Thursday, October 31, 2013

Bùi Giáng và Người giàu nhất thế giới

.
Những Khung Cửa Hẹp
(tranh Lê Duy Đoàn)
..

NGƯỜI GIÀU NHẤT THẾ GIỚI
..
Tác giả: LÊ DUY ĐOÀN 
...
Tháng 2 năm 1991. Sài gòn
...
Chiều muộn 30 Tết.  Trời mù, mưa lất phất.  Chỉ còn vài giờ nữa là đến giao thừa, chuyển từ năm Canh Ngọ sang năm Tân Mùi.  Giờ này mà Nhà Thơ đang còn ngồi dưới hiên nhà đối diện nhà thờ Vườn Xoài trên đường Lê văn Sĩ, quận Phú Nhuận, Sài gòn.  Cả một dãy phố nhà nhà đóng cửa hay để cửa khép hờ.  Ai cũng lo chuẩn bị đón năm mới.  Những xe chở rác và công nhân vệ sinh làm việc tất bật.  Thói quen xã rác trở thành một thói quen xã hội rồi.  Người đi đường thưa thớt mà vội vã.  Đường vắng.  Phố đã lên đèn.
..
Trên người Nhà Thơ, không biết là bao nhiêu lớp quần áo cái nào cũng rách bươm màu sắc tếc nic co lo.  Một đống giẻ rách thì đúng hơn.  Dưới chân Nhà Thơ là cái mũ dạ nhàu nát.  Cây gậy tre quấn một sợi dây xích rổn rảng, để bên cạnh cái túi màu xám ô liu dơ bẩn không biết thứ gì bên trong mà cái túi căng kè.  Một nải chuối cau cột sợi dây nylon đủ dài để nhà thơ đeo tòn ten nơi cổ cho tiện, khỏi cầm.  Tất cả mọi thứ trên người ông đều nhàu nhĩ .  Chỉ riêng đôi mắt sâu, nhỏ, hơi lé mà lại rất tinh anh dù nằm sau cặp kính tròn dày cộm…  Nhà Thơ cũng có tắm gội hằng ngày nhưng tóc phủ dài xuống gáy và bện xe lại như đầu tóc Rud Gullit, lại thêm trên người bao nhiêu lớp giẻ nên trông Ông bẩn bẩn giống như người cả tháng trời không tắm gội.  Người ông nhỏ thó với khuôn mật nhăn nheo như quả trám khô tưởng chừng như không còn chỗ cho nếp nhăn chen chúc, nước da tai tái bủng beo, lại thêm áo quần trên người làm Nhà Thơ trông càng áo não.  Thế mà vẻ mặt ông an nhiên tự tại, không đếm xỉa gì đến mọi việc xung quanh, mặc cho lủ trẻ nghịch ngợm chọc phá.  Ông đang chìm vào quá khứ.
..
* *
Nhà thơ ra khỏi nhà của Ông đạo diễn họ Lê ở xóm Gà, trong hẻm 482 đường Lê quang Định, Bình Thạnh từ sáng sớm.  Ông mới đến trú ngụ ở đây sau cuộc rượu lu bù mà không có tiền để trả ở quán rượu Thọ nguyên bị chủ quán mắng mỏ và làm khó dễ, ông đạo diễn họ Lê trả tiền nợ và mời Ông về nhà mình ở cho đến nay.  Ở nhà thì Ông chỉ mặc một cái áo sơ mi, quần xà lỏn nhưng ra đường thì Ông lấy cái bao đồ cũ quàng hết lên người, cái bao tải đồ của nhà thơ, ông đạo diễn dặn vợ con không được đụng tới, một phần tôn trong riêng tư của nhà thơ, một phần sợ nhà thơ buồn mà bỏ đi.  Dường như nếu ra đường mà không có trang bị tận răng như thế thì không ra dáng hảo hán một tí nào ?!
..
Nhà thơ đi bộ xuống chợ bà Chiểu ngồi bệt bên vệ đường dựa lưng vào gốc cây phương, nhai ổ mì và ngó mông lung dòng người ta vội vã di chuyển trên đường và mua bán tấp nập hai bên đường ngày cuối năm.  Chẳng ai để ý một người điên nhưng người điên lại để ý quan sát mọi người.  Dọc đường Lê quang Định, phía trước chợ Bà Chiểu, xe gắn máy dừng đậu bên lề đường ngã giá mua bán hoa mai và các loại hoa cúng.  Những quầy bán dưa, quay lại bằng cót tre còn dưa nhiều lắm.  Những người bán ngũ quả “cầu mãn dừa đủ xài” có nhiều khách bu đen bu đỏ.
..
Nhà thơ ăn hết ổ bánh mì, nhìn quanh một hồi cũng chán, đi tới chỗ anh xích lô quen.  “Đi thôi, đại ca.”  Anh xích lô thường chở người khách đặc biệt này nên biết lối đối thoại rất dị kỳ của ông với lối xưng hô rất ư là phiêu bồng cà rỡn.  Anh hỏi lại một cách rất là phường tuồng:  “Bệ hạ đi mô?”.  Ngồi lên xe nhà thơ nhớ nương tử.  “Tới nhà mẫu thân tao”.  Đã nhiều lần chở nhà thơ đến nhà của nương tử nên anh xích lô cứ thế mà đạp qua đường Hoàng Diệu.  “Đại ca biết là tao qua nhà mẫu thân làm chi không?”   Không đợi anh xích lô trả lời, nhà thơ nói tiếp  “Để tao chọi hai cục đá ni vô cửa cổng, hẹn với mẫu thân sáng mai mồng một Tết, tới xông đất, xông nhà lấy hên cho mẫu thân.”
..
Anh xích lô đang lo trong lòng không biết ăn nói làm sao nếu bệ hạ điên này nói như chơi mà làm thiệt , lở công an vịn ngày cuối năm thì mệt lắm.  Anh đang phân vân thì nhà thơ đột nhiên đổi ý  “Thôi mày ơi, tao nói chơi chứ ngày mai tao mới tới nhà mẫu thân để xông đất . Tao xông đất mà không báo trước thì chắc là nương tử thích hơn” .  “Thế bây giờ bệ hạ đi đâu?”  “Thôi mày đi với tao lên hội.”
