Thursday, November 18, 2010

Lữ Quỳnh: Những Cơn Mưa Mùa Đông

Trích truyện dài NHỮNG CƠN MƯA MÙA ĐÔNG của nhà văn LỮ-QUỲNH, phu quân của Trần Kim Nhung (ĐK67)
.,
Tác giả Lữ Quỳnh tên thật là Phan Ngô, sinh năm 1942, tại Thừa Thiên, Huế.  Đã viết trên các tạp chí Bách Khoa, Mai, Phổ Thông, Ý Thức, Thời Nay, Thời Tập, . . . và nhiều tạp chí khác trước năm 1975 ở Việt Nam. 
Sau năm 2001, định cư ở Cali, U.S.A. với gia đình.
.
Tác phẩm đã in:
- Cát Vàng (tập truyện, Ý Thức Sài Gòn, 1971)
- Sông Sương Mù (tập truyện, Ý Thức Sài Gòn, 1973)
- Những Cơn Mưa Mùa Đông (Truyện dài, Nam Giao Sài Gòn, 1974)
- Vườn Trái Đắng (Truyện dài, đăng nhiều kỳ trên Ý Thức, 1971 – 1972)
- v... v....
..
.....
..
NHỮNG CƠN MƯA MÙA ĐÔNG
..
Tác giả: Lữ Quỳnh 
...
Đứa trẻ nép sát vào mái hiên nhà mồ. Mái xi măng thấp, hẹp, ngang với mặt đất không ngăn được những giọt mưa đang trút xuống. Mưa trắng xóa cánh đồng. Thỉnh thoảng gió rít lên làm cơn mưa tạt ngang khiến đứa trẻ vụng về né tránh. Nhưng rồi hắn cũng để mặc khi nhìn xuống quần áo đã thấm nước. Ban đầu, nước tạt ướt đôi chân; tiếp theo chiều ngang cả gió thổi hắt từ dưới đồi, nước thấm dần lên chiếc quần đùi, rồi theo nửa thân áo dưới, cho đến khi đứa trẻ cảm thấy lạnh run cũng là lúc hắn chỉ còn giữ được khuôn mặt tương đối khô ráo. Đứa trẻ vòng hai tay trước ngực, cố tạo ở đó một hơi ấm.
.
Cánh đồng mịt mù hơi nước. Những nấm mộ nằm rải rác không còn phân biệt được nền trắng trên cát do hơi nước đã làm mờ hẳn. Những cụm hoa trang, những tấm bia đá dưới chân các ngôi mộ ẩn hiện nhạt nhòa làm tăng vẻ thê lương khiến đứa trẻ có cảm tưởng bầu trời thấp hẳn xuống một cách buồn bã.
.
Hai nấm mộ trong một vành lăng gần nhất với màu xanh hiếm hoi của cỏ được trồng lên để giữ đất, có một tấm bia chung được khắc bằng chữ Hán dựng chính giữa, nằm trong tầm mắt đứa trẻ. Hình ảnh quen thuộc đến nỗi không cần nghĩ ngợi, hắn cũng có thể thấy hiện ra trong trí những nét chữ đặc biệt, những vết thủng, những chỗ mực còn thắm và những chỗ chỉ còn trơ lại từng nét đục phai mờ. Trước đó, thỉnh thoảng vào những buổi chiều, hắn vẫn thường theo chân ông nội đến đây thắp hương và trong khi ông đang cúi mình trên hai nấm đất để khấn vái, hắn quì gối trước tấm bia, đưa ngón tay nhỏ nhắn chạy vòng khắp mặt chữ. Có lần hắn nói với ông nội: biết đến bao giờ thì cháu mới đọc được vài chữ trên tấm bia này nhỉ? Ông già nhìn đứa cháu, quay lưng bước ra khỏi vòng lăng, nói lầu bầu như khi đang cầu nguyện: Thôi, thôi, chào mấy chú mày mà về. Đọc à, rồi mày cũng phải đọc được tên của các chú mày chứ.
.
