....MƯA BÂY CHỪ
...
..
...
HUẾ
"CHAY", HUẾ "LAI" và HUẾ ... "CHƯỚNG"
..
Nhiều nhà thơ, học giả viết rất nhiều về
Huế đẹp và thơ, Huế này Huế nọ, nhưng ít ai viết về "người" Huế cả,
làm như đó là một điều tối kỵ, ai cũng né tránh; chuyện như thể nói đụng đến
người Do Thái là họ hùng hổ bênh vực nòi giống quý của nhân loại. Hôm
nay tôi xin mạo muội viết về "người" Huế và cái "chướng"
của các ngài, và cũng xin chia ra ba loại "Huế chay", "Huế
lai", và "Huế chướng" cho dễ nói chuyện bởi vì Huế cũng "ba
bảy đường Huế".
..
Phong cảnh Huế rất đẹp, sông Hương, núi Ngự, đền đài
lăng tẩm, nhưng người Huế thì lai, chay, và chướng. Điều này không có nghĩa Huế
lai thì không đẹp, Huế chay thì không tốt, và Huế chướng thì đáng ghét. Tại
sao gọi Huế chay? Chay có nghĩa là chay tịnh, như nghĩa "Tôi
nay chay tịnh" không còn biết "đờn bà" nữa! Hay chay
có nghĩa là dưa, muối, rau và nước lã? Thế thì Huế chay là Huế ăn
toàn rau, dưa, muối, và uống nước lã.
..
Thật đúng vậy, người Huế chay,100% Huế, là người chỉ
dùng những thức ăn mộc mạc, không ăn kiểu cọ, xa xỉ; và họ chỉ nói những lời
thành thật, phát xuất từ một tâm hồn rất lương thiện, không thích bon
chen. Ngôn từ của người Huế chay rất Huế, nặng chất Huế và đầy địa
phương tính. "Hai thương ăn nói dịu dàng mà lại có duyên"
là vậy đó. Người Huế chay trang phục cũng rất giản dị, không theo
thời trang lắm, chỉ biết "ăn chắc mặc bền" như kiểu "dầu lai dưa muối cũng dài
lâu". Thú vui của người Huế chay thì rất ư là thanh nhã: túi
thơ trăng gió, tự hào về một thời quá khứ hoàng kim, an phận với những gì họ có
và không cầu tiến; kiểu như "đói ăn rau, đau uống thuốc". Nói
về đi đứng thì người Huế chay không chịu rời quê cha đất tổ (trừ khi Cộng sản
vào chiếm cố đô Huế!). Huế chay cứ quanh quẩn với vườn cau, với
tiếng gà gáy trưa, với tiếng kinh kệ, (Huế chay nổi tiếng mộ đạo
lắm), với bóng tối triền miên. Chàng Huế chay rất gắn bó với
"vua", với "miếu", với "thành". Muôn
đời vẫn thế - "Em ra đi nơi này vẫn thế." Cố đô có loang
lỗ rêu phong vẫn để mặc; Huế chay rất ung dung tự tại. Nếu
chàng Huế chay có "dzợ" thì cũng "dzợ" hiền, và càng ở lâu
với "bả", chàng Huế chay sẽ biến thành Huế
"chướng".
..
Tại sao vậy, xin mời bạn đọc tiếp. Hấp dẫn
lắm vì "chướng" không chưa đủ, còn "ngẳng" nữa. Đó,
bạn đã bắt đầu thấy hấp dẫn chưa?
..
Thế còn chàng Huế "lai" thì sao? Trước
hết phải nói chàng Huế "lai" là lai ở chỗ lấy
dzợ không phải người Huế, đem thân "trâu ngựa" cho dzợ khác miền "xài"; mặc
sức ăn rau muống, giá sống cho đến chết. Còn nếu muốn sống thường
phải lén đi ăn bún bò Huế Đông Ba thì họa may mới ngắc ngoải...
..
Huế "lai" là người đành đoạn bỏ Huế mà
đi. Đi đâu không biết nhưng thường hễ đi là đi luôn, "thẳng cò
o ngón", dzông luôn một mạch, bỏ xứ mà đi, "tha phương cầu
thực". Đó là Huế lai. Huế lai lấy dzợ về già ít khi
"chướng", hay nói cho rõ là không dám "chướng" vì làm
răng mà chướng cho được nếu không muốn "ăn đòn" dài dài, bởi vì chỉ
có lấy dzợ người Huế thì còn được chiều chuộng chứ đã "lai" rồi thì
còn khuya! Lơ tơ mơ là đói, là "bỏ mạng sa trường", nhất
là về già mà không có "cơm bưng nước rót" là "tiêu"
sớm! Đó, bạn thấy "lai" tai hại chưa? Vậy
nên Huế lai thường biết thân phận lưu đày, lo tu tâm sửa tánh.
