Thursday, May 30, 2013

Có phải trời mưa

thơ Thu-Lê (ĐK67)
.

......
CÓ PHẢI TRỜI MƯA
.
Có phải trời mưa mà xuân không lại
Hay vì giông bão ở tận cõi lòng
Trời mây sầu vần vũ thật bi ai
Em thầm đếm từng giọt buồn rả rích
..
Có phải lòng buồn nên đông chưa dứt
Chờ đợi nhau lòng giá lạnh đơn côi
Gọi tên nhau cho đêm sầu ngắn lại
Cho mây trời thôi che mất bóng trăng
..
Có phải em khóc nên hoa không nở
Mặc xuân về rộn rả tiếng cười vang
Âm thầm kéo nhẹ rèm che cửa sổ
Để không gian đỡ trống vắng thênh thang
..
Có phải anh buồn mà chim thôi hót
Nắng không trong và cây lá đứng im
Bài ca buồn tiếng lòng ai nức nở
Cho hồn ai thơ thẩn mãi kiếm tìm
..
Có phải gió yên cho mây ngừng trôi
Mặc tơ trời che kín hồn thương đau
Xa xôi quá với tay hoài không tới
Một mình ôm trọn mảnh tình cho nhau
.
Thu-Lê

Wednesday, May 29, 2013

có con cá nhỏ sau vườn

NGÀY XƯA CÓ CON CÁ NHỎ SAU VƯỜN
.....
TÁC GIẢ: THAINC.
....
Mỗi khi nói đến Huế, tôi lại nghĩ ngay đến chữ lụt.
Ngày còn trẻ thơ, tôi nào biết rằng lụt là thiên tai, là mất mát thương đau!  Lụt lội với tôi là những ngày vui được nghỉ học, được nghịch ngợm chơi đùa với nước.  Có một năm lụt, tôi lội nước chơi sau vườn và thấy có một chú cá con, chắc từ sông Hương nước tràn lên trôi lạc vào nhà tôi, mắc kẹt trong một vũng nước.  Tôi thích quá thò tay xuống tính bắt nó; nhưng mà chú cá lanh lắm.  Tay tôi mới đụng tới mặt nước bên trái là chú bơi qua bên phải.  Tôi qua bên phải thì chú quảy đuôi vọt về bên trái.  Bao giờ nó cũng nhanh hơn tôi một chút.  Cứ như vậy gần nửa tiếng đồng hồ, không bên nào chịu thua bên nào.  Tôi mê con cá này quá, nhứt định phải mang nó vô nhà nuôi, nên chạy kiếm một cái tô thiệt to tính rằng phen này sẽ hốt chú lên dễ dàng. 
Tính là như vậy, nhưng khi ra tới nơi thì… chú đã đi mất rồi.  Ý chừng chú biết tôi có vũ khí lợi hại nên bơi đi chỗ khác.  Tôi buồn lắm.  Mấy ngày sau đó cứ ra chỗ vũng nước cũ chờ chú cá con trở về, hay là có chú cá khác đi lạc vô đây cũng được.  Tôi đứng đó thề với cái vũng nuớc với hy vọng là chú cá nếu còn quanh quẩn đâu đây sẽ biết tôi không muốn bắt chú nữa, chỉ muốn chơi cút bắt với chú như hôm nọ mà thôi.  Nhưng chú cá con không hề trở lại.  Tôi còn quá nhỏ để hiểu rằng khi cá đã ra sông rộng thì còn quay lại ao cạn mà làm chi!
......
Sông Hương ư?  Nói tới Huế mà không nói tới sông Huơng thì khác chi nói đến Paris trong một đêm bị cúp điện, hay bóng đá thế giới mà thiếu Ba Tây?  Tuy vậy, sông Hương đẹp ở đâu, mơ mộng chỗ nào tôi vẫn còn mù mờ lắm.  Với cái kiến thức nhỏ nhoi của tôi, sông Huơng chỉ là một đọan ngắn chảy ngang qua ngôi trường làng.  Những buổi chiều tan học tụi tôi đứng sẵn trên bờ chờ những tàu tuần duyên chạy trên sông.  Khi tàu chạy ngang trường, những người lính Mỹ trên đó ném xuống sông những trái táo hay cam Mỹ.  Tụi tôi bèn ùa xuống sông bơi ra dành giựt nhau.  Tôi nhỏ và bơi dỡ ẹt nên chẳng bao giờ dành được trái cam nào cả.  Có một thằng bự con và bơi khỏe nhất, khi nào cũng giành được vài quả, nhưng nó không bao giờ ăn.  Sau này tôi mới biết nhà nó nghèo lắm.  Những trái cây nó bơi giành được, đem về cho mạ nó đem ra chợ bán phụ thêm vào chi tiêu gia đình.
 .....
Huế cũng là cái nôi tranh đấu của Phật Giáo.  Có một dạo bỗng nhiên nhà nhà đồng lượt khiêng bàn thờ ra đường …tranh đấu, rồi bãi khóa, rồi đình công, bãi thị vv… Không biết người lớn tranh đấu thế nào, chứ lũ con nít tụi tôi thì thích lắm.  Dễ hiểu thôi, vì bàn thờ thì phải có chuối, cam, quit cúng Phật chứ.  Tụi tôi chỉ chờ chạng vạng tối bèn nhào ra, vái Phật một cái xin phép, xong rồi khiêng hết trái cây trên bàn thờ chạy lại một chỗ kín đáo nào đó hưởng lộc đã đời.   Nhưng mà chưa có mục nào vui bằng mục này.  Không hiểu bắt nguồn từ đâu và vì chuyện gì mà mỗi nhà đều có một thùng thiết và thanh củi để sẵn trước nhà.  Giữa đêm đang ngủ mà nghe tiếng thùng thiết vang lừng từ đầu xóm, tức là có “báo động”, “có chuyện”.  Chuyện chi?  Không cần biết.  Tôi luôn luôn là người đầu tiên trong nhà dành cái thùng để đập một cách hăng say nhất.  Thông thuờng thì sáng hôm sau người ta sẽ hỏi lẫn nhau “Hồi hôm báo động chuyện chi ?”  Ai mà biết !
...
Huế trong tôi cũng có những người thật đáng nhớ.
....
 Người đầu tiên tôi nhớ là Thằng Vui Điên.  Tôi gọi là “thằng” theo như mọi người gọi nó, chứ thật ra nó lớn hơn tôi nhiều.  Nó khoảng chừng 15, 16 tuổi.  Tôi nhớ là thằng Vui Điên không kể trời mưa hay nắng, bao giờ cũng chỉ cái quần đùi màu đen, ở trần trùng trục với tấm thân rắn chắc và đen đúa.  Điểm đặc biệt của Vui Điên là nó chạy nhanh lắm.  Nó thường đợi có chiếc xe hơi, hay xe gắn máy nào chạy qua là nó hùng hục chạy đua, và hình như bao giờ nó cũng thắng.  Thằng Vui Điên có một lối kiếm ăn vô cùng độc đáo.  Mỗi ngày nó ra đường kiếm một hàng bánh nào đó đợi bà hàng lơ đãng một chút là nó chụp cái bánh chạy.  Nó đâu cần chạy đâu xa, chỉ vài bước là nó dừng lại trả cái bánh.  Đố bà nào mà dám lầy lại, vì cái bánh đó đã bị nó…nhổ cho một bãi nước miếng rồi.  Lấy lại bán cho ai?  Một lần tôi theo chị tôi ra chợ.  Trong lúc chờ chị mua đồ, tôi đứng tần ngần nhìn hàng bánh bò, thèm thuồng muốn ăn mà không có tiền mua.  Lúc đó thằng Vui Điên từ đâu rà tới ra dấu có ý hỏi tôi muốn ăn bánh phải không -(Trời ơi, ai nói nó điên?)-  Tôi gật đầu.  Nó chạy lại hàng bánh, bất ngờ chụp một miếng, xong chạy lại cho tôi.  Chưa kịp cắn miếng nào thì chị tôi về tới thấy tôi lấy miếng bánh của thằng Vui Điên, sợ quá giựt miếng bánh quăng xuống đất.  Chị tôi sợ tôi không biết, ăn cái bánh có dính nước miếng của thằng Vui Đìên sẽ bị lây bệnh điên.  Chị trừng mắt mắng nó “Vui Điên, mi không được chọc em tau.”  Thằng Vui Điên không biết sợ trời sợ đất nào cả, mà chỉ sợ…con gái.  Chị tôi so ra còn nhỏ hơn nó vậy mà chỉ trừng mắt một cái nó tiu nghỉu bỏ đi một mách.  Tội nghiệp.  Tôi thấy rõ ràng nó giựt miếng bánh xong là chạy một mạch tới cho tôi.  Có nhổ chút nước miếng nào đâu?  Tôi vừa tiếc cái bánh vừa tội nghiệp Vui Điên.  Tôi thấy nó bỏ đi nhưng còn quay đầu lại nhìn tôi như muốn hỏi nó cho tôi cái bánh, và muốn chơi với tôi, tại sao lại đuổi nó đi? Tôi thương thằng Vui Điên quá mà không biết phải nói sao!
..
Mụ Trung bán đậu hủ nước đuờng chắc cũng chưa già lắm đâu, chỉ vì cuộc đời tần tảo bán buôn làm nét mặt mụ trở nên cằn cổi và mái tóc sớm điểm sương.  Mỗi trưa chúng tôi hay ngồi chờ tà áo dài tím thướt tha của mụ xuất hiện ở đầu xóm với tiếng rao “Aaiìi ...đậu hủ....”.  Cho đến khi xa lìa Huế, tôi mới biết đó là cái độc đáo chỉ có quê tôi mới có những mụ hàng chè, o trứng vịt lộn, già hay trẻ đều đi bán hàng với chiếc áo dài.  Gánh đậu hủ mụ Trung một đầu là cái tỉn chứa đậu hủ, còn đầu kia là rổ đựng đầy chén, muỗng, đường, nước rửa chén, vv… Mụ có một cái bệnh gọi là bệnh LIỆU.  Bệnh này kỳ lắm, cứ hể thấy ai làm cái gì môt hồi là cũng sẽ bắt chước làm theo, không cưỡng lại được.  Hồi đó tôi còn nhỏ nào biết gì, theo mấy đứa bạn tinh nghịch.  Sau khi ăn đậu hủ xong tụi tôi đứng lên vừa nhảy vừa la “nhảy! nhảy!!!” thế là mụ Trung cũng nhảy và la theo “nhảy!nhảy!!!”.  Tội nghiệp mụ.  Tụi tôi con nít nhảy mấy cũng không sao, nhưng mụ Trung thì mới nhảy chút xíu đã mệt thở phì phò phải ngồi phệt xuống đất, vậy mà cũng cứ nhấp nhỏm muốn đứng dậy tiếp tục nhảy theo tụi tôi.  Một lần có anh ba gai muốn chọc mụ Trung thiệt rắn mắt.  Anh ăn đậu hủ xong bỗng đứng dậy làm bộ như đang lấy tiền trong túi quăng ra và nói “Quăng tiền Quăng tiền”. Mụ Trung cũng đứng dậy la “quăng tiền quăng tiền!!!”, và giữa lúc mụ sắp sửa lấy tiền quăng thiệt thì không hiểu sao … bỗng tỉnh lại.  Mụ lấy cái đòn gánh phang cho anh ba gai đó một cái nên thân vô lưng, vừa rượt anh ta chạy vừa chửi “Quăng tiền cái mả cha mi chứ quăng tiền.”  Cho nên, Mụ Trung tuy bệnh như vậy, nhưng đừng hòng ai làm hại được mụ.
....
Còn gì nữa? Còn nhiều lắm. Nhưng điều cuối cùng tôi nhớ về Huế là một buổi sáng mưa bay bay, có một thằng bé ôm khư khư trưóc ngực một cái mền, trong đó cuộn vài bộ quần áo tại một nơi đưọc gọi là phi trường Phú Bài.  Nó tần ngần nhìn qua cửa kiếng thấy chiếc máy bay đậu ngoài kia dưới con mưa phùn mà lòng sợ sệt không yên.  Chiếc máy bay đó chút nữa thôi sẽ mang nó bay lên bầu trời cao về một miền xa thật xa, và ở nơi thật xa đó sẽ không có Vui Điên, hay mụ Trung nữa.  Và chắc cũng sẽ hết những ngày lội nước lụt, chơi cút bắt với con cá nhỏ sau vườn.
...
Nó chỉ không ngờ rằng chuyến bay đầu đời đó sẽ kéo dài đến.... ba mươi năm.
..
THAINC...
...
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Thursday, May 23, 2013

