Sunday, August 11, 2013

25 mùa hoa Phượng Vỹ

...
...
...


PHƯỢNG VỸ HAI MƯƠI LĂM MÙA HOA
...
TÁC GIẢ: SÔNG NHỚ NGUỒN
...
Đến tháng 9 năm 2013 này, Phượng Vỹ đã có một lịch sử dài hai mươi lăm năm. Hai mươi lăm mùa hoa Phượng Vỹ đánh dấu bằng hai mươi lăm lần họp mặt, hai mươi lăm Lá thư Phượng Vỹ ( LTPV ) cùng với nhiều việc làm tình nghĩa dành cho cựu giáo sư và nhân viên hai trường Đồng Khánh – Quốc Học ( ĐK – QH ) ở quê nhà, nhiều công tác tình thương giúp đỡ những cựu học sinh hai trường gặp khó khăn và cứu trợ một số đồng bào nghèo xứ Huế.
..
 Từ năm 1989, mười bốn năm sau ngày xa quê hương, khi cuộc sống mới ở nước ngoài đã dần đi vào ổn định, những cựu giáo chức và học sinh ĐK – QH  ở nước ngoài bắt đầu nhận thấy mong muốn gặp gỡ thầy xưa bạn cũ trở nên khẩn thiết hơn lúc nào hết. Vì lẽ ấy, sau khi thành lập nhóm Phượng Vỹ – tên của loài hoa nở vào mùa hạ, có màu đỏ thắm thiết, nồng nàn như bầu nhiệt huyết của học trò – cô Quế Hương cùng với một số thân hữu tổ chức mỗi năm một lần họp mặt bạn cũ. Hầu hết các cuộc họp mặt Phượng Vỹ đều diễn ra ở thành phố Houston ( Hoa Kỳ) và đã đi vào nề nếp sau một vài năm. Lần họp mặt nào cũng bắt đầu bằng đêm hội ngộ hàn huyên đầy ắp ân tình, tiếp đến là ngày liên hoan với bữa cơm trưa thân hữu và chương trình văn nghệ gồm nhiều tiết mục tự biên tự diễn gợi nhớ thời hoàng kim của văn nghệ ĐK – QH. Chương trình hội ngộ còn có phần bán đấu giá một tác phẩm nghệ thuật hoặc bán “vé số tình thương” để tăng thu nhập cho quỹ Phượng Vỹ.
..
Ở nơi đất khách, gặp mặt bạn cũ đem lại cho cựu giáo sư và học sinh ĐK – QH  biết bao cảm xúc! Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, hội ngộ Phượng Vỹ đã được nhiều bằng hữu hưởng ứng để trở thành ngày hội truyền thống của rất đông cựu giáo sư và học sinh hai trường trung học lớn nhất cố đô. Sự thành công, sức hấp dẫn của ngày hội được thể hiện rõ nét qua hai mươi lăm lần đến hẹn lại lên của nhiều bạn đồng nghiệp và đông đảo cựu học sinh. Từ các bang của nước Mỹ, từ một số quốc gia khác như Đức và Canada, cũng như từ Việt Nam là quê nhà, mỗi năm một lần, những người con của ĐK – QH năm xưa ở khắp nơi đã vượt qua ngàn dặm xa để đoàn tụ sum vầy, chuyện trò, thăm hỏi và cùng san sẻ với nhau hạnh phúc lớn của đời người là “tha hương ngộ cố tri”.
..
Có người cựu nữ sinh Đồng Khánh trước năm 1975 là một cô giáo người Huế yểu điệu thục nữ. Năm 1975, chồng đi “học tập”, gia đình rơi vào hoàn cảnh túng thiếu  nghiệt ngã. Ở quê nhà, trên đồi cát, cô và các con sống trong gian nhà nhỏ lợp tôn như sống trên một hoang đảo! Bốn năm định cư ở Mỹ theo diện HO, vì lý do sức khỏe, cô chỉ quanh quẩn trong nhà lo bếp núc như phải sống trong một hoang đảo khác! Năm 1997, lần đầu tiên có điều kiện tham dự họp mặt Phượng vỹ ở thành phố Houston,  “Như người ở lâu trong bóng tối tự nhiên ra ánh sáng chói lòa, có thấy chi mô! Phải một lúc lâu sau đó, tôi mới bình tĩnh đến chào các thầy cô cùng các bạn.” Trong lần họp mặt ấy, người cựu nữ sinh Đồng Khánh gặp lại bạn thân từ hồi nhỏ cùng ở trong Thành Nội, cùng học  trường Đồng Khánh. “Không biết bao nhiêu chuyện để nói, nói chuyện mà nước mắt không ngừng tuôn chảy.” (Những cánh phượng cuối mùa nở cho tôi, PV 2012)
..
