Monday, February 24, 2014

OK - Sản phẩm văn hóa vĩ đại

.
..
OK, SẢN PHẨM VĂN HÓA VĨ ĐẠI NHẤT CỦA NƯỚC MỸ
...
Không ai có thể ngờ một từ xuất phát từ một trò đùa đã trở thành một sản phẩm vĩ đại nhất của nước Mỹ, vì nó phản ánh văn hóa, tư duy của dân Mỹ, và trên thế giới không ai không dùng đến nó.
Ông Allan Metcalf viết nguyên một cuốn sách về OK . Ông nói OK không chỉ là một từ vĩ đại, nó còn là một từ quan trọng, một sản phẩm thành công nhất mà người Mỹ đã xuất khẩu đi khắp thế giới. Nó còn bao gồm triết lý sống và cách suy nghĩ của người Mỹ.

Ông nói cái hay của nó là chỉ vỏn vẹn hai mẫu tự mà vừa đẹp, vừa đơn giản, vừa tiết kiệm.

Nó còn mang tính thực dụng của người Mỹ. Nó không hàm ý mọi chuyện đều hoàn hảo, vượt mức mong đợi, mà chỉ mang tính trung lập, có người còn gọi là ba phải.
Khi có ai hỏi bạn có khỏe không, bạn trả lời tôi OK, như vậy không có nghĩa là bạn khỏe như voi và cũng không có nghĩa là bạn đang bệnh liệt giường.
..
......
........
Có nhiều giai thoại về xuất xứ của OK, ở đây chỉ xin kể ba giai thoại.
Thứ nhất, từ này bắt đầu do một trò đùa. Ngày 23 tháng 3 năm 1839, một tờ báo ở Boston dùng từ này đầu tiên, và giải thích rằng “ok” là viết tắt của “all correct,” mọi thứ đều chính xác. Nhưng tại sao lại chính xác khi “o” không bắt đầu cho “all” và “k" không bắt đầu cho “correct?” Do đó, ngay từ đầu, những gì gọi là chính xác cũng chưa hẳn là chính xác, mà chỉ là OK.
Thứ hai, một năm sau đó, 1840, ông Martin Van Buren ra tranh cử tổng thống lần nữa. Ông này vốn xuất thân từ khu Kinderhook của New York. Những người ủng hộ ông tái tranh cử gọi ông là lão già ở Kinderhook - Old Kinderhook - và nhiều nơi trên nước Mỹ lập ra những nhóm ủng hộ ông, lấy tên là OK Club. Thế là cái từ này gây ồn ào trở lại.
Thứ ba, người ta đồn rằng Tổng thống Andrew Jackson, lãnh đạo Hoa Kỳ từ 1829 đến 1837 thường hay phê “OK” vào các văn thư trình lên ông để tỏ ý chấp thuận. Trong vòng 20 năm sau đó, các vị lãnh đạo trong các ngành nghề khác bắt chước lối phê này để ra điều mình cũng làm như tổng thống. Tác giả Allan Metcalf nói sự thực Tổng thống Andrew Jackson không hề phê “OK” vào các văn thư, nhưng tin đồn đó đã tạo ra một phong trào và giúp biến từ này thành một từ thông dụng.
...
Tác giả Allan Metcalf vẫn còn dạy môn Anh ngữ tại trường cao đẳng Mac Murray ở thành phố Jacksonville, tiểu bang Illinois. Ông còn là Tổng thư ký lâu năm của hội các nhà Phương ngữ Hoa Kỳ.
Ông vẫn cố vận động để cả nước Mỹ xem ngày 23 tháng 3 là ngày OK Day để kỷ niệm ngày từ này xuất hiện đầu tiên.

Ông nói ngoài ông ra còn một người nữa, Thomas Harris, cũng viết một quyển sách có tựa 'I'm OK -- You're OK.'  Theo ông, sách này phản ánh tâm lý yêu chuộng tự do của người Mỹ:
..
"'I'm OK' có nghĩa là tôi có thể làm những gì tôi muốn. 'You're OK' có nghĩa là bạn có thể làm những gì bạn muốn.  Có thể là chúng ta không làm giống nhau, nhưng như vậy cũng OK.”
..
((sưu tầm)
Are You OK?
..

Saturday, February 22, 2014

Chung hai mảnh đời- thơ Thu Lê


CHUNG HAI MẢNH ĐỜI
..
 thơ ĐOÀN THU-LÊ (ĐK67)
..
Thu vàng tháng tư phương trời xa
Bên kia xuân đến thắm muôn hoa
Hai mùa cùng chung một khoảnh khắc
Còn đâu cách biệt tháng ngày qua
..
Bên này nắng đùa trên ngọn cây
Gió mơn mang quyện nhánh thân gầy
Bên kia thầm lặng màn đêm xuống
Mộng ước đầy vơi dạ ngất ngây
..
Bên trạm dừng chân cảnh như tranh
Một cây buồn tủi lá lìa cành
Đàng sau cây xanh tràn sức sống
Hài hòa thu tiễn lá vàng bay
..
Thì ra đời người cũng thế thôi
Thời gian đồng điệu với không gian
Dĩ vãng, tương lai chung một lối
Tử sinh hòa hợp luật tuần hoàn
..
Hạnh phúc giao hòa với khổ đau
Cùng nhau chia sẻ một chuyến tàu
Buông tay chấp nhận đời vô ngã
Số phận an bày muôn đời sau
..
Ta ở phương này người bên kia
Đông tây cách trở bởi trùng dương
Nhưng tình bàng bạc cùng mây nước
Khởi điểm quay về bến yêu thương
..
Thu-Lê...

