Thursday, August 28, 2014

Tỷ Muội

Thơ Quỳnh-Dung (ĐK 70)

(nguồn: Internet)
TỶ MUỘI

Sống bên nhau quảng đời thơ bé dại.
Chung niềm yêu người thiếu phụ áo nhung
Chiều mưa lạnh sương mờ nơi khóe mắt.
Cõi trời xa mẹ ở chẳng quay về.
..
Lớn khôn lên theo mệnh đời trôi nổi
Xa rồi gần vn nắm lấy bàn tay.
Nụ cười tươi rạng rỡ nói nhau nghe
Chuyện lòng mình hay trò chơi cuộc thế.
..
Cõi trần gian nặng ngày dài mõi mệt
Bức tranh đời vạn sắc có rồi không
Tuổi mùa thu lá đổi sang màu úa
Ngó lại mình hồn vẫn cứ như thơ

Bởi bên nhau có nụ cười rất thật.
Và nỗi đau bày tỏ chẳng ngại ngần.
Ta cứ muốn đời ta còn mãi đó
Bờ vai thân trút bớt chút niềm riêng.
...
Quỳnh-Dung .

Tuesday, August 26, 2014

ĐỐ VUI KỲ 19: nắng lửa mưa dầu


(Hình: Internet)...
..
CÂU ĐỐ KỲ 19
...
1.  Nắng lửa mưa dầu ta không bỏ bạn.
     Tối lửa tắt đèn bạn lại bỏ ta.
     Đố là cái gì?
..
2.  Hai cô nằm nghỉ hai phòng
....Ngày thì mở cửa ra trông
....Ðêm thì đóng cửa lấp trong ra ngoài
....Đố là gì?
.
.... .
GIẢI ĐÁP ĐỐ VUI KỲ 18 
..
Câu 1: Đụn rơm ở nhà quê

..
Câu 2: Trái mít
.

Con bướm chết bên thành cửa sổ

Thử bút của LỮ KIỀU
.

