(post lại 8/19/12)
...
Xin giới thiệu một bài viết của
bạn Quế Hương (ĐK69) để tưởng nhớ Thầy PHẠM KIÊM ÂU,
cố giáo
sư Pháp Văn của trường Nữ Trung Học Đồng-Khánh, Huế.
..
.
..
.
.............
...
KHOẢNH KHẮC BÊN NGƯỠNG LỚP
..
..
Năm tôi học với Thầy Phạm kiêm Âu ở trường Đồng Khánh
(Huế) vào niên khoá 1968-1969, Thầy đã khoảng 50, nổi tiếng đệ nhất khó!..
.....
Thời
ấy học đệ nhất Ban C(1) Trường Đồng Khánh oai lắm cơ! Trường chỉ có hai lớp
Nhất C. C1 Pháp văn, C2 Anh văn. Bảng tên trên ngực áo được viền khung bằng chỉ
màu tím, màu quy định cho lớp đàn chị cuối cấp. Tên được viết theo kiểu thư
pháp Ban C, fantaisie hết
cỡ. Cặp lấp ló một quyển của Camus, Krisnamurti, Phạm Công Thiện, Françoise
Sagan… là hàng phượng sân trường đủ nể rồi! Dân C kỵ nhái mẫu và tụng niệm.
Sáng tạo đủ mọi lĩnh vực - từ chữ viết, cách trình bày bài, kiểu mơ mộng… Bài
chỉ liếc qua rồi tự diễn đạt. Đứa nào đọc ro ro không sai một chữ được coi như
dân tụng, nên qua Ban A. Mỗi tuần lại được nạp vào đầu đến tám giờ Triết với cô
giáo vừa đẹp, vừa chịu chơi có thể vượt rào dạy bài Đam Mê hay Mơ Mộng trên bãi
cỏ sân trường. Do dung nạp nhiều thứ, tâm hồn đứa nào cũng chếnh choáng, lơ
lửng, nửa cõi trên, nửa cõi dưới!..
...
Thế
rồi Thầy bước vào lớp, phụ trách môn Pháp văn, sinh ngữ chính của Nhất C1. Cặp
to đùng như nhà ngoại giao. Ánh mắt sắc lạnh. Nụ cười rất hóm. Mỗi tuần chúng
tôi gặp Thầy sáu giờ. Đấy là sáu giờ mà các philôdốt (2), văng sĩ, loạn sĩ… của lớp phải trở về
đúng vị trí của mình - học sinh lớp đệ nhất Ban C, sắp đối đầu với kỳ thi Tú
tài 2 Văn chương nghiệt ngã. Đứa nào cũng có một quyển luận Pháp văn Thầy quay
ronéo khổ lớn, dày cộm. Bước vào lớp, cặp chưa đặt xuống bàn, Thầy đã ra lệnh:
Écrivez! Thế là cắm đầu cắm cổ trả bài luận văn đã học thuộc lòng trên giấy.
Mười lăm phút, chép không kịp thở, do đó phải học nhừ như cháo. C1 trở thành
dân tụng giỏi hồi nào không hay!
...
Mọi
thứ đều có quy định, cứ thế mà làm. Giấy làm bài soi lên lỗ thủng to hơn cây
kim bị trừ 2 điểm. Lề không đúng quy định, trừ. Không lùi đúng ô, trừ. Tên
không đóng khung, trình bày bài làm không đúng cách, trừ… Theo răm rắp như luật
nhà binh, nếu không sẽ bị trừ điểm tối tăm mặt mũi!
.....
Ngồi
cũng như đóng đinh vào chỗ. Thầy đưa cho lớp trưởng một mảnh giấy manh trên
vạch một đường ngăn thành hai dãy. Thầy ở bên phải. Dưới Thầy 4 bàn, 17 chỗ.
Bên trái 5 bàn, 18 chỗ. Mỗi đứa tự dán vào chỗ của mình một tấm ảnh nhỏ, ghi
tên, ký hẳn hoi. Dưới hai dãy chân dung là tên trường, lớp, niên khoá học. Mảnh
giấy ấy được chụp, sang thành 36 tấm ảnh, mỗi đứa một tấm, còn Thầy giữ một.
Bao nhiêu lớp dạy bấy nhiêu tấm ảnh như thế. Khuôn mặt trò thay dổi còn Thầy
thì không, vẫn cái ảnh chụp vào tuổi băm, áo vét thắt cà vạt, kính dày cộm nhìn
xuống lớp.
..
..
Tấm
ảnh ấy vẫn còn trong album tôi. Thầy vẫn mãi ở tuổi băm. Chúng tôi mãi ở tuổi
18. Năm tháng qua đi, bụi thanh xuân gió cuốn nhưng Thầy đã kịp giữ cho chúng
tôi một mảnh thời gian đẹp nhất.
..
Thầy
tôi kỵ nhất là chuyện đi trễ. Đã đi học là phải đúng giờ. Mùa đông Huế mưa dầm
dề, cầu Trường Tiền dài lê thê, gió quất, mưa tạt, đạp xe ngược gió liêu xiêu
muốn bay xuống sông Hương. Tôi phải đi sớm thêm 10 phút để khỏi trễ giờ. Thế mà
có lần vừa đi được một quãng, chiếc xe đạp giở chứng trật sên. Hì hục đến đen
thui tay, vẫn không được. Hoảng quá, tôi gởi đại một nhà gần đó đón xe buýt lên
chợ Đông Ba. Đến chợ Đông Ba phải sang xe Từ Đàm mới ngang qua Trường Đồng
Khánh. Cầm chắc trễ nhưng tôi không dám trở về vì có giờ kiểm tra của Thầy. Hôm
ấy trời rất rét. Răng tôi cứ va vào nhau lập cập, một phần vì lạnh, một phần vì
sợ… Hú vía, lọt qua cánh cổng trường trống mới điểm. Từ cổng vào lớp khá xa,
tôi ôm cặp chạy bởi trống đánh là Thầy đứng lên ngay sải bước. Tôi cắm đầu cắm
cổ chạy đến nỗi va cái rầm vào một người. Ngước mắt lên, tôi chạm phải cặp kính
cận, cái cặp của nhà ngoại giao, cái áo dạ to đùng… Chỗ va lại là cửa lớp.
