Thursday, January 23, 2014

Ngày Đưa Ông Táo về Trời

..
..
Ngày 23 tháng chạp Âm lịch hằng năm, người ta thường quen lệ cúng tiễn Ông Táo về Trời để Ông Táo dâng sớ tâu lại chuyện trần gian với Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì vậy người Việt gọi ngày này là "Ngày Đưa Ông Táo Về Trời." 
..
..
SỰ TÍCH ÔNG TÁO
..
Học phái Lão Tử cho rằng có một vị thiên thần coi việc thiện ác của từng gia đình và mỗi năm một lần về dâng sớ tâu chuyện với Ngọc Hoàng Thượng Đế.  Đó là Ông Táo.  Nhưng người Việt Nam quan niệm về ông Táo khác với người Trung Hoa.
.. 
TÍCH KỂ RẰNG:
....
Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ rất nghèo khổ. Chồng tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Họ lấy nhau đã lâu mà không có con, cho nên thường buồn phiền cãi lẫy với nhau. Một hôm Trọng Cao quá tức giận mà đánh vợ. Tức mình, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, rồi gặp một chàng trai là Phạm Lang, anh này đã dùng lời ngon ngọt và khéo léo quyến rũ được Thị Nhi. Hai người ăn ở với nhau thành vợ chồng. Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ bỏ đi mất, liền đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không thấy tăm hơi, buồn rầu bỏ công ăn chuyện làm, ra đi làm người hành khất để đi tìm vợ. Một hôm, Trọng Cao đến một nhà khá giả xin ăn, bà chủ nhà đem cơm ra cho. Thì ra đó là Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau, tình xưa nghĩa cũ dễ nào quên. Thị Nhi hối hận vì đã lấy Phạm Lang. họ đang hàn huyên thì bất ngờ người chồng mới là Phạm Lang từ ngoài đồng đi làm về, Thị Nhi mới nói Trọng Cao vào ẩn trong đống rơm. Phạm Lang về nhà để cốt lấy tro bón ruộng, nên đốt đống rơm lấy tro. Trọng Cao đang say ngủ trong đống rơm vì đường xa mỏi mệt ấy bị chết cháy, người vợ cũ là Thị Nhi, thấy vậy cũng lao vào lửa chết theo. Phạm Lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà chết.
..
CŨNG CÓ TÍCH KHÁC:
: ..
Sau khi Thị Nhi lấy Phạm Lang, một hôm trong nhà cúng đốt mã ngoài sân, có một hành khất vào ăn xin. Thị Nhi nhận ra người chồng cũ của mình, động lòng thương đem gạo ra cho. Bị Phạm Lang nghi ngờ, Thị Nhi lấy làm xấu hổ đâm đầu vào đống lửa đang đốt mã mà tự tử. Trọng Cao cảm tình ân nghĩa cũng lao vào lửa mà chết theo, Phạm Lang vì mối tình thương vợ, cũng nhảy vào cùng chết. Thượng đế thấy ba người có nghĩa mới phong cho làm Táo Quân, và phân chia mỗi người một việc:
..
Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp.
Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà.
Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa.
..
..
Hai Ông một Bà
(tranh dân gian, bản gỗ)...
..
Ý NGHĨA CỦA TÍCH TRUYỆN:
..
Vượt qua cái lý để đạt tới cái tình: Người Việt xưa không bao giờ có thể chấp nhận việc đa phu, một bà hai ông. Người ta thường chỉ trích "Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà". Như vậy, điều mà tích truyện nhắc tới, đó không phải là cái lý, nhưng là cái tình nghĩa phu thê, sống chết cùng nhau.
...
Liên hệ đến gia đình: Quan niệm táo quân là vị thần thứ nhất, quan trọng hàng đầu trong gia đình, nhiều địa phương có tục lệ, người con gái khi mới về nhà chồng, phải làm lễ ở bếp, hay ở bàn thờ Thổ Công, để xin phù trợ về sau trong công việc bếp núc, tề gia, nội trợ, quán xuyến gia đình. Tục ngữ phương Tây có câu: "bàn tay đưa nôi là bàn tay cai trị thế giới", người Việt Nam thì quan niệm: Người nội trợ là nội tướng trong gia đình.
 ..
Bếp lửa mang một ý nghĩa rất quan trọng: Ngoài công dụng nấu chín thực phẩm, nó còn là nơi quy tụ cả gia đình để chia sẻ với nhau bữa ăn cũng như lửa ấm. Lễ hội bao giờ cũng gắn bó với nghi thức thắp lửa thiêng. Lửa xua đuổi thú dữ, tạo bầu không khí ấm áp…Không gia đình nào là không có bếp lửa. Ngày nào lửa không bén trên bếp, ngày ấy là một ngày gia đình thiếu hơi ấm, thiếu tình thương.
.
Thường xưa kia, có gì lủng củng, đau yếu là người ta phải xem lại bếp núc tức là ông táo có được giữ sạch sẽ hay không? Táo quân định đoạt phúc đức cho gia đình. Phúc đức này là do sự ăn ở phải đạo của gia chủ và của mọi người trong nhà.
...
Sự tích ông Táo trong dân gian Việt Nam, có những nét đẹp truyền thống. Người Việt Nam tiễn ông Táo ngày 23 tháng Chạp chứ không tế Táo quân vào mùa hạ như người Trung Hoa xưa. Trước ngày 23 tháng Chạp, người ta đến hàng vàng mã mua hai cái mũ nam, một cái mũ nữ và một hoặc ba con cá chép (dùng cho Táo cưỡi), rồi đem đốt những vật dụng đang thờ, đã hư cũ. Đồng thời người ta cũng thay luôn mấy "Ông Táo" đã sứt mẻ bằng cách "trân trọng" gửi ở bụi tre hoặc một gốc cây nào đó sau vườn...
..
Tuy nhiên, hiện ở nông thôn, nhiều nơi vẫn làm gà, cúng "hăm ba tháng Chạp Táo quân về trời" đàng hoàng. Họ coi ngày này như hội nghị thường kỳ của thượng giới, và cũng có ý tạo điều kiện cho Táo quân kịp trở về trần gian ăn Tết với gia đình....
....
THỔ CÔNG chính là bộ ba gồm các vị: Thổ Công trông nom việc trong bếp, Thổ Địa trong nom việc trong nhà, Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa cho đàn bà.
Gộp lại cả ba vị Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ được gọi là Táo Quân với nhiệm vụ định phúc cho cả gia đình. Táo Quân, được hiểu nôm na là vua bếp.
.
Táo Quân được các gia đình cúng lễ quanh năm, thường là hương hoa oản quả. Những dịp lễ tết giỗ chạp hay có công to việc lớn trong nhà có thể cúng chay hoặc cúng mặn tùy nghi.
..
Dịp lễ long trọng nhất dành riêng cho Táo Quân chính là ngày cúng ông Táo vào 23 tháng chạp. Theo tín ngưỡng cổ truyền, đây là ngày Táo Quân lên trời báo cáo Ngọc Hoàng Thượng Đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian, những hành vi, việc làm tốt, xấu của các thành viên trong gia đình trong năm một cách khách quan, trung thực.
Phương tiện để Táo Quân lên trời là cá chép vàng. Cúng ông Táo làm to nhỏ, chay mặn tùy khả năng mỗi gia đình, nhưng dứt khoát phải có bộ mã Táo Quân mới. Sau khi cúng Táo Quân, người ta hóa mã, đồng thời hóa cả bộ mã năm trước.
..
Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp được coi là mang tính cách chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới. Người ta chuẩn bị chu đáo cho chiều 30 là thời điểm đón Thổ Công (ông Táo) trở về trần gian làm nhiệm vụ năm mới.
..
Bàn thờ Thổ Công thường bày biện khá đơn giản gồm bộ 3 chiếc mũ. Chiếc mũ ở giữa là mũ đàn bà, hai bên là mũ đàn ông. Bộ mũ (dù ba chiếc hay một chiếc) đều kèm theo chiếc áo và đôi hia đính vào bệ giấy hoặc khi cúng được kê trên bệ là vài trăm thoi vàng mã.

