách sạn Thiên Đường." Động lực khiến tôi thăm lại nó có lẽ cũng bắt nguồn từ cái đặc tính nhiễu sự tới mức cầu kỳ của những người bạn Huế của tôi. Về tận Huế thì phải kiếm ăn món Huế nhưng "Nghĩ cho cùng thì sự thưởng thức này không chỉ yêu cầu ở khẩu vị mà chủ yếu là niềm mong ước được sống, được "nếm“ Huế của những ngày cũ đã vời xa.“ (Trần thị Linh Chi- truyện Quán Gió- Mây Lủng lơ). Khẩu vị của món ăn ngon hay không - theo những "con người Huế khó tính“ dai dẳng cỡ như Gustave Flaubert nhớ hoài món bánh Madeleine đầu đời - thường dính liền với những địa danh hay tên người làm ra mà họ nếm lần đầu, chẳng hạn như chàng thi sĩ Trụ Vũ làm thơ về những Bánh ướt Kim long, Bánh Nậm La khê, Chạo tôm Thuận An, Cơm nem An Định, Xôi gà Nguyệt Biều, Cơm sen Tịnh Tâm hay này nàng T.N. Hỷ Khương ca tụng Bánh bèo Tây Thượng, Chè Cồn Hến....
.
Quán cơm Âm Phủ là một điều huyền sử nhỏ nhoi chấm phá trớ trêu trên trang sử của xứ Huế, bên cạnh những cung điện lăng tẩm đế vương. Tuy nguyên thủy là quán nghèo, nghe nói quán này có gia phả hẳn hoi, ra đời đâu đó vào năm cuối của đệ nhị Thế chiến 1914-1918 do ông Tống Phước Kỷ. Cái tên "Âm phủ“ chỉ là một cái tên đặt do những người khách bình dân làm công lam lũ hay ở đợ thời đó, chứ ai buôn bán mà chọn cái tên ma quái làm gì! Tên này đã lọt tự nhiên vào câu vè của xứ Huế xưa:

Kể từ ngày thất thủ Kinh đô,
Tây qua giăng giây thép, họa địa đồ nước Nam
Lên Dinh, ở tớ Tòa Khâm
Chén Cơm Âm Phủ, áo đầm mồ hôi!.
.

Quán cơm dựng nên trên một vùng đất hoang vu trong thời đầu thế kỷ 20, tiếp giáp với cánh đồng An Cựu nên gọi nôm na là Đất Mới. Nhìn vào bản đồ Huế cũ, Đất Mới là vùng ngoại biên hẻo lánh về phía đông của Tòa Khâm được bảo vệ kỹ bằng những đồn lính Tây săng-đá De Courcy, lính Khố Đỏ, Khố Xanh, lính tập, lính kèn, sở Mật Thám... Do đó, Đất Mới trở thành khu chứa gái điếm. Gái của xóm Bình Khang này chưa chắc là "đĩ có giấy“ phải khám "lục-xì“(look & see), nhưng nghe đâu có bốn năm Tú Bà có thế lực như các bà L. (chồng là Hoàng phái), bà Bộ T., bà Ch., bà C ( sau này nấu bếp cho Thủ hiến Phan văn Giáo) như lời kể của Ông Tống Phước Thôi với giáo sư Nguyễn hữu Thứ trong bài Quán Cơm Âm phủ ở Huế (Tuyển tập Nhớ Huế số 11 - năm 2000). Trường hợp cũng giống như sòng bạc của bà Chúa Tám ở Kim Long nghe đâu cũng được trùm Mật thám Pháp Sogny đỡ đầu. Tại vùng Đất Mới hồi Tây chắc đêm đêm có những cảnh chia tay giữa người lính về đồn với nàng thương nữ lâm ly:
.
Chín giờ kèn thổi "cu-sê“ (coucher: đi ngủ)
Thôi em ở lại, anh về "áp-bên“ (appel: điểm danh)
.