..
Hội là hội văn nghệ thành phố, 81 Trần quốc Thảo, nơi tụ hội những văn nghệ sĩ thứ thiệt cũng có mà kẻ ăn theo tiếng văn nghệ cũng nhiều.  Tới đây, anh đã từng được ông cho ăn nhậu bù khú đã đời cóc tía lắm phen.
..
Xe xích lô chạy thẳng vô sân hội như mọi khi nhưng quán vắng ngắt, bàn ghế được dọn dẹp trống huơ trống hoắc.  “Dẹp rồi à?  Thôi ra chỗ mô có bán bia thì đại ca cứ tấp vô”.  Bên ngoài khuôn viên hội, trên lề đường còn có một ngưới đàn bà trung niên bán muộn.  Khi thấy nhà thơ bước vô, người đàn bà cung kính cúi chào  “Thưa thầy”  Bà đon đả kéo ghế mời. “Ờ mô mà thưa thầy hay rứa hè?”  “Dạ, hồi trước con học Văn khoa trường Đại học Vạn Hạnh đó thầy.”  Đối với nhà thơ, hồi ức về thời gian dạy ở Đại học Vạn hạnh mơ hồ như rác duềnh lên trôi xuôi theo dòng nước còn đối với anh xích lô khi thấy người đàn bà lễ phép giữ lễ thầy trò chào con người với đống giẻ trên người thế kia thì nhìn nhà thơ với con mắt vừa ngưỡng mộ vừa ái ngại.
..
Vẫn ngồi trên xích lô, vách chân chữ ngũ, mày chai tao chai, nhà thơ nhai đậu phọng uống bia với anh xích lô.  Dù người đàn bà bán quán xép không chịu lấy tiền nhưng nhà thơ vẫn móc tiền trả và nói  “Trẫm không muốn nợ và không muốn mắc nợ.”  "Nói nợ là nợ tiền và mắc nợ là mắc nợ tình."  Nhà thơ phân biệt chữ nghĩa hay thật.
..
“Thôi mày về đi lo ba bữa Tết, sang năm gặp lại.”  Nhà thơ nói với anh xích lô sau khi dúi cho anh một nắm tiền chẳng biết là bao nhiêu.  Chân nam đá chân xiêu, nhà thơ đi bộ lên cầu Lê văn Sĩ.  Tay chống gậy với sợi xích kêu loảng xoảng theo bước chân đi.  Hai sợi xích ngày thường nhà thơ dẫn hai con chó, bây giờ chỉ còn sợi xích, không biết hai con chó đi đâu rồi.  Nải chuối quàng trên cổ, cái bị trên vai trông nhà thơ giống Bố Đãi hòa thượng quá!
..
Ngồi dưới hiên nhà bên kia đường đối diện cổng trường Đại học Sư phạm đầu cầu Lê văn Sĩ, trước đây là cơ ngơi của trường Đại học Vạn Hạnh, nhà thơ vừa đưa tay chỉ vô trường vừa lầm bầm chưởi rủa .
..
Những việc làm bất thường của nhà thơ đôi khi làm ông rước họa vào thân. Bị người bán hàng phụ tùng xe đạp đánh đá sưng mặt sưng mày vì lấy cái ghi-đông chơi trò lái xe, bị đám pê-đê đánh chảy máu đầu vì vào đám tang múa may quay cuồng và nhảy nhót với chúng. Có khi bị công an dẫn vô đồn vì nhảy điệu đười ươi thượng ngàn, huơ gậy điều khiển xe cộ lưu thông trên đường phố.  Khi vô đồn công an hay vô bịnh viện, người ta hỏi thân nhân là ai, khi nào nhà thơ cũng nói số điện thoại và số nhà của nương tử mẫu thân. Báo hại nương tử mẫu thân hốt hoảng một phen hộc tốc tới nơi lo chăm sóc cho nhà thơ tội nghiệp.
..
* *
Hiên nhà trước nhà thờ Vườn Xoài, đường Lê văn Sĩ.
..'
Ông đang chìm vào quá khứ.  Những ngày cuối năm đối với ông giống như những ngày cuối đời.  Những chuyện không theo thứ tự thời gian, trở lại như phim mà phần hồi tưởng lại sắc nét một nỗi sầu nhân gian và nhân thế.
..
Ông nhớ lại những tháng ngày sương khói xa xưa.  Ông sờ lên vết sẹo trên trán và mơhồ đâu đây tiếng cải vả của cha mẹ rồi người cha hầm hầm giận dữ ném ông trúng cây đinh thủng trán.  Nhớ tuổi thơ ông ở Duy xuyên xứ Quãng nam.  Nhớ vô vàn những ngày lang thang chăn dê trên vùng thung lũng đồi núi Trung Phước, nuôi dê để rong chơi với đàn dê thôi chứ không bán, không làm thịt.  Thương những con dê, ông đặt cho mỗi con một cái tên.  Nhớ những lạch nguồn, truông trảng.  Nhớ rừng sim tím ngát.  Nhớ vô cùng người vợ đẹp và hiền hậu mà quađời sớm cùng đứa bé sơ sinh.  Nhớ những bát sữa dê đem chưng lên cho vợ uống mỗi buổi sáng.  Tất cả đều trôi vào hư ảo, hư vô…
..
Những đứa bé vây quanh chòng ghẹo nhà thơ đã tản mác hết rồi.  Chỉ còn nhà thơ ngồi cô đơn dưới hiên nhà.  Một người đàn ông dáng tầm thước trong hẻm đi ra, tìm mua một bao thuốc lá.  Quanh xóm đó ai cũng biết cũng quen Ông giáo gàn. Trước đây, ông dạy các lớp Đệ nhất cấp trường Việt Anh ở Huế từ năm 1951 lận, sau này trường đổi tên thành trường Trung học Đệ nhất cấp Nguyễn Tri Phương.  Đi ngang trước mặt nhà thơ, ông dừng lại một chút, nhìn và suy nghĩ một chút rồi ông đến bên vổ nhẹ trên vai nhà thơ.  “Này,nhà thơ, vô nhà tui uống rượu không ?”.  Nhà thơ như sực tỉnh:  “ Đi mô?”  “Vô đây chút thôi, trong này.”  “ Đi thì đi.”