Với thoáng hồi tưởng ngắn ngủi, đứa trẻ vội vàng nghĩ tới ông nội giờ này ở nhà một mình, và có lẽ với cơn mưa tầm tã dài lâu như thế này, ông đã lo lắng cho hắn không ít. Đứa trẻ bỏ hai tay ra khỏi ngực, đưa mắt nhìn quanh cánh đồng. Mưa vẫn chưa ngớt hẳn, nhưng gió đã lặng. Hắn đưa hai cánh tay ra trước làm thành một vòng cung rồi thét lớn:
.
- Thôi, đừng mưa nữa.
.
Đứa trẻ nghe tiếng mình dội lại từ xa. Âm thanh vang vang và tắt lịm sau đó, cùng lúc với đợt mưa nhẹ hạt dần rồi tạnh hẳn. Đứa trẻ cảm thấy thích thú, tưởng như trời vừa nghe lệnh mình. Hắn mỉm cười, bước nhanh ra khỏi vòm hiên ngôi nhà mồ. Áo quần ướt đẫm, da mặt tái, những đầu ngón tay móp như da táo, hắn đi những bước nhảy như chim, nhưng rất thong thả. Những bước đi như bắt nhịp những ý nghĩ trong đầu.
.
- Mẹ mới đi hôm qua, như vậy sớm lắm chiều nay mới về. Không biết kỳ này bà sẽ mua cho mình những gì đây? Lại con thỏ cao su, lại phong bánh biscuit… Mình đâu có thích những thứ đó. Mà mình thích cái gì nhỉ? Thật ngớ ngẩn quá. Cũng chẳng biết thích cái gì.
.
Đứa trẻ bắt đầu tiến vào khu vườn nhà mình. Hắn dừng chân dưới một tàu lá chuối, nhưng những giọt nước nhỏ xuống từ chỗ rách của ngọn lá làm hắn khó chịu, lại tiếp tục bước. Hắn vừa đi vừa nhìn vào nhà bếp, chẳng thấy có sợi khói nào, chứng tỏ thím Tư chưa ghé lại nấu cơm cho ông nội. Chỉ vì trận mưa tai hại vừa rồi chứ gì. Đứa trẻ nghĩ thế, nắm chặt hai bàn tay lại, mạnh bạo tiến vào sân.
.
- Vũ, mày đấy hả?
.
Tiếng gọi giật khiến hắn bắn người lên. Hắn nhận ra ông nội đang đứng dưới những cành cam. Nhanh như một con sóc, hắn nhảy thót vào nhà, cố ý không để ông nội kịp nhận ra bộ quần áo ướt đẫm trên người mình.
- Dạ.
Đứa trẻ chu miệng qua khe cửa lá sách thét lớn một tiếng rồi nói vọng ra:
- Cháu bị kẹt mưa nên về nhà trễ đó mà.
Ông già hừm lên một tiếng, không nói gì thêm, trong khi đứa trẻ, nụ cười thoáng tắt trên môi, vào phòng thay quần áo. Hắn cảm thấy đắc thắng vì giấu được ông nội bộ đồ ướt đẫm.
.
Khu vườn sau cơn mưa như xanh hẳn lên. Những phiến lá óng ánh dưới ánh sáng thoi thóp của một ngày sắp tắt. Tiếng chim ríu rít trên các cành cây cao, chúng vừa chui ra khỏi tổ ngay khi cơn mưa dài chấm dứt. Đàn gà rời chỗ đứng dưới các tàu lá, vừa đi vừa rũ cánh tìm mồi trên đám lá khô trộn lẫn trong lớp đất nhão nhẹt. Ông già đứng sững dưới khóm cam một lúc, mắt đăm đăm nhìn bức bình phong ở chiếc bể cạn. Những mảnh mẻ sành được gắn thành hình thú vật lấp lánh trên nền xám rêu. Giữa bức bình phong, một chiếc dĩa kiểu lớn với những nét vẽ màu xanh đậm hình một con rồng đã bị rạn nứt. Chiếc dĩa hẳn là tâm điểm cho sự trang trí toàn thể bức bình phong mà ngày trước ông đã dày công tô điểm. Ông già bước chậm rãi tới bể cạn và ngừng lại, hơi cúi xuống. Ông đưa một bàn tay lên, tần ngần xoa xoa những vết nứt trên chiếc dĩa. Đôi mắt ông đờ đẫn. Một bàn tay rồi hai bàn tay đưa ra run rẩy…
.