Hình ảnh Táo Quân - vua bếp cũng trở nên gần gũi với cuộc sống hiện đại hơn với quan niệm gia đình nào được Táo Quân phù hộ nhiều thì hạnh phúc, yên ổn, thành đạt, bếp đỏ lửa mỗi ngày. Những gia đình không có điều kiện đỏ lửa mỗi ngày để ông vua bếp làm nhiệm vụ thì ngầm hiểu là Táo Quân chưa hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn tổ ẩm gia đình một cách trọn vẹn.
....
Lễ vật cúng Táo Quân gồm có: mũ ông công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấỵ Màu sắc của mũ, áo hay hia ông công thay đổi hàng năm theo ngũ hành:
.. ..
+ Năm hành kim thì dùng màu vàng....  ...
+ Năm hành mộc thì dùng màu trắng          ...
+ Năm hành thủy thì dùng màu xanh.... ...
+ Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ............. ...
+ Năm hành thổ thì dùng màu đen  ...  ...
...
Những đồ "vàng mã" này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo Quân. Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!
..
Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc Việt Nam người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ sau đó được "phóng sinh" (thả ra ao, hồ hay sông). Tại miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Ở miền Nam thì giản dị hơn, người ta chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng ..v...v..) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc..v...v...) để tiễn Táo Quân.
..
Sự tích Táo Quân bắt nguồn từ Trung Hoa, và truyện đã được "Việt Nam hóa" với nhiều tình tiết khác nhau. Tuy nhiên, các câu truyện vẫn nói lên "tình nghĩa yêu thương" giữa một người vợ và hai người chồng cũ và mới. Chính vì những mối ân tình đó mà ba người đều đã quyên sinh vì nhau... Thượng đế thông cảm mối tình sâu nghĩa đậm này đã cho về bếp núc ở gia đình... Bài vị thờ vua Bếp thường được ghi vắn tắt là "Định Phúc Táo Quân" nghĩa là thần định mọi sự hạnh phúc.
...