..
Ông giáo gàn là người tốt bụng, cục tính và có thói gia trưởng.  Ông ưa, ông làm đố vợ con hé răng bàn vô một tiếng.  Thấy ông giáo gàn chiều tối 30 tết rồi mà còn dẫn về một ông nhà thơ với đống giẽ rách trên người, vợ ông là một bà giáo, con ông đã gần tốt nghiệp đại học cũng đành rút lên trên lầu chuẩn bị bàn thờ và bàn phẩm vật cúng giao thừa, để phòng khách dưới tầng trệt cho ông với nhà thơ muốn làm chi thì làm.  Những tưởng ngồi chơi một chút rồi vế, ai ngờ hai người ngồi chơi tới sáng.
..
Ông giáo gàn đem ra một bộ pyjama đặt trước mặt nhà thơ:  “ Đi tắm đi rồi ra đây nhậu.”  Nhà thơ giẩy nẩy:  “Không, không tắm.”  Ông giáo kéo nhà thơ vào nhà tắm, lấy vòi sen xịt nước cho ướt áo quần, nhà thơ mới chịu cởi nùi giẻ rách ra tắm.
..
Mặc bộ đồ ngủ còn thơm mùi long não, xịt chút eau de cologne, nhà thơ thấy dễ chịu vô cùng.  Trong khi nhà thơ tắm táp, ông giáo gàn đã bày ra trên bàn ăn không biết cơ man nào là thức ăn và rượu ngoại.  Chủ nhân là người hiếu khách thái quá. “Rồi, muốn ăn chi cứ ăn, muốn uống chi cứ uống, cứ tha hồ.”  Ông giáo gàn mang hầu như tất cả thức ăn để dành trong tủ lạnh dùng dần mấy ngày tết ra đãi khách.
..
Câu chuyện giữa nhà thơ lang bạt với ông giáo gàn không đầu không đuôi.
..
“Này nhà thơ, răng mà giờ ni còn lang thang ngoài đường như rứa.”
..
“Rong chơi mút mùa, càn khôn túy lúy.  Đó là Đạo của tui.  Nói thật tình, ở nhờ nhà người ta, ba bữa Tết, đuổi mình đi thì người ta không nỡ, mình ở nhà vô ra ba bữa Tết cũng không tiện.  Thôi ra ngoài đường chơi với cóc nhái ểnh ương”
..
“Ngoài quê còn ai không ?
..
“Giật mình lúc chợt nghĩ ra 
Rằng toàn thân thuộc đã qua đời rồi!”
..
“Nghe nhà thơ nhiều mẫu thân nương tử lắm, mà họ mô rồi?”
..
“Thần tiên nhan sắc đẻ ra mẫu thân nương tử, nương tử mẫu thân đẻ ra thằng tui, thằng tui đẻ ra hết thơ rồi thẩn, thơ thẩn đẻ ra cóc nhái ểnh ương, châu chấu chuồn chuồn, châu chấu chuồn chuồn lại đẻ ra cái liên tồn, lá hoa cồn, tồn lưu, cồn lau cỏ lách.  Cái liên tồn lại đẻ ra thần tiên nhan sắc, cuộc tồn sinh tồn diệt mới tồn lưu.  Ra sông nằm ngũ rập rình, Mẫu thân Phùng Khánh đẻ mình ra sao?  Mẫu thân nương tử mô cũng giành nhau đẻ mình ra, Phùng Khánh, Kim Cương, Marilyn, Bardot ai cũng là nương tử, ai cũng là mẫu thân, rứa mới lạ chứ.”
..
“Mấy quyển sách nhà thơ viết trước đây thấy cũng hay đó chơ?"
..
“Thôi, đại ca ơi, sách vở ích gì cho buổi ấy, Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già, Xuân về ngày loạn còn lơ láo, Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ..”
..
Phong ba cuộc đời cứ dồn dập, càng ngày càng nhố nhế thêm ra, tủn mủn đầu độc thêm ra, thì ưu tư khắc khoải trở thành chuyện tầm phào, siêu thị, siêu tưởng, siêu triết, trở thành chuyện đỉ điếm.  Văn chương, văn nghệ trở thành chuyện bán cá ngoài chợ.  Nợ tang bồng vay trả trả vay trở thành chuyện phỉnh phờ con nít.  Lưu thủ đan tâm chiếu hản thanh ư?  Lưu thủ đan tâm trở thành chuyện tán gái đâm toang.  Chiếu hản thanh trở thành chiếu chăn mài cọ lầu xanh meo mốc…”
..
“Hạnh phúc nhất là lúc mô?”
..
“Trước năm 75 ,hồi đó tui ở chung phòng với thằng Thiên Thư trên lầu bốn trường Đại học Vạn Hạnh, hắn là thầy tu, mặc áo nâu sồng mà có con bồ Như Ngọc ở mô trên Đà lạt về thăm hắn, cô ấy dễ thương ghê.  Sướng nhất là khi cô vào nhà tắm, tui đi theo, tui nói với cô.  Cho coi một chút thôi cô ngồi xuống đây tưới cỏ cây đi, tui nằm coi.  Mát mẻ con mắt vậy mà, mai mốt cỏ trên mồ cũng mát theo.  Rứa mà cô thương tui, ngồi xuống mưa nguồn rớt hột trên sàn trong khi tui nằm trong bóng tối nhai gạo lứt muối mè nhìn mưa.  Đại ca nghĩ coi, ai hạnh phúc hơn tui.  Tui cũng từng ngỏ lời với mấy nương tử mẫu thân của tui là mai sau tôi có xuống suối vàng vẫn mong rằng các vị…sẽ ban ân huệ mưa móc sum suê, trên nấm mồ mọc cỏ, những giọt sương trần gian sẽ dỏ hằng ngày xuống đáy huyệt cô đơn của tui”.  Tui cũng từng nói với nương tử:  “Kim Cương nương tử ơi, nếu tại hạ một mai chết đi, nàng hãy mưa lên nấm mồ tại hạ.”
..
