Tuesday, June 3, 2014

Tưởng Chừng Đã Quên

..
.Đalạt..
..
TƯỞNG CHỪNG ĐÃ QUÊN
..
TÁC GIẢ: NGUYÊN MINH
..
Gần ba mươi năm hầu như tôi không còn viết văn nữa. Đã quên đi cái thời thanh xuân từng làm tôi say mê chữ nghĩa. Ngồi nghĩ lại trong khoảng thời gian dài đăng đẳng, cả nửa đời người, tôi đã sống thế nào để lấp đi nỗi đam mê như một phần cuộc sống như da thịt mình. Sáng nay tôi ngồi trên căn gác gỗ ở vùng cao nguyên, nhìn những dãy đồi thông trước mặt, đang thay đổi màu sắc từng giây phút theo tia nắng ban mai. Cũng khung cảnh này, cũng những dãy núi chập chùng đó, một vài ngôi nhà ẩn hiện trong lùm cây nhưng từng màu sắc thay đổi khác nhau, mỗi suy tưởng của tôi cũng không dừng lại một chỗ.
..
Bỏ xa thành phố ồn ào, náo nhiệt. Gác đi những công việc sinh nhai hằng ngày cùng những phiền toái của cuộc sống. Tôi theo hai người bạn họa sĩ già lên Đà Lạt nghỉ ngơi. Họ cầm cọ vẽ, còn tôi tìm cho mình một chỗ ngồi yên tĩnh để viết lách. Bao nhiêu đề tài lấy từ cuộc sống bao nhiêu năm tháng như những cơn sóng biển cả dâng cao và ồ ạt vỗ vào bờ làm tôi ngợp ngàng. Không biết bắt đầu từ đâu, từ trong cuộc đời mình?

Ngân vừa hoàn tất tập thơ, anh đánh máy vi tính sưu tập lại những bài thơ từ năm 1965 đến nay. Tôi nhận phần in và trình bày. Công việc này tôi đã bỏ đi từ lâu. Cả một phần tư thế kỷ. Tôi giao tất cả công việc của cơ sở in cho con gái đầu lòng trông coi. Còn tôi mang những trang thơ đã in laser, xếp lại từng tay một rồi lục lọi từ chiếc hộp thiếc của con gái út lấy một cây kim may tay cùng cuộn chỉ thêu. Tôi xỏ mãi sợi chỉ luồn qua lỗ kim nhưng sợi chỉ cứ trệch ra ngoài, mặc dầu tôi đã mang kính lão. Bé Phượng – con gái út – tuổi mười lăm, thấy vậy vội xỏ chỉ hộ tôi, nhưng nó vẫn hỏi:
- Ba may cái gì vậy?
Tôi trả lời nhát gừng:
- Sách.
- Hồi giờ con không thấy ba may. Bộ ba biết đóng sách hả?
- Đừng hỏi, để ba yên.
..
Một vài lần mũi kim châm vào đầu ngón tay tôi, đau nhói. Tôi hít hà. Ba mươi năm tôi không sử dụng tới. Công việc tôi làm đâm ra vụng về. Nước mắt cay cay. Ừ. Mình đã già. Tôi lục đục tìm mãi hộp hồ mới đây thợ dùng còn bỏ dở. Vợ tôi moi nó ra từ một góc kệ. Nàng cũng ngạc nhiên hỏi:
- Sao anh không đưa xuống bảo thợ dán gáy cho?
Tôi cầm lấy hộp hồ, trả lời vội rồi bỏ vào phòng:
- Anh thích tự làm lấy.
Bôi lớp hồ lên gáy tập thơ, vội vàng tôi lấy bìa ra từ máy in laser, còn hâm hẩm nóng, vuốt cạnh rồi dán gáy. Tiếp tục lại từ đầu cho một cuốn khác. Cũng vụng về. Đứa con trai thấy cha mình cặm cụi làm với tư thế luộm thuộm cũng lên tiếng:
- Ba đưa thợ làm vừa nhanh vừa đẹp mà ba đỡ mệt.