Mới ngày nào đây thôi mà – Ông già nói lầu bầu trong miệng – mày ngỗ nghịch quá, ai đời với chiếc dĩa đẹp đẽ như thế này mà mày dám dùng làm bia để bắn ná. Tao nghe một tiếng “bốp”, chạy ra, nhìn lên chiếc dĩa, nó đã rạn nứt như thế này rồi. Còn mày thì biến lẹ như một con còng chui sâu dưới vườn… Nghịch ngợm như mày, tưởng không bao giờ thành người lớn được chứ. Lại cái tội háu ăn nữa. Thế mà rồi mày không còn ở với tao, mày lại chết trong tư thế của người lớn mà. Tham gia, tham dự, tham gì gì đi nữa, rồi cũng chỉ có khổ cái thân già của cha mày thôi con ạ.
.
Ông già nghĩ ngợi miên man. Quá khứ làm đôi vai ông rút lại. Ông không còn nhìn rõ được cảnh vật trước mắt. Thời gian cùng những kỷ niệm đang gặm nhấm đời ông mỗi ngày.
.
Đứa trẻ thay xong áo quần khô ráo cúi mình kéo quai dép cho sát vào gót chân, rồi chạy ra sân. Bỗng hắn dừng lại khi thấy ông nội đang đứng lặng như tượng trước chiếc bể cạn rêu phong. Hắn bước nhẹ nhàng đến đứng sau lưng ông già một lúc, rồi cất tiếng gọi khẽ:
- Ông nội.
Ông già giật thót mình quay lại, nhận ra đứa trẻ, buột miệng:
- Cha mày! Làm tao hết hồn.
Đứa trẻ cười hăng hắc:
- Cháu gọi nhỏ đến thế mà.
Ông già cũng cười dịu dàng:
- Ờ, ờ…
Rồi nắm bàn tay đứa trẻ:
- Sao tay lạnh thế này? Lại dầm mưa phải không? Ừ, đúng rồi, tóc cũng ướt cả thế kia.
Đứa trẻ nói láo như cuội:
- Không đâu ông nội, cháu vừa rửa mặt xong ấy mà.
Ông già im lặng một lúc rồi nói, giọng xa vắng như nói một mình:
- Mày chẳng khác gì thằng chú mày cả, lém lỉnh quá…
- Chú ấy tay cũng lạnh và tóc cũng ướt như cháu sao ông?
Đứa trẻ ngẩng mặt lên hỏi ông già với đôi mắt sáng quắc. Ông già mỉm cười, nhưng ánh mắt vẫn đăm đăm với khoảng không trước mặt, đôi mắt đục, bất động, đầy cam phận. Đứa trẻ tò mò nhìn chiếc dĩa rạn giữa bức bình phong bể cạn. Một lát hắn đưa tay chỉ và nói:
- Có phải chú ấy đã làm vỡ cái đó của ông nội không?
Ông già đánh vào cánh tay của đứa cháu:
- Thằng này lém quá, ai bảo với mày thế?
- Mẹ.
Ông già lặp lại với thoáng bối rối:
- Mẹ còn nói gì nữa không?
Đứa bé bỗng dậm chân xuống đất la toáng lên:
- Ôi, kiến cắn cháu nãy giờ mà ông nội không hay biết gì cả.
..
Đúng là một đứa trẻ ranh mãnh. Hắn đã kiếm được cớ để tránh trả lời câu hỏi của ông nội mình. Hắn chạy biến vào nhà. Ông già nhìn xuống chân, ông thấy những con kiến lửa có bò ra thật, nhưng chắc hẳn chưa có con nào bò tới chân chú bé.
.
---------
.
Người đàn bà nói với con:
- Thì thử ăn đi, rồi sẽ biết con có thích hay không?