Thấp Thoáng Lời Kinh



...
TÙY HỶ
..
TÁC GIẢ: B S ĐỖ HỒNG NGỌC
..

Lúc bấy giờ Di Lặc Bồ tát bèn bạch Phật: « Thế Tôn ! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào nghe kinh Pháp Hoa này mà tùy hỷ thì đặng bao nhiêu phước đức ? »
..
Ối trời, các phẩm trước của Pháp Hoa đều chỉ nói đến chuyện « thọ trì đọc tụng biên chép giảng nói » kinh… mới có được phước đức, bây giờ Bồ tát Di Lặc hỏi kỳ cục: chỉ tùy hỷ không thôi thì sẽ đặng bao nhiêu phước đức ?
..
Bồ tát Di Lặc quả là vị Phật của tương lai, biết trước loài người sau này ngày càng ham danh ham phước mà lại làm biếng, chỉ muốn người ta làm sẵn rồi… « ăn theo »! Có lẽ vì thế mà Di Lặc Bồ tát thuở xưa có tên là Cầu Danh, làm biếng có tiếng, đến nỗi bị Bồ tát Văn Thù chê trách: « tham ưa danh lợi, dầu cũng đọc tụng các kinh mà chẳng thuộc rành, phần nhiều quên mất »!
..
Nhưng thật bất ngờ, Phật hỏi lại: Giả sử có một đại thí chủ bố thí cho khắp chúng sanh mọi thứ tiền tài của cải trong tám mươi năm, rồi bố thí pháp giúp chúng sanh đó đắc A-la-hán, thiền định, tự tại « đủ tám món giải thoát » thì công đức đó có nhiều không ?
..
Di Lặc đáp : Rất nhiều. Rất nhiều. Vô lượng vô biên công đức ! Nào tài thí, nào pháp thí… cho chúng sanh đạt quả A-la-hán, Vô sanh, Niết bàn, còn gì hơn !
..
Phật nói : Không ăn thua chi đâu ! Chỉ cần một người nghe kinh Pháp Hoa mà tùy hỷ rồi đem kể lại cho người khác, rồi người đó lại tiếp tục tùy hỷ kể cho người khác nữa… cứ thế cho đến người thứ năm mươi thì « công đức tùy hỷ của thiện nam tử, thiện nữ nhơn thứ năm mươi đó… gấp trăm nghìn lần, gấp trăm nghìn muôn ức lần… đại thí chủ kia, không thể tính đếm được !
..
Người thứ năm mươi đó mà còn phước lớn như vậy huống là người được nghe kinh Pháp Hoa trong buổi hôm nay mà có lòng tùy hỷ thì « phước đó lại hơn vô lượng vô biên a tăng kỳ không có thể so sánh đặng » ! Phật còn dặn Di Lặc: « Nghe cho kỹ nha ! » Nghiã là không phải chuyện chơi !
..
Rồi Phật còn cho thí dụ cụ thể hơn : Chỉ cần trong chốc lát nghe nhận, cũng đủ… ở thiên cung, chỉ cần né qua một bên cho người khác ngồi ké để cùng nghe đủ để làm Phạm Vương, Đế Thích… ! Cho đến một người chỉ cần truyền miệng, rỉ tai nói với người khác rằng : « Có giảng kinh Pháp Hoa kìa, nên cùng nhau tới nghe đi! » Vậy thôi là đã công đức lớn đến nỗi thân thể đâm ra tuyệt mỹ, trí tuệ sáng lán…
..
Tin được không ? Chỉ một chút « tùy hỷ » mà được phước đức lớn như vậy sao? Nhưng rồi Phật kết luận : Một chút tùy hỷ mà đã vậy huống là một lòng nghe, đọc , tụng, giảng nói, « đúng như lời dạy mà tu hành » thì phước đức biết chừng nào ! Nhớ nhé. « Đúng như lời dạy mà tu hành ». Thì ra cái « bí quyết » nằm ở đó. Chứ nghe loáng thoáng tưởng bở thì nguy tai. Đọc tụng suông ngàn lần cũng vô ích. Một là phải đúng như lời dạy vì Phật thừa biết nạn « tam sao thất bổn », thậm chí xuyên tạc, truyền đi một lát đã hoàn toàn sai lạc huống chi truyền tới người thứ năm mươi ! Và hai là phải tu hành, nghĩa là không phải chỉ nghe suông, đọc suông, tụng suông, giảng nói suông mà còn phải tu và phải hành nữa ! Chính cái đó mới đem lại phước đức.
..
Phẩm tùy hỷ công đức này lạ. Mục đích vẫn là khuyến khích động viên cho các vị có cơ hội ngồi nghe Phật nói kinh Pháp Hoa buổi hôm nay có thể trở thành một vị « pháp sư » chân chánh, ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai để truyền đạt tinh chất Pháp Hoa cho muôn đời sau – một khi Phật đã diệt độ – từ thế hệ này đến thế hệ khác, ít nhất 50 thế hệ, tính ra cũng phải nghìn năm ! Cái bí kíp đó, cái bí mật đó, cái kho tàng Như Lai đó, cái Như Lai tạng đó… đã bày ra, chỉ ra cho mọi người thấy, nhưng liệu có bao nhiều người sẽ chịu thấy chịu biết ? Bao nhiêu người sẽ « nghe nhận », nghĩa là sẽ tin theo để phụng trì đọc tụng biên chép giảng nói chính xác, « đúng như lời dạy ». Chính xác ở đây không phải từng chữ từng câu, mà là ở cái cốt lõi, cái tinh túy. Bỏ một chữ cũng trật mà bám theo từng chữ cũng trật ! Bao nhiêu người đã không tin mà bỏ đi ? Bao nhiêu người ngờ vực, thắc mắc đến khi hiểu ra thì rơi lệ, hớn hở vui mừng ? Các vị A-la-hán đã vô sanh, đã đặt gánh nặng xuống, phạm hạnh đã tròn đầy mà bây giờ biết mình cũng sẽ thành Phật cũng đã mừng vui hớn hở, nước mắt nước mũi ràn rụa đó sao ? Cũng bởi xưa Phật nói khó lắm, khó lắm, phải trầy vi tróc vẩy, nào Tu-đà-hườn, nào Tư-đà-hàm, nào A-na-hàm rồi A-la-hán vô cùng gian khó, mà nay bảo Niết bàn đó là giả, là « hoá thành », là trạm dừng chân, chơi cho vui thôi chớ Niết bàn thiệt thì đã ở ngay đây rồi, có sẵn nơi mọi người rồi, chỉ cần ngộ nhập « Tri kiến Phật» để mà thấy biết! Mà tri kiến Phật thì ai cũng sẵn có đó rồi. Nó chẳng đến chẳng đi. Nó vậy đó. Đời đời kiếp kiếp. Nhưng tại sao trong cái cõi Ta bà kỳ cục này có người hạnh phúc có người khổ đau. Tại sao cùng một sự việc, kẻ cười ha hả, người bứt tai bứt tóc ? Tại sao có khổ ? tại sao có sanh bệnh lão tử, oán tắng hội, ái biệt ly… Thì ra cũng tại các « món tình » của chúng sanh bày vẽ đó thôi. Nếu ai cũng nhìn ra Như Lai, thấy biết Như Lai thì đã sống cùng, sống với Như Lai đó rồi. Sẽ không còn vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh mà đã trở thành Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Thấy biết như vậy rồi chỉ còn có việc tủm tỉm cười thôi ! Cái bí mật đó bây giờ Phật mới nói ra. Cho nên nói Pháp Hoa chỉ có một mục tiêu duy nhất là « khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật », làm sao cho tất cả chúng sanh có được cái tri kiến đó vốn là bản hoài của chư Phật từ lâu xa và mãi mãi về sau.
..
Từ một sự khiếp sợ, lo lắng, u sầu bỗng thênh thang con đường giải thoát, nhìn cuộc nhân sinh ngộ nghĩnh của chính mình chẳng cũng khoái ru ? Hỷ lạc sẽ đến khi nhận ra « hành trình » của Như Lai, không sanh không diệt, không thêm không bớt, không đẹp không xấu. Như một trò chơi puzzle của đứa trẻ con, lắp ghép các mảnh rời để tạo nên khi thì con voi khi thì con sư tử, khi vịt khi gà, khi thằng hề chú cuội, chiếc xe, máy bay, tàu thủy… rồi xóa đi rồi lắp lại cũng với chừng ấy mảnh vụn, với các hình tướng không có thật- giả tướng- mà nếu nhìn xa hơn nữa, thậm chí cũng chẳng có những mảnh ghép rời rạc kia nữa, bởi chúng đã làm từ những miếng cạc-ton, miếng plastic, rồi tới phiên nó đã từ gỗ, từ cao su, từ nắng từ gió từ đất mà ra… , rồi xa hơn nữa là từ những nguyên tử, từ hạt từ sóng! Tri kiến Phật đã sẵn có trong ta, chỉ cần một chút giật mình : Ngộ. Như chớp. Huệ Năng chỉ nghe « ưng vô sở trụ » đã thấy ngay « bổn lai vô nhất vật ». Cho nên trong phẩm này, nhiều lần nhắc « trong chốc lát nghe nhận »… Phải, trong chốc lát nghe nhận.
..
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ cần tùy hỷ, chỉ cần « vui theo » là đủ?
..
Tưởng « tùy hỷ » dễ mà thực ra chẳng dễ chút nào ! Trong tứ vô lượng tâm Từ Bi Hỷ Xả thì Hỷ có vẻ… là « món » khó nhất ! Thương người (Từ), giúp người bớt khổ (Bi), xả bỏ những vướng mắc, chấp thủ, tham ái… (Xả) có lẽ còn dễ, còn có thể huân tập được, thực hành dần dần rồi cũng biết bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn… Còn Hỷ, tùy hỷ hả? Còn lâu ! Bởi ấy là lúc phải triệt tiêu lòng ganh tị, ghen ghét, đố kỵ trong chính bản thân mình, tự trong thâm tâm mình, một mình mình biết một mình mình hay. Ganh tị, ghen ghét, đố kỵ đó nó cắn rứt, nó nghiến ngấu, nó làm rơi nước mắt giữa đêm khuya, nó gây căm thù buổi sáng sớm, nó tạo hận lòng không thể nói ra, không thể sẻ chia… nó gần như là một « bản năng gốc » ở mỗi con người. Nó sẵn sàng dìm người ta xuống chín tầng địa ngục, âm ỉ đốt cháy niềm vui, làm tan nát cõi lòng mà bề ngoài vẫn phải nói nói cười cười, tỏ ra từ, bi, buông xả !
..
“Hỷ” là lòng vui, tùy hỷ là vui giùm người, vui theo người. Khi thấy người khác hạnh phúc hơn mình, thành công hơn mình, ta vui cho họ, thậm chí trong khi ta thất bại đắng cay, khổ đau chồng chất… Ôi, « tùy hỷ » khó quá chứ ! Làm sao đội banh ta đá thua mà ta hoan hỉ vui theo người thắng trừ phi ta… bán độ !
..
Nhưng tùy hỷ mà thực hiện được thì như một suối nguồn tươi mát chảy mãi trong tâm hồn. Hỷ thực lòng thì không có mặc cảm tự ti, tự tôn. Nó lâng lâng rộng mở. Nó có nụ cười rộng, cái bụng to, chấp nhận tất cả. Vì thế mà ta hiểu tại sao Bồ tát Di Lặc xuất hiện ở phẩm này ! « Tùy hỷ » giúp ta giải thoát tự trong gốc rễ, thứ « món tình » âm thầm mà thâm độc, cắn rứt ta từng phút giây. Thoát ra, là đã đến bến bờ của yêu thương, của hạnh phúc.
..
Từ Bi mà chưa Hỷ Xả thì chưa xong. Cho nên không phải vô cớ mà Pháp Hoa dành cả một phẩm cho Tùy Hỷ, dành hẳn một đoạn mô tả kẻ tùy hỷ thì « mặt sáng, mắt trong, miệng tươi, môi thơm… ».
Không tùy hỷ được thì ta sẽ sống cô độc, sẽ tự mình làm khô héo mình, nỗi khổ cứ đeo bám, không thể đến với niềm vui, hạnh phúc.
Hỷ được nhắc như tấm lòng mẹ cha, nhìn con mình khôn lớn, thành đạt, có cái « vui theo » mà không ganh tỵ, không mong cầu báo đáp. Hỷ do vậy là một niềm vui sâu đậm, tự bên trong. Người ta không thể giả đò hỷ, không thể giả đò hồ hởi, hớn hở, không thể « vui là vui gượng kẻo mà » !
..
TÁC GIẢ: B.S. ĐỖ HỒNG NGỌC
........
(nguồn: trang nhà BS Đỗ Hồng Ngọc)