Tôi bực dọc:
- Mày biết gì. Tao thích vậy.
Thằng con trai chưng hửng, im lặng nhìn người cha làm tiếp. Sách chưa kịp khô hồ, tôi đã cầm lên ngắm nghía. Lật từng trang, mùi mực in còn thoang thoảng.
...
Buổi chiều nắng đã tắt. Tôi vội vàng thay quần áo và bỏ mấy tập thơ vừa in xong vào chiếc cặp da đến nhà Lữ, gặp bạn bè. Vừa bước xuống cầu thang vừa hát nho nhỏ vài câu trong miệng. Tân, đứa con trai thứ, vội nổ xe chuẩn bị chở tôi đi. Tôi như một đứa trẻ, bước lên ngồi trên xe, ôm chặt vào bụng thằng con trai. Như ngày nào, ba mươi năm về trước, T. đã từng ôm chặt lấy tôi khi tôi chở nàng rong chơi. Tháng chín trời Sàigòn thường đổ mưa bất chợt. Tân dừng xe lại vội mặc áo mưa. Còn tôi chỉ chui đầu vào vạt áo mưa của thằng con. Chiếc cặp kê chính giữa hai thân thể cha con. Hết sợ nước thấm ướt mấy tập thơ. Như ngày nào tôi đã bỏ T. bên lề đường, núp dưới mái hiên gần cột đèn, cùng chiếc xe gắn máy hết xăng, còn tôi thì ôm trong lòng mấy tập báo Ý Thức số đầu tiên, đón taxi đến nhà Ngân, nơi bạn bè văn nghệ đang chờ. Thấy tôi đến một mình, vợ Trọng thắc mắc: “Sao ông không chở T. đến?” Kịp nhớ ra tôi bỏ T. giữa đường. Trọng đưa khăn cho tôi lau nước mưa làm ướt tóc, hỏi nơi T. đang đứng để anh đón về hộ. –“Khúc nào đó trên đường Phan Thanh Giản.” – “À, tôi chưa gặp mặt T. lần nào, ông tả sơ đi, chẳng hạn tóc thề hay tóc uốn, mặc áo màu gì. Còn dáng dấp chắc là mảnh khảnh rồi.” – “Hình như tóc thề, áo dài màu vàng.” – “Sao lại hình như, hai người yêu nhau từ năm năm trước, khi còn ở cùng một thị trấn nhỏ cơ mà.” – “Ừ nhỉ. Sao lại hình như?”.
..
Khi T. ngồi bên cạnh tôi trong buổi họp mặt ra mắt số báo Ý Thức đầu tiên, Trọng nói kháy: “Chữ Ý Thức của tờ báo số một màu gì hở ông Tổng thư ký tòa soạn”. Không đầy một giây tôi đáp ngay: -“Màu đỏ bầm”. Trọng cười, hỏi tiếp: -“Đúng một trăm phần trăm. Còn T., người yêu của chàng đang mặc áo dài màu gì đây?”. Tôi phải nhìn Tuyên và khựng lại phút chốc, ngạc nhiên tự hỏi: -“Sao T. lại mặc áo màu tím không phải màu vàng như mình cứ tưởng.”
..
Trọng cho biết lý do mất cả tiếng đồng hồ mới tìm ra T.. Trọng không theo lời diễn tả của tôi nữa, vì anh đi suốt cả con đường dài gần 10 cây số mà chẳng thấy người con gái nào núp mưa dưới mái hiên dù có mái tóc thề, mặc chiếc áo màu vàng. Trọng phải đi lại từ đầu đường đến cuối đường, lần này anh chỉ nhận dạng chiếc xe suzuki có gắn nắp bình thủy thế nắp bình xăng đã mất, cùng người con gái đứng run vì lạnh, và hỏi tên: “Có phải T. không?”. Trọng còn cho biết chỗ T. đứng là ngã tư, cạnh trường Gia Long. Còn chiếc xe gắn máy anh vất bừa ở trước cổng trường.
