Sunday, November 28, 2010

Đọc truyện "Bác sĩ Zhivago"

.

(nguồn: Internet)
.
Doctor Zhivago  là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga, Boris Leonidovich Pasternak.
.
Nhân vật chính của truyện là Yuri Zhivago, một bác sĩ y khoa và nhà thơ. Truyện kể cuộc đời của bác sĩ Zhivago qua những éo le tình ái của ông trong bối cảnh chung quanh cuộc cách mạng Nga năm 1917.
Truyện này được dựng thành phim năm 1965, do David Lean đạo diễn, tài tử chính là Omar Sharif và Julie Christie.
........        
VÀI DÒNG SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ BORIS PASTERNAK:
...............
Boris Leonidovich Pasternak (1890 - 1960) là một nhà thơ, nhà văn Nga, đoạt Giải Nobel Văn Chương năm 1958.
Từ năm 1945 đến 1955, Pasternak sáng tác cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của ông, Bác sĩ Zhivago, nhưng không được in ở Liên Xô, đến năm 1957 tác phẩm này được xuất bản ở Ý.
Cuối năm 1958, cuốn sách được dịch ra 18 thứ tiếng. Cũng trong năm này, Pasternak được trao giải Nobel Văn Chương nhưng do những áp lực chính trị, Pasternak buộc phải từ chối nhận giải.
Ngày 30 tháng 5 năm 1960 Boris Leonidovich Pasternak qua đời vì căn bệnh phổi. Mãi đến năm 1988, tác phẩm Bác sĩ Zhivago của ông mới được xuất bản ở Nga...
...
Lara's Theme
..
..
...
Tóm tắt truyện Bác sĩ Zhivago
..
Khởi đầu truyện là phần giới thiệu Yuri Andreievich Zhivago lúc 10 tuổi đi đám tang của mẹ. Sau đó Yuri học y khoa, bắt đầu làm thơ, rồi cưới vợ tên là Tonya. Truyện sau đó giới thiệu Larisa Fyodorovna (Lara) ở tuổi dậy thì, sống với bà mẹ góa phụ khi bà này làm công cho chủ hãng may tên Komarovsky. Komarovsky dụ dỗ và xâm phạm Lara. Trong cơn tủi nhục cuồng nộ, nàng lấy súng bắn Komarovsky tại một buổi tiệc giáng sinh nhưng không may lại bắn trúng một người khác. Nàng sau đó kết hôn người tình đầu của mình là Pavel Pavlovich (Pasha).
..
Kế đến truyện dẫn vào thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Yuri tòng quân với tư cách bác sĩ quân y. Pasha rời vợ và con gái (Tanya) theo quân đội và bị mất tích. Lara tình nguyện làm y tá với hy vọng tìm kiếm tông tích chồng. Khi Yuri vào thăm vợ khi nàng sanh đứa con trai đầu lòng thì gặp cô y tá Lara. Hai người có ý thầm yêu nhau nhưng không dám tỏ lời. Vào lúc này phong trào cách mạng bắt đầu nổi dậy tại Petersburg.
..
Chiến tranh bùng nổ khắp nơi, Yuri và Lara được bổ nhiệm công tác chung tại một nhà thương ở tỉnh nhỏ xa xôi. Yuri bị thôi thúc bởi những cảm tình cho Lara. Chàng tâm sự với Tonya và Tonya nghi ngờ rằng Yuri cùng Lara đã ngoại tình. Mùa đông đến, đời sống trở nên chật vật vì thiếu thức ăn và dịch lỵ lan tràn. Sau cuộc chiến, Yuri trở về chức vị bác sĩ cũ tại nhà thương ở Moskva. Vì cá tính lãng mạn chàng thường bị các đồng nghiệp bolshevik bài bác là thiếu logic và tinh thần cách mạng. Giữa các cuộc xung đột chống chủ nghĩa Marx nổ ra, Yuri cùng gia đình dời về Urals. Trên xe lửa của chuyến đi này, Yuri nhận thức được nỗi khổ của nông dân và tù binh, những nạn nhân của cuộc chiến cách mạng. Chàng yêu chuộng tự do và bình quyền, nhưng bất mãn với những hành động hay ý kiến quá cứng rắn và thiếu tình người của những người theo cách mạng.
..
Tại Urals, Yuri cùng gia đình khai đất làm ruộng. Chàng trở lại sở nguyện làm thơ. Tại thư viện làng, chàng gặp lại Lara. Hai người ngoại tình và cùng sống cuộc đời vụng trộm yêu đương tột đỉnh. Lara lúc bấy giờ biết Pasha còn sống và hiện là một tay trùm Đỏ khét tiếng với tên mới Strelnikov. Yuri muốn trở vế với vợ để thú tội ngoại tình nhưng không may bị một nhóm quân cách mạng bắt cóc và phải phục vụ như bác sĩ của nhóm này. Sau vài năm, Yuri trốn thoát và trở lại với Lara. Để tránh không bị điềm chỉ, cặp tình nhân bỏ trốn sang một nông trại khi xưa gia đình Yuri từng canh tác. Yuri tiếp tục làm thơ - bày tỏ tâm sự của chàng về những thăng trầm của đời sống, những lo sợ và lòng can đảm trong chiến tranh và hơn hết là tình yêu dành cho Lara. Trong khi đó có tin vợ Yuri là Tonya và con gái chàng bị bắt đuổi ra khỏi Nga. Chẳng bao lâu sau đó, Komarovsky, kẻ đã từng hãm hiếp Lara khi xưa, xuất hiện. Hắn hăm dọa rằng quân cách mạng đang truy lùng Yuri và Lara và sẽ giết cả hai nếu bắt dược. Hắn hứa giúp đưa Yuri và Lara trốn ra nước ngoài. Yuri đắn đo một hồi lâu và kết cuộc vì vấn đề an toàn cho Lara, chàng quyết định để Lara ra đi một mình. Yuri ở lại Nga và bắt đầu say sưa uống rượu giải sầu.
..
Strelnikov, chồng của Lara lúc bấy giờ đang chạy trốn vì bị chính phủ cách mạng truy lùng. Y tìm ra Yuri và sau khi biết chuyện Lara ngoại tình, bèn tự sát.
..
Yuri trở lại Moskva và sinh sống cùng một phụ nữ tên Marina và kiếm sống bằng cách viết sách. Em của chàng tìm cho chàng một chức vụ bác sĩ nhưng trên đường đi làm, chàng bị đứng tim mà chết. Lara, từ Irkutsk lên Moskva và tình cờ đi tới nhà liệm thấy xác Yuri còn nằm đó. Sau đó vài ngày, nàng mất tích, có người cho rằng nàng bị bắt đi trại tập trung cải tạo..
.
(N T sưu tầm và tổng hợp)
...(

