Sunday, August 25, 2013

Friends

.
.
.

Sắp đến ngày kỷ niệm 25 năm của nhóm Phượng Vỹ ĐỒNG KHÁNH tại Houston, Texas,  mời các bạn xem bài thơ sau đây để nhớ về tình bạn thuở học trò.
...
FRIENDS

I am drawing a picture
My house is in it
A jagged yellow sun
hangs from the blue strip of sky
I am drawing a dog
His tail is wagging
He wants to be my dog

I am drawing
The sound of a train far off
I will scribble in some smoke
I might want to travel

Your house is in my picture
It is leaning across our street
I am putting in the word POW!
and electric zigzags
where our chimneys
almost touch

In this picture
I am waving from my window
You are running up our walk
A bird is flying off the edge
of the page, singing
Anything can happen
in pictures

I don't need to draw our faces
We will never forget
each other

Barbara Esbensen (1925-1996)

..
Mỹ-Vân (ĐK 67) sưu tầm ...

(để tưởng nhớ Liên-Châu, đệ Nhị C1)
..
... ...
CHIỀU LÀNG EM
..
..
M V (Vancouver)
..

Friday, August 23, 2013

Giàn thiên lý đã xa

Truyện ngắn của TÔN NỮ QUỲNH DIÊU (ĐK 71)
.
.....

