Saturday, December 29, 2012

Giá Trị của Thời Gian

(nguồn: Internet)
...............
GIÁ TRỊ CỦA THỜI GIAN
.
Ðể biết giá trị của một năm, hãy hỏi một sinh viên vừa thi trượt năm cuối
Ðể biết giá trị của một tháng hãy hỏi một người mẹ sanh em bé thiếu tháng.
Ðể biết giá trị của một tuần hãy hỏi chủ bút của một tuần báo
Ðể biết giá trị của một giờ, hãy hỏi những người yêu đang chờ đợi gặp nhau
Ðể biết giá trị của một phút, hãy hỏi người vừa nhỡ chuyến tàu
Ðể biết giá trị của một giây, hãy hỏi người vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.
Ðể biết giá trị của một phần nghìn giây hãy hỏi người vừa nhận huy chương bạc trong cuộc thi Olympic.
.
Thời gian không chờ đợi ai. Hãy quí trọng từng giây phút bạn có. Bạn sẽ càng quý trọng thời gian hơn khi cùng chia sẻ với người khác.....
.
NGÀY HÔM NAY
.
Trong một tuần, có hai ngày ta không phải e ngại, sợ hãi hay lo âu. Ðó là:
.
Ngày Hôm Qua, với tất cả những lỗi lầm và lo lắng, với khuyết điểm và vấp ngã, với đau đớn và nhức nhối.
Ngày Hôm Qua đã qua đi vĩnh viễn khỏi tầm kiểm soát của ta.
Tất cả mọi thứ tiền bạc, của cải trên đời này không bao giờ quay trở lại vào Ngày Hôm Qua.
Từng việc ta đã làm đều là: "hạ thủ bất hoàn"
Không thể xóa đi một lời nói.
Ngày Hôm Qua đã ra đi mãi mãi.
.
Còn một ngày nữa mà ta không nên sợ hãi: Ngày Mai.
Với tất cả những tai ương và gánh nặng; những mơ ước cao xa và những thực thi khiêm tốn.
Ngày Mai mặt trời sẽ mọc, mọc cả trong ánh dương lộng lẫy hay sau tấm mặt nạ của đám mây đen.
Và ta vẫn chưa biết điều gì sẽ đến trong Ngày Mai.
.
Chỉ còn lại, Hôm Nay.
Ðó là ngày duy nhất, để ta có thể chiến đấu.  Ðó là lúc ta chất đầy thêm cho gánh nặng bất tận của Ngày Hôm Qua và Ngày Mai.
.

(sưu tầm).

Câu chuyện Bát Mì

Hoàng Ngọc Ấn (ĐK67, C2) sưu tầm
..


....
CÂU CHUYỆN BÁT MÌ
..
Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là “Câu chuyện bát mì”.

...
Chuyện xảy ra cách đây khoảng năm mươi năm vào ngày 31/12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản. 
Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. 
Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. 
Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ. 
Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân.
Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào. đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. 
Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời. 
- Xin mời ngồi! 
Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói: 
- Có thể… cho tôi một… bát mì được không?
Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú. 
- Đương nhiên… đương nhiên là được, mời ngồi vào đây. 
Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to: 
- Cho một bát mì. Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau.
 “Ngon quá” – thằng anh nói.
 - Mẹ, mẹ ăn thử đi – thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.
Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. 
Ba mẹ con cùng khen: “Thật là ngon ! Cám ơn !” rồi cúi chào và bước ra khỏi quán. 
- Cám ơn các vị ! 
Chúc năm mới vui vẻ – ông bà chủ cùng nói. 
....
Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. 
Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. 
Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. 
Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ.
Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. 
Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái. 
- Có thể… cho tôi một… bát mì được không? 
- Đương nhiên… đương nhiên, mời ngồi ! 
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp: 
- Cho một bát mì. 
Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời: 
- Vâng, một bát mì! Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng: 
-Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không? 
- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.  
Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ : “Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!