(N T sưu tầm)


...

Wednesday, May 15, 2013

Ai Về Sông Tương

.NHẠC SĨ GIÁO SƯ ÂM NHẠC NGÔ VĂN GIẢNG (1924 -2013), tác giả của nhiều bản nhạc nổi tiếng, trong đó có bài AI VỀ SÔNG TƯƠNG (có lẽ trong ĐK67 chúng ta ai cũng đã từng nghe, hát, và yêu thích...,) vừa mới qua đời hôm thứ Năm ngày 9 tháng 5 năm 2013, tại Melbourne, bang Victoria, nước Úc, hưởng thọ 89 tuổi.

Để tưởng nhớ người Nhạc sĩ tài ba đáng kính này, mình mời các bạn nghe lại bản nhạc AI VỀ SÔNG TƯƠNG của CỐ NHẠC SĨ VĂN GIẢNG viết vào năm 1949 dưới tên tác giả là THÔNG ĐẠT
.
..
AI V SÔNG TƯƠNG
SAXOPHONE  LÊ TẤN QUỐC
.
 . 

.
.
AI V SÔNG TƯƠNG
.
CA SĨ: THÁI CHÂU
.
.
.
.
TIU S NHC SĨ VĂN GING
..
Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang
Đi đi đi, lời thề nguyền, tung gươm thiêng, thi gan trai
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi...
..
Trên đây là lời ca 8 trường canh đầu của bài hành khúc "Lục Quân Việt Nam" của Văn Giảng mà mọi người Việt Nam, từ cậu học sinh đến anh tân binh ở quân trường cũng như tất cả quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đều biết. Bài hát được tác giả viết vào năm 1950 với cung Ré trưởng, khi được đồng ca bởi một số đông người, đem lại cho người nghe một cảm giác như hăng say cương quyết, như nung chí anh hùng:
..
... Phá tan tành ầm ầm đoàn quân xông pha
Thét oai linh tung gươm giết tan quân thù
Đoàn hùng binh say sưa nhìn trong trời sương
Ta anh hùng đời đời lục quân Việt Nam...
..
Nhạc sĩ Văn Giảng sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 tại Huế trong một gia đình trung lưu. Thừa hưởng năng khiếu thiên phú gia tộc về âm nhạc vì ông nội của Văn Giảng cũng là một nhạc sĩ cổ nhạc rất giỏi cho nên Văn Giảng cũng có khiếu về âm nhạc từ lúc nhỏ và ngày còn bé, nghe người ta chơi một loại nhạc khí nào là ông có thể về mò mẫm tự học lấy và thành công trong việc xử dụng loại nhạc khí đó. Cũng như mọi người thích âm nhạc và quyết tâm chơi nhạc, loại đàn dễ học nhất cho mọi người là đàn mandoline, nhạc sĩ Văn Giảng cũng vậy, khi bắt đầu ông học đàn măng cầm và sau đó lần đến lãnh vực tây ban cầm.
..
Có một người bạn lớn tuổi hơn ông biết đàn tây ban cầm, Văn Giảng muốn tầm sư học đạo, đến nhà ông này để nhờ chỉ dạy nhưng người này bắt ông phải trả công bằng một cây đàn guitare. Làm gì có tiền ở lứa tuổi còn nhỏ ? Văn Giảng về nhà tìm tòi tự học lấy và chỉ một thời gian sau, ông vượt qua tài nghệ của ông "thầy hụt" kia và ông này phải nhờ Văn Giảng chỉ lại cho. Nhờ có biệt tài như vậy mà nhạc sĩ Văn Giảng có thể xử dụng rành rẽ nhiều nhạc khí cổ kim, trở thành một nhạc sĩ tài giỏi và đào tạo rất nhiều môn sinh có trình độ sau này.
..
Không những chỉ trong lãnh vực âm nhạc mà thôi, nhạc sĩ Văn Giảng còn nổi bật trong lãnh vực văn hóa, mọi thứ, mọi việc ông đều tự học như vừa làm giáo sư âm nhạc ở Huế, ông vừa tự học để rồi sau đó lặn lội vào Saigon thi lấy bằng tú tài và bằng cử nhân.
..
Ông tốt nghiệp Anh văn ở Hội Việt Mỹ và trúng tuyển cuộc thi tuyển sinh viên nghiên cứu về âm nhạc ở ngoại quốc, được xuất dương du học tại trường Âm nhạc lớn của Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington. Ở Hoa Kỳ, Văn Giảng đã tốt nghiệp với lời khen của Ban Giám khảo và được cấp thêm học bổng để nghiên cứu bậc cao học âm nhạc. Sau đó ông trở về nước và được đề cử làm Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế.
..
Phần đông những sáng tác của nhạc sĩ Văn Giảng thuộc loại hùng ca như "Thúc Quân" (1949), "Lục Quân Việt Nam" (1950), "Đêm Mê Linh" (1951), "Quân Hành Ca" (1951), "Qua Đèo" (1952), "Nhảy Lửa" (1953) v.v... nhưng ít người được biết nhạc sĩ Văn Giảng còn có một biệt hiệu khác là "Thông Đạt" với ca khúc bất hủ "Ai Về Sông Tương" mà mọi người trong giới học sinh, sinh viên và ở lứa tuổi 40 trở lên đều biết:
..
Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương...
..
Bài ca này được tác giả viết vào năm 1949 với cung La trưởng, uyển chuyển tha thướt trong phần lời lãng mạn, trữ tình, là một bản nhạc gối đầu giường, nằm lòng của thanh thiếu niên nam nữ trong những thập niên 50 - 60.
..
Về ca khúc này, có một câu chuyện khá thú vị như sau: Trong những thập niên 1940, 1950, ở Huế ai ai cũng biết ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà Xuất bản Tinh Hoa Huế (xin đừng lẫn lộn với nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam ở Saigon do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo làm giám đốc) in ấn và phát hành một số nhạc phẩm ít oi của thời đó.
..
Là nhạc sĩ, đương nhiên Văn Giảng chơi thân với ông Tăng Duyệt vì một số hành khúc của ông đều do nhà xuất bản Tinh Hoa Huế của ông Tăng Duyệt ấn hành. Một hôm trong lúc vui miệng, ông Tăng Duyệt có ngụ ý bảo rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.
..
Nghe vậy hay vậy, không cần phải trả lời. Nhạc sĩ Văn Giảng về nhà, âm thầm lấy giấy bút viết bài "Ai Về Sông Tương", không ghi tên tác giả là Văn Giảng như mọi khi mà đề tên tác giả là Thông Đạt, một bút hiệu mới toanh trong làng tân nhạc Việt Nam thời đó. Bản "Ai Về Sông Tương" được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế và Saigon và cả nước đều nghe "Ai Về Sông Tương" của Thông Đạt trong thời gian sau đó:
..
...Thu nay về vương áng thê lương
Vắng người duyên dáng tôi thương
Mối tình tôi vẫn cô đơn
Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em
Mơ hoài hình bóng không quên
Hương tình mộng say dịu êm...
..
Sau nhiều lần được nghe bài "Ai Về Sông Tương" quá hay trên làn sóng điện, qua các đài phát thanh, ông Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi ở trong giới nhạc, Văn Giảng có biết Thông Đạt, tác giả bài "Ai Về Sông Tương" là ai không để ông thương lượng mua bản quyền xuất bản nhạc phẩm này nhưng Văn Giảng tảng lờ như không biết Thông Đạt là ai!