....
N T (B5, C2) sưu tầm

Wednesday, January 22, 2014

trò chơi năm mười

(post lại)
...
...
NĂM- MƯỜI- MƯỜI LĂM- HAI MƯƠI
....
Năm, mười, mười lăm ...
Trò chơi quen thuộc của con nít vào những buổi tối trong các khu xóm nhỏ, mà những người độ tuổi khoảng 50 chắc còn nhớ. Cái thời mà Saigon có thể gọi là an bình, dẫu rằng vẫn "đại bác đêm đêm vọng về thành phố, người phu quét đường dựng chổi đứng nghe" (TCS).
..
Buổi tối, trẻ con trong xóm thường tụ tập về một khu có nhiều ánh sáng trong con hẻm, hay bất kỳ nơi nào chúng cảm thấy thích hợp, đôi khi sự chọn lựa chỉ mang tính ngẫu hứng. Và cũng rất ngẫu hứng chúng chọn lựa, đề nghị trò chơi với cả bọn: chơi "thiên đàng-địa ngục hai bên" hay "cá sấu lên bờ" hoặc mạnh bạo hơn như "u mọi".
.....
Một trong những trò chơi được ưa thích lúc đó là trò chơi "năm, mười ...". Hay gọi cho dễ hiểu hơn là trò chơi "trốn-tìm". Sau một hồi "tay trắng-tay đen" để sàng lọc bớt đối thủ, rốt cuộc chỉ còn lại hai đứa "oẳn-tù-tì" với nhau. Đứa cuối cùng bị thua, phải nhắm mắt, úp mặt vào tường, miệng đọc to: "năm, mười, mười lăm, hai mươi" cho đến số một trăm. Trong thời gian đó, những đứa còn lại phải nhanh chân tìm một chỗ nấp kín đáo.
....
Đôi khi, có vài đứa quá cẩn thận, nhìn quanh thấy chỗ nào cũng có vẻ thiếu an toàn, nên đã hết thời gian chạy trốn mà vẫn đứng ngẩn tò te chưa quyết định được, vội la lớn: "Ê... chưa, chưa nghen.." . Đứa bị bắt cũng dễ dãi quay mặt vào
Đôi khi, đứa bị bắt úp... một mắt vào tường, mắt kia hi hí để lén theo dõi chỗ núp của những đứa khác. Đọc đến nửa bài, mở mắt ra đã thấy tụi nó ... trốn mất tiêu.
..
Bây giờ, đứa bị bắt phải đi tìm những đứa trốn. Phát hiện chỗ trốn của đứa nào thì la lớn (thí dụ nghen) : " Thấy thằng Thái núp sau cái xe đó nghe", rồi chạy về chỗ bức tường úp mặt lúc nãy, đập vào đó một cái và la :"Tùng !". Vậy là "kẻ bị bắt" phải thay thế, úp mặt vào tường cho người kia chạy trốn.
..
Vẫn còn một cơ hội cuối cùng cho "kẻ bị bắt" là phải nhanh chóng rời chỗ núp, chạy đua về phía bức tường và "Tùng!" trước thì thoát.
..
Trò chơi đơn giản và luật lệ chơi cũng không gò bó lắm, nó đã cuốn hút lũ trẻ chúng tôi một thời. Mỗi tối, sau khi cơm nước xong, ngồi học vội bài ngày hôm sau để còn chạy ra nhập bọn: "năm, mười, mười lăm... "
..
Lớn lên một chút, chạy lông nhông ngoài đường chơi "năm, mười..." kỳ quá. Vả lại, tay chân dài lòng thòng, khó kiếm chỗ núp. Tôi cũng vẫn chơi "năm, mười..." nhưng theo một cách khác.
..
Số là có một người bạn chép cho tôi bài thơ "năm, mười...". Tôi phải xin mở ngoặc giải thích một chút kẻo bạn không hiểu hết ý bài thơ:
..
Năm (lên) mười, (lên) mười lăm, hai mươi (tuổi)
..
A, năm, mười ... không chỉ là số đếm mà bây giờ là số tuổi. Bài thơ này tôi đọc cách đây gần 40 năm. Nay, không còn biết tên tác giả và cũng không nhớ tựa. Nhưng xin yên tâm vì nội dung thì chắc không sai (chỉ mạn phép tác giả phổ biến lại)
..
Năm mười, mười lăm, hai mươi.
Anh che kính cận, em cười rất trong
Con trăng sớm biết mặn nồng
Bay ngang một sợi mây hồng như tơ
Thương em, xé vở học trò
Đêm đêm cắn bút làm thơ tỏ tình
Trên giòng lục bát mênh mông
Gọi mưa về lá nằm yên ngủ vùi
Năm, mười, mười lăm, hai mươi
Có người xanh tóc, yêu người ... tóc xanh.
(???)
..
Ôi, những năm tôi lên năm, lên mười ./.
..
Tác giả: Vũ Minh Tuấn
...
(trích MTN Blog)