.
MÙI CỦA MẸ
.....
Chú bé có cái tên dễ thương mà nghe lại ngộ ngộ "Tínị".  Bà Ngoại Tínị kể hồi mẹ chú mới sinh chú, chú nhỏ xíu giống con mèo con, chú ngủ khò cả ngày, chẳng màng bú mớm.  Tínị có nước da nâu đậm với những lọn tóc xoăn nằm thành nếp, phủ đầy trán.  Khuôn mặt bầu bĩnh của chú thật hợp với đôi mắt đen nhánh dưới hàng mi cong như mắt con búp bê, vậy mà sao lúc nào trông chú cũng có vẻ buồn buồn.
...
 Mỗi ngày bà ngoại đưa chú đến day care từ sáng sớm, xong bà vội vàng lái xe đến một tiệm dry clean kế bên. Giờ nầy tụi nhỏ chưa đến lớp đủ, chú lại được ngồi trong lòng cô giáo để cùng cô đọc sách.  Tên cô là Quế Anh mà mấy đứa nhỏ vẫn thường gọi cô là Ms. Ann, cô là primary teacher của chú, cô có nét hao hao giống mẹ chú, vì vậy mà cả ngày chú cứ thích quanh quẩn bên cô.  Ngày nào cũng thế, trên kệ sách có nhiều cuốn hay và đẹp dành cho tuổi của chú, nhưng chú chỉ chọn một cuốn duy nhất "Mommy and Me" vì chú nhớ mẹ.
...
 Bà ngoại nói cha chú bỏ mẹ chú từ hồi Tínị còn trong bụng mẹ.  Đến lúc chú đầy năm, mẹ chú lại phải đi làm ở tiểu bang xa khác và giao chú cho bà ngoại nuôi, vì vậy mà chú rất "thèm" có mẹ.
...
Lâu lâu mẹ chỉ về thăm chú vài ngày, vào dịp Thanksgiving mẹ mới ở với chú được hai tuần rồi mẹ cũng lại đi. Những ngày đó chú vui như hội, mẹ đưa chú đến trường, chú tung tăng vào lớp khoe với mấy cô giáo và tụi nhỏ "look, mommy", chú hãnh diện chú có mẹ, rồi chú nhảy nhót, cười tươi khoe cả mấy chiếc răng sửa mới nhú trắng tinh.  Mỗi ngày mẹ Tínị dọn dẹp nhà cửa, cắt móng tay, sửa tóc cho chú, nấu những món ăn chú thích, rồi mẹ lại chở hai bà cháu đi chơi.  Chú chỉ muốn ở luôn bên mẹ, chú vuốt tóc, cầm tay mẹ rồi cười, chú gọi mẹ luôn miệng, - MẸ-  tiếng Mẹ nghe dễ thương làm sao.  Ban đêm chú rúc vào lòng mẹ, cuộn tròn trong chăn ấm, nghe mẹ kể chuyện đời xưa, đến đoạn nào hay hai mẹ con lại cười khúc khích thật vui, và chú tìm lại được "cái mùi của mẹ" mà lâu nay chú thiếu, chỉ có nơi mẹ vì mẹ là Mẹ của chú.  Những lần về thăm, mẹ mua cho chú nhiều áo quần và đồ chơi, chú thích lắm chứ, nhưng điều mà chú cần nhất vẫn là MẸ.  Vậy mà tại sao mẹ lại không hiểu chú, bà ngoại mặc dù thương, lo cho chú nhưng chú vẫn thích có mẹ ở bên chú hơn.  Những ngày mẹ về chú vui chừng nào thì lúc mẹ đi chú buồn chừng đó.  Sáng nay đang ngủ, mẹ Tínị ôm hôn chú và bảo:
...
-  Con ở nhà với bà ngoại ráng ngoan, hôm nào mẹ về mẹ sẽ mua nhiều quà cho con nghen.  Mẹ thương con nhiều thật nhiều, con bây giờ là "big boy" rồi, đừng khóc.
..
Chú ôm chặt mẹ, bye mẹ trong tiếng nấc.  Có tiếng cửa đóng, chú chạy lại giường, ôm chiếc gối của mẹ mà nước mắt đầm đìa.  Suốt ngày hôm đó chú cứ thơ thẩn trước hiên nhà, bà ngoại làm cơm cho chú, chú cũng chẳng buồn ăn.  Thấy chú buồn, hai bà cháu đi shopping, bà mua cho chú chiếc xe hơi chạy bằng pin có cả remote control thật đẹp vậy mà sao chú vẫn không vui.  Về đến nhà, nhìn đâu chú cũng thấy bóng dáng của mẹ, chiếc rocking chair hôm qua hai mẹ con ngồi đong đưa nghe mẹ đọc truyện, cái gối mẹ nằm, tô mì xào mẹ nấu còn thừa làm cho chú càng nhớ mẹ hơn.
...
Nhiều lúc nhìn mấy đứa nhỏ cùng lớp có đủ cha mẹ đưa đón làm chú tủi thân, chú lại chạy đến cái "Family board", nhìn tấm hình mẹ ẳm chú, chú sờ vào tấm hình và gọi mommy rồi chú khóc.
...
Tínị được cái có duyên, mà tánh tình chú cũng dễ thương nên cha mẹ tụi nhỏ và các cô giáo đều mến chú.  Mấy cô giáo người Mễ thường gọi chú là "guapo boy".  Vui nhất là cha thằng Henry, mỗi lần cha nó đến đón, chú lơn tơn chạy lại mừng, cha nó ẳm chú lên, xoay vài vòng rồi ôm hôn chú.  Mấy sợi râu lún phún trên cằm cha nó chích vào da chú làm Tínị cười hăng hắc vì nhột.
...
Trời phú cho chú sáng dạ và khôn trước tuổi.  Chỉ cần vài hôm là chú có thể nhớ tên của mấy đứa nhỏ, dù chú mới có hai mươi sáu tháng tuổi, chú còn nhận luôn ra cha mẹ của mỗi đứa.  Buổi chiều cô giáo cho ra sân chơi, cha mẹ tụi nhỏ đến từ đằng xa là chú đã kêu om sòm "Brian, daddy" hoặc "Mia, mommy" làm cô giáo"phục chú sát đất".
...
****
Sáng nay đang lim dim ngồi trong lòng cô giáo, nghe cô kể chuyện, Tínị mân mê đùa với mấy lọn tóc của cô Ann, thì cửa lớp mở cùng với tiếng khóc lớn của đứa bé con từ ngoài vọng vào.  Lát sau mẹ nó bế nó vô trong lớp, nó càng la to hơn "no, no mommy", nó níu chặt cánh tay mẹ.
...
Cô giáo phải đặt chú ngồi xuống ghế, rồi cô bước ra đón con bé, vì hôm nay là ngày đầu nó đến trường.  Con nhỏ thật xinh, da nó trắng như cái hột gà chú ăn lúc breakfast sáng nay, tóc nó dài, nó mặc chiếc áo đầm màu hồng càng làm nổi thêm làn da mịn trắng.  Sau khi nói chuyện với cô Ann, mẹ nó đưa một số giấy tờ, ký tên vào sổ xong, rồi giao nó cho cô để đi làm, Emily -  tên con bé -  lại càng khóc lớn, cô Ann phải ẵm nó vào lòng, nó cứ mommy liên hồi làm chú cũng khóc theo.
...
Tiếng khóc của con nhỏ giống hệt ngày đầu chú đến trường.  Hôm đó chú cũng ôm chặt lấy bà ngoại, cũng khóc. Mỗi lúc bà ngoại dừng xe trước cổng trường là chú lại bắt đầu khóc, đi học là một cực hình đối với chú.  May nhờ có cô Ann lại ẵm chú, lau nước mắt cho chú, giọng cô ấm và nhỏ nhẹ, cô cho chú đồ chơi rồi hát cho chú nghe. Nhìn đôi mắt thật hiền của cô làm chú yên tâm.  Đặc biệt hơn nữa là cô "hiểu" và thương chú, chú thường hay theo cô, rồi nhõng nhẽo với cô.  Ở trường ai cũng bảo cô là "second mom" của chú.  Có nhiều hôm về sớm, bà ngoại hay kể chuyện về chú với cô, rồi bà ngoại khóc và mắt cô cũng đỏ hoe.
...
Từ ngày con nhỏ Emily về đây, hình như cô Ann bớt "để ý" đến chú, nó làm cho cô bận rộn hơn, nhiều lúc chú thật bực mình.  Hôm trước Emily ngồi trong lòng cô, chú chạy lại kéo nó ra rồi bảo nó "no, no, mine, mine", con nhỏ cũng không vừa, nó cũng "no, mine", nó còn la to hơn chú và cả hai đứa cùng khóc.  Cô Ann để cho chú và Emily ngồi hai bên chân cô, vậy mà chú cũng chưa vừa lòng.  Nhiều lúc giận cô, nap time chú không chịu ngủ, cô lại phải ẵm chú, ru hời ru hỡi chú mới chịu nằm yên.
...
Hôm sau, trong lúc circle time, Emily lại chiếm chỗ của chú, nó chạy lại ngồi trong lòng cô Ann, thấy ghét quá, chú lén đến sau lưng cô và cắn Emily một phát ở cánh tay.  Con nhỏ đau quá, khóc ngất, chú nhìn lại thì ôi thôi, cả hai hàm răng của chú in sâu vào cánh tay nó.  Cô Ann ẵm con nhỏ đi rửa tay và đắp ice pack lên cho nó.  Chú thấy cô Ann thật buồn, mặc dù cô vẫn thương chú, cô ôm chú, vuốt tóc chú, cô bảo Emily là bạn mới chú phải tốt với nó, làm chú càng thương cô nhiều hơn.
...
Từ hôm đó, con Emily hễ gặp chú là nó tránh, chú nghĩ, chú đâu muốn cắn nó, chú chỉ sợ cô Ann có nó rồi cô sẽ không thương chú nữa thôi.  Vết cắn trên cánh tay con Emily vẫn còn dấu, chú thấy tội nó, chú không còn ghét nó nữa.  Chú tìm cách làm quen với nó, cho nó mấy cái stickers, rồi chú "share" cô giáo cho nó.  Con nít mau quên, con Emily cũng hết giận, hôm kia nó chia cho chú nửa cái waffle, thật là ngon.  Mà cũng lạ, bà ngoại vẫn mua waffle, Tí nị lại không thấy ngon bằng miếng bánh Emily cho chú.
...
