Monday, October 1, 2012

Chiếc áo len đồng phục

Hằng năm mùa "ice hockey" ở Mỹ và Canada bắt đầu vào ngày 10 tháng 9, mở đầu với các tuần lễ tập dượt, tiếp theo là những trận đấu giao hữu trước khi các đội banh chính thức thi thố tài nghệ quyết liệt trên sân băng. Năm nay ngược lại, vì đình công nên đã sang tháng 10 mà vẫn chưa có trận đấu nào. Mời quý anh chị và các bạn xem truyện ngắn sau đây do Mỹ-Vân (ĐK 67) dịch.
...
....


Truyện dịch:
..  ......
CHIẾC ÁO LEN ĐỒNG PHỤC
..
Nguyên tác: Roch Carrier
Người dịch: Trương Mỹ-Vân
...
Lời người dịch Roch Carrier là văn sĩ người Gia-nã-đại gốc Pháp.  Ông sinh năm 1937 tại Quebec, tốt nghiệp ngành văn chương cổ điển tại đại học Montreal và sau đó theo học tại đại học Sorbonne ở Ba-Lê, Pháp.  Tác phẩm mới nhất của ông là "Prayers of a very Wise Child" vào năm 1991.  Ông thường viết về xã hội người Gia-nã-đại gốc Pháp với nhiều lạc quan và linh động hơn những văn sĩ cùng thời.
..
Truyện ngắn "Chiếc Áo Len Đồng Phục" được dịch từ nguyên văn "The Hockey Sweater" (1979).  Trong truyện, tác giả không những đề cập đến sự xung đột giữa hai thế hệ mẹ con mà còn nêu lên mối chia rẽ sâu xa giữa hai khối dân Gia-nã-đại gốc Pháp và gốc Anh, điển hình qua sự kình địch của hai đội banh khúc côn cầu (ice hockey): Montreal Canadiens và Toronto Maple Leaf's.
..
Thuở tôi còn bé, mùa đông dài lê thê.  Trong những ngày đông giá buốt, tôi và đám bạn tôi chỉ quanh quẩn tại ba nơi chính là trường học, nhà thờ và sân băng, nơi chúng tôi chơi khúc côn cầu.  Những trận đấu quyết liệt, những cầu thủ sáng chói, và những tên chỉ huy nổi bật nhất trong đám bạn tôi đều thi thố tài nghệ trên sân băng này.
..
Thuở ấy, trường học đối với tôi là một cực hình.  Có lẽ cha mẹ muốn trừng trị con cái nên hình phạt tự nhiên nhất là bắt chúng đi học.  Tuy nhiên, trường học cũng là nơi yên tĩnh nhất để chúng tôi bàn tính chiến lược và chuẩn bị cho những trận cầu sắp đến.  Còn tại nhà thờ, chúng tôi tìm được niềm thanh tịnh với Chúa.  Nơi đây bọn tôi quên hết bài vở ở trường và chỉ mơ tưởng đến những trận cầu kế tiếp.  Chúng tôi đã từng cầu nguyện Chúa ban phép cho chúng tôi được đấu banh tuyệt diệu như anh chàng Maurice Richard, cầu thủ nổi danh của đội banh Montreal Canadiens.
..
Tất cả chúng tôi đều mặc bộ đồng phục giống hệt bộ áo ba màu xanh trắng đỏ của đội banh nổi tiếng nhất thế giới Montreal Canadiens.  Chúng tôi cũng dùng thật nhiều dầu sáp "bri-yăn-tin" để chải tóc y hệt theo kiểu tóc của thần tượng Maurice Richard.  Không những thế, bọn tôi còn bắt chước cách cột dây giày, dán băng keo lên cây gậy hockey giống chàng, và hễ thấy hình chàng ta trên báo là chúng tôi cắt ra để dành.  Nói tóm lại, chúng tôi biết rất rành rõi và cố noi theo anh chàng cầu thủ khét tiếng này.  Trên sân băng, đội banh chúng tôi chia làm hai phe, mỗi phe năm cầu thủ mà cả phe địch lẫn phe ta đều mặc áo mang số 9 giống hệt thần tượng Maurice Richard của chúng tôi.