Trong Truyện Kiều, sau khi đã dùng các từ ngữ “nước mắt”, “hạt lệ , “dòng thu” để biểu đạt nỗi khổ đau, bi lụy của Thúy Kiều trong ba lần than khóc trước, thi hào Nguyễn Du sử dụng hai chữ “giọt châu” để nói lên cái hạnh phúc tuyệt vời mà nàng Kiều có được khi để rơi những giọt nước mắt khóc ngày đoàn viên:
“Giọt châu thánh thót quẹn bào,
Mừng mừng tủi tủi biết bao là tình!” 
..
Dự họp mặt Phượng Vỹ, gặp lại thầy, cô và cố nhân là bạn cũ, hẳn đã có nhiều cựu học sinh ĐK – QH  “không ngừng tuôn chảy” những “giọt châu” rơi “thánh thót”? Tổ chức họp mặt Phượng Vỹ ở nước ngoài, quý thầy cô và các cựu học sinh trong ban điều hành đã đem đến cho những người con của ĐK – QH  năm xưa biết bao nhiêu là “châu báu” của nghĩa đồng bào và tình bằng hữu! Vì tình và nghĩa ấy mà những ai đã tham dự ngày hội Phượng Vỹ một lần thường không thể không hẹn tái ngộ vào năm sau, để “về Houston thăm Huế”, được nói và nghe nhiều tiếng Việt, được thưởng thức những món ăn đậm đà mùi vị quê hương .
..
Lần họp mặt Phượng Vỹ năm nào cũng có phát hành một LTPV. Ban đầu, LTPV  in hai màu đen trắng, đóng thành tập lớn cỡ 21 x 28, nhưng chỉ có mấy chục trang giấy đăng tải đầy đủ chi tiết hàng trăm khoản thu chi để công khai tài chánh. Liên tục trong hai mươi lăm năm, giữa vô số chi phiếu và biên nhận từ khắp nơi gởi về, cô Quế Hương trưởng nhóm đã thầm lặng, nhẫn nại hoàn tất những bản kết toán tài chánh công phu, chính xác và phân minh như thế, để đem lại niềm tin cho các vị hảo tâm đóng góp ngoại tệ ở nước ngoài và tạo sự thuận tiện cho các đồng nghiệp khi đem ngoại tệ ấy giúp đỡ cựu giáo chức và nhân viên ĐK – QH ở trong nước. Về sau, được sự chăm sóc tận tình của cô Thanh Tâm, LTPV  tăng dần số trang, có nội dung phong phú hơn để trở thành một tập báo dày trên dưới ba trăm trang. Trong giai đoạn này, LTPV có nhiều ảnh màu, trang bìa thứ nhất thường là bức tranh thiếu nữ có màu sắc tươi thắm trông rất đẹp mắt của họa sĩ Đinh Cường. Trong nhiều tờ báo học đường  phát hành trong và ngoài nước, ít có ấn phẩm nào dày dặn, đẹp đẽ, có cách trình bày mỹ thuật như các LTPV  ra mắt độc giả khoảng mười năm đầu của thế kỷ XXI.   
..
Những người sáng lập nhóm Phượng Vỹ đã có chủ ý khi lấy từ ngữ “lá thư” để đặt tên cho tờ báo. “Lá thư” khác “tập văn” hay “đặc san”. Chúng ta thường viết thư để trao đổi tâm tình với một người bạn. Trên trang giấy, người viết có thể theo dòng cảm xúc để kể lể niềm vui, nỗi buồn trong hiện tại hoặc những triển vọng tốt đẹp về một ngày mai. Đối với những cựu học sinh ĐK – QH đã ở vào lứa tuổi U 50 hoặc U 60, nội dung của nhiều “lá thư” thường là những hoài niệm về một thời trẻ trung nhiều ước mơ và hi vọng nay đã thành vang bóng. Yêu cầu nghệ thuật không được xem trọng ở đây. Cho nên, đọc những “lá thư” ấy, người ngoại cuộc có thể cho là lan man, dài dòng, không hấp dẫn. Nhưng những tình ý được nói ra ở đó lại có giá trị và đáng trân trọng đối với bạn đồng song là người trong cuộc, vì nó làm sống lại cái thế giới riêng, cái dĩ vãng đầy kỷ niệm đẹp đang nhạt nhòa trong tâm trí tác giả và bạn đọc. Nhờ cách viết không quan tâm nhiều về kỹ thuật hành văn ấy mà LTPV đã liên tục, đều đặn ra mắt độc giả trong suốt hai mươi lăm năm, càng viết thì “lá thư” càng dày và bút lực của cựu học sinh hai trường trung học danh tiếng đất thần kinh tưởng chừng như là vô tận.