Sunday, February 16, 2014

Khi nào về Paris

...


....
KHI NÀO VỀ PARIS
...
Về Paris nhớ hẹn một ngày mưa
Để một mình qua vườn Luxembourg
Và nhớ lại một nhà văn nào đó                          
Viết về ngày đi học thuở còn thơ
..
Về Paris nhớ thăm lại sông Seine
Để rồi lòng so sánh với sông Hương
Sông ở nhà sao mà xanh thế
Có dòng sông nào đẹp hơn chăng
..
Về Paris nhớ ghé qua sân ga
Ga Lyon sao không thấy đèn vàng
Để hát lại một bài ca cũ
Nói chuyện chia tay chuyện lỡ làng
..
Về Paris nhớ thăm lại Sorbonne 
Thăm những lo âu trên ghế giảng đường
Ánh đèn lù mù trong thư viện cổ
Bầy quạ đen đậu giữa sân trường
...
Về Paris thì nhớ thăm người xưa
Đôi kẻ thân quen mấy buổi hẹn hò
Dăm quán cà phê vài khói thuốc
Câu chuyện sinh viên đỡ nhớ nhà
...
Về Paris phải biết đi rong chơi
Phải biết lang thang dưới tàu điện ngầm
Rồi biết dừng chân nghe khúc nhạc
Của kẻ không nhà tặng khách ly hương.
..
Đoàn Phương-Mai (ĐK 73)..

Sunday, February 9, 2014

Tưởng rằng đã quên

Nha Trang.......
(Truyện ngắn sưu tầm)
...
TƯỞNG RẰNG ĐÃ QUÊN
....
TÁC GIẢ: NHỊ TƯỜNG
..
Điện thoại di động reo. Tôi bấm máy, đầu dây bên kia một giọng nói nhẹ nhàng như hơi gió. Là em đây, anh có nhớ ra ai không? Kèm theo đó là một tiếng cười trong như pha lê. Làm sao tôi không nhận ra được, đó là em. Vẫn giọng nói tiếng cười cuốn hồn tôi hai mươi năm về trước. Tôi cuống quít: Diễm… xưa. Giọng em cười dòn dã. Anh vẫn nhớ đã gọi em như vậy sao. Ừ, làm sao em có số điện thoại của anh. Em đăng tin trên báo tìm anh mà. Em vẫn tinh nghịch như vậy. Buổi sáng của tôi chợt dừng lại, như có một cỗ máy thời gian kéo lùi tôi...
..

