....
..
(Bài viết của Thầy Hà Thúc Hoan)
..
Áo trắng vườn xưa thôn Vĩ là áo trắng thời thiếu nữ của Chị Hoàng Thị Kim Cúc, cô giáo dạy gia chánh và nữ công cho nhiều thế hệ nữ sinh trường Đồng Khánh ở Huế. Cách đây hơn nửa thế kỷ, cô thôn nữ Hoàng Cúc với màu áo trắng này là nguồn cảm hứng để nhà thi sĩ tài hoa mệnh bạc Hàn Mặc Tử sáng tác bài thơ bất hủ Ở đây thôn Vĩ Dạ.
..
Bài thơ thôn Vĩ này, khoảng hai mươi năm nay, đã được đưa vào giảng dạy ở lớp 11 trường trung học. Từ đó, trong lớp học cũng như trên sách báo, đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về mối tình Hàn Mặc Tử - Hoàng Cúc. Có không ít người, vì thiếu tài liệu tham khảo, hoặc vì một lẽ nào đó, đã tuỳ tiện vẽ vời, thêu dệt thêm nhiều tình tiết lãng mạn về mối tình ấy, làm cho người trong cuộc là Chị Cúc phải ra Hà Nội, vào Sài Gòn tìm người quen biết trong làng báo để nhờ đăng lá thư xác minh sự thật.(1) Ở bài viết này, qua xuất xứ của tác phẩm và bằng cách phân tích những dẫn chứng lấy ra từ bài thơ, chúng tôi xin được nêu thêm một số ý kiến nhằm góp phần làm sáng tỏ sự thật ấy.
..
1. Trong thư gởi nhà thơ Quách Tấn, viết ngày 15-4-1971, Chị Cúc đã nói về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Ở đây thôn Vĩ Dạ :
..
“Vào khoảng mùa hè 1939, Ngâm viết thư về Huế cho tôi biết Tử mắc bệnh nan y, khuyên tôi viết thư thăm Tử để an ủi một tâm hồn vô cùng đau khổ. Thay vì viết thư, tôi gửi bức ảnh vừa bằng cái carte – postale. Trong ảnh có mây, nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh ấy mấy lời thăm hỏi sức khoẻ Tử, không ký tên, rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau một thời gian, tôi nhận được bài thơ Ở đây thôn Vĩ Dạ và một bài khác do Ngâm gởi về.” (2)
..
Ở đoạn thư trên có mấy điểm cần lưu ý : Chị Cúc không viết thư mà chỉ gởi một tấm ảnh phong cảnh để ghi ở phía sau “mấy lời thăm hỏi”. Chị “không ký tên”, không trực tiếp gởi bưu ảnh cho nhà thơ mà nhờ người em con ông chú là Hoàng Tùng Ngâm “trao lại”. Việc gởi ảnh thay thư này được thực hiện vào giữa năm 1939, khi Hàn Mặc Tử đã mắc bệnh phong ở Qui Nhơn còn Hoàng Cúc thì đang sống ở Huế. Nếu trong quá khứ đã hình thành một tình yêu thơ mộng và lãng mạn giữa Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc thì lẽ nào vào cuối cuộc tình “nàng” lại gởi cho “chàng” một “bức thư ” đơn sơ , nhạt nhẽo và vô tình như vậy ?
..
2. Khổ thơ thứ nhất của bài Ở đây thôn Vĩ Dạ tả cảnh vườn “xanh” nhà Chị Cúc. Hình ảnh nổi bật được người đọc tiếp nhận trước tiên là “hàng cau” hiện rõ nét trong “nắng mới lên”. Một số thầy giáo, cô giáo dạy văn, khi phân tích đoạn thơ này, đã nói đến vẻ đẹp của hàng cau thôn Vĩ. Nhưng thôn Nam Phổ ở cạnh thôn Vĩ mới nổi tiếng với những hàng cau cùng nghề trồng cau và câu nói truyền khẩu được cường điệu để tạo tính trào lộng : “Con gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau.” Thôn Vĩ Dạ thì từ lâu đã là vùng đất được các gia đình hoàng tộc và những quan lại quyền quý chọn làm trú xứ. Đó là thế giới của các quan tham, quan thị, cậu ấm, cô chiêu. Vì thế, thôn Vĩ không thể nào có nghề trồng cau với những hàng cau khoe mình trong nắng sớm ban mai như Hàn Mặc Tử đã ghi tả.
..
Rõ ràng là Chị Cúc không vừa lòng khi thấy Hàn Mặc Tử đưa vào bức tranh thôn Vĩ hàng cau của làng Nam Phổ. Cho nên, hơn bốn mươi năm sau, năm 1985, em ruột của Hàn Mặc Tử là Nguyễn Bá Tín về Huế, ghé thăm chị Cúc, cùng nhắc lại bài thơ thôn Vĩ, Chị chợt hỏi : Cậu có tìm được một cây cau nào trong vườn tôi không ? Sao anh Trí lại nói đến “hàng cau” ? (3)
..