..
Chỉ tiếc một điều, vì không nhớ LTPV  là những “lá thư” mở được in thành tập báo để ra mắt nhiều người, vì đã quên viết báo, làm văn là làm nghệ thuật hiểu theo nghĩa chọn lựa và sắp xếp, một ít tác giả đã quá dễ dãi trong khi dùng từ ngữ, đã không làm chủ ngòi bút khi diễn đạt tình ý, đã tạo lập những văn bản mà độc giả khó tính khi nhìn vào có thể nghĩ rằng người viết đã phóng bút hơi quá đà. Thế nhưng, cũng đáng mừng là bên cạnh sự hưởng ứng nồng nhiệt của các cây bút không chuyên, LTPV còn nhận được sự cọng tác của nhiều nhà giáo, nhà thơ, nhà văn qua những tác phẩm: Ngọc Hồ ( PV 2004 ), Có và không ( PV 2004 ), Ngoái nhìn xa ngái ( PV 2005 ), Phong phạm do lưu ( PV 2006), Mầu Phượng vỹ ( PV 2006 ), Một thoáng hương xưa ( PV 2006 ), Bài phát biểu mừng thọ 80 thầy Lê Quân Thụy (PV 2006 ), Vuông  sân nhỏ ( PV 2007), v.v.
..
“Lá thư” còn có một chức năng khác là chuyển tải thông tin để đáp lại tiếng gọi đàn của những cánh chim ĐK – QH đã rời xa tổ ấm và đang bay tản mát khắp các phương trời. Người đọc có thể theo dõi Danh sách ân nhân đóng góp quỹ Phượng Vỹ hoặc Danh sách nhận quà Phượng Vỹ để gặp lại những cái tên thân quen, gián tiếp nhận ở đó một ít hiểu biết về sức khỏe, nơi cư trú và tình trạng tài chánh của nhiều thầy cô và bạn cũ ở trong nước và ngoài nước. Thông tin trực tiếp về sinh hoạt của đại gia đình Phượng Vỹ ở quốc nội và hải ngoại đầy ắp trong những bài viết : Trao quà Phượng vĩ ( PV 1994 ), Những vòng hoa cho ngày Phượng vỹ 2003 ( PV 2004), Hạnh ngộ trong đời ( PV 2007 ), v.v. Những thông tin trực tiếp về hai trường ĐK – QH ngày xưa được tìm thấy qua những bài viết : Bước chân vào nghề giáo ( PV 2002 ),  Nhóm thứ năm (PV 2004), Chiếc khăn bàn ( PV 2005 ),v.v.
..
Có một loại thông tin khác nữa mà  nhiều bạn đọc của LTPV đang mong chờ và yêu mến. Đó là những ký ức, những hoài niệm về cố đô Huế, thành phố trong nhiều thế kỷ là trung tâm chính trị và văn hóa của miền Trung, với những cảnh sắc “không nơi nào có được”, với giọng nói “âm trầm sâu lắng lạ ” của những người Huế mới nghe “đưa câu Mái đẩy” đã “chạnh lòng nước non”. Những người con xa xứ của Huế như được về thăm quê cũ, như được nguôi khuây phần nào tình hoài hương khi đọc những bài viết: Giọng Huế đâu rồi ( PV 2005 ), Xóm cũ, người xưa (PV 2006 ), Tình thơ ( PV 2006 ), Tìm lại dấu xưa ( PV 2007 ), Huế và Đồng Khánh, Quốc Học trường xưa ( PV 2008 ),v.v.
..
