..
tranh Lê Ký Thương, vn
.......
PHÍA SAU NỖI BUỒN
Tùy bút của Phan Triều Hải
..
Trưa, khi ngồi trên máy bay vào
vùng bão mà mãi không hạ cánh được, tôi đã tự hỏi liệu mình có chết lúc này
không. Và cái chết có thực sự đáng sợ lắm không? Tôi đang bay cùng chiếc Boeng
747 loại mới, thế mà nó chỉ như một cái lá trong cơn bão. Những người ở hàng
ghế bên đã vội vã tìm túi nôn khiến mũi tôi cay cay. ừ, liệu cái chết có đáng
sợ lắm không nhỉ? Hôm nay là ngày thứ tám hay thứ chín gì đó của Olympic
Atlanta, có lẽ tôi sẽ không kịp xem Carl Lewis nhảy xa hay Michael Johnson dứt
điểm cuộc chay 400m như thế nào. Trước Olympic hai ngày, một chiếc TWA-800 của
Mỹ rơi ngoài đại dương. Hình ảnh kinh hoàng đó phủ đầy các kênh truyền hình
trong những ngày qua. Những khuôn mặt thất thần, những dáng ngồi chờ đợi. Kinh
hoàng cho những người ở lại. Còn những người đi trên chuyến bay đó còn lại gì?
Chỉ là một dấu chấm hết to tướng mà thôi. Cô tiếp viên hỏi tôi, "Anh cần
thêm túi nôn không?". Tôi không đáp được, tôi mệt lắm, vả lại tôi đang bận
nghĩ. Thế đấy, cái chết thật ra chỉ dễ sợ khi người ta ngồi mà chứng kiến hay
ngắm nghía, chứ một khi nó đã đến thì không có gì để nói nhiều. Chấm dứt mọi
chuyện. Trong một tích tắc chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Mãi
mãi như thế.
..
Máy bay cứ nhồi lên nhồi xuống
tìm cách hạ cánh. Tôi ngồi ngay cửa thoát hiểm thấy cánh dài của nó nghiêng ngả
phe phẩy như quạt. cô tiếp viên bận bịu túi bụi, tóc lại xổ cả ra. Những chiếc
áo hồng giờ cứ nhoè nhoè như những vệt màu ướt. Nào chăn nào nước nào khăn. Cổ
tôi đắng nghét. Nếu chết mà lại nhẹ nhàng như một dấu chấm hết thế kia thì cái
gì mới đáng sợ nhất nhỉ? Tiền bạc à? Cũng không. Thời buổi này có bị đẩy ra
đường với hai tay trắng cũng khó mà chết vì Đói rũ. Sự nghiệp à? Cũng không.
Thành bại cũng là một cái gì đó mơ hồ lắm. Thế thì gì? Nhất định phải có một
cái gì đó khiến người ta sợ, người ta bất lực, chứ nếu không, ai cũng vênh vênh
váo váo cả thì loạn mất. Tiếng tiếp viên nói qua loa nhỏ, "Máy bay chúng
ta sẽ quay lại N, chờ hết bão". Giọng này rất hợp với kiểu nói, "Ghét
anh quá đi thôi!". à, tôi nhớ ra tôi đang đi đâu. Tôi đang chạy trốn. Khi
trốn là đã biết sợ rồi. Vậy thì có thể kết luận ngay rằng, sợ hơn cả cái chết,
là nỗi buồn.
..
Không ai có thể vo viên nỗi
buồn mà ném ra ngoài cửa sổ, dù biết giữ trong lòng là héo úa lắm, bức bối lắm,
không thoát được. Lúc ngồi ở phòng chờ tôi lang thang xem hai tay thanh niên
người Pháp tóc vàng hoe mồ hôi mồ kê nhễ nhại đá cầu, trong khi đám nhân viên
sân bay cứ thắc thỏm không biết nên cấm hay nên cho phép cái trò chơi quá đỗi
tự nhiên bụi đời này. Tôi len vào giữa cả bọn và nhặt được một tờ chuyên đề
điện ảnh đầy những câu vớ vẩn đặt ra cho mấy diễn viên Hồng kông. Trong đó có
ảnh một chàng trai bị thất tình nhưng mặt mày béo tốt chải chuốt khiến tôi dí
mũi vào. Chàng kể, khi bị bồ bỏ, chàng đã quay về nhà mà khóc sướt mướt. Mẹ
chàng mới bảo rằng, "Mẹ mong rằng ngày mẹ chết con cũng có thể khóc như
vậy". Câu này báo chơi chữ italic khiến tôi chạnh lòng hết sức. Và suốt
buổi, cái câu nói có tính giáo dục cao ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Quả thật, buồn bã
bởi yêu đương chỉ là trò của con trẻ, đứng bên ngoài nhìn vào trông hết sức cải
lương (xin lỗi!). Nhất là người buồn lại là đàn ông. Tệ! Nhưng đã nói rồi, làm
sao mà thoát được đây. Du dương với một em khác ư? Càng chán chường ghê hơn.
Đọc chuyện cười ư? Càng thấy nhạt nhẽo hơn. Và thế là tôi đã chạy trốn với đúng
nghĩa của nó. Tôi bảo với Chi rằng, "Mọi chuyện khiến anh hết chịu nổi
rồi. Anh đi một tuần". Khi nói vậy, để giảm bớt phần ướt át, tôi bình thản
quay đi một cách ấn tượng. Chi đau khổ, "Anh đi thật sao? Anh đi thật
sao?". Cái câu đầy yêu thương ấy cứ ám ảnh tôi mãi, và nó là biểu hiện vật
chất của nỗi buồn khủng khiếp mà lâu nay tôi không sao diễn tả được.
..
Tôi về được đến nơi là trời đã
tối mịt. Phòng trải thảm. Giường, tủ, bàn, ghế chạm trổ linh tinh, rối rắm. Tôi
tắm rửa rồi nằm dài trên giường. Lúc ấy, tôi nhớ đến cồn cào những ngày vừa
qua. Tôi là một con người mềm yếu. Mềm đến nỗi có thể ra thơ được. Đại khái như
thế này.
..
Em có biết một điều này không.
Chia tay.
Nào phải chỉ xa một người
Mà là chia tay một thời
Và mình sẽ thành người khác..
Phan Triều Hải.
.(xin nói thêm: Tác giả Phan Triều Hải là con trai đầu lòng của ĐK67 Kim Nhung và nhà thơ Lữ Quỳnh.)