..
Buổi sáng hôm đó, tôi có hẹn đến nhà chở T. đi chơi. Ngang qua nhà in, tôi ngừng lại, vào xem anh em thợ xếp chữ đã “mi” được trang báo Ý Thức số 2 chưa, hối thúc họ để mình được yên tâm cùng T. rong chơi. Cô thư ký nghỉ việc không báo trước. Tôi phải thế chân, cặm cụi sửa bài, rồi quên hẳn giờ hẹn. Đến khi sực nhớ trời trưa rồ, nhưng tôi cũng vội đến nhà T.. Đến nơi thấy T. vẫn còn mặc bộ đồ ngủ. Tôi nổi cáu, hối thúc: -“T. thay đồ lẹ lên, tụi mình đi ăn trưa.” T. vẫn ngồi thừ người ra nơi bàn học. Vẻ mặt nàng ra dáng nghiêm nghị. Lúc đó tôi mới nhận ra lỗi mình trễ hẹn nên cười trừ: -“Không đi ăn sáng giờ ăn trưa vậy. Thôi, đi em.” Thơ, cô bạn học sư phạm cùng trường, thuê cùng phòng trọ với T. ra chào tôi và nói nhỏ: -“T. nó giận anh, sáng cứ ra vô, thay đồ đi chơi, đợi mãi chẳng thấy bóng dáng chàng, quê quá mặc lại đồ ngủ, nó bảo nếu anh đến để mặc anh ra về.” Tôi chỉ cười. Thơ nói tiếp, giọng nhỏ lại: -“Nhưng bây giờ lại khác, con gái mà”.
..
Đáng lẽ tôi chở T. thẳng đến nhà hàng, tôi lại ghé tạt nhà in – như ma dẫn đường – định xem qua công việc tiến triển ra sao, và phân công cho anh em thợ làm đêm. Cô thư ký vẫn chưa đến. Tôi bắt T. thế chân, ngồi sửa lỗi bản in thử. Còn tôi hì hục gắn bản in nhủ lên ma-két. Đói bụng, tôi nhờ nhân viên đi mua cơm phần. Nghỉ tay một lát, tôi và T. vội vã ăn cho xong để tiếp tục công việc. Mãi đến tối, mấy cô thợ may sách mới hoàn tất một ít số báo Ý Thức số đầu tiên. Tôi vội chở T. đến nhà Ngân, quên mang cả áo mưa, mặc dầu lúc đó trời đang chuyển tối ầm lại, báo hiệu cơn mưa lớn sắp đến. Những hạt mưa bắt đầu rơi xuống, lúc đầu thưa thớt sau ồ ạt, tầm tã. Máy xe lại chết. Tôi chỉ kịp tấp vào lề đường. Cả T. và tôi ướt như chuột lột. Tôi bỏ nàng đứng bơ vơ một mình. Còn tôi đón taxi, ôm trong lòng mấy tập báo Ý Thức.
..
Trong buổi ra mắt số Ý Thức đầu tiên, bạn bè, anh em trong nhóm chủ trương hầu hết có mặt trên căn gác nhỏ ọp ẹp của vợ chồng Ngân. Chúng tôi vừa uống rượu vừa nhắc lại những kỷ niệm, chuyện vui buồn trong những ngày làm báo. Trời đã khuya và men rượu cũng đã thấm. Trong cái ngà ngà, lâng lâng, chúng tôi vẫn còn đề cập đến hướng đi cho các số báo tới. T. đã thấm mệt. Nàng nhắc nhỏ tôi chở nàng về, ngày mai còn đến trường. Tôi còn lưỡng lự, Ngân lãnh phần chở T. về thay tôi.
..