..
Rồi một hôm có hai người bạn trẻ của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng, tác giả bài "Mùa Thi" (Thi ơi là thi, sinh mi làm chi, "bay" nghẹn ngào, "bám", ồn áo, buồn vui vì mi) và nhà văn Lữ Hồ tình cờ đến nhà Văn Giảng chơi và thấy bản thảo bài "Ai Về Sông Tương" với tuồng chữ và lối chép nhạc của nhạc sĩ Văn Giảng trong xấp nhạc trên bàn viết nên nói cho ông Tăng Duyệt biết. Ông này mới lái xe ngay tới nhà Văn Giảng và vài ngày sau đó, giới ngưỡng mộ tân nhạc mới có một ca khúc với thể điệu "Blues" tha thướt trong tay để mà ngân nga cho đỡ thương đỡ nhớ những khi trái tim rung động vì một bóng hình nào đó.
..
Nhạc phẩm "Ai Về Sông Tương" đã chiếm kỷ lục tái bản thời đó với 6 lần in thêm trong tháng đầu tiên và được thính giả Đài Phát thanh Pháp Á chọn là bài nhạc hay nhất trong năm 1949. Qua bút hiệu Thông Đạt, chúng ta còn được thưởng thức những sáng tác sau đây: "Đôi Mắt Huyền", "Hoa Cài Mái Tóc", "Tình Em Biển Rộng Sông Dài", "Xin Đừng Chờ Em Nữa" v.v...
..
Ngoài hai bút hiệu trên, Văn Giảng - Thông Đạt còn một bút hiệu thứ ba để sáng tác những bài Phật giáo. Đó là bút hiệu Nguyên Thông được dùng để ghi trên những nhạc phẩm như "Từ Đàm Quê Hương Tôi", "Mừng Đản Sanh", "Ca Tỳ La Vệ", "Vô Thường", "Hoa Cài Áo Lam" v.v...
...
Trong thời gian làm nhạc trưởng Đài Phát thanh Huế và giáo sư âm nhạc tại các trường Trung học Hàm Nghi, Quốc Học và trường Sư phạm đào tạo giáo viên Tiểu học, nhạc sĩ Văn Giảng có sáng tác và ấn hành một tập nhạc dành cho thiếu nhi mang tên :"Hát Mà Học" gồm có 10 ca khúc: Đến Trường, Chơi Ná, Chê Trò Xấu Nết, Mèo Chuột, Tham Mồi, Gương Sáng Lê Lai, Quang Trung Hùng Ca, Trăng Trung Thu, Chúc Xuân và Tạm Biệt.
..
Cũng trong lãnh vực âm nhạc, nhờ xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, Văn Giảng thích tìm tòi và nghiên cứu nhạc cổ truyền Việt Nam. Năm 1956, ông đã tìm ra phương pháp ký âm cho nhạc sĩ cổ truyền có thể nhìn bài bản mà trình tấu chung với nhạc sĩ tân nhạc và từ đó, ông thành lập ban cổ kim hòa điệu "Việt Thanh", một ban nhạc đầu tiên trong nước dưới hình thức tân cổ hòa điệu với những nhạc khí tranh, tỳ, nhị huyền, nhị hồ, đàn nguyệt... hoà tấu chung với dương cầm, tây ban cầm, đại hồ cầm...
..
Trong phạm vi này, ông đã hoàn thành tác phẩm độc đáo "Ai Đưa Con Sáo Sang Sông", một bản đại hòa tấu, thời lượng 60 phút, trình diễn bởi các nhạc sĩ cổ truyền. Ông cũng đã soạn nhiều sách giáo khoa về âm nhạc, hoàn thành quyển "Kỹ Thuật Hoà Âm" dày 350 trang được dùng làm tài liệu dạy âm nhạc ở các trường.
..
Sau Tết Mậu Thân 1968, cảm thấy sinh sống ở Huế bất an - ông Tăng Duyệt, bạn thân của ông, đã chết trong biến cố này - nhạc sĩ Văn Giảng vào Saigon lập nghiệp từ năm 1969 và ông nhanh chóng hòa hợp với nhịp sống âm nhạc của thủ đô, soạn hòa âm cho hãng đĩa Asia - Sóng Nhạc, dạy nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Saigon, tham gia sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình.
..
Cũng trong thời gian này, một số nhạc phẩm tình cảm với bút hiệu Thông Đạt của ông được thành hình và tung ra thị trường. Đồng thời, Văn Giảng được Bộ Văn Hóa Giáo Dục đề cử làm Trưởng Phòng Học Vụ Nha Mỹ Thuật, đảm trách học vấn của các trường Âm nhạc Saigon, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật.
..
Năm 1970, ông được huy chương vàng giải Văn học Nghệ thuật của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (âm nhạc loại A) với sáng tác phẩm "Ngũ Tấu Khúc" (Quintet for Flute and Strings). Cùng năm này, ông được chỉ định làm Giám đốc Nghệ thuật điều hành Đoàn Văn nghệ Việt Nam gồm 100 nghệ sĩ tân cổ nhạc và vũ, ban vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách, ban vũ cổ truyền đại nội Huế do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba điều khiển, để tham dự Hội chợ Quốc tế Expo 70 tại Osaka (Nhật Bản).
..
Sau 1975, nhạc sĩ Văn Giảng kẹt lại Việt Nam cho đến năm 1981 mới vượt biên đến đảo Natuna (Nam Dương) và sau đó được chuyển đến đảo Pulau Galang. Ở đây, trong 6 tháng, Văn Giảng sáng tác được một số bài nói lên thân phận lạc loài của người dân mất nước mà bài đầu tiên là "Natuna người tình đầu" cùng một số 70 ca khúc khác.
..
Ngày 20/5/1982, Văn Giảng định cư tại Úc, ở đây, ông tiếp tục con đường âm nhạc, soạn và xuất bản nhiều sách nhạc lý như cách dùng hợp âm, tự học tây ban cầm, hòa âm, sáng tác, học hát, học đàn v.v...
..
Ở đây, ông cũng đã sáng tác thêm nhiều tình khúc như: 12 tình khúc (Tập I), 12 Tình Khúc (Tập II) v.v... Những ai thiết tha với tân nhạc, muốn đi sâu, tìm hiểu hơn về sáng tác và hòa âm hoặc muốn trau dồi việc xử dụng các nhạc khí kim cổ, thiết nghĩ không gì bằng tìm các sách giáo khoa của nhạc sĩ Văn Giảng để đi đến nơi đến chốn. Văn Giảng hiện cư ngụ ở thành phố Footscray, bang Victoria (Úc Châu), điện thoại: (03) 9689-9623.
..
Ngoài một gia sản âm nhạc đồ sộ, từ những hành khúc hùng dũng đến những cung bậc uyển chuyển lả lướt của những bài tình ca qua những điệu nhạc vui tươi yêu đời dành cho thiếu nhi và những ca khúc uy nghiêm về Phật giáo, nhạc sĩ Văn Giảng còn đóng góp trong việc phổ biến âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại với một số lượng đáng kể về sách dạy nhạc viết bằng Việt ngữ và Anh ngữ, chẳng những dành cho thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại mà cho cả người ngoại quốc muốn học hỏi và tìm hiểu về nền âm nhạc Việt Nam.
..
Một con người giản dị, khiêm nhường, không thích phô trương với một gia tài âm nhạc to lớn như thế của mình ẩn náu nơi một góc trời Đông sau ngày mất nước quả thật là một người đáng kính nể, đáng tôn thượng trong làng âm nhạc Việt Nam.
.
(Bài viết của Nhạc sĩ Lê Dinh)
.
(sưu tầm)