.
....
ROSÉE VÀ CON BƯỚM CHẾT BÊN THÀNH CỬA SỔ
.
.
1.  Xác bướm
..
Một buổi sáng nào đó, trong trí nhớ hồi tưởng, một xác bướm nằm chết nơi thành cửa sổ phòng ta.  Không có gì cả.  Một con bướm chết.  Một tình yêu chết theo.  Dịu dàng biết mấy...
(Con bướm kia với đôi cánh rực rỡ đã một lần làm ánh mắt trẻ nhỏ sáng rạng ước mơ, và trong một lúc bí mật nào đó sự sống rời khỏi xác bướm - như đôi tay vẫy gọi - xa dần trong sương mù)
.
Này em - một con bướm chết, không có gì cả phải không?  Dù bây giờ mùa xuân sắp đến.  Dù bây giờ, chúng ta không còn nhìn thấy nhau.
.
Người con gái hai mươi tuổi (có lẽ rồi thời gian sẽ làm nàng quên thời hai mươi tuổi của  nàng.)  Đôi mắt to, hàng mi dài.  Nhìn vào đó, lòng ta bình an, như viên đá kia đã chạm xuống lòng hồ.  Bình an như sự sống và chết chẳng còn chia ly.  Em nghiệm mà xem - Có phải chúng ta đã dành quá nhiều thời gian để cho nhau ảo tưởng bình an đó?
.
Có gì đâu - Con bướm kia đã chết - Dòng sống ngừng lại - Trong một phút bàng hoàng, thấy hiện rõ ràng chân tướng của mình.
..
2. Chiếc cầu
..
Tôi yêu mến những chiếc cầu bắc qua sông, buổi sáng, soi mặt xuống tấm gương của trời.  Những chiếc cầu nhỏ đưa một người sang gặp một người bên kia bờ.  Hãy tưởng tượng những bước chân kia.
Hãy hồi hộp những cõi lòng đó...
Tôi yêu mến những cõi lòng đó...
Tôi yêu mến ý niệm khởi đâu của chiếc cầu.  Cầu chỉ có đầu chứ không có đuôi.  Tôi ở đầu cầu - người đứng ở đầu cầu bên kia.
Ôi, phải nhắm mắt để khỏi nhìn con quạ đen hung ác đang bay trên đầu chúng ta.
Trái bom thả xuống.  Tiếng nổ đem mọi người dự vào nỗi bất hạnh chung.  Chiếc cầu đã gãy.  Chúng ta đứng ở hai đầu cầu, và chốc lát, người và tôi trở thành kẻ thù.
Bây giờ trong đôi mắt kia, nhìn vào chỉ còn thấy oán hận.
..
3.  Những sáng thứ Tư với Như Sương
..
Trong góc nhà thờ, buổi chiều thứ tư hiu hắt, người con gái quì gối và nhìn lên.  Người đàn ông ngồi cạnh nàng.  Tiếng phong cầm trầm vang xao xuyến, như vọng từ trái đất.
(Khúc nhạc nào vậy, có phải khúc Toccata của Bach trong phim La dolce vita.  Ôi - Fellini, người nghệ sĩ bi thảm của thời đại chúng ta, người đã nhìn thấy hơn ai cả những chiếc cầu gãy trong đời mỗi người. Phải không, Zampano? Phải không, Gelsomina?
..
Em đã ở đó, đã quì gối bên cạnh tôi, khuôn mặt thánh thiện.  Nhưng làm sao em hiểu lòng tôi lênh đênh, cũng như làm sao chúng ta hiểu được bao nhiêu điều mơ hồ không thật vây quanh và áp bức đời mình?
..
Người nữ tu áo đen, trong ánh sáng chập chờn buồn bã, đã yên tĩnh cầu nguyện.  Cái lưng thon gầy khô như phản gỗ, như xác bướm đã tan tành.  Cầu nguyện, cầu nguyện.
Này em, có phải cầu nguyện là muốn bước khỏi cuộc đời nhỏ nhen.  Tôi nhìn thấy nơi tay người nữ tu chiếc nhẫn đính hôn với Chúa.  Hiệp thông cùng Chúa.
Tôi nhìn người con gái và nói với nàng rằng, tôi là kẻ ngoại đạo - tôi không có đủ đức tin, nhưng tôi nghĩ rằng trong một ý  nghĩa nào đó tôi đã đính hôn với em trước mặt Chúa.
Người con gái trả lời:  "Không".
Nhưng người đàn ông đưa tay ra, và nàng nắm lấy:  những ngón tay đức hạnh vô cùng!
Bấy giờ chúng ta như kẻ tông đồ hành xác, đấm ngực mà kêu "Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi? Méa culpa!"...
Nàng trả lời  "Không!"  Nàng nắm tay người đàn ông cay nghiệt và nước mắt nàng rơi.
...
Chúng ta có thể nào rơi nước mắt khi nhìn thấy xác con bướm chết.  Xác bướm vô nhiễm và hồn nhiên, tưởng như chưa hề hiện hữu nên không bao giờ mất đi.
Vô nghĩa.
Dửng dưng
Nhỏ nhoi.
Có phải những điều buồn bã ấy đã làm đầy trái tim người?  Đầy trái tim tôi trong góc nhà thờ ấy.
Làm sao mỗi ngày chúng ta tỉnh giấc về thời gian, niềm vui, và cái chết?
Hay là phải đợi một  biến động dồn ta đến bến bờ đau đớn.
Cái phút sự khốc liệt lay ta dậy.  Ta mở mắt nhưng đã vỡ tan niềm bình an.  Con bướm đã chết.  Và chúng ta chia tay.
..
4.  Bệnh viện
.
Ở bệnh viện, tôi có thói quen dừng lại trước giường người bệnh vừa tắt thở.  Phút sự sống lặng lẽ rời đi khỏi thể xác nặng nề kia.  Thật kỳ lạ!
Một điều gì hết sức mong manh, vây quanh khuôn mặt mà vài phút trước đó còn hiện hữu trong thế giới chúng ta.  Cái khuôn mặt bất đông kia làm não nề đời sống này.
Ly nước trong, khúc bánh mì, một tấm khăn lau, một đôi dép, tờ báo cũ - những vật dụng của người chết đễ lại đã mất đi ý nghĩa tồn tại.
Một người chết, một con bướm chết, có bao giờ lòng hồi tưởng khiến con người bàng hoàng ý niệm hiện sinh?
..
Em hai mươi tuổi, tuổi đẹp nhất của đời người... người con gái đẹp không nên sống quá tuổi ấy:  Ý nghĩ kia thật quá lãng mạn, và ngậm ngùi.  Nhưng dù sao hãy giữ cho trí nhớ tôi con mắt to, đen và hàng mi dài.  Hãy giữ cho trí nhớ tôi bàn tay đức hạnh ấy.
..
Tình yêu như sự chết - chỉ một lần và không thể lập lại.  Có một lúc nào chúng ta mang đôi giày vạn dặm băng khỏi tuổi thơ của mình.  Cũng bằng đôi giày ấy chúng ta đến gần với cái chết...
Như con bướm đã chết.  Chiếc cầu đã gãy.  Có gì đâu - kể cả giọt nước mắt một lần nào khóc cho mình, cho người - cũng đã khô.  Biết đâu chẳng biến thành mây.

Tác giả: Lữ Kiều
.......

Sunday, August 24, 2014

Tôi Đi Học

...
...
TÔI ĐI HỌC
..
TÁC GIẢ: THANH TỊNH (1911- 1988)
..
Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
..
Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
..
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
..
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn lao: hôm nay tôi đi học.