“Mấy lâu ni có chi vui ?”.
..
“Không buồn thì cũng không vui,
Buồn vui một nửa thì tui không màng.”
..
“Bình sinh nhà thơ yêu thương ai nhất?
..
"Nhất vợ nhì Trời, nên yêu thương bà Ninh nhất.  Thứ nhì là thương con.  Yêu thứ ba là những cô gái giang hồ. Giang hồ của tui là phường đỉ điếm hay không đỉ điếm cũng được miễn là những cô những bà có máu phiêu lãng phiêu bồng là được.  Quẳng gánh lo đi và rong chơi dzui dzẻ.  Rồi tui yêu vu vơ những đàn bà tình cờ gặp gỡ ngoài đường - thường là những phụ nữ da dẻ đen thui, ngồi im lìm bên vệ đường bán mua cái gì chẳng rõ."
..
“Nhà thơ làm thơ dễ như lấy đồ trong túi.  Thơ để làm gì và bàn luận thế nào về thơ?”
..
"Thơ để cho, thơ để tặng, để chơi chứ không để làm chi cả.  Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ.  Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu.  Mà muốn thực hiện việc đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác.  Thế có nghĩa là: muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác.  Người xưa am hiểu sự đó, nên họ chỉ vịnh thơ,chứ không bao giờ điên rồ gì mà luận bàn về thơ.  Người đời nay trái lại, họ buộc phải luận thơ cho có mạch lạc luận lý.  Cái chỗ ngu si đó là điều bất khả tư nghị vậy."
...
-------------------------
...
Cứ như vậy, hỏi đáp, đáp hỏi giữa nhà thơ và ông giáo gàn cho tới khuya.  Bà giáo thỉnh thoảng đi xuống lầu gây ra vài tiếng động ý chừng nhắc khéo ông giáo gàn tiển khách sợ rằng ông khách điên khùng này ở lại đạp đất thì xui xẻo cả năm.  Ông giáo gàn chẳng để ý chi đến thời gian trôi qua và bà giáo chuẩn bị cúng giao thừa.
..
Chai rượu Henessy XO ông giáo gàn để dành trong tủ rượu từ trước 75,  hai người chén chú chén anh cho đến giọt cuối cùng thì nhà thơ cũng oắt cần câu túy lúy.  Ông giáo gàn còn đủ sức dìu nhà thơ đến nằm dài trên ghế nệm salon, còn ông giáo nằm trên ghế bố.  Cả hai làm một giấc quên đời.  Bà giáo cúng giao thừa xong, xuống coi lại cửa nẻo, lắc đầu ngán ngẩm cái ông chồng ngang không chịu được.
..
5 giờ sáng mồng một Tết.  Chuông nhà thờ Vườn xoài đổ từng hồi báo lễ sớm.  Ông giáo gàn thức dậy pha trà và chế cà phê, dọn ra bàn một cái bánh chưng cắt sẵn.  Chuẩn bị xong, ông đánh thức nhà thơ dậy.  Rửa mặt đánh răng qua loa, nhà thơ ra bàn ăn ngồi uống nước trà và cà phê ăn sáng mà không nói với nhau một lời nào.  Trong cái tỉnh lặng thiêng liêng của sáng mồng một Tết, nhà thơ cảm nhận sâu sắc cái tình lạ lùng của ông giáo trong cuộc tao phùng lạ lùng đêm 30 Tết vừa qua, cuộc tao phùng ngẫu nhiên, ngẫu nhỉ mà chén tương phùng mát dạ dường bao.
..
Nhà thơ tiện tay xé một tờ lịch đầu năm, lấy bút hí hoáy viết mấy câu lục bát chữ to và nghiêng ngã.
..
Uống xong ly rượu cuối cùng,
Bổng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên,
Uống như uống nước ngọc tuyền,
Từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau,
Uống xong ly rượu cùng nhau,
Hẹn rằng mai sẽ quên nhau muôn đời.
..
* *
Bước ra trước cổng, cầm tay ông giáo gàn, nhà thơ trịnh trọng nói với ông giáo:
“Nói thật với Đại ca, Đại ca đừng giận.  Tui không biết Đại ca là ai nhưng tui biết chắc chắn một điều:  “Đại ca là người giàu nhất thế giới."
......
.
Lời thêm:
..
Truyện ni là hư cấu nhưng dựa trên những tình tiết thật.  Mong nhưng ngưới có liên quan lượng thứ nếu có điều khiếm khuyết ngoài ý muốn của tác giả.  Lời cuối khi chia tay Thầy Văn là nguyên văn lời nói của Bùi Giáng.
..
Nhân vật thật:
..
1. Nhà thơ: Bùi Giáng...
2. Ông giáo gàn: Thầy Văn, dạy Việt văn và Pháp văn trường Trung học Việt Anh, sau này là trường Trung học Đệ nhất cấp Nguyễn tri Phương, ở Huế.  Thầy dạy từ những năm đầu thập niên 50...
3. Bà giáo: Cô Bạch Hạc, dạy trường Nữ Trung học Đồng Khánh...
4. Mẫu thân Phùng Khánh: cách gọi của Bùi Giáng tôn xưng Ni sư Trí Hải...
5. Nương từ, mẫu thân Kim Cương: cách gọi của Bùi Giáng tôn xưng Nghệ sĩ Kim Cương...
6. Đạo diễn họ Lê: Ông Lê Trác, hảng phim Giải phóng..
7. Phan thị Như Ngọc: Tự truyện "Ba ngày với Bùi Giáng"
....
Lê Duy Đoàn (QH64)

Wednesday, October 30, 2013

HALLOWEEN 2013: Lối qua nghĩa địa

..
Nhân mùa lễ Halloween, mời quý anh chị và các bạn xem truyện ngắn "Lối Qua Nghĩa Địa" với đề tài chính là sự sợ hãi, do Mỹ-Vân (ĐK 67) dịch.
......
LỐI QUA NGHĨA ĐỊA
..
TÁC GIẢ:  LEONARD Q. ROSS
............