Quán cơm Âm phủ chính là nơi mà người ta đến ăn bồi dưỡng trong những giờ khuya khoắt ở cái xã hội của những con vạc ăn đêm giống như ăn "sú-dề“ (tiêu dạ) ở Chợ Lớn: đó là những khách làng chơi, những con bạc, những người đi coi hát về khuya từ rạp hát Bà Tuần, những rạp xi-nê Morin, Tân Tân...............
Trong không khí đêm khuya, đèn đuốc hiu hắt của một quán ăn bình dân giữa một vùng không có nhiều cột đèn điện vào đầu thế kỷ qua mới nẩy sinh ra cái tên "Cơm Âm Phủ“ gợi hứng cho ông Bửu Thụ làm câu vè sau:
..
Muốn ăn cơm đĩa trữ tình,
Có quán Âm Phủ, ma rình phía trong.
..
Quán Âm Phủ thuở đầu đã bán một thứ "cơm dĩa“ gọi riêng là Món Cơm Âm Phủ. Đó là một loại cơm thập cẩm trộn trong đủ thứ được xắt nhỏ như nem, chả, thịt, nướng, tôm chấy, thịt heo, dưa gang, dưa chuột bóp... với chén nước mắm pha loãng để chan vào mà ăn. Đây là một phát kiến "fast food“ để đáp lại một nhu cầu tiện, rẻ, đủ mau của những khách ăn vội vã về khuya, thay vì làm nhiều món nóng sốt khác nhau. Có người xấu miệng nói dèm là một dĩa xào bần của những thứ quà rong Huế bán ế trong ngày được mua lại rẻ, nên mới xắt nhỏ trộn với cơm mà dọn cho những người chơi đêm dễ tính ăn dằn bao tử về khuya. Tình trạng cũng như tại Sài gòn hồi Tây mới qua, có bán món cơm "lâm-vố“ ( rabiot), tức là loại thức ăn dư từ các nhà hàng, cao lâu được nhà thầu mua rồi bán lại cho quán lề đường xào nấu lại thêm gia vị làm cơm cho người bình dân như câu quen nói: "Ăn cơm lâm-vố, uống nước phông-tên, ngủ lề đường“ (Rabiot là phần ăn ngoài tiêu chuẩn của lính Pháp.) [Cái truyền thống "fast food“ này cũng được lập lại với tài chế biến của Quán Cơm Âm Phủ qua món "Cháo bo- bo“ sau 1975 khi mà Việt Nam được các nước anh em viện trợ những bao lúa đại mạch rẻ tiền, ít bổ. Bo-bo được nấu lâu hằng giờ cho nhừ rồi để sẵn, mỗi khi khách gọi thì cho thịt và gia vị, rồi hầm nóng lên.
.
Ngoài ra, tùy theo túi tiền của khách, quán về sau càng phát đạt lại càng thêm những thức khác cũng ngon và rẻ như cơm gạo de An Cựu hay tám thơm, ăn với "Cá bống thệ kho khô, cá rô kho tộ,“ hay dưa cải với thịt phay chấm nước mắm ngon Nam Ô ... Quán còn bán nem Huế, loại tươi mới thì nướng lên và luộc cho khách ăn ngay, loại chín chua vài ngày cho khách nhâm nhi cũng sẵn. Dù sao thì mọi thứ cũng tươi và rẻ vì toàn là đặc sản mua tận gốc tại Huế như cá bống, hanh, hến từ Sông Hương, cá đối, dìa, sòng, nục từ Thuận An; thịt heo thịt bò có lò thịt Abattoir Cầu Thanh long, nem thì có Mụ Tôn cầu Đông Ba bỏ mối.
.
Giai đoạn "nhổ giò“ của Quán Âm Phủ là vào khoảng năm 1936 khi Vua Bảo Đại khánh thành sân Vận Động (Stade olympique) tại vùng Đất Mới lấy tên là Sân Bảo Long để kỷ niệm vị hoàng tử này mới ra đời, nhưng dân chúng quen gọi là Sân Tự do hay Sân Đất mới rộng hơn sân vận động người bình dân quen gọi là sân "sép“ bên chợ Đông Ba. Đây là một sân vận động độc nhất của xứ Đông Pháp với vòng chảo đua xe đạp (stade vélodrome). Vào năm 1936, nơi này có tổ chức trận chung kết Giải bóng tròn Đông Dương nên Quán Âm Phủ bấy giờ đã thịnh vượng như một cô gái trổ mã trở thành ngôi nhà ngói khang trang, làm nơi ăn uống giải khát bình luận sôi nổi của những người hâm mộ thể thao hay của dân cá độ nhỏ to. Cùng với sự lặn mình lén lút của những ổ mại dâm, cái không khí u tối tịch mịch của quán cơm Âm phủ ban đầu đã biến hẳn với đèn điện sáng choang.
.