Tuesday, August 19, 2014

CÂU ĐỐ KỲ 18 : sừng sững đứng giữa trời

..
(Hình: Internet)
CÂU ĐỐ KỲ 18
.
1.  Sừng sững mà đứng giữa trời,
     Ai mà mó đến thì vương tóc dài.
     Đố là cái gì?
..
2.  Ngoài da cóc trong bọc vàng,
    Đi ngoài đàng thơm lựng lựng.
    Đố là gì?
..
Mỹ-Vân (ĐK67) ghi lại từ ký ức.
 .
GIẢI ĐÁP ĐỐ VUI KỲ 17 
..
Câu 1: Con gà trống
Câu 2: Đôi đủa và cơm.
..
(Kỳ đố thứ 17 có 2 bạn trả lời đúng cả 2 câu là Lệ Huyền, B7 và Kim Huê, B4. Cám ơn tất cả các bạn.)
..

Phận Người

(Tranh Đoàn Như-Quê, ĐK 67)
.
PHẬN NGƯỜI...
.
TÁC GIẢ: TUỆ CHƯƠNG HOÀNG LONG HẢI
 ..
Thịnh đẹp.
Ai cũng nói Thịnh đẹp.
Ngay từ khi còn bé, Thịnh cũng biết Thịnh đẹp.
Hồi ấy, ba Thịnh là công chức cao cấp ở tỉnh, nên ông thường tham dự các buổi lễ ở chùa, nhà thờ và được mời tham dự các buổi diễn văn nghệ. Vừa là con út, vừa đẹp, Thịnh thường được ba Thịnh dẫn “con gái cưng” đi theo.
Dĩ nhiên, mẹ Thịnh cũng cưng Thịnh như vậy. Thịnh được mẹ chăm sóc việc ăn, mặc, nhất là mặc, khi Thịnh đã là “con gái."
...
Khi còn mặc đầm, mẹ Thịnh lo mua sắm áo đầm cho Thịnh. Lớn hơn, tức là khi Thịnh qua khỏi bậc tiểu học, lên trung học, Thịnh không còn mặc đầm mà mặc áo dài. Áo dài mặc đi học, theo qui định của trường, là áo trắng. Những ngày lễ, đi phố, đi chơi, Thịnh mặc áo màu. Có nhiều màu Thịnh rất thích, nên Thịnh có ít nhất sáu, bảy cái áo cho những màu ấy. Thứ nhất, thích màu tím, Thịnh thường mặc áo màu tím than, là màu của thi ca, của thời trang, màu “thịnh” của con gái thời ấy. Ấy là “Màu thời gian không xanh, màu thời gian tím ngắt” như trong thơ Đoàn Phú Tứ. Đó cũng là “màu của chiều hoang”. “Chiều hành quân, qua những đồi sim, màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biên biệt”. Áo màu tím Thịnh thường mặc vào những chiều cuối thu, khi có những “chân trời tím”, như trong một cuốn tiểu thuyết. Mùa xuân, Thịnh mặc màu hoàng yến, cho hợp với tuổi xuân của Thịnh. Mùa hè, Thịnh mặc áo màu thiên thanh. Cả ba mầu ấy, đều thích hợp với màu da trắng của Thịnh. Ngoài ra, Thịnh có những áo bông với nhiều màu khác nữa, nhưng chỉ là áo phụ, để mặc khi không có... mục đích gì cả hay cho có vẻ người lớn một chút.
..
Ra phố, Thịnh có thể ghé vào một sạp vải hay một cửa hàng vải nào đó, xem vải, chọn màu và nói với bà chủ: “xé cho cháu một áo.” Xong, Thịnh cầm áo đến thợ. Mẹ Thịnh sẽ đi phố, và ghé vào trả tiền ở nơi nào người ta đã “xé một áo” cho Thịnh. Thịnh không phải lo nghĩ về chuyện đó.
...
Với quê hương, Thịnh có những nơi vui chơi khác nhau. Huế, nơi Thịnh học đệ nhị cấp, Thịnh thích đi dạo phố vào chiều thứ bảy, chủ nhật. Đi dạo phố, Thịnh thường nhìn lén mình trong tủ kiếng, xem thử Thịnh đẹp như thế nào. Thịnh ghé vào nhà sách, tìm sách để mua, và ban cho anh chàng nào theo đuôi Thịnh bằng một cái nhìn “chết người”. Chưa bao giờ Thịnh thấy “Chiều nay em ra phố về, thấy đời là con nước trôi”, là “những quán không”, là “những chuyến xe người ta chia tay cuối đường” như trong bài hát của một nhạc sĩ nào đó, Thịnh không quan tâm.