..
Ngày mới ra trường tôi được phân công tác tại Ủy ban khoa học tỉnh. Cơ quan tôi nằm trên đường Trần Phú ngay cạnh bờ biển. Tôi và Chí học cùng lớp cùng về làm một chỗ và là dân “ngủ bàn” tại đó. Gọi là dân ngủ bàn vì cứ tối đến là chúng tôi dùng những chiếc bàn gần nhau làm giường ngủ. Sáng ra lại dọn dẹp mùng mền trước khi mọi người đến làm việc. Hai đứa chúng tôi cùng làm chung một phòng thí nghiệm, thỉnh thoảng công việc quá bận rộn không kịp giờ, phải tiếp tục ở lại phòng làm việc. Tôi quê ở Tuy Hòa, không có nhà tại Nha Trang nên phải ngủ bàn ở đây, nhưng Chí dù là dân ở đây nhưng vẫn thích ở lại ngủ bàn chung với tôi vì hai đứa đã thân thiết, đồng cam cộng khổ với nhau từ thuở còn là sinh viên ...
...
Ủy ban rộng mênh mông. Đây là một ngôi biệt thự ngày xưa của một sĩ quan chế độ cũ, sau này nhà nước tiếp quản dùng làm cơ quan. Phía trước có trồng vài bụi xương rồng rất cao, gai dài và nhọn nhưng rất nhiều hoa. Hoa xương rồng không có hương nhưng trông rất hấp dẫn. Mỗi ngày khi đi ngang qua bụi xương rồng tôi không thể kìm lòng dừng lại ngắm một chút. Ngày càng nắng thì hoa xương rồng nở càng nhiều, những chồi thân cao lớn chỉa thẳng lên trời và hoa nở khắp thân chen chúc trong những hàng gai nhọn. Dãy phòng phía sau ngôi biệt thự được phân cho những cặp vợ chồng cán bộ nhân viên trong ủy ban chưa có nhà ở. Mọi người sống nơi đây ra vào giờ giấc tương đối tự do. Ngoài giờ hành chính, cánh cổng biệt thự chỉ khép hờ chứ ít khi được khóa.
..
Một buổi sáng sớm, trong khi thu dọn những chăn chiếu trên bàn trước khi mọi người đến làm việc, tôi ngó ra bụi cây xương rồng theo thói quen, chợt thấy một mái tóc dài tha thướt bên cạnh. Tôi dụi mắt cứ ngỡ nhìn nhầm. Bàn tay nhỏ nhắn đưa lên hái một bông xương rồng trên cao rồi giật tay xuống xuýt xoa. Mặc vội chiếc quần dài và khoác chiếc áo, tôi tiến ra ngay bụi cây.
..
Đôi mắt tròn to, lộ vẻ ngạc nhiên và sợ hãi khi thấy tôi xuất hiện vào cái giờ quá sớm chưa có ai đến làm việc này:
-- Anh…cho xin cái bông quỳnh nhé.
Tôi suýt phì cười. Lần đầu tiên tôi chợt nhận ra cái hoa xương rồng này thật cũng thật giống hoa quỳnh.
Tôi nghiêm mặt lên giọng ra bộ một ông chủ:
-- Làm gì có hoa quỳnh mà xin. Cô ở đâu, tên gì, có biết đây là cơ quan không mà tự do ra vào như thế. Lại toan tính xâm phạm tài sản của nhà nước.
Em vẫn dịu dàng với giọng nói nhẹ nhàng
-- Dạ em tắm biển bên kia, thấy hoa nở đẹp quá nên xin …
..
Giờ thì tôi nhìn kỹ lại em. Một khuôn mặt trái xoan nhỏ nhắn, với đôi mắt đen tròn như hai hạt nhãn. Tôi như nhìn thấy bóng mình vụng về thô bạo trong đôi mắt đẹp đến nao lòng ấy. Thi nhân thường ví đôi mắt người đẹp giống như hồ thu. Ngay giây phút ấy, cái thằng tôi tuổi vừa đôi giáp đã sẵn lòng chết đuối trong cái hồ thu ấy. Từ địa vị gia chủ và kẻ trộm, tôi và em đã đổi vai cho nhau. Em đã ban cho tôi một ân huệ được gai xương rồng đâm cào trầy tay để hái những bông hoa tươi thắm.
..
Kể từ lúc biết em mỗi sáng đều đặn đi tắm biển, tôi thức dậy sớm hơn bình thường, chạy ra biển vươn vai làm vài động tác khởi động, bơi một vòng và quay lại giả như tình cờ gặp em. Dần dà, ngoài những câu chào xã giao, tôi và em nói với nhau nhiều chuyện thân thiết hơn. Tay tôi bị gai xương rồng đâm chi chít hơn. Tôi cũng chiết vài cây xương rồng để em đem về trồng trước nhà. Suốt những ngày hè sau đó, tôi trở thành một anh chàng dại khờ ngày ngày hái những bông hoa xương rồng mà về sau chúng tôi đặt cho nó một cái tên theo tên của em: Diễm Quỳnh...