......
;;....
Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. .
Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận.
Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.
- Thơm quá!
- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!
- Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!
Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.
- Cám ơn các vị ! Chúc năm mới vui vẻ!
Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.
....
Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện.
Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả.
Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về.
Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”.
Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy “Đã đặt chỗ”.
Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến.
Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đêu đã lớn rất nhiều.
- Mời vào! Mời vào! – bà chủ nhiệt tình chào đón.
Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:
- Làm ơn nấu cho chúng tôi…hai bát mì được không? -
Được chứ, mời ngồi bên này ! Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy “Đã đặt chỗ” đi, sau đó quay vào trong la to: “Hai bát mì”
- Vâng, hai bát mì. Có ngay.
Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.
Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi.
Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.
- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!
- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?
 Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.
- Chuyện đó thì chúng con biết rồi -- đứa con lớn trả lời.
Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.
- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!
- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?
- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.
- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.
- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!
- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!
- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết.  Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.
- Có thật thế không? Sau đó ra sao?
- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: “Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc”. Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: “Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn.”  Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: “Cố gắng lên ! Chúc hạnh phúc ! Cám ơn !”....
Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.
- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.
- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?
- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: “Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gia hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được… Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con.”
Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:
 - Cám ơn! Chúc mừng năm mới !
...
Lại một năm nữa trôi qua.
Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy “Đã đặt chỗ” nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện.
Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi.
Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại.
Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.
“Việc này có ý nghĩa như thế nào?”
Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe.
Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ.
Bàn số hai “cũ” trở thành “cái bàn hạnh phúc”, mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này.
Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua. Lại một ngày 31/12 đến.
Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì.
Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên.
Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay.
Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống.
Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người.
Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai.
Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới.
Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn…
Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa.
Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.
Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa.
Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại.
Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên.
Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:
- Làm ơn… làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?  
Gương mặt bà chủ chợt biến sắc.
Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây.
Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói:
- Các vị… các vị là…
Một trong hai thanh niên tiếp lời:
- Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lức để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.
..
Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt.
Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:
 - Này, ông bà chủ, sao lại thế này?
Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao ? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!
Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:
- Ồ phải… Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.
Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:
- Có ngay. Ba bát mì.
.. 
..
Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài câu nói chân thành mang tính khích lệ, động viên chúc mừng..
Có người nhận xét rằng : “Đọc xong câu chuyện này không ai không rơi nước mắt.”
Đây chỉ là lời nhận xét mang tính phóng đại một chút nhưng nó không phải là không thực tế.
Quả thật, nhiều người đọc xong câu chuyện đã phải rơi lệ, chính sự quan tâm chân thành và lòng nhân hậu trong câu chuyện đã làm cho họ phải xúc động...

(Hoàng Ngọc Ấn, C2 sưu tầm)......
.

