Saturday, May 31, 2014

Diên-Hồng: những mảnh tình

(hình: Internet)
.
NHỮNG MẢNH TÌNH
..
Ôi thương quá những mảnh tình!
Vấn vương vương vấn theo mình khắp nơi
Ấp yêu những mảnh tình rời
Gom thành cả một khung trời nhớ thương
Mảnh vương trong nẻo đời thường
Mảnh rơi rớt lại trên đường tuổi thơ
Mảnh dành cho thuở mộng mơ
Yêu cô, yêu bạn ban sơ vào trường
Mảnh còn phảng phất dư hương
Gói vào ký ức yêu thương ban đầu
Giữa trang tập chỉ vài câu
Ân tình nồng thắm ghi sâu tâm hồn
..
“Tôi có một người em gái nhỏ
Tuổi mới mười ba, sinh giữa giao thời
Đôi má hây hây nguồn thơ mới
Ngực còn nho nhỏ như làn hơi”
Tình đầu trong trắng vừa chớm nở
Ghi dấu hẹn thề thắm ngọt môi
Sánh bước bên nhau chiều tan học
Nghiêng nón che đôi má hồng tươi
Tình ngây thơ, tình đẹp tuyệt vời !..
.......
.Nên
.
“Em cũng chỉ là em gái thôi
Tình em như tuyết giăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời”
..
Trở về chốn xưa thăm trường cũ
Quốc Học Đồng Khánh vẫn sánh đôi
Tên trường nay đổI thay tên mới
Người cũ tình xưa lỗI hẹn rồi!
Phảng phất đâu đây chuông Linh Mụ
Tháp cổ bao năm vẫn nhớ người.
..
Diên Hồng (Hoài Mai Phượng) ĐK67, B5, C2

thơ Tiểu Muội: vết chìm

.......
...........
VT CHÌM
...
mặt sông êm viên cuội trắng rơi
mặt nước òa khóc mãi không thôi
mặt sông êm . . .lại êm
vết chìm sâu
nỗi đau viên cuội nhọc nhằn
..
nỗi đau tôi chìm khuất
trong khoảng lặng xa xưa
mơ hồ trong tâm tưởng
dường như không phai mờ
..
vết chìm trong tôi
khóc mãi không thôi
biết tìm đâu
vết chìm sâu
tháng ngày còn mãi hư hao
..
viên cuội trắng nhỏ nhoi
vẫn âm thầm đáy nước
rong rêu bám rong rêu
thành nỗi niềm tê buốt
..
thơ Tiểu Muội 
(post lại)

Wednesday, May 28, 2014

Tạ lỗi với Thầy.

.Biển Galveston, Houston
(Photo: by N T)
...
BÀI VIT T L
CÁC THY CHU VĂN AN
...
TÁC GIẢ: VIỆT NGUYÊN

CVA NGUYỄN ĐỨC TUỆ

Mùa thu này, nghe tiếng chim gọi đàn, các đồng môn Chu Văn An lại cùng nhau quay về nhắc những chuyện vui buồn bao năm cũ.  Houston mùa thu thiếu những hàng cây lá vàng rụng xuống phủ khắp mặt đường,  Houston trải rộng, Houston xấu với khung cảnh trơ trụi như khung cảnh ngôi trường Chu Văn An xưa ở Sàigòn gần ngã sáu.  Ngôi trường khô khan thiếu những hàng cây dài bóng mát, sân trường nắng cháy thiếu một bóng cây.  Ngôi trường thiếu mất cảnh thơ mộng của trường Chu Văn An Hà Nội, đằng sau trường là trại gia binh, bên tay trái là cư xá sinh viên Minh Mạng, bên kia đường tay phải là bệnh viện lao Hồng Bàng trước mặt, bên kia đường là nhà thờ Ngã Sáu.  Bên ngoài ngôi trường trơ trụi nhưng bên trong đầy tình thầy trò và tình bạn.  Bốn mươi lăm năm sau ngày rời trường xưa, tôi không còn cái háo hức của những ngày đi học gần Tết làm báo xuân nhưng được bạn bè nhắc, cầm viết vẫn nghe tiếng lòng rung động.  Những chữ trường xưa, bạn cũ, dường như không thể phai mờ trong tâm thức, năm tháng qua, trong lòng vẫn còn vang động một tiếng trống trường xưa....