Tí nị còn có biệt tài là nó biết ghẹo cho tụi nhỏ cười.  Có hôm chú biểu diễn màn nhào lộn rồi lăn vòng dưới sàn, xong chú vỗ tay "bravo", hoặc chú kéo hai tai chú lên làm con Mickey Mouse rồi chú nhảy chung quanh lớp trong lúc mấy khán giả tí hon cũng vỗ tay "bravo" theo, làm chú phấn khởi càng muốn khoe nhiều trò vui hơn.
..'
*****
Mùa nầy, giờ cơm trưa ở trường đã cho con nít ăn thịt gà tây, cô giáo cũng phát cho tụi nhỏ tô hình con gà tây thật bự.  Bà ngoại bảo khi nào có "lễ gà tây" (Thanksgiving) là mẹ chú sẽ về thăm.  Chú đã làm sẵn quà cho mẹ, chú có cây bút chì mới cô giáo cho và mấy cái stickers hình trái tim màu hồng, chú xin cái hộp thuốc của bà ngoại rồi cho tất cả vào hộp để dành tặng mẹ.  Vậy mà vẫn chưa thấy mẹ về, chú trông đứng trông ngồi.  Lâu lâu nghe tiếng động ở cửa, chú lại chạy ra, chạy vào, xong chú thiếp ngủ lúc nào chẳng hay.  Trong mơ chú thấy mẹ về, mẹ bảo sẽ ở lại với chú, mẹ mua quà, rồi dẫn chú đi học, đi shopping, chú vui mừng gọi mẹ và đòi mẹ ẵm
..
-  Tínị, dậy con, chiều rồi dậy chơi, để lát tối ngủ.
..
Tiếng bà ngoại gọi, Tínị dụi mắt, vậy là mẹ vẫn chưa về.  Mẹ chỉ phone nói chuyện với bà ngoại thật lâu, mẹ hỏi thăm chú, bà ngoại mở speaker cho chú nghe.  Chú đòi mẹ về, mẹ bảo là mẹ đang bận, để lúc khác mẹ sẽ về thăm làm chú tiu nghỉu.  Chú la lên, "no, con muốn mẹ, con muốn mẹ".  Hình như mẹ chú đang khóc, đầu dây bên kia lại có tiếng em bé khóc lớn, Tínị mở tròn mắt hỏi bà ngoại "baby?"  Bà ngoại không biết phải nói sao với chú, bà ôm chú vào lòng rồi bảo "bà thương con lắm, con biết không?"
...
Mỗi ngày, lúc cha mẹ đến đón mấy đứa nhỏ, chú đứng nhìn qua hàng rào, rồi chú lại ước chú cũng có đủ cha mẹ, chú sẽ được cha ẳm, rồi mẹ sẽ hôn chú, vui biết mấy.  Những lúc đó Tínị thường chạy đến bên cô Ann, ôm cô và nói với cô "mommy, I love you", cô cũng ôm hôn lại chú, cô bảo cô thương chú nhiều như những ngôi sao trên trời mỗi đêm chú vẫn đếm cùng bà ngoại.
..
*****
Hôm nay là ngày cuối của con bé Emily ở day care, mẹ nó đã cho cô giáo hay là cha nó có việc mới ở San Francisco nên gia đình nó phải dời về đó.  Mẹ nó muốn đãi tụi nhỏ bữa cuối, và luôn tiện snack buổi chiều, mẹ Emily mang vào nào là pizza, juice, crackers, fruits...  Ăn xong mỗi đứa còn được tặng một gói quà nhỏ mang về, đứa nào cũng đến "hug và say thanks to Emily" rối rít.  Tínị thật buồn, vậy là từ nay không có ai "share" đồ chơi với chú, không có ai để chú nắm tay hát "Ring around a Rosy" nữa.  Chú vội lấy mấy cái stickers cho Emily, con nhỏ thích lắm, cứ cầm ngắm nghía rồi cười với chú.
...
Cuối giờ, chỉ còn mẹ Emily ở lại nói chuyện với cô.  Cô Ann dẫn chú ra tận cổng trường tiễn hai mẹ con Emily, con bé quyến luyến nắm tay cô và Tínị, nó còn says bye, Tí nị cũng vẫy tay bye Emily.  Rồi xe từ từ lăn bánh, chỉ còn có hai cô cháu đứng giữa sân trường gió lộng, đìu hiu.  Cô Ann đưa chú trở về lớp chờ bà ngoại.  Chú đi theo cô rồi chú lại nghĩ đến mẹ, hình bóng mẹ lúc nào cũng ở trong tâm trí chú.
...
*****
Công việc của một cô giáo ở day care thật không đơn giản tí nào, cô Ann bận rộn với tụi nhỏ suốt ngày.  Ngoài việc dạy học, cô còn phải kiêm luôn cả nghề y tá, ca sĩ, vũ sư (dĩ nhiên là với tụi nhỏ), và janitor, nhiều lúc cô lại còn là một tu nữ biết học hạnh lắng nghe nữa.  Cô phải biết tâm tánh từng đứa nhỏ, theo dõi sinh hoạt của tụi nó mỗi ngày ăn, chơi, ngủ, nghỉ.  Cô phải nhớ nằm lòng đứa nào bị allergy thức ăn để báo cho nhà bếp biết.  Buổi trưa sau giờ luch, trong lúc con nít ngủ, cô ngồi soạn lesson plan, chuẩn bị mấy cái activities, điền một số giấy tờ. Rồi cứ sau mỗi ba tháng cô làm bảng tường trình đánh giá sự tiến triển của tụi nhỏ và họp với cha mẹ chúng.
...
 Mệt nhất là những hôm có mấy đứa mới vào, những đứa trong thời gian "potty training",  hoặc có lúc tụi nhỏ bị sốt cao, cô phải lấy thân nhiệt, gọi báo cho cha mẹ chúng, thường tụi nhỏ hay khóc, vòi vĩnh, có đứa còn ói luôn trên người cô.  Đã vậy rồi còn những khó khăn từ boss, hiểu lầm giữa coop workers, những phiền não bất tận đôi lúc làm cho cô nản lòng.  Cô quay như chong chóng suốt ngày, nhiều lúc cô mệt lả, nhưng bù lại tụi nhỏ thương cô, hay quấn quýt theo cô, có chiếc áo mới, đôi giày đẹp nó cũng đến khoe với cô.  Nhiều đứa đang chơi, lại chạy đến bên cô, ôm hôn cô "mom".  Nhiều đứa đã lên lớp trên, mỗi lúc gặp cô, vẫn tíu tít gọi "Ms. Ann, I miss you".  Hay có khi là những ánh mắt thông cảm, nụ cười thân thiện, những lời thăm hỏi chân tình từ phụ huynh, hoặc những lúc nhìn tụi nhỏ đầy sức sống như những hạt mầm đang vươn lên đó chính là niềm vui và sự khích lệ vô giá đối với cô
...
*****
Trên đường lái xe về nhà cô trông chóng gặp con, con bé lúc nào cũng muốn gần bên mẹ.  Có hôm bận họp phải về trễ, nghe tiếng cửa mở, nó chạy bay đến ôm lấy cô reo to "mẹ về, mẹ về".  Ẵm con trên tay, cô hỏi nó "chó con của mẹ hôm nay có ngoan không nào?"  Với giọng chưa sửa nó đáp "dạ nhoan, con hông hóc đâu mẹ, mà ngày mai mẹ nhớ về sớm nhe mẹ".  Vậy là bao nhiêu mệt mỏi, muộn phiền đều tan biến, cô ôm con vào lòng mà thấy tình mẫu tử tràn dâng.
...
Ngày xưa cô cũng đã có một thời thơ ấu tuyệt vời, sống giữa tình thương bao la, chiều chuộng của ông bà cha mẹ, vì vậy mà cô càng thấy thương thằng Tínị nhiều hơn.  Trông cái dáng bé con buồn buồn và cam chịu cuả nó lúp xúp chạy theo sau bà ngoại nó làm cô mũi lòng.
...
Cô nhớ lại lúc đón Tínị, giọng bà ngoại nó chùng xuống theo tiếng nấc, "mẹ nó đã có chồng khác, và mới có em bé.  Tui thì già cả, lo cho nó được ngày nào mừng ngày đó.  Thằng nhỏ nầy được cái ngoan và biết nghe lời, mà nó "già" trước tuổi cô à, lâu lâu nó ôm tui rồi nó kêu tui là "mom" của nó.  Đêm nào nó cũng ôm cái gối của mẹ nó, ngửi ngửi tìm hơi mẹ rồi nó mới ngủ.  Tui cũng không biết rồi đây đời nó sẽ ra sao nữa."  Cô nghe rồi quay qua thằng Tínị đang nhìn bà ngoại nó khóc mà cô thấy xót xa.  Mặc dù đã lớn, nhưng mỗi lúc đi làm về cô vẫn thích ôm hôn mẹ cô để được ngửi cái "mùi của mẹ", dù đó chỉ là mùi dầu nóng, trộn lẫn với mùi mồ hôi cùng mùi Salonpas, nhưng nó lại "quyến rũ" gấp nhiều lần hơn những lọ nước hoa, son phấn đắt tiền.  Đó chính là tình mẫu tử thiêng liêng, là sợi dây nối liền giữa mẹ và con mà ngay cả một em bé mới lọt lòng cũng cảm nhận được để biết hơi mẹ mà tìm.
...
Ngoài Tínị, còn có nhiều đứa bé cũng có hoàn cảnh thật đáng thương.  Như con nhỏ Janette, cha nó chỉ được phép đến thăm nó ở lớp học.  Nhìn hai cha con tíu tít đùa giỡn với nhau ngoài sân cỏ, cha nó làm ngựa cho nó cởi, rồi đọc sách, ôm hôn nó.  Đến lúc cha nó về, Janette đứng bên song cửa, vẫy tay "bye daddy" mà nước mắt lưng tròng.  Cô ẵm nó và thấy một niềm thương cảm dâng tràn như ẵm chính con của cô.
...
Cô cầu mong sao cho những em bé như Tínị và Janette luôn có được một mái ấm đầy đủ cha mẹ để tuổi thơ của nó không còn là chuỗi ngày cô đơn, buồn tủi.
...
Tiếng hát từ chiếc i pod làm cô nhớ đến Tí nị và mắt cô lại thấy cay cay.
...
"Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà,
Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa ..." *
..
Trên không những bầy chim theo nhau về tổ cuối ngày ...
..
* "Chuyện giàn thiên lý" của Phạm Duy
...
(August 2013)
...
TÁC GIẢ: TÔN NỮ QUỲNH DIÊU (ĐK 71)