Thursday, November 18, 2010

Lữ Quỳnh: Những Cơn Mưa Mùa Đông

Trích truyện dài NHỮNG CƠN MƯA MÙA ĐÔNG của nhà văn LỮ-QUỲNH, phu quân của Trần Kim Nhung (ĐK67)
.,
Tác giả Lữ Quỳnh tên thật là Phan Ngô, sinh năm 1942, tại Thừa Thiên, Huế.  Đã viết trên các tạp chí Bách Khoa, Mai, Phổ Thông, Ý Thức, Thời Nay, Thời Tập, . . . và nhiều tạp chí khác trước năm 1975 ở Việt Nam. 
Sau năm 2001, định cư ở Cali, U.S.A. với gia đình.
.
Tác phẩm đã in:
- Cát Vàng (tập truyện, Ý Thức Sài Gòn, 1971)
- Sông Sương Mù (tập truyện, Ý Thức Sài Gòn, 1973)
- Những Cơn Mưa Mùa Đông (Truyện dài, Nam Giao Sài Gòn, 1974)
- Vườn Trái Đắng (Truyện dài, đăng nhiều kỳ trên Ý Thức, 1971 – 1972)
- v... v....
..
.....
..
NHỮNG CƠN MƯA MÙA ĐÔNG
..
Tác giả: Lữ Quỳnh 
...
Đứa trẻ nép sát vào mái hiên nhà mồ. Mái xi măng thấp, hẹp, ngang với mặt đất không ngăn được những giọt mưa đang trút xuống. Mưa trắng xóa cánh đồng. Thỉnh thoảng gió rít lên làm cơn mưa tạt ngang khiến đứa trẻ vụng về né tránh. Nhưng rồi hắn cũng để mặc khi nhìn xuống quần áo đã thấm nước. Ban đầu, nước tạt ướt đôi chân; tiếp theo chiều ngang cả gió thổi hắt từ dưới đồi, nước thấm dần lên chiếc quần đùi, rồi theo nửa thân áo dưới, cho đến khi đứa trẻ cảm thấy lạnh run cũng là lúc hắn chỉ còn giữ được khuôn mặt tương đối khô ráo. Đứa trẻ vòng hai tay trước ngực, cố tạo ở đó một hơi ấm.
.
Cánh đồng mịt mù hơi nước. Những nấm mộ nằm rải rác không còn phân biệt được nền trắng trên cát do hơi nước đã làm mờ hẳn. Những cụm hoa trang, những tấm bia đá dưới chân các ngôi mộ ẩn hiện nhạt nhòa làm tăng vẻ thê lương khiến đứa trẻ có cảm tưởng bầu trời thấp hẳn xuống một cách buồn bã.
.
Hai nấm mộ trong một vành lăng gần nhất với màu xanh hiếm hoi của cỏ được trồng lên để giữ đất, có một tấm bia chung được khắc bằng chữ Hán dựng chính giữa, nằm trong tầm mắt đứa trẻ. Hình ảnh quen thuộc đến nỗi không cần nghĩ ngợi, hắn cũng có thể thấy hiện ra trong trí những nét chữ đặc biệt, những vết thủng, những chỗ mực còn thắm và những chỗ chỉ còn trơ lại từng nét đục phai mờ. Trước đó, thỉnh thoảng vào những buổi chiều, hắn vẫn thường theo chân ông nội đến đây thắp hương và trong khi ông đang cúi mình trên hai nấm đất để khấn vái, hắn quì gối trước tấm bia, đưa ngón tay nhỏ nhắn chạy vòng khắp mặt chữ. Có lần hắn nói với ông nội: biết đến bao giờ thì cháu mới đọc được vài chữ trên tấm bia này nhỉ? Ông già nhìn đứa cháu, quay lưng bước ra khỏi vòng lăng, nói lầu bầu như khi đang cầu nguyện: Thôi, thôi, chào mấy chú mày mà về. Đọc à, rồi mày cũng phải đọc được tên của các chú mày chứ.
.
Với thoáng hồi tưởng ngắn ngủi, đứa trẻ vội vàng nghĩ tới ông nội giờ này ở nhà một mình, và có lẽ với cơn mưa tầm tã dài lâu như thế này, ông đã lo lắng cho hắn không ít. Đứa trẻ bỏ hai tay ra khỏi ngực, đưa mắt nhìn quanh cánh đồng. Mưa vẫn chưa ngớt hẳn, nhưng gió đã lặng. Hắn đưa hai cánh tay ra trước làm thành một vòng cung rồi thét lớn:
.
- Thôi, đừng mưa nữa.
.
Đứa trẻ nghe tiếng mình dội lại từ xa. Âm thanh vang vang và tắt lịm sau đó, cùng lúc với đợt mưa nhẹ hạt dần rồi tạnh hẳn. Đứa trẻ cảm thấy thích thú, tưởng như trời vừa nghe lệnh mình. Hắn mỉm cười, bước nhanh ra khỏi vòm hiên ngôi nhà mồ. Áo quần ướt đẫm, da mặt tái, những đầu ngón tay móp như da táo, hắn đi những bước nhảy như chim, nhưng rất thong thả. Những bước đi như bắt nhịp những ý nghĩ trong đầu.