Chính trong thời gian những năm đầu thập niên 40, bản thân tôi đã tới sân Vận Động Đất Mới này đi diễn hành mỗi khi trường học tổ chức ngày lễ Nữ anh hùng Pháp Jeanne d'Arc hay để hát tung hô Thống Chế Pétain với các bài như "Maréchal! Nous-voilà! devant toi de la France” hay bài “Debout! Belle Jeunesse” ( Bài sau nghĩa là Này Thanh Niên ! Hãy đứng lên!, nhưng lũ trẻ con lại hát bậy là "Rờ bụ ben-lơ giơ nét xờ!”). Thời này, Thực dân Pháp bị quân phiệt Nhật uy hiếp nên mở phong trào Thể thao Ducouroy rầm rộ để làm dân Việt mải tranh tài mà quên sự đối kháng và vùng lên. Có những trận đấu bóng tròn lớn, nhưng chúng tôi trẻ con không có tiền mua vé vào cửa, nên thích "chui rào” và thường bị bắt xách tai ra ngoài, hay bị đá đít tội nghiệp. Với con mắt ấu thơ, Sân Vận Động Tự do sao mà vĩ đại như một đấu trường La mã vậy. Chính nơi đây cũng đã tổ chức buổi biểu tình lớn khi Việt Minh mới cướp chính quyền, diễn hành với những lá cờ đỏ hoét mà mắt tôi mới thấy lần đầu.
.
Trong thời nay, hiếm hoi vài lần tôi được người lớn cho ăn ở Quán Cơm Âm Phủ. Món ăn thơm phức của quán khiến tôi ước ao sau này lớn lên sẽ có dịp có nhiều tiền thưởng thức nhiều món khác để “trả thù” đời.
.
Thế rồi, tuế nguyệt trôi qua với những biến cố quan trọng như tản cư, hồi cư, chánh quyền quốc gia, Việt Cọng du kích, Tây càn quét... Còn tôi thì vô tư dần dà lớn lên học Trung học, để chẳng bao giờ có dịp lai vãng vùng Đất Mới với Quán Cơm Âm Phủ và Sân Vận Động nữa, mặc dù những ngôi trường tôi học như Lycéum Việt Anh, trường Thuận Hóa cách xa nơi này không quá một cây số. Tôi vào Saigon học thuốc năm 1952 rồi biền biệt không bao giờ trở lại xứ Huế mà tôi đã sống suốt thuở ấu thiếu niên cho đến tháng hai năm ngoái mới có dịp về thăm lại sau 49 năm xa cách..
.
*****
Thăm lại cảnh cũ thì cái Sân Vận Động Đất Mới ngày xưa mà tôi coi là mênh mông bây giờ sao nhỏ hẹp khi thu vào ống kính trông như là một bãi thao trường trung bình ở Mỹ. Còn cái lòng chảo đua xe đạp xây bằng xi măng của nó ngày xưa tôi thấy nó cao vời vợi như bức thành của một đập nước, bây giờ không làm tôi ngợp nữa...
.
Còn Quán Cơm Âm Phủ chỉ là căn nhà một tầng lầu ở số 35 đường Nguyễn Thái Học, diện tích của hai tầng trệt và lầu đủ rộng để tổ chức một tiệc cưới dưới 30 bàn. Rõ ràng về phương diện ẩm thực, có một sự nâng cấp về sở thích yêu cầu từ món ăn của cái thuở ban sơ là dưa chua thịt heo phay cùng với những món cá kho, cơm dĩa lên đến các món mới hơn như dĩa lươn um, dồi trường, môi mép bò chấm mắm nêm, các món mắm tôm, mắm sò ăn với vả..., món thịt bò nướng vỉ kiểu hibachi ướp gia vị thơm ngon nức mũi khiến dân Việt Kiều hải ngoại khen rối rít. Quán vào loại đông khách vì ở vị trí trong quần thể nhiều nhà hàng ăn nằm gần những khách sạn lớn nhất Huế trên hữu ngạn Sông Hương từ Đập Đá lên Khách Sạn Morin. Nguyên nhân của sự phát đạt nói chung ở Huế là nhờ vào cái điều mà người ta gọi là "kinh tế thị trường“ với sự mở cửa đón tư bản và du khách cọng với sự Quần thể Di tích Huế được UNESCO công nhận là tài sản văn hóa của nhân loại.
.
.Đối với tôi, đa số cảnh cũ ở Huế đã hoàn toàn thay đổi, nên không còn mang những dấu tích kỷ niệm của tôi ngày xưa. Dân cư càng đông đúc xô bồ, nhà cửa cất bừa bãi không mấy gì mỹ quan nhưng không tệ như Sài gòn, Hà nội. Dầu sao, nhờ vào sự mở cửa du lịch, nói công bằng ra, xứ Huế cũng có nhiều mặt cải tiến khả quan như hai bờ sông Hương trông đẹp hơn... Tuy rằng cung điện lăng tẩm có tu bổ nhưng hình như chưa đủ phục hồi những nét cổ kính lắm..