Monday, May 6, 2013

tranh thơ Như Quê (4)

TRANH VÀ THƠ NHƯ-QUÊ (4) ...
..
.
...CÀI HOA
(tranh Đoàn Như-Quê)
..
..
.
..HOA HỒNG
(tranh Đoàn Như-Quê)
..
QUÊ NHÀ
..
Dạ thưa anh,
Trời chiều nay có gió
Cây nhãn già đầu ngõ lại ra hoa,
Bưởi sau vườn chớm nở đơm bông,
Sen hé nụ, ao vườn nhà xanh ngát
..
Dạ thưa anh,
Ngày hạ vàng, như đã đến
Quá vội vàng em không kịp trở tay,
Chăn chưa kịp xếp, áo ấm chưa phơi,
"Rét nàng Bân" mới hôm qua đó.
..
Dạ thưa anh,
Sao thời gian quá vội,
Vội hơn cả dòng đời
vẫn trôi
Vội hơn cả nỗi nhớ
ngày chia phôi.
..
thơ Như-Quê (B4, C1)
..
.....

Sunday, May 5, 2013

Hoàng Hôn

....
Mời các bạn ĐK 67 xem lại đoạn văn sau đây của nhà thơ XUÂN DIỆU mà đa số chúng ta đã học trong giờ Quốc Văn năm đệ Thất Đồng Khánh (1960):
..
...
......
........

"Hoàng hôn, chiều lên dần dần.  Tôi càng đi trời càng tối khiến cho tôi có cảm tưởng bước của tôi cũng đồng thời với triều bóng dâng.  Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng; tôi khởi sự đi trong ánh sáng và tới dần trong bóng tối, tựa hồ bên này thành phố Huế là ngày, bên kia đàn Nam Giao là đêm.
..
Hoàng hôn, chiều lên dần dần, chiều không xuống.  Đầu tiên, ruộng hai bên đường thẫm lại, những bụi cây lá không phân biệt nữa thành những khối bóng.  Chín mười cây cau song song vượt lên giữ sáng trên đầu như những cây nến khổng lồ.  Ánh vàng nhạt cứ bớt mãi, có ai kéo về trời để thắp các vì sao?  Tàu lá cau trổi nhất gượng bám chút bụi mặt trời nhưng hết rồi, bóng càng lên cao càng đậm mãi, xuất tự đất đen trong khi ở sát da trời còn mơ hồ ánh sáng.
..
Hoàng hôn, ểnh ương kêu, tiếng khàn khàn phát từ muôn gốc cỏ, từ những ruộng sâu thủng xuống làm cho con đường tự nhiên cao, tiếng áo não hơi phồng như trong đó có sự gắng sức, tiếng rậm và đều và thê lương như sự chết làm sôi bóng hoàng hôn.  Nơi này đã khởi sự nhà quê, những con ểnh ương trải hồn tha ma trùm đường vắng, một vài cụm mẻ rải rác đằng kia.  Tôi thong thả đi, buổi chiều len lấn vào tâm tư theo ngõ của hai mắt..."
.......
Trương Mỹ-Vân (ĐK 67) ghi lại theo trí nhớ
..
----------------------------------------------------...