.
- Mẹ mới đi hôm qua, như vậy sớm lắm chiều nay mới về. Không biết kỳ này bà sẽ mua cho mình những gì đây? Lại con thỏ cao su, lại phong bánh biscuit… Mình đâu có thích những thứ đó. Mà mình thích cái gì nhỉ? Thật ngớ ngẩn quá. Cũng chẳng biết thích cái gì.
.
Đứa trẻ bắt đầu tiến vào khu vườn nhà mình. Hắn dừng chân dưới một tàu lá chuối, nhưng những giọt nước nhỏ xuống từ chỗ rách của ngọn lá làm hắn khó chịu, lại tiếp tục bước. Hắn vừa đi vừa nhìn vào nhà bếp, chẳng thấy có sợi khói nào, chứng tỏ thím Tư chưa ghé lại nấu cơm cho ông nội. Chỉ vì trận mưa tai hại vừa rồi chứ gì. Đứa trẻ nghĩ thế, nắm chặt hai bàn tay lại, mạnh bạo tiến vào sân.
.
- Vũ, mày đấy hả?
.
Tiếng gọi giật khiến hắn bắn người lên. Hắn nhận ra ông nội đang đứng dưới những cành cam. Nhanh như một con sóc, hắn nhảy thót vào nhà, cố ý không để ông nội kịp nhận ra bộ quần áo ướt đẫm trên người mình.
- Dạ.
Đứa trẻ chu miệng qua khe cửa lá sách thét lớn một tiếng rồi nói vọng ra:
- Cháu bị kẹt mưa nên về nhà trễ đó mà.
Ông già hừm lên một tiếng, không nói gì thêm, trong khi đứa trẻ, nụ cười thoáng tắt trên môi, vào phòng thay quần áo. Hắn cảm thấy đắc thắng vì giấu được ông nội bộ đồ ướt đẫm.
.
Khu vườn sau cơn mưa như xanh hẳn lên. Những phiến lá óng ánh dưới ánh sáng thoi thóp của một ngày sắp tắt. Tiếng chim ríu rít trên các cành cây cao, chúng vừa chui ra khỏi tổ ngay khi cơn mưa dài chấm dứt. Đàn gà rời chỗ đứng dưới các tàu lá, vừa đi vừa rũ cánh tìm mồi trên đám lá khô trộn lẫn trong lớp đất nhão nhẹt. Ông già đứng sững dưới khóm cam một lúc, mắt đăm đăm nhìn bức bình phong ở chiếc bể cạn. Những mảnh mẻ sành được gắn thành hình thú vật lấp lánh trên nền xám rêu. Giữa bức bình phong, một chiếc dĩa kiểu lớn với những nét vẽ màu xanh đậm hình một con rồng đã bị rạn nứt. Chiếc dĩa hẳn là tâm điểm cho sự trang trí toàn thể bức bình phong mà ngày trước ông đã dày công tô điểm. Ông già bước chậm rãi tới bể cạn và ngừng lại, hơi cúi xuống. Ông đưa một bàn tay lên, tần ngần xoa xoa những vết nứt trên chiếc dĩa. Đôi mắt ông đờ đẫn. Một bàn tay rồi hai bàn tay đưa ra run rẩy…
.
Mới ngày nào đây thôi mà – Ông già nói lầu bầu trong miệng – mày ngỗ nghịch quá, ai đời với chiếc dĩa đẹp đẽ như thế này mà mày dám dùng làm bia để bắn ná. Tao nghe một tiếng “bốp”, chạy ra, nhìn lên chiếc dĩa, nó đã rạn nứt như thế này rồi. Còn mày thì biến lẹ như một con còng chui sâu dưới vườn… Nghịch ngợm như mày, tưởng không bao giờ thành người lớn được chứ. Lại cái tội háu ăn nữa. Thế mà rồi mày không còn ở với tao, mày lại chết trong tư thế của người lớn mà. Tham gia, tham dự, tham gì gì đi nữa, rồi cũng chỉ có khổ cái thân già của cha mày thôi con ạ.
.
Ông già nghĩ ngợi miên man. Quá khứ làm đôi vai ông rút lại. Ông không còn nhìn rõ được cảnh vật trước mắt. Thời gian cùng những kỷ niệm đang gặm nhấm đời ông mỗi ngày.
.
Đứa trẻ thay xong áo quần khô ráo cúi mình kéo quai dép cho sát vào gót chân, rồi chạy ra sân. Bỗng hắn dừng lại khi thấy ông nội đang đứng lặng như tượng trước chiếc bể cạn rêu phong. Hắn bước nhẹ nhàng đến đứng sau lưng ông già một lúc, rồi cất tiếng gọi khẽ:
- Ông nội.
Ông già giật thót mình quay lại, nhận ra đứa trẻ, buột miệng:
- Cha mày! Làm tao hết hồn.