Tin tức quan trọng mà LTPV  muốn gởi đến mọi người là báo cáo thu chi tài chánh hàng năm. Không phải ngẫu nhiên mà ở một trong những trang đầu của LTPV nào, sau Mục lục và Thành phần ban đại diện, cũng xuất hiện bảng Đối chiếu thu chi kể từ năm đầu cho đến năm phát hành “lá thư” ấy. Chỉ cần nhìn vào trang báo này bạn đọc có thể nhận biết sự phát triển của quỹ Phượng Vỹ trong nhiều năm đã qua. Đó là số thu năm sau thường cao hơn số thu năm trước và mười một năm sau ngày thành lập, năm 2000, số tiền quyên góp đã tăng gấp năm lần số tiền tiếp nhận trong năm đầu. Những con số như muốn lên tiếng nói: Ý nghĩa, mục đích cao đẹp của Phượng Vỹ đã sáng tỏ theo với thời gian; các vị thân hữu, cựu giáo chức và học sinh hai trường đã đặt trọn niềm tin ở ban điều hành khi góp những đồng tiền dành dụm của mình cho quỹ Phượng Vỹ. Nói một cách khái quát, số ngoại tệ lưu thông qua tay của quý thầy, cô phụ trách việc thu chi, tính theo số tròn, có thể đã lên tới  900.000 Mỹ kim! Tiếp nhận và phân chia một số tiền lớn hơn 18 tỉ đồng suốt hai mươi lăm năm mà những người có trách nhiệm chưa  một lần phải nghe lời đàm tiếu quanh co về tiền bạc! Trên cõi đời này, có mấy ai tham dự các hoạt động nhuốm hơi đồng mà còn giữ được hai bàn tay sạch !? ..
..
Trong hai mươi lăm ấn phẩm đã phát hành, có thể nói LTPV 2011 là số báo được nhiều bạn đọc yêu thích.  Lý do là vì “lá thư” này có nhiều bài viết công phu, chất lượng, cùng tập trung vào một chủ đích làm sống lại tính chất nhân văn và giá trị thẩm mỹ của sinh hoạt học đường Đồng Khánh, của tâm hồn người Đồng Khánh. Đồng Khánh được xem là nét duyên xứ Huế ấy đã qua đời từ tháng 4 năm 1975, nhưng mãi đến hôm nay vẫn còn đọng lại nhiều tiếc nhớ bâng khuâng trong tâm tư của nhiều người Huế. Xin được nhắc lại ở đây tiêu đề những bài viết nói về một môi trường giáo dục đáng được gọi là trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò: Nữ công gia chánh, môn học riêng của một trường nữ, Đồng Khánh với những sinh hoạt ngoại khóa, Lễ Hai Bà Trưng và Ngày phụ nữ Việt Nam tại trường Đồng Khánh, Kỷ niệm làm báo Đồng Khánh, Lễ Hai Bà Trưng cuối cùng, Tưởng niệm Thầy Cao Xuân Lữ.
..
Họp mặt Phượng Vỹ và làm báo Phượng Vỹ thực hiện ở nước ngoài nên ít có sự ngộ nhận và không ẩn chứa nhiều rủi ro, bất trắc như việc trao quà Phương Vỹ ở trong nước.  Vì trong hoàn cảnh lịch sử khi ấy, không phải ai cũng tin rằng trao quà Phượng Vỹ chỉ là một việc làm tình nghĩa có tính vị tha. Vì theo thường tình, người ta chỉ bỏ tiền bạc để mua sắm một vật gì hoặc mua chuộc một điều gì có lợi cho mình. Cho nên, ở khởi điểm, muốn chứng tỏ cho mọi người biết việc tiếp nhận ngoại tệ của bằng hữu ở nước ngoài để trao lại cho bạn cũ ở quê nhà chỉ là một việc làm thuần túy tình cảm, không có một ý đồ, một mục đích nào khác, các vị cựu hiệu trưởng như cô Giáng Châu, thầy Tuân, cựu giám học như cô Thu và nhiều thầy cô khác đã lùi lại ở đằng sau để giữ vai phụ, nhường vai chính cho một nữ nhân viên văn phòng trường Đồng Khánh trước đó và trường Hai Bà Trưng sau này là cô Hoàng. Tuy vậy, cái “khởi đầu nan” của “vạn sự” chỉ được khắc phục khi những người phụ trách xuất trình văn bản chứng minh quỹ Phượng Vỹ được thành lập bằng số ngoại tệ ít ỏi do hàng trăm cựu giáo sư và học sinh ĐK – QH  ở nước ngoài quyên góp, quà Phượng Vỹ dành tặng cho tất cả cựu giáo chức và nhân viên hai trường ở trong nước, không phân biệt thành phần hay chính kiến.