Thích nhất là những chiều cận tết, Thịnh đi xem chợ hoa bên cạnh đầu cầu Trường Tiền. Nó có đủ những hoa thật, hoa giả, hoa người, và những đứa con gái đẹp như Thịnh, đẹp hơn Thịnh. Bọn con gái đẹp có sức hút đến với nhau, để so đẹp, khoe áo, giày, guốc và cười mấy thằng con trai ngớ ngẩn chạy theo làm những cái đuôi. ..
Chiều thứ sáu, Thịnh hối hả ra bến xe lô Huế - Quảng Trị sau khi tan trường. Thịnh về thăm mẹ, thăm gia đình mỗi cuối tuần.
....
Hôm ấy, Thịnh là người khách cuối cùng. Khi Thịnh vào xe, người ngồi bên cạnh Thịnh là một thanh niên, có lẽ là một sinh viên đại học Huế. Băng ghế chật, những bốn người. Người thanh niên ngồi thu lu, hình như anh ta không dám nhúc nhích, sợ đụng chạm đến người Thịnh. ..
Xe qua khỏi cầu Phò Trạch thì trời đã tối hẵn. Đây là một khu rừng tràm thấp, phía núi là đường xe hơi - Quốc lộ 1 - phía biển Đông là đường xe lửa. Hai con đường, ở quãng nầy, gần như song song. Có chiếc xe lửa đang chạy xình xịch bên ấy. Thịnh thoáng thấy người ngồi bên cạnh nghiêng đầu nhìn về hướng chiếc xe lửa. Anh ta nói, như để chính cho anh ta nghe: “Đẹp quá!”. Thịnh tự hỏi: Cái gì đẹp? Thịnh đẹp? Nếu thấy Thịnh đẹp sao nãy giờ anh ta không nói gì, nhất là khi trời còn sáng, mới thấy Thịnh đẹp được chứ. Còn bây giờ thì trời đã tối rồi. Có lẽ anh nói hình ảnh chiếc xe lửa đẹp vì Thịnh thấy anh ta nhìn chăm chú về phía ấy. .
.....
Chiếc xe lửa như con thú dữ, màu đen hùi, nổi lên khỏi những cây tràm thấp, in hình lên bầu trời còn sáng mờ mờ. Con quái vật lao tới, hơi nước từ đầu máy tỏa lên trời cao. Thỉnh thoảng nó thét lên tiếng còi rền rỉ, và khói từ ống khói tỏa ra.
Cùng với khói tuôn ra là những đốm lửa nhỏ. Những đốm lửa bay tỏa quay cuồng trong không gian, như ngàn vạn tinh cầu trong vũ trụ đen tối bao la. Chúng bay lên cao, tỏa ra xa, rơi xuống từ từ và tắt ngấm đâu đó, trong những gốc tràm đen đủi. Tinh cầu đã tắt. Bao giờ thì tinh cầu của loài người sẽ tắt. Thịnh tự nghĩ như vậy? Tinh cầu tắt rồi, không chỉ nhân loại mà mọi sinh vật trên địa cầu nầy sẽ chìm vào bóng tối, sẽ diệt vong......
Thịnh nhớ hình như thầy giáo có nói tới điều ấy, nói tới cái tuổi của địa cầu. Tuổi ấy có thể là năm sáu triệu năm. Địa cầu mới đi được một nửa cuộc đời của nó, và nó còn một nửa đời nữa. Tới cuối đời, lúc nó tắt ngấm như đốm lửa phun ra từ ống khói đầu máy xe lửa, thì cuộc đời Thịnh đã qua rồi, qua quá lâu! Sự tàn tạ ấy, đâu phải sẽ xảy ra ngày mai, ngày kia mà khiến cho Thịnh phải lo. Dù sao, cái đẹp của vũ trụ, trong ý nghĩa tương đối nào đó, sẽ là cái đẹp vĩnh cửu.
..
Tuy nhiên, tiếng khen và cái nhìn của người thanh niên ngồi bên cạnh, tuồng như đánh thức một ý niệm nào đó, về sự tồn tại, sự “hiện hữu”, của lời thầy giáo dạy môn triết, về vũ trụ mà nó đã nằm sâu trong tiềm thức từ lâu rồi. Dù sao thì hôm nay, nó cũng đánh thức một ý niệm về cái đẹp của vũ trụ mà người thanh niên đã chỉ cho Thịnh thấy.  Thịnh có cảm tình với anh ta.
Trí thức, phải có một cái gì sâu sắc hơn người!
Thịnh nói một mình, cũng hình như nói với anh ta: “Tuần tới thử về quê bằng xe lửa, coi có vui hơn không?”
Người thanh niên nghĩ rằng Thịnh nói với anh, nên anh ta trả lời:
- “Thích thú hơn mà buồn hơn! Cô ạ!”
Thịnh nói:
- “Vậy thì tôi sẽ đi coi thử nó buồn như thế nào!”
Thế rồi hai người nói chuyện với nhau, dè dặt vì mới gặp lần đầu, cho tới khi xuống xe.