Có thể Hàn Mặc Tử đã cố tình đưa hàng cau thôn Nam Phổ vào bức tranh thôn Vĩ để tạo một “nét chấm phá về cấu trúc thẩm mỹ” như tác giả Hàn Mặc Tử trong riêng tư đã nhận xét. Nhưng chúng tôi ngờ rằng ở đây nhà thơ đã nhầm lẫn thôn Vĩ với thôn Nam Phổ. Sự lẫn lộn này chứng tỏ nhà thi sĩ đã không nhiều lần đi lại, thăm viếng để biết rõ cảnh sắc của quê hương người yêu. Chúng tôi được biết Hàn Mặc Tử đã có một lần tìm về thôn Vĩ để thăm Chị Cúc, nhưng vì bản tính nhút nhát nên khi đến gần nhà nàng thì chàng đã không dám vào… Có phải vì có một khoảng cách như thế mà nhà thơ đã thiếu chính xác khi tả cảnh vườn cây thôn Vĩ ? Qua chi tiết không chính xác về hàng cau, chúng ta có thể nghĩ rằng liên hệ tình cảm giữa Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc không phải là thâm tình của những người đã từng yêu nhau và đã có nhiều lần tìm đến với nhau.
..
3. Khổ thơ thứ hai có ý chính là cảnh “sông trăng” thôn Vĩ. Ở đầu khổ thơ này, người đọc gặp một chi tiết phụ của cảnh là “gió” và “mây” ở trên sông trăng . Nhưng đây là một dẫn chứng quan trọng có thể giúp người đọc hiểu rõ tâm trạng của tác giả để qua đó nhận thức đúng quan hệ tình cảm giữa Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc.
..
Trong thiên nhiên, chúng ta thường thấy cảnh gió thổi mây bay. Vì thế, giữa đất và trời, mây thường theo gió để cùng trôi về một hướng. Nhưng gió và mây ở bài thơ thôn Vĩ thì trái ngược lại :
..
“Gió theo lối gió, mây đường mây.”
..
Cảnh ly tán của gió và mây ở đây không tuân theo quy luật của thế giới tự nhiên nhưng phù hợp với tâm tình của tác giả. Chúng ta biết Hàn Mặc Tử là một con chiên ngoan đạo, còn Chị Cúc là một Phật tử tín thành. Sự khác biệt về đức tin tôn giáo là một trở ngại không thể vượt qua đối với nhà thi sĩ tài hoa và người thục nữ yểu điệu. Hàn Mặc Tử hiểu rõ sự ngăn cách ấy nên đã sáng tạo hình ảnh gió đi theo “lối gió”, mây đi theo “đường mây” để gợi tả sự chia cách của hoàn cảnh. Chị Cúc lại càng thấy rõ hơn khoảng cách ấy nên cho dù có muốn cũng không thể nào đáp ứng tình yêu thương nồng nàn của nhà thơ :
..
“Giữa anh Trí và tôi chưa hề có lời trao đổi khen chê, dù là gián tiếp, chưa hề có thái độ thân sơ, khinh trọng. Vậy ông Tấn dựa vào đâu mà xét đoán tôi tầm thường như vậy.(4) Dòng họ tôi sống theo nho phong Phật giáo có bao giờ mặc áo khỏi đầu. Anh Trí cũng biết vậy.” (5)
..
4. Khổ thơ thứ ba nói về tình yêu người thôn Vĩ. Câu thứ hai của đoạn cuối này là một câu thơ hay vì có ý tại ngôn ngoại. Đây cũng là câu thơ khó hiểu nhất, khó giải thích nhất của bài thơ Ở đây thôn Vĩ Dạ :
..
“Áo em trắng quá nhìn không ra.”
..
Mọi người đều biết màu trắng là màu dễ nhìn thấy nhất. Còn đánh nhau thì binh sĩ hai phe mặc áo màu đen hoặc màu xanh lá cây để ẩn núp. Khi một bên đã chịu thua thì giương cờ trắng để bên kia dễ nhận thấy mà ngừng bắn, chấp nhận sự đầu hàng. Vậy mà ở đây Hàn Mặc Tử lại nói áo em “trắng quá” nên tôi “nhìn không ra”.
..
Những nhà giáo dạy văn đã gặp nhiều khó khăn khi tìm cách giải thích câu thơ có nét nghĩa nhoè này. Tôi được biết có bạn đồng nghiệp đã cho rằng vào thời gian này Hàn Mặc Tử đã mắc bệnh phong, uống nhiều độc dược, thị lực bị suy giảm, nên nhìn không rõ màu áo trắng ! Suy đoán như vậy thì phải chăng tiểu sử tác giả đã ghi nhận vào những năm cuối đời, có một giai đoạn nào đó đôi mắt của Hàn Mặc Tử bị mù loà ? Lại có người giải thích rằng màu trắng ở đây quá trắng, quá chói chang nên nhà thi sĩ nhìn không ra. Chói loà như cái đèn pha người ta càng dễ nhìn thấy thì tại sao Hàn Mặc Tử không thể nhìn thấy màu áo trắng quá mức, quá chừng của Hoàng Cúc ?