Người ta nói yêu là mất hết sáng suốt, hình như tôi cũng như thế, tôi còn lấy những chiếc bình tam giác trong phòng thí nghiệm để tặng cho em cắm hoa xương rồng. Chí phát hiện ra bí mật của tôi và tôi luôn phải để sẵn những gói thuốc lá hối lộ cho nó để khỏi phải làm bản kiểm điểm vì làm mất dụng cụ của phòng thí nghiệm mà chỉ cần làm bản thanh lý bể vỡ mỗi cuối quý. Một hạnh phúc bù đắp cho sự thua lỗ đó là mỗi ngày được ngồi trên bờ biển, khi ánh mặt trời vừa ló dạng ngoài khơi, ngắm em với thân hình thon thả, bước đi dịu dàng, đưa tay vấn mái tóc dài lên thành một búi sau ót, để lộ chiếc cổ thanh thanh trắng ngần, chậm chậm từng bước xuống biển và bơi thật xa ra, bồng bềnh trong ánh ban mai một màu sáng rực...
..
..
Tôi là con một trong gia đình tương đối khá giả. Tốt nghiệp xong đại học, ba mẹ tôi thưởng cho tôi chiếc xe cúp Nữ hoàng, loại xe hạng nhất thời đó mà ở cái thành phố Nha Trang này hình như chưa ai có. Thời ấy xe gắn máy thuộc loại hiếm hoi, nhà nào có được chiếc xe Honda PC, 67, 68… đã là sang lắm rồi. Sau này khá hơn, người ta sắm những chiếc xe Cub cối, Cánh én, Eco… nhưng phần lớn là những xe mua từ nghĩa địa xe cũ, với những giấy tờ chữ Miên lăng quăng mà người ta thường gọi là “giấy giun” đem về tân trang dùng lại. Để mua chiếc xe mới nguyên này, ba tôi phải nhờ chú tôi mua tận Sài Gòn của một thuyền trưởng tàu viễn dương mang về bán. Gọi là thưởng cho tôi chiếc xe, nhưng thật ra, vẫn phải mang xe về cất ở nhà, khi nào tết hoặc nghỉ hè, tôi về thăm nhà thì mới được đi chiếc xe đó. Tôi có nhiệm vụ phải chạy chiếc xe về tới Tuy Hòa chứ không thể bỏ lên bất cứ chiếc xe đò nào để chở về được, vì nếu trầy một chút là chiếc xe giảm đi giá trị, và cũng vì đó là một gia tài rất lớn vào thời đó nên không thể nào gởi theo xe đò mà an tâm được. Ngày tôi vào Sài gòn nhận xe, chú tôi dặn:
-- Xe đang chạy rodage, đến một ngàn cây số mới hết rodage. Trong thời gian đó, phải chạy chậm tốc độ 45km/ giờ, không được chạy hết ga, không được leo đèo và nhất là không được chở trong thời gian này. Xe có bền hay không là nhờ quá trình rodage này, nếu không đúng cách sẽ tạo các vết nứt, dù rất nhỏ ở các chi tiết máy, về sau chính là nơi xuất phát mọi hư hỏng của xe.
..
Tôi thuộc lòng lời dặn của chú và sung sướng cầm lái chiếc xe chạy từ Sài Gòn về Nha Trang. Đường dài vài trăm cây số không còn thấy dài khi tôi nghĩ đến em. Những tháng ngày hái hoa, tắm biển đã làm cho em và tôi trở nên gần gũi hơn. Mỗi sáng, sau một vòng bơi, mái tóc dài búi chặt của em thường bị tuột ra và tuôn dập dìu trên mặt nước trông em đẹp như một nàng tiên cá. Tôi thường giúp em búi lại mái tóc. Em rất ngạc nhiên khi thấy tôi biết búi tóc. Tôi giải thích rằng ngày xưa tôi hay búi tóc cho mẹ, nên tôi có thể búi tóc rất đẹp. Những lúc búi tóc cho em, tôi thường thích ngắm chiếc cổ thanh thanh ẩn hiện đường gân xanh nhỏ mịn.
Về đến Nha Trang khoảng 2 giờ chiều. Bảng cây số trên xe báo cho biết xe đã chạy gần tám trăm cây số. Vì con đường Nha Trang đi Tuy Hòa phải đi qua vài ngọn đèo, nên tôi dự định để xe ở lại Nha Trang chạy một thời gian đủ một ngàn cây số rồi mới về Tuy Hòa. Không chịu nghỉ ngơi sau một chặng đường dài, tôi hì hục lau chùi chiếc xe sáng bóng rồi chạy đến nhà tìm em. Tôi muốn được mời em đi chơi, định bụng chở em trên một con đường nào thơ mộng nhất để nói lời tỏ tình đầu tiên.
..
Vừa thấy tôi em đã reo lên:
-- A, anh Hải về rồi hả. Xe anh đẹp quá.
Tôi liền nói:
-- Quỳnh có thích đi thử một vòng không?
-- Đi được không anh, nghe nói là xe mới còn đang rodage thì không được chở.
Tôi giật mình nhớ lời dặn của ông chú, nhưng cũng đáp:
-- Không sao, mảnh khảnh như em thì có chở cũng như không chở mà thôi.
..
Em nhẹ nhàng ngồi lên xe sau lưng tôi. Những con đường trong thành phố ngày thường đi xe đạp thấy dài lê thê, hôm nay sao bỗng trở nên ngắn quá. Dù nhớ lời dặn của chú nhưng tôi vẫn cứ lái xe ra phía bắc thành phố, leo lên dốc đèo Rù Rì, đi vòng qua đường Quốc lộ lên Thành để có cơ hội ngồi bên em thật lâu. Ngồi trên xe, tôi bẻ chiếc gương chiếu hậu soi vào phía mình. Một hình ảnh thật đẹp chưa từng thấy trong đời: bên cạnh cái khuôn mặt không đến nỗi xấu trai của tôi khuôn mặt trái xoan của em với đôi hạt nhãn đen láy, cặp lông mày như người đẹp trong tranh và nhất là mái tóc của em, đen dài và bay nhẹ nhàng trong gió. Em cũng nhìn tôi trong gương và mỉm cười, tôi khao khát muốn hôn lên đôi môi hồng tươi đó.
..
Tôi hỏi em:
-- Em có muốn chạy thử một chút không?
-- Có được không anh?
-- Em lái đi.
Tôi ngồi ra phía sau. Con đường tráng nhựa dài ngút trong tầm mắt như thấp dần trong chiều tà. Hai bên đường là những cánh đồng trải dài mênh mông. Gió lùa mái tóc em trôi vào mặt, vào cổ tôi. Tóc em thơm ngan ngát quyện với mùi lúa chín hai bên cánh đồng trên đường chúng tôi đang đi. Em cười hạnh phúc và tôi cũng cười hạnh phúc. Tôi kéo nhẹ cằm em về bên phải, chỉ cho em xem khuôn mặt tôi và em trong chiếc gương chiếu hậu. Đó là một khung hình một đôi uyên ương hạnh phúc, phía sau là nền trời vàng óng của cánh đồng xa xa dưới màu nắng quái huy hoàng trước khi sắp tắt. Rồi tôi hôn lên môi em.
..
Cái khoảnh khắc đầu tiên vĩ đại nhất của đời tôi hôm ấy được kết thúc bằng một tiếng: Rầm. Trong thoáng chốc, từ vị trí ngồi sau lưng em tôi trở thành nằm sấp trên người em. Mặt trời đã tắt hẳn. Định thần nhìn lại, tôi nhận ra chúng tôi đang nằm trên bờ ruộng, ngay phía dưới con đường, bên lòng mương mà thường ngày chắc vẫn có nước chảy qua khi người ta bơm nước tưới ruộng. Đất vẫn còn mềm và ẩm ướt. Khuôn mặt tôi vẫn đang kề môi em. Nhưng than ôi, đôi môi tôi đã “thâm khô từ thuở định hôn người” vì quá sợ hãi. Chiếc nữ hoàng lộng lẫy tắt máy nằm chỏng chơ đâu đó. Tôi đỡ em dậy và thật may mắn là cả tôi và em đều chỉ trầy xước sơ nơi khuỷu tay. Chiếc xe đã bị vỡ hai kính chiếu hậu cùng với đèn phía trước, nhưng vẫn dễ dàng nổ máy được để đưa em về nhà và tôi về đến cơ quan. Chí kinh hoảng khi nhìn thấy tôi và chiếc xe lộng lẫy trong tình trạng thảm thương chưa từng thấy.
..
Hôm sau tôi đưa xe ra tiệm nhờ người thay lại những bộ phận bị hư vỡ và sơn giấu lại những vết trầy. Vì chiếc xe vốn thuộc loại đặc chủng thời bấy giờ nên không thể tìm ra được phụ tùng thay thế giống hệt như ban đầu. Với con mắt nhà nghề của ba tôi, chẳng bao lâu việc giấu diếm của tôi cũng bại lộ khi mẹ tôi khéo léo cật vấn trong một lần Chí đi công tác ghé thăm bà. Mẹ tôi giận dữ cực độ mỗi khi nghe nhắc đến tên em. Mối tình vừa mới chớm nở của tôi, chưa kịp công khai đã phải im lặng mãi mãi về sau...