Tôi qua trường Chu Văn An từ Trần Lục.  Cha tôi đã không tin cậu con trai sẽ đậu vào Chu Văn An, ông khuyên tôi thi vào Trần Lục sau bốn năm đương nhiên tôi sẽ vào Chu Văn An hay Petrus Ký.  Trong thâm tâm tôi không thích trường Petrus Ký gần nhà, có lẽ một phần vì mặc cảm kỳ thị về ngôi trường có tên Tây hoặc vì tên Chu Văn An quyến rũ hơn.  Chu Văn An hiền thần, treo ấn từ quan, xin chém đầu bảy nịnh thần, một tinh thần Chu Văn An cương trực trong sáng đã thấm vào tôi trong những đêm ngồi đọc sách, cho nên tôi chỉ mong sau bốn năm Trần Lục tôi sẽ được đến truờng Chu Văn An dù trường xa hơn ngôi trường Petrus Ký gần nhà
.
Tôi không phải là một học sinh gương mẫu mặc dù vẫn được xem là học khá.  Vào Chu Văn An tôi mang theo học bạ Trần Lục với lời phê sau bốn năm học của ông hiệu trưởng Nguyễn Văn Ngọc: “Học mà không hạnh cũng chẳng nên người”.  Thầy Ngọc sau này được học trò Nguyễn Du ngưỡng mộ.  Những năm ở Trần Lục, ông dạy Việt văn và công dân giáo dục, trong đầu chúng tôi đầy ắp lễ nghĩa của Khổng tử, bài tủ mỗi năm, bắt đầu năm học, chúng tôi thuộc lòng: giỗ Tết phải kính trọng tổ tiên, khi cúng kiến phải ăn mặc tươm tất chỉnh tề, không mặc quần đùi thắp nhang!  Tôi chỉ có một tội giống như các bạn cùng lớp, nghịch phá, chọc ghẹo thầy, nhưng đối với thầy Ngọc tôi không thù oán, đọc lời phê bình của ông ngày đổi qua Chu Văn An lòng cậu học trò nhỏ cảm thấy đau.  Cùng lời phê, nếu ông mắng thẳng vào mặt chắc tôi không thấy đau bằng lời “bút sa gà chết”ghi trong học bạ.  Tội nặng nhất của tôi trong bốn năm học Trần Lục là tôi chọc thầy giám thị năm đệ thất, ông Vũ Văn Mốc.  Năm lên đệ lục, thoát được tù ngục của ông giám thị đầu sói hay gọi học trò bằng con, đi trong đoàn xe đạp tan học về đi ngang cổng trường thấy ông, tôi nghe lời bạn bè xúi dục đã hét lên hai chữ “Mốc Xì” rất to rồi đạp xe thật nhanh bỏ chạy.  Ông là người tâm địa hẹp hòi nhưng thông minh, ông nhận mặt và giọng nói của tôi trong đám đông.  Chiều hôm sau, mặc dù là giám thị đệ thất, ông lấy hình ảnh học bạ, đi lên lầu xin phép giáo sư đang dạy dẫn tôi xuống phòng giám thị tra khảo.  Tôi nhất định không nhận tội trong khi bị qùy gối ở hành lang hơn hai tiếng đồng hồ không được vào lớp học.  Đến giờ ra chơi một ông đàn anh đệ tứ trên tôi hai lớp đi qua thấy tôi bị qùy và ông giám thị Mốc đứng cạnh nói:  “nếu mày nhận tội thầy sẽ tha”, ông đàn anh thày lay khuyên tôi hãy nhận lỗi.  Hai tiếng qùy gối cộng thêm sự khuyên nhủ của đàn anh đã làm tôi mềm lòng nhận tội, kết quả là ông Mốc bắt tôi quỳ gối thêm cho đến cuối ngày và báo cáo với thầy hiệu trưởng để cho tôi hạnh kiểm xấu. Thầy Ngọc đã không chịu tìm hiểu thêm, còn tôi thay vì trở thành học trò ngoan thì tôi lại học được bài học đầu tiên trong đời: đã chối thì chối cho đến chết và không nghe lời đường mật của người lớn!  Tôi không thù ông nhưng tôi thấy nền giáo dục có vấn đề! Tôi có lỗI nhưng người lớn đã hứa thì phải giữ lời tại sao lại lừa con nít?
.
Ba năm học Chu Văn An so với bốn năm Trần Lục, đối với tôi, là ba năm hạnh phúc.  Các thầy giám thị nghiêm khắc, làm đúng bổn phận nhưng không thù vặt.  Thầy Biền biết bọn học trò “nhất qủy nhì ma” hút trộm thuốc lào khi ông vắng mặt nhưng không rình, không theo dõi để bắt tội.  Học trò Chu Văn An nổi tiếng ngỗ nghịch phá phách nhưng có tiếng thông minh học giỏi, tỷ lệ đậu nhiều và đậu cao.  Học trò Chu Văn An nổi tiếng “tếu”, “tếu” là cá tính của học trò Chu Văn An, chữ “tếu” khó định nghĩa.  Nếu “làm sao định nghĩa được tình yêu” thì chữ  “tếu” khó định nghĩa hơn, “tếu” có thể là khôi hài, là mỉa mai, “tếu” làm mọi chuyện nghiêm trang thành bình thường và buồn cười, “tếu” là nhìn cuộc đời không quan trọng, “tếu” là đặc điểm để học trò CVA không hề quen nhau nhưng sau khi qua phút đầu gặp gỡ đã nhận ngay ra là bạn đồng môn của ngôi trường trung học nổi tiếng ở Việt Nam. 
.
Thầy trò, anh em, bạn bè mời mọc nhau về Houston hạnh ngộ.  Năm 1975, tôi 25 tuổi, thuộc về giới trẻ, 38 năm qua tự mình thấy không còn trẻ, các thầy và các đàn anh “thất thập cổ lai hi” gặp lại không còn cảm giác “giờ chơi trong sân trường” của Nhã Ca mà là cảm giác “giờ ra chơi cuối cùng  “ của một người CVA, Du Tử Lê.  Trong giờ ra chơi cuối cùng này, tôi đến lúc cảm thấy phải tạ lỗi các thầy đáng kính đã chọn một nghề bạc bẽo nhất trong xã hội để đào tạo ra những thế hệ CVA xứng đáng trong xã hội.  Tự xét mình trong thời gian đi học không đạt được những thành tích Tam Ưu, Nhị Ưu như các bạn đồng môn vì tội của tôi trong các giờ học chỉ thích mơ màng nhìn ra cửa sổ, nhìn cuộc đời ngoài trường học và mơ thành người Quang Trung, nghịch ngợm phá thầy nhiều hơn là nghe lời thầy nên năm nay “lục thập nhi nhĩ thuận” viết những lời nghe trái tai nhưng mong các thầy nghe thuận lỗ nhĩ tha lỗi cho cậu học trò giỏi hay dốt cũng là do kết quả trồng người của các thầy.
.
Nếu trường Chu Văn An có nhiều thầy như các giáo sư Bùi Đình Tấn và Đào Văn Dương thì tôi không phải xin lỗi các thầy.  Chúng tôi được học sử địa với thầy Tấn và toán với thầy Dương.  Hai người là hai vị thầy gương mẫu.  Tôi đã viết về thầy tôi, giáo sư Bùi Đình Tấn, người thầy đáng kính ngày ông mất.  Ông nghiêm nghị, tận tâm, có cặp mắt khiến học trò nghịch ngợm CVA sợ mặc dù ông không hề mắng học trò bởi vì tự ông là một tấm gương sáng.  Ông không hay giảng “morale” nhưng ông thực hành những lời của Khổng tử, cuộc đời của ông và sự tận tâm của ông là tấm gương sáng cho chúng tôi.  Gần ngày thi, ông một giờ “thanh toán bảy nước” trong giờ Sử để chúng tôi chuẩn bị kịp cho kỳ thi mặc dù Sử Địa là môn không quan trọng trong kỳ thi tú tài ban toán.  Tôi không học thời thầy Việt làm hiệu trưởng nhưng thầy Tấn cũng là một hiệu trưởng giỏi.    Cuộc đời đưa đẩy, sau này ở Houston thầy trở thành bệnh nhân của trò.  Những năm ở cùng một thành phố, tôi vẫn tìm thấy nơi ông một con người chừng mực, gương mẫu, không giả dối.  Ông là một trong những độc giả trung thành của báo Ngày Nay do một người CVA Trương Trọng Trác học trò của ông điều hành.  Vào những ngày tháng cuối cùng của ông, tôi đã đến thăm thầy với tờ báo đầu năm, ông đã cầm tờ báo đọc  hết bài của tôi và tôi biết ông đã điềm đạm che dấu nỗi xúc động sau khi đọc câu kết luận bài của tôi:  “Cái đạo của người Quân tử bao giờ cũng cảm hóa được người khác dù đó là người học trò đang ở vào mùa thu trong cuộc đời”.  Ngày đám tang của ông, tôi đang ở Hoa Thịnh Đốn, đi trong Washington Momument Park với đàn anh  CVA Nguyễn Mạnh Hùng, được anh Trác tường thuật cho đến giờ thiêu, bài tôi viết về thầy được anh Minh, một CVA, con rể ông đọc, “giáo sư Bùi Đình Tấn không còn nữa” đốt theo với thầy.
.
Cuộc đời đưa đẩy, hai người thầy tôi kính trọng đều ở Houston.  Thầy Đào Văn Dương dạy toán năm đệ tam, người nghiệm nghị, đi vào lớp tay cầm cặp táp tay cầm điếu thuốc.  Học trò sợ thầy như sợ thầy Tấn, nhưng khác với thầy Tấn học trò sợ thầy Dương vì thầy hay mắng.  Thầy dạy tận tâm, xong giờ học bao giờ cũng có ba bốn bài đem về nhà làm.  Trong giờ học của ông học trò im lặng chú ý lắng nghe.  Sau này lớn lên nhất là lúc làm báo Ngày Nay, tôi biết thầy là một người thông thái, biết Âm Dương Ngũ Hành, ông viết bài về Kinh Dịch, Kinh Dịch là toán.  Cái môn toán tôi không ưa từ ngày chọn ban B, sau này đọc nhiều tôi mới cảm thấy toán là triết lý, là thơ như Freeman Dyson và các nhà toán học ở Princeton giải cũng như triết gia Bertrand Russell là nhà toán học nổi tiếng.  Những ngày cuối năm, chúng tôi những học trò già CVA, Trác,Trân, Liễn, Hạo hay đến Tết thầy, giữ tục lệ xưa và nghe thầy kể lại những câu chuyện cũ.  Năm nay thầy trên 90, tôi gặp thầy chỉ biết cám ơn những kiến thức thầy đã truyền lại nếu có xin lỗi thầy thì chỉ biết xin lỗi là con dốt về môn toán nhưng không phải lỗi vì thầy. 