 ...
.....
...

Tuesday, January 21, 2014

Xuân sớm

.
.
XUÂN SỚM

Chưa hết rét, cánh đào đã hé
Xuân chưa về,
Đã phơn phớt hồn hoa
Cành nôn nao trổ nụ nõn nà
Mong nắng ấm, mà cánh đào vội nở
Rét cứ rét, hoa cứ hoa
Cành khô bung xòe nụ
Xuân sớm về bên góc sân
Chẳng mong, Xuân sớm đến gần
Thời gian cũng vội những lần mùa qua
Ừ thì Xuân gần Xuân xa
Ừ thì ta những bao la muộn phiền
Sáng nay Xuân về bên hiên
Trên cành khô một nỗi niềm trổ hoa
...
Tiểu Muội
(5- 1- 2014)
......
.

Sunday, January 19, 2014

Phương Mai: Đi lạc

THƠ ĐOÀN PHƯƠNG-MAI (ĐK 73)
...
Xin chào đón và giới thiệu bài thơ "ĐI LẠC" của Đoàn Phương-Mai (ĐK 73)
Đoàn Phương Mai là cựu nữ sinh Đồng Khánh, đang sống ở Pháp, em gái của một ĐK67.  Đây là bài thơ đầu tiên Đ P M góp bút với trang Blog ĐK67. 
..
...
...
ĐI LẠC
..
Bao giờ được về nhà
Được trở về quê hương
Thấy con diều bay
Mà nghĩ đến cánh đồng
Mùi lúa non làm rưng rưng nước mắt
...
Bao giờ được về nhà
Được trở về tuổi thơ
Thấy trong sân bong bóng đổ trời mưa
Bao ảo mộng theo cuộc đời trôi mất
...
Bao giờ được về nhà
Được trở về ngày xưa
Con đường Đặng Dung hàng muối trước nhà
Chờ đến mùa đông
Chuyển tờ thư đi lạc
...
Phố Gia Hội bây chừ chắc đã khác
Có giống chăng là giống những ngày mưa
Người phu xe ít khách đạp về khuya
Trên đường vắng

Nơi lăng tẩm một màu xanh im lặng
Tiếng thời gian trôi qua
Hoa sứ rụng
Vô thường

Thuyền nhã nhạc đèn soi trên mặt nước
Thả hoa sen về bến dâng cung đình
Vua ngày xưa và hoàng hậu ngạc nhiên
Cho gọi hết vào triều phong tước báu

Trên gỗ trảm thời gian còn in dấu
Sau bình phong có những tiếng thở dài
Hàng chè tàu nghiêm nghị giữ hồn ai
Trong phép tắc

Áo bà ngoại gấm thêu màu nho thẫm
Còn dì tôi màu lục đứng khăn vàng
Tết tháng hai vẫn rộn tiếng cười vang
Vẫn rộn tiếng xâm hường
Trước sân hoa lài nở

Hoa lan đất thì thu về mới hé
Rước lồng đèn
Một dãy trước hàng hiên
Ba tôi thức tôi buổi sáng
Con ra xem
Người đông quá *

Mùa long nhãn râm ran đường Lục Bộ
Tiếng ve kêu
Ru ngủ
Những trưa hè

Đường đến trường phượng đỏ nắng vàng hoe
Tôi theo mẹ
Người xích lô đứng đợi

Không nói hết
Những gì còn muốn nói
Bởi lạc đường
Tôi về thấu
Tuổi thơ
..
ĐOÀN PHƯƠNG-MAI (France)
..