Mới đó mà đã 30 năm qua. Giờ đây, trên cao nguyên này, nắng đã lên cao, hắt chút hơi ấm vào người tôi. Những rừng thông đã rõ nét, những thân cây thẳng đứng, hàng hàng lớp lớp. Những cành lá xanh um vươn lên, bao bọc ngọn đồi, những tia nắng đã xua tan sương mù ban mai. Cảnh vật đậm đà như mang một sức sống mới. Tôi ngừng viết, xuống phòng khách xem Trọng và Ký đang phác họa trên vải. Cả hai đều vẽ ngọn đồi trước mặt, nhưng chắc chắn là hai lối nhìn khác nhau về một màu thời gian. Tôi cũng bị không khí đam mê hội họa níu kéo, thúc đẩy. Tôi không biết vẽ, không biết làm thơ. Tôi chỉ biết viết văn.
..
Sau năm 1975 tạp chí văn học Ý Thức của chúng tôi không còn nữa. Hầu hết anh em còn ở Việt Nam lần lượt bỏ quê cũ vào Sài Gòn sinh sống. Chúng tôi vẫn thường có dịp họp mặt nhau, uống rượu và nói chuyện phiếm. Tuyệt nhiên không đề cập đến văn chương chữ nghĩa. Cả một khoảng đời dài, một phần tư thế kỷ, chúng tôi đã ngừng bút. Trong những buổi họp mặt đó, tôi chỉ ngồi lặng câm, không nở nổi một nụ cười. Những mộng ước văn chương còn dang dở. Sao không ai nhắc đến món nợ phải trả. Cuộc chơi cay nghiệt của thời tuổi trẻ đã từng làm tôi đam mê đến nỗi đã đánh mất đoạn kết tốt của một mối tình.
..
Ngày xưa T. bỏ tôi đi lấy chồng, tôi chỉ buồn đôi chút rồi qua đi. Vì bên cạnh tôi còn có tờ báo Ý Thức, còn nhà xuất bản Tiếng Việt, còn văn chương chữ nghĩa, còn anh em bạn bè văn nghệ. Có lẽ T. so sánh với thời hai đứa yêu nhau trước đó, khi còn ở một thị trấn nhỏ, lúc ấy tôi chỉ là một nhà giáo, ngày hai buổi chỉ biết đến trường, về nhà âm thầm sống trên căn gác nhỏ, đọc sách, nghe nhạc. Trọn trái tim tôi chỉ dành cho tình yêu đối với T.. Những chiều mưa T. đến với tôi. Tiếng chân người con gái gõ nhẹ lên từng bậc tam cấp, gõ đều từng tiếng như tiếng mưa rơi tí tách, nhỏ từng giọt vào lòng tôi. T. hay khóc. Nhìn nước mắt lưng tròng của người con gái mới lớn làm tôi đâm ra vụng về, luống cuống. Tôi chỉ biết lấy khăn tay chậm nhẹ lên những giọt nước mắt như những giọt sương long lanh còn đọng lại nơi cánh hoa hồng mong manh trong khu vườn của một buổi sớm mai còn sương mù lãng đãng.
..
T. bị dằn vặt giữa hai đường. Gia đình và tôi. Ba mẹ T. không chấp nhận cuộc tình của chúng tôi. Nghỉ hè, về nhà sống trong gia đình êm ấm, bao nhiêu lời khuyên răn nhẹ nhàng cùng những dự định kiên quyết của cha mẹ buộc T. phải lìa xa tôi. Không cần T. nói ra, cứ nhìn T. âm thầm ngồi khóc bên tôi, tôi đã hiểu. Chúng tôi chỉ lén lút gặp nhau. Bao nhiêu lần tôi uống rượu một mình say mèm mà vẫn gọi tên T.. Bao nhiêu lần chúng tôi tự bảo là sẽ xa nhau, mỗi người đi mỗi ngã. Gặp nhau một lần cuối để nói lên lời giã biệt nhưng rồi chỉ tạo thêm cơ hội gắn bó nhau thêm. Mãi đến khi T. rời bỏ thị trấn nhỏ này. Rồi tôi cũng bỏ ra đi. Chuyện tình của chúng tôi gián đoạn. Gần năm năm sau tình cờ chúng tôi lại gặp nhau tại Sàigòn. Tôi làm báo. T. học sư phạm.