.
Người thầy tôi phải xin lỗi đầu tiên là giáo sư Trần Đình Ý.  Ông dạy Việt Văn.  Những câu chuyện phá phách thầy như treo xe đạp kéo lên ngọn cờ là câu chuyện bình thường từ năm này qua năm khác.  Thầy là một người rất tỉ mỉ và cẩn thận.  Nhà ông ở khu Bàn Cờ, gần chùa Kỳ Viên Tự, mỗi ngày ông đạp xe đạp đến trường CVA dạy, đến ngã tư ông cẩn thận xuống xe, dẫn xe qua ngã tư rồi mới bước lên xe đạp tiếp, tôi tự hỏi từ nhà ông đến trường có bao nhiêu ngã tư? Năm 1966, thầy bị  gãy chân được con thầy là CVA Trần Đình Đôn đưa đến GS Trần Ngọc Ninh (cũng học trò CVA, trường Bưởi) bó bột, ông rất cẩn thận giữ bột sạch sẽ bằng cách lấy bao Nylon bao bên ngoài, học trò nhìn chân thầy ngó nhau tủm tỉm cười.  Ông giảng bài với cua ronéo in sẵn, đoạn nào quan trọng có thể là đề thi “tú tài một” ông bắt chúng tôi gạch dưới đánh số sao đến ba sao là quan trọng nhất, chúng tôi đặt biệt danh thầy là “ông ba sao”.  Mỗi lần ông hỏi bài bắt học trò đọc từ cua ronéo của ông, cũng đúng bài đó mà học trò cưng của ông như Phú bạn tôi học bên cạnh lớp B1 thì ông cho 18 điểm còn tôi thì ông tìm cách trừ điểm tối đa.  Ông có lẽ ác cảm với tôi vì tôi hay nghịch.  Giảng thơ Kiều đến câu “sè sè nắm đất bên đàng, dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”  thì cậu học sinh nào cũng biết là nàng Kiều đang ngồi bên lề đường nhưng giảng thơ Lục Vân Tiên:   “khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai” thì ông chờ học trò giảng Khổng Tử, nam nữ thụ thụ bất thân, chỉ có tôi hôm ấy hứng chí giảng ẩu “không phải vậy thầy ạ, sau khi đánh cướp, Vân Tiên quần bị tụt phải sửa soạn lại y phục không cho Kiều Nguyệt Nga ra xe vội phải nhìn cảnh kém thuần phong mỹ tục.” Hồi nhỏ tôi không hiểu tại sao ông lại ghét thiên tài văn học như tôi nhưng hôm nay cầm viết , tôì xin tạ lỗi với người thầy quá cố và với anh Trần Đình Đôn của tôi.
.
Giáo Sư lý hóa Lê Văn Lâm là một người nổi tiếng, ông đã viết sách lý hóa, cuốn sách được học sinh các trường trung học ở Việt Nam dùng.  Có lẽ ông giỏi nhưng ông không dạy gì cả.  Sau ngày cách mạng 1 tháng 11 năm 1963 lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm học sinh các trường cũng nổi máu cách mạng đòi thay đổi các giáo sư trong trường, giáo  sư Lê Văn Lâm là một trong những người thầy bị học sinh CVA phản đối.  Tôi không thich toán lý hóa lắm, học thầy Lâm tôi lại càng chán lý hóa.  Ông không dạy, chỉ câu giờ, học về động lực học và vector tôi chỉ thấy ông nói trời nói trăng, đứng cạnh cửa ra vào của lớp học, lấy tay đẩy cửa để giảng vector, nếu lấy tay đẩy cạnh cửa thì dể còn đẩy ở trong gần bản lề thì khó, vector dài và ngắn của ông khó tưởng tượng được.
.
Một hôm vào giờ vật lý, như thường lệ, ông đi lên đi xuống từ bục giảng bài, nói trời nói đất cho hết giờ học.  Ông đến từng bàn học hỏi “lớn lên em sẽ làm gì?” Tôi ngồi bàn thứ nhì, dãy bên tay trái.  Ông bắt đầu từ bàn đầu, đi qua bàn giữa, đến bàn bên phải.  Các bạn tôi người thì sẽ thành kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo v.v… đến tôi, ông chờ đợi một câu trả lời giống như các bạn thì tôi buộc miệng:  “lớn lên em lấy con gái thầy”, tôi trả lời câu ấy vì tôi muốn trả thù thầy đã không chịu dạy chỉ câu giờ chứ tôi hoàn toàn không biết ông có con gái. Thầy Lâm tôi trong suốt cuộc đời dạy học ở CVA, nhiều lần hỏi câu hỏi ấy trong nhiều năm, nhưng ông đã sững sờ chết đứng như Từ Hải không phản ứng, không mắng không la, đi về lại bàn trên bục gỗ ngồi cho đến hết giờ học.  44 năm sau, ngày họp lớp 68 tại Saigòn nhỏ California, các bạn tôi còn nhớ giai thoại để đời của thằng bạn lếu láo cùng lớp và Nhân đã làm bài thơ tặng tôi.
“Sỹ Tuệ ngày xưa thích nghịch rong
Hỏi thầy “cô nhà mới sinh xong?”
Thưa thầy, con trai hay con gái?
Mai sau, “con lấy con thầy, có được không?”
.
Thầy Lâm mất ở California hơn hai năm.  Từ ngày rời trường CVA đến khi qua Mỹ tôi chưa hề gặp lại.
.
Học sinh CVA nổi tiếng nghịch và học giỏi, nhân ngày hội ngộ CVA sắp đến tôi có hai người đàn anh thân đã hỏi tôi cùng một câu hỏi.  CVA giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng ngồi với tôi ở quán café Bambú khu Kim Sơn ở Houston hỏi: “hồi Tuệ đi học các thầy có dạy không?” Còn CVA Bác sĩ giáo sư y khoa Nguyễn Lương Truyền hỏi “các thầy có dạy Tuệ toán không?  Hồi đó bọn mình tự học chỉ có thầy Nguyễn Văn Phú dạy.”  Đồng môn, đồng hội, đồng thuyền.  Cái bí mật và bí quyết của trường CVA là học sinh tự học.  Các thầy hướng dẫn bắt làm bài, nhờ tự học mà học sinh CVA lên đại học thành công.  Năm đệ nhất làm ban đại diện CVA, tôi ngồi ngoài đường, ngồi trước nhà thờ uống nước dừa, uống nước sinh tố nhiều hơn ngồi trong lớp, trong tay có cuốn sổ điểm danh  do thầy tổng giám thị Nguyễn Văn Nhì cho phép tôi ghi những ngày nghỉ học vì “công vụ” cho nên tôi không bị rắc rối, chỉ vào lớp những môn học chính cho nên thầy Tấn mới quên mặt tôi.
.
Tôi không học toán với giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, ngày tôi vào CVA ông giáo sư mặc quân phục đại tá vào trường dạy toán hình học không gian không còn dạy toán ở CVA nữa.  Tôi mê ông từ khi đọc cuốn “Đời phi công” câu chuyện lôi cuốn thế hệ trẻ chúng tôi, chuyện giống như những chuyện của nhà văn Pháp St Exupery, những chuyến bay đêm và những chàng phi công, những lá thư tình gởi cho Phượng, cái tên Phượng quyến rũ như những cánh phượng vỹ đỏ mùa hè rực rỡ hai bên đường của những ngày đi học đã khiến bao chàng trai đậu tú tài đi vào không quân.  Cái tên Phượng quyến rũ đã đi vào văn học trong chuyện “Người Mỹ trầm lặng” của Graham Greene.  Chúng tôi học toán với thầy Phúc, chúng tôi gọi là thầy Phúc mập, năm đệ tam.  Ông là nạn nhân của chúng tôi.  Ông dạy không có gì là xuất xắc nhưng tận tâm chỉ có cái tội là hay la rầy học trò.  Bọn học trò đệ tam B2 (65-66) đã đồng lõa chọc khi thầy quay lưng lên bảng đen là nói nhỏ nhưng to  vừa đủ để thầy nghe “mấy người mập thường thì cái đó nhỏ!”.  Ông nghe được đỏ mặt quay lại nhưng không biết thủ phạm là ai, vả chăng cũng khó bắt lỗi cái đó là cái gì.  Thầy còn trẻ có lẽ vẫn còn sống không biết đang ở đâu nhân dịp hội ngộ CVA em xin thay mặt lớp xin lỗi thầy.
.
Năm đệ nhất chúng tôi học toán với hai giáo sư trẻ tuổi Đinh Đức Mậu và Hà Xuân Châu.  Trong hai người thầy Mậu nổi tiếng hơn, nổi tiếng cả trong giới dạy tư ở Sàigòn còn thầy Châu thì nhỏ nhẹ như con gái.  Hai ông không giống như giáo sư Bạch Văn Ngà dạy toán cho các lớp B anh văn chuyên trị bọn CVA trốn học giờ ra chơi lén chạy qua Trưng Vương nhìn trộm gái, chỉ nhìn và trách “nàng hư quá, sao mà kiêu” (thơ thầy CVA Nguyên Sa) nhưng về trường thì khoe thành tích để thầy B.V. Ngà trừng trị bằng cách cho thi  ngay sau giờ ra chơi, gần cả lớp bị đánh rớt
.
