Thursday, December 26, 2013

về lại chốn xưa


.....
VỀ LẠI CHỐN XƯA 
.....
TRUYỆN NGẮN CỦA TÔN NỮ QUỲNH DIÊU (ĐK 71)
....
Trong dịp đi thăm nuôi Ba từ trại "cải tạo" Hà Nam Ninh về, Ti quyết định ghé Huế thăm ngôi nhà cũ trước khi về lại Saigon.  Lần này cuối năm, Mạ phải lo buôn bán Tết nên Ti lãnh phần đi thăm nuôi Ba.
..
Từ ngày tản cư vào Nam đến giờ cũng gần bảy năm, Ti mới có dịp về lại Huế.  Thành phố có vẻ tấp nập trong những ngày cuối năm.  Từ cửa Thượng Tứ về nhà bà Ngoại vẫn hai hàng nhãn cao -  hàng cây đã che mưa nắng cho Ti suốt mấy năm dài đi bộ qua trường Đồng Khánh.  Rẽ về đường ĐCT -  con đường ngày xưa có hai hàng cây sầu đông thật đẹp mà cậu V. vẫn thường gọi là "Sầu Đông thôn" -  là đến nhà bà Ngoại.  Hai cây bạch mai trước cổng nhà đang nở hoa rực rỡ.  Ông Ngoại Ti thích chơi cây cảnh nên trong vườn có đủ thứ hoa, nhưng Ti vẫn thích nhất mùi hương của bạch mai.  Cứ mỗi độ gần Tết, từng cánh mai gầy run rẩy trước gió, rơi lả tả trắng xóa như những bông tuyết phủ đầy mặt đất, tỏa mùi thơm nhè nhẹ, cảnh đẹp như trong truyện thần tiên.  Bây giờ ông Ngoại không còn nữa - cây cổ thụ đã gảy - ngôi nhà ngày xưa tràn đầy tiếng cười của mấy bầy cháu Ngoại, nay vắng vẻ đìu hiu.
..
Sau năm 75, Ba vắng nhà, Mạ quyết định ở lại Saigon tìm cách buôn bán nuôi con, gia đình các dì cũng phiêu bạt mỗi nơi, nên nay nhà chỉ còn bà Ngoại và dì Út.  Ngôi nhà trước đây đã rộng nay càng rộng thênh thang, phòng khách trước nhà bây giờ đã bị lấy làm nhà trẻ.  Ti đi một vòng ra phía sau vườn, cây chùm ruột còn đó, nhớ mỗi buổi trưa hè, con N. đạp xe từ Bao Vinh lên, hai đứa leo lên cây chùm ruột, hái những trái mọng chín, chấm với muối, ớt, đường vừa ăn vừa hít hà.  Con N. bảo phải ngồi trên cây hái ăn liền, muốn ăn trái nào hái trái đó mới ngon.  Cuối vườn là cây vả vẫn còn cành lá sum suê.  Ti nhớ hồi còn học tiểu học, buổi trưa trốn ngủ, Ti cùng tụi bạn trong xóm hay rủ nhau đi lượm trái sầu đông (nhỏ bằng ngón tay cái, trông giống như cái hột gà) đem về nơi gốc cây vả họp chợ, chơi buôn bán hột gà.  Trái nào nhỏ là hột gà, còn trái lớn hơn thì hột vịt, lấy mấy lá vả khô làm thúng, vậy mà chơi say mê.  Có hôm lòng tham nổi dậy, miệng thì nói mua hột gà mà tay lại bốc hột vịt lớn lơn, thế là cải nhau chí chóe.
...
 -Ti ơi, vô ngủ, con gái chi mà cái miệng như cái mỏ bể, chị mét Mạ cho ăn đòn bây giờ.  Tiếng chị Bé giúp việc gọi lớn, thế là chợ tan, Ti bước vô nhà mà lòng vẫn còn ấm ức.
..