...
"Mấy
cô cứ xô tui mà chạy, hễ tui đặt chân lên cửa lớp mà học trò chưa vô là coi như
… absent (3)" ! Học trò đi sau Thầy có đứa lấy cặp che mặt phóng ù qua
Thầy để được vào lớp. Còn tôi đang đối mặt với Thầy ở ngưỡng lớp. Và tôi run…
Một bước chân nữa là vào được lớp. Nhưng phải lách qua Thầy, phải chạm vào
Thầy. Khái niệm xô tui mà chạy làm tôi hoảng. Dưới mắt tôi, bóng Thầy cao quá,
to quá choáng gần hết cửa lớp. Tôi đứng chôn chân. Thầy cũng đứng yên nhìn tôi
chờ đợi. Một phút hay hai phút không biết nữa nhưng với tôi dài lắm. Rồi hai
cái chân cùng cử động. Thầy bước tới, qua cửa lớp. Tôi bước lui, ra hành lang.
Écrivez! - giọng Thầy cất lên rồi những ngòi bút của các bạn tôi rào rào như
mưa rơi trên giấy. Mưa cũng rơi trên mặt tôi…
..
Tôi
ôm cặp đi ra bãi cỏ sau trường. Đêm qua, tôi đã thức thật khuya để học thuộc
đến từng dấu phẩy bài luận Pháp văn. Tôi đã tháo giấy trắng làm bài dịu dàng
đến nỗi lổ thủng còn bé hơn cả cây kim. Tôi đã quẳng xe ở nhà người lạ không
biết còn hay mất. Tôi đã đổi hai lần xe buýt, trái tim gần văng ra ngoài. Thế
mà chừ ngồi ở bãi cỏ. Trút xong nước mắt, tôi bỗng nhẹ lòng. Khoảng trời trên
đầu xanh tha thiết. Tôi bỗng nhận ra sau mưa trời như trút được gánh nặng,
trong vắt. Cỏ dưới chân mượt đến mềm lòng. Hai hàng cây bạch đàn trên đường Anh
- đường Em (4) chụm đầu thủ thỉ hoài không dứt. Mãi đến lúc sắp chia tay, tôi
mới nhận ra ngôi trường mình học bảy năm dài đẹp đến từng góc xó!
...
Sau
lần chạm mặt ở ngưỡng cửa lớp hôm ấy, tôi có cảm tưởng ánh mắt Thầy nhìn con bé
nhút nhát ngồi bàn đầu là tôi dịu hơn, thân thiết hơn. Đôi mắt không lời nhưng
tôi hình dung đủ mọi thứ lời nói với tôi. Năm học trôi qua vèo vèo. C1 giờ đã
quen với luật nhà binh của Thầy. Tụng cũng giỏi không thua chi dân A. Chúng tôi
thích những giờ littérature française Thầy dạy, những câu chuyện Thầy kể. Chúng
tôi nghe say mê cuộc đời của vợ chồng nhà bác học Pierre và Marie Curie - người
đã trải bao gian khó để tìm ra chất phóng xạ, về vẻ đẹp của vịnh Hạ Long… Thầy
có tài kể chuyện và giúp những tâm hồn vốn đã mơ mộng của C1 thăng hoa. Những
câu chuyện kể của Thầy bao giờ cũng gieo vào đầu óc chúng tôi khát vọng làm
việc và tình yêu cuộc sống. Thầy cho chúng tôi kiến thức và cả quy tắc sống,
làm việc. Đâu vào đó. Quy củ. Nguyên tắc. Cứng thật đấy nhưng không lạnh. Như
mặt trong của bàn tay - ấm áp, mềm mại, rối rắm yêu thương.
...
Khi
tôi đã là cô giáo, có một lần tôi gặp Thầy đi bộ một mình trên đường Chi Lăng.
Tôi cúi đầu thưa Thầy. Thầy hỏi chuyện tôi. Ánh mắt vẫn sắc sảo. Nụ cười vẫn
hóm. Trước khi đi, Thầy bỗng nhìn tôi nói: Tính cách quyết định số phận, con
ạ!... Thầy đi, bóng ngã liêu xiêu, nhưng đối với tôi vẫn sừng sững to lớn như
ngày nào ở ngưỡng cửa lớp.
...
Thầy
mất đã gần mười năm. Cô học trò nhút nhát, nhỏ nhắn, lặng lẽ năm nào giờ cũng
đã ở tuổi Thầy ngày ấy. Năm tháng qua đi nhưng có những khoảnh khắc ở lại. Về
lại trường cũ, đi qua hành lang, tôi vẫn nghe vọng tiếng chân, giọng nói Thầy.
Trên ngưỡng lớp cũ, tôi vẫn thấy Thầy và mình đứng đó.
..
Tác giả: Quế
Hương ĐK69
...
(1) Ban Văn chương, sinh ngữ có hệ số cao. Năm đệ
nhất học thêm môn Triết
(2)
Nhại từ philosophe (triết gia)
(3)
vắng
(4)
Học sinh gọi con đường nhỏ giữa hai trường Quốc Học và Đồng Khánh...
..
..
.