..
Đọc LTPV tháng giêng năm 1992, chúng tôi được biết  trong năm 1991, hai năm tám tháng sau ngày thành lập nhóm, cô Hoàng, thầy Tuân và các cọng tác viên đã thực hiện được 470 lần trao quà Phượng Vỹ, cho 319 cựu giáo chức và nhân viên hai trường ĐK – QH,  trong số này có 145 người nhận quà hai lần và 3 người nhận quà ba lần. Những người nhận quà hơn một lần nếu không phải là những thầy,cô lớn tuổi có nhiều đóng góp thì cũng là những cựu giáo chức và nhân viên đang gặp nhiều khó khăn trong đời sống, trong đó có những người từng làm lao công và một số người đã đi kinh tế mới. Trong số 319 giáo chức và nhân viên ấy, nhiều người có mặt ở trường chỉ một vài năm, lại có người đã nghỉ hưu từ nhiều năm về trước, cho nên, truy tìm qua trí nhớ để lập cho được danh sách hơn ba trăm người ấy quả là một việc làm rất công tâm và quá công phu. Lại nữa, mười sáu năm sau ngày miền Nam thay ngôi đổi chủ, đi lại vẫn còn khó khăn, trong khi nhiều cựu giáo chức và nhân viên của hai trường đã giã từ Huế để đi làm ăn kiếm sống ở nhiều địa phương xa lạ, có người ở trong hẻm sâu ngoằn ngoèo của thành phố, có người sống lẩn khuất giữa ruộng đồng, làng xóm của miền quê. Tìm cho ra 319 địa chỉ tản mát như thế để thực hiện chính xác 470 lần trao quà trong một năm quả là một việc làm nhiều công tâm và công phu hơn nữa! Thế nhưng, 319 mới chỉ là số địa chỉ bước đầu có được trong năm 1991. Những thầy cô phụ trách còn âm thầm tìm kiếm địa chỉ đồng nghiệp, cựu nhân viên và học sinh liên tục trong nhiều năm sau với mong muốn món quà tình nghĩa Phượng vỹ đến tay thầy xưa, bạn cũ không thiếu một ai.
..
Huế là đất học mà cũng là xứ nghèo. Bình thường thì giáo chức và nhân viên  ĐK – QH cũng sống được nếu biết tiết kiệm. Nhưng Huế còn là vùng đất nhiều bão lụt và thường chịu thêm nhiều “bão tố” của thời cuộc. Vì thế, đồng tiền dành dụm được của những người Huế lương thiện nếu có thì cũng quá nhỏ nhoi và đã hao hụt nhiều sau một vài lần phải bỏ của mà chạy để giữ lấy thân. Tiếp đến, phải sống hàng chục năm trong khó khăn và gian khổ của kinh tế bao cấp, lại không còn lương tháng hay tiền hưu, giáo chức và nhân viên hai trường giải quyết được vấn đề cơm áo hằng ngày đã là quá khó, biết lấy đâu ra tiền bạc để mua thuốc men cho mình hoặc chi tiêu cho việc ăn học của các con đã khôn lớn, lại còn nhiều việc phải trái mà một người Huế trọng tình nghĩa không thể bỏ qua. Chính trong hoàn cảnh ấy mà về cả hai phương diện vật chất và tinh thần, quà Phượng vỹ có giá trị, có ý nghĩa thật là to lớn:
..
“Những món quà Phượng Vỹ thật sự là cần thiết, là to lớn, có thể nó còn quá vĩ đại  (…), một ân sủng cho một số hoàn cảnh éo le mà mãi cho đến nay các anh chị vẫn còn chưa biết đến .(…)
 Chị biết cứ lấy tiêu chuẩn vật chất mà đo thì thầy cô ai cũng có nhà cao cửa rộng. (…) Nhưng chị có ngờ rằng sau 75, khi nhận quà P.V. lần đầu 50 đô, có một vị đã ứa nước mắt. Thầy nói : Do hoàn cảnh riêng bức bách, thầy có mượn người bạn một chỉ vàng (50 đô). Số nợ này cả người mượn và cho mượn đều biết khó mà trả. Họ là bạn thân, là ĐK – QH cũ. Nhưng thầy ăn ngủ không yên, thầy đã quá già, không lương hưu, cái ăn cầm chừng qua ngày…Món quà P.V. đã giúp cho thầy giải quyết một vấn đề nan giải. Thầy muốn được thanh thản khi bước qua cuộc đời khác, và P.V. đã giúp cho thầy trả được món nợ trần gian !” ( Thư của N , PV 1994)
..