Đứa trẻ vẫn lắc đầu lia lịa:
- Con biết nó không làm cho con thích rồi mà. Lần sau mẹ đừng mua gì cho con nữa hết…
Người đàn bà nhìn đứa bé bằng đôi mắt ái ngại. Chị buông tay để chiếc bánh rơi xuống mặt bàn. Rồi với dáng điệu mệt mỏi, chị đứng dậy bước ra khỏi cửa. Đứa bé liếc mắt thật nhanh đủ để thấy mẹ đang đi xuống bếp, có lẽ để sửa soạn bữa ăn trưa. Thái độ thiếu kiên nhẫn của mẹ làm tâm hồn hắn cảm thấy bất an. Hắn lặng người ngồi nhìn chiếc bánh trên mặt bàn trống trải. Một con ruồi đậu xuống mép chiếc bánh đang cong vòi hút chất ngọt, hai đuôi cánh rung lên. Đứa trẻ quan sát hình ảnh đó và lòng ấm ức không ít về thái độ mẹ.
- Vũ, mẹ sẽ không bao giờ mua gì cho con nữa cả. Tại sao con muốn làm khổ mẹ, tại sao con…
Người đàn bà trở lại đứng sau lưng đứa trẻ từ lúc nào mà hắn chẳng hay. Chị khóc nấc lên, nhưng được nén lại ngay, chỉ còn ấm ức trong cổ, không lớn nhưng cũng đủ để hắn đo lường được sự thống khổ trong lòng mẹ. Đứa trẻ chợt cảm thấy ân hận, nhưng hắn vẫn gan lì cúi gằm mặt xuống đất. Hắn lắng nghe tiếng gió thổi ngoài vườn, tiếng lá khô chạm nhau xào xạc. Hắn cũng nghe thật rõ tiếng hát ru của một người mẹ nào đó từ cuối xóm xa vọng lại.
.
Đợi một lúc không còn nghe tiếng khóc của người đàn bà, đứa trẻ đoán chừng mẹ đang ngồi gục đầu xuống hai đầu gối như mỗi khi trong nhà có sự buồn phiền, hắn nhẹ nhàng đứng dậy bước ra sân.
.
Nắng buổi trưa làm hai bàn chân trần của đứa trẻ nóng rát, nhưng hắn không chú ý đến. Bằng những cử chỉ lặng lẽ, hắn đi ngược ra vườn sau. Hắn ngước nhìn lên những cành cao. Thôi thì vườn được trồng đủ thứ cây trái, không biết từ đời nào: nào ổi, mít, khế, cam quít, nhưng hắn vẫn thích nhất là những cây cau. Thân cau cao vút đứng song song chia bầu trời thành những mảnh thẳng, nhất là về đêm, những đêm mùa hè thì tuyệt. Hương cau tỏa ra thơm ngát. Hương cau và gió nồm mùa ấy đã đưa hắn vào giấc ngủ dễ dàng, dù cho tuổi thơ hắn, đôi khi nước mắt tưởng không làm hắn khép mi lại được. Do đó tuy hắn chưa biết cám ơn hương cau và gió nồm như sau này khi hắn đã lớn lên, nhưng hắn có cảm tình với gió và mùi hương kia từ đó.
.
Đứa trẻ đứng ngắm mãi một cành ổi, cuối cùng có vẻ đắc ý, hắn trèo nhanh lên cây, tìm một thế nằm đong đưa thoải mái. Ánh nắng xuyên qua kẽ lá, biến dạng thành hình tròn, hình thuẫn, rồi thì thiên hình vạn trạng. Hắn không còn phân biệt được hình thù gì nữa, chúng tha hồ nhảy múa trên ngực áo, tay chân hắn.
.
Hắn thoáng nghĩ đến câu chuyện vừa xảy ra với mẹ, rồi nói lầu bầu một mình: “Phải như thế chứ. Mẹ đâu được yên ổn với mình. Mẹ phải tự biết rằng, mình không còn nhỏ mãi như mẹ tưởng. Mười một tuổi thì có trí khôn của mười một tuổi chứ. Mình đâu khờ dại đến nỗi không nhận ra cái xô đẩy mình ngã chúi của bà. Ác, ác, ác đến thế là cùng.”
.