Giáo Sư Đinh Đức Mậu là người tôi mến chuộng không phảì vì tài dạy toán.  Tôi không thích lối dạy câu giờ của ông, môt bài dạy ở CVA hơn một tiếng, giọng cố tình lè nhè kéo dài:  “theo định lý Py..tha..gore..ta…có” chữ “có” ngân cao lên ( tôi thích giáo sư Tiên dạy lý hóa hơn, ông có môi thâm vì hút thuốc nhưng học trò đồn thầy “ngả bàn đèn”. Dạy đến các định lý ông sẽ phiêu diêu: theo…tiên sinh…Ampère: có nói, thay vì theo định luật Ampère).  Cùng một giờ ra dạy ở trường Hưng Đạo của giáo sư Nguyễn Văn Phú, ông dạy ba bài.  Nhiều người thích ông Mậu có lẽ bất đồng ý kiến với tôi nhưng ông là nguồn cảm hứng cho tôi chọc phá.  Ông có tật mắt lé, mỗi lần ông nhìn học trò là cả bọn đoán xem ông nhìn đứa nào.  Tôi biết tật của ông cho nên trong Binh Thư Tôn Tử dạy: “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” mỗi khi ông nhìn xuống bàn, tôi ngồi bên cạnh Lại Văn Chung, tôi biết ông nhìn tôi nhưng tôi thúc Chung lên bảng trả bài, “thầy kêu mày đó” bạn tôi bước lên là ông nổi giận cãi với Chung.  Còn khi nào tôi không làm bài vào lớp thấy ông nhìn xuống tôi tức là muốn chỉ người bên cạnh thì tôi hùng dũng bước lên bảng, cầm phấn chờ thầy ra câu hỏi toán để giải, thầy giận mắng “mày đi xuống, thằng mất dạy tao đâu có gọi mày”.  Ông giáo sư toán trẻ hay giận, mỗi lần giận thì hay phát ngôn nhiều câu lạ như có một lần ông mắng một bạn cùng lớp không ăn mặc đồng phục “thằng kia sao hôm nay ăn mặc như Astro boy”, năm ấy phim hoạt họa Astro boy nổi tiếng nhưng khi giáo sư Mậu mắng Astro boy thì cả lớp thấy ông mất hết vẻ nghiêm trang.
.
Năm đệ nhất tôi không thích toán, chọn ban B tôi lại thề là sau khi đậu “tú tài hai” tôi sẽ chọn môn khoa học nhân văn, tiếp xúc với người, giải đáp những vấn đề của con người lý thú hơn là giải một bài toán.  Triết hấp dẫn tôi mặc dù lối dạy triết ở trung học rất hàm thụ và nền giáo dục triết lạc vào mê lộ chữ nghĩa như ngày đầu khi học luận lý học (logic) học sinh đã ngỡ ngàng, nếu là lý luận học thì có lẽ những anh chàng học trò hay cãi đã có thể thấy triết không khó.  Năm đệ nhất chúng tôi không được học triết với giáo sư Trần Bích Lan, giáo sư triết nổi tiếng, ngoài đời là thi sĩ Nguyên  Sa.  Tôi gặp ông ở trường tư Văn Học thì thấy triết gia cũng là một người bình thường có thùng nước lèo hơn là một Socrate khắc khổ với tam đoạn luận “con người sinh ra ai cũng chết, ta là người nên ta cũng chết”
.
Giáo sư triết của chúng tôi là Trần Đức An, người khó tánh không thích đùa không ưa học trò.  Một hôm bọn trong lớp chúng tôi ồn ào nên ông đã không dạy.  Gần kỳ thi, triết là môn quan trọng vậy mà vào lớp ông ngồi yên, không nói, không dạy hết một giờ.  Qua bốn buổi như vậy, cuối cùng ông bảo chúng tôi có muốn học không?  Tôi đã trả lời với ông “môn triết chỉ cần về nhà học bài đọc sách là có thể đi thi”.  Ông giận lắm nhưng tôi không bị phạt vì chính ông cũng đã đi quá đà trong việc dạy cho bọn chúng tôi một bài học.
.
Năm mới vào đệ tam CVA (65-66), chúng tôi đã may mắn có những người thầy trẻ tuổi.  Thầy Dư dạy anh văn, sinh ngữ hai cho lớp Pháp văn, đã làm chúng tôi thích học anh văn, với giọng Mỹ chứ không phải giọng Anh.  Ông giảng say mê, từ một chữ chúng tôi học thêm nhiều chữ đồng âm, đồng nghĩa.  Vui nhất là được học những bài hát như Clementine, Silent night, vui như những đêm ca hát ngoài lửa trại hướng đạo.  Ông không lớn hơn chúng tôi bao nhiêu nên sự thân mật đã làm chúng tôi cảm mến, học trò kính mến ông và rỏ ràng là làm thầy giáo muốn được học trò thương, kính mến thì không cần phải nghiêm nghị xa cách.
.
Người thầy trẻ khác được chúng tôi kính trọng là giáo sư vạn vật Nguyễn Văn Long.  Cuốn sách giáo khoa vạn vật của Nguyễn Văn Long và Đỗ Danh Tẩm nổi tiếng thời ấy.  Ông dạy rất tận tình mặc dù vạn vật là môn phụ.  Kiến thức của ông làm chúng tôi say mê ham học.  Dạy địa chất đất đá khô khan nhưng những tài liệu mới như phi thuyền cơ quan NASA lên mặt trăng được ông theo dõi và dạy lại học trò.  Gần ngày thi, ông đã vào dạy ngày chúa nhật để bắt kịp với chương trình, học trò nào cũng yêu ông vì sự tận tâm, yêu nghề và kiến thức.
.
Ông dạy thực vật, cuối giờ bao giờ ông cũng cho học trò đặt câu hỏi.  Hôm ấy dạy xong đến khi đặt câu hỏi, ông bạn thân nhất của tôi từ đệ thất Trần Lục Nguyễn Mạnh Hùng dơ tay lên hỏi rất nghiêm trang: “Thưa thầy cây đa có củ không ạ?”.  Thầy Long khựng người, đứng yên lặng, ông là người thông minh hỏi lại ngay Hùng:  “tôi biết anh không có khả năng hỏi câu này.  Có phải Tuệ xúi anh không?” Hùng là người học giỏi nhất lớp từ đệ thất lên đệ nhất, tôi và Hùng hay học bài chung, Hùng chỉ tôi toán tôi chỉ Hùng pháp văn, nhưng anh chàng học giỏi nhất lớp chẳng biết chuyện gì ngoài chuyện học.  Bị thầy hỏi Hùng sợ quá vội vàng quay ra sau chỉ tôi nói: “dạ đúng là Tuệ xúi em hỏi câu này thầy ạ!” Thầy Long nhìn tôi cười hỏi: “có phải em muốn nói đến câu thơ của bà Đoàn Thị Điểm: “cho cả cành đa lẫn củ đa” không? “Thầy trò nhìn nhau cười, ông rộng lượng không phạt tôi.
.
Văn chương chữ nghĩa thì chúng tôi học được từ giáo sư việt văn Đỗ Qúy Toàn, cũng là đất đá ông thầy trẻ tuổi đã dạy học trò câu trong Cung Oán Ngâm Khúc: “cỏ cây cũng muốn động tình mây mưa” cho thấy sắc  đẹp nàng cung nữ và câu này còn hơn cả dâm thư….playboy.
.
Ông thầy Toàn trẻ tuổi cũng tận tâm với nghề nghiệp, gần ngày thi cũng giống ông Long, mặc đồng phục hướng đạo khăn quàng Bạch Mã vào trường ngày chúa nhật để dạy rút cho kịp ngày thi.  Ông là giáo sư hướng dẫn được học trò thích.  Ông thầy trẻ cũng là trưởng hướng đạo của tôi, về sau thầy và học trò là tôi trở thành bạn và anh em nhưng năm đệ tam ấy ông thầy trẻ để lại cho tôi một kỷ niệm.  Bài luận văn tả “con gà trống” của tôi được chọn để đọc cho cả lớp nghe nhưng khi đang đọc ông nổi hứng nói cho lớp sau khi ngưng lại một đoạn: “phải bớt điểm cậu này, tại sao nó có thể viết như thế này “cái hứng bất tử ấy làm tôi mất 3 điểm về hạng ba.  Mãi đến những năm 2000 sau này tôi mới hiểu, nhà báo Ngô Nhân Dụng đã có con mắt tinh đời, biết tôi sẽ viết báo nổi tiếng nên đã dìm tài Việt Nguyên từ năm tôi 16 tuổi! Năm 2008, ra mắt sách “Từ bàn viết Houston” ở tòa soạn báo Người VIệt, tôi đã trả được mối thâm thù với ông thầy cũ trung học: “đọc văn Việt Nguyên nếu quí vị thấy văn chương lơ mơ lờ mờ tối tăm, khó hiểu thì qúi vị cũng rõ đây là kết qủa của một năm học việt văn đệ tam trường Chu Văn An với thầy tôi….giáo sư Đỗ Qúy Toàn”
.
Cuối cùng phải thành thật xin lỗi các cô dạy ở CVA.  Đã là nghề bạc bẽo thì nghề về CVA làm thầy giáo của các cô là nghề bạc bẽo nhất, bị học trò trêu ghẹo các cô xin đổi đi trường khác.  Năm 68, tôi làm ban đại diện, buổi chiều xuống thăm các lớp đệ nhị cấp, đi qua lớp của một cô đang dạy, bọn đàn em đệ lục đã phát ngôn thiếu giáo dục cho cô giáo nghe “anh ơi, anh đẹp trai sao anh không “cua” cô đi!”
.
Năm 68, năm tôi ra trường là năm Mậu thân, một năm giặc giã vì Việt cộng tấn công vào Saigòn.  Tôi làm ban đại diện vào năm ông chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương Nguyễn Cao Kỳ đến thăm trường.  Ngôi trường năm ấy theo tình trạng đất nước  cũng đã mất khung cảnh cần thiết của trường học.  Thầy Nguyễn Xuân Quế hiệu trưởng và thầy Nguyễn Văn Nhì đã gọi tôi lên sửa lại bài diễn văn, yêu cầu cắt bỏ phần tố cáo tham nhũng.  Sân trường năm ấy là trại tạm cư, tôi vừa sinh hoạt, vừa xem trại tạm cư, gần gũi với hai ông hiệu trưởng và tổng giám thị.  Một hôm hai ông cùng hỏi tôi: “tốt nghiệp xong em định học nghành nào?”. Tôi trả lời sẽ học y khoa khiến hai ông cùng nhìn tôi cười.
.
Nhờ may mắn, tôi vào y khoa.  Trong bảy năm học từ nhà đến trường y khoa, tôi đi qua ngôi trường CVA mỗi ngày, nhìn thấy sự thay đổi cho đến năm 1975 trường bị xóa tên.
.
Năm 1995, tôi có dịp về thăm Saigòn, đứng chụp hình trước cửa ngôi trường cũ. Ngôi trường giờ đây giống như Sàigòn, thay tên, đổi chủ, mang bảng hiệu mới, có còn chăng đây là những kỷ niệm và hương thời gian lắng đọng
.
Việt Nguyên.