Sunday, December 23, 2012

Giáng Sinh 2012: Huyền thoại trẻ thơ

..
HUYỀN THOẠI TRẺ THƠ 
.
Tác giả: Delia Ephron
Người dịch: Trương Mỹ-Vân (ĐK67) ..
......
Lời người dịch: Truyện này được dịch từ nguyên tác "Coping with Santa Claus" của Delia Ephron, một văn sĩ hiện đại Mỹ với tác phẩm thành công nhất là tập tiểu luận "Funny Sauce" (1982) thuật lại cuộc sống với hai người con riêng của chồng bà lúc chúng còn bé...
...
Tháng mười năm ấy Julie vừa đúng tám tuổi và với mùa Giáng Sinh gần kề, hình ảnh ông già Noel ngày càng ám ảnh tâm trí cô bé. Trước Noel một tuần, đêm nào Julie cũng bảo bố:
- Con biết ai mang quà Noel đến cho con rồi. Bố chứ ai!
Rồi ngưng lại một giây, cô bé tiếp: - Phải không bố? Jerry, chồng tôi, không trả lời vì cả chàng và tôi đều không hiểu Julie có muốn biết sự thật không. Chúng tôi mơ hồ đoán có lẽ Julie muốn biết rõ ông già Noel có thật hay chỉ là huyền thoại nhưng không tìm ra câu trả lời. Chẳng lẽ lại bảo Julie:
- Có con ạ. Ông già Noel hiện diện trong tâm hồn chúng ta và thể hiện qua tình thương trong ngày lễ Noel đó con.
Nói như vậy nghe rỗng tuếch và đầy sáo ngữ. Thật tình tôi hơi hận Julie vì bắt chúng tôi phải trả lời câu hỏi khó khăn. Sự thật về ông già Noel lẽ ra nên do bạn bè Julie mách bảo thì hơn vì Julie có đám bạn gái thường hay thì thầm với nhau những điều bí mật của chúng. Dạo tôi bằng tuổi Julie, chính chị tôi đã lén vào phòng đánh thức tôi dậy đêm Giáng Sinh và bảo tôi: "Dậy mà xem ai mang quà đến đặt dưới cây Noel kìa!"
Vả lại ngay cả Jerry và tôi đều không muốn phá tan huyền thoại về ông già Noel. Chính chàng và tôi đã nhắc Julie và em trai Adam nhớ để dĩa bánh ngọt trên bàn, phòng nửa đêm ông già Noel đói bụng. Trước khi đi ngủ, chúng tôi cẩn thận dập tắt lửa trong lò sưởi để ông già Noel khỏi bị phỏng lúc leo xuống ống khói. Trước đó mấy tuần, chúng tôi đã dọa hai chị em Julie và Adam là phải ngoan ngoãn mới được ông già Noel cho quà đêm Giáng Sinh. Tất cả những điều này làm hình ảnh ông già Noel càng thêm hấp dẫn và huyền bí. Trong đầu óc ngây thơ của trẻ con, hình ảnh ông già Noel phương phi với bộ râu bạc trắng như tuyết đang cưỡi đoàn xe do bầy tuần lộc kéo trong bầu trời đông giá buốt để đến từng nhà phát quà bánh và đồ chơi cho trẻ con đêm Noel là huyền thoại đáng yêu nhất trong tuổi thơ vô tư của chúng. Vì thế tôi không nỡ phá tan hình ảnh kỳ diệu này, và cả Jerry lẫn tôi đều không tìm ra câu trả lời mỗi lần Julie thắc mắc với câu hỏi thường xuyên của cô bé.
..
Đêm Noel, Julie mang lại một mảnh giấy con với hàng chữ "Nếu ông già Noel có thật thì hãy ký tên vào đây", và bảo tôi đây là lá thư cô bé viết cho ông già. Julie còn cẩn thận bắt Jerry, Adam và tôi viết trên tờ giấy hàng chữ "Ông già Noel" để cô bé so sánh với chữ ký thật của ông già, đề phòng trường hợp chúng tôi chơi xấu, giả mạo chữ ký của ông già để đánh lừa cô bé. Jerry và tôi đều ký tên "Ông già Noel", còn Adam mới năm tuổi, chỉ nguệch ngoạc được vài chữ nên được miễn. Julie gấp tư tờ giấy, đề tên ông già Noel và đặt bức thư trước lò sưởi, bên cạnh dĩa bánh ngọt dành cho ông.
..
Mãi đến khuya Julie và Adam mới chịu đi ngủ. Jerry và tôi lặng lẽ mang đống quà đặt dưới gốc cây thông, xong chúng tôi nhìn bức thư của Julie và không biết giải quyết cách nào. Một lúc sau, chúng tôi đồng ý để Jerry viết tháu hàng chữ nghiêng ngã "Mừng Chúa Giáng Sinh - Ký tên, ông già Noel" trên bức thư của Julie. Xong xuôi, chàng xếp tờ giấy đặt vào chỗ cũ trước lò sưởi và không quên ăn hết hai chiếc bánh ngọt dành cho ông già.
..
Sáng hôm sau lúc chưa đến sáu giờ, tuy còn nằm trên giường tôi đã nghe tiếng reo hò của hai chị em dưới lầu cùng tiếng mở quà sột soạt. Bỗng nhiên Julie hét lên:
- Ông già Noel có thật! 
Rồi cô bé chạy vào phòng chúng tôi la lớn:
- Ông già Noel có thật! Ông đến đây tối qua và ký tên vào đây nè!
Tôi không ngờ Julie phản ứng như vậy vì cứ tưởng cô bé thế nào cũng nghi ngờ hỏi bố "Có thật không hả bố?" Nhưng Julie đã ôm chặt bức thư vào lòng, vội vã chạy xuống mớ đồ chơi đang chờ cô bé dưới lầu.
..
Suốt ngày hôm đó, gia đình tôi bận rộn vì bạn bè tấp nập đến thăm, tặng quà và chúc tụng nhau nên chẳng mấy chốc đã đến tối. Trước khi đi ngủ, Julie hỏi bố:
- Bố ơi, nếu ông già Noel có thật thì con hươu kéo xe cho ổng, tên Rudolph với cái mũi đỏ cũng có thật phải không bố?
Jerry sửng sốt không nói được lời nào nên Julie lặp lại câu hỏi lần nữa. Jerry thong thả đáp:
- Bố nghe rồi.
Chàng ngồi xuống bên giường Julie, cố gắng tìm câu trả lời trong lúc cô bé im lặng chờ đợi. Cuối cùng, Jerry thú thật:
- Chính bố đã ký tên "Ông già Noel" đó con ạ.
Bỗng dưng Julie bật khóc nức nở khiến Jerry vội vàng xin lỗi vì đã đánh lừa cô bé. Chàng lặp đi lặp lại "Bố xin lỗi con" trong khi Julie vẫn vùi đầu vào gối ấm ức khóc. Jerry bảo Julie rằng chàng biết điều chàng làm là sai, là không nên đánh lừa cô bé, và lẽ ra chàng nên trả lời thẳng cho cô bé biết ngay từ đầu. 
Julie ngồi thẳng dậy và đáp với giọng đầy trách móc:
- Vậy mà con cứ tưởng đâu là ông già Noel có thật chứ!
Rồi cô bé với tay lấy quyển truyện khôi hài bằng tranh trên đầu giường và hỏi bố:
- Bố cho con đọc truyện vài phút trước khi ngủ được không bố?
- Được chứ. Jerry đáp
Thế là câu chuyện chấm dứt. Một phút trước Julie còn khóc nức nở vì thất vọng với huyền thoại ông già Noel nhưng chỉ một phút sau mọi chuyện trở lại bình thường như cũ.
...............
Jerry và tôi nhẹ nhõm trở về phòng. Một lúc sau, nghe tiếng Adam khóc, tôi đi về phòng cậu bé. Cửa phòng hé mở và tôi nghe giọng nói đầy vẻ già dặn của Julie:
- Ôi! Hơi đâu mà khóc cho mệt, Adam. Chỉ có bọn con nít mới tin là có ông già Noel thôi.
.........
..
Trương Mỹ-Vân, ĐK 67 (B3-C1) dịch..
..
.. ...
ĐÊM GIÁNG SINH NƠI MIỀN TUYẾT TRẮNG
Nhạc:  Thanh Trang
Tiếng hát: Tô Hà
..
.......
.
..