Mùa thu năm đó, em vào Sài Gòn học đại học, tôi chuyển công tác về Tuy Hòa, để lại thành phố biển một mối tình đẹp nhưng gai góc như loài hoa xương rồng. Tôi mòn lốp xe trên con đường ra bưu điện bỏ thư cho em. Những lá thư đi thư về rồi cũng thưa dần theo thời gian, và trong lá thư cuối cùng tôi đã gọi em là Diễm Xưa để khép lại một mối tình đầu. Nhiều năm sau, trong giấc mơ tôi vẫn nhìn thấy một dáng em mảnh khảnh, tóc đen dài, đôi mắt hạt nhãn nhìn tôi như trách móc. Thỉnh thoảng Chí đi công tác ghé thăm tôi, lại hay nhắc về em. Nghe đâu em theo về nhà chồng và theo đời cơm áo....
..
..
-- Em khỏe không, hiện nay đang ở đâu. Sao lại biết số phone của anh hay vậy. Tôi hỏi lại một lần nữa.
Em vui vẻ trả lời:
- Hôm nọ em đi hội nghị, tình cờ gặp anh Chí, tâm sự cũng dài dòng, sau đó anh Chí cho em số phone của anh. Em bây giờ về lại căn nhà cũ ngày xưa đó, hôm nào có dịp vào Nha Trang anh ghé chơi nhé. Mấy cây xương rồng ngày xưa, hôm nay đã cao quá và nở nhiều hoa làm em chợt nhớ đến anh nên bấm phone hỏi thăm đó mà…
..
Tôi chợt nhớ đến bàn tay nhỏ nhắn ngày trước cầm đóa hoa Diễm Quỳnh. Sau hai mươi năm, chỉ có bấm mười con số điện thoại mà “tay em vẫn còn dựng đời bão lên” như thế sao. Tôi không nhớ em và tôi đã hàn huyên những gì sau đó trong điện thoại, giọng em vẫn trong trẻo nhẹ nhàng như gió thoảng, trước mắt tôi lại hiện lên một dáng em mảnh khảnh, mái tóc đen dài, óng ả. Không hiểu sao, trong tôi một lần nữa bỗng trỗi lên ước vọng tìm bắt lại một bóng hình vẫn theo đuổi mình trong giấc mơ nhiều năm qua. 
..
Ngày hôm sau, tôi tự mình lái xe vào Nha Trang. So với nửa ngàn cây số Sài Gòn –Nha Trang ngày xưa trên chiếc cúp nữ hoàng thì một trăm hai mươi cây số Tuy Hòa - Nha Trang hôm nay đâu có nghĩa lý gì khi tôi ngồi trên một chiếc xe BMW kính màu, điều hòa mát lạnh và giọng ca ngọt ngào của Khánh Ly: “Tưởng rằng đã quên, cuộc tình sẽ yên, tưởng rằng đã quên… nhưng tim yếu mềm” . Con đường ngày xưa bây giờ không còn là những cánh đồng trải dài xanh ngắt chạy tới tận chân những dãy núi xa xa, mà thay vào đó là những tòa nhà mới cũ nối tiếp nhau. Mùi nước hoa trong xe sao nghe thoang thoảng như hương tóc em quyện với hương cánh đồng lúa chín. Tôi biết rằng, chút nữa đây, tôi sẽ mời em lên xe đi một vòng thành phố và ngoại ô. Em sẽ ngồi ghế bên cạnh, cùng tôi ôn lại những kỷ niệm hai mươi năm trước và biết đâu, sẽ hoàn tất nụ hôn đầu tiên chưa trọn vẹn ngày ấy…
..
..
Một trăm hai mươi cây số đường dài và một trăm hai mươi phút đã qua đi. Đĩa nhạc cũng hoàn thành một vòng quay để bắt đầu lại bản nhạc Tưởng Rằng Đã Quên một lần nữa khi xe tôi dừng trước cửa nhà em. Lòng tôi rộn rã và bồi hồi khi nhìn thấy trước cổng là hai bụi xương rồng thật cao với những đóa hoa rực rỡ. Chưa kịp tắt máy, nhìn qua cửa kính xe tôi thấy bóng dáng một người đàn bà đẫy đà bước ra cổng, khuôn mặt bành bạnh chiếc cằm đôi, mái tóc nhuộm hoe vàng nâu, lông mày xăm rậm ri, dưới hàng mi xăm đen thấp thoáng đôi hạt nhãn ngày xưa.
..
Tôi cuống cuồng nhấn ga như trốn chạy khi bên tai nghe văng vẳng giọng của Khánh Ly: “…một ngày thấy em là đời bỗng đêm vây khốn...”...