..
Những ngày Trọng và Ký triển lãm hội họa chung tại phòng tranh Tự Do ở đường Đồng Khởi, anh em thường tụ họp vào buổi chiều có mưa rơi lác đác, trong không khí đông vui đó gợi lại trong tôi một thời xa xưa đã qua, một thời tuổi trẻ hăng say với những nỗi đam mê văn chương chữ nghĩa, cùng chung nhau làm báo văn học. Bây giờ tuổi đã già. Sao không có một chỗ ngồi chung nhau, tiếp tục mộng ước còn dở dang. Phải đi cho trọn con đường còn lại, để nhận dạng được con người đích thực của mình.
..
Ngày xưa, tôi không hiểu thấu những đam mê về bóng đá, gà chọi đã theo suốt cuộc đời của ba tôi. Tôi bực bội có lúc gần như chống đối. Cuộc chơi của ba tôi đã gây biết bao nhiêu phiền toái cho mẹ tôi, anh chị em tôi. Lúc tôi mười tuổi, một thằng bé con, còi cọc, ôm trong lòng con gà chọi, nặng chịch, cứ cử động tía lia, đập cánh, chân có cựa nhọn và dài cứ đạp lên đạp xuống, móc vào da thịt non nớt của tôi làm rớm máu, làm tôi ngã xuống đất, còn nó – con gà nòi chết tiệt – cứ xông vào đá chính hình ảnh nó phản chiếu từ tấm gương soi của chiếc tủ đứng. Tôi đứng xem mải mê đến khi con gà chọi liểng xiểng, té lên té xuống. Tôi vỗ tay cười hả hê, cứ tưởng mình đang ở trong trường đá gà, chung quanh toàn người ơi là người, vỗ tay, la hét, cổ vũ. Tôi cũng nhảy lên theo cái đá chân của con gà vào tấm kính kêu lốp đốp. Mẹ tôi đi chợ về thấy tôi đứng cười, còn con gà đã nằm bệt xuống đất thở khò khè. Mẹ tôi la hoảng: -“Thôi chết rồi. Làm sao cho con gà tỉnh lại để khi ba con về không khám phá được.” Lúc đó tôi mới sợ hết hồn, mặt mày xanh mét khi liên tưởng đến những trận đòn nát mông. Tôi chỉ biết ú ớ: -“Làm sao đây hả mẹ?” Mẹ tôi vỗ đầu tôi, nói nhỏ nhẹ: -“Con bắt chước ba, vỗ khăn ướt vào thân con gà, rồi ngậm rượu phun lên đầu nó như ba con thường chăm sóc nó sau một trận xổ gà.” Nhờ mẹ tôi mách nước, tôi nhớ lại từng li từng tí cảnh chăm sóc đó của ba tôi. Tôi làm theo, nhưng khi ngậm rượu chưa kịp phun ra thì tôi lại nuốt ực vào. Mùi rượu nồng nặc và cay cay làm tôi sặc sụa. Hồn vía như lên mây. Buổi trưa ba tôi không ăn cơm nhà, chiều ông mới về, nhờ khoảng thời gian dài đó con gà mới hồi phục phong độ như trước. Mỗi lần ba tôi đến cạnh cái lồng nhốt gà nhìn nó oai vệ đứng hiên ngang, ông cười hãnh diện, tôi mới yên tâm. Tưởng mình đã thoát. Qua ngày mai, khi đi học về, ba tôi chỉ tay vào một góc hiên nhà, giọng Huế nặng trịch: -“Mi ngồi chồm hổm xuống đây.” Tôi chưa hình dung hình phạt nào tôi phải gánh chịu. Tôi cũng ngạc nhiên tự hỏi: “Làm sao ba tôi phát hiện ra lỗi lầm của tôi.” Ba tôi vào nhà sau cầm ra một cái lồng nhốt gà đá thật to, đan bằng tre lưới mắt cáo, chụp xuống người tôi. Tôi ngồi co ro. Ông lấy viên đá lớn đè dằn lên nắp lồng và cảnh cáo tôi: -“Mi thế chỗ con gà chọi. Hễ viên đá này rớt xuống đất là nát đòn nghe con. Chỉ trông gà đừng để cho nó nhìn vào gương soi mà cũng không nên chuyện. Hư cả mỏ, may mà tao khám phá ra. Chăm sóc nó cũng phải cả tháng mới đến trường gà được.” Con gà chọi nhốt trong lồng còn đi qua đi lại được, cái cổ dài còn lắc lư. Còn tôi ngồi chồm hổm, co ro như con mèo thu mình lại. Đôi mắt trẻ thơ của tôi rơm rớm nhìn xuống đất, tủi thân. Lũ học trò bạn tôi đi học về ngang qua thấy lạ, dừng lại ngạc nhiên hỏi: -“Nguyên, mày giở trò gì vậy?” Một đứa lanh hơn nói khẽ: -“Nó bị ba nó phạt đó.” Lên trường tụi nó chọc quê tôi đủ thứ. Có lẽ vì vậy mà lớn lên tôi rất ghét trò chọi gà.
