Sunday, February 2, 2014

Thân Tâm An Lạc

..
..
THẤP THOÁNG LỜI KINH
...
AN LẠC HẠNH
..
TÁC GIẢ: B.S. ĐỖ HỒNG NGỌC
..                                                                                                  
Chẳng phải « Thân tâm thường an lạc » là niềm mơ ước của tất cả chúng ta đó sao, là câu chúc ngọt ngào khi người ta gặp gỡ nhau đó sao ? Thân an thì tâm lạc và Tâm an thì thân lạc. Có an mới có lạc và có lạc mới có an.  Con muốn xin được chỉ dạy cách an tâm. Học trò hỏi. Thầy đáp, được, đưa tâm ngươi đây ta an cho. Con tìm mãi chẳng thấy tâm đâu cả. Vậy ta đã an tâm cho ngươi rồi đó vậy. Thầy đáp.
..
Không tìm thấy tâm đâu cả chính là đã an tâm, bởi vì « vô tâm mạc vấn thiền » (Trần Nhân Tông) mà! Khi Bồ-tát lặn lội trong cõi Ta-bà, “du hí thần thông” trong cõi Ta bà để cứu độ chúng sanh không phải lúc nào mọi sự cũng suôn sẻ nên làm sao để có được « an lạc » là một điều kiện tiên quyết...
...
Cái thời Phật truyền đạt Pháp Hoa quả là không dễ dàng gì. Những điều Phật nói ra ở thời Pháp Hoa này không dễ được « nghe nhận ». Thính chúng nhiều người đã không tin, nhiều người đã bỏ đi. Nhiều vị A-la-hán khi được thọ ký mừng đến chảy nước mắt. Thế nhưng các Bồ-tát « tùng địa dũng xuất » vẫn luôn ở đó, lắng nghe và tin nhận, thệ nguyện hi sinh để nói lên « sự thật », những điều Phật đã dạy hôm nay, để « khai thị » cho chúng sanh « ngộ nhập » được Tri kiến Phật,  cho nên Phật ân cần dặn dò về cái gọi là “An lạc hạnh”, để sống sao cho được an lạc, vì có từ bi với mình thì mới từ bi được với người, vì mình có an lạc thì mới… làm được pháp sư, giúp người khác an lạc.
..
Người đặt câu hỏi bấy giờ không phải là Dược Vương hay Thường Tinh Tấn nữa… mà chính là Văn Thù, một người “Trí”. Trí thì đoán trước được tình thế, biết những gì sẽ xảy ra ở đời ác trược về sau!
..
“Thế Tôn! Các vị Đại Bồ-tát ở đời ác sau, làm thế nào mà có thể nói kinh này?”. Dĩ nhiên để “có thể nói kinh này” thì phải ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai rồi mới ngồi được tòa Như Lai, thế nhưng vẫn chưa đủ. Nỗi lo của Văn Thù Bồ-tát đúng quá chớ! Bây giờ Phật còn đang sống sờ sờ đây, đang giảng nói trực tiếp trong pháp hội long trọng trên núi Linh Thứu này mà nhiều người còn chưa tìn, còn ngờ vực, huống chi sau này khi Phật đã Niết bàn, biết bao kẻ có thể giả danh làm sằng bậy, gieo rắc mê tín dị đoan?
..
Cho nên cái Phật cần bây giờ, trước khi nhập Niết-bàn, trước khi diệt độ là tìm ngay lứa học trò mới, “dám” làm pháp sư, “truyền nhân” của Phật, sứ giả của Như Lai. “Dám” bởi vì không dễ với những điều kiện Phật đưa ra, lại phải đương đầu với không ít những cám dỗ, những gièm pha, phá hoại… trong thời mạt pháp. Lứa học trò mới này không chỉ là tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, mà cả những trai thiện gái lành… Và quan trọng là họ phải tự nguyện, bền chí, tinh cần, hết lòng. Cũng vì thế, Phật chọn những Bồ-tát “tùng địa dũng xuất” thay vì những Đại Bồ-tát từ phương xa đến. Bởi vì cần có cái xuất phát từ chung một “thổ ngơi”, có cùng một nếp sống, nếp văn hóa bản địa may ra mới thu phục được lòng người, mới tạo được niềm tin.
...
Trả lời câu hỏi của Văn Thù “…ở đời ác sau, làm thế nào mà có thể nói kinh này?”, Phật bảo: Phải an trụ trong bốn pháp:
1) An trụ trong hành xứ và thân cận xứ.
2) An trụ trong pháp Không, nhìn ra cái “thật tướng” của mọi sự mọi vật.
3)  An trụ vào hạnh Tùy hỷ.
4) An trụ vào lòng đại Từ đại Bi.
..
Hãy nói về “an trụ” vào lòng đại Từ đại Bi trước: Nó không có gì lạ. Nó chính là “ở nhà Như Lai”. Thực sự ai sống trong “nhà Như Lai” thì chắc chắn sẽ có lòng đại Từ đại Bi thôi, vì thấy ra muôn loài đều “chung một mái nhà!”. Con sâu cái kiến, con khủng long, con thằn lằn, rắn mối, sư tử cọp beo cá voi cá sấu cho đến con… người, nghêu sò ốc hến,  cũng đều “làm ra” từ một chất liệu. Cho nên không có “con” nào hơn con nào. Đừng nghĩ rằng ta “ngon” hơn loài kiến loài sâu, con ong cái bướm. Còn lâu! Mắt của loài ong có hằng trăm thủy tinh thể, nhìn khắp bốn phương tám hướng, mũi của loài chó nhạy hơn loài người ngàn lần, tai dơi hơn ta nhiều lắm chứ, ai bảo nó không từng “phản văn văn tự tánh” ? Sao dám nói loài người là thông minh nhất trong muôn loài? Ai bảo chỉ có loài người mới có ngôn ngữ, âm thanh, tiếng nói? Con công đực sao nó đẹp vậy? Sao nó múa may tuyệt vời vậy? Con sư tử đực sao dựng bờm oai dũng vậy?  Hồi hồng hoang, 4 tỷ năm trước, chưa có tảo biển tạo ra oxy thì con người là “con” gì?  ở đâu? Tại sao sinh vật đơn bào kia cắt đôi thân thể mình thành hai con? Tại sao con bọ ngựa kia sau khi giao hợp thì chết ngay để hiến thân làm thức ăn cho con, và con cá hồi kia, tại sao sau khi đẻ trứng xong, “hoàn thành nhiệm vụ” bèn tự hủy thân mình? Mọi loài hùng hục tranh nhau “sinh bệnh lão tử” trên cõi Ta-bà này, chỉ là một chấm nhỏ của vũ trụ mênh mông kia không phải đều đáng thương đáng quý sao?