Đứa trẻ cười hăng hắc:
- Cháu gọi nhỏ đến thế mà.
Ông già cũng cười dịu dàng:
- Ờ, ờ…
Rồi nắm bàn tay đứa trẻ:
- Sao tay lạnh thế này? Lại dầm mưa phải không? Ừ, đúng rồi, tóc cũng ướt cả thế kia.
Đứa trẻ nói láo như cuội:
- Không đâu ông nội, cháu vừa rửa mặt xong ấy mà.
Ông già im lặng một lúc rồi nói, giọng xa vắng như nói một mình:
- Mày chẳng khác gì thằng chú mày cả, lém lỉnh quá…
- Chú ấy tay cũng lạnh và tóc cũng ướt như cháu sao ông?
Đứa trẻ ngẩng mặt lên hỏi ông già với đôi mắt sáng quắc. Ông già mỉm cười, nhưng ánh mắt vẫn đăm đăm với khoảng không trước mặt, đôi mắt đục, bất động, đầy cam phận. Đứa trẻ tò mò nhìn chiếc dĩa rạn giữa bức bình phong bể cạn. Một lát hắn đưa tay chỉ và nói:
- Có phải chú ấy đã làm vỡ cái đó của ông nội không?
Ông già đánh vào cánh tay của đứa cháu:
- Thằng này lém quá, ai bảo với mày thế?
- Mẹ.
Ông già lặp lại với thoáng bối rối:
- Mẹ còn nói gì nữa không?
Đứa bé bỗng dậm chân xuống đất la toáng lên:
- Ôi, kiến cắn cháu nãy giờ mà ông nội không hay biết gì cả.
..
Đúng là một đứa trẻ ranh mãnh. Hắn đã kiếm được cớ để tránh trả lời câu hỏi của ông nội mình. Hắn chạy biến vào nhà. Ông già nhìn xuống chân, ông thấy những con kiến lửa có bò ra thật, nhưng chắc hẳn chưa có con nào bò tới chân chú bé.
.
---------
.
Người đàn bà nói với con:
- Thì thử ăn đi, rồi sẽ biết con có thích hay không?
Đứa trẻ vẫn lắc đầu lia lịa:
- Con biết nó không làm cho con thích rồi mà. Lần sau mẹ đừng mua gì cho con nữa hết…
Người đàn bà nhìn đứa bé bằng đôi mắt ái ngại. Chị buông tay để chiếc bánh rơi xuống mặt bàn. Rồi với dáng điệu mệt mỏi, chị đứng dậy bước ra khỏi cửa. Đứa bé liếc mắt thật nhanh đủ để thấy mẹ đang đi xuống bếp, có lẽ để sửa soạn bữa ăn trưa. Thái độ thiếu kiên nhẫn của mẹ làm tâm hồn hắn cảm thấy bất an. Hắn lặng người ngồi nhìn chiếc bánh trên mặt bàn trống trải. Một con ruồi đậu xuống mép chiếc bánh đang cong vòi hút chất ngọt, hai đuôi cánh rung lên. Đứa trẻ quan sát hình ảnh đó và lòng ấm ức không ít về thái độ mẹ.
- Vũ, mẹ sẽ không bao giờ mua gì cho con nữa cả. Tại sao con muốn làm khổ mẹ, tại sao con…
Người đàn bà trở lại đứng sau lưng đứa trẻ từ lúc nào mà hắn chẳng hay. Chị khóc nấc lên, nhưng được nén lại ngay, chỉ còn ấm ức trong cổ, không lớn nhưng cũng đủ để hắn đo lường được sự thống khổ trong lòng mẹ. Đứa trẻ chợt cảm thấy ân hận, nhưng hắn vẫn gan lì cúi gằm mặt xuống đất. Hắn lắng nghe tiếng gió thổi ngoài vườn, tiếng lá khô chạm nhau xào xạc. Hắn cũng nghe thật rõ tiếng hát ru của một người mẹ nào đó từ cuối xóm xa vọng lại.
.
Đợi một lúc không còn nghe tiếng khóc của người đàn bà, đứa trẻ đoán chừng mẹ đang ngồi gục đầu xuống hai đầu gối như mỗi khi trong nhà có sự buồn phiền, hắn nhẹ nhàng đứng dậy bước ra sân.
.
Nắng buổi trưa làm hai bàn chân trần của đứa trẻ nóng rát, nhưng hắn không chú ý đến. Bằng những cử chỉ lặng lẽ, hắn đi ngược ra vườn sau. Hắn ngước nhìn lên những cành cao. Thôi thì vườn được trồng đủ thứ cây trái, không biết từ đời nào: nào ổi, mít, khế, cam quít, nhưng hắn vẫn thích nhất là những cây cau. Thân cau cao vút đứng song song chia bầu trời thành những mảnh thẳng, nhất là về đêm, những đêm mùa hè thì tuyệt. Hương cau tỏa ra thơm ngát. Hương cau và gió nồm mùa ấy đã đưa hắn vào giấc ngủ dễ dàng, dù cho tuổi thơ hắn, đôi khi nước mắt tưởng không làm hắn khép mi lại được. Do đó tuy hắn chưa biết cám ơn hương cau và gió nồm như sau này khi hắn đã lớn lên, nhưng hắn có cảm tình với gió và mùi hương kia từ đó.