..
Chiều thứ sáu tuần sau, Thịnh lên ga Huế để đi xe lửa về Quảng Trị. Khi Thịnh đi vào cửa bên phải để vào chỗ quầy bán vé thì anh ấy đứng ngay cửa. Chờ Thịnh hay tình cờ mà gặp? Rõ ràng là anh ấy làm như “tình cờ” vì khi Thịnh đi tới chỗ bán vé thì anh ấy nói: “Tôi mua giùm cho cô rồi”.
Ở cái tuổi trên dưới hai mươi nầy, bọn con trai không khôn ranh bằng bọn con gái. Giả làm tình cờ gặp mà mua vé trước thì tình cờ thế nào được? Biết vậy Thịnh hỏi:
- “Anh chờ em có lâu không?
- “Không lâu lắm.” Đó là câu trả lời hay là lời thú nhận biết sẽ gặp Thịnh?!
Thế rồi Thịnh cùng anh ấy ra sân ga.
..
Đường xe lửa “thống nhất” Saigon - Đông Hà khánh thành khoảng năm 1957. Từ Saigon ra Huế, đoàn xe lửa dài tới ba chục toa, kéo bằng đầu máy chạy dầu cặn, có khói mà không có lửa như đầu máy chạy bằng hơi nước. Từ Huế ra Đông Hà, đoàn xe được kéo bằng đầu máy xe lửa cũ, chạy bằng hơi nước. Xe đã chờ sẵn trong sân ga, chờ khi đoàn tầu từ Saigon ra, khoảng một giờ sau, sau khi sang khách và hàng hóa xong thì khởi hành. Khách đi Saigon - Huế thì đông. Huế đi Đông Hà đâu có bao nhiêu nên đoàn tầu chỉ có vài ba toa.
Đầu máy màu đen, các toa xe cũ kỹ màu xám đen. Sau khi rít lên hai hồi còi dài con tàu xục xịch chạy ra khỏi sân ga khi trời sập tối. Chưa được bao lâu, xe lửa sắp qua cầu trên sông Hương, lại rít lên hai hồi còi dài nữa. Tiếng còi xe lửa chạy bằng máy hơi nước, làm Thịnh nhớ lại một đoạn giảng văn đã học của Lê Văn Trương trong cuốn tiểu thuyết “Tôi là mẹ” của ông.
“Tầu “Cờ lốt sáp”, trước khi nhổ neo, theo lệ thường, rút lên ba hồi còi. Còi rút thất dài, hùng dũng bao nhiêu thì ai oán bấy nhiêu...”
...
Thịnh không thấy cái hùng dũng trong những hồi còi của đầu máy xe lửa từ Huế ra Quảng Trị. Thịnh cũng không thấy ai oán như tác giả muốn nói. Thịnh chỉ thấy buồn, một nỗi buồn nhẹ nhàng và bâng khuâng. Tiếng còi tầu nhắc Thịnh nhớ đến mẹ, đến thành phố nhỏ của Thịnh, đến những chiều Thịnh đi dạo bên bờ sông Thạch Hãn, chợt nghe tiếng còi tầu và ngó lên phía cầu ga. Một con tầu đen lầm lũi chạy qua cầu ga hay cầu Bầu Vịt ở bên cạnh, có một luồng khói trắng tỏa ra phía sau con tầu. Nó làm Thịnh nhớ cái sân ga nhỏ của thành phố nơi Thịnh sinh trưởng, những khi tầu đến rồi đi, không có lắm người đưa tiễn, nhưng hình như nó cũng mang đầy nỗi buồn của những sân ga vắng vẻ, một nỗi buồn dài dằng dặc, lặng lẽ, kéo dài từ sáng đến chiều, từ chiều đến đêm khuya. ..
Chính là những đêm khuya, sau khi nằm trong chăn, nghe tiếng còi tầu từ xa vọng về, trí Thịnh bỗng hiện ra cái sân ga vắng vẻ đó, tưởng có ai đang vội vã lên tầu, có ai đang đưa tay lau giọt nước mắt, tiễn một người đi xuôi về phía nam xa lắc, mờ mịt, và biết có một ngày trở về hay không. ..
Tiếng còi tầu cũng làm cho Thịnh nghĩ tới sông Thạch Hãn, con sông trầm lặng và buồn bã, tỏa lên những luồng hơi nước mong manh, che mờ một phần khung cảnh hiu quạnh bãi cát vắng vẻ bên kia sông, hay rặng tre đen bên phía đó, rặng tre chạy dài cho tới cuối sông.