Thursday, August 22, 2013

Xem tranh Lê Ký Thương

..
L K T TỰ HỌA
....
Họa sĩ Lê Ký Thương sinh năm 1947, tại Nha Trang. Năm 1959, anh bắt đầu học lớp căn bản về hội họa và cách dùng màu sắc với giáo sư Phan Quang Giật tại trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang, sau đó tự học lấy một mình.
Năm 1974, lần đầu tiên triễn lãm tranh (One-man exhibition) tại Trung Tâm Văn Hóa Pháp_Đalat.
Từ năm 1975 cho đến nay, anh vẫn vẽ và đã nhiều lần triễn lãm tranh tại Saigòn, hoặc cá nhân (One-man exhibition) hoặc cùng với các hoạ sĩ khác như Thân Trọng Minh, Rừng, Hồ Thành, Trương Thìn v..v...
..
Ngoài hội họa ra, Lê Ký Thương còn sáng tác và dịch thuật. Sau đây là một vài tác phẩm của anh:
- Bếp Lửa Còn Thơm Mùi Bã Mía (Tập thơ, xuất bản trước 1975)
- Một Nỗi Đau Riêng (dịch "A Personal Matter" của Kenzaburo Oe, giải Nobel Văn chương 1994.)
- Phù Thủy Xứ Oz (dịch "The Wizard of Oz" của Frank Baum)...
- Tiếng Vạt Kêu Mưa (Tiểu thuyết, Ý Thức xuất bản 2012)
- v ...v .....
..
MỜI XEM TRANH LÊ KÝ THƯƠNG
...
..THỜI THƠ ẤU 1
..
..
THỜI THƠ ẤU 2
.....
..
...
..THỜI THƠ ẤU 4..
..
..
.THÔI NÔI
..
..
CÙNG VUI
..
..
..
MỪNG RỠ
..
..
...
..HOÀNG TỬ BÉ.
.....
...
..THẢ GIẤC MƠ
..
..
VAI DIỄN
..
(sưu tầm)..