.
Đứa trẻ đứng ngắm mãi một cành ổi, cuối cùng có vẻ đắc ý, hắn trèo nhanh lên cây, tìm một thế nằm đong đưa thoải mái. Ánh nắng xuyên qua kẽ lá, biến dạng thành hình tròn, hình thuẫn, rồi thì thiên hình vạn trạng. Hắn không còn phân biệt được hình thù gì nữa, chúng tha hồ nhảy múa trên ngực áo, tay chân hắn.
.
Hắn thoáng nghĩ đến câu chuyện vừa xảy ra với mẹ, rồi nói lầu bầu một mình: “Phải như thế chứ. Mẹ đâu được yên ổn với mình. Mẹ phải tự biết rằng, mình không còn nhỏ mãi như mẹ tưởng. Mười một tuổi thì có trí khôn của mười một tuổi chứ. Mình đâu khờ dại đến nỗi không nhận ra cái xô đẩy mình ngã chúi của bà. Ác, ác, ác đến thế là cùng.”
.
Đứa trẻ nghe tiếng mình buột ra khỏi miệng, vội câm lại. Hắn nhìn xuống đàn gà đang bươi rác dưới gốc ổi. Tiếng cục cục của con gà mẹ gọi đàn gà con. Chúng chạy đến, chúi đầu vào đám mồi. Hình ảnh đó chợt làm đứa trẻ cảm thấy bâng khuâng, mà chưa hiểu được bâng khuâng về nỗi gì. Những chú gà con với màu lông óng mượt, những chiếc mỏ vàng thắm và đôi mắt tròn xoe đang tranh mồi chí chóe dưới chiếc cổ ngẩng cao ngơ ngác một cách bao dung của mẹ chúng.
.
Đứa trẻ nghe tiếng guốc của ông nội khua trên sân, rồi tiếng người đàn bà mời ông sửa soạn dùng cơm. Hắn biết sắp đến lượt mẹ cất cao giọng gọi mình. Vẫn như một chú sóc con muôn thuở, hắn nhảy thoắt xuống đất, cắm đầu chạy lên ngọn đồi ở cuối vườn, chui vào thềm hiên ngôi miếu cổ giữa một lùm cây rậm rạp. Hắn quyết định bỏ bữa ăn trưa.
.
“Tại sao như thế nhỉ? Mẹ có bao giờ đối xử tệ với mình như thế đâu. Mà cũng chưa bao giờ mình thấy mẹ làm cái công việc đó trong phòng riêng cả. Mình vẫn thường không ở chung phòng với mẹ là gì”.
.
Đứa trẻ tiếp tục nghĩ ngợi. Hắn thắc mắc quá nhiều, nhưng trí khôn chưa đủ để có thể hiểu biết hết mọi phức tạp của đời sống.
.
Buổi trưa hôm trước, người đàn bà sau khi nói chuyện với hai ông ông cháu về chuyến buôn mới nhất của mình, chị liền bỏ đi tắm. Lúc trở lên nhà, chị thấy ông già và đứa trẻ đều lim dim mắt ngủ như thói quen thường ngày của họ. Đứa trẻ ngủ, với đôi mắt chớp lia, không biết vì chói nắng hay vì sự nô giỡn của hai mẹ con lúc nãy vẫn còn trong hắn. Chị ngồi xuống bậc cấp hong tóc. Má tóc dài đen mượt được chị dùng năm ngón tay chải xuống phủ đầy ngực chợt làm chị xúc động. Chị nhớ tới ngày xưa, anh ấy vẫn thường hay vùi mặt trong tóc chị âu yếm. Khuôn mặt ấy bây giờ đang thấp thoáng nơi thằng Vũ. Cậu bé có dáng dấp và tính tình giống bố như đúc. Chị mỉm cười nhìn lên chỗ đứa trẻ đang ngủ. Chị cảm thấy tâm hồ ngất ngây với chút kỷ niệm vừa thoáng hiện.
.
Khuôn mặt chị biến đổi rõ. Có lúc chị mỉm cười vu vơ, có lúc những đường nhăn trên trán chị nhíu lại. Chị đếm thời gian qua năm đầu ngón tay đang vùi sâu trong tóc. Anh bỏ đi chừng ấy năm rồi đấy. Ngày chia tay chị đâu có nghĩ đến thời gian xa cách biền biệt đến thế này. Cứ tưởng mình chịu khổ, chịu nhớ nhung một thời gian, dù có dài, nhưng rồi cũng sẽ có ngày tái ngộ, yên vui đền bù lại. Nhưng niềm tin đó không còn bền vững trong lòng chị, khi chị thấy cuộc sống quá bình thản đang trải ra trước mắt. Chị sẽ chờ đợi cái không thể nào còn tới nữa chăng? Chị không nghĩ cuộc găp gỡ của chị với người đàn ông mới đây đã làm lung lạc niềm tin sắt son trong lòng chị bấy lâu nay. Người đàn ông làm đồn trưởng trên khúc sông mà thuyền buôn của chị thường qua lại. Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, chị đã chú ý đến y. Trông y oai vệ quá. Y đứng dạng chân trên mé sông nhã nhặn xin lỗi bạn hàng cho nhân viên của y xuống kiểm soát thuyền. Y nói về một cuộc chiến tranh có thể bộc phát trở lại, và nhiệm vụ của y là phải kiểm soát để bảo vệ chặt chẽ khúc sông này. Y nói thật nhiều, thật văn hoa nhưng chị chỉ hiểu đại khái có thế. Trong một giây ngừng nói, bất chợt ánh mắt y hướng về phía chị và bốn mắt tình cờ giao nhau. Chị bối rối nhìn xuống, và cũng kịp nhận ra ánh mắt của y đã đậu lâu trong mắt chị.
.
Buổi trưa thật im vắng. Gió thổi nhẹ qua khung cửa làm người đàn bà cảm thấy rờn rợn thịt da. Cái cảm giác mà chị tưởng như chưa bao giờ có như thế. Nó mới lạ và dễ chịu quá chừng. Chị đứng dậy cúi nhìn ngực mình. Bộ ngực căng cứng sau lớp vải áo không có nịt vú, và qua khe hở của hai chiếc cúc, chị thấy màu da trắng ngần của mình. Chị bước chậm rãi vô phòng riêng, vừa đi vừa nghĩ: đã bao lâu rồi mình không để ý đế thân thể mình? Chị cẩn thận khép cửa phòng, ngồi ghé xuống mép giường, đưa tay tìm trong xắc lấy ra hộp phấn nhỏ. Chị nhìn vào gương và vụng về thoa nhẹ từng lớp phấn lên mặt. Những ngày gần đây chị vẫn thường làm vậy, để rồi vài phút sau lại nhúng khăn ướt lau sạch, bước ra khỏi phòng một cách kín đáo.
.
Chị nhìn vào gương, mỉm cười hài lòng về khuôn mặt vừa được trang điểm. Ngay lúc đó bất thần cánh cửa mở. Đứa bé nhanh nhẹn mọi ngày định sa vào lòng mẹ, nhưng một cánh tay chị đưa ra ngăn lại, và có lẽ bị mất đà, đứa bé bị ngã chúi vào tường. Hắn thảng thốt gọi:
- Mẹ!
Trong khi người đàn bà nói như thét:
- Cút ra khỏi phòng ngay!
Đứa trẻ ngừng lại ở ngưỡng cửa trố mắt nhìn mẹ, vô cùng ngạc nhiên, rồi quay phắt lưng. Hắn cắm đầu chạy biến ra khỏi nhà với nước mắt ràn rụa trên mặt.
“Người lớn rắc rối thật”.
.
Đứa trẻ mệt mỏi ngồi tựa lưng vào thành miếu, không ngừng thắc mắc và ấm ức về thái độ của mẹ. Tại sao lại phải bôi phấn lên mặt như thế chứ. Mà dù cho hắn có khám phá ra cái việc làm lạ lùng ấy, thì mẹ cũng không nỡ đối xử tệ với hắn như vậy. Hắn nhớ lại ánh mắt giận dữ của mẹ với cánh tay thô bạo đẩy hắn ngã chúi vào tường. Ánh mắt và cử chỉ đó đã làm hắn bàng hoàng, xa lạ hơn là cảm thấy đau đớn, buồn tủi.
.
Người lớn quả thật khó hiểu. Đứa trẻ lắc đầu với hai giọt nước mắt bắt đầu lăn xuống má. Hắn nghĩ đến những kỷ niệm dịu dàng từng có của mẹ. Những lần mẹ ôm chặt hắn vào lòng để kể chuyện người cha ở xa. Người cha còn đó, không xa trong không gian mà thời gian thì mịt mù như đã mất. Mẹ từng nói với hắn, thời thế nó bắt phải vậy. Nhưng đứa trẻ đâu hiểu thời thế là gì. Hắn chỉ thấy chung quanh mình vẫn có những đứa trẻ còn có cha mẹ, những đứa trẻ được sống trọn vẹn với tuổi thơ của chúng.
.
Hơi nóng từ mái ngôi miếu tỏa xuống làm đứa trẻ thấy oi bức trong người, cùng với sự mệt mỏi khiến hai mí mắt hắn sụp xuống. Cuối cùng không làm chủ được các cử động của mình được nữa, hắn để mặc cho tay chân xuôi ra, lưng ngã xuống và thiếp đi.
.
(ngưng trích)
.
Tác giả: Lữ Quỳnh