Tác giả: NHỊ TƯỜNG
..
(N T sưu tầm)
......

Sunday, February 2, 2014

Thân Tâm An Lạc

..
..
THẤP THOÁNG LỜI KINH
...
AN LẠC HẠNH
..
TÁC GIẢ: B.S. ĐỖ HỒNG NGỌC
..                                                                                                  
Chẳng phải « Thân tâm thường an lạc » là niềm mơ ước của tất cả chúng ta đó sao, là câu chúc ngọt ngào khi người ta gặp gỡ nhau đó sao ? Thân an thì tâm lạc và Tâm an thì thân lạc. Có an mới có lạc và có lạc mới có an.  Con muốn xin được chỉ dạy cách an tâm. Học trò hỏi. Thầy đáp, được, đưa tâm ngươi đây ta an cho. Con tìm mãi chẳng thấy tâm đâu cả. Vậy ta đã an tâm cho ngươi rồi đó vậy. Thầy đáp.
..
Không tìm thấy tâm đâu cả chính là đã an tâm, bởi vì « vô tâm mạc vấn thiền » (Trần Nhân Tông) mà! Khi Bồ-tát lặn lội trong cõi Ta-bà, “du hí thần thông” trong cõi Ta bà để cứu độ chúng sanh không phải lúc nào mọi sự cũng suôn sẻ nên làm sao để có được « an lạc » là một điều kiện tiên quyết...
...
Cái thời Phật truyền đạt Pháp Hoa quả là không dễ dàng gì. Những điều Phật nói ra ở thời Pháp Hoa này không dễ được « nghe nhận ». Thính chúng nhiều người đã không tin, nhiều người đã bỏ đi. Nhiều vị A-la-hán khi được thọ ký mừng đến chảy nước mắt. Thế nhưng các Bồ-tát « tùng địa dũng xuất » vẫn luôn ở đó, lắng nghe và tin nhận, thệ nguyện hi sinh để nói lên « sự thật », những điều Phật đã dạy hôm nay, để « khai thị » cho chúng sanh « ngộ nhập » được Tri kiến Phật,  cho nên Phật ân cần dặn dò về cái gọi là “An lạc hạnh”, để sống sao cho được an lạc, vì có từ bi với mình thì mới từ bi được với người, vì mình có an lạc thì mới… làm được pháp sư, giúp người khác an lạc.
..
Người đặt câu hỏi bấy giờ không phải là Dược Vương hay Thường Tinh Tấn nữa… mà chính là Văn Thù, một người “Trí”. Trí thì đoán trước được tình thế, biết những gì sẽ xảy ra ở đời ác trược về sau!
..
“Thế Tôn! Các vị Đại Bồ-tát ở đời ác sau, làm thế nào mà có thể nói kinh này?”. Dĩ nhiên để “có thể nói kinh này” thì phải ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai rồi mới ngồi được tòa Như Lai, thế nhưng vẫn chưa đủ. Nỗi lo của Văn Thù Bồ-tát đúng quá chớ! Bây giờ Phật còn đang sống sờ sờ đây, đang giảng nói trực tiếp trong pháp hội long trọng trên núi Linh Thứu này mà nhiều người còn chưa tìn, còn ngờ vực, huống chi sau này khi Phật đã Niết bàn, biết bao kẻ có thể giả danh làm sằng bậy, gieo rắc mê tín dị đoan?
..
Cho nên cái Phật cần bây giờ, trước khi nhập Niết-bàn, trước khi diệt độ là tìm ngay lứa học trò mới, “dám” làm pháp sư, “truyền nhân” của Phật, sứ giả của Như Lai. “Dám” bởi vì không dễ với những điều kiện Phật đưa ra, lại phải đương đầu với không ít những cám dỗ, những gièm pha, phá hoại… trong thời mạt pháp. Lứa học trò mới này không chỉ là tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, mà cả những trai thiện gái lành… Và quan trọng là họ phải tự nguyện, bền chí, tinh cần, hết lòng. Cũng vì thế, Phật chọn những Bồ-tát “tùng địa dũng xuất” thay vì những Đại Bồ-tát từ phương xa đến. Bởi vì cần có cái xuất phát từ chung một “thổ ngơi”, có cùng một nếp sống, nếp văn hóa bản địa may ra mới thu phục được lòng người, mới tạo được niềm tin.
...
Trả lời câu hỏi của Văn Thù “…ở đời ác sau, làm thế nào mà có thể nói kinh này?”, Phật bảo: Phải an trụ trong bốn pháp:
1) An trụ trong hành xứ và thân cận xứ.
2) An trụ trong pháp Không, nhìn ra cái “thật tướng” của mọi sự mọi vật.
3)  An trụ vào hạnh Tùy hỷ.
4) An trụ vào lòng đại Từ đại Bi.
..