Wednesday, December 19, 2012

Răng chưa về thăm Huế?

.. 
..
...........
RĂNG CHƯA VỀ THĂM HUẾ?
..
Nhớ Huế răng chưa về thăm Huế
Thăm mẹ già, thăm lại bạn bè xưa
Ngôi trường xưa mái nâu hồng, phượng đỏ
Phố xa xưa có hẹn đến bao giờ?
..
Nhớ Huế răng chưa về thăm Huế
Con đường xưa ngập nắng lụa đi về
Áo tím ngày xưa bao lần bỡ ngỡ
Bạn ngày xưa hay thiếu nữ - bà già?
..
Nhớ Huế răng không về thăm Huế
Để tình xưa thương nhớ đến bao giờ
Để bạn xưa nhìn nhau thời trẻ dại
Lòng hắt hiu chút kỷ niệm dại khờ?
..
Nhớ Huế rứa sẽ về thăm Huế chứ?
Cho Đông Ba, Gia Hội bớt ngỡ ngàng
Cho Đập Đá, Thanh Long mừng hội ngộ
Và cho lòng thôi hối tiếc ngàn sau.
..
N. M. T.
...
(Trương Mỹ-Vân ĐK 67 sưu tầm).....

Monday, December 17, 2012

7-year-old-conductor

..
Xin giới thiệu cùng các bạn:
..
Edward Yudenich
..7-Year-Old-Conductor..
OVERTURE TO "THE BATS"
J. STRAUSS
....
.
.

Thursday, December 13, 2012

hoa Phong Lan

(post lại)
.......
........
HOA PHONG LAN - BIỂU TƯỢNG VẺ ĐẸP VÀ SỰ QUÝ PHÁI
...
(Bạch Lan sưu tầm)
...
Hoa lan, hay phong lan, cây hoa lan, cây bông lan, cây lan... (tên khoa học: Orchidaceae) là một họ thực vật có hoa, thuộc bộ Măng tây, lớp thực vật một lá mầm. Họ Orchideceae là một trong những họ lớn nhất của thực vật và có các thành viên mọc trên toàn thế giới, ngoại trừ châu Nam Cực; có cây hoa lan sống dưới mặt đất và chỉ nở hoa trên mặt đất cũng như có cây hoa lan sống tại vùng cao nguyên của dãy Himalaya; hoa lan có thể tìm thấy tại các vùng có khí hậu nhiệt đới như trong rừng già của Brasil đến các vùng có tuyết phủ trong mùa đông như tại bình nguyên của Manitoba, Canada; hoa lan có loại mọc trong đất (terrestrial), có loại mọc trên cây cao (epiphyte) và có loại mọc trên đá (lithophyte).