Monday, November 8, 2010

Phía Sau Nỗi Buồn


..
tranh Lê Ký Thương, vn
.......
PHÍA SAU NỖI BUỒN

Tùy bút của Phan Triều Hải
..
Trưa, khi ngồi trên máy bay vào vùng bão mà mãi không hạ cánh được, tôi đã tự hỏi liệu mình có chết lúc này không. Và cái chết có thực sự đáng sợ lắm không? Tôi đang bay cùng chiếc Boeng 747 loại mới, thế mà nó chỉ như một cái lá trong cơn bão. Những người ở hàng ghế bên đã vội vã tìm túi nôn khiến mũi tôi cay cay. ừ, liệu cái chết có đáng sợ lắm không nhỉ? Hôm nay là ngày thứ tám hay thứ chín gì đó của Olympic Atlanta, có lẽ tôi sẽ không kịp xem Carl Lewis nhảy xa hay Michael Johnson dứt điểm cuộc chay 400m như thế nào. Trước Olympic hai ngày, một chiếc TWA-800 của Mỹ rơi ngoài đại dương. Hình ảnh kinh hoàng đó phủ đầy các kênh truyền hình trong những ngày qua. Những khuôn mặt thất thần, những dáng ngồi chờ đợi. Kinh hoàng cho những người ở lại. Còn những người đi trên chuyến bay đó còn lại gì? Chỉ là một dấu chấm hết to tướng mà thôi. Cô tiếp viên hỏi tôi, "Anh cần thêm túi nôn không?". Tôi không đáp được, tôi mệt lắm, vả lại tôi đang bận nghĩ. Thế đấy, cái chết thật ra chỉ dễ sợ khi người ta ngồi mà chứng kiến hay ngắm nghía, chứ một khi nó đã đến thì không có gì để nói nhiều. Chấm dứt mọi chuyện. Trong một tích tắc chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Mãi mãi như thế.
..
Máy bay cứ nhồi lên nhồi xuống tìm cách hạ cánh. Tôi ngồi ngay cửa thoát hiểm thấy cánh dài của nó nghiêng ngả phe phẩy như quạt. cô tiếp viên bận bịu túi bụi, tóc lại xổ cả ra. Những chiếc áo hồng giờ cứ nhoè nhoè như những vệt màu ướt. Nào chăn nào nước nào khăn. Cổ tôi đắng nghét. Nếu chết mà lại nhẹ nhàng như một dấu chấm hết thế kia thì cái gì mới đáng sợ nhất nhỉ? Tiền bạc à? Cũng không. Thời buổi này có bị đẩy ra đường với hai tay trắng cũng khó mà chết vì Đói rũ. Sự nghiệp à? Cũng không. Thành bại cũng là một cái gì đó mơ hồ lắm. Thế thì gì? Nhất định phải có một cái gì đó khiến người ta sợ, người ta bất lực, chứ nếu không, ai cũng vênh vênh váo váo cả thì loạn mất. Tiếng tiếp viên nói qua loa nhỏ, "Máy bay chúng ta sẽ quay lại N, chờ hết bão". Giọng này rất hợp với kiểu nói, "Ghét anh quá đi thôi!". à, tôi nhớ ra tôi đang đi đâu. Tôi đang chạy trốn. Khi trốn là đã biết sợ rồi. Vậy thì có thể kết luận ngay rằng, sợ hơn cả cái chết, là nỗi buồn.
..
Không ai có thể vo viên nỗi buồn mà ném ra ngoài cửa sổ, dù biết giữ trong lòng là héo úa lắm, bức bối lắm, không thoát được. Lúc ngồi ở phòng chờ tôi lang thang xem hai tay thanh niên người Pháp tóc vàng hoe mồ hôi mồ kê nhễ nhại đá cầu, trong khi đám nhân viên sân bay cứ thắc thỏm không biết nên cấm hay nên cho phép cái trò chơi quá đỗi tự nhiên bụi đời này. Tôi len vào giữa cả bọn và nhặt được một tờ chuyên đề điện ảnh đầy những câu vớ vẩn đặt ra cho mấy diễn viên Hồng kông. Trong đó có ảnh một chàng trai bị thất tình nhưng mặt mày béo tốt chải chuốt khiến tôi dí mũi vào. Chàng kể, khi bị bồ bỏ, chàng đã quay về nhà mà khóc sướt mướt. Mẹ chàng mới bảo rằng, "Mẹ mong rằng ngày mẹ chết con cũng có thể khóc như vậy". Câu này báo chơi chữ italic khiến tôi chạnh lòng hết sức. Và suốt buổi, cái câu nói có tính giáo dục cao ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Quả thật, buồn bã bởi yêu đương chỉ là trò của con trẻ, đứng bên ngoài nhìn vào trông hết sức cải lương (xin lỗi!). Nhất là người buồn lại là đàn ông. Tệ! Nhưng đã nói rồi, làm sao mà thoát được đây. Du dương với một em khác ư? Càng chán chường ghê hơn. Đọc chuyện cười ư? Càng thấy nhạt nhẽo hơn. Và thế là tôi đã chạy trốn với đúng nghĩa của nó. Tôi bảo với Chi rằng, "Mọi chuyện khiến anh hết chịu nổi rồi. Anh đi một tuần". Khi nói vậy, để giảm bớt phần ướt át, tôi bình thản quay đi một cách ấn tượng. Chi đau khổ, "Anh đi thật sao? Anh đi thật sao?". Cái câu đầy yêu thương ấy cứ ám ảnh tôi mãi, và nó là biểu hiện vật chất của nỗi buồn khủng khiếp mà lâu nay tôi không sao diễn tả được.
..
Tôi về được đến nơi là trời đã tối mịt. Phòng trải thảm. Giường, tủ, bàn, ghế chạm trổ linh tinh, rối rắm. Tôi tắm rửa rồi nằm dài trên giường. Lúc ấy, tôi nhớ đến cồn cào những ngày vừa qua. Tôi là một con người mềm yếu. Mềm đến nỗi có thể ra thơ được. Đại khái như thế này.
..
Em có biết một điều này không.
Chia tay.
Nào phải chỉ xa một người
Mà là chia tay một thời
Và mình sẽ thành người khác..