Riêng quán Âm Phủ có tuổi thọ hơn 80 năm, theo tôi quả là một sự biến thái thích nghi tốt từ một quán cơm nghèo tăm tối phát sinh trong một xóm Bình Khang vào đầu thế kỷ qua, để dần dần thoát xác thành một nhà ăn khang trang đón khách du lịch khắp nơi với những món ăn càng ngày càng ngon nhưng phần nào vẫn giữ những đặc thù khẩu vị cổ truyền Huế. Còn khách sạn Thiên Đường mới mẻ ở bên cạnh ra thế nào, có thật đem lại cái lạc thú Thiên đường dù chưa vào ngủ nhưng tôi còn nghi ngờ là một cái tên quảng cáo cho vui.
.....
Tác giả: BS Lê Văn Lân
15 - 10 - 2004
...

(nguồn: khoahoc.net).

Tuesday, November 24, 2009

Gia Chánh: Cách làm Cơm Âm Phủ

.
(Nguồn: Internet)
.
CÁCH LÀM CƠM ÂM PH
..
1--NGUYÊN LIỆU:
....
- 1 lon gạo
- Thịt nạc dăm : 0,1kg 
- Chả lụa : 0,1kg 
- Nem chua : 1 cây 
- Trứng vịt : 1 trái
- Dưa leo : 1 trái
- Tôm tươi : 0,1 kg
- Rau thơm : 0,1 kg
- Thịt ba rọi : 0,1 kg 
- Sả bằm : 0,05 kg
- Gia vị: Hành + tỏi + nước mắm + nước màu + ớt 
.
2--CÁCH LÀM:
.
Chuẩn bị:
.
+ Gạo hấp chín
+ Trứng tráng mỏng cuộn tròn cắt chỉ 
+ Tôm luộc chín, bóc vỏ, giã, sấy khô (tức là tôm chấy)
+ Chả lụa cắt sợi
+ Dưa leo thái khoanh tròn mỏng, bóp muối, vắt
+ Thịt ba rọi luộc, cắt sợi
+ Thịt nạc dăm thái mỏng, bản hơi lớn..
.........
Ướp gia vị:
.
+ Ướp vào thịt nạc dăm: 1M nước mắm + 2M đường vàng + 1M bột ngọt + 2M xả bằm + 1M nước màu + 2,5M dấu ăn + 1m xì dầu + 2M mè + một ít muối. Đem nướng.
+ Dưa leo sau khi đã vắt ráo thì ướp muối + đường + bột ngọt + tiêu + tỏi phi + nước cốt chanh. Trộn đều để dưa leo thấm gia vị.
..........
Trang trí: 
.
+ Lấy dĩa trắng lớn xếp chén cơm đã ép ở giữa. Để thịt ba rọi luộc, dưa leo, chả lụa, trứng, rau răm đối xứng. Thịt nướng, nem nướng để đối xứng. Rắc tôm chấy lên trên mặt cơm.
+ Ăn với nước mắm chua ngọt tỏi chanh đường........
..
(sưu tầm)
..
.(Nguồn: Internet)