Với nỗi buồn vu vơ ấy, Thịnh lặng lẽ ngồi im trong toa tầu, có một chút hơi lạnh từ cửa sổ toa xe bay vào. Thỉnh thoảng, có vài hạt lửa nhỏ bay vào trong toa, như một tinh cầu đi lạc, thoát ra ngoài vũ trụ, rồi tắt ngấm dâu đó dưới hàng ghế ngồi dài dọc theo thành toa.
Có lẽ trân trọng trước sự im lặng của Thịnh, anh ấy không nói một lời, cho đến khi tầu vào ga. Thịnh vội vàng chào anh ấy với một nụ cười tươi như Thịnh thường có, rồi vội vàng lên xe xích-lô để mau về với mẹ.
..
Tuần tới, Thịnh lại cùng vè quê bằng xe lửa với anh ấy. Khi đã vào ngồi trong toa, trời còn sáng, anh ấy đưa cho Thịnh một bài thơ do anh ấy chép tay. Thịnh còn nhớ và ghi lại vào đây:
..
Đón Em
...
Ngược lại một đường tàu để đón em từ một sân ga
Ðường vô như rất xa
Bánh tàu lăn không ăn hết đường thương nhớ.
Cùng một đường đi quanh co lối ngõ
Nhìn hai bên thêm thấy rõ lòng em.
Yêu nhau từ một ánh đèn
Rồi trên những chuyến tàu để tàu đi, đi mãi.
..
Từ một điểm nhớ thương anh nôn nao trở lại
Ðón em
Chiều nay
Ðể đốt lên từ vầng mắt thâm gầy
Một ánh lửa chong suốt đời, trọn kiếp.
Em ơi em! 
Ngược một đường đi giờ này em có biết
Lắc lư nghiêng ngã con tàu
Ta vẫn muốn đi mau
Ði thật mau để nhìn em buồn bên cửa gió.
Nhìn em, 
Đôi dòng mắt mở
Trông tìm sân vắng, ga đơn.
Ðể rồi khi chớm nở giận hờn
Anh xuất hiện
Màu hoa lên ánh mắt.
Náo nức ngồi đây, thân tàu lay lắt
..
Náo nức ngồi đây, thân tàu lay lắt
Mà thương nhớ xót xa trông chờ quay quắt.
Ta viết mau để quên tiếng xa gần.
Ðường dù dài nhưng chưa hết trăm năm
Tàu có chậm nhưng đường đi có hạn.
Ta sẽ gặp nhau giữa chiều hửng nắng,
Ta sẽ ôm em hôn trắng môi hồng.
Hôn thật lâu để trút nhớ cùng mong
Lên môi thắm hiền, yêu, chân thật.
Nghĩa là viết cho đến giờ gặp mặt.
..
Đọc một mạch xong bài thơ, Thịnh hỏi:
- “Thơ của ai mà hay vậy? Của anh hả?”
Anh ấy nói:
- “Tôi có thử làm thơ, nhưng làm xong thì vứt bỏ, thấy nó dở quá. Bài nầy của ông Đỗ Tấn, in trong báo, thấy hay, tôi chép lại tặng cô.”
- “Đỗ Tấn nào? Ông dạy Việt Văn ở trường Bồ Đề ấy hả?” Thịnh hỏi.
- “Vậy cô không biết chuyện tình của ông ta với cô Cao Xuân Y. ở Nguyễn Hoàng hả?” Anh ấy hỏi.
- “Câu chuyện tình lãng mạn ấy ở thành phố nầy ai mà không biết. Ông ta lớn tuổi, đã có vợ, nhưng lại là một nhà thơ. Còn cô giáo là cô gái mới lớn, chưa từng biết yêu. Chuyện tình rắc rối thật đó.”
- “Rắc rối nên có người không dám yêu!” Anh ấy nói đùa.
- “Chưa chắc đấy, làm sao biết ai bạo gan hơn ai?” Thịnh cũng nói đùa.
..
Dĩ nhiên là Thịnh và anh ấy yêu nhau. Anh ấy tỏ tình hôm anh rủ Thịnh đi chơi Khiêm Lăng.
Trong nhà thủy tạ vắng vẻ, anh ấy quì xuống, run rẩy, nói không ra lời. Một lúc sau, anh ấy hôn Thịnh, lần đầu tiên trong đời Thịnh mà cũng là cái hôn đầu tiên trong đời của anh ấy. Cũng như mọi người, cái hôn đầu sợ hết hồn hơn là ham muốn. Nhưng lẽ nào yêu nhau mà không hôn nhau.
Một lúc sau, bình tĩnh hơn, khi đứng ở hành lang nhà thủy tạ, nhìn mấy con cá lội dưới hồ nước, Thịnh mới nói đùa một câu, cho anh ấy mau “lại hồn”.
- “Làm gì mà nhát vậy, “run như run thần tử thấy long nhan.”
Anh ấy cười, trả lời: “Run thiệt.”
Thịnh nói tiếp:
- “Em có phải là chúa hay đức mẹ đâu. “Quỳ cạnh Chúa đám chiên lành run rẩy”. Đám chiên nầy chỉ có một con nên run dữ.” Thịnh lại nói đùa.
..