Sau năm 1993, cô Hoàng nghỉ việc vì lâm trọng bệnh, thầy Tuân cựu hiệu trưởng chính thức làm đại diện Quốc Học và cô Thu cựu giám học chính thức làm đại diện Đồng Khánh. Đến khi cô Thu vào Sài Gòn, thầy Nam thay thế và đã hoan hỉ hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp . Từ đây, cách thức chuyển quà có thay đổi : Không duy trì loại quà tình cảm 20 – 30 Mỹ kim mỗi năm cho nhiều người, quà Phượng Vỹ chỉ gởi tặng cựu giáo chức và nhân viên có gia cảnh  khó khăn. Mặt khác, trong khi kinh tế gia đình của nhiều cựu giáo chức đã tạm ổn vì các con đã thành đạt thì một số cựu học sinh hai trường lại lâm vào tình cảnh túng thiếu vì phải chi tiêu nhiều cho việc ăn học của các con đã lớn. Vì lẽ ấy, phạm vi trao quà Phượng Vỹ được mở rộng để giúp đỡ một số cựu học sinh nghèo của hai trường, đồng thời có trợ cấp thêm cho một ít sinh viên và học sinh là con em giáo chức Huế mỗi năm 50 Mỹ kim để hỗ trợ học phí trung học và đại học.
..
Giữa lúc trao quà Phượng Vỹ đợt 2 năm 1999, Huế bị trời hành cơn lụt lịch sử :
“Chưa bao giờ có một trận lụt kinh khủng như thế này ! (…) Tôi thầm nghĩ đã đến ngày tận thế.(…)Khu vực Kim Long tôi ở đã chết vì lụt mười tám người. Thừa Thiên Huế chết và mất tích bốn trăm tám mươi lăm người. Thật quá thảm ! Ôi ! Phút chốc tiêu tán ly sầu…Xác còn xác mất biết đâu mà tìm !(…)
..
Rồi một chuyện vô cùng bất ngờ xẩy ra. Thầy Bính lặn lội đến nhà tôi : Cháu ơi ra nhà cô Thu nhận quà Phượng Vỹ. Tôi reo lên: Ôi ! Phượng Vỹ, tôi thật tình chưa dám nghĩ đến Phượng Vỹ trong cơn khủng hoảng này. Phượng Vỹ đã nhanh tay cứu giúp đến thế sao ! Mẹ con tôi cảm động đến lạnh cả tim, tôi nhìn mẹ úp mặt vào lòng bàn tay che giấu nỗi niềm.(…)
Nhờ có số tiền của Phượng Vỹ, mẹ con tôi cũng như bao người khác đã sắm lại cho con cái bàn học, cái giường nằm, mua bao gạo, sắm lại chén bát, son chảo …đã bị nước cuốn trôi. ( …)
Trong lòng tôi xuất hiện hình ảnh rất đẹp : một nhành hoa phượng đỏ tươi rực rỡ , một giòng máu đỏ Đồng Khánh đang tuần hoàn trong trái tim bao người.” (Bằng cả tấm lòng, PV 2002 )
..
Những năm gần đây, thêm một số cựu giáo chức ĐK – QH định cư ở nước ngoài, số giáo chức hai trường gặp khó khăn trong đời sống có giảm, nhưng quỹ tình thương của Phượng Vỹ vẫn không giảm, nên phạm vi trao quà được mở rộng và “giòng máu đỏ” Phượng Vỹ đã “tuần hoàn trong trái tim” của những người dân nghèo xứ Huế:“ (…)
Nhưng em thường xúc động khi chiều ba mươi Tết mọi người đều tụ họp ở nhà để lo cúng cấp thì vẫn có những người già, những em bé, những bà mẹ còn đi nhặt rác, nên chiều ba mươi năm nào em cũng đi một vòng để giúp những người đó vài chục nghìn để mua 1/2 kí hột dưa hay 1/2 kí mứt gừng cho các cháu nhỏ. (…) Nhớ có năm gần Tết, em đã dùng tiền chị cho để giúp một mệ già 100.000 đồng. Mệ đã rưng rưng nói nhờ tiền này mệ có thể làm một mâm cúng tổ tiên vào ngày 30 Tết, chừ trong túi mệ chỉ có 5000 đồng.” ( Hộp thư PV 2011 – 2012, PV 2012)
..