Phan Triều Hải.

.(xin nói thêm: Tác giả Phan Triều Hải là con trai đầu lòng của ĐK67 Kim Nhung và nhà thơ Lữ Quỳnh.)

Monday, November 1, 2010

Thu Lê: chiều kỷ niệm

Thơ Đoàn Thu-Lê (ĐK67, B5, C2)
.

CHIỀU BUỒN
..
Chiều hôm nay sương mù giăng lối
Tìm đâu ra hình bóng người thương
Lòng hụt hẫn quay về ngõ tối
Dệt tơ trời đan mối sầu vương
.
Vòng tay nhỏ ôm ghì nổi nhớ
Thoáng mơ xưa mờ ảo khói mây
Bài ca buồn ru hồn bỡ ngỡ
Nổi ngậm ngùi vương vấn cỏ cây
.
Gió chiều hôn trên làn mắt biếc
Bờ môi nào chôn dấu thương đau
Lòng chùng theo nhạc sầu nuối tiếc
Ngẫn ngơ tìm mộng ước cho nhau
.
Thoáng trong mây trời xanh xa vắng
Lạc lối về cánh nhạn buồn thương
Gọi tên ai cho chiều hoen nắng
Đem tình mình trải gió ngàn phương
.
Thu-Lê
..
.
CHIỀU KỶ NIỆM
.
Có thật chiều nay gặp cố nhân?
Gió heo may lạnh nhưng tình nồng
Anh lùa nhẹ nắng vào trong tóc
Mỉm cười khẻ hỏi còn lạnh không?
.
Có thật chiều nay gặp cố nhân?
Vẫn dáng thư sinh với vai gầy
Em thấy bóng mình trong ánh mắt
Cả trời mơ ước trong vòng tay
.
Có thật chiều nay gặp cố nhân?
Làm sao em biết tình lặng câm
Đắm say anh hát ca khúc mới
Thương nhớ đong đầy có biết không?
.
Có thật chiều nay gặp cố nhân?
Anh là mộng ảo lạc cánh về?
Để em thả hồn theo gió bấc
Dệt án thơ tình say dáng xưa
..
Thu-Lê.......
......