Wednesday, August 21, 2013

Dược Vương

(Hình: Internet).
.
DƯỢC VƯƠNG
.
TÁC GIẢ: BS ĐỖ HỒNG NGỌC
.
Khi các vị Bồ-tát thập phương xin «triển khai» Pháp Hoa ở cõi Ta-bà, Phật từ chối ngay. Vì cõi Ta-bà khó lắm, toàn “bùn” không, chỉ có hoa sen mới có thể mọc còn hoa hồng hoa huệ cắm xuống thì không xong. Cái thứ hoa sen kỳ diệu đó mới sống nổi trong bùn, mới gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!
..
Cho nên Tú Vương Hoa Bồ-tát (vua của các loài hoa đẹp) mới thưa hỏi Phật rằng ngài Dược Vương bồ-tát kia làm sao mà có thể ung dung “dạo chơi” trong cõi Ta-bà hay quá vậy ? Ngài đó có tài cán gì, có đức độ gì mà dám ung dung “du hí” ở cõi Ta-bà đầy phiền trược để cứu độ chúng sanh vậy?
..
Phật bèn dẫn chuyện xưa.
Rằng thuở xa xưa kia có vị Bồ-tát tên là Nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến – ai thấy cũng vui – được nghe Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức nói kinh Pháp Hoa. Từ đó vị Bồ tát này tu tập khổ hạnh, tinh tấn kinh hành, một lòng cầu thành Phật, mãi lâu sau mới đặng một thứ tam muội gọi là «Nhứt thiết sắc thân tam muội». Tức thời giữa hư không ngài « …lấy dầu thơm xoa thân, dùng y báu cõi trời quấn thân, rưới các thứ dầu thơm, dùng sức nguyện thần thông mà tự đốt thân mình» ! Ánh sáng khắp soi cả tám mươi ức hằng hà sa thế giới… Các đức Phật đều khen đó là «món thí hạng nhứt !». Lửa cháy đến một ngàn hai trăm năm mới đốt hết thân Bồ-tát.
..
Không có cách nào khác hơn là phải loại trừ ngã chấp, phải đốt cháy đến tận cùng cái ngã để đạt đến vô ngã mới có thể thõng tay vào chợ.  “Đốt” cái sắc đi, chính là phá hủy ngã tướng, ngã tướng sụp đổ rồi thì nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng… cũng sụp đổ theo. Và như vậy là đã có thể « diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh… mà chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả», bởi vì «chúng» đâu còn cơ hội để «sanh» mà phải diệt ! Chỉ có lửa tam muội – tức ở trong thiền định- mới thấy được “ngã” đang cháy dần, cháy dần ra sao. Không dễ mà “đốt” hết. Phải đến ngàn năm mới đốt hết cái «ngã tướng” chớ chẳng phải cháy bùng lên một cái là xong! Cho nên trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn vẫn là điều kiện cốt lõi. Còn “món thí hạng nhứt” ở đây chính là “bố thí thân mạng” đó vậy!
...
Nhưng thế vẫn còn chưa đủ. Vị Bồ-tát mà ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng đó (nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến)  hẳn là có đức chân thành và trung thực, thân khẩu ý nhất quán, nhưng để có thể gần gũi được mọi người, thực sự giúp người thì phải biết thấu cảm với mọi tầng lớp xã hội – mọi chúng sanh – tức phải có “nhứt thiết sắc thân tam muội”. Đó là một thứ “tam muội” lạ lùng, có thể giúp mình hóa thân vào mọi cảnh ngộ, mọị tình huống, giúp mình “biến” thành mọi đối tượng khác nhau, đặt mình vào vị trí của họ để thấy để nghĩ như họ, hiểu được nỗi lòng họ, ngôn ngữ họ, nhờ đó mà giúp họ giải quyết vấn đề rốt ráo. Giải pháp thường khi đã sẵn có,  chỉ vì bị “vô minh” che khuất mà không thấy ra, đành phải khổ đau thôi! Một vị Bồ-tát có “nhứt thiết sắc thân tam muội” thì lòng Từ mới trọn vẹn. Lúc đó mới có khả năng để làm pháp sư, để “du hí” trong cõi Ta bà mà giảng nói Pháp Hoa. Bồ-tát có thể mỗi nơi mỗi lúc « thị hiện » khác nhau tùy đối tượng tiếp xúc, nhờ vậy mà “truyền thông” có hiệu quả.
..
Bồ-tát bấy giờ tuy đã có được tam muội «đốt cháy» hết sắc thân – nhân vô ngã – mà vẫn còn đó pháp này pháp nọ, mười người trăm ý, nên phải thoát ra khỏi cả pháp chấp, để thấy pháp vô ngã nữa mới xong. Ngón tay chỉ trăng không phải là trăng. Qua sông bỏ bè! Nếu còn phân biệt, còn chấp trước thì vẫn cứ loay hoay. Bồ tát bèn «đốt hai cánh tay» ! Phải mất bảy muôn hai nghìn năm mới cháy hết… Khó thay, giải trừ chấp thủ ! Cho nên «đốt hai tay» khó gấp trăm lần đốt sắc thân. Nói khác đi, thành kiến khó mà dẹp bỏ !  Bám hữu sai mà bám vô càng sai. Bám sắc sai mà bám không càng sai. Thành kiến bám rất chặt vào từng rễ thần kinh, chằng chịt nối nhau thành một mạng lưới, dứt dây động rừng, khó mà thay đổi. Coi bản đồ phân bố hoạt động ở võ não ta thấy vị trí của lưỡi và của bàn tay chiếm một diện tích rộng nhất.
...
Hai tay đã đốt, chấp thủ đã dẹp thì hiện ra hai «cánh tay sắc vàng của Phật». Hai cánh vàng của Từ bi và Trí tuệ. «Tôi bỏ hai tay ắt sẽ đặng thân sắc vàng của Phật»…
Lúc đó cõi tam thiên đại thiên thế giới sáu điệu vang động. Trời rưới hoa báu. Bồ tát dám dùng lửa tam muội đốt sắc thân, đốt hai cánh tay, đốt tham ái, chấp thủ đó, đốt để có được thân vô ngã, pháp vô ngã mà bước vào đời ấy chính là Dược Vương.
Vị thuốc vua.
..
TÁC GIẢ:  ĐỖ HỒNG NGỌC
..
(Nguồn: Trang nhà BS Đỗ Hồng Ngọc)
.
.
------------------------------------------------------
.
THƯƠNG NGƯỜI
NHƯ THƯƠNG THÂN
ĐẠO CA 02.
Thơ: Phạm Thiên Thư
Nhạc: Phạm Duy
Tiếng hát: Thái Thanh
.
..