Đứa trẻ nghe tiếng mình buột ra khỏi miệng, vội câm lại. Hắn nhìn xuống đàn gà đang bươi rác dưới gốc ổi. Tiếng cục cục của con gà mẹ gọi đàn gà con. Chúng chạy đến, chúi đầu vào đám mồi. Hình ảnh đó chợt làm đứa trẻ cảm thấy bâng khuâng, mà chưa hiểu được bâng khuâng về nỗi gì. Những chú gà con với màu lông óng mượt, những chiếc mỏ vàng thắm và đôi mắt tròn xoe đang tranh mồi chí chóe dưới chiếc cổ ngẩng cao ngơ ngác một cách bao dung của mẹ chúng.
.
Đứa trẻ nghe tiếng guốc của ông nội khua trên sân, rồi tiếng người đàn bà mời ông sửa soạn dùng cơm. Hắn biết sắp đến lượt mẹ cất cao giọng gọi mình. Vẫn như một chú sóc con muôn thuở, hắn nhảy thoắt xuống đất, cắm đầu chạy lên ngọn đồi ở cuối vườn, chui vào thềm hiên ngôi miếu cổ giữa một lùm cây rậm rạp. Hắn quyết định bỏ bữa ăn trưa.
.
“Tại sao như thế nhỉ? Mẹ có bao giờ đối xử tệ với mình như thế đâu. Mà cũng chưa bao giờ mình thấy mẹ làm cái công việc đó trong phòng riêng cả. Mình vẫn thường không ở chung phòng với mẹ là gì”.
.
Đứa trẻ tiếp tục nghĩ ngợi. Hắn thắc mắc quá nhiều, nhưng trí khôn chưa đủ để có thể hiểu biết hết mọi phức tạp của đời sống.
.
Buổi trưa hôm trước, người đàn bà sau khi nói chuyện với hai ông ông cháu về chuyến buôn mới nhất của mình, chị liền bỏ đi tắm. Lúc trở lên nhà, chị thấy ông già và đứa trẻ đều lim dim mắt ngủ như thói quen thường ngày của họ. Đứa trẻ ngủ, với đôi mắt chớp lia, không biết vì chói nắng hay vì sự nô giỡn của hai mẹ con lúc nãy vẫn còn trong hắn. Chị ngồi xuống bậc cấp hong tóc. Má tóc dài đen mượt được chị dùng năm ngón tay chải xuống phủ đầy ngực chợt làm chị xúc động. Chị nhớ tới ngày xưa, anh ấy vẫn thường hay vùi mặt trong tóc chị âu yếm. Khuôn mặt ấy bây giờ đang thấp thoáng nơi thằng Vũ. Cậu bé có dáng dấp và tính tình giống bố như đúc. Chị mỉm cười nhìn lên chỗ đứa trẻ đang ngủ. Chị cảm thấy tâm hồ ngất ngây với chút kỷ niệm vừa thoáng hiện.
.
Khuôn mặt chị biến đổi rõ. Có lúc chị mỉm cười vu vơ, có lúc những đường nhăn trên trán chị nhíu lại. Chị đếm thời gian qua năm đầu ngón tay đang vùi sâu trong tóc. Anh bỏ đi chừng ấy năm rồi đấy. Ngày chia tay chị đâu có nghĩ đến thời gian xa cách biền biệt đến thế này. Cứ tưởng mình chịu khổ, chịu nhớ nhung một thời gian, dù có dài, nhưng rồi cũng sẽ có ngày tái ngộ, yên vui đền bù lại. Nhưng niềm tin đó không còn bền vững trong lòng chị, khi chị thấy cuộc sống quá bình thản đang trải ra trước mắt. Chị sẽ chờ đợi cái không thể nào còn tới nữa chăng? Chị không nghĩ cuộc găp gỡ của chị với người đàn ông mới đây đã làm lung lạc niềm tin sắt son trong lòng chị bấy lâu nay. Người đàn ông làm đồn trưởng trên khúc sông mà thuyền buôn của chị thường qua lại. Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, chị đã chú ý đến y. Trông y oai vệ quá. Y đứng dạng chân trên mé sông nhã nhặn xin lỗi bạn hàng cho nhân viên của y xuống kiểm soát thuyền. Y nói về một cuộc chiến tranh có thể bộc phát trở lại, và nhiệm vụ của y là phải kiểm soát để bảo vệ chặt chẽ khúc sông này. Y nói thật nhiều, thật văn hoa nhưng chị chỉ hiểu đại khái có thế. Trong một giây ngừng nói, bất chợt ánh mắt y hướng về phía chị và bốn mắt tình cờ giao nhau. Chị bối rối nhìn xuống, và cũng kịp nhận ra ánh mắt của y đã đậu lâu trong mắt chị.