Hãy nói về “an trụ” vào lòng đại Từ đại Bi trước: Nó không có gì lạ. Nó chính là “ở nhà Như Lai”. Thực sự ai sống trong “nhà Như Lai” thì chắc chắn sẽ có lòng đại Từ đại Bi thôi, vì thấy ra muôn loài đều “chung một mái nhà!”. Con sâu cái kiến, con khủng long, con thằn lằn, rắn mối, sư tử cọp beo cá voi cá sấu cho đến con… người, nghêu sò ốc hến,  cũng đều “làm ra” từ một chất liệu. Cho nên không có “con” nào hơn con nào. Đừng nghĩ rằng ta “ngon” hơn loài kiến loài sâu, con ong cái bướm. Còn lâu! Mắt của loài ong có hằng trăm thủy tinh thể, nhìn khắp bốn phương tám hướng, mũi của loài chó nhạy hơn loài người ngàn lần, tai dơi hơn ta nhiều lắm chứ, ai bảo nó không từng “phản văn văn tự tánh” ? Sao dám nói loài người là thông minh nhất trong muôn loài? Ai bảo chỉ có loài người mới có ngôn ngữ, âm thanh, tiếng nói? Con công đực sao nó đẹp vậy? Sao nó múa may tuyệt vời vậy? Con sư tử đực sao dựng bờm oai dũng vậy?  Hồi hồng hoang, 4 tỷ năm trước, chưa có tảo biển tạo ra oxy thì con người là “con” gì?  ở đâu? Tại sao sinh vật đơn bào kia cắt đôi thân thể mình thành hai con? Tại sao con bọ ngựa kia sau khi giao hợp thì chết ngay để hiến thân làm thức ăn cho con, và con cá hồi kia, tại sao sau khi đẻ trứng xong, “hoàn thành nhiệm vụ” bèn tự hủy thân mình? Mọi loài hùng hục tranh nhau “sinh bệnh lão tử” trên cõi Ta-bà này, chỉ là một chấm nhỏ của vũ trụ mênh mông kia không phải đều đáng thương đáng quý sao?
..
“Văn Thù Sư Lợi! Kinh Pháp Hoa này là tạng bí mật của các đức Phật Như Lai, ở trong các kinh thời là bực trên hết, lâu ngày giữ gìn chẳng vọng tuyên nói, mới ở ngày nay cùng với các ông mà bày nói đó”.
..
Pháp thứ ba mà Phật bảo phải an trụ để có “an lạc hạnh” là Tùy hỷ. Tùy hỷ thiệt không dễ chút nào! Tùy hỷ khó vì con người khó tránh lòng ganh tị, ghen ghét nhau…
“Chớ ôm lòng ganh ghét, dua dối, chớ khinh mắng người, chớ vạch chỗ hay chỗ dở, cũng chẳng nên hý luận, luôn thuận theo pháp, chẳng buông lung, chẳng biếng trễ”.
..
Chỗ an trụ thứ hai là phải thấy được “nhứt thiết pháp không”, phải thấy được thật tướng vô tướng cái đã rồi mới nói gì thì nói, thuyết gì thì thuyết. Tâm thông thì thuyết thông. Vô ngại biện tài. Chẳng những thấy Không mà còn thấy không cả Không. Chân không mà diệu hữu. Từ đó mà có “không lường, không ngằn, không ngại, không chướng, chỉ do nhơn duyên mà có, từ điên đảo mà sanh”.
..
Chỗ an trú đầu tiên, có lẽ cũng là điều căn bản nhất, cụ thể và thực tế nhất để có được an lạc mà làm “Pháp sư” một cách chân chính ấy là lối sống, lối ứng xử sao cho vừa hòa dịu, nhẫn nhục, khéo thuận lại vừa cương nghị bất khuất, biết lánh xa mùi phú quý vinh hoa, xa bả lợi danh rủng rỉnh!
“Hành xứ”, ấy là nhẫn nhục, hòa dịu, khéo thuận bởi lòng đã « quán tướng như thật các pháp », đã sống  không phân biệt nên “không vụt chạc, mà cũng chẳng kinh sợ”.  Dù bên trong đã đầy đủ pháp Không, đã thấy biết duyên sanh, vô ngã, đã sống trong thật tướng vô tướng rồi thì không có gì phải kinh sợ nữa, dù vậy, nếu không biết nhu hòa, nhẫn nhục thì vẫn sanh sự cho sự sanh!
Những lời ân cần mà nghiêm khắc đó tuy đã vài ngàn năm trước mà như mới hôm nay, trong thời buổi nhộn nhịp ngựa xe, xênh xang mũ lọng này!
..
« Thân cận xứ » chính là để tạo một môi trường thuận lợi cho hoạt động “độ sinh” giúp mình và giúp đời của Bồ-tát. “Thế nào là chỗ  thân cận của Đại Bồ- tát ? », Phật dạy:
...
« Chẳng gần gũi quốc vương, vương tử, đại thần, quan trưởng… ». Dĩ nhiên không ai cấm gần. Không gần thì làm sao cảm hóa, « độ sanh » được. Nhưng, vấn đề là gần cách nào ? Gần mà dua nịnh để kiếm chác quyền lợi thì khác với gần như Bồ Đề Đạt Ma gặp Lương Vũ Đế…
...
« Chẳng gần gũi kẻ viết sách thế tục ca ngâm ». Sao lạ vậy ? Bởi vì từ ngàn xưa, họ vốn là nòi tình, đắm đuối, kiêu căng, hợm hĩnh, hý luận và xung đột hơi nhiều, bản ngã hơi to ! Nhưng cũng tại ta thôi. Duy Ma Cật sẵn lòng gặp gỡ đám vũ nữ ca múa đó thôi....
Viết sách thế tục ca ngâm thì dễ « điên đảo », dễ « mộng tưởng », trong khi Bồ- tát thì phải « viễn ly điên đảo mộng tưởng » ? Không sao! Vấn đề nằm ở bản lãnh Bồ-tát. Bồ-tát có thể « bất trụ vô vi bất tận hữu vi », thõng tay vào chợ nếu thực sự có đủ bản lãnh.
...
« Chẳng gần gũi những kẻ chơi hung hiểm đâm nhau đánh nhau... ». Không dễ! Không gần gũi ngoài đời thì gần gũi qua phim ảnh sách báo cũng không kém phần nguy hiểm.
...
« Chẳng gần gũi bọn hạng người sống với nghề ác… ».
..
Tóm lại:
Vào được « hành xứ » này
Và « thân cận xứ » đó
Thời lúc nói kinh này
Không có lòng e sợ.
..
TÁC GIẢ: ĐỖ HỒNG NGỌC
..
(Nguồn: Trang nhà BS Đỗ Hồng Ngọc)
..