Thế rồi những tuần tiếp sau, Thịnh không về quê. Thịnh và anh ấy ở lại Huế, cuối tuần đi chơi lăng, từ lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, Thiệu trị, Khải Định… không nơi nào hai người không tới. Đi chơi lăng cũng có nghĩa là đi chơi Đồi Vọng Cảnh, thăm viếng các ngôi chùa nằm sâu, phía xa trong núi. Và rồi, một đêm, quá vui, Thịnh liều ở lại với anh ấy, cho anh ấy cái gì cao quí nhứt của đời con gái. Đó là một biến cố lớn, nhưng Thịnh đã yêu và đã liều.
Thấy vì “ham vui” nhiều quá, Thịnh đâm lo. Còn hai tháng nữa là thi phần hai, Thịnh vẫn chưa học ôn hết bài. Mỗi lần đi chùa, Thịnh lại cầu nguyện cho ngày thi được gặp may, trúng tủ.
..
Thịnh không gặp may. Không những Thịnh hỏng kỳ đầu, lại hỏng luôn kỳ hai. Đó là một sự khiếp đảm. Cũng có người hỏng thi nên tự tử đấy. Có cô gái, nhà ở Kim Long, không thấy tên mình trên bảng đậu, về ngang cầu xe lửa, bèn buông xe đạp, nhảy xuống sông. Cả thành phố Huế náo động lên vì cái tin “cô nữ học sinh”, không phải “mua chai thuốc chuột” mà lại nhảy xuống sông Hương.
Thi cử, đối với bọn học trò Huế là một biến cố trọng đại. Ra làm cô giáo, hay cao hơn, kỹ sư bác sĩ, hay chuyên môn như nữ hộ sinh, y tá, v.v… hay làm nghề buôn bán vất vả, tất cả chỉ thuộc vào một cái tên được đánh máy lên trên bảng yết kết quả thi… Nó quan trọng hơn cả việc lấy chồng, nếu người ta có sắc đẹp chỉ bình bình, kỹ sư, bác sĩ không ngó tới. Cũng từ cái thực tế đó, Thịnh cũng như các bạn của Thịnh có câu châm ngôn “Thà bị “bồ” đá, không thà hỏng thi.” Cơm cha, áo mẹ, công thầy mà hỏng thi trời ơi! Có cái nào đau đớn hơn!
Và Thịnh đã hỏng thi.
Thịnh trở về quê, ở nhà với mẹ, với một nỗi buồn mênh mông vì hỏng thi, không trở lại trường, tự học lấy, sang năm thi “tự do”.
....
Thế nhưng Thịnh lại lấy chồng.
Năm ấy, một người cùng làng, du học ở Pháp về, đang giữ một chức vụ lớn ở Saigon, về thăm quê, thăm ba má Thịnh và xin cưới Thịnh.
Mẹ Thịnh thấy con đang buồn vì hỏng thi, lại thấy anh ta học hành bên Tây về, bằng cấp cao, tương lai sáng lạn, nên khuyên Thịnh.
Thịnh đang hối hận nhiều chuyện. Chuyện tình yêu như lửa cháy, nóng vội và liều lĩnh, chuyện hỏng thi và những câu nói của bạn bè “Người tình không phải là người chồng”. Hai người ấy khác nhau như thế nào? Người tình là người nghệ sĩ, lãng mạn, đàn giỏi, hát hay, thơ văn bay bổng…Người chồng thì phải bảo đảm tương lai cho vợ. Lấy một ông kỹ sư, bác sĩ, có chức vụ cao ở bệnh viện, ở ngành y tế, có phòng mạch… Chẳng bao lâu sẽ có xe hơi, có biệt thự… Người tình không bao giờ có thể đem lại những điều hạnh phúc, sung sướng như người chồng.
Trong ý nghĩa đó, Thịnh bằng lòng.
Rồi Thịnh theo chồng vào Saigon, ít khi về quê, không gặp lại người cũ. Thịnh đi một mạch trên một đoạn đường dài. Có thế lực, giàu có, tuần lễ trước ngày 30 tháng tư 1975, Thịnh đã cùng chồng di tản sang Mỹ.
.....
'Anh thân yêu!
Nghe tin anh ở Đông Hà, Thịnh muốn về thăm anh, dù câu chuyện cũ đã qua nửa thế kỷ rồi đấy. 
Không phải Thịnh đi tìm chuyện quên hay nhớ, nhưng khi xa anh, Thịnh cứ nghĩ cuộc đời của mỗi chúng ta như môt giòng sông chia hai, không bao giờ gặp nhau lại nữa.