(Ngày đại hội Chu Văn An toàn cầu 2013)

Tuesday, May 27, 2014

thơ Tiểu Muội: nắng

...
..
NẮNG
..
Nắng nghiêng nghiêng chiều hôm
Mặt trời dường như lạnh  
Cuộn trong chăn mây tròn
Nắng không buồn lấp lánh 

...
Nắng không reo bình minh
Nắng trong sương vô tình
Long lanh bờ cỏ hẹp
Nắng như người chông chênh 

..
Nắng đi ngang mái nhà
Sợi vàng màu cỏ úa
Nắng buồn như mùa hạ 

Không cánh phượng đỏ cây
...
Nắng rơi trên bờ vai
Nỗi buồn rơi nhè nhẹ
Nắng thở dài khe khẽ
Hát vu vơ nắng
gầy
...
Đi về phía mặt trời
Nắng chạy quanh chỗ trú
Có ai vừa mê ngủ
Quanh vũng đời mông mênh

..
Rồi nắng cũng nhẹ tênh
Chênh vênh đồi xa tắp
Khép đôi mắt mặt trời
nắng dừng trong ngõ khuất

...
Tiểu Muội.
..

Thursday, May 22, 2014

Tranh Thủy Thạch Dát Vàng

Xin giới thiệu một vài tác phẩm của PHẠM BÁCH PHI, người họa sĩ một thời được giới thưởng ngoạn Bắc Cali biết đến qua những bức tranh "dát vàng" rất lạ của anh....
....
  DÁNG XUÂN
(tranh Phạm Bách Phi)
..
VÀI HÀNG VỀ PHẠM BÁCH PHI:
..
Họa sĩ Phạm Bách Phi, sinh năm 1945, tại Hà Nam Bắc Việt, xuất thân trường Đại học Kiến trúc Saigon. Học hi hoạ với danh họa Tú Duyên. Anh là người sáng tạo “Tranh Thủy Thạch Dát Vàng” - Goldleaf Lacquer tại San Jose từ năm 1982, mà một thời được mọi người biết đến và nồng nhiệt ủng hộ trong những lần triển lãm thường niên của anh tại "Hội Tết Fairground San Jose".
Những tác phẩm nổi tiếng của anh là “Dân Tôi Nước Tôi”, “Quang Trung Đại Phá Quân Thanh” kích thước 4’ x 8’ và tác phẩm “Tức Tưởi” tranh Collage, dán bằng tiền VNCH và giấy báo cũ....

Bức “Dáng Xuân” là 1 trong 4 tác phẩm thuộc chủ đề “Ca ngợi thiếu nữ Việt Nam” vẽ năm 1985 bằng màu nước.
.