Hoa lan được người tiêu dùng ưa chuộng vì vẻ đẹp đặc sắc và các hình thức đa dạng của chúng. Cũng giống như cây lan, hoa lan hầu như có tất cả các màu trong cầu vồng và những kết hợp của các màu đó. Hoa lan nhỏ nhất chỉ bằng hạt gạo trong khi hoa lan lớn nhất có đường kính khoảng 1 m. Tuy đa số các loại hoa lan tìm thấy trên thị trường thường không có hương thơm, có rất nhiều loại hoa lan có mùi. Vanilla là một loại hoa lan mà hương thơm được dùng trong các loại ẩm thực của thế giới và có nguồn gốc từ Mexico; trong khi đó có các loại hoa lan tỏa ra mùi như thịt bị hỏng để hấp dẫn các côn trùng.....
.....
Sự tích hoa Phong Lan
...
Ở một miền xa xôi, khí hậu ấm áp và đất đai trù phú có một bộ lạc tên là Aruaki may mắn hơn các bộ lạc khác vì họ sai khiến được loài chim Oócchít chuyên đẻ những quả trứng bằng vàng. Khi một con chim đẻ trứng vào tổ trong hốc cây thì thủ lĩnh Nato dùng tay chuyển quả trứng đó sang một cái cây khác, và sự kiện đó được coi như một ngày hội lớn.

Các cô gái của thủ lĩnh thay nhau phục trên các cành cây, bảo vệ tổ chim khỏi bị chim ưng phá hoại. Tuy vậy, trong từng góc buôn làng, các trai tráng tay cầm những mũi tên tẩm thuốc độc đứng canh giữ không cho các chiến binh của bộ lạc khác đến đánh chiếm kho báu của bộ lạc mình.

Từ ngày quả trứng vàng kia, những tay thợ lành nghề đã chế tạo ra các vòng tay, hoa tai và đủ các loại trang sức. Số trứng vàng dự trữ mỗi ngày một nhiều đồ dùng khác. Đàn ông của bộ lạc chuyên nghề săn bắn, còn đám đàn bà, con gái ở nhà dệt những tấm khăn voan, đan giỏ và hái nhặt thảo quả.

Một hôm cánh đàn ông đi săn trở về với một tâm trạng đầy lo lắng. Họ đã chạm trán cánh thợ săn của một bộ lạc xa lạ. Cánh thợ lạ này đã kể cho họ nghe về những chiến thuyền khổng lồ đã cập bờ biển, và về những con người tóc cắt ngắn, mặt mũi trắng trẻo nom rất lạ lùng, đã đặt chân lên đất liền. Những kẻ da trắng này rất hám vàng, đã dùng một loại súng có tai khạc ra những mũi tên có lửa khủng khiếp, cướp giật vòng chân, vòng tay của chị em, tra khảo dân bản xứ nơi có vàng. Nếu những người Aruaki hiểu rằng, con người cũng có thể biến thành những kẻ tàn ác, thấp hèn, thì chắc chắn không bao giờ họ lại cho phép kẻ lạ mặt kia vào làng bản của họ. Nhưng họ không hiểu được điều đó. Họ vẫn cứ khiêng những người thợ săn lạ mặt bị gấu đánh bị thương vào làng. Vị thủ lĩnh còn ra lệnh cho đám phụ nữ đi tìm những người bị thương, còn cánh đàn ông lại lên đường đi săn.

Một kẻ lạ mặt có tên là Khơramooi Métvét. Anh ta rất mê những đồ trang sức của phụ nữ và cứ gặng hỏi họ kiếm ở đâu thứ đá vàng làm ra được các loại vòng và hoa tai này. Nhưng chị em chỉ trả lời bằng một nụ cười. Dần dà, Métvét kết thân được với cô gái cả con của thủ lĩnh tên là Dincadơvin, và hứa hẹn sẽ cưới nàng làm vợ rồi ở lại với bộ lạc. Dincadơvin nói rằng nàng phải chờ đợi cha trở về để xin ý kiến.