Lời người dịch:  Leonard Q. Ross là bút hiệu của Leo Calvin Rosten, văn sĩ Mỹ sinh năm 1908 tại Ba-Lan.  Ông sang Hoa-kỳ từ bé.  Sau khi tốt nghiệp đại học Chicago, ông dạy Anh ngữ ở trung học và bắt đầu viết văn.  Tác phẩm "The Education of Hyman Kaplan" của ông thuật lại kinh nghiệm kỳ thú tuy đầy thất vọng ê chề của người di dân trong nỗ lực hội nhập về văn hóa và ngôn ngữ vào xã hội mới của họ. 
Truyện "Lối Qua Nghĩa Địa" được dịch từ nguyên tác "The Path through the Cemetery", nội dung đề cập đến một khía cạnh tâm lý của con người, đó là sự sợ hãi.  Nhân vật chính trong truyện này, Ivan, đã bị tánh nhút nhát làm khổ và cuối cùng là nạn nhân thê thảm của mối lo sợ vô duyên cớ của chính hắn ta.
.....
 Ivan là một gã đàn ông vừa nhỏ bé vừa rụt rè.  Hắn rụt rè đến nỗi dân làng gọi hắn là "thỏ đế" và gán cho hắn cái tên trái ngược "Ivan Khủng Khiếp" theo biệt hiệu của hoàng đế thứ IV ở Nga vì vị vua này nổi tiếng hung ác, tàn bạo.
...
Hằng đêm Ivan thường dừng chân ở quán rượu bên cạnh bãi tha ma trong làng nhưng chưa bao giờ hắn băng qua nghĩa địa để về nhà mặc dầu túp lều cô độc của hắn nằm chơ vơ cuối đường.  Ivan vẫn biết lối đi tắt ngang qua nghĩa địa ngắn và gần nhà hắn hơn nhưng hắn không đủ can đảm, ngay cả ban ngày dưới ánh nắng trưa chói lọi vì hắn sợ ma.
..
Một đêm đông nọ, trong lúc bên ngoài gió rít từng cơn và liên hồi quật từng mảng tuyết lớn vào cửa kính, đám dân nhậu trong quán rượu đổ xô vào châm chọc, chế diễu Ivan.  Họ nhao nhao:
-  Này Ivan, có phải lúc mang thai mày, mẹ mày bị con chim hoàng oanh dọa làm bà sợ hết hồn phải không?
 -  Ivan, mày là tên khủng khiếp lắm, nhát gan khủng khiếp đó mà!
Ivan càng yếu ớt rụt rè phản đối càng khiến đám dân nhậu chọc ghẹo hắn thêm.  Cuối cùng viên trung úy trẻ tuổi tên Cosack thách thức:
 -  Mày nhát như thỏ đế, Ivan à.  Ngay cả lúc trời lạnh căm căm như đêm nay mà mày cũng chịu khó đi vòng quanh chứ không dám băng qua nghĩa địa!
Ivan thì thào:
 Tôi đâu có sợ phải đi qua nghĩa địa đâu, trung úy.  Bãi tha ma chỉ là bãi đất trống chẳng khác gì những bãi đất trống khác.
Trung úy Cosack thét lên:
 -  Được rồi!  Tao thách mày tối nay dám băng qua nghĩa địa đó.  Nếu mày làm được, tau sẽ thưởng mày năm rúp-bô bằng vàng.
Chẳng hiểu vì chuếnh choáng hơi men Vodka hay vì bị năm đồng tiền vàng cám  dỗ, Ivan đứng bật dậy, liếm môi đáp gọn:
 Được rồi trung úy.  Tôi sẽ băng qua nghĩa địa tối nay.
Cả đám dân nhậu nhậu nhao nhao lên đầy ngờ vực nhưng viên trung úy đã nheo mắt ra dấu cho bọn họ im đi.  Ông ta tháo thanh gươm đeo ở thắt lưng ra đưa cho Ivan:
 -  Này, cầm lấy thanh gươm này.  Tối nay khi đi ngang ngôi mộ lớn nhất trong nghĩa địa, mày phải cắm thanh gươm này xuống trước mộ nghe không?  Sáng mai bọn tao sẽ ra đó xem.  Nếu thấy cây gươm ở đó, năm đồng rúp-bô bằng vàng này sẽ thuộc về mày.
Ivan đưa tay đỡ lấy thanh gươm trong khi đám dân nhậu khoái chí cụng ly cười hô hố:
 -  Chúc Ivan "thỏ đế" thành công!
Bên ngoài gió rít lên từng cơn rùng rợn lúc Ivan đóng ập cánh cửa quán rượu sau lưng.  Cơn lạnh như cắt, cứa từng mảng da thịt hắn.  Ivan cài nút áo choàng, rảo bước qua bên kia đường, tai còn nghe văng vẳng tiếng nói như gào thét của viên trung úy trẻ oang oang đuổi theo hắn:
 Năm đồng rúp-bô bằng vàng nếu mày còn sống sót đó Ivan!...
Ivan đẩy mạnh cánh cổng nghĩa địa, chân bước nhanh, miệng lẩm bẩm:  "Toàn là đất.  Chỉ có đất.  Không khác gì những bãi đất khác."  Nhưng bóng đêm như nỗi kinh hoàng dày đặc bao phủ lấy hắn.  Ivan tự trấn an:  "Năm đồng rúp-bô bằng vàng!"  Gió lại rú lên từng cơn và thanh gươm trong tay hắn giờ đây lạnh như một tảng băng.  Ivan run lên cầm cập dưới lớp áo choàng bằng nỉ rộng thùng thình và bắt đầu khập khểnh chạy.
Từ xa, Ivan nhận ra ngôi mộ lớn nhất.  Dường như hắn khóc và tiếng khóc của hắn quyện lẫn trong tiếng gió rít.  Hắn quỳ xuống cạnh mộ, người tê cóng vì lạnh và sợ hãi.  Hắn cắm phập thanh gươm xuống đất và cố hết sức đẩy lưỡi gươm xuống lớp đất cứng.  Thế là xong việc!  Bãi tha ma vắng vẻ ...   Sự thách thức của viên trung úy trẻ ...  và năm đồng rúp-bô bằng vàng!
..