..
Ba tôi say mê đá gà bao nhiêu thì bóng đá ông cũng mê như vậy. Trong nhà tôi lúc nào cũng đầy cầu thủ bóng đá. Ba tôi tuyển chọn cầu thủ rất kỹ lưỡng. Toàn những danh thủ của các tỉnh khác, kể cả thủ đô Sàigòn. Ông đem họ về ăn ở trong nhà. Sau này ba tôi bị tù đày. Đội bóng tan rã. Họ tản mác ra đi. Sau này ba tôi ở tù ra thì đã mắc bệnh lao, hậu quả bao nhiêu lần tra tấn dã man, nhưng chiều thứ bảy nào cũng vậy, một ông già đạp xích lô, cũng mê đá gà như ba tôi, đến chở ba tôi đến trường gà. Ông ngồi xem hai con gà đá nhau tơi bời, máu me đầy đầu, quẹo cổ, có khi gục chết tại chỗ. Xung quanh toàn là thanh niên, trung niên, một ít người già như ba tôi, họ toàn là đàn ông, tuyệt nhiên không có một phụ nữ nào. Họ ngồi chồm hổm hoặc đứng bên nhau. Họ la, họ hét, họ cười rộ, họ chưởi đổng, họ buồn, họ vui, họ giận theo từng cú đá của con gà chọi. Sau giờ nghỉ giữa khoảng cách hai trận đá gà chọi, ba tôi giở cà mèn, lấy cơm ăn một mình và nghỉ ngơi một chút cũng trên chiếc xích lô ấy.
..
Trong trận lụt năm Thìn nước dâng vào thị xã, mọi người trong nhà đều lo di chuyển những đồ vật quí giá lên căn gác gỗ, riêng ba tôi chỉ ôm được con gà chọi trong lòng và cậu tôi phải cõng một ông già bệnh hoạn cùng con gà chọi lên gác lánh nạn. Lúc ấy tôi tỏ vẻ khó chịu, bực dọc về thái độ của ba tôi. Nỗi đam mê đá bóng, đá gà đã theo ba tôi suốt cả cuộc đời cho đến khi ông chết. Bây giờ nghĩ lại, nếu thiếu những đam mê đó chắc gì giờ này tôi nhớ đến ba tôi như thế này.
..