Thế rồi mỗi giòng sông đều có nhiều hạnh phúc và nhiều nỗi thương đau. Thịnh không có con cái gì cả. Anh ấy qua đời cũng đã mười năm. Thịnh sống cuộc đời cô quạnh nơi xứ người, nhưng tất cả rồi cũng quen đi anh à. Đời sống, dù ở đâu, nó cũng có những nỗi vui buồn. Nếu Thịnh bỏ xứ Mỹ mà về lại quê nhà, chắc gì Thịnh sẽ không cảm thấy cô đơn, chắc gì Thịnh sẽ không có những nỗi vui buồn như khi Thịnh sống ở xứ Mỹ nầy.
Thịnh lấy chồng, bỏ xứ đi mất, nhưng Thịnh vẫn nghĩ sâu trong lòng: “Với anh là Tình, với chồng là Nghĩa”. Thịnh không thể quên đi, quên đi chứ đừng nói là mau quên, một mối tình đầu, mối tình độc nhứt, mà cũng là mối tình đẹp nhất, ít ai có được. Tuy vậy, Thịnh cứ để kín trong lòng, không thương, không nhớ, không tiếc, không buồn…
Chỉ buồn là mới năm ngoái đây, Thịnh lại có được tin anh.
Anh cũng rời bỏ ngôi trường anh đang học, nhập ngủ sau khi “được tin em lấy chồng”. Cuộc chiến tàn để lại trên thân thể anh những dấu tích không bao giờ lành hẵn được. Dấu tích trên thân thể và cả những dấu tích trong tâm hồn. Rồi sau những năm tù đầy, anh chẳng còn gì hết, ngoài một tấm thân tàn, trở về Đông Hà, nơi cố quận, chờ một ngày cuối đời, như anh nói với người bạn anh. Người ấy cũng đã kể lại cho Thịnh nghe.
Từ Mỹ, Thịnh về Saigon, dự tính về Đông Hà gặp anh một lần nữa, một lần chót, mà trước kia, Thịnh không bao giờ nghĩ tới. Dù sao, cũng phải thăm anh một lần.
“Về Huế, Thịnh dự tính ngày mai sẽ về Đông Hà, gặp anh.
“Nhưng rồi chiều hôm qua, Thịnh lại đi dạo phố Trần Hưng Đạo, Gia Long như ngày xưa, những ngày nghỉ Thịnh thường đi dạo phố vậy. Mùa xuân, Thịnh mặc áo màu hoàng yến. Cái hình ảnh của Thịnh ngày ấy, anh còn giữ trong lòng không? Hình ảnh ấy có phải là của một nữ hoàng, một Lý phu nhân, một Dương Quí Phi, không chịu gặp hoàng thượng, chỉ cắt một nắm tóc gởi cho hoàng thượng để tỏ lòng nhớ thương......
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương 
Trăm năm tình cũ lìa không hận 
Thà nép mày hoa, thiếp phụ chàng
......
Anh thân yêu!
Cái đẹp của Thinh ngày xưa không còn nữa, tuy tóc chưa bạc hết, da chưa mồi, nhưng làm sao Thịnh còn được những đường cong, không có những nếp nhăn trên mặt…
Đang dạo phố, tự nhìn hình mình trong một tủ kính cửa hàng nào đó trên đường Trần Hưng Đạo, Thịnh bỗng thấy sợ nếu gặp lại anh. Màu hoàng yến không còn “ăn” với màu da của Thịnh nữa. Mái tóc cắt ngang nửa lưng nay khô vàng, cứng, không còn bay bay theo gió như anh đã từng ca ngợi. Bước chân Thịnh trên đường phố không còn thanh thoát nhẹ nhàng mà nặng nề, chậm lụt, nụ cười không còn tươi mà ủ dột,… Tất cả đã hết rồi, một thời con gái.
Phi tần không chịu gặp vua vì nhan sắc đã tàn tạ. Thịnh có thể gặp anh được không, hoàng thượng của Thịnh, khi nhan sắc Thịnh đã phai tàn?
Không anh à!
Một mối tình đẹp, những hình ảnh đẹp. Sao có thể xóa nhòa đi được? Hình ảnh Thịnh trong tim anh có phải là một hình ảnh đẹp không? Sao Thịnh có thể thay vào đó hình ảnh một … bà già.'
...
Vậy rồi Thịnh trở lại Saigon để sang Mỹ, sau khi gởi lai bức thư và cái mà Thịnh gọi là “một chút quà mọn”. Chút quà mọn đó không giống như món tóc mà Dương Quí Phi đã gởi cho Đuờng Minh Hoàng.
...
Và cũng không có hồi âm!
..
TÁC GIẢ: HOÀNG LONG HẢI
.....
(sưu tầm)..