Métvét bắt đầu làm công việc dò hỏi Dincadơvin về việc tại sao chị em nàng cứ thỉnh thoảng lại biến vào rừng sâu và ở đó làm gì. Còn Dincadơvin đã tự cho mình là vợ chưa cưới của Métvét rồi, bởi vậy nàng đã phạm sai lầm còn lớn hơn cả sai lầm của cha nàng cho phép đưa kẻ lạ mặt bị thương vào buôn làng.

Dincadơvin không hề ngờ rằng, người tình của nàng đã bán linh hồn cho bọn da trắng để lấy một thùng rượu, và còn hứa với họ sẽ tiết lộ bí mật của bộ lạc Aruaki? Và thế là sau khi biết chắc chị em nàng thường thay nhau phục trên cây, bảo vệ bầy chim đẻ trứng vàng, Métvét liền chuốc rượu cho những người canh gác say mèm, rồi thông báo điều bí mật cho bọn da trắng biết.

Métvét không hay rằng trên đỉnh một ngọn cây cao nhất còn có chàng Ôta Te đang phóng tầm mắt quan sát khắp vùng gần xa. Anh đã phát hiện ra có những người da trắng đang đến gần nơi con chim đẻ trứng vàng mà người dẫn đầu là Métvét. Sau khi loan báo cho buôn làng hay về mối nguy hiểm đang đe doạ và về sự phản trắc của Métvét, anh liền đóng chuông báo động.

Dincadơvin đau đớn thốt lên :


-
 Ôi, cớ sao ta lại tiết lộ cho chàng bí mật của loài chim? Thảo nào mà chàng cứ căn vặn ta! - Rồi nàng quay lại hỏi ông thầy cúng - Hãy chỉ cho ta biết ta phải làm gì và làm thế nào để cứu loại chim đẻ trứng vàng?

- Cô cô cô! - Tiếng thầy cúng thốt lên, có nghĩa là "Cứ sẵn sàng đi!"

Hết thảy đàn bà và con gái chạy đến, cùng đáp to: "Khô!"

Điều đó có nghĩa là: "Chúng tôi đã sẵn sàng!"

- Hỡi các cô gái! Hãy nhanh chóng trèo lên ngồi vào các cành cây! Khi đó bọn da trắng sẽ không biết được chim làm tổ trên cây nào. Còn nếu chúng tìm thấy tổ chim thì Taxan-útke sẽ chạy đi tìm những người thợ săn, gọi họ về đuổi bọn da trắng đi.

Taxan-útke, tên thường gọi của con Ngựa chiến, phi như bay về phía những người đàn ông của bộ lạc đang mải săn bắn, còn hàng trăm cô gái khác thì vội vàng lao lên cây, tay ôm chặt lấy các cành cây.

Métvét dẫn đoàn người da trắng vào rừng, nhưng hắn lúng túng không biết nên chỉ vào cây nào. Bọn da trắng nổi giận, bắn những mũi tên có lửa vào các cô gái, nhưng các cô, kể cả các cô đã chết, vẫn ôm chặt các cành cây.

Khi cánh đàn ông chạy về tới buôn làng, đuổi được bọn da trắng đi thì đã quá muộn - những người con ưu tú - những cô gái đẹp của họ đã chết. Ông thầy cúng trỏ tay lên trời, gọi tên họ và nói:

- Các con đã xả thân bảo vệ kho báu của bộ lạc ta, các con xứng đáng được ban thưởng. Tâm hồn các con sẽ biến thành những bông hoa ngát hương, chúng sẽ không ngừng sinh sôi trên các cành cây kia và sẽ kể lại cho các thế hệ mai sau về chiến công bảo vệ loài chim mỏ vàng của các con.

Những bông hoa tuyệt vời và đủ loại tựa như các cô gái của bộ lạc Aruaki đang đua nở trên các cành cây.

Người đời nay gọi đó là hoa Oóckhiđêa - hay là hoa Phong Lan. 
......
............
Bạch Lan (ĐK67, B4, C1) sưu tầm.....