*  Mùa thu hoa lan đất nở dãy dài giống như những hàng người rước đèn.
..
...
...
.HUẾ VÀO THU
(tranh Như Quê, ĐK67)
..

Thursday, January 16, 2014

Tranh Thơ Như Quê 9

Xin giới thiệu TRANH THƠ NHƯ QUÊ 9:
..
....XUÂN ƯỚC MƠ
(Tranh Như Quê)
...
...
..XUÂN VỀ TRÊN ĐỒI THÔNG
(Tranh Như Quê)
.
XUÂN ĐỢI
  
Rất vội,
Chiều nay rất vội.
Đông tàn rồi, Xuân ghé ngoài sân,
Nắng bên thềm loan lối rêu phong
Vươn nhè nhẹ lên má hồng em gái
Đêm sương khói xua tan bóng tối
Xuân thẹn thùng vươn mái hiên nhà
Mẹ về phiên chợ làng xa   
Mang theo đầy ắp hương hoa đầu mùa
Em áo mới chưa xong nếp gấp
Anh vẫn còn bạc gót phương trời
Đường về mấy dặm xa xôi
Quê nhà Xuân đợi, anh mong lối về.
.

Thơ NHƯ-QUÊ (ĐK67, B4, C1)
(những ngày cuối năm)

Thursday, January 9, 2014

Rùng mình

(post lại)
...
...
RÙNG MÌNH

Tùng địa dũng xuất
(Pháp Hoa)
...
Người rùng mình hỏi vì sao động đất sóng thần cứ triền miên
hết ngày này sang ngày khác?
Vì sao núi lửa cứ phun trào?
Vì sao băng tan vì sao bão táp…?
Vì sao trẻ con người già bị cuốn trôi bị thiêu đốt
thành phố tan hoang cửa nhà đổ nát như món đồ chơi
của một đứa trẻ đang giận dữ
Vì sao và vì sao?…
...
Nhưng hãy lắng nghe
Dù trong giây lát
..
Trái đất cũng đang rùng mình tự hỏi vì sao
những ngọn núi cứ triền miên đổ sập?
vì sao những dòng sông nghẽn tắt?
vì sao những mủi đao cứ ngày đêm xoáy sâu vào lòng đất?
Vì sao chim rừng cá biển không chốn nương thân
Vì sao cổ thụ mầm xanh bị tận diệt
Vì sao lúa bắp phải cấy ghép gen người?…
Vì sao và vì sao?
....
Ta nương tựa vào nhau.
Nay có vẻ đã không còn cần nhau nữa!
Đất rùng mình phận đất…
Người rùng mình phận người
..
TÁC GIẢ: ĐỖ HỒNG NGỌC
2011..
..
(nguồn: trang nhà B S Đỗ Hồng Ngọc)
......

Ký ức tuổi thơ

....
thơ Diễm-Không-Xưa:

KÝ ỨC TUỔI THƠ
...
Tuổi thơ tôi là khung trời nhỏ
Là kỷ niệm dìu chiếc thuyền mơ
Theo dòng nhớ thương về chốn cũ
Thăm một tuổi hoa niên màu thơ
...
Ngày mới chào tiếng chim véo von
Vươn vai nhỏ, chân vội lon ton
Cặp trĩu nặng chào sương trên cỏ
Thoắt đên trường hoà đàn sáo con
..
Giờ tan học vội về với Mẹ
Thả mình trong tay Người chở che
Dạo phím đàn bài ca thơ trẻ
Chờ Mẹ khen con Mẹ giỏi ghê
..
Thuyền mơ theo ánh chiều dần lặng
Hoa giấy hồng chào nắng lướt nhanh
Mộng bay thăm trời sao lấp lánh
Chuyện tích xưa ru vầng trăng thanh
..
Thuyền mơ theo ngày hè phượng đỏ
Ép hoa rơi trang thơ học trò
Mộng thương mưa ngọc treo khung cửa
Cho tim hồng nhặt vội vào thơ
..
Ngọc rơi theo giấc mơ non trẻ
Đàn sờn mục, trăng sao ê chề
Mẹ đã xa, nhà hoa giấy mất
Tuổi thơ bay năm tháng lê thê
..
Thuở hoa niên đã xa vời vợi
Kỷ niệm nào khơi dòng thơ rơi
Để có khi sợi buồn giăng lối
Dòng thơ này vơi sầu trong tôi
..
D K X...
.....
....
..
......
........