 Nhìn qua bên cạnh chiếc bể cạn là cây khế nhành vẫn tiếp tục ra trái.  Những ngày mùa đông, bà Ngoại thường cho hái mấy trái khế chín vàng, bỏ vào trong khạp ngâm với nước mưa, lúc cần ăn, chỉ lấy ra một ít, rửa sạch, chẻ từng múi, nấu canh với tôm khô, rắc ít hành ngò trên mặt, thế là có một món canh khế xâm thơm ngon trong những ngày lụt lội, chợ búa khó khăn.  Đàn bà Huế là vậy, ăn bữa nay chưa xong đã lo tính tới bữa mai, chung qui cũng chỉ vì chồng con.  Mỗi góc nhà là một kỷ niệm, kỷ niệm đầy ắp làm cho những giọt nước mắt cứ chực  trào ra.
..
Bà Ngoại và dì Út thấy Ti về mừng lắm, cả mấy Ngoại cháu thức nói chuyện đời xưa, đời nay.  Ti mới chợp mắt thì đã gần sáng.  Sáng sớm nay, Ti rủ dì Út lên Nam Giao thăm mộ cậu V., cậu V. là em trai út của Mạ.  Hồi cậu chưa đi lính, Ti thân với cậu nhất, chắc tại cậu cũng có "máu văn nghệ văn gừng" như Ti.  Nhớ lúc nghe tin cậu tử trận ở chiến trường Dakto, cả nhà đều bàng hoàng, bà Ngoại khóc tức tưởi.  Nhìn những giòng nước mắt của bà Ngoại - những giọt nước mắt lấp đầy sông Hương, ngập tràn núi Ngự -  mới thấy thương cho những bà mẹ có con là lính trận dường nào.  Lần cuối cậu V. về thăm nhà, Ti còn nhắc cậu bữa mô về phép nhớ mang cho Ti một ít hoa rừng nghe cậu, cậu V. chỉ cười buồn.  Ti cho con N. hay tin cậu V. rồi hai đứa ôm nhau khóc trong sân trường ĐK, nó hỏi Ti có tin tức chi của "cọp nâu" không, Ti lắc đầu.  Chiến cuộc ngày càng gia tăng, những người cậu bà con bên họ ngoại đều lần lượt nằm xuống khi tuổi đời còn quá trẻ.  Ti muốn la lên, muốn hét to, muốn bóp nát cho vỡ tan tất cả, thương quá đi thôi những người lính trẻ Việt Nam.  Thôi, xin hãy ngủ yên, những người con yêu của nước Việt.  "Đất ôm anh khép lại từng ngày..."
..
Từ ngày cậu V. mất, Ti cứ thấy trong lòng bất an, nhiều đêm học bài khuya nghe tiếng súng từ xa vọng về Ti lại càng thấp thỏm hơn.  Nhiều lúc miệng thì lẩm nhẩm bài học mà đầu óc cứ vấn vương theo chiếc áo hoa rừng khét mùi thuốc súng.  "Đừng khóc, ráng học giỏi để thi đậu, lần về phép sau anh sẽ tặng Ti một món quà thật đặc biệt."  Nhớ về nghe "cọp nâu", Ti nói như để tự trấn an mình.
...
Tự nhiên Ti lẩm bẩm:  Mới đó mà cũng mười mấy năm rồi dì hí.  Dì Út gật đầu, ừ mau thật.
...
Trên đường về, hai dì cháu ghé vào chùa Từ Hiếu, đường lên chùa trồng toàn thông, xanh cả một trời.  Ngày cuối năm, trời ráo và có mặt trời nên khí hậu ấm áp hơn.  Hai bên đường những cụm hoa ngũ sắc xen lẫn với mấy cánh hoa dại đủ màu, cùng mấy cây chổi rành thơm ngát.  Mùi hoa dại và mùi cây chổi rành quyện lại làm thành một mùi hương thật dễ chịu, mà chỉ có ai sinh ra và lớn lên với núi rừng của Huế mới "cảm nhận" được thôi.  Ti vẫn thích những cành hoa dại, nó là loài hoa không tên, luôn e ấp, cam chịu nép mình bên những đám lá xanh, không một ai đoái hoài nhưng cũng vẫn cố vươn lên khoe sắt tô điểm cho cuộc đời, thấy tội tội làm sao.