..
Văn chương nói chung, thi ca nói riêng thường nói điều chưa nói bằng cách phủ nhận điều đã nói. Giảng bài Ở đây thôn Vĩ Dạ, nhiều người trong chúng ta đã bám víu vào điều đã nói và đã bị nhà thơ phủ nhận, nên chỉ tiếp nhận được ý nghĩa biểu hiện – cái xác của câu thơ – là tác giả không nhìn thấy màu áo trắng của người mình yêu. Nguyễn Bá Tín, trong một lần thuyết trình về Hàn Mặc Tử ở Thiền viện Vạn Hạnh, đã chú ý tìm hiểu điều nhà thơ chưa nói và tinh tế phát hiện ý nghĩa hàm ẩn – cái hồn của câu thơ – là Hàn Mặc Tử không nhìn thấy tình của người mặc áo trắng là Hoàng Cúc. Nếu trong một lần gặp gỡ nào đó, thay vì mặc áo màu trắng, Chị Cúc mặc áo màu xanh hay màu hồng thì nhà thi sĩ đã nhận ra tình cảm sâu kín được cô gái Huế e ấp tỏ bày bằng màu sắc.
..
Đến đây, chúng ta đã có đủ chứng cứ để kết luận mối tình Hàn Mặc Tử - Hoàng Cúc chỉ là một tình yêu đơn phương. Trong cuộc tình này chỉ có một người yêu thương duy nhất là nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngoài thi phẩm Ở đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử còn làm một số bài thơ khác để khóc cho mối tình đầu không thành tựu này.(6) Phần Hoàng Cúc, đối với Hàn Mặc Tử, trước sau chỉ có sự kết giao của tình bằng hữu, một tình bạn trong sáng, thân ái, tương kính mà Cô giáo Kim Cúc – người Chị Cả vô cùng kính yêu của tất cả đoàn sinh Gia đình Phật tử Việt Nam – đã trân trọng gìn giữ đến cuối đời :
..
“Năm 1986, chị Cúc vào Sài gòn ghé thăm chị Như Lễ, trông thấy bức ảnh Hàn treo trên vách không khuôn, chị lặng lẽ đi mua cái khung gỗ mới, tự tay tra ảnh vào khung treo lên. Cả nhà chị Như Lễ đều xúc động.” (7)
..
Hà Thúc Hoan
Saigon - Ngày 9-8-2010..
.....
Chú thích:
(1) Thanh Hương, Nhớ Cô Hoàng Kim Cúc, Đồng Khánh mái trường xưa, Huế, 1996, tr. 109.
(2) Phạm Xuân Tuyển, Sự thật về bài thơ “Ở đây thôn Vĩ Dạ”, Huế mùa Xuân, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2000, tr.121.
(3) Nguyễn Bá Tín, Hàn Mặc Tử trong riêng tư, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1994, tr.118.
(4)Trong một bài viết về Hàn Mặc Tử, Quách Tấn kể chuyện nhà thơ vào Sài Gòn lập chí để Hoàng Cúc không còn chê không môn đăng hộ đối.
(5)Nguyễn Bá Tín, Sđd, tr. 122.(6)Hàn Mặc Tử nhờ bạn là Hoàng Tùng Ngâm trao tặng Hoàng Cúc bài Sao, vàng sao. Bài thơ này được phổ biến dưới tựa đề Đừng cho lòng bay xa trong tập Thượng thanh khí.
(7)Nguyễn Bá Tín, Sđd, tr. 122 – 123
.....
......
Thơ HÀN MẶC TỬ:
...
Đây Thôn Vỹ Dạ
...
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
..
Gió theo lối gió, mây đường mây
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
..
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
..
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà!.....
..
Huyền Ảo
..
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô
Gió say lướt mướt trong màu sáng
Hoa với tôi đều cảm động sơ
..
Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm
Có thứ gì rơi giữa khoảng im
Rơi tự thượng tầng không khí xuống
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim.
..
Tôi với hồn hoa vẫn nín thinh
Ngấm ngầm trao đổi những ân tình
Để thêm ấm áp nguồn tơ tưởng
Để bóng trời khuya bớt giật mình.
..
Từ đầu canh một đến canh tư
Tôi thấy trăng mơ biến hóa như
Hương khói ở đâu ngoài xứ mộng
Cứ là mỗi phút mỗi nên thơ.
..
Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô.
..
Không gian dầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng
Mỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diễu
Nàng xa tôi quá nói nghe chăng
....
(thơ Hàn Mặc Tử)
..