Ivan đứng bật dậy nhưng sao lạ quá, hắn không thể nào nhúc nhích được.  Dường như có gì giữ hắn lại, ghì chặt lấy hắn không cho hắn cựa quậy.  Ivan cố hết sức vùng vẫy nhưng vô ích.  Càng lúc hắn càng hoảng sợ và run lên bần bật trong lúc bàn tay vô hình đó vẫn siết chặt lấy hắn.  Ivan rú lên từng hồi ghê rợn và cuối cùng trong cổ họng hắn chỉ còn phát ra những tiếng thều thào yếu ớt vô nghĩa.
...
Sáng hôm sau người ta tìm thấy xác Ivan trước ngôi mộ lớn nhất ngay trung tâm nghĩa địa.  Hắn ta chết cóng vì lạnh nhưng trên gương mặt còn in rõ nét hãi hùng của kẻ chết vì khiếp đảm.  Và bên cạnh hắn, thanh gươm của viên trung úy vẫn cắm sâu vào lòng đất, xuyên thủng qua vạt áo choàng dài rộng thùng thình của hắn.
...
Trương Mỹ-Vân ĐK67 (B3-C1) dịch
....

 .....

Sunday, October 20, 2013

những vì sao

LES ÉTOILES - ALPHONSE DAUDET (1840-1897)
..
..
..
TRUYỆN PHỎNG DỊCH

Chuyện được mô tả xảy ra ở xứ Provence, miền Nam nước Pháp với người đẹp Stephanette. Người dịch đã lấy hình dạng một cô gái Huế cũng đẹp đài các, ngây thơ, con gái út của gia đình ông bà chủ nông trại, và câu chuyên xảy ra ở một vùng đồi núi nơi sơn thủy giao duyên trên vùng thượng nguồn sông Hương ?? (vì đối thoại toàn rặc tiếng Huế) Xin mời thưởng thức.
Chắc quý bạn học Pháp Văn sinh ngữ chính có đọc qua chuyện nầy bằng nguyên tác rồi. Nay đọc chuyện dịch cho vui.......
Cám ơn,.
Sa Nguyễn và Thúc Anh..
..
NHỮNG VÌ SAO
...
Thuở mà tôi chăn súc vật trên vùng núi Lưu Bền, hàng tuần trôi qua không thấy bóng ai lai vãng, chỉ một mình trong đồng cỏ với chú chó Vện và đàn cừu.  Năm thì mười họa thì thấy ông già ẫn sĩ từ đồi Phèn đi rảo tìm mấy cây cỏ thuốc hoặc một vài người thợ đốt than mặt mày đen đủi vùng Bến Than; nhưng họ là những người chất phác, thầm lặng vì quá cô đơn nên đã mất hết thói quen giao thiệp trò chuyện và chẳng biết chi xảy ra ở dưới làng, dưới thị xã.
......
Hễ cứ mười lăm ngày, khi tôi nghe từ dưới con dốc, tiếng lục lạc của con la chở thức ăn cho tôi là thấy cái đầu lanh lợi của thằng bé trong trại hay là cái khăn đầu hung đỏ của dì già Nậm dần dần tiến lên trên triền dốc và lòng tôi tràn ngập niềm sung sướng.  Tôi cứ lăn xăn hỏi thăm nhiều chuyện dưới đó, các lễ rửa tội, các đám cưới thế nào; mà chuyện làm tôi thích thú nhất là O con gái của ông bà chủ của tôi thế nào, O Út Phấn người đẹp nhất trong cả vùng rộng lớn quanh đây.
Làm ra vẻ như không chú ý gì mấy mà tôi cứ hỏi cho biết O ta có di dự các lễ hội hay liên hoan chiều tối; có nhiều chàng trai hào hoa nào khác đến với O ta hay không.  Và nếu có ai hỏi sao tôi quan tâm đến các chuyện nầy thì tôi thú thật tôi là kẻ chăn cừu hèn mọn trên núi, nay đã hai mươi tuổi đầu và O Út Phấn là người đẹp nhất tôi thấy trong đời.
.......
Một ngày chủ nhật nọ, tôi đang chờ thức ăn cho nửa tháng, mà thấy răng quá trể.  Buổi sáng tôi tự an ủi rằng:  ”Chắc vì lễ chủ nhật hơi dài” rồi đến trưa lại một cơn mưa giông lớn ùn tới và chắc là con la chưa thể đi được trên con đường trơn ướt.  Cuối cùng thì vào khoảng ba giờ chiều, trời quang đảng, ánh sáng mặt trời chiếu mạnh vào vùng núi còn ướt sủng, tôi nghe giữa tiếng nước róc rách xuyên qua ngàn lá và trộn lẫn với tiếng nước suối chảy dâng tràn bờ, âm thanh từ cái lục lạc vui nhộn của con la, náo động như một hồi chuông dài trên tháp chuông nhà thờ ngày lễ Phục Sinh.
..
Nhưng không phải là thằng bé ở nông trại mà cũng không phải dì Nậm dẫn con la.  Đó là..ai ! đố bạn thử đoán coi...O Út Phấn chớ còn ai nữa, chính O Út Phấn ngồi ngay ngắn giữa những cái giỏ mây đầy thức ăn, mặt mày đỏ ửng vì khí núi và trời mát lạnh sau cơn mưa giông vừa rồi.
Thằng bé trong nông trại bi cảm, dì già Nậm thì về quê thăm mấy đứa con.  O Út Phấn xinh đẹp vừa bước xuống lưng la vừa cho biết như rứa, và rằng O đến trể là vì bị lạc đường nhưng trông O ăn mặc xinh đẹp với chiếc váy sáng óng ánh có viền rua đăng ten và với ru băng kết hoa thì O có vẻ như nán lại nhảy thêm vài bài khiêu vũ hơn là đã rảo tìm đường đi xuyên qua các bụi rậm.
......
Ôi một tạo vật dễ thương quá!  Mắt tôi nhìn O không biết chán.  Thật sự tôi chưa bao giờ nhìn O gần như ri.  Có đôi khi vào mùa đông, đoàn súc vật đã xuống núi vào trong cánh đồng, và tôi vào trại để ăn tối, O đi băng qua căn phòng nhanh nhẹn, luôn ăn mặc đài các và dáng kiêu hảnh, không buồn khơi chuyện với đám người giúp việc...  Và bây giờ O đang đứng trước mặt tôi, chỉ một mình tôi; hỏi tôi có sung sướng điên lên không ?