Wednesday, May 21, 2014

Quỳnh-Diêu: Nhím


NHÍM
..
TRUYỆN NGẮN của TÔN NỮ QUỲNH DIÊU (ĐK 71)
..
Buổi trưa đầu mùa hạ ở tỉnh lẻ thật yên lặng, lâu lâu mới có một cơn gió nhẹ thoáng qua mơn trớn mấy bụi trúc trước hiên nhà.  Vài con bướm vàng nhỡn nhơ đùa giỡn với dăm ba vồng cải hoa vàng nở rộ, vẫn không xua tan được nỗi mệt mỏi, chán chường của Nhím.
..               
Hai đứa con đang chơi ô làng dưới tàng cây trứng cá lại cải nhau chí chóe với tụi nhỏ trong xóm, Nhím nhủ thầm ước gì mình được trở lại thời vàng son thuở ấy.  Hai đứa nhỏ roi roi nhưng dễ thương, ai cũng khen sao mụ bà khéo nặn, con giống cả cha lẫn mẹ là điều hạnh phúc, tốt lành.  Tuy nhiên, mỗi lúc ôm con vào lòng Nhím lại thấy thấp thoáng đâu đó bóng hình ngày xưa.  Nhím thở dài, mới có mấy năm thôi mà tưởng chừng lâu lắm.
..
*****..
Ngày nào cũng phải vật lộn với mấy bài toán chưa giải được làm Nhím bực cả mình, mà nói cho phải tội có bao giờ Nhím giải xong một bài nào đâu.  Hình như cái đầu của Nhím nó dị ứng với mấy con số hay sao ấy.  Chả vậy mà học bạ lần nào mang về cũng bị cô giáo phê học không đều làm ba mẹ bực mình không ít.  Cái đầu của Nhím là hai thái cực, môn Quốc văn bao giờ Nhím cũng được điểm cao, thuộc hạng giỏi.  Hầu như bài luận văn nào chỉ đọc qua đề bài là Nhím có thể viết một cách dễ dàng, ý tưởng dồi dào, trong sáng.  Mỗi lần phát bài cô giáo đều khen và còn đọc cho cả lớp nghe nữa chứ.  Vậy mà không hiểu sao riêng môn Toán, Nhím dốt ơi là dốt.  Dì Út thường bảo "dốt đặc cán mai" tức dốt tệ.  Anh Hậu còn thêm "con nhỏ nầy không hiểu sao cũng lọt vô được GL, chắc "chó ngáp phải ruồi", làm Nhím giận tím cả mặt.
..
Mà cũng lạ, bầy con của mẹ, bốn trai, năm gái chứ ít sao, ai cũng học giỏi đều, chẳng có ai làm phiền ba mẹ như Nhím.  Thế là mẹ cứ đem chuyện dốt toán của Nhím để hỏi tìm người dạy kèm làm Nhím "nổi tiếng" hồi nào chẳng hay.
...
Có lần bực quá, Nhím cằn nhằn, cũng tại mẹ, ngày xưa mẹ ăn thiếu món gì đó làm... chất xám của con lu mờ.  Mẹ cười bảo, con nhỏ nầy, thôi để mẹ kiếm thầy dạy kèm cho con.  Và thế là không biết bao nhiêu thầy rồi mà Nhím dốt vẫn hoàn dốt.  
..
Bữa nọ anh Hậu - con dì Hai -  nói chuyện với mẹ "dì đừng lo, con có thằng bạn thân học chung từ hồi tiểu học, con nhà tử tế, nó giỏi toán số một, hiện đang học ở Kiến Trúc với con.  Con có nói qua chuyện con Nhím, nó muốn đến coi con Nhím dốt đến cỡ nào, nó sẽ trị cho.  Thằng này cũng là dân đai đen Karaté đó, con Nhím mà lộn xộn không chịu học, bướng bỉnh để nó ký đầu chắc cả tháng vẫn còn sưng. 
..
"Xí, chưa chi đã hù, hừ để coi", Nhím lầu bầu.
...
Chưa gặp mà Nhím đã thấy ghét ông bạn của anh Hậu quá chừng.  Thế là một buổi trưa, đang ngồi đong đưa trên võng, gió hiu hiu, cắn một miếng ổi xá lị dòn tan, chấm thêm tí muối ớt ngọt lịm, thật là ngon đáo để.  Bỗng có tiếng gõ cửa, con Bồ câu chạy ra, rồi lại phóng vào vừa thở vừa nói "Nhím ơi, Nhím ơi, có ai hỏi Nhím", Nhím đi lên nhà trên, tay còn cầm miếng ổi, thì ra người khách đó chẳng ai xa lạ, chính là người Nhím không bao giờ muốn gặp -  bạn anh Hậu -  sẽ là thầy của Nhím. 
...
Đứng trước mặt Nhím là người con trai dong dỏng cao, dáng vững chải, mặt mũi sáng sủa, đặc biệt là đôi mắt sâu thăm thẳm trông rất quyến rũ.  Nhím đang lúng túng vì miếng ổi còn trong miệng, thì hắn đã tự động kéo ghế ngồi xuống, còn mời Nhím ngồi và lên giọng "anh tên là Chuyên, bạn của Hậu, Hậu đã cho anh biết nhiều về Nhím, và nhờ anh đến giúp Nhím về môn toán.  Anh thì rất cù lần, bạn anh là sách vở, vì vậy mà anh muốn Nhím phải coi việc học là trên hết, chú tâm vào bài vở, vì chương trình toán năm Đệ tứ không phải dễ.  Ngày mai sẽ bắt đầu, bây giờ anh về.”  Nhím lẩm bẩm, hà, cù lần, cái tên nghe ngộ ngộ.  Và thế là tên Cù lần có từ đó.
..
Kể ra thì anh chàng Cù lần cũng chịu khó và kiên nhẫn với Nhím thật.  Suốt mùa hè năm đó Nhím phải ở nhà mỗi buổi sáng để học toán với Cù lần.  Sau khi coi tập vở và bài làm của Nhím, Cù lần bảo Nhím bị mất căn bản khá nhiều.  Vậy là mỗi ngày Nhím phải bỏ ra một giờ để ôn lại từ đầu mấy điểm chính.  Trong lúc tụi bạn đang nhỡn nhơ vui chơi thì Nhím lại phải bó mình với bộ mặt khó đăm đăm của Cù lần.  Có bữa nọ, cũng vì cái tính bướng bỉnh bất tử của Nhím làm Cù lần nổi giận, ký đầu Nhím.  Thật ra chẳng có gì đau, Nhím chỉ muốn hù Cù lần cho bỏ ghét "hu hu, đau quá, chết rồi, chắc bể đầu rồi, ui da, sưng một cục to như cái hột gà rồi."  Vậy mà Cù lần còn bồi thêm "chưa đâu, ngày mai nó sẽ lớn bằng trái bưởi bây giờ."
...
Tức thật, tối lại Nhím lục tìm cuốn sách Vạn Vật cũ ngồi vẽ lại hình một con Nhím xù lông nhọn hoắc, hai con mắt thì quắc lại, cái mỏ chu ra.  Nhím còn ghi thêm "Cù lần và Nhím là hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau tại một điểm.  Sợ chưa."  rồi lén bỏ vào trong tập sách của Cù lần.  Vậy mà Cù lần làm như chẳng có gì bận tâm, còn trêu Nhím bằng cách lồng cái hình ở phía ngoài bìa plastic của cuốn tập, rồi còn nhìn Nhím cười cười thật khó hiểu, làm Nhím tức chết được.  Chưa lúc nào Nhím thù ghét Cù lần bằng lúc nầy, ước chi có phép thần thông Nhím sẽ hô biến một cái cho đỡ tức.
...
Chiều thứ bảy, đang ngồi nghĩ cách nào để trả thù Cù lần thì Bồ câu mang vào một bịch me cam thảo bự, nó bảo anh Chuyên gởi cho Nhím.  Hừ, có vậy chứ, Nhím chia cho Nai, Sóc, Thỏ, Bồ câu, ai cũng khen Cù lần tốt bụng, đâu ngờ đây là của hối lộ cho Nhím.
...
Cù lần có cách dạy coi vậy mà hay, chỉ trong vòng ba tháng hè ôn tập mà Nhím tiến bộ thấy rõ, Nhím không còn tự ti vì dốt toán nữa.  Vào niên học mới, có hôm toán của Nhím còn được điểm cao nữa kìa, thật không ngờ, ba mẹ rất vui và "nể" Cù lần quá đổi.  Thấy vậy con Sơn Hà bạn Nhím cũng xin thọ giáo với Cù lần, nó rất chăm ngoan chứ không bướng như Nhím. 
..
Có hôm nó bảo: 
 Ê mầy, tao thấy anh Chuyên không những dạy hay mà trông ảnh còn "hay hay" nữa. 
Nhím hỏi nó:
 Hay hay là sao?
Nó ởm ờ: 
 Mầy thấy anh Chuyên có đôi mắt sâu đẹp chết người chưa.
 Mầy là con nít ranh, mới bây lớn đã biết khen mắt con trai đẹp. 
Nó cười: 
- Thì tụi mình cũng trăng tròn rồi chứ bộ.
  ...         
Thời gian vẫn trôi, Nhím sống êm đềm bên cạnh những người thân và bạn bè, mặc dù cuộc chiến ngày càng gia tăng nhưng Saigon vẫn tấp nập, tràn đầy sức sống.  Thế rồi, sau buổi học chiều, Cù lần báo cho Nhím và Sơn Hà biết là anh đã xin ghi danh tình nguyện vào trường Võ Bị Đà Lạt, tháng tới Cù lần sẽ lên đường.  Con Sơn Hà nghe xong khóc hụ hụ, anh đi rồi ai dẫn tụi em đi ăn kem.  Con nầy sao mà vô duyên quá chừng.  Nhím thấy hụt hẫng thật nhiều, không ngờ có ngày Nhím lại phải xa Cù lần
...