..
“Văn Thù Sư Lợi! Kinh Pháp Hoa này là tạng bí mật của các đức Phật Như Lai, ở trong các kinh thời là bực trên hết, lâu ngày giữ gìn chẳng vọng tuyên nói, mới ở ngày nay cùng với các ông mà bày nói đó”.
..
Pháp thứ ba mà Phật bảo phải an trụ để có “an lạc hạnh” là Tùy hỷ. Tùy hỷ thiệt không dễ chút nào! Tùy hỷ khó vì con người khó tránh lòng ganh tị, ghen ghét nhau…
“Chớ ôm lòng ganh ghét, dua dối, chớ khinh mắng người, chớ vạch chỗ hay chỗ dở, cũng chẳng nên hý luận, luôn thuận theo pháp, chẳng buông lung, chẳng biếng trễ”.
..
Chỗ an trụ thứ hai là phải thấy được “nhứt thiết pháp không”, phải thấy được thật tướng vô tướng cái đã rồi mới nói gì thì nói, thuyết gì thì thuyết. Tâm thông thì thuyết thông. Vô ngại biện tài. Chẳng những thấy Không mà còn thấy không cả Không. Chân không mà diệu hữu. Từ đó mà có “không lường, không ngằn, không ngại, không chướng, chỉ do nhơn duyên mà có, từ điên đảo mà sanh”.
..
Chỗ an trú đầu tiên, có lẽ cũng là điều căn bản nhất, cụ thể và thực tế nhất để có được an lạc mà làm “Pháp sư” một cách chân chính ấy là lối sống, lối ứng xử sao cho vừa hòa dịu, nhẫn nhục, khéo thuận lại vừa cương nghị bất khuất, biết lánh xa mùi phú quý vinh hoa, xa bả lợi danh rủng rỉnh!
“Hành xứ”, ấy là nhẫn nhục, hòa dịu, khéo thuận bởi lòng đã « quán tướng như thật các pháp », đã sống  không phân biệt nên “không vụt chạc, mà cũng chẳng kinh sợ”.  Dù bên trong đã đầy đủ pháp Không, đã thấy biết duyên sanh, vô ngã, đã sống trong thật tướng vô tướng rồi thì không có gì phải kinh sợ nữa, dù vậy, nếu không biết nhu hòa, nhẫn nhục thì vẫn sanh sự cho sự sanh!
Những lời ân cần mà nghiêm khắc đó tuy đã vài ngàn năm trước mà như mới hôm nay, trong thời buổi nhộn nhịp ngựa xe, xênh xang mũ lọng này!
..
« Thân cận xứ » chính là để tạo một môi trường thuận lợi cho hoạt động “độ sinh” giúp mình và giúp đời của Bồ-tát. “Thế nào là chỗ  thân cận của Đại Bồ- tát ? », Phật dạy:
...
« Chẳng gần gũi quốc vương, vương tử, đại thần, quan trưởng… ». Dĩ nhiên không ai cấm gần. Không gần thì làm sao cảm hóa, « độ sanh » được. Nhưng, vấn đề là gần cách nào ? Gần mà dua nịnh để kiếm chác quyền lợi thì khác với gần như Bồ Đề Đạt Ma gặp Lương Vũ Đế…
...
« Chẳng gần gũi kẻ viết sách thế tục ca ngâm ». Sao lạ vậy ? Bởi vì từ ngàn xưa, họ vốn là nòi tình, đắm đuối, kiêu căng, hợm hĩnh, hý luận và xung đột hơi nhiều, bản ngã hơi to ! Nhưng cũng tại ta thôi. Duy Ma Cật sẵn lòng gặp gỡ đám vũ nữ ca múa đó thôi....
Viết sách thế tục ca ngâm thì dễ « điên đảo », dễ « mộng tưởng », trong khi Bồ- tát thì phải « viễn ly điên đảo mộng tưởng » ? Không sao! Vấn đề nằm ở bản lãnh Bồ-tát. Bồ-tát có thể « bất trụ vô vi bất tận hữu vi », thõng tay vào chợ nếu thực sự có đủ bản lãnh.
...
« Chẳng gần gũi những kẻ chơi hung hiểm đâm nhau đánh nhau... ». Không dễ! Không gần gũi ngoài đời thì gần gũi qua phim ảnh sách báo cũng không kém phần nguy hiểm.
...
« Chẳng gần gũi bọn hạng người sống với nghề ác… ».
..
Tóm lại:
Vào được « hành xứ » này
Và « thân cận xứ » đó
Thời lúc nói kinh này
Không có lòng e sợ.
..
TÁC GIẢ: ĐỖ HỒNG NGỌC
..
(Nguồn: Trang nhà BS Đỗ Hồng Ngọc)
..