Ở nước ngoài, nhờ sự hưởng ứng đầy nhiệt tình của nhiều cựu giáo sư và học sinh ĐK – QH trong nhiều năm mà việc chuyển quà Phượng Vỹ được tiến hành liên tục, có phạm vi rộng lớn và đạt kết quả khả quan như thế. Chỉ trong LTPV 2012 đã có một cựu nữ sinh Đồng Khánh tài trợ khoản tiền lớn, 50 nhà hảo tâm ủng hộ quảng cáo, 49 nhà hảo tâm mua vé số và 229 ân nhân đóng góp quỹ Phượng Vỹ 2011. Nhiều giáo chức và cựu học sinh hai trường khi định cư ở nước ngoài thì tuổi đã lớn, cố gắng làm việc nhiều mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Vậy mà, giữa bề bộn khó khăn và lo toan của cuộc sống, nhiều người con của Huế, của hai trường trung học danh giá ở miền Trung vẫn không quên thầy, bạn cũ và đồng bào nghèo ở quê nhà. Tấm lòng ấy thể hiện ý nghĩa câu thơ Gia huấn ca:
..
“Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng.”
..
Vào lúc này, khi LTPV đã giảm số trang và diễn đàn ĐK – QH sắp sửa ngừng tiếng nói, người viết bài này có ý định thay mặt những bạn đồng nghiệp, cựu học sinh và đồng bào nghèo xứ Huế để một lần vinh danh những vị đã có nhiều cống hiến trong hai mươi lăm năm qua. Nhưng suy nghĩ lại, chúng tôi nhận thấy chính tấm lòng vị tha vô ngã cùng cách làm việc thiện không phô trương hình thức, không đề cao cá nhân của quý vị đã đưa Phưọng Vỹ vượt qua những khó khăn ban đầu, khắc phục những trở ngại trong quá trình phát triển để đem lại kết quả đáng tự hào ngày hôm nay. Vì thế, thay vì nêu danh tính, chúng tôi xin kính tặng những nhân vật chủ chốt, những cựu giáo sư, cựu học sinh ĐK – QH đã gắn bó với hoạt động của Phượng Vỹ trong một phần tư thế kỷ,  sáu chữ vàng “Vô Kỷ - Vô Công - Vô Danh” *.
..
Tinh thần phục vụ tận tụy, không vị lợi của cựu giáo chức và học sinh ĐK – QH trong những năm vừa qua là sự tiếp nối tác phong mô phạm và thói quen làm việc chung không so đo tính toán đã tồn tại nhiều năm trong học đường cố đô Huế. Thuở ấy, nghe theo tiếng nói của trái tim, mọi thành viên trong trường tự động, hăng hái tham gia các sinh hoạt học đường, thường phải hi sinh công, của và thì giờ cho mục đích giáo dục, không thi đua với ai để giành danh hiệu, không báo cáo với ai để kể thành tích. Ở  ĐK – QH trước năm 1975, từ ông, bà hiệu trưởng đến anh, chị lao công, mọi người sống chan hòa thân ái, có nghĩa có tình. Cho nên, khi trường lớp đã thay đổi, giáo sư, nhân viên và học sinh đã chia lìa, tình nghĩa ấy vẫn còn để làm nên sức sống, tạo thành vẻ đẹp của Phượng Vỹ hai mươi lăm mùa hoa.
..
Sài Gòn, tháng 4 năm 2013
...
TÁC GIẢ: SÔNG NHỚ NGUỒN
..
(Nguồn: Lá Thư Phượng Vỹ 2013)
.....
----------
...
* Chữ của Trang Tử, trong Nam hoa kinh: “Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh.”  (Phỏng dịch: “Người hoàn hảo không vì mình, người làm thần không kể công, người thành thánh không cần danh.”).....
..
...
.......