Hôm anh Hậu đến nhà, mẹ bảo "dì thấy thằng Chuyên học giỏi vậy mà sao nó lại bỏ đi lính chi cho khổ."  Anh Hậu nói "nó thích ngôi trường đó từ lâu rồi dì à.  Lâu nay ông bà cụ không bằng lòng nên nó phải nán lại, rốt cuộc rồi cũng phải chìu theo ý nó."  Nhím thì nghĩ Cù lần sao ...  khờ quá, khi không lại mang thân vào chốn lửa đạn làm gì cho khổ, có cho kẹo Nhím cũng không dám.
...
Để tiễn Cù lần lên đường, mẹ nấu một nồi phở bò, có đủ tái nạm gầu gân sách, còn có hành chần, giá, và nước béo nữa, và đủ thức ăn ngon.  Tất cả bạn anh Hậu đều có mặt đông đủ.  Mọi hôm Nhím vẫn là đứa háu ăn nhất nhà, vậy mà không hiểu sao hôm nay Nhím cứ thấy nghèn nghẹn ở cổ, nuốt chẳng trôi.  Lúc tiễn Cù lần ra cửa, anh vỗ vai Nhím và bảo "ở nhà chóng ngoan, ráng học, anh sẽ viết thư cho Nhím, nếu bài học có chỗ nào không hiểu cứ viết cho anh."  Nhím chỉ dạ nhỏ và chúc anh đi bình an.
...
Từ ngày Cù lần đi xa, Nhím thấy như thiếu cái gì đó.  Nhiều hôm tan học, Nhím ghé qua Chùa Xá Lợi lễ Phật và cầu nguyện đức Quan Âm Bồ Tát gia hộ cho Cù lần.  Nhím bảo Sơn Hà "Cù lần đi rồi tao thấy như ăn me cam thảo thiếu muối ớt."  Nó mở to mắt mầy ví kiểu gì kỳ vậy, mà cũng cho đáng đời mầy, hồi đó mầy bắt nạt con người ta quá đổi.
...
*****..
Nhím ơi, có thư nè, tiếng Nai gọi Nhím.  Lần đầu tiên nhận được thư Cù lần làm Nhím mừng hết lớn.  Cù lần viết một bức thư dài, mỗi ngày một đoạn, lại còn kèm thêm mấy cánh hoa Pensée ép thật đẹp.  Thư đi từ lại cũng chỉ xoay quanh việc học của Nhím và những ngày ở quân trường của anh, vậy mà Nhím đọc hoài vẫn không thấy chán.  Nhím cho Sơn Hà coi hình Cù lần trong bộ quân phục đại lễ trắng tinh, nó cứ tấm tắc khen làm Nhím thấy vui vui.
..
Hôm Nhím thi đậu vào Đại học Sư Phạm, ba mẹ cho mấy anh chị em lên Đà lạt chơi và ghé nhà cậu mợ V.  Ngồi xe Saigon - Đalat lúc qua khỏi đèo Ngoạn Mục là khí hậu đã mát hẳn, thật dễ chịu.  Dịp may đúng lúc Cù lần được xuống phố, Cù lần cứ vuốt vuốt cái đầu húi cua làm Nhím thấy buồn cười. 
....
 Nhím biết không, mấy đêm nay anh không ngủ được, cứ trông cho mau đến ngày gặp lại Nhím.
 Thật không?
 Thật
 Chứ không phải vì nhớ người đẹp Đalat nào đó nên không ngủ được hả?
 Bậy
 Để hôm nào Nhím lên bất ngờ, ai bậy thì biết.
 Được rồi, Nhím có thể lên bất cứ lúc nào.  Cù lần vẫn là Cù lần.  Cù lần cười cười.
...
Vòng quanh khu chợ Hòa Bình, Nhím vẫn thích nhất là khu bán hoa tươi, phải nói Đalat là nơi quy tụ không biết bao nhiêu loại hoa đẹp, đủ sắc màu tỏa hương thơm ngát.
Nhím muốn vào phở Bằng, hôm đó mát trời, lại đang đói bụng, chưa bao giờ Nhím ăn một tô phở ngon đến thế, Cù lần cứ nhìn Nhím ăn, cười bảo "nhìn Nhím ăn anh đủ thấy ngon."  Kệ, đối với Cù lần, Nhím chẳng cần phải giữ ý tứ gì cho mệt.  Thấy còn sớm Cù lần rủ Nhím lên quán cà - phê Tùng nổi tiếng của Đalat, thưởng thức ly cà-phê thơm ngon và nghe những "Bài không tên" của Vũ Thành An.  Nhím không ghiền cà-phê nhưng nghe tụi bạn bảo đã lên Đalat mà không ghé cà-phê Tùng là một điều thiếu sót.
..
Cù lần muốn đưa Nhím đi thêm vài nơi nữa nhưng đã đến giờ phải trở lại trường, ngày vui qua mau, Nhím cũng phải sửa soạn về lại Saigon ngày hôm sau.
..
Cù lần mua cho Nhím nào là ô mai, mận, khoai lang khô, dâu tây đủ thứ, chuyến nầy về mặc sức con Sơn Hà "ganh tị."  Lúc đưa Nhím về, có mấy người bạn cùng khóa với Cù lần hỏi "em gái ông hả, giới thiệu cho tui đi."  Không biết Cù lần nói gì đó mà anh chàng kia nhìn Nhím cười cười.  Thôi, giả từ Đalat, giả từ đồi Cù thơ mộng, giả từ chàng Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị dấu yêu.
......
****
Thế rồi một ngày, Cù lần cũng phải "hạ sơn" sau bao năm tu luyện.  Mẹ hỏi anh Hậu "sao thằng Chuyên lại chọn binh chủng Biệt Động Quân vậy hả con?  Dì nghe nói đi mấy binh chủng đó dễ chết lắm, dì  lo cho nó quá, nghe nói ba nó quen biết nhiều lắm mà."  Anh Hậu bảo "dì cũng biết tính thằng Chuyên mà, có trời mà cản nỗi nó.  Con nghĩ nó hiền lành và tốt bụng chắc không đến nỗi nào." 
..
Thế là Cù lần bây giờ đã trở thành ông Cọp nâu với 13 cái răng nhe ra trông ... thấy sợ.  "Cọp hiền lắm chứ không dữ như con nhím nầy đâu."  Cù lần lấy trong ví ra cái hình vẽ lúc trước của Nhím, đưa Nhím coi. 
 Ủa, anh còn giữ nó hả?
 Ừ, nó theo anh đã mấy năm nay.
Nhím mắc cỡ đưa tay che mặt nhưng cũng có chút hãnh diện trong lòng.
..
Lần đầu tiên thấy anh ấy trong bộ quân phục rằn ri, con Bồ câu liến thoắng "anh Chuyên trông oai hùng và đẹp trai còn hơn hồi ở nhà nhiều."  Thỏ chêm vào "Ừa, mấy đứa bạn em khen anh Chuyên có cặp mắt đẹp mê hồn luôn" làm Cù lần đỏ cả mặt.
..
Kể từ ngày đó anh đi khắp các miền đất nước, có những địa danh xa lạ Nhím chưa nghe qua bao giờ, nào là Dakto, Pleime, Plei Rit ...những nơi nghe tên đã thấy khói lửa ngập trời.
..
*****
Cả mấy tháng nay chẳng được tin gì của Cù lần, nghe tin chiến sự thì toàn tin xấu hơn tin tốt làm Nhím thấy đau lòng.
Một trưa thư bảy trời nắng, cái nóng oi bức khó chịu, Nhím đang lơ mơ ngủ, mới chợp mắt thì Sóc kêu "Nhím, dậy có anh Chuyên đến kìa." 
Nhím mừng hỏi: 
 Ủa, anh Chuyên mới về hả?
 Ừ, anh chỉ ghé nhà nhờ Nhím chút việc xong là anh phải đi ngay, Nhím giúp anh nghen.
 Mà chuyện gì?
 Nhím rãnh không, đi với anh.
 Đi đâu?
 Thì cứ sửa soạn đi rồi anh sẽ cho Nhím biết sau. 
Trên xe Cù lần ngập ngừng:
 Nè, Nhím, anh nhờ Nhím đi chọn mua giùm anh một xấp hàng tơ cho bạn anh được không?
 Bạn anh, mà bạn trai hay bạn gái?
 Dĩ nhiên là bạn gái.
 Cao, thấp, ốm, mập, trắng, ngâm, tự nhiên nói khơi khơi vậy ai chọn cho được.  Nhím xẳng giọng.
 Cô nầy giống hệt như Nhím, cũng trắng, dáng thanh thanh dễ thương như Nhím vậy. 
 Trời đất sao giống kỳ vậy.
Ngoài trời đã nóng mà trong lòng Nhím còn nóng hơn. 
 Giữa trưa đứng bóng chở Nhím đi, xong việc phải trả công Nhím à nghen.
 Được rồi, Nhím cứ giúp anh, anh sẽ hậu tạ.
..
Hừ, Nhím nghĩ, tên nầy kín đáo thật, mà bạn gái ổng là ai, người Nam, Trung, Bắc, hay Huế, Saigon, Hà nội hay "em Pleiku má đỏ môi hồng", còn con gái Đalat nữa chi.  Nhím mù tịt, cả trăm câu hỏi hiện ra trong đầu.  Mấy con ranh con mật thám bạn Nhím mọi ngày tụi nó lanh lắm mà, sao chuyện quan trọng như vậy lại chẳng có đứa nào hay.
..
Sau khi cố tình lôi Cù lần rảo khắp mấy phố chính của Saigon, từ Nguyễn Huệ, về Tự Do, qua Lê Lợi, ghé Tạ Thu Thâu cho bỏ ghét, Nhím và Cù lần vào chợ Bến Thành.  Cả một rừng vải đủ màu đến choáng ngợp.  Rốt cuộc rồi Nhím cũng chọn được một xấp lụa Hồng Hoa màu vàng Hoàng hậu.  Ướm thử lên người Nhím cô hàng vải khen nức nở, da em trắng mặc màu nầy đẹp hết ý.  Nhím cũng chẳng buồn cải chính làm gì.  Ra khỏi chợ, Cù lần rủ Nhím đi ăn, Nhím thích ăn gì anh chở đi.  Tự nhiên Nhím thấy chẳng còn hứng thú gì để đi đâu.  Nhím đòi Cù lần chở về nhà, Cù lần bảo chiều nay anh phải về đơn vị gấp, lần sau về phép anh sẽ ghé thăm Nhím. "  Hổng dám, lần sau có ghé nhớ chở người đẹp về giới thiệu luôn", Nhím nói mát.  Cù lần chỉ cười cười rồi lái xe đi. 