Chú thích: Đoạn văn ngắn trên đây là bài học năm đệ Thất nên có lẽ sách giáo khoa hay cô giáo đã trích lược và loại bỏ một số câu văn trong phần đó. Sau đây xin mời quý anh chị và các bạn xem nguyên văn bài "Thương Vay" của Xuân Diệu do anh Lê duy Đoàn gởi đến.
....
THƯƠNG VAY
TÁC GIẢ: XUÂN DIỆU (TẶNG HUY CẬN)
......
Chiều lên dần dần. Tôi càng đi trời càng tối.
..
Những bước đi cũng đồng thời với chiều bóng dâng, xui cho tôi dễ tưởng rằng bước của tôi có quan hệ với thời giờ, thỉnh thoảng tôi đứng lại tần mần xem thử họa chăng có liên lạc gì không..
..
Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng; tôi khởi sự đi trong ánh sáng, và tôi tới lần trong bóng tối, tợ hồ bên thành phố Huế là ngày, bên Nam Giao là đêm. - Tôi bắt được ý này trong trí tôi, nghe phấp phới dễ chịu. Tôi bèn đẩy cách luận lý xa hơn chút nữa, dầu không đúng cũng xong:
..
Thời gian chỉ là sự cử động. Nếu tôi đứng, nếu máu tôi ngừng, nếu tôi không biết đời bên trong và không hay đời bên ngoài, thời gian của tôi sẽ không còn nữa. Và nếu không có sự luôn chuyển ở trong vũ trụ, nếu mặt trời nghỉ, mặt trăng yên cùng với muôn sao đóng đinh trên bầu trời, thì sẽ chỉ còn không gian chết. Nhúc nhích là thời gian, cử động thay đổi là thời gian.
..
"Thời gian chỉ là sự cử động".
..
Tôi sực thấy rằng tôi nghĩ đã xa, và ngay lúc ấy, tôi thấy rằng tôi đi cũng đã xa; tôi mỉm cười...
*
Vâng, chiều lên dần dần: chiều không xuống. Đầu tiên ruộng hai bên đường thẫm lại; những bụi cây, lá không phân biệt nữa, thành những khối bóng. Chín mười cây cau song song vụt lên, giữ sáng ở trên đầu như những cây nến khổng lồ.