Không riêng gì ba tôi, mẹ tôi lại có một đam mê khác: Chơi bài tứ sắc. Chiều chiều, trên tấm ván gỗ gõ bóng láng, mẹ tôi cùng ba người bạn ngồi chơi bài mãi đến tận khuya. Chỉ đến lúc ngừng chơi để ăn tối lót dạ, tôi mới nghe họ nói chuyện, cười vui. Còn trong cuộc chơi sự im lặng bao phủ lấy họ. Thỉnh thoảng họ mới thốt lên tiếng “tới”, “hụi”, những từ tôi không hiểu gì cả. Thường trong cuộc chơi bài, như đánh phé, bài cào, xì lát, người chơi thích sát phạt nhau, ồn ào, to tiếng. Bao nhiêu tính xấu, tốt, từng cử chỉ nhỏ nhặt như rút bài, lùa bài, sóc bài. Khi thua bạc mặt rầu rĩ, ảm đạm. Khi ăn bạc cười nói huyên thuyên. Đôi khi có người tỏ ra nóng nảy, phản ứng không đẹp với mọi người chung quanh. Những người bạn chơi bài của mẹ tôi đều như vậy. Riêng mẹ tôi, không ai biết được trong cuộc chơi mẹ tôi thắng hay thua, vì bất cứ lúc nào nét mặt bà vẫn không thay đổi. Vẫn nụ cười hiền. Vẫn đôi mắt đăm chiêu. Sở dĩ mấy anh chị em tôi không muốn mẹ tôi ngồi chơi bài vì lo tới sức khỏe của mẹ tôi mà thôi. Mẹ tôi còn phải đi xa, những chuyến hàng buôn lớn, vào Sài Gòn, ra Đà Nẵng.
..
Chị Chi lúc chưa có chồng, thường phản ứng tỏ vẻ khó chịu bằng cách nguýt nguấy, trả lời nhát gừng với những ai tới rủ mẹ tôi chơi bài. Sau khi khách về mẹ tôi hỏi chị: -“Con xem cuộc chơi của mẹ có làm phiền ai không?” Chị Chi im lặng. –“Sao con phản đối?”. Chị Chi chỉ biết mỉm cười. Sau này chị lại đam mê, sa đà, đến mức tôi phải hỏi lại chị: -“Ngày xưa chị ngăn cản mẹ, sao giờ chị còn đam mê hơn mẹ nữa. Bao nhiêu cơ đồ, tài sản chỉ trong giây phút sau những trận sát phạt đều tan tành. Sao chị không như mẹ, chơi bài như một trò giải trí?” Chị gật gù: -“Cái khó là ở chỗ đó.” Sau những ngày ủ dột, chán đời vì thua bạc, chị lại buôn bán lớn, gầy dựng lại. Rất nhanh. Trong thời gian đó chị lo chạy đôn chạy đáo. Tôi mừng thầm cho chị. Giàu có rồi chị lại tiếp tục. Tiếng cười chị thật dòn tan, khuôn mặt chị rạng rỡ khi nghe điện thoại, tôi hiểu ngay có ai hẹn chị, rủ chị tới nhà chơi bài. Khi chị về nhà, tôi chỉ nhìn dáng đi của chị là hiểu ngay kết quả của cuộc chơi. Tiếng chân của chị nặng trịch và chậm chạp bước lên cầu thang, tay phải vịn vào thành lan can, người đi liểng xiểng. Tôi nói nhỏ với chị Hồng – chị kế của tôi: -“Chị Chi thua bạc đó, chị đừng hỏi gì hết”. Khi thắng bạc, chưa kịp vào hẳn trong nhà, còn ngoài cửa, gặp ai chị cũng nhìn với đôi mắt như biết cười. Tiếng chân chị bước nhẹ nhàng, êm ái, lên từng bậc thang, tay vẫn ung dung đánh đàng xa. Tôi cười mỉm. Thiếu tiền đi chơi, tôi chỉ cần lên phòng gặp chị. Không cần tôi nói gì chị cũng rút tiền, không đếm, vui vẻ cho tôi ngay. Khi nhìn vẻ mặt ủ dột của chị, tôi tránh mặt. Những lúc ấy chị Hồng lại đối diện chị nên lãnh tất cả những trút bỏ bực dọc, chị la mắng về mọi người thân trong gia đình. Chị Hồng ngồi chịu trận. Cứng đơ như khúc gỗ. Chị Hồng như tấm phên đỡ lấy những buồn bực của chị Chi về tôi. Gặp tôi chị mách nhỏ: -“Mày chuẩn bị nghe chị Chi chửi!” Tôi cười: -“Chị nghe hộ em, đã rồi. Chị ấy còn gì để la mắng em nữa. Em chờ chị ấy ngủ một giấc, rồi em mới gặp, chị chờ xem.” Thật vậy, gặp tôi chị im re, như tôi chưa bao giờ làm chị phiền lòng. Chị Hồng thắc mắc và phân bì tình cảm chị Chi đối tôi khác với chị. Tôi giải bày: -“Tại chị không hiểu tâm trạng của một người thua bạc.”