 Xí, cười cười thấy ghét. 
Nhím ngoe nguẩy  đi vào nhà với trăm nỗi muộn phiền.
Nguyên cả buổi chiều Nhím chẳng làm việc gì cho ra hồn, xách xe đến nhà con Sơn Hà, nó hỏi:
 Mầy đi đâu giờ nầy mà cái mặt bí xị vậy?
Nhìn thấy nó, tự nhiên mấy tuyến nước mắt của Nhím bật hết ra.
 Hu hu Cù lần...
Sơn Hà giọng hoảng hốt, nó ôm chặt lấy Nhím:
 Hả, Cù lần, anh Chuyên hả, sao, bị gì?
 Hic, hic, Cù lần có... bạn gái.
 Con nầy, mầy làm tao hết hồn.  Mà sao mầy biết?
 Thì ổng nói đó, còn nhờ tao đi mua áo giùm cho người ta nữa.
 Hay là mày nghe lộn, biết đâu đó là em gái ảnh thì sao.
 Không có đâu, nhà đó toàn là con trai không hà.
Con Sơn Hà vẫn cứ khăng khăng:
 Tao không nghĩ Cù lần như vậy đâu.  Để tao hỏi anh Hậu coi, anh Hậu thân với Cù lần lắm mà.  Thôi, đừng khóc, bây giờ tao với mầy đi ăn bò bía, rồi uống nước mía Viễn Đông nghen.  Bò bía là món ruột của Nhím, vậy mà sao cuốn bò bía lần nầy nó có vị đắng ngắt.
...
***** 
Mới nhấc chiếc xe vào nhà sau, Nhím nghe tiếng người đàn ông hỏi gì đó và con Bồ câu nhanh nhẩu, dạ thưa anh nhà nầy có đến năm anh:  Thúy Anh, Hương Anh, Hoài Anh, Quỳnh Anh và Liên Anh, nó nói một hơi, anh muốn tìm anh nào?
 Dạ, cô cho tui gặp cô Hoài Anh. 
 Nhím ơi có ai muốn gặp.
 Một người lính mặc bồ đồ trận như Cù lần, tay cầm gói quà, nói giọng nhỏ nhẹ.
 Xin lỗi, cô là Hoài Anh.
 Dạ
 À, Trung úy Chuyên nhờ tôi mang gói quà nầy cho cô.  Thôi xin phép cô tôi phải đi gấp.  Nhím chưa kịp cám ơn thì anh ta đã phóng lên chiếc xe jeep chạy nhanh.  Quá đổi ngạc nhiên, Nhím mở hộp quà, thì ra xấp vải hồi trưa nằm gọn gàng trong chiếc hộp giấy.  Một lá thư rơi ra.
..
Nhím thương,
"Nhím cho anh cái tên Cù lần thật đúng, anh thấy anh cũng cù lần thật.  Đã mấy năm nay anh muốn nói với Nhím, nhưng rồi anh cứ lần lừa mãi cho đến bây giờ.  Ngay từ lần đầu gặp Nhím, anh đã thấy xao xuyến trong lòng, Nhím dễ thương và thanh cao như nụ hoa hàm tiếu, Nhím quá trong trắng và thánh thiện vì vậy mà anh càng phải giữ mình và giữ ý tứ nhiều hơn.  Điều anh muốn nói là anh yêu Nhím thật nhiều, nếu Nhím cũng nghĩ đến anh và không chê đời lính gian khổ thì anh sẽ thu xếp xin phép về Saigon và thưa Ba Má anh đến nhà xin Ba Mẹ em được làm lễ hỏi, xong chờ hai năm nữa đến lúc Nhím ra trường tụi mình sẽ làm đám cưới.  Nhím nghĩ sao?  Nhớ viết tin cho anh biết.  Hồi trưa nhìn điệu bộ của Nhím làm anh tức cười và anh càng thương Nhím nhiều hơn.  Gởi tặng em món quà nhỏ, chúc em vui.  Thôi, anh phải đi đây.  Thương em thật nhiều."
Anh Chuyên  
..
Đọc xong bức thư, cầm xấp hàng trên tay, một nỗi hối hận dâng tràn.  Đêm đó Nhím chỉ viết cho Cù lần một dòng duy nhất.  "Anh Chuyên thương, Nhím cũng yêu anh, yêu anh thật nhiều và em sẽ chờ anh.", để ngày mai ra Bưu điện sớm.
..
*****.
Không ngờ cuộc đời Nhím lại là cả một đại dương đầy sóng gió.  Tháng tư năm ấy, bầu trời xám ngắt, mây đen vần vũ, một trận cuồng phong thổi qua làm tan hết mọi ước mơ của Nhím.  Hơn hai năm trời trôi qua, Nhím vẫn không nhận được tin gì của anh Chuyên.  Anh Hậu đã tìm đủ mọi cách, liên lạc với bạn bè quen thân nhưng vẫn bặt vô âm tín.  Nghe đâu Tiểu đoàn anh đụng độ nhiều trận khốc liệt lắm, Nhím không dám nghĩ thêm nữa.  Gia đình anh Chuyên thì cũng đã dọn về quê nội ở Cần Thơ hồi năm ngoái.  Có lẽ dòng chữ Nhím viết năm xưa "Cù lần và Nhím là hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau tại một điểm" nay đã ứng vào số phận của Nhím hay sao.
..
Chỉ còn một tuần nữa là Nhím phải về quê chồng, - gia đình chồng đã cứu cho cả nhà Nhím thoát khỏi trận cuồng phong -  coi như để đền đáp chút ân tình.  Nhím muốn khóc lớn, muốn đập phá cái gì đó cho vơi đi những uẩn ức trong lòng, nhưng giòng nước mắt đã cạn, nhìn chung quanh còn có nhiều người khổ hơn.
..
Đọc lại một lần trước khi đốt hết những lá thư mà Nhím đã cất công xếp thứ tự theo ngày tháng chất đầy cả hộp bánh LU, có cái thì nhem ra vì nước mưa, có cái còn cả mùi thuốc súng.  Những lá thư từ từ tan theo ngọn lửa hồng, thành một đống tro tàn âm ỉ như cõi lòng của Nhím.  Mấy tấm hình đại lễ quân phục mùa Đông và mùa Hè cùng chiếc nhẫn bạc mãn khóa của anh Chuyên, Nhím sẽ đưa anh Hậu giữ, biết đâu sau này anh Hậu sẽ gặp và giao lại cho Cù lần.  Thôi thế là hết.
..
"...Đừng bỏ em một mình
Đừng bắt em làm thinh
Cho em gào nức nở
Hòa đại dương mông mênh
..
Đừng bỏ em một mình
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngã
Vũ trụ vàng thênh thênh ..."   *
...
Chưa bao giờ Nhím thấy cô đơn như lúc này, nỗi cô đơn bủa vây làm đôi lúc Nhím ngạt thở.  Ba thì đang ở trại tù Yên Báy   Việt Bắc, không biết ngày về.  May mà mẹ nhanh tay nên bốn thằng con trai đã đi thoát được với gia đình cậu T.  Ở nhà chỉ còn mấy mẹ con, ban đêm hễ nghe tiếng gỏ cửa ở nhà hàng xóm là mấy chị em Nhím co rúm người ôm chặt nhau, không dám ngủ.
..
*****
 Nè, cô Hai, Chị Bảy hàng xóm lên tiếng làm Nhím chợt tỉnh.  Tui có mớ rau lang mới hái sau vườn, tui mang biếu cô một ít, để chiều cô nấu canh với chút tôm khô cho cậu Hai và sắp nhỏ ăn lấy thảo.  Thời buổi gì mà dân miền Nam lại phải chạy gạo hằng ngày, khổ ơi là khổ.  À, mà này cô hai, hổm rày sao tui thấy cô hay buồn dữ.  Có gì cần thì cứ kêu tui, tui giúp cô, chỗ bà con lối xóm giúp nhau lúc nầy mới quý.  Thôi, tui dzìa, thằng Bờm nó trở mình thức giấc rồi.
 Cám ơn chị Bảy nghen.
 Ơn với nghĩa gì cô Hai.
Người dân quê miền Nam dễ thương như vậy đó, họ sống chân chất, thật tình...
"Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ giắt con đi,
Con đi trường học mẹ đi trường đời."
...
Cả một trường đời khắc nghiệt và cam go đang mở ra trước mặt Nhím.  Giữa trưa tiếng võng đưa kẽo kẹt và tiếng ầu ơ của chị Bảy nghe sao mà buồn não nuột, làm Nhím nhớ Saigon quay quắt, còn đâu "Nắng Saigon anh đi mà chợt mát, Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông." ** Chiếc áo lụa vàng chưa một lần mặc vẫn nằm nguyên trong ngăn kéo.
..
Có tiếng thằng Bim la to, hết làng tàn dân, mấy đứa nhỏ xóa bàn ô làng chạy về nhà.  Con Vô Ưu sà đến bên mẹ chớp chớp đôi mắt to sâu :  "Mẹ ơi mẹ, chiều mẹ nhớ nói Ba chở tụi con đi chơi nghe mẹ."  Nhìn con Nhím lại thấy đôi mắt ấy, phải rồi cũng sâu thăm thẳm, làm chết lòng người, Nhím hôn lên mắt con mà tìm lại hương vị ngày xưa.
..
Tôn nữ Quỳnh Diêu (ĐK 71)
(Đầu mùa Hạ 2013)
..
* Thơ Minh Đức Hoài Trinh
** Thơ Nguyên Sa........