Friday, August 16, 2013

ĐỐ VUI KỲ 3: Đồng hồ của Vua

 ...
ĐỐ VUI CUỐI TUẦN KỲ 3

...
Kinh thành Huế là xứ của vua chúa ngày xưa.  Khi nói đến vua hay các vật dụng của vua, người ta dùng chữ "long" hay chữ "ngự" vì "long" là "rồng", tượng trưng cho nhà vua; thí dụ:

Long bào               Áo vua
Long nhan             Mặt vua
Long sàng             Giường vua
Long đình              Nơi vua hội họp
Long giá                Kiệu vua

Ngự uyển              Vườn của vua
Ngự thiện              Bữa ăn của vua
Ngự lãm                Dâng lên để vua xem
Ngự giá                 Vua đi
Ngự tửu                Vua ban lộc cho cấp dưới

Vậy xin đố các bạn "đồng hồ của vua" gọi là gì?


Mỹ-Vân (ĐK 67)
..
..
..
.....
...
Nhạc cuối tuần (M V sưu tầm)
....
HOA SOAN BÊN THỀM CŨ
NHẠC: TUẤN KHANH
... ...
 
.

Sunday, August 11, 2013

25 mùa hoa Phượng Vỹ

...
...
...


PHƯỢNG VỸ HAI MƯƠI LĂM MÙA HOA
...
TÁC GIẢ: SÔNG NHỚ NGUỒN
...
Đến tháng 9 năm 2013 này, Phượng Vỹ đã có một lịch sử dài hai mươi lăm năm. Hai mươi lăm mùa hoa Phượng Vỹ đánh dấu bằng hai mươi lăm lần họp mặt, hai mươi lăm Lá thư Phượng Vỹ ( LTPV ) cùng với nhiều việc làm tình nghĩa dành cho cựu giáo sư và nhân viên hai trường Đồng Khánh – Quốc Học ( ĐK – QH ) ở quê nhà, nhiều công tác tình thương giúp đỡ những cựu học sinh hai trường gặp khó khăn và cứu trợ một số đồng bào nghèo xứ Huế.
..
 Từ năm 1989, mười bốn năm sau ngày xa quê hương, khi cuộc sống mới ở nước ngoài đã dần đi vào ổn định, những cựu giáo chức và học sinh ĐK – QH  ở nước ngoài bắt đầu nhận thấy mong muốn gặp gỡ thầy xưa bạn cũ trở nên khẩn thiết hơn lúc nào hết. Vì lẽ ấy, sau khi thành lập nhóm Phượng Vỹ – tên của loài hoa nở vào mùa hạ, có màu đỏ thắm thiết, nồng nàn như bầu nhiệt huyết của học trò – cô Quế Hương cùng với một số thân hữu tổ chức mỗi năm một lần họp mặt bạn cũ. Hầu hết các cuộc họp mặt Phượng Vỹ đều diễn ra ở thành phố Houston ( Hoa Kỳ) và đã đi vào nề nếp sau một vài năm. Lần họp mặt nào cũng bắt đầu bằng đêm hội ngộ hàn huyên đầy ắp ân tình, tiếp đến là ngày liên hoan với bữa cơm trưa thân hữu và chương trình văn nghệ gồm nhiều tiết mục tự biên tự diễn gợi nhớ thời hoàng kim của văn nghệ ĐK – QH. Chương trình hội ngộ còn có phần bán đấu giá một tác phẩm nghệ thuật hoặc bán “vé số tình thương” để tăng thu nhập cho quỹ Phượng Vỹ.
..
Ở nơi đất khách, gặp mặt bạn cũ đem lại cho cựu giáo sư và học sinh ĐK – QH  biết bao cảm xúc! Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, hội ngộ Phượng Vỹ đã được nhiều bằng hữu hưởng ứng để trở thành ngày hội truyền thống của rất đông cựu giáo sư và học sinh hai trường trung học lớn nhất cố đô. Sự thành công, sức hấp dẫn của ngày hội được thể hiện rõ nét qua hai mươi lăm lần đến hẹn lại lên của nhiều bạn đồng nghiệp và đông đảo cựu học sinh. Từ các bang của nước Mỹ, từ một số quốc gia khác như Đức và Canada, cũng như từ Việt Nam là quê nhà, mỗi năm một lần, những người con của ĐK – QH năm xưa ở khắp nơi đã vượt qua ngàn dặm xa để đoàn tụ sum vầy, chuyện trò, thăm hỏi và cùng san sẻ với nhau hạnh phúc lớn của đời người là “tha hương ngộ cố tri”.
..
Có người cựu nữ sinh Đồng Khánh trước năm 1975 là một cô giáo người Huế yểu điệu thục nữ. Năm 1975, chồng đi “học tập”, gia đình rơi vào hoàn cảnh túng thiếu  nghiệt ngã. Ở quê nhà, trên đồi cát, cô và các con sống trong gian nhà nhỏ lợp tôn như sống trên một hoang đảo! Bốn năm định cư ở Mỹ theo diện HO, vì lý do sức khỏe, cô chỉ quanh quẩn trong nhà lo bếp núc như phải sống trong một hoang đảo khác! Năm 1997, lần đầu tiên có điều kiện tham dự họp mặt Phượng vỹ ở thành phố Houston,  “Như người ở lâu trong bóng tối tự nhiên ra ánh sáng chói lòa, có thấy chi mô! Phải một lúc lâu sau đó, tôi mới bình tĩnh đến chào các thầy cô cùng các bạn.” Trong lần họp mặt ấy, người cựu nữ sinh Đồng Khánh gặp lại bạn thân từ hồi nhỏ cùng ở trong Thành Nội, cùng học  trường Đồng Khánh. “Không biết bao nhiêu chuyện để nói, nói chuyện mà nước mắt không ngừng tuôn chảy.” (Những cánh phượng cuối mùa nở cho tôi, PV 2012)
..
Trong Truyện Kiều, sau khi đã dùng các từ ngữ “nước mắt”, “hạt lệ , “dòng thu” để biểu đạt nỗi khổ đau, bi lụy của Thúy Kiều trong ba lần than khóc trước, thi hào Nguyễn Du sử dụng hai chữ “giọt châu” để nói lên cái hạnh phúc tuyệt vời mà nàng Kiều có được khi để rơi những giọt nước mắt khóc ngày đoàn viên:
“Giọt châu thánh thót quẹn bào,
Mừng mừng tủi tủi biết bao là tình!” 
..
Dự họp mặt Phượng Vỹ, gặp lại thầy, cô và cố nhân là bạn cũ, hẳn đã có nhiều cựu học sinh ĐK – QH  “không ngừng tuôn chảy” những “giọt châu” rơi “thánh thót”? Tổ chức họp mặt Phượng Vỹ ở nước ngoài, quý thầy cô và các cựu học sinh trong ban điều hành đã đem đến cho những người con của ĐK – QH  năm xưa biết bao nhiêu là “châu báu” của nghĩa đồng bào và tình bằng hữu! Vì tình và nghĩa ấy mà những ai đã tham dự ngày hội Phượng Vỹ một lần thường không thể không hẹn tái ngộ vào năm sau, để “về Houston thăm Huế”, được nói và nghe nhiều tiếng Việt, được thưởng thức những món ăn đậm đà mùi vị quê hương .
..
Lần họp mặt Phượng Vỹ năm nào cũng có phát hành một LTPV. Ban đầu, LTPV  in hai màu đen trắng, đóng thành tập lớn cỡ 21 x 28, nhưng chỉ có mấy chục trang giấy đăng tải đầy đủ chi tiết hàng trăm khoản thu chi để công khai tài chánh. Liên tục trong hai mươi lăm năm, giữa vô số chi phiếu và biên nhận từ khắp nơi gởi về, cô Quế Hương trưởng nhóm đã thầm lặng, nhẫn nại hoàn tất những bản kết toán tài chánh công phu, chính xác và phân minh như thế, để đem lại niềm tin cho các vị hảo tâm đóng góp ngoại tệ ở nước ngoài và tạo sự thuận tiện cho các đồng nghiệp khi đem ngoại tệ ấy giúp đỡ cựu giáo chức và nhân viên ĐK – QH ở trong nước. Về sau, được sự chăm sóc tận tình của cô Thanh Tâm, LTPV  tăng dần số trang, có nội dung phong phú hơn để trở thành một tập báo dày trên dưới ba trăm trang. Trong giai đoạn này, LTPV có nhiều ảnh màu, trang bìa thứ nhất thường là bức tranh thiếu nữ có màu sắc tươi thắm trông rất đẹp mắt của họa sĩ Đinh Cường. Trong nhiều tờ báo học đường  phát hành trong và ngoài nước, ít có ấn phẩm nào dày dặn, đẹp đẽ, có cách trình bày mỹ thuật như các LTPV  ra mắt độc giả khoảng mười năm đầu của thế kỷ XXI.   
..
Những người sáng lập nhóm Phượng Vỹ đã có chủ ý khi lấy từ ngữ “lá thư” để đặt tên cho tờ báo. “Lá thư” khác “tập văn” hay “đặc san”. Chúng ta thường viết thư để trao đổi tâm tình với một người bạn. Trên trang giấy, người viết có thể theo dòng cảm xúc để kể lể niềm vui, nỗi buồn trong hiện tại hoặc những triển vọng tốt đẹp về một ngày mai. Đối với những cựu học sinh ĐK – QH đã ở vào lứa tuổi U 50 hoặc U 60, nội dung của nhiều “lá thư” thường là những hoài niệm về một thời trẻ trung nhiều ước mơ và hi vọng nay đã thành vang bóng. Yêu cầu nghệ thuật không được xem trọng ở đây. Cho nên, đọc những “lá thư” ấy, người ngoại cuộc có thể cho là lan man, dài dòng, không hấp dẫn. Nhưng những tình ý được nói ra ở đó lại có giá trị và đáng trân trọng đối với bạn đồng song là người trong cuộc, vì nó làm sống lại cái thế giới riêng, cái dĩ vãng đầy kỷ niệm đẹp đang nhạt nhòa trong tâm trí tác giả và bạn đọc. Nhờ cách viết không quan tâm nhiều về kỹ thuật hành văn ấy mà LTPV đã liên tục, đều đặn ra mắt độc giả trong suốt hai mươi lăm năm, càng viết thì “lá thư” càng dày và bút lực của cựu học sinh hai trường trung học danh tiếng đất thần kinh tưởng chừng như là vô tận.
..