Saturday, February 1, 2014

100 đồng Cam thảo

.
(nguồn: Internet)
.
100 ĐỒNG CAM THẢO
..
Hồi còn ở Huế, một hôm tôi đi bổ* thuốc Bắc, thấy trong tiệm có một bà cỡ 60 tuổi đang ngồi bán hàng, cân đo từng vị thuốc từ những thẩu, chai, lọ... để trên các kệ kê sát tường, và có ba cậu bé cỡ 11, 12 tuổi đang mua thuốc, cậu bé đầu tiên nói:
- Bà bán cháu 100 đồng Cam Thảo.
Tội nghiệp, Cam Thảo bà để trên cao nên bà phải hì hà hì hục khiêng cái ghế lại, đứng lên, và nhón hết sức mới cực nhọc lấy cái hộp Cam Thảo xuống, cân đo đong đếm cho cậu nhỏ đủ 100 đồng, rồi bà lại hi hà hì hục khiêng cái hộp Cam Thảo trở lại, leo lên ghế, nhón chân, bỏ lại chỗ cũ.
Bán xong cho cậu thứ nhất mệt gần đứt hơi, bà quay sang ông nhóc thứ hai hỏi, nó đưa một ngón tay ra trả lời:
- Dạ, cháu cũng muốn mua 100 đồng Cam Thảo.
Bà chủ tiệm thuốc Bắc mặt đỏ tía tai, nhưng cố dằn được. Ai biểu không hỏi trước. Bà lại khiêng cái ghế chuẩn bị leo lên, bỗng nhớ tới đứa thứ ba, bà quay sang hỏi:
- Còn cháu ni? Cũng 100 đồng Cam Thảo nữa hả?
Thằng bé lắc đầu. Bà yên tâm leo ghế lấy Cam Thảo xuống bán như hồi nãy. Xong xuôi hết cho hai ông nhóc, bà mệt đừ cả người.
Tới phiên cậu bé khách hàng thứ ba, bà hỏi:
- Cháu muốn mua chi?                            
Nó giơ... hai ngón tay và nói:
- Bà bán cháu 200 đồng Cam Thảo.
Tới đây thì tôi nghe một cái RRRÂẦMM!..
..                                                                             
(st)
..
(*đi mua thuốc Bắc người Huế gọi là đi bổ thuốc....