...
 Khi đi ngang qua hồ sen trước chùa, Ti bật cười.  Dì Út hỏi: Ti cười chi rứa?  Ti vừa cười vừa nói:  Tự nhiên em nhớ tới cuốn "Hồn Bướm Mơ Tiên" của Khái Hưng và ước chi em được là chú tiểu Lan thì hay biết mấy.  Dì Út bảo:  Ti răng mà khéo tưởng tượng.
..
Trong sân chùa thấp thoáng chiếc áo màu khói hương thanh thoát giữa những cánh mai rừng vàng thắm, những khóm hải đường hồng tươi, tùng bách xanh ngát, thỉnh thoảng tiếng chuông chùa ngân nhẹ, Ti như trút hết được những hệ lụy, muộn phiền.
...
Đã trưa, dì Út nhắc, thôi về Ti hè, kẻo Ngoại trông.  Ngang qua trường Đồng Khánh, ngôi trường xưa nay đã đổi tên, Ti cứ tưởng như hôm qua còn đang đi học, còn đám bạn bè cũ một thời con gái.  Trong bữa tiệc tất niên lớp 12C1, con N. nói nhỏ với Ti -  tau nghe nói con TH có "thằng bồ" hải quân bảnh lắm.  Vậy mà con M. đứng bên nghe được, hắn la lên, vậy hả, để tau đi rình cho.  Bạn bè Ti là vậy đó, phá phách, ồn ào nhưng cũng nhu mì, hiền thục đúng lúc.  Chia nhau từng miếng bánh, củ khoai, giúp nhau trong những bài thi hóc búa, luôn sẵn sàng ra tay nghĩa hiệp làm "chim xanh" cho bạn bất cứ lúc nào.  Nhưng thương nhau lắm, cắn nhau đau, có những lần giận hờn vô cớ, làm mặt lạnh, chỉ vì con bạn mình thương, hắn lại dám cả gan làm quen với một tên mới.  Ôi, "những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ." 
...
Mới bốn giờ sáng, bà Ngoại đã dậy nấu cho Ti một nồi xôi đậu đỏ với muối mè rang, món xôi Ti thích nhất, để ăn và bới đi dọc đường.  Bà Ngoại còn gởi cho Mạ hai giỏ quà ănTết đủ thứ nữa.  Lúc nào cũng vậy, suốt cuộc đời bà Ngoại chỉ lo cho chồng con quên cả thân mình.  Nhìn dáng gầy gầy của Ngoại đứng tiễn chân Ti nơi cửa ngỏ làm Ti òa khóc.  Dì Út đưa Ti lên ga, hai dì cháu có dịp nói chuyện thêm một quảng đường nữa. 
..
Tiếng còi tàu đã bắt đầu, thôi, giã từ Huế, giã từ thời con gái một thuở bình yên, giã từ chiếc áo hoa rừng của một thời yêu dấu...  Nhớ lại những ngày qua như một giấc mơ.  Giờ đây tôi phải trở về với hiện tại, sống đủ bổn phận với chồng con, như cuộc đời của bà Ngoại, đời của Mạ, đời của những người đàn bà Huế khép kín.  Tất cả những gì của ngày xưa, tôi phải bỏ vào ngăn kéo của ký ức và khóa kín lại.
..
"Trăm năm nhiều nỗi hẹn hò,
Cây đa bến cũ con đò khác đưa.
Cô đò đã thác năm xưa,
Cây đa bến cũ còn lưa đợi chờ."
..
Tôi đã ru con bằng những câu hát ru mộc mạc, chân tình của Huế, Huế ngàn đời vẫn ở trong tôi.  Nghĩ đến con, Ti chợt thấy nhớ nó vô cùng.  Con bé chắc trông mẹ về lắm.  Dù sao thì Ti cũng cảm thấy ấm lòng trong lần ghé Huế hôm nay.

TÁC GIẢ: TÔN NỮ QUỲNH DIÊU (ĐK 71)..
.