..
Một hôm cái áo đồng phục của tôi chật quá không còn mặc được nữa, lại còn thủng nhiều lỗ và rách tứ tung.  Mẹ tôi thấy vậy bảo tôi:
..
 Nếu con cứ mặc cái áo cũ này mãi, thiên hạ sẽ tưởng nhà mình nghèo, không mua nổi áo mới cho con.
..
Rồi như mọi lần mỗi khi cần mua áo mới, mẹ tôi mang quyển liệt kê mẫu hàng dày cộm của hãng Eaton's mà mẹ nhận được hàng năm ra lựa chọn.  Mẹ thường hãnh diện vì không muốn mua sắm ở phố nên chỉ có hàng hóa tân kỳ của hãng Eaton's mới làm mẹ hài lòng thôi.  Nhưng mẹ lại không thích điền những mẫu đơn rắc rối bằng tiếng Anh của hãng này vì mẹ nói tiếng Pháp và không hề biết một chữ tiếng Anh nào cả.  Nhưng vì mẹ là cô giáo nên cũng như những lần trước, lần này mẹ mang tập giấy viết thư ra và thong thả viết:
..
"Thưa Ông Eaton,
..
Xin ông vui lòng gởi cho tôi một cái áo len Canadiens cho con trai tôi năm nay lên mười.  Đối với tuổi cháu, cháu có hơi cao một tí nhưng bác sĩ Robitaille lại bảo cháu hơi gầy. Tôi kèm theo đây ba Gia-kim.  Nếu còn dư bao nhiêu, xin ông hoàn lại.  Tôi hy vọng lần này ông gói hàng cẩn thận hơn kỳ trước."
..
Cái ông Eaton này thật mau mắn, trả lời mẹ tôi ngay nên chỉ hai tuần sau mẹ nhận được áo len mới.  Ngày áo len đến là ngày tôi thất vọng não nề nhất trên đời và cũng là ngày đau khổ nhất với tôi nữa.  Thay vì gởi cho tôi chiếc áo ba màu xanh trắng đỏ của đội banh Montreal Canadiens, cái ông Eaton cắc cớ này lại gởi đến cái áo hai màu trắng và xanh của đội banh Toronto Maple Leaf's.  Từ thuở nào đến giờ, tôi chỉ mặc độc nhất chiếc áo của đội banh Montreal Canadiens;  tất cả bạn bè tôi ai cũng mặc chiếc áo này.  Chưa hề có người nào trong làng tôi được nhìn thấy tận mắt cái áo đồng phục của đội banh Toronto Maple Leaf's chứ đừng nói gì đến chuyện mang nó trên người nữa!  Không những thế, đội banh này luôn luôn bị đội banh Montreal Canadiens đánh bại tơi bời.
..
Tuy nước mắt lưng tròng,  tôi cố gắng thu hết can đảm thưa với mẹ:
..
 Con không mặc chiếc áo này đâu...
 Con ạ, trước hết con nên mặc thử xem có vừa không đã.  Nếu con cứ khăng khăng từ chối trước khi biết phải trái thì làm sao sau này con thành công trên đường đời được?
..
Vừa nói mẹ tôi vừa trùm cái áo lên đầu tôi, kéo tuột qua khỏi vai và trong tích tắc, hai cánh tay tôi nằm gọn gàng trong hai tay áo.  Mẹ tôi tiếp tục kéo thân áo xuống và cẩn thận vuốt những nếp nhăn trên chiếc lá phong kệch cỡm nằm chình ình trước ngực áo với hàng chữ in to tướng "TORONTO MAPLE LEAFS".  Tôi khóc nức nở:
 Con không chịu mặc cái áo này đâu?
 Tại sao lại không?  Áo này con mặc vừa y mà.
 Maurice Richard không bao giờ mặc áo như vậy cả.

 Con đâu phải Maurice Richard.  Vả lại "Tốt danh hơn lành áo".  Người ta không đánh giá trị con qua quần áo con mặc, mà giá trị con chính là kiến thức của con đấy.