Tuesday, October 13, 2009

Trên Đại Lộ Sri Ayutthaya

.
Mời quý anh chị và các bạn nghe bản nhạc: 
..
..
Thơ Trần Trung Đạo, nhạc Phan Ni Tấn, tiếng hát của ca sĩ Điền Nguyên (chiều thơ nhạc Toronto ngày 13-09-2009.).
THƠ TÔI
.
Xin đừng tiếc, thơ tôi màu tang tóc
Bởi cuộc đời nắng sớm với chiều mưa
Mười bốn tuổi tôi làm thơ nước mắt
Khóc quê hương trăn trở đã bao mùa
..
Thôi em nhé cũng xin đừng thương hại
Thơ thẩn gì, chỉ trách móc nhau thôi
Con nước cũ chẳng bao giờ trở lại
Để nghìn năm nghe dốc đá ngậm ngùi
..
Em như cánh sen hồng đang hé nở
Giữa ao bùn vẫn đục của đời tôi
Trong gần gũi đã có nghìn cách trở
Nợ gì nhau mà nắng bám lưng đồi
..
Xin đừng tiếc, thơ tôi buồn như thế
Chuyện đau lòng chẳng thể viết cho vui
Tôi chỉ vẽ cảnh đời tôi dâu bể
Dấu niềm đau trong chua chát tiếng cười
..
Xin đừng tiếc, thơ tôi là sương đọng
Sẽ tan dần khi đêm tối ra đi
Trong xa cách có nghe lời ai vọng
Vì sao băng chưa kịp ước mơ gì
..
Xin đừng tiếc, thơ tôi là kỷ vật
Của một thời thơ ấu rất đơn côi
Tôi là kẻ độc hành không quán trọ
Đời tục du vai áo bạc quen rồi
..
Xin đừng tiếc, thơ tôi lời sỏi đá
Một linh hồn khép kín tự trăm năm
Đừng cúi nhặt sẽ đau lòng biển cả
Đừng lăn đi mất dấu chỗ tôi nằm
..
Tôi làm thơ chẳng mong thành thi sĩ
Ngủ với trăng hay bạn với sông hồ
Thơ tôi đấy trái tim đầy máu rỉ
Sẽ muôn đời ở lại với hư vô.
..
thơ Trần Trung Đạo
.

(nguồn: trantrungdao.com).
MƯA
.
.

Friday, October 9, 2009

Hoa Phượng

..

....
..
Sau bài "VE SẦU", mời quý anh chị và các bạn đọc một bài viết khác viết về mùa hè của Tác giả Tuệ Chương Hoàng Long Hải.
.........
HOA PHƯỢNG
..
TÁC GIẢ: TUỆ CHƯƠNG HOÀNG LONG HẢI
..
Hoa phượng nở về mùa hè. Khi ve kêu thì cũng là lúc hoa phượng nở nên hai thứ nầy, ve và hoa phượng là biểu tượng của mùa hè. Cũng vì đặc tính đó, hoa phượng và ve sầu rất gần gủi với học sinh. Khi ve bắt đầu kêu và hoa phượng chớm nở trên cành là lúc bọn học trò chuẩn bị cho các kỳ thi và nghỉ hè.
Hồi trước, nền giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng Pháp nên mỗi năm có rất nhiều kỳ thi: Thi tiểu học, thi trung học đệ nhất cấp, tú tài 1, tú tài 2. Ngoại trừ thi tiểu học, các kỳ thi khác được tổ chức hai lần trong một năm: đầu hè, cuối hè, nên học trò rất bận rộn. Khi nghe ve kêu, khi thấy hoa phượng nở là thấy lòng xao xuyến lẫn lo âu: Xao xuyến vì nghỉ hè, xa trường, xa thầy cô, xa bạn bè, lo âu vì thi cử đã gần kề. Những nỗi xao xuyến và lo âu ấy, dĩ nhiên, được thể hiện trong văn chương học trò; không những ở học trò mà ngay cả trong lòng những người đã bỏ trường học và bạn bè lại sau lưng.
....
Ở Huế, như tôi viết trong bài ve sầu, ve đã nhiều mà hoa phượng thì cũng không ít. Nếu có một ngày hè nào đó, dĩ nhiên vào mùa hè, đi ngang cầu Trường Tiền, nhìn ngược lên phía Tây, hướng chùa Linh Mụ, cồn Giã Viên, người ta bỗng thấy hoa phượng nở đỏ cả hai bờ sông Hương, bên phía Thương Bạc hay bên phía bệnh viện Huế cũng vậy. Dọc theo hai bờ sông, từ thời Tây còn đô hộ, Tây đã cho trồng hai hàng phượng. Cây phượng cao, cành lớn. Hoa phượng nở, trước khi phượng ra lá. Lá chỉ mọc đầy sau khi hoa phượng đã kết trái. Hoa phương đỏ như màu lửa, rực rỡ cả hai bờ sông, làm cho người ta phải chú ý, trầm trồ khen ngợi vì cái vẻ đẹp rực rỡ của nó.
...

Thursday, October 1, 2009

ĐÊM TÀN BẾN NGỰ

.ĐÊM TÀN BẾN NGỰ
..
NHẠC: DƯƠNG THIỆU TƯỚC
TIẾNG HÁT: NGOC HẠ
..