..
Ánh vàng nhạt cứ bớt mãi, có ai kéo về trời để thắp các vì sao. Tàu lá cau trỗi nhất gượng bám chút bụi mặt trời. Nhưng hết rồi. Bóng càng lên mau, càng đậm mãi, xuất tự đất đen, trong khi ở sát da trời, còn mơ hồ ánh sáng. Trí tôi thấy, tuy mắt tôi không, những lớp bóng càng ở trên càng nhạt một tý, và cái đen tối cứ lên hoài, cho đến lúc ngập cả trời cao.
..
Hoàng hôn ... ễnh ương lên, tiếng khan khản phát từ muôn gốc cỏ, từ những ruộng sâu thũm xuống làm cho con đường tự nhiên mà cao. Tiếng ảo não, hơi phồng, như trong ấy có sự gắng sức, tiếng rậm, và nhiều, và thê lương như sự chết, làm sôi bóng hoàng hôn.
..
Nơi này đã khởi sự nhà quê. Những con ễnh ương rải hồn tha ma bao trùm đường vắng. Một vài chụm mẻ rải rác đằng kia.
..
Và đường vắng thì rải nhựa đen. Tôi thong thả đi, buổi chiều len lấn vào tâm tư, theo ngõ của hai mắt...
*
Không còn cái gì rõ nữa. Bóng chập chững, mọi vật mập mờ, bảng lảng, đương rung rinh. Mây rách từ đâu lê tới những mảnh đen thất thểu, thêm vào cái cảm giác không đều; giữa không trung, dường như có những chụm bóng đặc bay lởn vởn.
..
Mắt tôi vẫn mở, song kết quả cũng bằng chớp mau. Cảnh chờn vờn một cách nặng nề. Tôi qua trong sự mơ hồ nó chẳng mơ màng. Tôi nghĩ cảnh, tôi nghĩ tôi, tôi nghĩ tất cả.
..
Và buồn, buồn. Không ai đi trên đường này. Không một người gánh gồng, hai đầu thúng nhún xuống nhún lên ngực thở thành tiếng. Không một người đàn bà vội vàng, chân trụi đập thình thịch, hai tay đánh xa để thêm sức nhanh. Cũng không cả một con chó thẩn thơ mũi cúi xuống đường, hít bóng đặc sệt như mực đen vì gần lớp nhựa.
..
Đoạn đường dài, nhờ chân tôi chậm. Sao tình cờ lại có sự vắng vẻ hoàn toàn thế này? Ai ở trên trời đổ xuống từng triệu thúng buồn? Có phải tôi buồn đâu. Chính trời đương làm chủ động trong màn buồn.
..
Tôi đến chụm nhà lụp xụp, tranh xám như lợp bằng tro. Phần nhiều đóng cửa. Những lều mở là những quán nước: ngọn đèn đỏ soi mấy chiếc bánh gói đặt thành gò nhỏ xíu, bên ống dắt đũa tre. Mới bây giờ mà đã có tiếng ru em. Nghe võng cọt kẹt, tôi nhớ những câu đố ngớ ngẩn: "ở trong nhà, có một bà hai đầu!" Tôi đoán những rui khói đóng đen thui, những cột lẳng khẳng làm rung cả nhà, mỗi lần bàn chân ngón xòe đạp vào vách đất.
..
Chắc một người đàn bà đang lúi húi trong bếp, phồng hết hai má thổi núi rác, nhóm lửa nấu vội cơm. Trách tép đã nóng trên lò hai bàn tay không kịp rửa, nắm vào vành đen, đỡ lên lắc cho đều, rồi lại bắc xuống. Trong khi ấy đứa con gái nhỏ ráng hơi dỗ một đứa em nhỏ hơn. Và đứa này cứ khóc thất thanh, làm bà mẹ sốt ruột. Trong gia đình nhỏ, đêm tới là một dịp rộn ràng. Đèn không có, phải sờ soạng tạo nên bữa ăn.
..
Mà giọng đưa em thì buồn bã như mọi giọng ru trẻ con, thấm bao nhiêu mênh mông kinh hãi của cánh đồng, bao nhiêu u uất của đêm không đủ đèn sáng, bao nhiêu thương nhớ xa xôi của những linh hồn mộc mạc, buồn xa mà không biết mình buồn.
..
Sao con đường sang trọng như đường Nam Giao, con đường cho khách du lịch, những nghệ sĩ, những phú ông, những quan quyền rong xe qua để đi thưởng ngoạn, sao mỗi khi đêm đến, đường Nam Giao lại rùng rợn, thê lương?
..
Hay chỉ vì chiều nay, tôi thấy cái gì cũng tội nghiệp? Những gia đình này nghèo khổ gì lắm đâu; đời quanh Huế cũng đủng đỉnh như đời giữa Huế, người nghèo ở đây không cực hẳn, không lam lũ, không khốn cùng. Nhưng tôi thương, thương tất cả, tất cả mọi điều, vì chiều ấy, tôi thấy cái gì cũng đáng thương.
..
Có phải ánh leo lét đỏ kia là buồn không; nó thường nói chuyện sợ sệt cũng như sự mập mờ, ở giữa rạ, giữa tranh, ở giữa màng nhện, bòng hóng. Có phải mấy đôi đũa vụng về kia là buồn không; chúng đã run trong những bàn tay da chai, mà đói và mệt làm cho rung rẩy; chúng đã đưa đầu vào những miệng lưỡi thô, răng cứng, hễ thèm ngọt là ăn tảng đường đen...
..
Đôi hôm lạ lùng, tôi nổi những cơn thương vô cớ như vậy.
..
Khi tôi đi học, bỗng nhiên đang lật sách, tôi ngừng tay lại, nghĩ tội nghiệp mấy ông giáo dạy tôi. ờ, ông Viên, cái trán cao như cái lầu, xương xao như một tấm đá; ông Bích, miệng cười như khóc, méo một cái méo hãi hùng; ông Thinh, chốc chốc lại kéo cái quần tây, như sợ tụt; ông Lịnh, sau vài tiếng nói lại, "hơ!" "hớ!" nghĩa là: Hiểu không? Nghe chưa? Sao họ buồn cười thế?
..
Họ chơi, họ dỡn, họ sang trọng, lương cao, vợ tốt. Họ lại còn rầy la học trò, phân phát những cái xách tai hay những hình phạt đáng ghét. Vậy mà họ cứ đáng thương như thường.
..