 Mẹ không cách nào bắt con đổi ý được.  Con không muốn mặc cái áo của đội banh Toronto Mple Leaf's này!
..
Mẹ tôi thở dài tuyệt vọng và cố gắng giải thích:
..
 Nếu con cứ khăng khăng không chịu mặc chiếc áo vừa vặn này, buột lòng mẹ phải viết thư giải thích cho ông Eaton hiểu là con không chịu mặc chiếc áo len Toronto.  Ông Eaton là người Anh, thế nào ông cũng cảm thấy bị xúc phạm vì ông ta thích đội banh Maple Leaf's.  Và nếu ông ta giận thì con thử nghĩ xem ông ta có trả lời mẹ ngay không?  Mùa xuân sắp đến rồi, nếu con không chịu mặc chiếc áo len xinh đẹp này, con sẽ không được đấu trận cầu nào đâu....
....
Thế là tôi bị bắt buộc phải mặc chiếc áo len của đội banh Toronto Maple Leaf's. 
..
Khi tôi vừa ra đến sân băng , tất cả các chú cầu thủ Maurice Richard tý hon đều tò mò nhìn tôi.  Bỗng dưng có tiếng còi trọng tài báo hiệu bắt đầu trận đấu.  Tôi vội vàng đứng vào vị trí thường lệ của mình trên sân băng, nhưng anh chàng đội trưởng lại bảo tôi phải chờ ở hàng tiền đạo.  Vài phút sau hàng này được gọi; tôi nhanh nhẩu nhảy xuống sân băng.  Chiếc áo Maple Leaf's đè nặng lên vai tôi như một hòn núi.  Thế nhưng anh đội trưởng chạy lại bảo tôi phải chờ thêm tý nữa vì anh ta cần tôi làm phòng thủ. Đã đến hiệp thứ ba rồi mà tôi vẫn chưa được chơi lần nào.  Ngay lúc đó một tên phòng thủ bị cây gậy đập trúng mũi, máu ra lênh láng.  Tôi tức tốc nhảy xuống sân băng:  đã đến phiên tôi rồi!  Nhưng người trọng tài huýt còi inh ỏi và phạt tôi một cú cấm túc.  Hắn ta buộc tội tôi đã nhảy xuống khi trên sân vẫn còn đủ năm người.  Thế này thì quá lắm rồi và bất công hết chỗ nói!  Đúng là tôi bị kỳ thị chỉ vì tôi mặc chiếc áo len xanh này đấy thôi.  Tôi tức tối đập cây gậy xuống mặt băng đến nỗi nó gãy đôi.  Trong lúc tôi thở dài chán nản cúi xuống nhặt cây gậy gãy và vừa ngửng đầu lên thì thấy vị cha sở trượt băng đến đứng ngay trước mặt.  Ông ta bảo tôi:
..
 Này cậu bé, chỉ vì cậu có cái áo Toronto Maple Leaf's khác mọi người không có nghĩa là cậu được quyền đặt luật lệ, làm vương làm tướng ở đây.  Một người đàng hoàng không bao giờ để lộ sự giận dữ của mình.  Cậu nên thào giày trượt băng ra và đến nhà thờ xin Chúa tha tội cho cậu đi là vừa.
..
Và vẫn còn mang trên mình chiếc áo len Maple Leaf's, tôi đến nhà thờ cầu nguyện.  Tôi cầu xin Chúa hãy gởi gấp cho tôi một bầy mọt chuyên ăn thủng áo len để chúng cắn thủng cái áo quái gỡ này của tôi càng sớm càng tốt!
..
Nguyên tác của Roch Carrier  (1979)..
Trương Mỹ-Vân ĐK67 (B3-C1) dịch
..
....
Mời các bạn xem phim hoạt họa THE SWEATER.
(Cũng xin nói thêm, người đọc truyện trong phim chính là tác giả Roch Carrier, cho nên nói tiếng Anh với giọng Pháp vì R. C. là người Gia-nã-đại gốc Pháp.)
.......                                                                
THE SWEATER
 ......
... 
....
.......
...
...Lối đi dẫn vào công viên Stanley Park ở Vancouver, Canada...