Chỉ tiếc một điều, vì không nhớ LTPV  là những “lá thư” mở được in thành tập báo để ra mắt nhiều người, vì đã quên viết báo, làm văn là làm nghệ thuật hiểu theo nghĩa chọn lựa và sắp xếp, một ít tác giả đã quá dễ dãi trong khi dùng từ ngữ, đã không làm chủ ngòi bút khi diễn đạt tình ý, đã tạo lập những văn bản mà độc giả khó tính khi nhìn vào có thể nghĩ rằng người viết đã phóng bút hơi quá đà. Thế nhưng, cũng đáng mừng là bên cạnh sự hưởng ứng nồng nhiệt của các cây bút không chuyên, LTPV còn nhận được sự cọng tác của nhiều nhà giáo, nhà thơ, nhà văn qua những tác phẩm: Ngọc Hồ ( PV 2004 ), Có và không ( PV 2004 ), Ngoái nhìn xa ngái ( PV 2005 ), Phong phạm do lưu ( PV 2006), Mầu Phượng vỹ ( PV 2006 ), Một thoáng hương xưa ( PV 2006 ), Bài phát biểu mừng thọ 80 thầy Lê Quân Thụy (PV 2006 ), Vuông  sân nhỏ ( PV 2007), v.v.
..
“Lá thư” còn có một chức năng khác là chuyển tải thông tin để đáp lại tiếng gọi đàn của những cánh chim ĐK – QH đã rời xa tổ ấm và đang bay tản mát khắp các phương trời. Người đọc có thể theo dõi Danh sách ân nhân đóng góp quỹ Phượng Vỹ hoặc Danh sách nhận quà Phượng Vỹ để gặp lại những cái tên thân quen, gián tiếp nhận ở đó một ít hiểu biết về sức khỏe, nơi cư trú và tình trạng tài chánh của nhiều thầy cô và bạn cũ ở trong nước và ngoài nước. Thông tin trực tiếp về sinh hoạt của đại gia đình Phượng Vỹ ở quốc nội và hải ngoại đầy ắp trong những bài viết : Trao quà Phượng vĩ ( PV 1994 ), Những vòng hoa cho ngày Phượng vỹ 2003 ( PV 2004), Hạnh ngộ trong đời ( PV 2007 ), v.v. Những thông tin trực tiếp về hai trường ĐK – QH ngày xưa được tìm thấy qua những bài viết : Bước chân vào nghề giáo ( PV 2002 ),  Nhóm thứ năm (PV 2004), Chiếc khăn bàn ( PV 2005 ),v.v.
..
Có một loại thông tin khác nữa mà  nhiều bạn đọc của LTPV đang mong chờ và yêu mến. Đó là những ký ức, những hoài niệm về cố đô Huế, thành phố trong nhiều thế kỷ là trung tâm chính trị và văn hóa của miền Trung, với những cảnh sắc “không nơi nào có được”, với giọng nói “âm trầm sâu lắng lạ ” của những người Huế mới nghe “đưa câu Mái đẩy” đã “chạnh lòng nước non”. Những người con xa xứ của Huế như được về thăm quê cũ, như được nguôi khuây phần nào tình hoài hương khi đọc những bài viết: Giọng Huế đâu rồi ( PV 2005 ), Xóm cũ, người xưa (PV 2006 ), Tình thơ ( PV 2006 ), Tìm lại dấu xưa ( PV 2007 ), Huế và Đồng Khánh, Quốc Học trường xưa ( PV 2008 ),v.v.
..
Tin tức quan trọng mà LTPV  muốn gởi đến mọi người là báo cáo thu chi tài chánh hàng năm. Không phải ngẫu nhiên mà ở một trong những trang đầu của LTPV nào, sau Mục lục và Thành phần ban đại diện, cũng xuất hiện bảng Đối chiếu thu chi kể từ năm đầu cho đến năm phát hành “lá thư” ấy. Chỉ cần nhìn vào trang báo này bạn đọc có thể nhận biết sự phát triển của quỹ Phượng Vỹ trong nhiều năm đã qua. Đó là số thu năm sau thường cao hơn số thu năm trước và mười một năm sau ngày thành lập, năm 2000, số tiền quyên góp đã tăng gấp năm lần số tiền tiếp nhận trong năm đầu. Những con số như muốn lên tiếng nói: Ý nghĩa, mục đích cao đẹp của Phượng Vỹ đã sáng tỏ theo với thời gian; các vị thân hữu, cựu giáo chức và học sinh hai trường đã đặt trọn niềm tin ở ban điều hành khi góp những đồng tiền dành dụm của mình cho quỹ Phượng Vỹ. Nói một cách khái quát, số ngoại tệ lưu thông qua tay của quý thầy, cô phụ trách việc thu chi, tính theo số tròn, có thể đã lên tới  900.000 Mỹ kim! Tiếp nhận và phân chia một số tiền lớn hơn 18 tỉ đồng suốt hai mươi lăm năm mà những người có trách nhiệm chưa  một lần phải nghe lời đàm tiếu quanh co về tiền bạc! Trên cõi đời này, có mấy ai tham dự các hoạt động nhuốm hơi đồng mà còn giữ được hai bàn tay sạch !? ..
..
Trong hai mươi lăm ấn phẩm đã phát hành, có thể nói LTPV 2011 là số báo được nhiều bạn đọc yêu thích.  Lý do là vì “lá thư” này có nhiều bài viết công phu, chất lượng, cùng tập trung vào một chủ đích làm sống lại tính chất nhân văn và giá trị thẩm mỹ của sinh hoạt học đường Đồng Khánh, của tâm hồn người Đồng Khánh. Đồng Khánh được xem là nét duyên xứ Huế ấy đã qua đời từ tháng 4 năm 1975, nhưng mãi đến hôm nay vẫn còn đọng lại nhiều tiếc nhớ bâng khuâng trong tâm tư của nhiều người Huế. Xin được nhắc lại ở đây tiêu đề những bài viết nói về một môi trường giáo dục đáng được gọi là trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò: Nữ công gia chánh, môn học riêng của một trường nữ, Đồng Khánh với những sinh hoạt ngoại khóa, Lễ Hai Bà Trưng và Ngày phụ nữ Việt Nam tại trường Đồng Khánh, Kỷ niệm làm báo Đồng Khánh, Lễ Hai Bà Trưng cuối cùng, Tưởng niệm Thầy Cao Xuân Lữ.
..
Họp mặt Phượng Vỹ và làm báo Phượng Vỹ thực hiện ở nước ngoài nên ít có sự ngộ nhận và không ẩn chứa nhiều rủi ro, bất trắc như việc trao quà Phương Vỹ ở trong nước.  Vì trong hoàn cảnh lịch sử khi ấy, không phải ai cũng tin rằng trao quà Phượng Vỹ chỉ là một việc làm tình nghĩa có tính vị tha. Vì theo thường tình, người ta chỉ bỏ tiền bạc để mua sắm một vật gì hoặc mua chuộc một điều gì có lợi cho mình. Cho nên, ở khởi điểm, muốn chứng tỏ cho mọi người biết việc tiếp nhận ngoại tệ của bằng hữu ở nước ngoài để trao lại cho bạn cũ ở quê nhà chỉ là một việc làm thuần túy tình cảm, không có một ý đồ, một mục đích nào khác, các vị cựu hiệu trưởng như cô Giáng Châu, thầy Tuân, cựu giám học như cô Thu và nhiều thầy cô khác đã lùi lại ở đằng sau để giữ vai phụ, nhường vai chính cho một nữ nhân viên văn phòng trường Đồng Khánh trước đó và trường Hai Bà Trưng sau này là cô Hoàng. Tuy vậy, cái “khởi đầu nan” của “vạn sự” chỉ được khắc phục khi những người phụ trách xuất trình văn bản chứng minh quỹ Phượng Vỹ được thành lập bằng số ngoại tệ ít ỏi do hàng trăm cựu giáo sư và học sinh ĐK – QH  ở nước ngoài quyên góp, quà Phượng Vỹ dành tặng cho tất cả cựu giáo chức và nhân viên hai trường ở trong nước, không phân biệt thành phần hay chính kiến.
..
Đọc LTPV tháng giêng năm 1992, chúng tôi được biết  trong năm 1991, hai năm tám tháng sau ngày thành lập nhóm, cô Hoàng, thầy Tuân và các cọng tác viên đã thực hiện được 470 lần trao quà Phượng Vỹ, cho 319 cựu giáo chức và nhân viên hai trường ĐK – QH,  trong số này có 145 người nhận quà hai lần và 3 người nhận quà ba lần. Những người nhận quà hơn một lần nếu không phải là những thầy,cô lớn tuổi có nhiều đóng góp thì cũng là những cựu giáo chức và nhân viên đang gặp nhiều khó khăn trong đời sống, trong đó có những người từng làm lao công và một số người đã đi kinh tế mới. Trong số 319 giáo chức và nhân viên ấy, nhiều người có mặt ở trường chỉ một vài năm, lại có người đã nghỉ hưu từ nhiều năm về trước, cho nên, truy tìm qua trí nhớ để lập cho được danh sách hơn ba trăm người ấy quả là một việc làm rất công tâm và quá công phu. Lại nữa, mười sáu năm sau ngày miền Nam thay ngôi đổi chủ, đi lại vẫn còn khó khăn, trong khi nhiều cựu giáo chức và nhân viên của hai trường đã giã từ Huế để đi làm ăn kiếm sống ở nhiều địa phương xa lạ, có người ở trong hẻm sâu ngoằn ngoèo của thành phố, có người sống lẩn khuất giữa ruộng đồng, làng xóm của miền quê. Tìm cho ra 319 địa chỉ tản mát như thế để thực hiện chính xác 470 lần trao quà trong một năm quả là một việc làm nhiều công tâm và công phu hơn nữa! Thế nhưng, 319 mới chỉ là số địa chỉ bước đầu có được trong năm 1991. Những thầy cô phụ trách còn âm thầm tìm kiếm địa chỉ đồng nghiệp, cựu nhân viên và học sinh liên tục trong nhiều năm sau với mong muốn món quà tình nghĩa Phượng vỹ đến tay thầy xưa, bạn cũ không thiếu một ai.
..