..
Huế lai thường hay thích sửa tiếng, sửa giọng vì không
muốn ai biết gốc gác mình và cũng muốn che đậy thổ âm "quê mùa" của
Huế. Huế lai thường ăn nói nhỏ nhẹ, năn nỉ, ngoại giao chứ không ăn
nói "thẳng như ruột ngựa", "chắc như củ khoai sắn" như Huế
chay. Huế lai ăn uống cũng không dám đòi hỏi, không có
"chướng", chê bai này nọ. Riết rồi có khi theo phe dzợ,
cho món Huế là quá "cay", quá "mặn", quá "tỉ mỉ"
mà quên luôn món Huế.
..
Nói về "mười thương em giữ cương thường" thì
Huế chay là số dzách. Huế chay rất nề nếp gia phong, trên dưới phân
cấp rõ ràng, ăn nói xưng hô theo đúng "tam cương ngũ thường". Trái
lại, chàng Huế "lai" ít khi để ý đến các điểm này, hoặc có để ý cũng
là đại khái với ý là muốn gột bỏ cái "chất Huế mặn mà" đi. Nhưng
có một điều chắc chắn là chàng Huế chay không dám tự hào rằng mình
"khá" hơn chàng Huế lai vì sự thật đa số Huế lai đều "khá"
cả. "Khá" ở đây hiểu theo nghĩa thành công; thí
dụ rất nhiều ký giả, luật sư, kỹ sư, bác sĩ, nhà văn, nhà báo, bác học ... hỏi
ra đều là Huế lai cả đó ạ! Chỉ cần tiêm đúng vào nọc độc "Huế
của ta đây, phe mình đây" là "cong đuôi con nòng nọc" ra mà
cãi. Thế nhưng Huế lai mà gặp Huế chay thì đố bạn sẽ như thế
nào? Huế chay sẽ chỉ huy Huế lai, sẽ "lợi dụng" Huế lai,
còn Huế lai thì chỉ biết vâng lời thôi.
..
Đặc biệt Huế chay hay chia rẽ,
mỗi người là một ông vua con; còn Huế lai thì muốn "đoàn kết", làm ra
vẻ "hướng về quê mẹ", thích đoàn kết lắm. Bệnh này dễ trị
hơn bệnh của Huế chay - chia rẽ và đố kỵ. Thuốc chữa là các món ăn
hương vị Huế, xắt ra, tán nhỏ, sắc khô, uống trong ba ngày ba đêm, sáng ngày
thứ ba đi dự ngày nhớ Huế thật sớm là lành bệnh ngay.
..
Còn Huế "chướng" thì sao? Huế
"chướng" là Huế "chay" hóa lão. Huế chướng không
bao giờ bằng lòng với cái mình đang có, luôn luôn so sánh hiện tại với quá khứ
vàng son, khuôn vàng thước ngọc thuở xa xưa mà chướng. Chẳng hạn
"đoài" nghe "ca Huế" ở xứ Mỹ này nhưng nghe xong thì chê là
anh Huế chướng. Chẳng hạn "đoài" ăn trái vả, ăn khế với
bắp chuối non, các thứ đó phải có trong cơm hến, nếu không có thì chê là anh
Huế chướng. Chẳng hạn muốn cưới con gái Huế mà không thuận lòng từ
người trên xuống kẻ dưới mà cứ nhè từ dưới đi lên nên bị ông già vợ Huế chướng
từ khước ngay, bởi vì thời nay con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy chứ ở đó mà chướng!
..
Huế "chướng" càng về già càng ít lãng mạn như
hồi trẻ, không chịu nắm tay nắm chân, tệ hơn nữa là hễ đụng nhau, cọ nhau một
chút thì nhăn nhó, la làng lên, là anh Huế "chướng". Anh
Huế chướng mà vợ bỏ thì càng chướng thêm và sẽ không bao giờ lấy vợ thứ hai
được vì đã chướng lại còn độc tài nữa. Không có thuốc chữa trị cho
bệnh chướng này. Vô phương! Tôi xin thách đố bạn nào mách
nước cho tôi cách trị chứng bệnh nan y thời đại này.
..
Khi Huế "chướng" tỏ vẻ trẻ trung thì hóa ra
"ngẳng". Nói đến Huế "ngẳng" thì phải nói đến cụ
Cẩn. Cụ đã chướng, nhai trầu bỏm bẻm mà lại hay ra bờ sông để
"tè". Cụ Cẩn là một sự phối hợp tuyệt diệu của Huế
"ngẳng".