...
Khi đã lấy thức ăn trong các giỏ mây ra, O Út Phấn bắt đầu nhìn tò mò xung quanh.  Vén chiếc váy đẹp mặc ngày chủ nhật cao một chút kẻo sợ hư hỏng, O đi vào bãi quầy cừu, muốn quan sát góc xó tôi nằm, cái máng cừu ăn lót đầy rơm với mảnh da cừu, cái áo choàng móc lên tường, cái gậy cong, cái ná bắn đá.  Tất cả các thứ đó làm cho O ta thích thú.
......
- Này chú chăn cừu, chú ở góc nầy?  Một mình chắc buồn lắm hí?  Chú làm chi?  chú có nghĩ đến cái chi không?
...
Tôi rất muốn trả lời:  “O ơi, tôi chỉ nghĩ đến O chủ thôi,” tôi có dám láo mô, nhưng lúng túng quá không tìm ra được một lời chi hết.  Tôi biết O ta thấy rõ điều đó, và O chủ còn thích thú tinh nghịch làm cho tôi thêm bối rối :
-Này, có O mô lèo tèo lên đây thăm chú không ?
...
Chắc có lẽ là con dê vàng hay bà tiên Yêu Tử hay chạy trên các đỉnh núi.   Và O Út Phấn cũng rứa, trong khi nói với tôi cũng có vẻ như bà tiên Yêu Tử, đầu ngắc nghẽo cười tươi và hấp tấp vội vã quay về để cuộc thăm viếng nầy như một sự hiện ra rồi biến mất.
..
-Ta về nghe chú chăn cừu.
...
-Tôi xin chào O chủ.
......
Và rứa là O ta đi rồi, mang theo các giỏ trống không trở về.  Khi O ta mất dạng dưới con đường mòn ở triền dốc, tôi cảm thấy những viên sỏi lăn lóc dưới chân con la như từng viên một tung bắn vào tim tôi đau nhói.  Tôi ngồi lắng nghe tiếng chân con la lâu lắm, rất lâu cho đến gần cuối ngày, như mơ ngủ, không dám cử động sợ làm giấc mơ của mình tan biến.
........
Chiều buông, phía xa vùng thung lủng nhuốm màu xanh thẩm và đám súc vật cọ sát vào nhau gọi bầy để về chuồng trại tôi nghe có ai gọi tôi phía dưới dốc và thấy O Út Phấn xuất hiện, không tươi cười như trước nữa mà run vì lạnh, vì sợ, vì ướt đẫm.  Hình như ở phía dưới triền dốc cơn mưa giông đã đổ tràn, giòng sông rộng thêm và O ta cố gắng vượt qua nên suýt chút nữa thì bị nước cuốn trôi.  Chuyện kinh khủng, là vào giờ tối nầy không nên nghĩ là về lại nông trại vì con đường về thì O chủ không rành để tìm đi một mình, mà tôi thì không thể rời bầy cừu được.  Chỉ nghĩ là ở lại qua đêm trên núi thì đã làm khổ O ta rồi, và nhất là người nhà lo lắng.  Tôi cố gắng an ủi O ta hết lời:
-Vào tháng bảy, đêm ngắn lắm O chủ ơi... Đó cũng chỉ tại trời xấu thôi.
.........
Tôi nhóm nhanh một bếp lửa lớn để O hong đôi bàn chân và áo ngoài đã bị ướt sủng vì nước sông Hàn.  Tôi đem sửa, pho mát ra mời nhưng O Út khổ sỡ không thiết ăn uống hay sưởi ấm mình mà đôi mắt thì lệ lưng tròng, làm tôi cũng cảm động muốn khóc được.
...
Màn đêm đã bao phủ cả vạn vật.  Chỉ còn đọng lại trên chóp núi một ít ánh sáng mặt trời từ phía chiều tà như đám bụi, như hơi nước.  Tôi muốn O vào nằm nghỉ một chút trong bãi quầy cừu.  Sau khi đã cẩn thận trải một tấm da đẹp, mới toanh trên lớp rơm khô ráo, tôi chúc O ngủ ngon, và ra ngoài cửa lớn ngồi nghỉ…
.....
.“Ông Trời ơi, làm chứng cho con rằng, mặc dù lửa tình thiêu đốt máu trong thân con, mà không có một ý tưởng xấu xa nào xâm chiếm đầu óc con; chỉ một niềm hảnh diện lớn khi nghĩ rằng trong một góc bãi quầy cừu, rất gần với đám súc vật đang tò mò nhìn O con gái của ông bà chủ, thiu thiu ngủ, trông như một con cừu con trân qúy và thanh bạch nhất, tin tưởng tuyệt đối sự bảo vệ của con“.  Tôi chưa bao giờ thấy bầu trời cao vời vợi và những vì sao sáng tỏ như trong đêm nay.
Bổng chốc cánh cửa song tréo của bãi quầy cừu mở ra và người đẹp Út Phấn xuất hiện.  O không thể chợp mắt được.  Bầy súc vật tru tréo kêu đói và cựa quậy,có con kêu lè nhè trong cơn mơ ngủ.  O ta muốn đến gần bếp lửa hơn.  Thấy vậy tôi choàng tấm da dê trên vai O, với tay khêu to ngọn lửa và chúng tôi ngồi kề bên nhau trong thinh lặng.
...
Nếu các bạn đã từng ở qua đêm ngoài trời lồng lộng, thì vào lúc mà chúng ta chìm trong giấc ngủ, một thế giới huyền diệu đang bừng dậy trong quạnh hiu và thinh lặng.  Các nguồn suối hát ca réo rắt hơn, các ao hồ nhóm lên muôn vàn đóm lửa nhỏ.  Các thần linh núi rừng tung hoành tự do, trong không khí những giao động, ồn ào khó ghi nhận như ta nghe tiếng cỏ lá đâm chồi, cành cây lớn mạnh.  Ban ngày là sự sống của sinh vật nhưng ban đêm là sự sống của vạn vật.  Khi chưa quen với các hiện tượng đó ta lo sợ mông lung…
...