.
Buổi trưa thật im vắng. Gió thổi nhẹ qua khung cửa làm người đàn bà cảm thấy rờn rợn thịt da. Cái cảm giác mà chị tưởng như chưa bao giờ có như thế. Nó mới lạ và dễ chịu quá chừng. Chị đứng dậy cúi nhìn ngực mình. Bộ ngực căng cứng sau lớp vải áo không có nịt vú, và qua khe hở của hai chiếc cúc, chị thấy màu da trắng ngần của mình. Chị bước chậm rãi vô phòng riêng, vừa đi vừa nghĩ: đã bao lâu rồi mình không để ý đế thân thể mình? Chị cẩn thận khép cửa phòng, ngồi ghé xuống mép giường, đưa tay tìm trong xắc lấy ra hộp phấn nhỏ. Chị nhìn vào gương và vụng về thoa nhẹ từng lớp phấn lên mặt. Những ngày gần đây chị vẫn thường làm vậy, để rồi vài phút sau lại nhúng khăn ướt lau sạch, bước ra khỏi phòng một cách kín đáo.
.
Chị nhìn vào gương, mỉm cười hài lòng về khuôn mặt vừa được trang điểm. Ngay lúc đó bất thần cánh cửa mở. Đứa bé nhanh nhẹn mọi ngày định sa vào lòng mẹ, nhưng một cánh tay chị đưa ra ngăn lại, và có lẽ bị mất đà, đứa bé bị ngã chúi vào tường. Hắn thảng thốt gọi:
- Mẹ!
Trong khi người đàn bà nói như thét:
- Cút ra khỏi phòng ngay!
Đứa trẻ ngừng lại ở ngưỡng cửa trố mắt nhìn mẹ, vô cùng ngạc nhiên, rồi quay phắt lưng. Hắn cắm đầu chạy biến ra khỏi nhà với nước mắt ràn rụa trên mặt.
“Người lớn rắc rối thật”.
.
Đứa trẻ mệt mỏi ngồi tựa lưng vào thành miếu, không ngừng thắc mắc và ấm ức về thái độ của mẹ. Tại sao lại phải bôi phấn lên mặt như thế chứ. Mà dù cho hắn có khám phá ra cái việc làm lạ lùng ấy, thì mẹ cũng không nỡ đối xử tệ với hắn như vậy. Hắn nhớ lại ánh mắt giận dữ của mẹ với cánh tay thô bạo đẩy hắn ngã chúi vào tường. Ánh mắt và cử chỉ đó đã làm hắn bàng hoàng, xa lạ hơn là cảm thấy đau đớn, buồn tủi.
.
Người lớn quả thật khó hiểu. Đứa trẻ lắc đầu với hai giọt nước mắt bắt đầu lăn xuống má. Hắn nghĩ đến những kỷ niệm dịu dàng từng có của mẹ. Những lần mẹ ôm chặt hắn vào lòng để kể chuyện người cha ở xa. Người cha còn đó, không xa trong không gian mà thời gian thì mịt mù như đã mất. Mẹ từng nói với hắn, thời thế nó bắt phải vậy. Nhưng đứa trẻ đâu hiểu thời thế là gì. Hắn chỉ thấy chung quanh mình vẫn có những đứa trẻ còn có cha mẹ, những đứa trẻ được sống trọn vẹn với tuổi thơ của chúng.
.
Hơi nóng từ mái ngôi miếu tỏa xuống làm đứa trẻ thấy oi bức trong người, cùng với sự mệt mỏi khiến hai mí mắt hắn sụp xuống. Cuối cùng không làm chủ được các cử động của mình được nữa, hắn để mặc cho tay chân xuôi ra, lưng ngã xuống và thiếp đi.
.
(ngưng trích)
.
Tác giả: Lữ Quỳnh