Huế là đất học mà cũng là xứ nghèo. Bình thường thì giáo chức và nhân viên  ĐK – QH cũng sống được nếu biết tiết kiệm. Nhưng Huế còn là vùng đất nhiều bão lụt và thường chịu thêm nhiều “bão tố” của thời cuộc. Vì thế, đồng tiền dành dụm được của những người Huế lương thiện nếu có thì cũng quá nhỏ nhoi và đã hao hụt nhiều sau một vài lần phải bỏ của mà chạy để giữ lấy thân. Tiếp đến, phải sống hàng chục năm trong khó khăn và gian khổ của kinh tế bao cấp, lại không còn lương tháng hay tiền hưu, giáo chức và nhân viên hai trường giải quyết được vấn đề cơm áo hằng ngày đã là quá khó, biết lấy đâu ra tiền bạc để mua thuốc men cho mình hoặc chi tiêu cho việc ăn học của các con đã khôn lớn, lại còn nhiều việc phải trái mà một người Huế trọng tình nghĩa không thể bỏ qua. Chính trong hoàn cảnh ấy mà về cả hai phương diện vật chất và tinh thần, quà Phượng vỹ có giá trị, có ý nghĩa thật là to lớn:
..
“Những món quà Phượng Vỹ thật sự là cần thiết, là to lớn, có thể nó còn quá vĩ đại  (…), một ân sủng cho một số hoàn cảnh éo le mà mãi cho đến nay các anh chị vẫn còn chưa biết đến .(…)
 Chị biết cứ lấy tiêu chuẩn vật chất mà đo thì thầy cô ai cũng có nhà cao cửa rộng. (…) Nhưng chị có ngờ rằng sau 75, khi nhận quà P.V. lần đầu 50 đô, có một vị đã ứa nước mắt. Thầy nói : Do hoàn cảnh riêng bức bách, thầy có mượn người bạn một chỉ vàng (50 đô). Số nợ này cả người mượn và cho mượn đều biết khó mà trả. Họ là bạn thân, là ĐK – QH cũ. Nhưng thầy ăn ngủ không yên, thầy đã quá già, không lương hưu, cái ăn cầm chừng qua ngày…Món quà P.V. đã giúp cho thầy giải quyết một vấn đề nan giải. Thầy muốn được thanh thản khi bước qua cuộc đời khác, và P.V. đã giúp cho thầy trả được món nợ trần gian !” ( Thư của N , PV 1994)
..
Sau năm 1993, cô Hoàng nghỉ việc vì lâm trọng bệnh, thầy Tuân cựu hiệu trưởng chính thức làm đại diện Quốc Học và cô Thu cựu giám học chính thức làm đại diện Đồng Khánh. Đến khi cô Thu vào Sài Gòn, thầy Nam thay thế và đã hoan hỉ hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp . Từ đây, cách thức chuyển quà có thay đổi : Không duy trì loại quà tình cảm 20 – 30 Mỹ kim mỗi năm cho nhiều người, quà Phượng Vỹ chỉ gởi tặng cựu giáo chức và nhân viên có gia cảnh  khó khăn. Mặt khác, trong khi kinh tế gia đình của nhiều cựu giáo chức đã tạm ổn vì các con đã thành đạt thì một số cựu học sinh hai trường lại lâm vào tình cảnh túng thiếu vì phải chi tiêu nhiều cho việc ăn học của các con đã lớn. Vì lẽ ấy, phạm vi trao quà Phượng Vỹ được mở rộng để giúp đỡ một số cựu học sinh nghèo của hai trường, đồng thời có trợ cấp thêm cho một ít sinh viên và học sinh là con em giáo chức Huế mỗi năm 50 Mỹ kim để hỗ trợ học phí trung học và đại học.
..
Giữa lúc trao quà Phượng Vỹ đợt 2 năm 1999, Huế bị trời hành cơn lụt lịch sử :
“Chưa bao giờ có một trận lụt kinh khủng như thế này ! (…) Tôi thầm nghĩ đã đến ngày tận thế.(…)Khu vực Kim Long tôi ở đã chết vì lụt mười tám người. Thừa Thiên Huế chết và mất tích bốn trăm tám mươi lăm người. Thật quá thảm ! Ôi ! Phút chốc tiêu tán ly sầu…Xác còn xác mất biết đâu mà tìm !(…)
..
Rồi một chuyện vô cùng bất ngờ xẩy ra. Thầy Bính lặn lội đến nhà tôi : Cháu ơi ra nhà cô Thu nhận quà Phượng Vỹ. Tôi reo lên: Ôi ! Phượng Vỹ, tôi thật tình chưa dám nghĩ đến Phượng Vỹ trong cơn khủng hoảng này. Phượng Vỹ đã nhanh tay cứu giúp đến thế sao ! Mẹ con tôi cảm động đến lạnh cả tim, tôi nhìn mẹ úp mặt vào lòng bàn tay che giấu nỗi niềm.(…)
Nhờ có số tiền của Phượng Vỹ, mẹ con tôi cũng như bao người khác đã sắm lại cho con cái bàn học, cái giường nằm, mua bao gạo, sắm lại chén bát, son chảo …đã bị nước cuốn trôi. ( …)
Trong lòng tôi xuất hiện hình ảnh rất đẹp : một nhành hoa phượng đỏ tươi rực rỡ , một giòng máu đỏ Đồng Khánh đang tuần hoàn trong trái tim bao người.” (Bằng cả tấm lòng, PV 2002 )
..
Những năm gần đây, thêm một số cựu giáo chức ĐK – QH định cư ở nước ngoài, số giáo chức hai trường gặp khó khăn trong đời sống có giảm, nhưng quỹ tình thương của Phượng Vỹ vẫn không giảm, nên phạm vi trao quà được mở rộng và “giòng máu đỏ” Phượng Vỹ đã “tuần hoàn trong trái tim” của những người dân nghèo xứ Huế:“ (…)
Nhưng em thường xúc động khi chiều ba mươi Tết mọi người đều tụ họp ở nhà để lo cúng cấp thì vẫn có những người già, những em bé, những bà mẹ còn đi nhặt rác, nên chiều ba mươi năm nào em cũng đi một vòng để giúp những người đó vài chục nghìn để mua 1/2 kí hột dưa hay 1/2 kí mứt gừng cho các cháu nhỏ. (…) Nhớ có năm gần Tết, em đã dùng tiền chị cho để giúp một mệ già 100.000 đồng. Mệ đã rưng rưng nói nhờ tiền này mệ có thể làm một mâm cúng tổ tiên vào ngày 30 Tết, chừ trong túi mệ chỉ có 5000 đồng.” ( Hộp thư PV 2011 – 2012, PV 2012)
..
Ở nước ngoài, nhờ sự hưởng ứng đầy nhiệt tình của nhiều cựu giáo sư và học sinh ĐK – QH trong nhiều năm mà việc chuyển quà Phượng Vỹ được tiến hành liên tục, có phạm vi rộng lớn và đạt kết quả khả quan như thế. Chỉ trong LTPV 2012 đã có một cựu nữ sinh Đồng Khánh tài trợ khoản tiền lớn, 50 nhà hảo tâm ủng hộ quảng cáo, 49 nhà hảo tâm mua vé số và 229 ân nhân đóng góp quỹ Phượng Vỹ 2011. Nhiều giáo chức và cựu học sinh hai trường khi định cư ở nước ngoài thì tuổi đã lớn, cố gắng làm việc nhiều mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Vậy mà, giữa bề bộn khó khăn và lo toan của cuộc sống, nhiều người con của Huế, của hai trường trung học danh giá ở miền Trung vẫn không quên thầy, bạn cũ và đồng bào nghèo ở quê nhà. Tấm lòng ấy thể hiện ý nghĩa câu thơ Gia huấn ca:
..
“Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng.”
..
Vào lúc này, khi LTPV đã giảm số trang và diễn đàn ĐK – QH sắp sửa ngừng tiếng nói, người viết bài này có ý định thay mặt những bạn đồng nghiệp, cựu học sinh và đồng bào nghèo xứ Huế để một lần vinh danh những vị đã có nhiều cống hiến trong hai mươi lăm năm qua. Nhưng suy nghĩ lại, chúng tôi nhận thấy chính tấm lòng vị tha vô ngã cùng cách làm việc thiện không phô trương hình thức, không đề cao cá nhân của quý vị đã đưa Phưọng Vỹ vượt qua những khó khăn ban đầu, khắc phục những trở ngại trong quá trình phát triển để đem lại kết quả đáng tự hào ngày hôm nay. Vì thế, thay vì nêu danh tính, chúng tôi xin kính tặng những nhân vật chủ chốt, những cựu giáo sư, cựu học sinh ĐK – QH đã gắn bó với hoạt động của Phượng Vỹ trong một phần tư thế kỷ,  sáu chữ vàng “Vô Kỷ - Vô Công - Vô Danh” *.
..
Tinh thần phục vụ tận tụy, không vị lợi của cựu giáo chức và học sinh ĐK – QH trong những năm vừa qua là sự tiếp nối tác phong mô phạm và thói quen làm việc chung không so đo tính toán đã tồn tại nhiều năm trong học đường cố đô Huế. Thuở ấy, nghe theo tiếng nói của trái tim, mọi thành viên trong trường tự động, hăng hái tham gia các sinh hoạt học đường, thường phải hi sinh công, của và thì giờ cho mục đích giáo dục, không thi đua với ai để giành danh hiệu, không báo cáo với ai để kể thành tích. Ở  ĐK – QH trước năm 1975, từ ông, bà hiệu trưởng đến anh, chị lao công, mọi người sống chan hòa thân ái, có nghĩa có tình. Cho nên, khi trường lớp đã thay đổi, giáo sư, nhân viên và học sinh đã chia lìa, tình nghĩa ấy vẫn còn để làm nên sức sống, tạo thành vẻ đẹp của Phượng Vỹ hai mươi lăm mùa hoa.
..
Sài Gòn, tháng 4 năm 2013
...
TÁC GIẢ: SÔNG NHỚ NGUỒN
..
(Nguồn: Lá Thư Phượng Vỹ 2013)
.....
----------
...
* Chữ của Trang Tử, trong Nam hoa kinh: “Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh.”  (Phỏng dịch: “Người hoàn hảo không vì mình, người làm thần không kể công, người thành thánh không cần danh.”).....
..
...
.......