O chủ của tôi có khác chi, toàn thân run lên cầm cập, xích lại gần và dựa sát vào tôi không gây chút tiếng động.  Thế rồi một tiếng rú dài trầm buồn phát xuất từ mặt hồ loáng thoáng dưới xa vang vọng đến chúng tôi. Cùng lúc đó một ngôi sao băng lướt ngang đầu, cùng hướng với tiếng hú, như nỗi thống khổ vừa mới nghe mang theo một luồng ánh sáng đồng hành.
-Cái chi rứa ?  O Út Phấn hỏi tôi trrong tiếng thì thầm.
-Thưa O một linh hồn vừa vào cỏi thiên đàng.  Và tôi làm dấu thánh giá.
O cũng làm dấu thánh giá theo tôi, đầu ngước lên trời nét mặt trầm lặng.  Rồi O hỏi tôi:
-Này chú chăn cừu, mấy chú có phải phù thủy không ?
-Dạ, dạ không, không phải rứa O ơi.  Nhưng ở đây chúng tôi sống gần với ngàn sao hơn, nên chúng tôi biết sự vận hành của chúng hơn là người ở đồng bằng.
......
O cứ ngước nhìn lên cao, đầu tựa vào bàn tay mình, quấn tròn trong mảnh da cừu trông giống một trẻ chăn cừu chốn bồng lai:
...
-Ồ có nhiều sao quá!  Đẹp quá!  Chưa bao giờ ta thấy nhiều như ri… Chú có biết tên chúng không ?
...
-Dạ biết chớ thưa O...  Này nè!  Ngay trên đầu của chúng ta là Con đường thánh Giắc (giãi Ngân Hà.)  Nó kéo dài từ nước Pháp thẳng xuống nước Tây Ban Nha.  Đó chính thánh Giắc thành Ga-Linh đã vạch ra để chỉ đường cho Tướng Chánh Lê Mạnh đi chiến đấu chống quân Xanh Nho. Xa hơn nữa là Chiếc Linh Xa (chòm Đại Hùng Tinh) với bốn trục bánh sáng chói. Ba ngôi sao nhỏ phía trước là ba con vật kéo xe, và có ngôi sao nhỏ đối xứng với ngôi sao thứ ba là người đánh xe, O có thấy xung quanh đó có hàng hà sa số sao rơi như mưa tuôn không?  Đó là những linh hồn mà Thượng Đế lòng lành không muốn họ vào Thiên Đàng...  Thấp hơn một chút đó là sao Cái Cào hay là sao Ba Vua.(chòm Lạp Hộ), chúng tôi, những kẻ chăn cừu, dùng làm đồng hồ trong ngày.  Chỉ nhìn lên đó tôi biết bây giờ là quá nửa đêm.  Xuống một chút nữa, vẫn theo phía nam, sao thánh Giăng thành Mi-lan đang tỏa sáng, là ngọn đuốc của các vì sao (sao Thiên Lang).  Về ngôi sao nầy thì có câu chuyện những người chăn cừu kể lại như sau.  Một đêm kia sao thánh Giăng thành Mi-Lan, với sao Ba Vua và sao Phương Nữ (Chòm Thất Tinh) được mời dự tiệc cưới của một ngôi sao bạn.  Ngôi sao Phương nữ vội vàng hơn, đi sớm nhất nên theo con đường trên cao.  O hãy nhìn lên phía trên cao tận cùng ở cuối trời.  Sao Ba Vua thì đi tắt đường thấp hơn nhưng cũng bắt kịp.  Nhưng anh chàng sao thánh Giăng thành Mi-lan vì nhác nhớm, ngủ dậy qúa trể, nên đi chậm lại ở phía sau, giận quá tung cây gậy của mình ném cản đường để mong chận họ lại.  Bởi thế các ngôi sao Ba Vua cũng được gọi là Sao Cây Gậy của thánh Giăng thành Mi-lan...  Nhưng ngôi sao đẹp nhất trong các vì sao, O biết không, đó là ngôi sao của chúng tôi, ngôi sao của người chăn cừu, soi sáng lúc rạng đông khi chúng tôi lùa đàn cừu ra khỏi chuồng và cả lúc hoàng hôn khi chúng tôi dẫn chúng về lại chuồng.  Chúng tôi còn gọi Mai-Long, sao đẹp Mai-Long (Kim Tinh), chạy sau sao Phiên thành Pro-ven (Thổ Tinh) và cứ bảy năm thì lại làm đám cưới với nhau một lần.
......
-Nói răng? lại có chuyện các vì sao làm đám cưới nữa há ?
..
-Dạ thưa O, có chớ.
...
Và trong khi tôi cố giải thích cho O ta hiểu những đám cưới nầy thế nào, tôi cảm thấy một cái gì tươi mát mảnh mai, vương nhẹ trên vai tôi.  Đó là cái đầu đã chìm vào giấc ngũ say của O chủ Út Phấn ngồi dựa sát vào tôi với vòng ru băng đẹp đã nhàu nát, với áo đăng ten, cùng tóc dợn sóng.  O vẫn giữ yên tư thế đó không cựa mình cho đến khi các vì sao trên vòm trời mờ dần rồi biến hẳn nhường lại cho ánh sáng bình minh đang dần ló dạng.  Còn tôi, tôi vẫn nhìn O ngủ ngon lành, mà tận đáy lòng cũng áy náy, nhưng được đêm thâu trong sáng, che chở thánh thiện, chỉ cho tôi giữ được những ý nghĩ tuyệt đẹp.
....
Chung quanh tôi, muôn vàn vì sao tiếp tục cuộc hành trình yên lặng của mình, dễ thương như một bầy cừu đông đúc, bỗng chốc tôi nghĩ ra rằng một trong những vì sao đó, vì sao mảnh mai đẹp nhất, sáng nhất đã lạc đường đến tựa đầu trên vai tôi ru hồn vào giấc điệp đầy mộng chốn thiên thai...
..
(truyện phỏng dịch)...
Sa Nguyễn (rể ĐK67)