..
Trong các loại người Huế, có một loại tôi không biết nên
liệt vào nhóm nào. Đó là những người "Huế mà không phải
Huế". Họ là những người Huế sống ở Nha Trang, Đà Lạt, nói tiếng
Huế chay nhưng không biết Huế là chi, Huế đẹp chỗ mô, hoàn toàn không biết chi
về Huế cả. Nghe mà phát giận không! Tôi không biết nên
xếp họ vào loại Huế nào. Gọi họ là Huế "lai" cũng không
đúng vì toàn thể gia đình vợ con đều gốc Huế, nói tiếng Huế rặc, chỉ tội
là không ở Huế ngày nào cả, không biết sông Hương, núi Ngự, Dạ Lê, Thanh Thủy,
nói chi đến Nguyệt Biều, không biết một cái chi hết về Huế! Mấy
người "Huế huế" này bạn có thể gặp dễ dàng ở hành lang hay ngoài hậu
trường trong ngày Nhớ Huế bởi vì "mần răng" mà biết nghe nhạc Huế, ca
Huế, thơ Huế, kịch Huế v.v... được. Có ở Huế mô mà biết hay, biết
đẹp! Thôi, "tản lờ" là quốc sách! Tôi tạm gọi
họ là "Huế huế"; chữ "huế" tĩnh từ đây có
nghĩa rất dễ hiểu là "chút chút, sơ sơ, phiếm diện, bề ngoài" vì chỉ
nói được tiếng Huế chứ không phải Huế (diễn tiếng miền Nam là "coi dzậy
chứ hổng phải dzậy"). Bạn đừng để tôi gặp ngoài hành lang kêu
"Huế huế" nhé! Tôi biết bạn không mất gốc Huế, mà có khi
gốc Huế của bạn còn bự hơn của tôi nữa.
..
Nhưng đối với những người Huế sau đây, tôi chắc bạn đồng
ý với tôi rằng nên gọi họ là người "Huế gốc khác". Tại vì
sao? Tôi đố bạn đấy. Này nhé, họ cũng ở Huế lâu năm nhé,
cũng nói tiếng Huế trọ trẹ nhé, cũng biết Huế đẹp Huế thơ nhé, nhưng
lại gốc... Tàu. Huế rặc mà lại gốc Tàu mới nguy, thì phải gọi họ là
"Huế gốc... khác" mới đúng chứ còn gì nữa, phải không bạn? Mấy
người này chắc chắn không phải là "Huế gốc...vả". Thì có
ai xa lạ đâu: gia đình chú Xồi chuyên làm "Mè Xửng Huế" ở
đường Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu là những người anh em "Huế gốc...
khác". Mà không chừng chữ "xửng" của mè xửng cũng do
chú Xồi, người "Huế mà anh em khác gốc" chế ra cũng có.
..
Hóa ra, Huế "chay", Huế "lai", Huế
"chướng", Huế "ngẳng" chưa đủ, lại còn Huế "gốc
khác" và Huế "huế" nữa, các bạn thấy vui không?
..
Như vậy, sau khi phân tích người Huế "nát nước"
ra, chắc có nhiều vị tự động xếp mình vào cột nào rồi để hiểu mình hơn nữa, lo
tu thân tích đức, sửa đối tánh nết cho hợp tình hình. Thế là chúng
ta có được một tập thể mạnh, thích chỉ trích nhau nhưng thương yêu nhau, thích
kèn cựa nhau nhưng hãnh diện về nhau. May thay, một tập thể như vậy
luôn được bồi đắp và nhắc nhở bằng những giá trị văn hóa của Huế, qua những nét
đẹp và truyền thống dễ thương của Huế. Và cuối cùng, cũng chính
trong tập thể yêu quý đó, chúng ta vẫn tìm ra được những điều buồn cười, ngộ
nghĩnh, đôi khi "kỳ cục" của những con người Huế, mà tiêu biểu là Huế
"chay", Huế "lai", và Huế "chướng".
..
Bạn thuộc loại Huế nào, "chay",
"chướng", "ngẳng", hay "lai"? Bạn đừng
lo. Tôi vẫn cứ chơi với bạn. Tin tôi đi!
..
Ta hẹn gặp nhau ở ngày NHỚ HUẾ!
..
LPL.
Van Nuys, đầu mùa Hạ 1992
..
Trương Mỹ Vân - ĐK67
(B3-C1) sưu tầm từ "Tuyển Tập - Ngày Nhớ Huế"..