Mãi bây giờ tôi mới hiểu rằng vì họ dị quá. Tôi còn hiểu hơn lắm nữa: vì họ là người!  Một thứ ánh sáng nhạt nhạt buồn buồn bao trùm mấy ông giáo kia; tuy đương còn trẻ nhỏ, tôi vẫn cảm nghe cái không khí thẩn thơ ở trong lớp học, ở giữa cuộc đời. Và nhất là tôi đã thấy họ như những cái máy. Huống chi tôi đã nhiều lần ghét họ. Hờn ghét ấy, họ không sợ, nhưng mà tôi...
..
Mà chắc trong bụng của tất cả mọi người, đều có những bánh xe, những trục, những chốt và những giây thiều, để cho mọi thứ vô nghĩa; vô duyên tha hồ vặn máy!.....
*
Vậy thì chiều nay, tôi thương cảnh vật đến bao nhiêu. Tôi đi luôn đường lên Nam Giao, mang giùm những nỗi khổ của đời, đương lên hơi trong bóng đêm đã tối.
..
Tôi đứng lại trước đàn. Vô liêu. Tịch mịch. Dường như tôi sợ ma...
..
Những cây thông, mình mẩy to thêm và đen, đứng trong im phắc, tôi sợ. Tâm hồn tôi lạnh lạnh, rùng rợn vì đêm, và mang những cảm giác ảm đạm mênh mông, những ý đau, ý chết.
..
Tôi sợ... Như lúc nhỏ, mỗi lần đi giải ngoài sân. Trong nhà ra, thì can đảm bạo dạn, nhưng vừa quay lưng để vào, thì tự nhiên bắt chạy, nhưcó ai xô. Chắc cái lưng tôi nó nhát, chứ không phải tôi nhát. ..
*
Vậy, tôi quay lưng, trở về thành phố, nghe gió thổi mường tượng sau mình. Được vài mươi thước, tôi mới nhớ nhìn trước mặt tôi. ở đằng kia, một bóng đen lù lù đi lại. Không ánh sáng, nên nét mình không thấy nữa; ấy là một cục bóng có hình người.
..
Tôi đương bận ngó hai bênđường, trông những cây phi lao đứng xĩu lá bơ phờ như giẻ rách, se sẽ than ra một lời nho nhỏ âu sầu... Khi tôi nhìn lại trước tôi, thì hình người đã gần thêm.
..
Bây giờ tôi mới để ý lung. Tôi bước dài bước nhưng vẫn rón rén. Bóng ấy gần thêm một chút; tôi bèn đi như thường. Tôi không dám nặng chân, sợ bóng ấy tan mất. Họ đi như đứng, lẩn thẩn như nhờ gió thổi đi, mà gió thì chỉ hơi hơi một vài thoáng. Tợ hồ chỉ thuộc về sự sống có một chút thôi.
..
Bóng đã gần. Một luồng tê lạnh bỗng chạy qua óc tôi. Sao một cái hình người có thể "ma" như vậy. Im lặng quá, yên tĩnh quá. Cả mình đen, chỉ cái nón xám. Tuy thế, tôi cũng đoán được những miếng vải vá nơi áo dài lổ đổ không toàn màu.
..
Phải rồi, một bà già. Lưng khòng chân chậm.
..
Mắt bà lão mở lim dim, mà bóng thì mờ thế này, thế có khác gì nhắm? Tay xách một cái rổ, không trông thấy được những thức gì trong ấy. Có chỉ là rổ không.
..
Còm. Dáng đi run. Lặng thinh, lẽ lặng thinh, không có một tiếng. Như ngủ. Lặng thinh.
..
Hình người không thật. Tôi biết không phải chiêm bao, không phải mộng mị. Nhưng tôi vẫn rất ngờ. Họ không biết rằng có tôi đi ngược đường họ. Họ không trông, họ không trách. Chỉ còn một điều tỏ rằng họ không chết, họ còn đi.
..
Tôi muốn giơ tay ra đụng vào mình bà lão, để quyết rằng không giả. Tôi muốn gọi lên một tiếng, làm bà giật mình, ngước chiếc nón cười lên. Tôi muốn lén bỏ trong mủng một đồng xu để xem ra thế nào, nhưng chẳng có chữ bào trong túi.
..
Tôi không dám đứng lại, sợ phá rầy nước đi đều, chậm của cục bóng. Tôi cứ đi luôn, lặng lẽ rón rén, như sợ nó tan đi. Khi hai bên đã xa nhau nhiều rồi, tôi mới làm theo ý muốn, đứng lại và nhìn theo.
..
Thôi, thế là nghĩ vẩn nghĩ vơ, nghĩ mờ nghĩ mịt. Bà già hay hiện hình của sự đau khổ? Nghèo như vậy, sao lại làm thinh mà đi, gặp khách không đón xin tiền? Cũng không nói, cũng không rên, cũng không ngừng. Cứ tha đôi chân vào mất trong tối. Chắc họ buồn lắm. Dưới nón, chỉ thấy đen. Mà gặp tôi, sao không ngước nón lên một chút? Trong cái bóng ấy, có chăng một ý nghĩ, một tình cảm gì?
..
Không, không phải bằng giấy.ấy một người bằng thịt, bằng xương - thịt khô và xương gầy - với một lịch sử chắc chắn khổ sở hết chín phần mười, với chút sống còn sót giữa lòng, như hòn lửa nhỏ còn lấp dưới tro.
..
Bà lão về đâu? Một ổ rơm nép bên đường, hay một cái chòi lạc giữa những bụi cây? Về một túp lều xa hay không về túp lều nào cả? Trên vùng hẻo lánh kia, còn nhà cửa nào nữa! Ai sẽ nấu cơm cho bà ăn? Diêm ở đâu để bà nhóm lửa? Về đâu? Ngừng lại nơi đâu?
..
Đêm dày thêm. Chỉ còn mực xạ. Không kẻ dẫn đường, không một chiếc gậy, bà lão mất trong u uất, lặng im, trong dấu tre, bí mật. Lòng tôi thắc mắc, lẫn kinh dị trong vô hạn xót thương.
..
Sự thương vay của tôi trẻ con và tưởng tượng hay chăng? Bao giờ lòng thương lại chẳng có duyên cớ ở trên cái đời cùng cực, đau đớn, khốn khổ, rách rưới, cô đơn này, mà những kẻ nghèo đói là những trang anh hùng, cắn chặt hai hàm răng ngậm giữ lấy đau thương.
..
Vừa nghĩ vừa đi, tôi đến trong thành phố rồi. Nhưng đèn điện sáng chói và tiếng xe ồn ào không rọi được trong tôi bấy nhiêu bóng chết.
..
(Rút từ tập truyện ngắn Phấn thông vàng, 1939.)

 .....


MÙA TỰU TRƯỜNG.