..
Như Ngân, người em gái kế của tôi, trách tôi: -“Tại sao anh không ngăn cản để chị Chi đam mê cờ bạc. Làm em mà thờ ơ sao được.” Trách tôi xong, mặt Ngân hầm hầm tiến đến sòng bạc, lấy tay hất tung cả lên trước sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của mọi người. Ngân nói như hét lên: -“Các bà chuyên môn đánh bạc lận, lừa chị tôi ăn hết, phá tan hạnh phúc gia đình tôi phải không?” Và nước mắt Ngân chảy dài. Tôi đứng ngây người ra. Chị Chi cũng đến lay vai tôi: -“Mày xem em mày đối xử với tao, làm tao mất mặt với người ta nè.” Tôi chưa kịp phản ứng thì Ngân cũng đến nắm lấy vai tôi, lắc mạnh: -“Anh làm em mà thờ ơ để chị mình cứ tiếp tục bài bạc đến sạt nghiệp.” Tôi chỉ biết im lặng.
..
Sau này, những người thân ở Mỹ về thăm. Gặp tôi họ kể chị Chi không còn say mê chơi bài nữa. Còn Ngân sau khi nghỉ việc làm, thì giờ rỗi rảnh bắt đầu hát. Thời tuổi trẻ tiếng hát của Ngân đã từng làm rung động bao nhiêu người. Tôi nhận được cuộn băng vidéo thâu Ngân hát. Tiếng hát của Ngân tuy không trong như ngày nào, giọng hơi run nhưng vẫn còn truyền cảm. Đã ba mươi năm trôi qua rồi còn gì.
..
Mặt trời lặn dần sau chân đồi. Rừng thông trước mặt tôi cũng đã đổi màu. Xám lại. Một màu lãng đãng không còn phân biệt đâu là cành lá, đâu là thân cây, đâu là màu tia nắng vàng óng ánh xuyên qua cành lá. Đâu đó còn một vài điểm chấm nhỏ li ti đỏ bầm của những mái nhà ngói đỏ bên kia đồi. Đâu còn màu trắng chữ thập giá nhỏ li ti gắn trên nóc nhà thờ. Màu khói lam chiều ai đốt lửa xa xa dưới thung lũng bay lơ lửng. Tất cả những màu sắc đó đã hòa lẫn với nhau thành một màu duy nhất. Màu của bóng đêm. Cảnh vật đã chìm mất.
..
Một cơn gió thoảng, quyện vào đó giọng nói của một phụ nữ, rất quen thuộc, từ bên kia nửa quả địa cầu. Bẵng đi ba mươi năm tôi mới nghe lại được, dù qua điện thoại, trước khi tôi lên Đà Lạt vài ngày. Những lời hỏi thăm về con đường Phan Thanh Giản, về trường Gia Long, về chiếc xe suzuki, về tòa soạn Ý Thức. Và cuối cùng, giọng nói nhỏ lại: “Sao anh không còn viết văn nữa. Con đường mà ngày xưa anh đã chọn.” Như một lời nhắc nhở. Cám ơn.
..
Vâng. Văn chương là một cái nghiệp mà khoảng đời còn lại tôi phải trả. Thời gian trôi đi. Tuổi già kề cận. Nhận dạng lại những người thân yêu đã đi qua đời tôi. Tưởng chừng như đã quên.
..
Tác giả: Nguyên Minh..